Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/03/2020

Covid-19 chi phối toàn bộ sinh hoạt kinh tế thế giới : tiếc TPP

Nhiều tác giả

Kinh tế thế giới trong cơn đại dịch Covid 19

Tạ Dzu, VNTB, 30/03/2020

Bộ mặt kinh tế thế giới vài thập niên trước mắt chắc chắn sẽ thay đổi sau vụ coronavirus ngang tàng làm ngưng trệ nguồn cung ứng toàn cầu và thương chiến Mỹ-Trung chưa chấm dứt.

kinhte1

Tình trạng coronavirus gây xáo trộn kinh tế là ‘thiên nga đen’ (black swan).

Nhân mùa đại dịch Convid 19 – kinh tế thế giới nghiêng ngả, chuỗi dây cung ứng quốc tế bị ngưng trệ hoàn toàn, thị trường chứng khoán thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ trồi sụt bất thường, có lúc lên hay xuống cả ngàn điểm (khi chạm vào giới hạn lên xuống 7% nên phải ‘đóng cầu giao’, hoặc trước lúc thị trường mở cửa hay ngay trong ngày, không cho trao đổi chứng khoán trong vòng 15 phút hay hơn, tùy mức độ lên xuống và vào lúc nào, để giới hạn thiệt hại), cuối ngày lại xuống hai, ba ngàn điểm – chúng ta nên có một cuộc duyệt xét lại tình hình kinh tế thế giới để hiểu phần nào, tại sao chỉ vì dịch corona virus mà thị trường chứng khoán toàn cầu lại chao đảo kinh hoàng như vậy ? 

Nhiều người gọi tình trạng coronavirus gây xáo trộn kinh tế là ‘thiên nga đen’ (black swan). Thiên nga đen là một sự kiện vượt quá những gì thường được dự kiến về một tình huống nào đó và có những hậu quả nghiêm trọng. Hy vọng qua cuộc duyệt xét tạm gọi là tổng quan ngắn gọn này, chúng ta, đặc biệt là các kinh tế gia người Việt quan tâm đến tình hình đất nước sẽ học được những kinh nghiệm quý báu của thế giới, góp phần vào việc xây dựng một hệ thống kinh tế phù hợp với đất nước và con người Việt Nam mai sau.

Kể từ thập niên 1980 trở về trước, Hoa Kỳ đã để bàn tay vô hình (invisible hand) thúc đẩy sự cạnh tranh với quy luật đào thải của kinh tế thị trường mà nhà nước không can thiệp gì nhiều.

Sang thập niên 1990, qua Đồng thuận Washington (Washington Consensus), Mỹ đã dẫn đầu thế giới trong việc toàn cầu hóa bằng cách thúc đẩy việc hạ thấp hay huỷ bỏ hàng rào quan thuế, hối thúc các ngân hàng thế giới mở rộng cánh cửa tài chánh hỗ trợ cho đầu tư và thương mại quốc tế. Những cố gắng này đã khiến những nguồn tiền khổng lồ luân lưu xuyên quốc gia theo làn sóng tự do hóa tài chánh (financial liberalization) mà không bị cơ quan quốc tế nào thanh tra, tuy dẫn đến phát triển nhưng cũng dễ làm bùng vỡ những bong bóng kinh tế thế giới trong nhiều năm qua : từ Mexico (1994), Đông Á (1997), Nga (1998), Nam Mỹ (2000), đến Mỹ (2007-2009), Châu Âu (2010-2012).

Cuộc đại khủng hoảng tài chánh 2008-2009 (Great Financial Crisis) đã làm lung lay hình ảnh tốt đẹp của toàn cầu hoá. Nhiều kinh tế gia tài ba cũng không thể dự tính được rằng kinh tế thị trường trao đổi tự do cũng không thể tự điều tiết giá cả cho hợp lý và đào thải những thành phần hám lợi gây thiệt hại to lớn ra khỏi thị trường. Mặc dù được đào tạo chuyên nghiệp, nhiều chuyên viên tài chánh xuất thân từ những ngôi trường danh tiếng như MIT, Havard… của Mỹ, cùng hàng loạt những ngân hàng quốc tế có đến cả trăm năm kinh nghiệm, vì tham lam, đều… nhắm mắt đưa chân, lao vào những loại đầu tư đầy rủi ro (risky assets) như chứng khoán, trái khoán trả lãi cao (high-yield bonds) và thị trường bong bóng địa ốc như những con thiêu thân.

