Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

31/03/2020

Cách ly toàn xã hội : đời sống của những cùng khổ sẽ ra sao ?

Nhiều tác giả

Nguồn tiền nào cho an sinh khẩn cấp khi Việt Nam công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc ?

Nguyễn Nam, VNTB, 31/03/2020

Văn kiện Đại hội XII của Đảng khẳng định : "An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện" (1). Tuy nhiên với diễn biến hiện tại khi người nghèo bị buộc ‘mất cần câu cơm’ vì dịch bệnh corona, cho thấy vấn đề an sinh xã hội ở Việt Nam không đúng như nhận định là ‘cơ bản được bảo đảm’.

ansinh1

Vấn đề an sinh xã hội ở Việt Nam không đúng như nhận định là ‘cơ bản được bảo đảm - Ảnh người bán vé số dạo

Nếu như các diễn giải sau đây được ghi ở văn kiện Đại hội XII của Đảng là đúng, thì chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và chính phủ không phải bận tâm bàn luận về nguồn tài chính cho an sinh khẩn cấp lúc địch bệnh đang đe dọa toàn bộ đời sống kinh tế, xã hội (2).

Tài liệu văn kiện Đại hội XII của Đảng, cho rằng những kết quả đạt được của mô hình an sinh xã hội Việt Nam hiện nay thể hiện trên các mặt chủ yếu sau đây :

Thứ nhất, Việt Nam đã thiết lập được mô hình an sinh xã hội tương đối đầy đủ và toàn diện với 4 trụ cột chính là hỗ trợ việc làm và giảm nghèo ; bảo hiểm xã hội ; trợ giúp xã hội ; dịch vụ xã hội cơ bản.

Các trụ cột của mô hình an sinh xã hội của Việt Nam đã vận hành tương đối hài hòa, đồng bộ, góp phần vào những thành tựu an sinh xã hội đáng kể trong những năm qua, được nhân dân trong nước và các tổ chức quốc tế công nhận. Dù tiếp cận theo vòng đời, theo sàn an sinh hay theo ứng phó rủi ro thu nhập thì mô hình an sinh xã hội của Việt Nam đều bảo đảm có cơ chế, chương trình, chính sách hướng tới các nhóm đối tượng khác nhau, đáp ứng các nhu cầu an sinh tương đối toàn diện.

Tuy nhiên như đã đề cập ở trên, từ 1/4/2020, hàng trăm ngàn người bán vé số dạo phải tạm ngừng bán trong 15 ngày. Đây là lực lượng lao động ‘phi chính thức’ – không hợp đồng, không bảo hiểm… Sẽ phải hỗ trợ gì cho họ để vượt qua khó khăn ra sao thì vẫn chưa có câu trả lời.

Thứ hai, văn kiện Đại hội XII của Đảng cho rằng trong mô hình an sinh xã hội của Việt Nam đã xác định tương đối rõ cơ cấu tổ chức, mục tiêu, nguyên tắc, các cơ chế huy động và sử dụng nguồn lực, cơ chế đóng góp và thụ hưởng an sinh xã hội. Điều này giúp cho mô hình an sinh xã hội của Việt Nam vận hành trơn tru, bảo đảm đúng nguyên tắc toàn dân, chia sẻ, công bằng và bền vững. Bên cạnh nguồn lực nhà nước giữ vai trò quan trọng, còn có nguồn lực từ xã hội, đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động, đóng góp tự nguyện của cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.

Tuy nhiên nhận định trên chỉ là hoa mỹ câu từ, vì khi xảy ra vấn nạn lao động thất nghiệp do đại dịch corona, ghi nhận của báo chí cho thấy hiện cả nước có khoảng 17 triệu lao động tham gia bảo hiểm lao động, còn gần 20 triệu lao động chưa tham gia, có sự bao phủ của chính sách bảo hiểm. Điều đó đồng nghĩa việc ngay cả khi chưa mất việc làm thì thu nhập khu vực lao động không chính thức đã bấp bênh rồi. Lúc có việc, lúc không có việc, họ cũng không có chế độ gì ngoài lương thỏa thuận với người sử dụng lao động, nên hiện tại họ đang gặp rất nhiều khó khăn.

Thứ ba, văn kiện Đại hội XII của Đảng nói chung chung là mô hình an sinh xã hội của Việt Nam liên tục được cải tiến, hoàn thiện nhằm mở rộng diện bao phủ, nâng cao khả năng hỗ trợ, mức hỗ trợ, bảo đảm tốt hơn các nhu cầu an sinh cơ bản của nhân dân. Các chương trình, chính sách an sinh xã hội được đổi mới có hiệu quả hơn, chế độ an sinh được mở rộng, đời sống nhân dân, trong đó có các nhóm cư dân yếu thế được cải thiện rõ rệt.

