Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/04/2017

Muốn "Nối Vòng Tay Lớn" phải xin phép ?

Cát Linh

Ca khúc Nối Vòng Tay Lớn và ba ca khúc khác của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là Huế - Sài Gòn - Hà Nội, Ca dao mẹĐêm thấy ta là thác đổ bị Cục nghệ thuật biểu diễn cho biết không nằm trong danh mục phổ biến bởi chưa xin phép.

vongtay1

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc sinh thời. Ảnh chụp ngày 2/4/2000. AFP photo

 ‘Quá ngạc nhiên’

"Bất ngờ" ; "không hiểu được" hay "quá ngạc nhiên", đó là tất cả những gì mà bà Trịnh Vĩnh Trinh, em gái của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do vào tối thứ Ba, 4 tháng 11.

"Tôi thấy bài này là cả đất nước Việt Nam đã hát và được phép sử dụng rất lâu rồi, được hát khắp nơi. Lời trong bài hát có những ý nghĩa mà cả đất nước này ai cũng muốn hát bài đó. Gia đình rất ngạc nhiên khi nghe nói không cho phép".

"Bất cứ buổi họp mặt nào, ngay cả buổi lớn buổi nhỏ, tụ tập ở nhà người ta cũng hát bài đó. Họ gặp nhau là họ hát bài đó".

Ca khúc Nối vòng tay lớn, cùng 3 tác phẩm khác của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, là Huế - Sài Gòn - Hà Nội, Ca dao mẹ và Đêm thấy ta là thác đổ bất ngờ nhận được thông báo từ Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết những ca khúc này "chưa được cấp giấy phép" nên không thể phổ biến trong chương trình "Nối vòng tay lớn" vào đêm 21 tháng 4 sắp đến.

Theo gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn kể lại, "Nối vòng tay lớn" là đêm nhạc do trường Đại học Y dược Huế tổ chức nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập.

Chương trình dự kiến sẽ có rất nhiều giáo sư, bác sĩ từ khắp nơi trên thế giới tề tựu về. Đó là những người thành nhân, thành danh sau khi bước ra từ Đại học Y dược Huế, và rất yêu nhạc Trịnh Công Sơn.

Chính vì vậy, khi trường ngỏ lời về đêm nhạc có tên "Nối vòng tay lớn" mang nhiều ý nghĩa của sự đoàn tụ như thế, đã nhận được ngay sự đồng ý từ gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Bà Trịnh Vĩnh Trinh cho biết, gia đình và phía trường Đại học đã thực hiện đúng thủ tục của một đêm diễn, đó là xin giấy phép thực hiện, thế nhưng, sự việc trở nên khôi hài khi họ khước từ bốn ca khúc trong danh sách các bài hát.

"Về luật của Việt Nam, đối với gia đình cũng như đối với tất cả những nơi có buổi biểu diễn thì cho dù nhạc của ai cũng phải xin giấy phép. Ngay cả tôi biết ngoài Huế (trường Đại học) cũng xin giấy phép vì chương trình có mấy chục bài thì được chấp nhận nhưng họ trả lời bài Nối vòng tay lớn thì không chấp nhận".

Lại liên quan bản gốc ?

VIETNAM-SINGER

Hàng ngàn người dân tiễn đưa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại thành phố Hồ Chí Minh hôm 4/4/2001. AFP photo

Báo Vnexpress hôm thứ Ba dẫn lời ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn giải thích và chúng tôi xin trích nguyên văn : "Theo Nghị định của Chính phủ về phổ biến các sáng tác trước năm 1975, các đơn vị tổ chức, cá nhân muốn biểu diễn những tác phẩm này phải tự hoàn thiện hồ sơ gửi lên Cục. Hồ sơ bao gồm nhiều giấy tờ như đơn đề nghị cấp phép, bản ghi âm nội dung tác phẩm và chứng nhận của tác giả chủ sở hữu tác phẩm hoặc tổ chức đại diện quyền tác giả".