Thị trường địa ốc Mỹ tan vỡ cuối 2007, khởi đi từ bọt bong bóng bể của Lehman Brothers, lan rộng ra toàn cầu vì tình trạng dây chuyền trong mậu dịch quốc tế. Chính phủ Mỹ đã vội phải nhảy vào can thiệp, chứ nếu để mặc cho thị trường tự điều tiết, tự đào thải sẽ khiến hàng loạt ngân hàng sụp đổ, dẫn đến hàng vạn công ty đóng cửa và cả chục triệu người mất việc. 

Ta thấy rằng toàn cầu hóa tuy mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng trở thành trở ngại nếu không được bàn định kỹ lưỡng giữa các quốc gia, ít nhất là từ những cường quốc kinh tế nhằm thiết lập một tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội toàn cầu (social responsibility). Qua cuộc khủng hoảng địa ốc đó, con người cần thiết lập được một ‘cộng đồng nhân loại’ – human community – sinh sống hòa hài bên nhau, thay vì tiếp tục cạnh tranh khốc liệt, mạnh ai nấy sống, tạo ra nhiều bong bóng các loại rồi cùng bể với nhau.

Các ngân hàng trung ương thế giới từ 2008, hoặc tự quyết định, hoặc cùng với hệ thống chính trị đã đồng loạt đưa ra những gói kích cầu khổng lồ (Mỹ là TARF, QE1, 2, 3…) nhằm cứu vãn kinh tế. Cứu vãn kinh tế thì đương nhiên phải thực hiện rồi, nhưng cùng lúc, các ngân hàng trung ương cũng phải hiểu rằng họ đã tạo ra hiện tượng ‘ngập lụt tiền tệ’ thế giới. Ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) giữ lãi suất thấp quá lâu để chính phủ dễ có khả năng trả nợ (hiện nợ quốc gia đã lên đến 23 ngàn tỉ), nhưng lại là nguyên nhân cho các công ty mượn nợ rẻ, nhưng thay vì dùng tiền đó phát triển công ty, nhiều hãng đi mua lại cổ phiếu của chính mình vào để giá cổ phiếu tăng nhanh ngoài thị trường (stock buybacks). Cổ phiếu tăng thì các nhà đầu tư lẫn giới lãnh đạo công ty đều hưởng lợi lớn. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng thực chất của kinh tế hồi phục (recovery) từ 2008 đa phần là do các hãng xưởng mượn nợ xài, chứ GDP cả chục năm qua không tăng bao nhiêu. 

Tình trạng rất nhiều hãng xưởng lẫn chính phủ nợ nần ngập đầu và ngân hàng trung ương giữ lãi suất thấp khá lâu, có thể là những nguyên nhân chính yếu giải thích cho tình trạng kinh tế hôm nay, mà các chú vi rút Corona ‘ngang tàng’ là giọt nước cuối cùng làm tràn ly nền kinh tế mà ai cũng lo thủ lợi cho mình phần nhiều hơn người khác. Kinh tế suy trầm, hãng xưởng không trả được nợ, đành phải nhờ chính phủ cứu vớt (bailout).

Với lãi suất xuống đến 0%, các ngân hàng trung ương quốc tế không còn cách nào khác hơn là tiếp tục in tiền cứu nguy kinh tế, một giải pháp đã không tạo hiệu quả tích cực cho kinh tế thế giới, lại được tiếp tục thực hiện.

Ngoài ra, với tư duy chính trị thế giới ngày nay, gần như tất cả các chính trị gia đều có chung một điểm là đều muốn được tái đắc cử. Họ dễ có khuynh hướng làm nhiều điều ngoài khuôn khổ nguyên tắc bình thường để đạt được mục tiêu. Khái niệm đắc cử để phục vụ công chúng (public service) dường như đã trở thành xa xỉ. Đó không phải là khuôn mẫu chính trị mà ta muốn xây dựng cho quê hương mai sau.