Thứ tư, văn kiện Đại hội XII của Đảng cho rằng mô hình an sinh xã hội của Việt Nam đã thể hiện được bản chất tốt đẹp của chế độ, đem lại những thành quả an sinh xã hội đáng khích lệ, được thế giới công nhận, như thành tích xóa đói, giảm nghèo, giáo dục, y tế…

Những tính từ mô tả ở điều thứ ba, thứ tư kể trên cho thấy vẫn là lối hành văn xa rời thực tế, chủ yếu để làm đẹp chính sách. Do đó đến khi va chạm như hiện tại, cho thấy hầu hết các địa phương đều lúng túng trong cách giải quyết – đặc biệt là ở bối cảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo Chính phủ đồng ý công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc.

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 31/03/2020

Chú thích :

(1)http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xii

(2)https://tuoitre.vn/bi-thu-nguyen-thien-nhan-chung-toi-se-ban-viec-ho-tro-nguoi-vo-gia-cu-20200330151348311.htm ;

https://tuoitre.vn/can-ho-tro-gi-cho-hang-tram-ngan-nguoi-ban-ve-so-mat-thu-nhap-20200330142326586.htm

***********************

Bài học từ nửa tỷ Mỹ kim ‘đền bù’ của Formosa

Lâm Viên, VNTB, 31/03/2020

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc. Điều đó cho thấy rất cần hình thành một gói hỗ trợ an sinh xã hội cấp thiết trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, hàng chục ngàn lao động mất việc. Cách hỗ trợ tốt nhất là hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

formosa1

Nhiều ý kiến đề xuất như vậy. Theo đó, chính phủ cần rút kinh nghiệm từ các chính sách hỗ trợ khủng hoảng trước đây, như hỗ trợ cho người dân chịu ảnh hưởng ‘sự cố’ ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung do Formosa gây ra với số tiền ‘bồi thường’ 500 triệu đô la Mỹ ; song từ khi có chính sách hỗ trợ từ khoản tiền nửa tỷ Mỹ kim đó, phải cả năm sau người dân mới bắt đầu nhận được.

Trong tình trạng dịch bệnh hiện tại thì cách làm phải rút ngắn lại, để người lao động bị ảnh hưởng có thể tiếp nhận nhanh nhất các khoản hỗ trợ từ chính phủ và các địa phương để ổn định cuộc sống.

Tại kỳ họp thứ 19 hồi hạ tuần tháng 3-2020 của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX đã ra nghị quyết hỗ trợ người lao động bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp với 1 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, nói như lời của ông Cao Thanh Bình, phó trưởng Ban kinh tế – ngân sách, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thì, "Khi chính sách đã được ban hành, tôi mong muốn UBND Thành phố Hồ Chí Minh sớm triển khai các đơn vị thống kê chặt chẽ, công khai, minh bạch những đối tượng, ngành nghề, lĩnh vực được hỗ trợ để tránh khả năng khai khống để hưởng lợi. Đồng thời cũng cần giảm những thủ tục, tránh rườm rà để kịp thời hỗ trợ cho người lao động. Tuy khoản tiền mỗi người nhận được không nhiều nhưng cũng phần nào giúp họ khắc phục đời sống đang rất khó khăn".

Cô công nhân 19 tuổi Hồ Thị Thắm, kể, "Tôi là công nhân làm ở khu công nghiệp Bình Chiểu, quận Thủ Đức, mới vào nên chưa ký hợp đồng chính thức. Đợt này công ty không có hàng làm nên công nhân mới vào làm hay đang làm thời vụ đều bị cho nghỉ.

Tới hôm nay tôi đã nghỉ được hơn một tuần rồi, đang chờ công ty thanh toán nốt tháng lương cuối để trả tiền trọ tháng này. Trong túi giờ chỉ có vài trăm ngàn để lo ăn uống. Tiền lương tháng còn lại lãnh được sẽ trả tiền trọ, lo ăn uống, sẽ không còn bao nhiêu. Nếu được Nhà nước hỗ trợ 1 triệu đồng thì ít nhất cũng lo được chỗ ở, ăn uống thì tằn tiện vài bữa chờ qua dịch bệnh xin việc làm mới. Nghe vậy cũng mừng mà không biết khi nào mới nhận được".

Giờ thì Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc

Lâm Viên

Nguồn : VNTB, 31/03/2020

*******************

Phó Chủ tịch coi thường cả lệnh phòng dịch của Thủ tướng Phúc, xử sao ?

