Biển miền Trung đang chết, hàng triệu người dân lâm vào đói nghèo cơ cực và lưỡi kiếm tử thần đang vung tay trước mắt nhiều thế hệ mà đảng cầm quyền cộng sản Việt Nam không dám đóng cửa Formosa Hà Tĩnh, tại sao ?
Biển miền Trung đang chết, lưỡi kiếm tử thần đang vung tay trên đầu nhân dân Việt Nam
Căn cứ vào những việc đã xẩy ra trong một năm qua giữa Nhà nước Việt Nam với Formosa và giữa Chính phủ với những nạn nhân miền Trung thì thấy hiện ra hai lý do :
Thứ nhất, phía Việt Nam đã lỡ nhận 500 triệu USD tiền bồi thường sau khi Formosa nhận lỗi gây ra thảm họa môi trường nghiêm trọng nhất trong lịch sử Việt Nam ở 4 Tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế hồi tháng 4/2016.
Nhiều chuyên gia về môi trường biển đã lên án Việt Nam quá vội vã chấp nhận khoản tiền này, dù chưa biết đích xác sự thiệt hại sẽ kéo dài bao nhiêu năm tại vùng biển miền Trung, hay có thể lan sang các vùng biển khác nữa.
Thứ hai, lãnh đạo Việt Nam không dám cưỡng lại áp lực chính trị và kinh tế của Trung Quốc, vì Bắc Kinh đứng sau Formosa, nên đành ngậm đắng nuốt cay để được tồn tại.
Nhưng canh bạc mạo hiểm nguy hiểm này của Đảng Cộng sản Việt Nam khó mà huề vốn mà chỉ dọn đường cho Trung Quốc ăn sâu bám rễ vào đất nước Việt Nam để thực hiện mưu đồ thống trị.
Cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc có sự chênh lệch rất bất lợi cho Việt Nam.
Trong hiện tại, theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia của Việt Nam gửi Chính phủ thì cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc có sự chênh lệch rất bất lợi cho Việt Nam.
Tin ngày 9/4/2017 trên tạp chí Đấu Thầu viết :
"Về dài hạn, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia khuyến nghị Chính phủ cần lưu ý biến động của đồng CNY (China Yuan - Nhân dân tệ, tiền Trung Quốc). Việc mất giá mạnh của đồng CNY sẽ tác động lớn đến kinh tế Việt Nam do thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc đang có xu hướng tăng, từ mức 23,7 tỷ USD trong năm 2013 lên mức 28 tỷ USD trong năm 2016.
Nếu so với GDP (Gross Domestic Product, tổng sản lượng quốc gia), thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc là 14%, cao hơn nhiều mức 2% thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc".
Báo này viết tiếp : "Trong quý I/2017, con số từ Tổng cục Thống kê cho thấy, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 11,9 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2016. Trong khi đó, mặc dù tốc độ xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh 43,3% so với cùng kỳ, nhưng con số tuyệt đối chỉ đạt 6 tỷ USD. Nhập siêu từ Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm là 5,9 tỷ USD".
Với mức độ chênh lệch này, kinh tế Việt Nam đã nằm gọn trong tay Trung Quốc vì Việt Nam phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu để sản xuất từ nước đàn anh láng giềng nhưng có nhiều tham vọng bá chủ này.
Con số 5,9 tỷ USD nhập siêu hàng hóa từ Trung Quốc chỉ trong 3 tháng đầu năm 2017 cho thấy, nếu tính đến cuối năm 2017 thì Việt Nam phải mắc nợ Trung Quốc khoảng 24 tỷ USD !
Tình trạng mắc nợ này đã được chồng lên mỗi năm, nhưng không ai biết con số thật của Việt Nam nợ Trung Quốc là bao nhiêu.
