Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/04/2020

Vì sao Việt - Mỹ không thể tin nhau ?

Thu Thủy

Trong lúc dịch Cúm Vũ hán đang diễn biến phức tạp, thì Trung Quốc lại triển khai nhiều hoạt động mới ở Biển Đông ngay sau khi vừa tuyên bố giải quyết xong ổ dịch Vũ Hán.

vietmy1

Tàu kéo Nam Đà – 174 của hạm đội Nam Hải trực bảo vệ căn cứ trên bãi Chữ Thập. Tàu này sẵn sàng ngăn cản, xua đuổi các tàu không phải của Trung Quốc đi gần bãi đá

Việt Nam có thể làm gì trong tình thế này khi cũng đang gồng mình chống dịch và liệu nước Mỹ có đóng góp vai trò gì giúp Việt Nam khi cường quốc này vừa trở thành nước dẫn đầu thế giới về số ca lây nhiễm ?

Mới đây nhất, ngày 26/3, Trung Quốc đã khai thác 861.400 mét khối khí tự nhiên từ khí metan, trong một tháng sản xuất thử nghiệm ở Biển Đông, truyền hình nước này đưa tin.

Giới chức năng lượng Trung Quốc phát biểu rằng đây là bước quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa khí metan.

Metan đã được xác định là một nguồn khí đốt mới tiềm năng cho Trung Quốc và Biển Đông được cho là có chứa một số lượng khí metan dồi dào nhất trên thế giới.

Trung Quốc đã đưa máy bay quân sự tới Biển Đông để diễn tập trong tháng này ở Biển Đông, dường như để đáp trả các cuộc tuần tra qua khu vực này của các tàu chiến Mỹ, theo truyền thông Trung Quốc cho biết.

Mới hồi tháng Hai, tàu sân bay USS Theredore Rosevelt cập cảng Đà Nẵng của Việt Nam, một động thái được cho là nhằm tăng cường quan hệ Mỹ-Việt, khẳng định sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông, nhưng đã khiến Trung Quốc tức giận.

Tiếp đến, đầu tháng Ba, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS McCampbell của Mỹ đã đi vào Biển Đông để thể hiện rằng đây là tuyến đường thủy quốc tế mở thay vì nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc, theo Reuters.

Đáp lại, giữa tháng Ba, Trung Quốc tập trận chung với Campuchia trên Biển Đông mặc dù có nguy cơ khiến Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác phẫn nộ.

Mới đây, Trung Quốc lại ngang nhiên đưa máy bay quân sự ra quần đảo Trường Sa.

vietmy2

Ảnh chụp vệ tinh của công ty ImageSat International (ISI, Israel) hôm 29/3 cho thấy máy bay vận tải quân sự Y-8 của Trung Quốc hạ cánh trái phép trên đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Trước đó vào ngày 20/3, Tân Hoa xã ngang nhiên đưa tin Trung Quốc lập 2 trạm nghiên cứu trên hai đá Chữ Thập và Xu Bi, cũng thuộc quần đảo Trường Sa.

Hai cơ sở này sẽ theo dõi, đo đạc các thay đổi về sinh thái địa chất, môi trường tại các vùng biển này. Hai cơ sở này được cho là cùng tổ hợp với một trung tâm nghiên cứu của Trung Quốc xây dựng trước đó ở Đá Vành Khăn ở Trường Sa.

Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế không thể tin vào việc Bắc Kinh đưa ra những tuyên bố về việc xây dựng cơ sở ở bãi đá Chữ Thập hay Xu Bi là để nghiên cứu khoa học.

Hôm 24/03, Tiến sĩ Collin Koh Chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore nhận định : "Hẳn nhiều người nghĩ rằng dịch virus corona đang diễn ra có lẽ sẽ khiến Bắc Kinh không chú ý đến những điểm nóng hàng hải. Thực tế lại không như vậy. Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, bất chấp Dịch Cúm Vũ Hán đang bùng phát".

