Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/04/2020

Khả năng Việt Nam đảm nhận một phần chuỗi sản xuất của Trung Quốc

Trần Kinh (Chen Jing)

Sau 30 năm tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao, Việt Nam đã bước vào thời kỳ phát triển tốt nhất trong lịch sử với triển vọng tương lai tươi sáng và lộ trình phát triển rõ ràng. Tuy nhiên, không nên cho rằng Việt Nam có thể thách thức chuỗi sản xuất công nghiệp Trung Quốc cũng như đặt hai nước ở thế đối lập nhau.

khanang1

Công nhân dệt may Việt Nam - Ảnh: Việt Nam +

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng đã ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc, luận điệu dịch bệnh góp phần thúc đẩy chuỗi cung ứng dịch chuyển nhanh ra khỏi Trung Quốc liên tục xuất hiện. Tuy nhiên, động lực dịch chuyển chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp mạnh như thế nào, tính khả thi ra sao thì lại hoàn toàn không phải đơn giản.

Bài viết này tập trung phân tích sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây, tìm hiểu về sự phối hợp và khác biệt trong phát triển ngành nghề giữa Việt Nam và Trung Quốc, dù một số công ty đa quốc gia cũng đang tìm kiếm đối sách để thúc đẩy đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, do các doanh nghiệp toàn cầu phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc trên một số lĩnh vực, nên ít có khả năng xảy ra tình trạng chuỗi cung ứng chuyển dịch với quy mô lớn, đồng thời dịch bệnh cũng không phải là bước ngoặt để các doanh nghiệp chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Đông Nam Á.

Dưới sự khích lệ của số liệu tăng trưởng kinh tế tích cực trong những năm gần đây, ngày 30/12/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra mục tiêu đầy tham vọng là "Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045". Cuối những năm 1980, Việt Nam vẫn là quốc gia có GDP bình quân đầu người thấp nhất thế giới, chưa đến 100 USD. Tuy nhiên, kể từ khi thực hiện công cuộc Đổi mới vào năm 1986 và sau nhiều năm phát triển, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 2.800 USD vào năm 2019, và bắt đầu nghĩ đến mức thu nhập cao 12.000 USD/người.

Theo học giả Trần Kinh, mục tiêu phát triển "thu nhập cao" được Việt Nam lần đầu tiên đưa ra có tính khả thi ở mức độ nhất định, không phải là thổi phồng quá mức. Quan sát tổng thể trong khu vực Đông Nam Á, sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới có thể chia thành các giai đoạn rõ ràng. Hơn nữa sự phát triển của Việt Nam không mâu thuẫn với Trung Quốc, do đó không nên đối lập chuỗi sản xuất công nghiệp của Việt Nam và Trung Quốc. Bắc Kinh nên tự tin, không đến mức phải cạnh tranh với Việt Nam, mà cần tích cực tham gia các cuộc cạnh tranh quốc tế có tầm cao chiến lược và hàm lượng công nghệ.

Quốc gia duy nhất có thể so sánh tốc độ phát triển với Trung Quốc trong gần 30 năm

Tháng 8/2016, trong bài viết "Giới hạn trên và giới hạn dưới của phát triển kinh tế Việt Nam so với Trung Quốc", tác giả cho rằng bên cạnh Trung Quốc thì Việt Nam là sự lựa chọn tương đối tốt cho ngành sản xuất của dòng vốn đầu tư toàn cầu, và điều này đã được kiểm nghiệm trong 3 năm qua. Ngoài ra, bài viết còn đánh giá giới hạn dưới của sự phát triển kinh tế của Việt Nam là trình độ của Thái Lan và giới hạn trên là trình độ của Malaysia. Tham vọng về sự phát triển của Việt Nam vào năm 2045 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính là lấy giới hạn trên của Malaysia làm mục tiêu lâu dài.

Trong bài viết còn giới thiệu một số dữ liệu kinh tế của Việt Nam tính đến năm 2015. Đã 4 năm trôi qua, nền kinh tế Việt Nam đã phát triển như thế nào ? Tại sao Thủ tướng Việt Nam lại tỏ ra tự tin như vậy ?