Đàm Ngọc Tuyên, VNTB, 31/03/2020

Trong những ngày cuối tháng Ba năm nay, khắp cả nước, dẫu tao nhân mặc khách cũng chẳng ai có lòng dạ ngắm hoa gạo nở. Mà toàn quân, toàn dân, từ Thủ tướng Chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc cho đến trẻ em, lão già, người khuyết tật bán vé số mưu sinh mọi miền Tổ quốc, đều (buộc) phải nhất nhất tuân thủ những quy định, là lệnh từ Chính phủ ban hành, thực hiện phòng, chống đại dịch Viêm phổi cấp Vũ Hán, đang tịnh tiến đỉnh dịch, vô cùng phức tạp, ở Việt Nam.

formosa2

Mặt trước vào chợ Yến (cũ), thôn Nhơn Hội, xã An Hòa - Ảnh : THU HẰNG

Hai trong những quy định buộc thiết, đó là mọi công dân phải đeo khẩu trang, ở nơi công cộng ; và không được tụ tập quá 20 người. Quy định có hiệu lực khắp cả nước, kể từ 0g, ngày 28/3, (nhiều địa phương đã thực hiện trước ngày này), cho đến khi nào Chính phủ có thông báo mới.

Đặc biệt cần nhấn mạnh, quy định buộc mọi công dân phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng thì không có bất kỳ ngoại lệ nào, kể cả ông Thủ tướng Phúc. Và, đã có công dân bị chế tài, bị xử phạt vi phạm hành chính khi vi phạm quy định như lệnh này, ở Hà Nội. Trên tất cả, đeo khẩu trang nơi công cộng lúc này là giữ gìn sinh mạng con người, là cá nhân quan thiết gấp triệu lần, là sinh mạng của cộng đồng, của Tổ quốc.

Nếu là một em bé mồ côi, thất học, đầu đường xó hẻm, lết lê bãi rác ngoài chợ, vạ vật mưu sinh, nên em không ý thức mà vi phạm không đeo khẩu trang nơi công cộng, thì hẳn "tha được cho người hãy cứ tha". Hơn nữa, tôi áng chừng, 99% cũng có thể em chưa bao giờ tiếp nhận thông tin về quy định ấy. Tuy nhiên, nếu là quan chức có quyền uy nhất nhì một vùng, lại kéo theo "bầu đoàn thê tử" (công an sắc phục, công an chìm và dân quân tự vệ) lên đến vài chục người, lây lắt ở nơi công cộng nhưng hầu hết không đeo khẩu trang, thì thế nào đây ? Nếu tin rằng, Việt Nam là một đất nước pháp quyền, thì phải "quân pháp bất vị quan".

Câu chuyện này, đã xảy ra vào chiều ngày 29/3/2020, ở chợ Yến cũ, thuộc thôn Nhơn Hội, xã An Hòa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Những vị quan chức rất tỉnh táo, nghênh ngang đã vứt lệnh phòng dịch của Thủ tướng Phúc vào rác chợ Yến (cũ), chính là Phó Chủ tịch xã An Hòa, ông Trần Chí Hoàng, và thuộc hạ, tiến hành "truy quét những tiểu thương thôn", vẫn tiếp tục buôn bán ở chợ Yến (cũ), mà không sang chợ Yến (mới). 

Để tránh sự hiểu lầm, dễ khiến suy nghĩ người đọc sa vào vấn đề khác, cho nên chúng tôi sẽ có một bài viết khác sau, để chi tiết vì sao có câu chuyện tiểu thương thôn không chịu sang chợ Yến (mới) buôn bán. Nội dung bài viết này, chỉ xoay quanh vấn đề : ông Phó Chủ Tịch xã An Hòa và nhân viên công quyền địa phương này đã vứt bỏ lệnh "buộc đeo khẩu trang nơi công cộng" của Thủ tướng Phúc mà thôi. Hay là, "cát cứ" một vùng ven biển Phú Yên, nên ông Hoàng và "đồng bọn", có cả quy định riêng : Chợ, hay nơi buôn bán đông người thì không phải nơi công cộng chăng ? Hay là, dù làm đến chức to như thế, quyền uy khuynh loát một vùng như thế, nhưng ông Phó Chủ tịch xã và mấy mươi viên chức, lại có vấn đề đọc hiểu tiếng Việt?

Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ như là vac-xin phòng trừ virus Vũ Hán. Chỉ biết là, theo một trong nhiều clip được người dân bản địa ghi lại sự việc "ào ào một lũ sai nha", xồng xộc xông vào những gian hàng của các tiểu thương ở khu vực chợ Yến (cũ). Cứ thế, họ giật, họ giành, họ đạp, họ đá, họ tuôn tiếng Đan Mạch, với những mặt mày đằng đằng sát khí. Sẵn trong tay có súng, có còng, lại sẵn quyền uy ngút trời, nên họ còng tay một nữ tiểu thương, tầm 50 tuổi. Bà Trần Thị Hoa đã bị họ còng rồi vứt giữa đường quan, như cái cách hạ nhục bọn trộm chó vậy, trong khi bà bán thịt heo hợp pháp.