Cũng theo ông Nguyễn Đăng Chương, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã nhận được hồ sơ xin cấp phép ca khúc Nối vòng tay lớn từ trường Đại học Y Dược Huế. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu chứng nhận của tác giả chủ sở hữu tác phẩm hoặc tổ chức đại diện quyền tác giả (trong trường hợp này là gia đình của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn).

Bà Trịnh Vĩnh Trinh cho chúng tôi biết bà có nhận được đề nghị giúp đỡ từ một trung tâm nhạc để xác nhận ca khúc Nối vòng tay lớn là "đúng nhạc, đúng lời".

"Không phải gia đình đứng ra tổ chức. Chẳng qua ngoài Huế có nhờ gia đình. Đây là trường học, các cô các thầy không quen ca sĩ để mời thì có nhờ gia đình. Bây giờ mình không phải đứng ra tổ chức để xin giấy phép thì làm sao mình ký vào tờ giấy bảo tôi xác nhận bài hát Nối Vòng Tay Lớn là lời đúng và nhạc đúng ?"

Phó Giáo sư Tiến sĩ Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam, trước khi trả lời chúng tôi về vấn đề xung quanh câu chuyện bản gốc, bản quyền, ông đưa ra nhận định về ca khúc Nối vòng tay lớn.

"Theo tôi nghĩ không hề có vấn đề gì về vấn đề ý thức hệ, hay chế độ cũ hay chế độ mới. Hơn nữa Trịnh Công Sơn là một tác giả không có vấn đề gì về câu chuyện này".

Điều ông Lương Hồng Quang nói được chứng minh trong mấy năm qua, ca khúc đã quá quen thuộc với dân tộc Việt Nam. Ngay cả khi Tổng thống Obama có chuyến công du Việt Nam cũng nhắc đến. Nguyên bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry khi chào tạm biệt Việt Nam tại buổi tiệc ở Dinh Thống nhất cũng cất lên tiếng hát cùng Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng.

Do đó, vấn đề được ông Lương Hồng Quang giải thích liên quan đến điều ông gọi là "sở hữu trí tuệ" và "yếu tố xử lý kỹ thuật".

"Vấn đề hiện nay đụng đến vấn đề khi Việt Nam tăng cường cái sở hữu trí tuệ thì đụng chạm đến tính nguyên gốc, nguyên bản. trong thực tiễn của một xã hội đang/ chậm phát triển như Việt Nam gần đây, khi thực thi quyền tác giả thì đụng chạm đến những vấn đề mang tính kỹ thuật. và nó nảy sinh ra những vấn đề xử lý. Chứ đứng về mặt ý thức hệ, theo quan điểm cá nhân của tôi tôi cho rằng không có vấn đề phân biệt gì cả".

Vấn đề bản quyền, bản gốc gần đây đã xảy ra với nhiều tác phẩm được sáng tác trước 1975. Tất cả những sự việc này, theo ông Lương Hồng Quang, là "thể hiện sự lúng túng của cơ quan quản lý nhà nước".

"Khi luật đã đặt ra như thế và đặt vào từng trường hợp cụ thể thì nó lại trật về mặt kỹ thuật".

Sự lúng túng của cơ quan quản lý mà ông Lương Hồng Quang nhắc đến, có lẽ thấy rõ hơn qua năm ca khúc "nhạc vàng" là Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh - Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương) có lệnh cấm vĩnh viễn ngày 3 tháng 4 vừa qua vì không chứng minh được bản gốc. Đến hôm nay, thứ Tư, 11 tháng 4, một trang báo mạng trong nước cho biết bản gốc của năm ca khúc đó đã được tìm thấy.

Như thế, có phải đồng nghĩa với lệnh cấm vĩnh viễn sẽ được rút lại hay không ?

Câu trả lời về số phận năm ca khúc trên chưa biết thế nào. Nhưng riêng đối với Nối vòng tay lớn nói riêng và những ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói chung, bà Trịnh Vĩnh Trinh cho biết bà và gia đình "chỉ muốn bài Nối Vòng Tay Lớn được trả về vị trí như nhà nước chấp nhận trước đây và mọi chuyện cho qua một cách nhẹ nhàng".

Cát Linh, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 12/04/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Cát Linh
Read 800 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)