Nhưng đâu phải chỉ bây giờ mới nợ nần như thế ? Trước đây, dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các công ty Trung Quốc đã cố tình cho giá thầu rẻ để được trúng thầu các công trình xây dựng, thiết lập các cơ sở sản xuất, nhà máy điện, nhà máy giấy, dệt may, cung cấp hàng thông dụng v.v… tại Việt Nam. Các công ty trồng cây kỹ nghệ có gốc Trung Quốc cũng đã chiếm đóng nhiều vùng đất đai chiến lược của Việt Nam dọc biên giới, trong khi các Nhà máy kỹ nghệ đã đóng tại nhiều vùng đất dọc theo bờ biển và sông ngòi Việt Nam để dễ thải chất độc làm nguồn nước và không khí ở Việt Nam bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Mắc bẫy vịt quay
Ngoài ra, không ai có thể quên dưới thời Tổng bí thư đảng Nông Đức Mạnh, Bộ Chính trị đã nhượng bộ để cho Trung Quốc, nổi tiếng có món Vịt quay Bắc Kinh, nhảy vào giúp Việt Nam khai thác bauxite trên Tây Nguyên với mục đích lấy quặng nhôm chỉ để phục vụ cho kỹ nghệ Trung Quốc.
Bauxite Tây Nguyên là một thảm họa kinh tế, an ninh và môi trường
Thời bấy giờ phía Việt Nam tưởng bở sẽ quật khởi thành "con Rồng Á Châu" khi có nguồn lợi từ bauxite. Nhưng Trung Quốc đã đem máy móc lỗi thời và các chuyên viên "miệt vườn" vào Tây Nguyên với mục đích nguy hiểm khác là ngồi trên nóc nhà Cao Nguyên, vùng đất chiến lược quan trọng, để khống chế Việt Nam.
Vì vậy, ít nhất trên 3.000 trí thức, các cựu đảng viên lão thành, chuyên gia địa chất và khoa học, các cựu tướng lãnh trong quân đội, kể cả bà nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp và Giám mục Nguyễn Thái Hợp, Chủ tịch Ủy ban Công lý và hòa bình của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã ký tên vào một kiến nghị chống đối quyết liệt.
Nhưng như Tổ tiên người Việt đã dạy "há miệng thì mắc quai" nên đám lãnh đạo Việt Nam mê ăn thịt Vịt Bắc Kinh thời bấy giờ và tiếp tục cho đến bây giờ, thời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, vẫn không sao mà gỡ được chiếc lưỡi câu "made in China" ra khỏi cuống họng.
Sự sa lầy lụn bại ở đất bùn đỏ Tây Nguyên đã chứng minh trong bài báo của Thời báo Kinh tế Việt Nam ngày 13/03/2017.
Nhà báo Bạch Dương viết : "Một báo cáo mới đây về việc chi hơn 32.000 tỷ đầu tư hai dự án Bauxite - Nhôm và Alumin ở Tây Nguyên đã hé lộ các chỉ số tài chính của hai dự án này. Tổ hợp Bauxite - Nhôm Lâm Đồng đã lỗ 3.696 tỷ đồng, trong khi dự án Alumin Nhân Cơ sẽ đi vào vận hành thương mại trong quý 1/2017".
Về chi tiết, Bạch Dương viết tiếp : "Tổ hợp Bauxite - Nhôm Lâm Đồng, theo Quyết định 1396 của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) năm 2006, tổng mức đầu tư dự án là 7.787 tỷ đồng, tương ứng 493,5 triệu USD, công suất 600.000 tấn/năm. Thời gian thực hiện dự án từ 2006-2009.
Trong quá trình thực hiện, dự án liên tục điều chỉnh vốn. Năm 2013, TKV tiếp tục điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 15.414 tỷ đồng, tương ứng 805,1 triệu USD, công suất 650.000 tấn/năm.
Thời gian thực hiện dự án từ 2006-2013, chậm 4 năm so với phê duyệt lần đầu. Tổng mức đầu tư cũng tăng gấp 2 lần so với dự kiến ban đầu.