Khi chúng tôi liên hệ để tìm hiểu sự việc, những người dân ở đây nói rẵng: nếu không có lớp áo đồng phục, thì người xem clip sẽ ngộ nhận Chợ Yến vừa bị bọn thổ phỉ ngang qua cướp bóc, hãm hại lương dân. Chúng tôi cũng đặt vấn đề, là tại sao họ hầu hết không mang khẩu trang theo lệnh Thủ tướng Phúc ? Người bản địa lại lý giải nhiều cách, một số thì cho rằng, đeo khẩu trang thì che mất cơ mặt cần nhe răng trợn mắt thị uy. Một số lại mô tả, khi dân xã hội mà được báo "có chuyện ở…", thì đi liền sao nhớ khẩu trang.

Cách lý giải nào cũng có cái hay đặc thù, khi căn cứ từ thực tế khách quan. Còn chúng tôi, nếu được hỏi, thì sẽ đưa ra lý lẽ bào chữa cho mớ quan quyền cấp xã kia: Đã đành họ xem thường dân, và dù Thủ tướng Phúc ở quá xa (?), nên cũng bị xem thường như dân. Thế chẵng nhẽ, Bí thư và Chủ tịch tỉnh tỉnh Phú Yên, lần lượt là ông Huỳnh Tấn Việt và Phạm Đại Dương lại cũng bị một Phó chủ tịch xã An Hòa (và thuộc hạ) coi chẳng ra gì sao? 

Bởi ở tuổi 57 và 46, ông Bí thư và Chủ tịch tỉnh không thể có vấn đề nghe, nhìn được đâu. Hơn nữa, hai ông có được chăm sóc y tế cấp cao. Đặc biệt, nếu chúng ta biết rằng, chợ Yến (cũ) cách trung tâm tỉnh Phú Yên, TP. Tuy Hòa, chỉ có tầm 15 km (dù đi hướng QL1A – Ngã ba Phú Điềm, hay đi đường liên thôn, từ hướng đường Lê Duẩn), mà thôi.

Như đã đề cập, trên tất cả, nhóm người của ông quan Phó Chủ tịch xã An Hòa, hầu hết đã không đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, bất chấp lệnh của Thủ tướng Phúc. Điều này đồng nghĩa: họ quá xem thường sinh mạng nhân dân, xem thường "sinh mạng" của Tổ quốc. Giả tỷ, quân pháp bất vị quan, có khép vào tội "phản quốc", cũng là cần nên, để thôi không còn tệ nạn "cát cứ một vùng", một sự thật của quan quyền, đất nước, hôm nay ?

Đàm Ngọc Tuyên

Nguồn : VNTB, 31/03/2020

****************

Vậy là sắp tới đây mấy ông quan sẽ nghèo lắm đây…

Lynn Huỳnh, VNTB, 30/03/2020

Lệnh cấm bán vé số mà triều đình ban ra khiến thần dân nghèo khó khóc ròng vì hết còn được rảo khắp đường phố. Lệnh cấm này, dù chỉ mười lăm ngày thôi, cũng khiến các quan ông than vắn, thở dài vì sớm nghèo mất thôi (!?)

người-bán-vé-số-800x500_c

Chắc còn nhớ hồi mấy năm trước, tại buổi họp báo kinh tế xã hội và định hướng phát triển của tỉnh Tiền Giang, ông Hồ Kinh Kha – Giám đốc Sở Tài chính tỉnh này cho biết có người bán vé số dạo thu nhập 100 triệu đồng/tháng.

"Nhiều thạc sĩ, tiến sĩ khi gặp tôi kể lại, họ từng xuất thân nhà nghèo, nhờ bán vé số mà có thể tiếp tục học lên cao, giúp ích xã hội. Ở Tiền Giang, nhiều trẻ em đi học một buổi, bán vé số một buổi cũng được 100 – 200 tờ. Cứ mỗi tờ lời 1.100 đồng thì các em kiếm từ 100.000 – 200.000 đồng/buổi" - ông Kha nói.

Kinh hoàng, rất kinh hoàng bởi với thu nhập 100 triệu đồng/ tháng, tức là khoảng 1,2 tỷ bạc/năm thì có lẽ chỉ có thua người buôn hàng cấm. Mà nghề này có hai cái hay là thứ nhất, không phải bỏ vốn, cũng chả phải đầu tư gì. Thứ hai, không sợ ế. Bán được bao nhiêu, thanh toán tiền bấy nhiêu, thừa trả lại.

