Ngày 30/3, Hội đồng Châu Âu đã thông qua quyết định phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam (EVFTA). Tuy nhiên chưa biết kỳ họp Quốc hội tới đây của Việt Nam có thể diễn ra hay không vì chuyện dịch corona – đặc biệt là bối cảnh Việt Nam ‘cách ly toàn xã hội’ trong 2 tuần lễ đầu tháng tư.
Phải chờ hết dịch và xong bầu bán nhiệm kỳ mới của Đảng ?
Sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua hiệp định, Chính phủ mới đưa ra nghị định hướng dẫn, sau đó các bộ mới ban hành thông tư hướng dẫn. Quá trình này có khi mất nhiều năm và đòi hỏi phải có sự đồng bộ về văn bản pháp luật giữa các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Đây là một thách thức cực lớn. Có lẽ lúc đó, đại dịch Covid-19 đã qua, doanh nghiệp Việt phải loay hoay "dọn dẹp" đống hoang tàn do dịch Covid-19 để lại.
Và vấn đề cam kết của Việt Nam đối với cơ chế đảm bảo thực thi quyền lao động, quyền con người… cũng như làm thế nào để EU có thể tối đa hóa ảnh hưởng của mình đối với vấn đề nhân quyền ở Việt Nam khi mà EVFTA thực thi, là điều chưa ai có thể hình dung được.
Tất cả còn chờ kết quả ‘chống dịch’ đang vào hồi quyết liệt nhất với lệnh ‘cách ly toàn xã hội’ từ ngày 1 đến 15/4. Bản lĩnh với những quyết đoán từ các vị trí người đứng đầu như những vị chủ tịch tỉnh, thành phố và người đứng đầu chính phủ sẽ thể hiện ở thời điểm dầu sôi lửa bỏng của sinh tồn này.
Ngoại trừ Thành phố Hồ Chí Minh, còn lại với nhiều địa phương – kể cả với thủ đô Hà Nội, diễn biến suốt mấy tháng qua về chống dịch corona, công chúng ít thấy sự đăng đàn của các vị bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy và cả tổng bí thư trong những phát biểu về quyết sách, qua đó cho thấy được tầm nhìn cần có trong vai trò chính khách ở một quốc gia độc đảng chính trị.
Trứng sẽ không còn chung một giỏ nữa…
Diễn biến về đại dịch đến từ con virus Vũ Hán lây lan nhanh chóng trên toàn cầu đã bộc lộ rõ các ‘điểm chết’ trong toàn bộ hệ thống logistics, khi mà rất nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, phần lớn được đặt công xưởng tại Trung Quốc. Một kiểu của bỏ các loại trứng trong cùng một giỏ.
Nền kinh tế công nghiệp và ngoại thương của Việt Nam cũng lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc ở cả hai nghĩa : Trung Quốc ở bên kia biên giới, và các doanh nghiệp Trung Quốc đang mở công xưởng hoạt động ngay trên đất nước Việt Nam – tức doanh nghiệp FDI. Điều đó cho thấy thị trường với nhiều hứa hẹn kỳ vọng ngoại thương từ EVFTA, đắc lợi ở đây rất có thể là những ông, bà chủ Trung Quốc đang chi phối trong đời sống kinh tế Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan vẫn hay khuyến cáo tại nhiều hội thảo trong năm 2019 về những vướng mắc trong thể chế, chủ yếu xuất phát từ sự thiếu rõ ràng trong yêu cầu "xây dựng kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Điều này làm những nhà quản lý trở nên ngại ngần với những chuyển động của kinh tế thị trường, vì bản thân họ cũng không rõ thế nào là ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’ ?
