Liên Hiệp Quốc chất vấn Việt Nam vì bắt giam Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng
Hoàng Lan, Thoibao.de, 27/03/2020
Một nhóm các chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào đầu năm nay đã gửi kháng thư chất vấn chính phủ Việt Nam về việc bắt giam nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam độc lập, yêu cầu phản hồi trong 60 ngày.
Lễ công bố chính thức thành lập Hội Nhà báo độc lập Việt Nam ngày 04/07/2014 do nhà báo Phạm Chí Dũng (đứng, góc phải), Chủ tịch Hội, nhà báo Nguyễn Tường Thụy (ngồi, thứ hai bên phải), Phó Chủ tịch Hội
Cũng liên quan đến vụ án này, nhà báo Nguyễn Tường Thụy, Phó Chủ tịch Hội, cho biết ông bị công an triệu tập.
Theo trang lưu trữ Báo cáo truyền thông của Cao ủy Nhân quyền quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR), cập nhật vào hôm 22/3, bức thư của nhóm các chuyên gia Liên Hiệp Quốc viết :
"Chúng tôi bày tỏ sự quan ngại về việc giam giữ tùy tiện đối với ông Phạm Chí Dũng và thực tế là ông có thể bị giam giữ mà không được tiếp cận với gia đình hoặc luật sư của mình".
Bốn chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc – bao gồm Báo cáo viên đặc biệt về thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do biểu đạt, Phó Chủ tịch Nhóm công tác về giam giữ tùy tiện, Báo cáo viên đặc biệt về quyền tự do hội họp và lập hội, và Báo cáo viên đặc biệt về tình hình những người bảo vệ nhân quyền – mô tả cáo buộc bắt giam ông Phạm Chí Dũng "như là một hành động trả thù cho hoạt động tuyên truyền nhân quyền của ông".
"Chúng tôi lo ngại rằng việc giam giữ lâu dài nhưng không được tiếp xúc với bên ngoài khiến ông ấy có nhiều nguy cơ bị tra tấn hoặc đối xử tàn nhẫn vô nhân đạo", bức thư viết tiếp.
"Anh chưa được gặp luật sư", bà Bùi Thị Hồng Loan, vợ của ông Phạm Chí Dũng, cho biết trong một tin nhắn gần đây.
Từ Hà Nội, ông Nguyễn Tường Thụy, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam độc lập, hôm 25/03 nhận định rằng sự quan tâm của Liên Hiệp Quốc đến những người tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam là "một điều quý giá".
Ông nói thêm :
"Tôi mong rằng Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế khác nên làm cho rành rẽ vấn đề này, đặc biệt là đối với các nhà báo tự do… tiếp tục ủng hộ, bênh vực cho những người bị đàn áp ở Việt Nam".
Cũng liên quan đến vụ án Phạm Chí Dũng, nhà báo Nguyễn Tường Thụy hôm 25/03 cho biết ông cũng bị Cơ quan An ninh Điều tra Công an Hà Nội gửi giấy triệu tập nhưng ông đã từ chối vì lý do sức khỏe và lo ngại dịch Cúm Vũ Hán.
Nhà báo Nguyễn Tường Thụy, Phó Chủ tịch Hội, cho biết :
"Vừa rồi họ có đưa giấy mời cho tôi và tôi trả lời là "không đi". Hai hôm sau đó, có một đoàn gồm 6 người trong đó có an ninh thành phố, công an quận Thanh Xuân… đến nhà tôi hỏi lý do tôi không đi.
Tôi nói là hiện đang mùa dịch [Covid-19] và sức khỏe tôi yếu, và tôi nói rằng tôi cũng không cung cấp được gì về trường hợp Phạm Chí Dũng, cũng như không có lời khai nào về Phạm Chí Dũng cả. "Họ nói rằng sẽ tiếp tục triệu tập và ngỏ ý rằng nếu tôi không đến sẽ dẫn giải".
Ông Thụy cho biết thêm rằng trong tuần qua chưa thấy chính quyền có động thái nào khác ngoài việc cử an ninh thường xuyên canh gác nhà ông.
Trong kháng thư của Liên Hiệp Quốc, các chuyên gia đã yêu cầu chính phủ Việt Nam phản hồi trong vòng 60 ngày về các cáo buộc, cũng như cung cấp các căn cứ pháp lý dẫn đến việc bắt giam ông Phạm Chí Dũng và giải thích việc giam giữ ông ấy tương thích như thế nào với tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề nghị chính phủ Việt Nam cung cấp những biện pháp đã được thực hiện nhằm đảm bảo cho các nhà nhà báo và những người bảo vệ nhân quyền thực hiện công việc hợp pháp của họ trong một môi trường an toàn mà không bị đe dọa, quấy rối hoặc trả thù dưới bất kỳ hình thức nào.