Thu nhập 1,2 tỷ, tiêu pha 200 triệu – tức trung bình khoảng gần 600 ngàn/ngày, mỗi năm bỏ rẻ cũng có 1 tỷ rủng rỉnh. Nếu 10 năm chịu khó tích góp, sẽ có lưng vốn gần nửa 10 tỷ đồng. Quá sướng !

Như kể trên thì mắc gì đến mấy ông quan phải than vắn, thở dài ?

Ai chẳng biết để có vé số mang đi bán dạo, thì phải có công ty chuyên nghề cờ bạc kinh doanh các con số. Tất cả các ‘ông bà lớn’ in tờ vé số ra để hốt bạc về, toàn là doanh nghiệp nhà nước cả. Khi mà thần dân rạc cẳng đi hang cùng ngõ hẻm bán tờ vé số để kiếm đến cả tỷ bạc tiền lời mỗi năm (!?), thì ắt hẳn các ‘quan ông – quan bà’ của mấy công ty xổ số kiến thiết còn thu về gấp cả trăm lần so người nghèo khó.

Quan mà đã mếu máo thì chắc hẳn thần dân cũng sớm ra đi theo cái con vi rút đến từ xứ Tàu lân bang.

Lynn Huỳnh

Nguồn : VNTB, 30/03/2020

Chú thích :

(*) https://vietnamthoibao.org/vntb-nua-thang-khong-co-de-dom/

******************

Hành động ngay lúc này từ những quả đấm thép ?

Nguyễn Thị Huyền, VNTB, 30/03/2020

Các tập đoàn kinh tế nhà nước được ví von đầy bạo lực là những quả đấm thép. Vậy thì họ đã đấm gì ở lúc này, khi mà đại dịch từ con virus ở Trung Quốc đang đe dọa hủy diệt cả nền kinh tế của Việt Nam ?

loau1

Hiện có hàng vạn người lao động đang mất việc bị giảm hoặc mất thu nhập do dịch Covid-19

Nên giảm ngay 50% tiền điện, nước, thẻ cào cho người nghèo

Điện – Nước – Viễn thông, cả ba ngành này đều thuộc những ‘ông lớn’ tập đoàn kinh tế nhà nước. Họ toàn quyền quyết định ngay lúc này về chuyện giảm một nửa đó cho các chi phí này.

Hiện có hàng vạn người lao động đang mất việc bị giảm hoặc mất thu nhập do dịch Covid-19, nhưng không được hỗ trợ giống như người đi làm công ty, hưởng lương ngân sách. Vì vậy, cần có ngay chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng này để họ tạm thời duy trì cuộc sống cho qua mùa dịch.

Nhiều nước cũng đã có trợ cấp trực tiếp cho người mất thu nhập, bên cạnh gói hỗ trợ để vực dậy nền kinh tế. Như Chính phủ Mỹ cấp 1.200 USD/người lớn và 500 USD/trẻ em, tức mỗi gia đình 4 thành viên nhận được 3.400 USD để người dân có thể sống qua ngày. Singapore cũng cấp 800 USD trong ba tháng cho người mất việc… (1).

Việt Nam, thì có thể lập luận "Chúng ta chưa đủ điều kiện trợ cấp trực tiếp và việc thực hiện cũng phức tạp vì phần lớn người nghèo không có tài khoản ngân hàng, trong khi chi bằng tiền mặt phức tạp và không phù hợp cho chống dịch", thế thì vì sao nhà nước không yêu cầu các ‘tay đấm thép’ của mình đưa ra chính sách giảm bớt khó khăn cho họ, bằng cách như giảm trực tiếp 50% hóa đơn tiền điện, tiền nước, Internet trong những tháng mất việc do dịch Covid-19 – thậm chí có thể là giảm ngay 100% các hóa đơn điện, nước đối với những hộ dân đang nằm trong danh sách hộ nghèo ở địa phương.

Mất việc, không có thu nhập, phải ở nhà lên mạng internet, dùng điện, rửa tay nhiều hơn theo khuyến cáo của ngành y tế nên hóa đơn tiền điện, nước, thẻ cào điện thoại sẽ cao hơn các tháng khác. Giảm được khoản này, cộng với chủ nhà trọ ở nhiều nơi đang tiếp tục giảm hoặc miễn tiền thuê nhà là rất có ý nghĩa cho người nghèo.

Một nghị quyết ‘hỏa tốc’ từ Bộ Chính trị về an sinh : tại sao không ?

Tại sao lại cần đến một nghị quyết từ Bộ Chính trị ? Đơn giản thôi, vì Đảng có trách nhiệm cao nhất trong vấn đề an sinh cho người dân. Điều 4 của Hiến pháp nói rõ về bổn phận đó của Đảng.