Tình trạng bể bong bóng địa ốc 2008 khiến nhiều nước đang phát triển bị ảnh hưởng nặng nề, nổi lên tâm lý chống phương Tây, nhất là tại Nam Mỹ. Các quốc gia tầm trung (Brazil, Russia, India, China – BRIC) cho rằng phải tiến lên lãnh đạo kinh tế thế giới thay thế cho sự lụn bại của phương Tây. Bắc Kinh tung ra những gói kích cầu khổng lồ (tuy sau này bị bể tín dụng) nhưng cũng đã giúp Tàu vươn lên, soán ngôi đệ nhị cường quốc kinh tế thế giới thay Nhật, và đang đe dọa soán đoạt luôn ngôi vị bá chủ của Mỹ.

Trong khi đó tại Hoa Kỳ, khủng hoảng 2008 làm nổi bật những nỗi bất mãn lâu năm của giới công nhân trung lưu : 30 năm qua lương không tăng bao nhiêu mà còn nơm nớp lo âu mất việc. Toàn cầu hóa gây khốn đốn cho tầng lớp trung lưu phương Tây nhưng lại ưu đãi giới thượng lưu ít ỏi, lớp người đã vật đổ kinh tế Mỹ 2008 nhưng được nhà nước rộng tay cứu vớt, không ai đi tù ; dân thì mất nhà, mất American dream qua nhiều năm khổ công tích góp.

Bàn tay vô hình năm nào đã trở thành què quặt, không còn đủ dài để điều chỉnh thị trường lao động, giá cả hợp lý và làm cán cân mậu dịch thế giới mất cân đối.

Nhiều người đồng ý kinh tế không thể để cho bàn tay vô hình quyết định nữa, phải có nhà nước can thiệp vào. Nhưng can thiệp tới mức độ nào, và là nhà nước nào, có thực sự là nhà nước của dân hay của các đảng phái ?

Khủng hoảng 2008 khiến dân mất nhà, trắng tay, nhưng dù có phẫn uất đến mấy chăng nữa cũng chỉ đến độ tràn vào tòa nhà quốc hội ăn vạ và trương bảng "We are 99%" biểu tình. Còn quyền quyết định kế hoạch, chính sách ra sao thì vẫn là quyền của 1% giới thượng lưu (elites) mặc cả, giằng qua kéo lại với nhau. Thể chế tuy mang tiếng là dân chủ, nhưng nhân dân không có quyền quyết định lấy vận mệnh chính trị của mình, vẫn là một quyền riêng thuộc về các chính đảng. Nếu họ quyết sai thì dân cũng ráng mà chịu.

Trước tình hình kinh tế nghiêng ngả đó, lương công nhân không tăng mà cứ thom thóp lo nếu mất việc, không khéo sẽ bị nhà băng kéo mất nhà, nên trong cuộc bầu cử năm 2016 ở Mỹ, ông Trump tuy ăn nói bạt mạng, nhưng hứa hẹn sẽ đem công ăn việc làm về cho người dân, cộng thêm lời hứa bùi tai quyết tâm ‘drain the swamp’ (tát cạn vũng lầy thượng lưu độc hại) nên đã thắng bà Clinton tiến vào Nhà Trắng.

Vậy Việt tộc có nên suy nghĩ đến một nền dân chủ mang tính toàn dân (như thời Lý-Trần và Lê Thánh Tông) – không chỉ là sân chơi của các đảng – để dân tự quyết lấy hay chăng, và một nền chính trị thực sự do nhân dân đảm nhiệm, nhà nước chỉ giữ vai trò điều hợp, tạo điều kiện cho dân tổ chức đời sống xã hội của họ, chứ không phải chính trị dân tuý, mị dân để kiếm phiếu và tái đắc cử ?