Số liệu kinh tế của Việt Nam đã thực sự được cải thiện toàn diện trong 4 năm qua. Trong 30 năm qua, so với năm 1990, Trung Quốc và Việt Nam là hai quốc gia duy nhất có GDP bình quân đầu người tăng khoảng 30 lần. Sự tăng trưởng nhanh này giúp Việt Nam tự tin hơn trong những năm gần đây. Trước đây, mặc dù kinh tế Việt Nam tăng trưởng với tốc độ cao, song giá trị tuyệt đối của GDP bình quân đầu người vẫn rất thấp, đất nước vẫn còn nghèo thì không thể chỉ đề cập đến tốc độ.

Năm 1996, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 96 USD, con số cực kỳ thấp này cần được giải thích bằng tỷ giá hối đoái và sự chuyển đổi nền kinh tế. Vào những năm 1980, sự mất giá của đồng Việt Nam so với USD dẫn đến thu nhập bình quân đầu người năm 1990 thấp như vậy. Trên thực tế, đây là một yếu tố đặc biệt trong quá trình chuyển đổi của các nước xã hội chủ nghĩa, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc năm 1990 cũng chỉ có 310 USD. Vào những năm 1980, Trung Quốc thực sự phát triển rất tốt, song khoảng cách GDP với các nước phát triển như Nhật Bản lại nới rộng, tương tự như tình hình của Việt Nam. Một số người đã đặt câu hỏi tại sao trong 10 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã đạt được tiến bộ lớn như vậy nhưng ngược lại khoảng cách với nước khác lại ngày một xa, lý do chính là sự mất giá mạnh của đồng nhân dân tệ (NDT).

Bắt đầu từ cuối những năm 1980, tỷ giá hối đoái của đồng NDT so với USD dần ổn định. Những năm gần đây, tỷ giá hối đoái giữa đồng Việt Nam với USD cũng cơ bản ổn định, chỉ mất giá khoảng 10% so với USD trong giai đoạn từ 2012-2019.

Đầu những năm 1990, quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam có chút không thuận lợi, so với các "con hổ Đông Nam Á" như Thái Lan, Malaysia…, GDP bình quân đầu người của hai nước chỉ bằng 1/10, thậm chí thấp hơn.

Năm 1994, GDP bình quân đầu người tính theo tỷ giá hối đoái của Trung Quốc tăng 25,5% lên 473 USD, năm 1995 tăng 28,8% lên 609 USD, điều này không thể lý giải bằng cách dựa vào mô hình tăng trưởng kinh tế thông thường. Tình trạng tăng mạnh như vậy cũng đã xuất hiện trở lại, chẳng hạn năm 2007 tăng 28,3% lên 2.699 USD. Việt Nam cũng tương tự như vậy, GDP bình quân đầu người đã tăng từ 96 USD (1990) lên 2.800 USD (2019), tăng 29 lần, bội số tương đương với Trung Quốc.

Đến năm 2019, Trung Quốc và Việt Nam vẫn có một số bộ phận "GDP ngầm" chưa được giải phóng, chẳng hạn như học phí đại học thấp (chưa bằng 1/20 của Mỹ), vé tàu hỏa, chi phí ăn ở rẻ. Việt Nam là một trường hợp tương đối hiếm thấy trong những quốc gia đang phát triển bởi mức sống cao hơn các nước có GDP thu nhập bình quân đầu người tương đương. Chẳng hạn như so với Ấn Độ, GDP bình quân đầu người của Việt Nam trong vài năm qua tương đương song mức sống lại tốt hơn. Đặc điểm này của Việt Nam tương tự như Trung Quốc.

Thành tích tốt nhất của Việt Nam là số liệu ngoại thương, với số liệu bình quân đầu người thậm chí còn cao hơn Trung Quốc. Năm 2015, tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là 327,76 tỷ USD, tính theo 95 triệu dân số, kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân đầu người là 3.450 USD; cùng năm đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc là 3.950 tỷ USD, tính theo 1,37 tỷ dân số, kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân đầu người là 2.883 USD, thấp hơn nhiều so với Việt Nam.