Vậy thì nghị quyết này của Bộ Chính trị sẽ nói gì ? Báo chí đăng rằng chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã dùng thu nhập tăng thêm của cán bộ công chức để san sẻ cho người mất thu nhập, một ‘cơ chế đặc thù’ của mùa dịch. Với nghĩa cử đó, số tiền 1 triệu đồng là lớn, dù không thể bù đắp được khoản thu nhập đã mất do mất việc.

Vậy câu hỏi đặt ra là có nguồn tiền nào khác để có được mức hỗ trợ cao hơn cho người không có trợ cấp thất nghiệp, hoặc có những chính sách kiểu ‘trao cần câu’ như cho vay vốn khi dịch đi qua ? Hay các đô thị lớn khác như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ… sẽ có những sáng kiến nào để hỗ trợ người mất thu nhập ?

Câu hỏi đó tầm địa phương không giải quyết được. Muốn hỗ trợ, cần có tiền. Tiền đâu để giúp hàng triệu người trong cả nước tạm thời mất việc vì Covid-19 nhưng không có bảo hiểm thất nghiệp ? Thời dịch bệnh, phải có biện pháp mạnh, táo bạo. Chẳng hạn nếu không cân đối được từ các nguồn khác, cũng cần tính tới tăng bội chi ngân sách để có thêm tiền hỗ trợ hàng triệu con người và gia đình họ sống qua mùa dịch – thậm chí là cả việc dừng các khoản ngân sách dành cho ‘đại hội đảng bộ’ các cấp, và khoản tiền này chuyển sang tài khoản cho an sinh của dân chúng vì dịch bệnh.

Tất cả các vấn đề trên hoàn toàn không tìm thấy ở nội dung của thông báo mới nhất từ Bộ Chính trị hôm 21/3 "Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19" (2). Trong khi đó thì ở nội dung thông báo lại tiếp tục yêu cầu "Các cấp ủy, tổ chức Đảng thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị và các nội dung chỉ đạo trong Điện của Thường trực Ban Bí thư ngày 14/3/2020 về tổ chức đại hội đảng bộ cấp cơ sở".

Nguyễn Thị Huyền

Nguồn : VNTB, 30/03/2020

Chú thích :

(1)https://vietnamthoibao.org/vntb-dong-tien-di-truoc/

(2) http ://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Thong-bao-ket-luan-cua-Bo-Chinh-tri-ve-cong-tac-phong-chong-dich-benh-Covid19/390537.vgp

*****************

Nửa tháng không có đề đóm

Hiền Vương, VNTB, 30/03/2020

Vậy là hai tuần lễ đầu của tháng tư, 2020 toàn bộ những thú vui đề đóm, vé số sẽ tạm dừng trên toàn quốc vì dịch bệnh corona.

loau2

Từ ngày 1/4, sẽ không có chuyện người bán vé số đi khắp ngõ ngách, dễ lây lan dịch bệnh corona. Vấn đề quan trọng khác đang đặt ra là giải quyết đời sống của người nghèo ra sao ?

Tính đến tối ngày 29/3, chính phủ vẫn chưa đưa ra giải pháp tình thế nào về chuyện bất ngờ ‘đập chén cơm’ mưu sinh của người bán vé số.

"Dừng phát hành thì dễ rồi nhưng quan trọng là hỗ trợ những người nghèo chạy ăn từng bữa bằng nghề này như thế nào thì mới đáng suy nghĩ và làm ngay. Theo tôi thì nhà nước nên phát động các đầu mối vé số thu thập số lượng đại lý, và các đại lý báo về số lượng người lấy vé số của mình đi bán lẻ để có con số cụ thể, từ đó có hướng hỗ trợ kịp thời cho bà con" – một cán bộ hưu trí ở quận 8, Sài Gòn, nêu ý kiến.

"Người nghèo hành nghề bán vé số thì ai giúp họ ?". Trả lời : "Các công ty xổ số giúp họ ! Họ chính là người ‘nuôi sống’ các công ty xổ số !". Và tính đến tối ngày 29/3, chưa có bất kỳ công ty xổ số nào cho biết hướng hỗ trợ ra sao đối với người nghèo hành nghề bán vé số. Lưu ý, doanh nghiệp trong ngành xổ số đều có vốn 100% nhà nước. Điều đó có nghĩa giờ đây nhà nước hoàn toàn ở thế chủ động trong thực hiện các cam kết lúc tuyên truyền cho chuyện phát hành vé số.