Bộ mặt kinh tế thế giới vài thập niên trước mắt chắc chắn sẽ thay đổi sau vụ coronavirus ngang tàng làm ngưng trệ nguồn cung ứng toàn cầu và thương chiến Mỹ-Trung chưa chấm dứt. Thế giới sẽ thay đổi thế nào, for better or worse (sáng sủa hay u tối hơn) ? Nhân loại có học được bài học đắt giá nào không, sau những vụ ‘dot com bubble 2000’, ‘mortgage bubble 2008’, ‘black swan Covid-19 2019’ ?

Chờ hồi sau sẽ rõ.

Tạ Dzu

Nguồn : VNTB, 30/03/2020

****************

Virus corona : Thế giới khủng hoảng, cứu trợ tiền bạc bao nhiêu mới đủ ?

Phạm Đỗ Chí, BBC, 30/03/2020

Bà Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), đã tuyên bố hôm thứ sáu ở Washington D.C. 27/3 rằng kinh tế thế giới đã ở vào cơn suy thoái và hiện có 81 quốc gia đang cầu cứu khẩn cấp cứu trợ tài chính của định chế quốc tế quan trọng này.

kinhte2

Tổng thống Donald Trump phát biểu ngày 29/3

Bà thêm rằng IMF đã sẵn sàng can thiệp với một gói tài chính là 1.000 tỷ đô la Mỹ để cứu trợ các nước hội viên ứng phó với hiểm họa suy thoái đó, phát xuất từ cơn đại dịch Covid 19.

Lời xác nhận trên cho thấy cơn đại dịch cúm Coronavirus đã đưa đến cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu và vai trò quan trọng có thể gọi tới sự can thiệp của 2 định chế tài chính quốc tế lớn nhất là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Funds-IMF) và Ngân hàng Thế giới (World Bank-WB).

Nhưng điều quan trọng phải nói ngay là IMF và WB không thể dùng khả năng tài chính khổng lồ của mình để cung ứng gói cứu trợ tài chính thông thường đi kèm các biện pháp kinh tế kích cầu theo mô hình Hoa kỳ-Anh quốc để chống suy thoái mới đây.

Sống tại Hoa Kỳ, tôi nhận thấy, đành rằng một phần lớn gói cứu trợ dùng để trợ cấp các cá nhân qua cơn khủng hoảng vì mất việc và các doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động phải dính vào nợ nần, nhưng nhận xét kỹ có thể thấy ngay rằng đồng đô la hay bảng Anh vứt vào đời sống kinh tế hàng ngày chưa chắc đã có hiệu quả chặn được con virus quái ác hoành hành không ngừng nghỉ và gây ra bệnh tật và thương vong tăng theo cấp số nhân hàng tuần.

Việc Hoa Kỳ và các nước Tây Âu ra lệnh phong tỏa (lockdown) và cách ly chính là nguyên nhân gây ra tê liệt sự đi lại và các hoạt động kinh tế.

Không chặn được cơn dịch hiệu quả thì kinh tế càng đi sâu vào suy thoái tiếp và nặng thêm. Do đó đã có dự đoán cho rằng với đà tăng lây nhiễm khủng khiếp của dịch bệnh ở Mỹ, gói cứu trợ khổng lồ 2,200 tỷ đô chỉ là bước đầu, HK còn cần thêm các gói vài nghìn tỷ kế tiếp trong vài tháng tới.

Nhìn lại nhanh các thời điểm chính của cơn dịch Covid 19, Trung Quốc (Trung Quốc) đã để lỡ cơ hội phòng chống qui mô cơn dịch từ khoảng đầu tháng 12/2019 xuất phát từ Vũ Hán. Và đã chịu hậu quả nặng nề khi cơn đại dịch bùng phát ở Trung Quốc và kéo theo sự phong tỏa đi lại của 600-700 triệu người ở đa số các tỉnh lớn, sau đó là sự sụp đổ của toàn nền kinh tế cho đến nay.

kinhte3

Người Mỹ được cảnh báo virus corona có thể làm 200.000 người chết

Nhận định sai tình hình ban đầu

Bài học từ Trung Quốc và các lời tuyên bố xem nhẹ lúc bắt đầu cơn dịch nêu trên cho đến giữa tháng 1/2020 đã bị lập lại bởi chính Hoa kỳ từ cuối tháng 1/2020 lúc có bệnh nhân lây nhiễm đầu tiên ở tiểu bang Washington bên bờ Tây nước Mỹ. Bên bờ Đông, chính phủ trung ương liên bang đã nhận định sai tình hình trong suốt 5-6 tuần, do thiếu các phương tiện xét nghiệm trên cả nước để không biết rằng cơn lây nhiễm đã lan rất rộng, và đã không kịp ra lệnh phong tỏa kịp thời.

