Người lao động bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của nhà nước) bao gồm cả giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và nhóm trẻ, mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng với số lượng dự kiến 600.000 người. Thời gian hỗ trợ tối đa không quá 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6-2020.
Người lao động bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được hỗ trợ tối đa không quá 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 - Ảnh minh họa
Đó là một trong những nội dung vừa được Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thông qua chủ trương về một số chế độ chính sách chi cho phòng chống dịch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Số tiền 1.800 tỉ đồng để hỗ trợ người lao động mất việc do Covid-19 được lấy từ nguồn tiền mà chính quyền gọi là có được qua việc "giảm 50% thu nhập tăng thêm của tất cả cán bộ, công chức thành phố và dành số tiền này để hỗ trợ người lao động mất việc do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19" ; nghĩa là khoản hỗ trợ này mang tính ủy lạo từ một quyết định hành chánh của riêng chính quyền.
Có ít nhất ba vấn đề đặt ra ở đây : Tại sao chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh không căn cứ vào Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố, để đưa ra gói "giải cứu" cho người lao động mất việc do dịch bệnh này, bởi đó mới là căn cơ (1).
Cách giảm thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức chuyển cho người lao động mất việc là rất đáng trân trọng, đáng quý, nhưng chỉ nên là lời kêu gọi, tùy vào tấm lòng mỗi người thay cho một mệnh lệnh từ quyết định hành chánh. Bởi thật ra trong thời dịch bệnh, những cán bộ, công chức – dĩ nhiên là ngoại trừ các quan chức, họ cũng gặp không ít khó khăn.
Vấn đề thứ hai : Thuế thu nhập cá nhân, tiền trợ cấp thất nghiệp… giờ ở đâu sao không lấy ra để hỗ trợ ? Nên nhớ, không phải cán bộ, công chức, viên chức nào cũng giàu. Biết đâu vợ/ chồng họ cũng bị thất nghiệp và đang trông chờ vào đồng lương ít ỏi ấy của họ ?.
Liên quan tới ‘chính sách đặc thù’ của Nghị quyết 54/2017/QH14, có thể xem có vấn đề thứ ba đặt ra, là tại sao chính quyền thành phố cần đến từng hộ dân thống kê, xác thực số lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Lao động tự do, không hợp đồng vốn có thu nhập thấp, không có chế độ trợ cấp… như bán hàng rong, bán vé số, lao động ở cơ sở nhỏ lẻ… sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh ; và đây cũng là nhóm người dân nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Ở tầm quốc gia, một băn khoăn cũng đang đặt ra là lâu nay trong tuyên truyền luôn khẳng định rằng Việt Nam có hệ thống an sinh xã hội rộng khắp, trong đó người làm công ăn lương tham gia bảo hiểm xã hội có trợ cấp thất nghiệp. Còn với người nghèo khó, đã có sổ hộ nghèo, được nhận trợ cấp từ chính phủ. Vậy thì trong hoàn cảnh hiện tại, những khoản an sinh này được thực thi ra sao ?
Sẽ có ý kiến là mặc dù ‘mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam’ (2) , song trước đại dịch, hãy chia sẻ khó khăn cùng chính phủ.
Biện giải như trên cho thấy dường như những nhà quản trị quốc gia ở Việt Nam, mặc dù thường xuyên tổ chức những đoàn đi học hỏi kinh nghiệm nước ngoài – đơn cử như đoàn của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hồi đầu tháng 3/2020 sang Ấn Độ, rồi qua Anh trước khi về Hà Nội (3), song trong vận dụng vẫn chưa được suông sẽ.
Cả tuần qua, báo chí Việt Nam đưa tin về giải pháp chính phủ các nước phát tiền trực tiếp cho dân. Sớm nhất là Hong Kong phát cho 7 triệu dân, mỗi người 10.000 đô la Hong Kong (khoảng 30 triệu đồng tiền Việt Nam). Mỹ sẽ phát cho mỗi người dân 1.200 đô la Mỹ (28 triệu đồng). Anh cam kết trả đến 80% lương cho người lao động, kể cả ở khối tư nhân. Đức cũng vậy, sẽ trả 60 – 67% lương cho những người mất việc do dịch bệnh. Úc chi trả 750 đô la Úc (10 triệu đồng) cho mọi người đang hưởng lương hưu và người có thu nhập thấp.
Tính chung lại, Ngân hàng Thế giới (WB) tổng kết hơn 25 nước đang có những hình thức chuyển tiền cho dân bằng cách này hay cách khác. Hình thức trả một phần tiền lương cho những ai mất việc là khá phổ biến như ở Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển. Tức họ cho rằng giải pháp là phải từ phục hồi "cầu" trước, rồi "cung" mới hồi phục.
Câu hỏi đầu tiên là… tiền đâu để phát không một cách dễ dàng như vậy ? Tin chắc rằng ông bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời thắc mắc đó chẳng chút khó khăn.
Ví dụ ở Mỹ, Bộ Tài chính có thể phát hành trái phiếu không giới hạn cho Cục Dự trữ liên bang, tức ngân hàng trung ương. Nơi này có chức năng tạo ra tiền nên chỉ cần ghi có vào tài khoản của Bộ Tài chính là xong. Sau đó Cục Dự trữ liên bang có thể đưa trái phiếu này ra bán cho giới đầu tư. Trước đây người ta còn lo ngại về mức nợ công, bàn đủ kiểu về tốc độ tăng giảm bao nhiêu là vừa phải ; nay nhiều nhà kinh tế cùng chung nhận định, thời điểm chống dịch không phải là thời điểm sợ nợ công tăng cao mà nên tăng bao nhiêu cho đủ.
Câu hỏi thứ nhì là phát tiền như vậy e rằng lạm phát sẽ bùng lên dữ dội. Bình thường nỗi lo này là có cơ sở nhưng trong dịch bệnh, e rằng các khoản tiền phát cho dân chỉ đủ cho họ mua lương thực, thực phẩm và các loại nhu yếu phẩm khác ; các hoạt động khác vẫn ngưng trệ, nên nguy cơ lạm phát là rất nhỏ.
Cơ chế "in tiền" thông qua trái phiếu cũng ít có rủi ro tạo ra lạm phát phi mã như in tiền theo kiểu cũ. Trước đây các gói giải cứu doanh nghiệp mang danh "nới lỏng định lượng" đã không kéo theo lạm phát, thì nay giải cứu người dân cũng khó lòng kích dậy lạm phát, vốn đang ở mức rất thấp.
Trở lại với Việt Nam. Do là nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nên nếu áp dụng việc phát hành kiểu trái phiếu như ở trên, thì việc tiêu thụ số trái phiếu đó là không dễ, vì nó không tương thích chung với nền tài chính quốc tế.
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 29/03/2020
Chú thích :
(1) http://vbpl.vn/botaichinh/Pages/vbpq-toanvan.aspx?ItemID=126311
(2) https://tuoitre.vn/may-den-phu-len-toan-cau-nhung-mat-troi-van-dang-toa-sang-o-viet-nam-20191230130828826.htm
(3) http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=45466&idcm=188