Kể từ ngày bị bắt đến nay đã hơn 4 tháng, ông Phạm Chí Dũng đã không được phép gặp người nhà lẫn luật sư tuy vẫn được thăm nuôi tiếp tế thức ăn một tháng hai lần cộng một lần được tiếp tế thức ăn thêm nhân dịp Tết nguyên đán.
Không một ai được biết một tin tức gì về ông Phạm Chí Dũng. Người nhà cũng chỉ nhận được được tin nhắn qua các cán bộ trại tạm giam tại số 4 Phan Đăng Lưu hai lần rằng ông mất ngủ và cần phải có thuốc an thần gởi vô theo đơn của bác sĩ ở trại giam. Còn thật hư ra sao thì chỉ có quản giáo và cá nhân ông Dũng biết được.
Thời gian đầu, ông Phạm Chí Dũng không được gặp người nhà vì "mới bị bắt giam". Còn từ khi có dịch virus Vũ Hán thì bên Công an nói lý do là cần phải "đề phòng dịch bệnh lây lan".
Phía luật sư cũng đã được thông báo từ Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm ngoái, rằng tội của ông Dũng là "tội thuộc nhóm xâm phạm an ninh quốc gia theo chương XIII Bộ luật Hình sự" và do đó cơ quan này đã ra quyết định ngày 6/12/2019 "quyết định người bào chữa được tham gia tố tụng kể từ khi kết thúc điều tra".
Những gì ông Dũng làm bấy lâu nay không có gì phải là bí mật khi ông có hàng ngàn bài viết trên mạng phản biện các chính sách của nhà nước Việt Nam một cách ôn hòa chỉ nhằm cổ súy cho dân chủ, nhân quyền, dân quyền, minh bạch, tự do báo chí, tự do thông tin và tự do hội họp. Tất cả đều là những quyền căn bản đã được quy định trong hiến pháp hay trong các thoả thuận mà chính phủ Việt Nam đã ký kết với thế giới.
Đầu tháng Giêng 2020, trong thư phúc đáp Nghị Viện Châu Âu về lý do ông Phạm Chí Dũng bị bắt, Đại sứ Việt Nam tại Bỉ cho biết ông Phạm Chí Dũng bị bắt do thành lập hội trái phép chứ không phải là do bức thư ông đã gởi cho Nghị Viện Châu Âu. Đây là một điều không hợp lý bởi Hội Nhà báo độc lập Việt Nam cho tới thời điểm ông Phạm Chí Dũng bị bắt đã hoạt động được trên 5 năm kể từ tháng 7/2014.
Phạm Chí Dũng đã thoát khỏi tư tưởng của Đảng cộng sản, nhưng giữ nguyên lý tưởng về tự do, bình đẳng mà đảng này cho là được thành lập để xúc tiến. Sau khi tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Quân sự, ông vào đảng năm 25 tuổi và làm việc cho Ban Nội chính Thành ủy trong suốt 16 năm. Trong những năm cuối còn làm việc tại đây, ông Dũng đã bí mật viết bài với một bút danh.
Phạm Chí Dũng nói : "Đảng đang trong ngõ cụt. Đảng nay đứng về phía những người giàu ; chẳng còn chủ nghĩa xã hội nữa, và bất bình đẳng đang tăng lên".
Sau khi bị bắt khẩn cấp và tống giam năm 2012, ông Dũng đã theo chân ông Lê Hiếu Đằng từ bỏ Đảng cộng sản năm 2013. Ông Đằng là một luật gia có đến 40 năm tuổi đảng.
Trong "Tâm thư từ bỏ đảng" ngày 05/11/2013, ông Dũng viết :
"Tôi đã từng tràn đầy nhiệt huyết đóng góp cho một đất nước xã hội chủ nghĩa công bằng và bác ái… Song tất cả những gì mà Đảng cộng sản thể hiện vai trò "lãnh đạo toàn diện" trong ít nhất một phần tư thế kỷ qua đã khiến cho tôi, cũng như nhiều đảng viên khác, đi từ thất vọng đến tuyệt vọng về lý trí lẫn tình cảm".
Sau đó ông đã góp phần thành lập Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, một tổ chức không bao giờ được Đảng cộng sản cho phép hoạt động, nhưng vẫn cứ hoạt động. Nhà báo David Hutt cho rằng cũng như Vaclav Havel, cựu tổng thống Tiệp Khắc, Phạm Chí Dũng cùng với nhiều nhà báo, nhà đấu tranh khác sống như thể Việt Nam đang được tự do, các quyền căn bản của con người như tự do ngôn luận và tự do tư tưởng là điều đương nhiên.