Từ đầu/3 lúc có thêm các dụng cụ xét nghiệm, cũng là lúc nắm bắt được thực trạng của cơn dịch thì lại thành quá muộn để ngăn chặn hiệu quả cơn lây lan đó. Từ thiếu dụng cụ xét nghiệm, tình trạng "vỡ trận" ở vài tiểu bang lớn Hoa kỳ, nhất là bang New York và điển hình là thành phố New York (NYC), đã cho thấy Hoa Kỳ đang thiếu toàn diện các thứ khác : dụng cụ bảo hộ như khẩu trang và quần áo phòng bị thích hợp cho nhân viên y tế, các trung tâm xét nghiệm, các dụng cụ xét nghiệm nhanh, các nhà thương hay khu chữa bệnh Covid 19 chuyên biệt, các máy thở, và nhất là các thuốc chữa trị vẫn còn đang thời kỳ thử nghiệm thô sơ ; chưa nói gì đến các thuốc chủng ngừa ("vaccines") còn cần 12-18 tháng nữa mới cho các kết quả khoa học chính xác đầu tiên.

Nay đại dịch đã thành đại họa cho Mỹ, suy thoái kinh tế Hoa Kỳ có thể trở thành đại suy thoái cho cả thế giới, và cơn dịch cúm sẽ lan ngược ra lại khắp thế giới nếu Mỹ không có chính sách chữa trị quyết liệt và nhất là hiệu quả trong vài tháng tới đây ! Và đó là lý do thị trường chứng khoán sụp đổ tan tành mà người viết chưa muốn nhắc tới trong bài này !

Người viết muốn đặc biệt nhấn mạnh tới hai chọn lựa lúc này cho nước Mỹ :

1. Chính phủ trung ương phải dùng tới các người chỉ huy phải là các chuyên gia y tế nhiều kinh nghiệm về bệnh truyền nhiễm, và trao quyền cho các Thống đốc phối hợp trong từng tiểu bang, thống nhất các việc như tuyên bố phong toả, lập nhà thương hay khu điều trị chuyên trách, đặt mua khẩu trang loại tốt và các dụng cụ phòng hộ cho nhân viên y tế, lập khu xét nghiệm và đặt mua thêm thật nhiều dụng cụ xét nghiệm từ khu vực tư nhân trong nước (thay vì làm bởi CDC) và nhất là nhập cảng lập tức từ nước ngoài (Hàn Quốc, Nhật bản).

Còn về chữa trị sẽ cần chế tạo thêm máy thở và lập kho thuốc dự trữ chiến lược gồm vài thứ đã dùng có hiệu quả bên Châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc...

2. Chính phủ trung ương chỉ đưa ra các chiến lược tổng quát, trao quyền rộng rãi cho các tiểu bang thực hiện các kế hoạch chống dịch chi tiết nêu trên, và nhất là lên tiếng kêu gọi các tổ chức từ thiện tư nhân lớn hay các đóng góp tư nhân tài trợ các chương trình chống dịch ở từng tiểu bang.

Người viết nghiêng về đề nghị này vì còn có thể huy động nhiều sáng kiến tư nhân và các đóng góp tài chính tự nguyện rộng rãi, cùng sự tổ chức phân quyền rộng rãi thích hợp với các điều kiện địa phương vì thời gian đã quá gấp rút.

kinhte4

Bệnh viện dã chiến tại Central Park, New York

Cần kết nối cả thế giới, gồm Việt Nam :

Trong tiến trình này, IMF và WB còn giúp được ngay chính các cường quốc như Mỹ, Tây Âu, Nhật có phương tiện ngăn chặn được cơn dịch nhanh hơn, nhờ cách tổ chức phòng chống dịch chi tiết nêu dưới đây, nhấn mạnh vào nguyên tắc phân công trong các nước hội viên, về việc tổ chức sản xuất và phân phối các dụng cụ phòng và chữa bệnh, hay thuốc chủng ngừa.