Tiến sĩ Patrick Cronin (Chủ tịch chương trình An ninh Châu Á – Thái Bình Dương, Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng : "Về mặt lý thuyết, tất cả các quốc gia cần cùng nhau hợp tác cho an ninh biển và tài nguyên, tìm ra cách thức bền vững để các quốc gia ven biển khai thác tài nguyên biển".

Tuy nhiên, ông Cronin cũng đặt vấn đề : "Nhưng điều đó có thể bị đặt niềm tin sai chỗ khi nghĩ rằng Trung Quốc giờ đây muốn bảo vệ hệ sinh thái biển – trong khi thực tế thì nước này suốt nhiều năm qua đã phá hoại hệ sinh thái biển. Không chỉ gây hại cho hệ sinh thái, Trung Quốc còn nhiều lần quấy rối vùng biển và tàu bè của Việt Nam, Malaysia, Philippines, Indonesia…, hay gần đây là chiếu laser vào tàu và máy bay Mỹ. Chính vì thế, cộng đồng quốc tế khó có thể đặt niềm tin vào một quốc gia như Trung Quốc".

Hay nghiên cứu môi trường biển để thu thập thông tin nhằm ẩn nắp tàu ngầm tại những khu vực này. Ở trong lòng biển, nơi tàu ngầm hoạt động, Trung Quốc cần nắm rõ các điều kiện dòng nước để thiết lập hệ thống cảm biến phục vụ cho mạng lưới liên lạc, cập nhật thông tin của tàu ngầm.

Cũng không tin tưởng vào điều mà Bắc Kinh công bố, Tiến sĩ James R. Holmes (chuyên gia chiến lược hàng hải – Đại học Hải chiến Mỹ) cho rằng : "Bằng cách xây dựng cái gọi là trung tâm nghiên cứu dành cho khoa học, nhưng Trung Quốc vô hình trung đã thiết lập sự kiểm soát. Với cách thức này, Bắc Kinh đặt sự đã rồi để các nước khó can thiệp đòi "phục hồi nguyên trạng", yêu cầu người Trung Quốc rời đi bằng đường ngoại giao hay quân sự. "Núp bóng" nghiên cứu khoa học còn khiến các nước khác nếu can thiệp để người Trung Quốc rút đi thì Bắc Kinh lại đổ vấy rằng đó là hành vi "tấn công vào giới nghiên cứu khoa học".

Động thái xây dựng trạm nghiên cứu ở bãi đá Chữ Thập và bãi đá Xu Bi là chiêu trò khá quen thuộc từ Trung Quốc. Bắc Kinh thường xuyên lợi dụng những lúc tình hình phức tạp, các nước có những mối quan tâm khác, thì ra tay hành động.

Phân tích sâu hơn, Tiến sĩ Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng mục đích của việc xây dựng các cơ sở nghiên cứu trên là để phục vụ quân sự.

Cụ thể, theo Tiến sĩ Nagao, Bắc Kinh cần thu thập thông tin để củng cố khả năng kiểm soát ở các thực thể nhân tạo mà họ đang chiếm giữ phi pháp. Điển hình như việc bảo tồn nước ngọt hay hệ sinh thái thực vật là nhằm đảm bảo môi trường sống cho lực lượng binh sĩ mà Trung Quốc đang đồn trú tại đây.

Tương tự, Bắc Kinh cũng muốn cập nhật nhiều hơn thông tin về thời tiết vốn có vai trò quan trọng để triển khai máy bay quân sự. Ba bãi đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn có vai trò quan trọng ở khu vực quần đảo Trường Sa.

Ba bãi đá này hình thành nên 3 cạnh của một tam giác mang tính chiến lược ở khu vực này. Bắc Kinh cũng đã xây dựng đường băng và nhà chứa máy bay tại cả 3 bãi đá này.

