Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/03/2020

Dân không có quyền mà hót nhân quyền

Phạm Trần

Nói chuyện quyền dân hay nhân quyền với chế độ cộng sản Việt Nam như nước đổ đầu vịt hay nước đổ lá khoai, thế mà nhà nước và báo đài đảng thì cứ oang oang cái mồm "Tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chủ trương nhất quán của Việt Nam".

nhanquyen1

Người phóng ra câu nói nhạt như nước lã ao bèo này hôm 23/3/2020, là phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng.

Ngoài ra, báo Quân đội nhân dân - cái loa của Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng - cũng tát nước theo mưa bằng giọng điệu lãng nhách rằng :

"Thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là những vấn đề trọng tâm trong triển khai Hiến pháp năm 2013, trong chính sách phát triển kinh tế-xã hội cũng như trong thực tiễn đời sống ở Việt Nam" (Quân đội nhân dân, 23/03/2020).

Những tuyên bố không đúng sự thật này của Việt nam được đưa ra nhằm phản bác Báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ, công bố ngày 11/03/2020, về tình hình nhân quyền ở Việt Nam năm 2019.

Báo cáo Mỹ không thay đổi nhiều với các vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trong các năm trước, nhưng vẫn lập lại những vi phạm cũ với cường độ đàn áp mạnh hơn và có phối hợp chặt chẽ hơn giữa Bộ Cộng an và Quân đội.

Báo cáo Mỹ nói gì ?

Nhìn tổng quát, các vi phạm nhân quyền (được tạm dịch) bao gồm :

"Tiếp tục tình trạng giết người bất hợp pháp và bừa bãi ; cưỡng chế đưa đi mất tích ; tra tấn bởi nhân viên công lực ; bắt bớ và giam giữ tùy tiện bởi nhà nước ; các tù nhân chính trị ; thiếu độc lập của hệ thống pháp lý ; xâm phạm bừa bãi và phi pháp đối với quyền riêng tư…

Tồi tệ hơn là ngăn cấm quyền phát biểu tự do, báo chí, internet, kể cả việc bắt bớ bừa bãi và truy tố những người chỉ trích chính phủ, kiểm duyệt, ngăn chặn các cổng thông tin điện tử và tội trạng hóa các hành động này ; tăng cường can thiệp vào các cuộc hội họp ôn hòa và tự do tập hợp ; hạn chế quyền tự do đi lại của những người hoạt động nhân quyền ; ngăn chặn các hoạt động chính trị ; hành động tham nhũng gia tăng đáng kể ; phi pháp hóa các nghiệp đoàn thương mại độc lập ; buôn bán con người và sử dụng lao động trẻ em".

Nhưng trong trường hợp Việt Nam, đã và đang có rất nhiều trẻ em phải lao động dưới tuổi tối thiểu 15, nữ chiếm đa số, đặc biệt ở thôn quê, vùng cao và hải đảo nghèo.

Theo tin của Tổ chức Lao động Quốc tế-Văn phòng Việt Nam (ILO, International Labor Organization-Vietnam) thì một thống kê điều ra năm 2012 của Bộ Lao động Việt Nam, được phổ biến năm 2014, cho thấy :

"Trong tổng số trên 18,3 triệu trẻ em, có khoảng 1/6 trong số này (2,83 triệu em) đang tham gia hoạt động kinh tế, trong đó 42,6% là trẻ em gái. Gần 86% trẻ em hoạt động kinh tế sinh sống ở nông thôn và gần 2/3 số này thuộc nhóm 15 - 17 tuổi. Do đặc thù của nền kinh tế còn phát triển ở giai đoạn thấp, tuổi bắt đầu tham gia hoạt động kinh tế khá sớm, phổ biến từ 12 tuổi trở lên. Việc tham gia hoạt động kinh tế có ảnh hưởng đến tình hình học tập của trẻ, với khoảng 41,6% trẻ em tham gia hoạt động kinh tế không đi học (trên 2% chưa từng đi học). Thời gian làm việc của trẻ em khá dài, với khoảng 27,4% trẻ em làm việc trên 42 giờ/tuần".