IMF sẽ giữ vai trò cung cấp và tư vấn tài chính. WB ngoài cung cấp tài chính cho các nước đang phát triển còn có thể tư vấn và giám sát kỹ thuật.

Cho cơn đại dịch Covid 19 và ngăn ngừa cơn Đại Suy Thoái Thế giới có thể xảy ra vào cuối năm 2020 hay sang đầu năm 2021, IMF và WB có thể cung cấp tài chính và phối hợp với các nước trong nhóm OECD để tổ chức việc sản xuất và phân phối các dụng cụ và thuốc men liên hệ đến việc chống dịch như sau :

- thiết lập một tổ chức nhỏ quốc tế mới ("Oversight Organization") để thiết lập và thanh sát các việc sau, được giao cho các nước chuyên biệt.

- sản xuất khẩu trang, y phục phòng hộ và nước tẩy trùng : Trung Quốc và các nước Đông Nam Á trong đó gồm Việt Nam vốn có giá lao động thấp ;

- sản xuất các dụng cụ xét nghiệm : Hàn Quốc và Nhật bản đã có kinh nghiệm và trình độ khoa học cao ;

- sản xuất máy thở : Nhật, Mỹ và các nước Tây Âu ;

- nghiên cứu thêm và sản xuất vài thứ thuốc chữa trị có sẵn : Pháp (Plaquenil) ; Mỹ (Remdevisir ; Hydroxychloroquine...) ;

- nghiên cứu và sản xuất các thứ vaccines trong vòng 12-18 tháng : Mỹ , Nhật , Tây Âu, Trung Quốc...

Các hoạt động này sẽ tạo ra một nền kinh tế - y tế mới hỗ trợ cho tất cả các nước tham gia, vừa chống dịch bệnh, vừa tạo công ăn việc làm, thúc đẩy xuất khẩu.

kinhte5

Quốc hội Mỹ vừa thông qua gói cứu trợ khủng hoảng lớn nhất lịch sử Mỹ hôom 27/3

Bệnh tật, tử vong và tâm lý xấu

Cho sự can thiệp sắp tới của IMF và WB, nếu có, các biện pháp tiền tệ và tài khóa kiểu Mỹ và Anh không thể đáp ứng với tình hình bệnh tật và tâm lý đang làm tê liệt mọi nền kinh tế thế giới.

IMF dù có nghìn tỷ đô không thể gửi phái đoàn đi giải cứu 81 nước một lúc và đưa ra các biện pháp stimulus mong mỏi, vì điều quan trọng là liệu pháp cần thiết : giúp các nước hội viên chặn sớm được cơn dịch Covid 19.

Tất cả phải tùy theo đầu tàu là Mỹ và Tây Âu chặn được bệnh và tái lập sinh hoạt kinh tế để tái tạo mức "tổng cầu" cho các nước khác trên thế giới trong giai đoạn phục hồi : đó mới là stimulus thật sự trong tương lai, còn chính sách kích cầu của IMF lúc này không làm được gì cho 81 nước đó.

Tiền của IMF và World Bank nếu có đủ chỉ là để cứu trợ khẩn cấp và tạm thời, chứ không phải là để kích thích các nền kinh tế, nên các giải pháp khác nữa như nêu trên mới có thể góp phần giúp thế giới chống lại dịch bệnh và tạo nền tảng cho các hợp tác toàn cầu về sau, khi nhân loại đối mặt với các thách thức khác.

Phạm Đỗ Chí

Nguồn : BBC, 30/03/2020

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí từ Florida.

******************

Trong cơn đại dịch Covid-19 mới thấy "tiếc" TPP của Obama...