"Chức năng của công ty là tổ chức vui chơi lành mạnh cho nhân dân, có thưởng theo quy định của nhà nước, nhằm động viên phần thu nhập nhàn rỗi trong dân cư vào ngân sách nhà nước để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội của địa phương theo Thông tư số 04 TC/TCNH ngày 05/01/1996 của Bộ Tài chính quy định "Nguồn thu xổ số chỉ dùng đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa-xã hội tại địa phương…" – trích phần "Chức năng và nhiệm vụ của Công Ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xổ Số Kiến Thiết Thành phố Hồ Chí Minh" (1).

Tuy nhiên dường như chuyện dừng kinh doanh này vì lý do dịch bệnh vẫn có ý kiến ngược lại. Đơn cử, ngày 23/3, ông Lưu Hoàng Tân, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xổ số kiến thiết tỉnh Đồng Tháp đã ký thông báo gửi các đại lý vé số của công ty về việc thông tin không chính xác trong hoạt động kinh doanh vé số.

"Trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 diễn biến phức tạp, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xổ số kiến thiết Đồng Tháp nhận được một số thông tin là các Công ty xổ số ngừng hoạt động từ ngày 01/4/2020, làm gây hoang mang cho đại lý và người bán lẻ…

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xổ số kiến thiết Đồng Tháp xin khẳng định đó là tin đồn không chính xác, mọi hoạt động kinh doanh vé số của Công ty vẫn hoạt động bình thường. Mong Quý đại lý tiếp tục ủng hộ và có thông báo cho các đại lý cấp 2, người bán lẻ biết về việc thông tin sai sự thật của dư luận nhằm ổn định thị trường tiêu thụ vé số trong mùa dịch bệnh.

Rất mong nhận được sự hợp tác nhiệt tình của Quý đại lý và người bán lẻ" – Văn bản viết (2).

Trở lại về yêu cầu các công ty xổ số cần có các chính sách hỗ trợ người bán lẻ vé số. Căn cứ từ báo cáo tài chính năm cho thấy nguồn lãi có được từ kinh doanh là hoàn toàn dư dã để san sẻ khó khăn chung cùng cộng đồng trong thời điểm 15 ngày dịch bệnh đang rất căng thẳng.

Cụ thể, ghi nhận từ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xổ số kiến thiết Thành phố Hồ Chí Minh, doanh thu năm 2019 đạt 8.900 tỷ đồng, vượt kế hoạch hơn 8%. Xổ số truyền thống chiếm tỷ trọng áp đảo trong cơ cấu doanh thu. Phần còn lại gần 500 tỷ đồng đến từ xổ số cào biết ngay kết quả. Đây là sản phẩm mới được phát hành từ đầu năm cho thị trường thành phố và các tỉnh lân cận với mục tiêu doanh thu 200 tỷ đồng.

Tổng số tiền công ty này nộp ngân sách nhà nước năm ngoái hơn 3.200 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế ước tính tăng trưởng hai chữ số và vượt 1.300 tỷ đồng, trong đó kinh doanh xổ số đóng góp gần 93%.

Còn với Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott), tính hết ngày 31/12/2019, tổng doanh thu của Vietlott năm 2019 đạt gần 3.892 tỷ đồng, tăng hơn so với mức 3.818 tỷ đồng năm 2018. Trong đó, tổng giá trị khách hàng trúng thưởng lên tới hơn 1.939 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 191 tỷ đồng. Tổng số tiền phải nộp ngân sách địa phương duy trì như năm trước, ước đạt hơn 1.022 tỷ đồng.

Cho đến nay chưa ghi nhận một công ty xổ số kiến thiết nào gặp phải chuyện kinh doanh thua lỗ. Điều đó cho thấy trách nhiệm hiện nay của những doanh nghiệp 100% vốn nhà nước này đối với người nghèo đang mưu sinh bán vé số sắp bị ‘đập chén cơm’ vì dịch bệnh.

Đạo đức kinh doanh không có chuyện khi hoạn nạn thì phủi tay… Bởi đồng ý là tình hình dịch bệnh căng thẳng, nhưng có ai thấu nổi khốn cùng của những cảnh đời mưu sinh bằng đôi chân gầy gộc và sấp vé số trên tay dạo từng ngõ đường…

Hiền Vương

Nguồn : VNTB, 30/03/2020

Chú thích :

(1)https://www.xskthcm.com/trang/gioi-thieu/cong-ty-tnhh-mtv-xo-so-kien-thiet-thanh-pho-ho-chi-minh.html

(2)https://xsktdongthap.vn/thong-bao

******************

Người nghèo bán vé số dạo đang ngơ ngác…

Lâm Viên, VNTB, 30/03/2020

Việc làm đã bị cuốn đi khi nhịp sinh hoạt hằng ngày của xã hội phải dừng lại để ngăn dịch lây lan. Cuộc sống của họ và gia đình chênh vênh, dịch kéo dài không khéo họ rơi vào đói nghèo. Người bán vé số dạo, vốn đã bữa đói, bữa no, giờ thì…

loau3

Thông báo của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xổ số kiến thiết Đồng Tháp khẳng định mọi hoạt động kinh doanh vé số của Công ty vẫn hoạt động bình thường. Tin ai bây giờ ?