Nghiên cứu cũng cho biết :

"Có khoảng 278.884 lao động trẻ em trong ngành trồng lúa. Khoảng 32,9 phần trăm, hay 91.753 em trong số này dưới 15 tuổi, là độ tuổi lao động tối thiểu ở Việt Nam. Trong số ước tính 278.884 lao động trẻ em trồng lúa, có 13,6 phần trăm từ 5-11 tuổi, 19,3 phần trăm từ 12-14 tuổi, và 67,1 phần trăm từ 15-17 tuổi. Cuộc điều tra này xem một trẻ em là lao động trẻ em nếu em đó làm việc quá số giờ mỗi tuần cho độ tuổi của mình, hoặc nếu em đó tham gia những công việc mà luật pháp quốc gia cấm làm nếu chưa đủ tuổi" (Theo tin của Prav-TV) (1).

Ngoài ra thân nhân của những người bị chết ở đồng Công an bị khủng bố và hành hạ bời chính quyền địa phương (2).

Nói có mà không

Phần mở đầu trong Báo cáo của Hoa Kỳ tuy tóm lược, nhưng rất đầy đủ, đã nói hết những vi phạm nhân quyền của nhà nước cộng sản Việt Nam về các quyền của công dân đã được công nhận trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013.

Tiêu biểu như trong Điều 25 ghi rằng :

"Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".

Nhưng trong thực tế, người dân chưa bao giờ được thực thi các quyền này. Nhà nước có Luật Báo chí, nhưng chi áp dụng cho báo chí của đảng, của các tổ chức do đảng thành lập hay yểm trợ và của nhà nước từ trung ương xuống cơ sở.

Những người làm báo, hoặc là đảng viên hay nhân viên phải phục tùng lệnh phục vụ và tuyên truyền cho Đảng. Tuy mỗi báo, Đài phát thanh, đài Truyền hình có một Tổng Biên Tập, nhưng quyền cao nhất và kiểm soát tất cả các Tổng Biên tập lại nằm trong tay Trưởng ban Tuyên giáo trung ương, bây giờ là ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị.

Tư nhân không có quyền ra báo và những nhà báo độc lập, tự do -- đa số là các Bloggers, Facebookers – hoàn toàn không được tự do truyền tải thông tin theo ý muốn. Họ bị khống chế, đe dọa và đàn áp, kể cả bị bắt giam, truy tố, phạt tiền và phạt tù.

Bên cạnh đó là các cuộc hội họp của dân, nếu không có phép, bị dẹp tan, những người chủ xướng bị bắt điều tra, phạt tù (trong trường hợp bị khép tội có âm mưu lật đổ chính quyền, chống lại nhà nước, chống lại nhân dân v.v.).

Hai Dự luật Lập hội và Biểu tình, sau nhiều năm sửa đổi, vẫn chưa được thảo luận tại Quốc hội, trong khi Công an lại được lệnh đàn áp các cuộc biểu tình chống Trung Quốc lấn chiềm biển đảo của Việt Nam do các nhóm Tổ chức Dân sử chủ động.

Người dân cũng rất công phẫn khi bị đàn áp trong các lần tổ chức truy điệu và ghi công các chiến sĩ, của cả hai chế độ Việt Nam Cộng Hòa và của cộng sản Việt Nam, đã hy sinh trong các cuộc chiến bảo vệ lãnh thổ chống quân Tầu xâm lược ở Hoàng Sa tháng 01 năm 1974, cuộc chiến Gạc Ma, Trường Sa ngày 14/03/1988 và 10 năm chiến tranh biên giới, 1979-1989.

Trong lĩnh vực tôn giáo, chả cần phải nói nhiều thì ai cũng biết, chủ trương "xin-cho", kiểm soát và tìm mọi cách để ngăn cản các hoạt động tôn giáo, nhất là đối với các tôn giáo không chịu khép mình cho nhà nước chi phối, kiểm soát, là ưu tiên hàng đầu của Đảng.

Bằng chứng như Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất (tên quen thuộc là Phật giáo Ấn Quang) đã bị phá hoại làm tan rã vì không chịu chui vào tổ chức Giáo hội Phật giáo "quốc doanh" Việt Nam.

Giáo hội Công giáo, tuy có hậu thuẫn quốc tế của Vatican và Giáo hoàng, nhưng vẫn phải đương đầu với muôn vàn trở ngại trong việc tu hành, bổ nhiệm và thuyên chuyển các linh mục và giám mục. Những linh mục, tiêu biểu như các Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, hoạt động xã hội, nhân đạo và bảo vệ quyền làm người để tuyên dương đức tin Thiên Chúa, đã bị trù dập, bị cưỡng bách phân tán đến các vùng xa xôi, hẻo lánh.

Ấy thế mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, khi được báo chí hỏi phản ứng về Báo cáo nhân quyền của Mỹ, đã nói :

"Báo cáo vẫn còn một số nội dung thiếu khách quan dựa trên những thông tin không được kiểm chứng về thực tế tại Việt Nam" (Tin Bộ Ngoại giao, ngày 23/03/2020).