Theo kết luận thanh tra, nguyên nhân là do điều chỉnh công suất từ 600.000 tấn Alumin/năm tăng lên 650.000 tấn alumin/năm, do thay đổi công nghệ sản xuất alumin.
Ngoài ra, trong quá trình thi công, nhà nước thay đổi chính sách thuế, tiền lương, giải phóng mặt bằng, do trượt giá và năng lực quản lý điều hành của chủ đầu tư, năng lực thi công của nhà thầu còn nhiều hạn chế".
Bài báo kết luận rằng : "Dự án này sau 3 năm đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tức từ 10/2013 đến 30/9/2016 đã lỗ tổng cộng 3.696 tỷ đồng, trong đó lỗ do hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 2.520 tỷ đồng, lỗ do chênh lệch tỷ giá khoảng 1.176 tỷ đồng".
Đòi đóng cửa
Như vậy, thử hỏi tại sao người dân miền Trung đã nổi loạn từ tháng 2 năm 2017 để đòi nhà nước phải bồi thường công chính cho các nạn nhân, và đòi tống cổ Formosa ra khỏi Việt Nam để bảo vệ biển và lãnh thổ cho con cháu mai sau.
Công an, công an giả dạng côn đồ đàn áp dân để bảo vệ quyền lợi cho Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam
Nhưng thay vì đối thoại với dân để trả lời thắc mắc và bảo vệ quyền lợi cho dân thì Chính quyền lại xua Công an, Công an giả dạng côn đồ đàn áp dân để bảo vệ quyền lợi cho Trung Quốc trên lãnh thổ của Tổ tiên người Việt.
Báo đài nhà nước, tiêu biểu báo điện tử Infonet của Bộ Thông tin và truyền thông, báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân và báo Hà Tĩnh của Đảng ủy Hà Tĩnh đã bịa đặt ra tin người dân, đa phần là Công giáo của Giáo phận Vinh bị coi là "các thế lực thù địch" do nước ngoài và các phần tử bất mãn trong nước xúi bẩy xuống đường biểu tình chống phá nhà nước và làm xáo trộn đời sống của người dân khác.
Hai báo Infonet và Hà Tĩnh còn tung tin du khách đang tấp nập kéo về các bãi biển Hà Tĩnh để ăn hải sản tươi, nhất là loại "mực nhảy" nổi tiếng và tắm biển nghỉ ngơi. Trong khi người dân địa phương lại không dám tham gia vào các dịch vụ "chết người" này vì ai cũng biết các loại chất độc do Formosa thải ra chết cá từ năm ngoái vẫn chưa có cơ quan nào bảo đảm 100 phần trăm đã sạch và an toàn cho sức khỏe con người !
Cờ Việt Nam Cộng Hòa
Tuy nhiên, các báo đài nhà nước lại làm như không trông thấy trong các đoàn người đi biểu tình chống Formosa ngày gần đây, đã xuất hiện nhiều Lá Cờ Nền Vàng 3 Sọc đỏ, Quốc kỳ của Việt Nam Cộng Hòa từ 1955 đến 1975 và trước đó là của Quốc gia Việt Nam từ 1949 đến 1955.
Quốc kỳ của Việt Nam Cộng Hòa đã được giương ra trong cuộc đấu tranh đòi quyền sống của nhân dân miền Trung
Nhiều người biểu tình đã giương cao lá cờ khi tiến vào các cơ quan chính quyền ở Hà Tĩnh, phất cao trong gió trong hàng ngũ biểu tình, hay ngang nhiên chạy trên các xe để gửi một thông điệp cho nhà nước.
Không ai biết lý do và người cầm cờ cũng không giải thích tại sao đã làm như thế mà không sợ hãi gì !
Nhưng ai cũng thấy hành động của họ đã biểu lộ một thái độ chính trị phủ nhận tính đại diện và ý nghĩa của Cờ Đỏ Sang Vàng của đảng Đảng Cộng sản Việt Nam.
Phạm Trần
(13/04/017)