Năm 2019, kim ngạch thương mại xuất nhập khẩu của Việt Nam là 517 tỷ USD, tăng 57,7% so với năm 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 12%. Năm 2018, kim ngạch thương mại xuất nhập khẩu của Trung Quốc là 4.620 tỷ USD, 3 quý đầu năm 2019 là 22.910 tỷ NDT, tăng 2,8%, tốc độ tăng trưởng cả năm cũng tương đương như vậy, song tỷ giá hối đoái bình quân của đồng NDT lại giảm 4% so với USD.

Do đó, kim ngạch thương mại tính theo USD năm 2019 của Trung Quốc giảm nhẹ 1% xuống còn 4.570 tỷ USD, chỉ tăng 15,7% so với năm 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 4%. Năm 2019, dân số Việt Nam tăng lên 96,5 triệu người, kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân đầu người là 5.357 USD, cao hơn 64% so với mức 3.271 USD của Trung Quốc.

Chỉ có tỉnh Quảng Đông với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 1.000 tỷ USD là cao hơn đáng kể so với Việt Nam. Giang Tô đạt trên 600 tỷ USD, cao hơn Việt Nam chút ít, Chiết Giang xếp thứ ba đã bị Việt Nam vượt qua. Xét riêng về kim ngạch xuất nhập khẩu, Việt Nam đang tương đối nổi bật trên toàn cầu. Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tương đương với mức 509,8 tỷ USD khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2001.

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam cũng đã tăng từ mức 30 tỷ USD (năm 2016) lên 71 tỷ USD (năm 2019) – và dự kiến tới có thể sẽ vượt mức 100 tỷ USD trong hai năm tới. Có thể nói đây là một sự tiến bộ mang tính thời đại của Việt Nam, cảm giác an toàn được tăng mạnh.

Việt Nam với 71 tỷ USD dự trữ ngoại hối, xét về tỷ lệ dân số và quy mô nền kinh tế cũng tương đương với mức 1.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Ấn Độ (hiện nay là 450 tỷ USD). Việt Nam đã có thêm 30 tỷ USD dự trữ ngoại hối vào năm 2016 song vẫn lo lắng nguồn dự trữ ngoại hối suy giảm. Năm 2014, Việt Nam đã rút quyền đăng cai Đại hội thể thao Châu Á 2018. Sau 10 năm, tình hình dự trữ ngoại hối của Việt Nam quả thực đã có sự chuyển biến tích cực, và nếu tăng lên 100 tỷ USD thì sẽ có dư địa xoay xở tương đối lớn.

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng là do tình hình xuất siêu thương mại liên tục được cải thiện. Năm 2019, xuất siêu thương mại của Việt Nam vào khoảng 10 tỷ USD, tăng đáng kể so với mức 6,3 tỷ USD của năm 2018. Năm 2015, Việt Nam vẫn còn nhập siêu thương mại 2,6 tỷ USD, trước đó đôi lúc vẫn bị thâm hụt thương mại nên luôn lo lắng dự trữ ngoại hối không đủ.

Việt Nam có số liệu công nghiệp tương đối lý tưởng. Theo số liệu của Hiệp hội xi măng Việt Nam, năm 2018 sản lượng xi măng của Việt Nam là 97,02 triệu tấn, trong đó xuất khẩu 32,09 triệu tấn, là nước xuất khẩu xi măng lớn nhất thế giới. Sản lượng xi măng bình quân đầu người của Việt Nam tương đương với Thổ Nhĩ Kỳ, khoảng 1 tấn, có thể so sánh với mức 1,57 tấn của Trung Quốc, cao hơn mức trung bình 0,29 tấn của các nước còn lại. Mặc dù sản lượng xi măng của Trung Quốc chiếm 55% thế giới, song do việc cắt giảm năng lực sản xuất cũng như sự khác biệt về giai đoạn phát triển, nên một lượng lớn năng lực sản xuất dư thừa của xi măng Việt Nam được xuất khẩu sang các nước có nhu cầu. Trong đó, Trung Quốc là khách hàng xuất khẩu xi măng lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 1/3 lượng xuất khẩu. Trong khi đó, sản lượng xi măng bình quân đầu người của Ấn Độ khoảng 0,2 tấn, thấp hơn nhiều so với Việt Nam, dù xét về GDP thu nhập bình quân đầu người hai nước có sự tương đồng về giai đoạn phát triển.