Vậy là từ ngày 1/4, trên đường phố, ngõ hẻm sẽ không còn bắt gặp những người đi bán vé số dạo. Một lệnh cấm được ban ra vì dịch bệnh từ con vi rút corona lây lan nhanh quá tại Việt Nam. Nhà chức trách hứa hẹn sau ngày 15/4, kỳ vọng có nhiều lệnh cấm đoán sẽ được giải tỏa, vì dịch bệnh khả năng bắt đầu vào giai đoạn ‘thoái trào’.

Mười lăm ngày là nửa tháng. Mỗi ngày một người ăn 2 cữ, vị chi người bán vé số dạo phải thắt lưng buộc bụng đến 60 cữ ăn trong hai tuần lễ đó. Còn các khoản tiền thuê nhà, tiền điện, nước thì biết tính sao đây, khi mà hầu bao của người bán vé số dạo trên hè phố vốn không có ‘của để dành’ ?

Có một lo lắng là nếu sợ dịch bệnh lây lan nên buộc người nghèo khó phải dừng lê gót rong ruỗi mưu sinh bằng nghề vé số dạo, thì vì chén cơn manh áo của sinh tồn, họ buộc phải bươn chãi tìm kế sinh nhai khác trong mười lăm ngày không bán vé số ấy. Liệu bài toán phòng lây lan dịch bệnh sẽ ra sao trong trường hợp chẳng đặng đừng này ?

Hiện nay nghề bán vé số chia ra làm hai dạng : một là, dạng có mặt bằng, ngồi tại chỗ với một bàn vé số khiêm tốn trước mặt ; khách hàng là những khách vãng lai. Dạng thứ hai là bán vé số dạo, dạng này thì khá phổ biến.

Thử dừng lại ở một phận đời. Ông Trần Văn Ngọc (quê Tiền Giang), bán vé số tại bến xe An Sương cho biết, ông đã lên Sài Gòn sinh sống và làm nghề bán vé số dạo đã hơn 20 năm, nghề bán vé số không phân biệt tuổi tác.

Ông nói thu nhập từ nghề bán vé dạo luôn bấp bênh. Ngày đắt khách, ông bán được 90-100 vé, thu nhập gần 100 ngàn. Trong khi đó mỗi tháng, ông phải chi ra ra khoảng 2 triệu đồng cho sinh hoạt hằng hằng ngày như : tiền nhà trọ 500.000 đồng (đó là dạng nhà trọ được gọi là ‘bèo nhèo’), tiền cơm, chợ trung bình mỗi tháng là hơn 1,5 triệu đồng. Trừ các chi phí sinh hoạt, ông chỉ còn dư vài trăm nghìn đồng gửi về quê để phụ lo cho 2 đứa con đang tuổi trung học.

Với bà Lê Thị Mai, 60 tuổi, quê Hàm Thuận Bắc, thì nghề bán vé số dạo được những người trong nghề coi là nghề "bán giấc mơ" cho những người khác, cũng có ngày hên, ngày xui tùy theo thời tiết mưa, hay nắng.

Nghề này ngoài đòi hỏi phải cần mẫn chăm chỉ chịu khó đạp xe hay lội bộ mỗi ngày, cũng cần có chút duyên ăn nói, mời chào sao cho khách hàng người ta động lòng trắc ẩn, thương cảm mà mua. Đối với những người yếu thế như già cả sức yếu, khuyết tật, phụ nữ đơn thân nuôi con ăn học lại không có việc làm, không có vốn buôn bán…, thì nghề bán vé số dạo rất phù hợp. Bản thân bà Mai bị bệnh tiểu đường, sức khỏe kém, nhờ nghề bán vé số dạo nên còn có đồng ra đồng vô, với thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng, đủ trang trải ăn uống, chỗ ở, tới thuốc thang chữa bệnh cho bản thân, không làm phiền con cái…

Giờ thì các buồn vui nghề bán vé số dạo tạm khép lại trong 15 ngày để hạn chế việc lây lan con vi rút corona. Và rồi họ sẽ sống ra sao ở những ngày đại dịch đang đe dọa này ? Nửa tháng với người nghèo bị ‘treo niêu’ là dài lắm !

Lâm Viên

Nguồn : VNTB, 30/03/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Nam, Lynn Huỳnh, Nguyễn Thị Huyền, Hiền Vương, Lâm Viên
Read 605 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)