Tháng 8/2019, Phạm Chí Dũng bị đưa lên một chương trình Đối Diện của truyền thông nhà nước, mang tên "Mặt trái của mạng xã hội", mô tả các nhà báo độc lập và nhà hoạt động như những kẻ âm mưu.
Ông Dũng tuyên bố :
"Tôi thách bất kỳ tổ chức đảng, đài phát thanh hoặc đài truyền hình nào có thể chỉ ra một sự kiện nào không chính xác trong các bài viết hoặc bài trả lời phỏng vấn của tôi, hoặc nêu rõ bất kỳ câu nào sai lạc hoặc kích động".
Ông nói thêm là ông có quyền đi kiện.
"Tôi biết là rất khó thắng kiện tại một tòa án Việt Nam, nhưng tôi có thể kiện được họ sau này, chứ không phải bây giờ".
Hôm 3/12/2019, một video quay hình ông Phạm Chí Dũng phát biểu kêu gọi Nghị viện Châu Âu hoãn EVFTA đã được trình chiếu tại một hội nghị nhân quyền ở Châu Âu.
Ảnh chụp màn hình video trong đó ông Phạm Chí Dũng phát biểu kêu gọi nghị viện Châu Âu hoãn EVFTA đã được trình chiếu tại một hội nghị nhân quyền ở châu Âu hôm 3/12/2019)
Theo các tổ chức nhân quyền, ông Dũng đưa ra thông điệp này chỉ hai ngày trước khi ông bị bắt hôm 21/11. Trong video trình bày bằng tiếng Anh, ông Dũng nhấn mạnh :
"Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – Liên Hiệp Châu Âu (IPA) chỉ làm cho Liên Hiệp Châu Âu bị thiệt hại vì phải nhập siêu hằng năm từ Việt Nam 20 đến 25 triệu đôla.
Ngoài ra, ông Dũng nhận định rằng "8 cuộc Đối thoại Nhân quyền Liên Âu-Việt Nam trong các năm qua chẳng có tác dụng gì", và "95% những khuyến nghị cải thiện nhân quyền của Liên Âu đã bị Việt Nam bỏ qua".
"Hà Nội chỉ hứa sẽ xét lại vào năm 2023 hay 2025 để phê chuẩn Công ước 87 về tự do thành lập Công đoàn độc lập và Công ước 105 về chống cưỡng bức lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế. Nhưng đây chỉ là "trò bịp" để kéo giờ, và làm nản lòng Liên Âu cũng như Tổ chức Lao động Quốc tế", "Chẳng có một thông báo chi tiết nào về thời gian phê chuẩn cũng như cam kết nào Hà Nội sẽ thực hiện", ông Dũng khẳng định.
Ông Phạm Chí Dũng kết thúc bức thông điệp bằng lời kêu gọi Quốc hội Châu Âu hoãn phê chuẩn hai hiệp ước EVFTA và IPA "cho đến khi nào chế độ Việt Nam chịu cam kết thực thi nhân quyền" , với sự cảnh báo rằng Hiệp ước mậu dịch như hiện nay sẽ không bao giờ chấm dứt được các cuộc đàn áp bất bao dung của Hà Nội.
"Chế độ bắt bỏ tù ngày càng nhiều những nhà bất đồng chính kiến ngay sau khi Liên Âu phê chuẩn EVFTA và IPA. Những nhà bất đồng chính kiến nổi danh nào chống EVFTA vì lý do Việt Nam không tôn trọng nhân quyền cũng như những ai đứng lên chống Trung quốc xâm phạm lãnh hải sẽ phải nhận những án tù nặng nề", ông Dũng nói.
"Bức Thông điệp đắng cay của Phạm Chí Dũng là lời tiên báo cho chính số phận ông", Ủy ban Bảo vệ quyền làm người Việt Nam (VCHR) và Đoàn kết Thiên Chúa giáo năm châu (CSW) cho biết trong một thông cáo.
Hoàng Lan (Hà Nội)
Nguồn : Thoibao.de, 27/03/2020
*******************
Vụ Phạm Chí Dũng : Liên Hiệp Quốc chất vấn Việt Nam - Nguyễn Tường Thụy bị triệu tập
VOA, 25/03/2020
Một nhóm các chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào đầu năm nay đã gửi kháng thư chất vấn chính phủ Việt Nam về việc bắt giam nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam độc lập, yêu cầu phản hồi trong 60 ngày. Cũng liên quan đến vụ án này, nhà báo Nguyễn Tường Thụy, Phó Chủ tịch Hội, cho VOA biết ông bị công an triệu tập.