Bên cạnh mục tiêu quân sự, theo Tiến sĩ Nagao, thông qua các cơ sở này, Trung Quốc muốn thể hiện với thế giới rằng họ kiểm soát vùng biển tại đây. Việc thu thập các thông tin dữ liệu cũng có thể được Trung Quốc dùng để biện minh rằng họ nắm rõ về vùng biển này, nhằm củng cố cho quyền kiểm soát.

Để chống lại sự đe dọa của Trung Quốc, chiến lược của Mỹ là củng cố các cam kết về quan hệ đối tác và đồng minh đã có, đồng thời mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ với các đối tác mới cùng chia sẻ quan điểm về tôn trọng chủ quyền, công bằng thương mại và luật quốc tế, theo phân tích của tác giả Mark J. Valencia trên báo Bưu điện Hoa nam buổi sáng.

Chiến lược này nhằm thực hiện tầm nhìn vĩ đại của Mỹ về một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, bao gồm tự do hàng hải, tôn trọng luật pháp, tôn trọng chủ quyền, doanh nghiệp tư nhân và thị trường mở…
Do tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc, từ lâu các nhà quan sát đã cho rằng Việt Nam là một nước chống Trung phò Mỹ mạnh mẽ nhất trong toàn khối ASEAN.

Mặc dù vậy giới quan sát cho rằng giữa Việt Nam và Mỹ không hề có sự tin cậy lẫn nhau.

Thực tế là Việt Nam không chia sẻ nguyên lý cốt lõi của một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở – tự do hàng hải cho các tàu chiến mà chính quyền của Tổng thống Donald Trum đang theo đuổi và thực thi trong khu vực.

Việt Nam từ lâu đã có những chính sách hạn chế cho tàu chiến đi vào lãnh hải của mình – tương tự như Trung Quốc. Đặc biệt, Việt Nam có cả đường lãnh hải cơ sở và các nước phải được phép của Việt Nam mới được vượt qua các đường cơ sở này, theo ông Mark J. Valencia – nhà phân tích chính sách hàng hải, nhà bình luận chính trị và nhà tư vấn chính sách Châu Á. Do đó, việc Hoa Kỳ đưa các tàu chiến đi vào trong vùng lãnh hải xung quanh Hoàng Sa không chỉ nhắm vào Trung Quốc mà còn vào Việt Nam.

Hơn nữa, Hoa Kỳ không công nhận các yêu sách của Việt Nam đối với các thực thể nằm dưới mực thủy triều ở Trường Sa, đồng thời phản đối việc quân sự hóa của Việt Nam, cũng giống như với Trung Quốc.

vietmy3

Tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roossevelt đã cập cảng Tiên Sa, thăm Đà Nẵng từ ngày 5 đến ngày 9/3/2020 nhân dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước

Sự va chạm trong các diễn giải và các chính sách pháp lý liên quan đến tự do hàng hải là biểu tượng cho sự lệch tông mang tính chiến lược cơ bản giữa Mỹ và Việt Nam.

Ngoài ra, dù chống Trung, Việt-Trung lại có mối quan hệ khăng khít giữa hai đảng Cộng sản, và quan hệ kinh tế lâu năm.

Việt Nam cũng luôn kiên định chính sách ‘ba không’ – không tham gia vào các liên minh quân sự, không có căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam và không phụ thuộc vào một quốc gia để chống lại một quốc gia khác.

Không có điểm chung về văn hóa, ý thức hệ, hệ thống chính trị hay thế giới quan – ngoại trừ mối đe dọa của Trung Quốc. Đó là bản chất của mối quan hệ chiến lược Việt -Mỹ, vẫn theo tác giả Mark J. Valencia.

Trên thực tế, Việt Nam và Mỹ không tin nhau – vì những lý do chính đáng và từ cả hai phía – và điều đó khiến cho việc xây dựng một mối quan hệ chiến lược vững chắc và lâu dài giữa hai bên là không thể, Tiến sĩ Mark J. Valencia bình luận.

Thu Thủy (Thành phố Hồ Chí Minh)

Nguồn : Thoibao.de, 01/04/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Thủy
Read 702 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)