Nhưng tin nào "chưa được kiểm chứng thực tế" mà nói bừa như thế. Tình trạng bịt miệng dân, đàn áp các Bloggers, Facekookers và các nạn nhân tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền đã bị đàn áp và đang bị khống chế còn sống khắp nơi ở Việt Nam thì có cần phải kiểm chứng không ?

Về phần mình, báo Quân đội nhân dân cũng gọi Báo cáo Mỹ là :

" Phi lý và kỳ cục. Phi lý là bởi nội dung của bản báo cáo này rõ ràng đi ngược với thực tế. Kỳ cục vì cuối cùng đây vẫn chỉ là tập hợp của những nhận xét thiếu thiện cảm mang tính cố hữu, để rồi kết luận với điệp khúc cũ : Việt Nam vi phạm nhân quyền".

Báo này còn cường điệu :

"Chỉ trích vô căn cứ về tình hình vi phạm nhân quyền tại Việt Nam… hạn chế các quyền tự do, bao gồm tự do biểu đạt, tự do báo chí, tự do internet và tự do tôn giáo… Đây là những luận điệu không mới, trước hết bởi nó vẫn sa lầy trong cách nhìn nhận "không trúng và không đúng" sự thật".

Cuối cùng báo của Bộ Quốc phòng kết luận :

"Dù đã "xuống tông" so với những báo cáo trước đây và thừa nhận những thành tựu bảo vệ quyền con người của Việt Nam, song báo cáo về tình hình nhân quyền Việt Nam 2019 của Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn chứa đựng những nhận định thiếu khách quan, được chắp vá bằng những thông tin không chính xác, phản ánh sai lệch về tình hình thực tế" (Quân đội nhân dân, 23/03/2020).

Human Rights Watch - Vietnam

Nhưng đâu chỉ có Bộ Ngoại giao Mỹ đã phơi ra sự thật những vi phạm nhân quyền của Việt Nam. Cả Human Rights Watch cũng đã vào cuộc từ rất sớm.

Trong báo cáo ngày 14/01/2020, theo tường thuật của Phóng viên Thanh Phương, Đài Phát thanh Quốc tế Pháp (RFI, Radio France International) thì :

"Bản Báo cáo Thế giới, dày 652 trang, của Human Rights Watch trình bày tình hình nhân quyền tại 100 quốc gia trong năm 2019. Trong phần nói về Việt Nam, ông Brad Adams, giám đốc Ban Á Châu của tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền, nói : 

"2019 là một năm tàn khốc đối với các quyền tự do cơ bản ở Việt Nam. Chính quyền Việt Nam khẳng định rằng người dân Việt Nam được hưởng quyền tự do ngôn luận, nhưng "quyền tự do" này biến mất khi được sử dụng để kêu gọi dân chủ hay chỉ trích Đảng cộng sản cầm quyền".


Báo cáo của Human Rights Watch ghi nhận : 

"Nhà nước độc đảng hạn chế gắt gao mọi quyền chính trị và dân sự cơ bản, và cấm mọi hoạt động bị Đảng cộng sản cầm quyền coi là mối nguy đối với độc quyền lãnh đạo của họ. Đặc biệt là các nhà hoạt động và blogger vẫn bị theo dõi, cấm đi lại, hành hung, thẩm vấn và bắt giữ, bị các tòa án kết tội và tuyên án bản án tù nhiều năm".

Cũng theo Human Rights Watch, chính quyền Việt Nam vẫn cấm các hoạt động tôn giáo bị họ tùy tiện cho là gây phương hại cho "lợi ích quốc gia""trật tự công cộng", hay "khối đoàn kết dân tộc". Những người theo các tổ chức tôn giáo không được chính quyền công nhận thì bị kiểm điểm, buộc từ bỏ tín ngưỡng, bị câu lưu, thẩm vấn, đánh đập và bỏ tù" (RFI tiếng Việt).

Sự thật trước mắt

Vậy từ "không được kiểm chứng" cho đến "phi lý, kỳ cục" hay "sai lệch" đã diễn ra trước mắt Giáo sư, Tiến sĩ, cựu đảng viên Nguyễn Đình Cống như thế nào ?