Theo trang lưu trữ Báo cáo truyền thông của Cao ủy Nhân quyền quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR), cập nhật vào hôm 22/3, bức thư của nhóm các chuyên gia Liên Hiệp Quốc viết : "Chúng tôi bày tỏ sự quan ngại của chúng tôi về việc giam giữ tùy tiện đối với ông Phạm Chí Dũng và thực tế là ông có thể bị giam giữ mà không được tiếp cận với gia đình hoặc luật sư của mình".
Bốn chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc - bao gồm Báo cáo viên đặc biệt về thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do biểu đạt, Phó Chủ tịch Nhóm công tác về giam giữ tùy tiện, Báo cáo viên đặc biệt về quyền tự do hội họp và lập hội, và Báo cáo viên đặc biệt về tình hình những người bảo vệ nhân quyền - mô tả cáo buộc bắt giam ông Phạm Chí Dũng "như là một hành động trả thù cho hoạt động tuyên truyền nhân quyền của ông".
"Chúng tôi lo ngại rằng việc giam giữ lâu dài nhưng không được tiếp xúc với bên ngoài khiến ông ấy có nhiều nguy cơ bị tra tấn hoặc đối xử tàn nhẫn vô nhân đạo", bức thư viết tiếp.
"Anh chưa được gặp luật sư", bà Bùi Thị Hồng Loan, vợ của ông Phạm Chí Dũng, cho VOA biết trong một tin nhắn gần đây.
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, cộng tác viên của VOA, đồng thời là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Độc lập, bị bắt vào tháng 11/2019 với cáo buộc "tuyên truyền chống Nhà nước" theo điều 117 Bộ luật Hình sự.
Từ Hà Nội, ông Nguyễn Tường Thụy, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Độc lập, hôm 25/03 nêu nhận định với VOA rằng sự quan tâm của Liên Hiệp Quốc đến những người tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam là "một điều quý giá". Ông nói thêm :
"Tôi mong rằng Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế khác nên làm cho rành rẽ vấn đề này, đặc biệt là đối với các nhà báo tự do… tiếp tục ủng hộ, bênh vực cho những người bị đàn áp ở Việt Nam".
Cũng liên quán đến vụ án Phạm Chí Dũng, nhà báo Nguyễn Tường Thụy hôm 25/03 cho VOA biết ông cũng bị Cơ quan An ninh Điều tra Công an Hà Nội gửi giấy triệu tập nhưng ông đã từ chối vì lý do sức khỏe và lo ngại dịch bệnh Covid-19.
"Vừa rồi họ có đưa giấy mời cho tôi và tôi trả lời là "không đi". Hai hôm sau đó, có một đoàn gồm 6 người trong đó có an ninh thành phố, công an quận Thanh Xuân… đến nhà tôi hỏi lý do tôi không đi.
"Tôi nói là hiện đang mùa dịch [Covid-19] và sức khỏe tôi yếu, và tôi nói rằng tôi cũng không cung cấp được gì về trường hợp Phạm Chí Dũng, cũng như không có lời khai nào về Phạm Chí Dũng cả.
"Họ nói rằng sẽ tiếp tục triệu tập và ngỏ ý rằng nếu tôi không đến sẽ dẫn giải".
Ông Thụy cho biết thêm rằng trong tuần qua chưa thấy chính quyền có động thái nào khác ngoài việc cử an ninh thường xuyên canh gác nhà ông.
Trong kháng thư của Liên Hiệp Quốc, các chuyên gia đã yêu cầu chính phủ Việt Nam phản hồi trong vòng 60 ngày về các cáo buộc, cũng như cung cấp các căn cứ pháp lý dẫn đến việc bắt giam ông Phạm Chí Dũng và giải thích việc giam giữ ông ấy tương thích như thế nào với tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề nghị chính phủ Việt Nam cung cấp những biện pháp đã được thực hiện nhằm đảm bảo cho các nhà nhà báo và những người bảo vệ nhân quyền thực hiện công việc hợp pháp của họ trong một môi trường an toàn mà không bị đe dọa, quấy rối hoặc trả thù dưới bất kỳ hình thức nào.
Ngoài trường hợp Phạm Chí Dũng, các chuyên gia Liên Hiệp Quốc cũng chất vấn Chính phủ Việt Nam về vụ nhà hoạt động Đinh Thi Phương Thảo, một cựu cộng tác viên của tổ chức nhân quyền VOICE, bị nhà chức trách Việt Nam câu lưu trong 8 giờ và tịch thu hộ chiếu sau khi bay từ Bangkok về Hà Nội vào tháng 11/2019.
Kháng thư viết : "Chúng tôi bày tỏ mối quan ngại rằng những hành vi [của Việt Nam] dường như có mối quan hệ chặt chẽ với quyền tự do ngôn luận và các hoạt động bảo vệ nhân quyền của bà Thảo, ông Dũng".