Năm 2018, sản lượng thép thô của Việt Nam là 24,19 triệu tấn, tăng 15%, năm 2019 tiếp tục tăng khoảng 9%. Sản lượng thép thô bình quân đầu người của Việt Nam khoảng 0,27 tấn, bằng khoảng 40% của Trung Quốc, gần gấp đôi so với mức bình quân đầu người của thế giới là 0,14 tấn (trừ Trung Quốc). Mặc dù con số này còn kém chút so với Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, song lại lớn hơn rất nhiều so với mức 0,079 tấn của Ấn Độ.

Nhìn từ góc độ sản lượng xi măng và thép thô bình quân đầu người, Việt Nam không giống như một quốc gia có GDP bình quân đầu người dưới 3.000 USD, tiềm lực vẫn còn tương đối lớn. Diện tích nhà ở bình quân đầu người của Việt Nam là 23,8 m2, xấp xỉ mức 25 m2 của Nga, thấp hơn chút ít so với Thổ Nhĩ Kỳ, và thấp hơn mức 39 m2 ở thành thị của Trung Quốc. Diện tích nhà ở bình quân đầu người ở Hà Nội là 27,7 m2, thành phố Hồ Chí Minh là 21,9 m2. So với thế giới, đây là số liệu tạm ổn, điều kiện cư trú của người Việt Nam không tệ.

Việt Nam có điều kiện thuận lợi cho sản xuất lúa gạo, khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng rất thích hợp cho việc trồng lúa, có thể canh tác 3 vụ, sản lượng lúa bình quân hàng năm khoảng 45 triệu tấn. Từ năm 2004, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới (Thái Lan đứng đầu trong thời gian dài), năm 2012 xuất khẩu 7,72 triệu tấn, lần đầu tiên thu về 3,5 tỷ USD, sau đó giảm dần. Điểm yếu của gạo Việt Nam là chất lượng không bằng Thái Lan, thương hiệu trên thị trường quốc tế cũng yếu hơn, và nhu cầu không được ổn định như gạo của Thái Lan. Sản lượng gạo của Việt Nam chiếm 85% tổng sản lượng lương thực, tổng sản lượng lương thực hàng năm ở mức 52-53 triệu tấn. Tính theo tổng sản lượng lương thực 650 triệu tấn của Trung Quốc, sản lượng lương thực bình quân đầu người của Việt Nam cao hơn Trung Quốc 15%.

Năm 2019, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề của dịch tả lợn Châu Phi, tổn thất 7,4 triệu con lợn, chiếm 27% tổng số. Năm 2019, sản lượng thịt lợn của Việt Nam giảm 21%, tiêu thụ thịt lợn bình quân đầu người 25 kg, giảm 17% so với cùng kỳ. Năm 2018, lượng tiêu thụ thịt lợn bình quân đầu người của Việt Nam là 30 kg, cao hơn mức tiêu thụ thịt lợn bình quân đầu người của thế giới. Trung Quốc có mức tiêu thụ thịt lợn bình quân đầu người 40 kg.

Xét từ góc độ tiêu thụ thực phẩm và thịt lợn bình quân đầu người, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam không tồi. Mức ăn uống của Việt Nam tốt hơn nhiều so với Ấn Độ, gần bằng với Trung Quốc. Tỷ trọng nông nghiệp/GDP ở các nước đều không cao, mặc dù nông nghiệp Việt Nam phát triển tốt, song nó không có vai trò lớn trong việc thúc đẩy GDP bình quân đầu người. Tuy nhiên, về mức sống, người Việt Nam ăn uống không thiếu dinh dưỡng và không khác nhiều so với người Trung Quốc.