Trương Nhân Tuấn, 30/03/2020

Khủng hoảng Covid-19 bùng phát cho thấy các quốc gia tiên tiến không phải "liên thuộc" kinh tế với Trung Quốc mà là "lệ thuộc". Tất cả dụng cụ y tế, từ khẩu trang cho tới máy móc, dụng cụ... đồ dổm hay đồ tốt, mắc hay rẻ... tất cả đều đến từ Trung Quốc. Đến nay thế giới vẫn phải nhập cảng những bộ "thử nghiệm" Covid-19 từ Trung Quốc, mặc dầu nhiều lô hàng nhập vô Tây ban nha, Phi... cho thấy độ chính xác chỉ ở 40%. Các quốc gia này vẫn phải tiếp tục nhập từ Trung Quốc các bộ thử nghiệm mới, từ những viện bào chế "uy tín" hơn, nhưng tất cả vẫn sản xuất từ Trung Quốc.

kinhte6

Vấn đề "liên thuộc" kinh tế giữa Trung Quốc với phần còn lại của thế giới từ lâu các chính trị gia Mỹ và Châu Âu đã nhìn thấy. Trung Quốc đã hưởng lợi lớn lao từ sự "liên thuộc" này, từ thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Trung Quốc một "quốc gia nghèo" thuộc "thế giới thứ ba", Trung Quốc lần hồi "thay da đổi thịt", hàng trăm triệu người Trung Quốc được "thoát nghèo".

Vấn đề là quá trình phát triển của Trung Quốc không đơn thuần đến từ thành quả "mồ hôi" và "trí tuệ" của dân Trung Quốc. Nếu Trung Quốc "đi lên" bằng phương cách như vậy thì không ai thắc mắc, yêu cầu đặt lại "luật chơi". Ngoài những "kẻ hở" về luật lệ của WTO, sự "thiếu thiện chí" của nhà nước Trung Quốc về vấn đề sở hữu trí tuệ hay sự hiện diện của nhà nước trong lãnh vực kinh tế khiến cho sự liên thuộc về kinh tế "đôi bên cùng hưởng lợi" trở thành Trung Quốc là phía hưởng lợi nhiều hơn, bằng một phương pháp "bất chánh".

Tình hình lý ra không trầm trọng, vì các quốc gia có thể lấy lại cân bằng qua các biện pháp pháp lý.

Từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, Trung Quốc đã để lộ nanh vuốt của một đế quốc vừa phát xít vừa cộng sản, sử dụng sức răn đe của vũ lực quốc phòng cùng với sức ép kinh tế lẫn ngoại giao, nhằm áp chế các quốc gia yếu chung quanh đồng thời thách thức các đại cường. Tham vọng xây dựng trật tự quốc tế mới, theo cái cách của Trung Quốc, thấy được qua các việc khuynh đảo các định chế quốc tế, như LHQ, bằng cách "gài" người thân vào vị trí lãnh đạo. Luật lệ quốc tế cũng bị Trung Quốc "diễn giải" lại, trường hợp thách thức UNCLOS để áp đặt đường chữ U chín đoạn. Trung Quốc cũng "vãi tiền" mua chuộc các lãnh đạo tham những các quốc gia Á, Phi.. ngay cả Châu Âu, để thược hiện tham vọng bành trướng kinh tế qua các chương trình "vành đại con đường" hay "made in china 2025".

Hiển nhiên "trật tự thế giới" được thiết lập từ sau Thế chiến II đã bị Trung Quốc thách thức.

Chính quyền Obama và phe Dân chủ Mỹ đã thấy tất cả các "âm mưu" của Trung Quốc. Vì tham vọng của Trung Quốc vừa lộ liễu, vừa "sống sượng", nếu nói theo cách bình dân. Nhưng sự liên thuộc về kinh tế đã khiến mọi hành động đơn phương của Mỹ và Châu Âu (nhằm ngăn cản tham vọng của Trung Quốc) đều gây "hệ quả ngược", đem lại thiệt hại cho mình nhiều hơn Trung Quốc.

Yếu tố đầu tiên mà Mỹ có thể yêu sách Trung Quốc "ngồi vào lại" vị trí của Trung Quốc, là Mỹ, Châu Âu và phần còn lại của thế giới không còn, hay bớt, "liên thuộc kinh tế" với Trung Quốc.