Bà Phạm Chi Lan, biện giải : "Từ những mập mờ trong quy định, dẫn đến hạn chế sự minh bạch, công bằng trong quản lý, tạo ra kẽ hở cho nạn tham nhũng vặt. Vì thế, khi lẽ ra phải vận hành trên ưu thế cạnh tranh, các doanh nghiệp lại phải tiêu tốn nguồn lực để củng cố vị thế của họ trong quan hệ với các cán bộ nhà nước, dễ dàng tìm thấy sự hợp thức hóa những khía cạnh mà luật không làm rõ.
Thêm nữa, bản thân nguồn lực đầu tư của Nhà nước cũng chưa được phân bổ hợp lý, đi ngược với quy luật phát triển của kinh tế thị trường. Áp lực "định hướng xã hội chủ nghĩa" khiến sự phân bổ nguồn lực tập trung chủ yếu vào doanh nghiệp nhà nước, bất chấp hiệu quả. Trong khi, quy luật của kinh tế thị trường chính là sự hiệu quả.
Với EVFTA, sự công khai, minh bạch, chống tham nhũng là những yếu tố quan trọng mà Việt Nam đã ký kết và phải thực hiện. Điều này dĩ nhiên mang lại những lợi ích chính đáng cho các nước tham gia hiệp định, nhưng cũng chính là mong đợi của nhân dân Việt Nam.
Nếu Việt Nam làm được như cam kết, người hưởng lợi nhiều nhất chính là nhân dân Việt Nam. Khi đó, mọi nguồn lực của nền kinh tế sẽ tập trung cho sự phát triển. Việt Nam sẽ có những chuyển động bám sát cơ chế thị trường, văn minh hiện đại, từ đó có nền tảng để lên cao hơn nữa. Bằng không, mọi hy vọng về việc nâng tầm quốc gia vẫn chỉ nằm trong những con số thống kê, về lượng hàng xuất khẩu mà tập trung phần lớn ở doanh nghiệp FDI. Còn Việt Nam vẫn quẩn quanh trong vai trò gia công, trong kịch bản được mùa rớt giá, trong việc theo đuổi những mục tiêu ngắn hạn, cho ra những sản phẩm kém chất lượng".
Bình mới rượu cũ ?
Các FTA song phương thường có nguyên tắc chung là thể chế chính trị phù hợp với đòi hỏi giá trị nhân quyền phổ quát toàn cầu. Nói như lo ngại ở trên của bà Phạm Chi Lan, nếu vẫn giữ nguyên chuyện duy ý chí về ‘thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’, xem ra nếu có thay cái bình mới dán đầy đủ các nhãn về nhân quyền, như quyền con người, quyền lập hội, quyền tự do báo chí, quyền tự do biểu tình…, song vẫn ‘men rượu’ có tên ‘thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’, thì đó vẫn là chuyện của hào nhoáng vẻ ngoài chiếc bình.
Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mà Việt Nam là thành viên từ năm 2006, cho thấy là một bài học trong việc thể chế vẫn ì ạch so mong đợi trong hội nhập toàn cầu.
"Theo tôi, đứng trước mỗi hiệp định thương mại, ta phải nhìn đó như một cơ hội để hội nhập kinh tế quốc tế chứ không phải chỉ nhìn vào mấy đồng thuế. Cùng với những ký kết, ta phải thay đổi thể chế, cơ chế quản lý. Phải nhìn sự hợp tác là một hoạt động khơi thông dòng chảy của kinh tế thị trường. Trong đó, nếu còn điều gì làm tắc nghẽn sự lưu thông, ta phải tự phá bỏ nó" – ông Đặng Kim Sơn, cựu Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định.
Trước mắt, hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc gặp khó không phải chỉ do dịch Covid-19 bùng phát, mà đã có từ hai năm trở lại đây. Nguyên nhân là nông sản Việt Nam chưa đạt các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc của phía Trung Quốc.
Thị trường EU còn khó gấp nhiều lần so với Trung Quốc, liệu nông sản Việt Nam có tiếp cận được thị trường EU như mong muốn trong thời gian ngắn từ kỳ vọng EVFTA ?
Võ Hàn Lam
Nguồn : VNTB, 01/04/2020