Trước những năm 1990, người Việt Nam gầy gò, song những năm gần đây đã không còn như vậy. Do các vấn đề như di truyền và chế độ ăn uống, chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam là 1,64 m và nữ là 1,53 m. Mặc dù điều này đã có cải thiện trong những năm qua, song vẫn thuộc vùng trũng của thế giới, Việt Nam đã ban hành kế hoạch quốc gia, đặt mục tiêu tăng chiều cao trung bình của nam lên 1,68 m vào năm 2030. Tỷ lệ béo phì của Việt Nam tuy được xem là thấp trên thế giới, song cũng đã tăng từ 5% lên 13%, cao hơn mức 4,6% của Triều Tiên. Tỷ lệ béo phì của học sinh tiểu học Việt Nam tăng lên mức 29%, song khi trưởng thành lại gầy đi.

Theo số liệu mới nhất của năm 2019, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam là 7,02%. Đây thực sự là mức tăng trưởng ấn tượng trên toàn cầu. Những năm gần đây, khi đề cập đến tăng trưởng kinh tế thì Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam là những quốc gia tương đối nổi bật. Trước đây, Trung Quốc và Ấn Độ đều có tỷ lệ tăng trưởng trên 8%, do có quy mô kinh tế lớn hơn nhiều so với Việt Nam, nên mức độ quan tâm chủ yếu tập trung vào Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã dần suy giảm xuống mức 6%. Do gặp phải vấn đề tín dụng tài chính, Ấn Độ với tốc độ tăng trưởng 8% vào năm 2015 và 2016 đột nhiên giảm xuống còn 4,5% trong quý III/2019, một loạt dữ liệu tăng trưởng âm. Ngược lại, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong các năm 2017, 2018, 2019 đều ở mức 7%, xu thế phát triển tốt.

Nhìn từ góc độ quỹ đạo phát triển, có thể nhận thấy sự khác nhau giữa Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ. Năm 1990, GDP bình quân đầu người của Ấn Độ là 367 USD, gấp 3 lần Việt Nam, cao hơn chút so với Trung Quốc. Tuy nhiên, Ấn Độ không có nhiều "GDP ngầm" có thể giải phóng, thậm chí quốc tế còn hoài nghi số liệu thống kê GDP của Ấn Độ được thổi phồng. Năm 2019, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 2.800 USD, vượt qua mức 2.100 USD của Ấn Độ.

Một vấn đề khác khiến cho Việt Nam rất hứng khởi là sự tiến bộ nhanh chóng của đội tuyển bóng đá. Trong những năm gần đây, hàng vạn người Việt Nam đã nhiều lần diễu hành bằng xe máy để ăn mừng thắng lợi của đội tuyển, sự kiện mà Trung Quốc có thể so sánh chính là đoạt vé tham dự Word Cup vào năm 2001. Việt Nam đã là đội bóng mạnh nhất khu vực Đông Nam Á khi đoạt chức quán quân AFF Suzuki Cup vào năm 2018. Ở sân chơi Châu Á, mấy năm gần đây, thành tích của đội tuyển trẻ và đội tuyển quốc gia Việt Nam đã mạnh hơn Trung Quốc. Chẳng hạn như tại giải U23 Châu Á tổ chức ở Trung Quốc vào tháng 1/2018, đội tuyển Việt Nam đã giành vị trí Á quân trong trận chung kết lịch sử, trong khi đội chủ nhà Trung Quốc bị loại. Tại Đại hội thể thao Châu Á Jakarta 2018, Việt Nam lọt vào bán kết và giành vị trí thứ 4, Trung Quốc lọt vào vòng tứ kết, thua Saudi Arabia và bị loại. Tại Asian Cup 2019, Trung Quốc và Việt Nam đều lọt vào top tám đội mạnh nhất. Những thành tích mà bóng đá Việt Nam đạt được đã rất kỳ diệu, làm cho trái tim của người hâm mộ khắp cả nước hân hoan, không chỉ là thành tích vô địch Đông Nam Á, mà ở Châu Á cũng có sức cạnh tranh tương đối, là đỉnh cao mà các đội bóng Đông Nam Á chưa đạt được.

Không nên đặt Trung Quốc ở thế đối lập với Việt Nam

Bên cạnh một số dữ liệu kinh tế tích cực của Việt Nam vấn đề đáng quan tâm là tại sao kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân đầu người của Việt Nam cao hơn Trung Quốc, song GDP bình quân đầu người lại chỉ bằng 1/4 của Trung Quốc ?