Dĩ nhiên có nhiều phương cách để chấm dứt sự liên thuộc về kinh tế với Trung Quốc.

Đến nay nhìn lại, ta thấy cái cách của phe Dân chủ, thể hiện qua chính quyền Obama, ở các kết ước về kinh tế với các đối tác mới, như Hiệp định TPP (đối tác xuyên Thai bình dương), mục đích không để Trung Quốc "độc tôn" trên các mặt hàng "chiến lược". Ngoài ra ta còn có thể nói tới Hiệp ước Paris COP 21 về Biến đổi khí hậu…

"Sức mạnh mềm" của Nước Mỹ thời Obama thể hiện qua các việc nước Mỹ luôn đứng ở vai trò lãnh đạo, trên bất kỳ các vấn đề liên quan đến con người ở quả địa cầu này. Không có bất kỳ tiếng nói nào, ở bất kỳ quốc gia nào, kể cả Trung Quốc và Nga, lên tiếng phản bác tính "chính đáng" của Mỹ, vị thế "ngọn đuốc soi đường" của thế giới.

Sang thời Trump lãnh đạo nước Mỹ ta thấy phương pháp "thoát Trung", tức ra khỏi sự liên thuộc bất lợi của Mỹ đối với Trung Quốc, không đơn thuần là vấn đề lợi ích (chiến lược) quốc gia, mà là một vấn đề cá nhân và lợi ích phe đảng, cá nhân.

Trump đã tạo cho nước Mỹ một bộ mặt mới, một nước Mỹ có đầy đủ các hiện tượng "tân phát xít" như kỳ thị chủng tộc, thù hận chủng tộc, đơn phương chủ nghĩa, tôn sùng lãnh tụ…

Trump lãnh đạo nước Mỹ như kẻ mới biết đánh cờ, chỉ chú trọng việc "ăn quân". Trump không có tầm nhìn chiến lược. Mở ra mặt trận "đánh Trung Quốc" về kinh tế nhưng cả thế giới cũng đều "sặc máu mũi" vì Trump.

Bây giờ, trong cơn đại dịch Covid-19 mới thấy "tiếc" TPP của Obama.

Lãnh đạo các phòng thí nghiệm, các cơ sở sản xuất công kỹ nghệ của Mỹ, mặc dầu Trump ban bố luật về sản xuất trong tình trạng chiến tranh, những người này lên tiếng cho biết Mỹ đã thiếu trầm trọng các thứ vật liệu cần thiết.

Chính sách của Trump, trong chừng mực, là "duy ý chí". Mỹ có thể "thoát Trung", không lệ thuộc Trung Quốc về knih tế, nhưng cái giá phải trả cho dân Mỹ, cũng như phần còn lại của thế giới, là quá đắt.

Chương trình truyền hình của CNN phỏng vấn thủ tướng Singapour Lý Hiển Long hôm qua cho thấy "sức mạnh mềm" của Mỹ đã mất. Theo ông Long, lý ra Mỹ phải là quốc gia dẫn đầu thế giới chống lại Covid-19. Ông Long "tố khổ", lý ra thế giới phải tham vấn Mỹ, như ở bất kỳ tình thế nào, vì sự ưu việt của Mỹ thể hiện ở khắp các lãnh vực. Thì bây giờ các quốc gia Châu Âu phải tham vấn Nam Hàn, Đài Loan, Singapore… trong vấn đề phòng dịch. Ông Long cùng nói Mỹ và Trung Quốc nên chấm dứt việc đổ lỗi cho nhau về Coronavirus. Vấn đề là các bên phải tìm phương án chống dịch chớ không phải lên án chống nhau…

Ông Trump chủ trương "làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại", thực tế là chủ trương "lợi ích gia đình Trump trên hết", còn lại "sống chết mặc bây". Nước Mỹ có bao giờ không vĩ đại ?

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb.nhantuan.truong, 30/03/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tạ Dzu, Phạm Đỗ Chí, Trương Nhân Tuấn
Read 780 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)