Ông viết :

"Mọi người có Nhân quyền và Dân quyền. Nhân quyền do Thượng đế ban cho, Dân quyền do Hiến pháp quy định. Trong Dân quyền thì quyền ứng cử, bầu cử người đại diện là thiêng liêng. Thực hiện việc đó một cách thật sự tự do dân chủ là mở đầu việc Lập Quyền Dân. Thế mà việc bầu cử đang bị Đảng cộng sản lợi dụng bằng trò dân chủ giả hiệu.

Ở các nước dân chủ, khi bầu cử mà có trên 70% cử tri tham dự, người ta cho rằng đó là con số khá lớn. Ở Việt Nam, mỗi lần bầu Quốc hội người ta thúc ép để có gần 100% cử tri tham gia, nhưng tiếc rằng phần lớn trong số cử tri đã bị lợi dụng, bị lừa dối mà không biết hoặc có biết nhưng phải cúi đầu tuân theo. Cử tri không thích thú gì với dân chủ giả hiệu trong bầu cử. Họ giữ lại tên người này, gạch tên người nọ trong lá phiếu mà bản thân không biết những người đó có năng lực và phẩm chất như thế nào. Phải chăng họ chỉ là con rối trong tay ban bầu cử do Đảng cộng sản thao túng ?"

(trích "Lòng yêu nước, Đảng cộng sản và Lập quyền dân", Tác giả Nguyễn Đình Cống, ngày 20/03/2020)

Khi nói về chủ mưu chiếm quyền dân của đảng cộng sản Việt Nam từ rất sớm, Nhà giáo ưu tú tại Đại học Xây dựng, Nguyễn Đình Cống, người nổi tiếng về nghiên cứu bê tông và các lĩnh vực khác trong xây dựng viết :

"Đảng cộng sản Việt Nam, ban đầu là đảng cách mạng dựa vào lòng yêu nước của dân để phát triển, khi giành được chính quyền rồi thì trở thành đảng thống trị. Họ tự tuyên bố là đảng lãnh đạo, đảng cầm quyền, nhưng thực chất là đảng độc tài toàn trị. Họ tuyên truyền là giành chính quyền về tay nhân dân, nhưng thực ra là dùng sức dân để giành chính quyền cho họ. Thực chất Đảng cộng sản đã cướp quyền của dân. Họ lợi dụng và làm hoen ố Lòng yêu nước bằng cách bắt gắn nó với yêu chủ nghĩa xã hội, tức là yêu Đảng cộng sản. Họ dựa vào Lòng yêu nước của các đảng viên và của toàn dân để giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh, nhưng khi họ thực hành cách mạng vô sản, chuyên chính vô sản thì phạm phải nhiều thất bại như cải cách ruộng đất, hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp, kinh tế quốc doanh, đàn áp tự do tư tưởng, độc quyền đảng trị , lệ thuộc Trung cộng, v.v".

Giáo sư Nguyễn Đình Cống sinh ngày 12/12/1937 tại Quảng Phong, Quảng Trạch, Quảng Bình, đã chính thức tuyên bố ra khỏi đảng 3/2/2016.

Ông khẳng khái nói thẳng :

"Nhân dân Việt Nam đã để cho Đảng cộng sản lợi dụng lòng yêu nước quá nhiều, đã làm ngu dân bằng cách nhồi sọ chủ nghĩa Mác Lê, không cho ai tự do tư tưởng, ngăn cấm làm phản biện, chủ trương nhấn chìm dân tộc vào vòng tăm tối".

Như vậy thì đã rõ chưa, hay cần nhân dân cả nước, với trên 90 triệu người, đứng lên móc mắt,chỉ mặt thì đảng, chính phủ và báo, đài nhà nước mới "sáng mắt sáng lòng" trước những lời lẽ phản động về quyền dân ?

Phạm Trần

(26/03/2020)

(1) Nguyên văn phần Anh ngữ trong Báo cáo nhân quyền Việt Nam năm 2019 :"Significant human rights issues included : unlawful or arbitrary killings by the government ; forced disappearance ; torture by government agents ; arbitrary arrests and detentions by the government ; political prisoners ; significant problems with the independence of the judiciary ; arbitrary or unlawful interference with privacy ; the worst forms of restrictions on free expression, the press, and the internet, including arbitrary arrest and prosecution of government critics, censorship, site blocking, and criminal libel laws ; substantial interference with the rights of peaceful assembly and freedom of association ; significant restrictions on freedom of movement including exit bans on activists ; restrictions on political participation ; significant acts of corruption ; outlawing of independent trade unions ; trafficking in persons ; and use of compulsory child labor".

(2) Family members of individuals who died in police custody reported harassment and abuse by local authorities.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Trần
Read 690 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)