Nhiều người quan tâm đến Việt Nam vì những định kiến và tâm lý lo ngại đối với Trung Quốc, họ luôn muốn tìm ra điểm yếu của nền kinh tế Trung Quốc. Do Việt Nam là điểm đến tương đối lý tưởng cho việc chuyển dịch chuỗi sản xuất, và dường như có chút đe dọa đối với chuỗi sản xuất của Trung Quốc nên đã được nhiều người quan tâm. Không phải bắt đầu từ xung đột thương mại Mỹ-Trung, mà 10 năm trước đã có những quan ngại về việc các chuỗi sản xuất sẽ được dịch chuyển sang Việt Nam, ban đầu là may mặc và giày dép, sau đó đến điện thoại di động và máy tính.

Có phân tích cho rằng sự đồng bộ của chuỗi sản xuất ở Việt Nam chưa đầy đủ, hiệu suất tăng ca của công nhân Việt Nam không cao như công nhân Trung Quốc, nếu lý giải từ góc độ chuỗi sản xuất của Việt Nam không thể bằng Trung Quốc thì hiện chưa có gì cần phải lo lắng.

Dù là thổi phồng Việt Nam có thể đe dọa chuỗi sản xuất của ngành chế tạo Trung Quốc, hay cho rằng mối đe dọa của Việt Nam đến chuỗi sản xuất của Trung Quốc không lớn là đã đặt Trung Quốc ở thế đối lập với Việt Nam. Do quá chú ý đến sự phát triển của ngành công nghiệp Trung Quốc nên có tư duy không hợp lý.

Trong thời gian qua, các công ty khảo sát toàn cầu đã nhìn nhận Trung Quốc và Việt Nam giống nhau, đều coi là quốc gia có trình độ phát triển thấp, sau đó đưa ra kết luận rằng Trung Quốc không tốt bằng Việt Nam, hoặc Việt Nam không tốt như Trung Quốc. Đối với Việt Nam, góc nhìn này vẫn được xem là phù hợp với giai đoạn phát triển, nhưng đối với Trung Quốc, điều này không còn phù hợp. Các công ty toàn cầu đã không khảo sát và phân tích về Trung Quốc một cách hợp lý.

Ví dụ, Samsung lần lượt chuyển gần như toàn bộ năng lực sản xuất điện thoại di động từ Trung Quốc sang Việt Nam, đóng cửa nhà máy điện thoại di động cuối cùng ở Huệ Châu vào tháng 10/2019. Năm 2018, khoảng 50% điện thoại di động do Samsung bán ra được sản xuất ở Việt Nam, 1/3 sản phẩm điện tử của Samsung được sản xuất ở Việt Nam. Cả năm, Samsung Việt Nam xuất khẩu 60 tỷ USD, chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Sau năm 2019, Samsung chuyển dịch năng lực sản xuất sang Việt Nam nhiều hơn và Hàn Quốc có chiến lược phát triển cấp quốc gia ở Việt Nam.

Nếu không có sự trỗi dậy trên toàn cầu của các thương hiệu điện thoại di động Trung Quốc như Huawei, Xiaomi, OPPO, VIVO…, thì đây quả thực là điều tồi tệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc đã có sức cạnh tranh mạnh mẽ, không thể chỉ vì dây chuyền sản xuất điện thoại di động của Samsung chuyển sang Việt Nam mà nhận định ngành sản xuất điện thoại di động của Trung Quốc sa sút. Vấn đề là cần nhìn vào thị phần toàn cầu của Samsung và các thương hiệu điện thoại di động của Trung Quốc, chứ không nên nhìn vào dây chuyển sản xuất điện thoại di động của Samsung ở Việt Nam hay Trung Quốc.

Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam nên đưa ra ranh giới như thế nào cho ngành sản xuất điện thoại di động? Phải chăng Trung Quốc và Việt Nam cùng một trình độ, còn Hàn Quốc ở trình độ cao hơn? Hay Trung Quốc và Hàn Quốc cùng một trình độ, Việt Nam ở một trình độ thấp? Có thể khẳng định Hàn Quốc và Việt Nam không ở cùng một trình độ. Trên thực tế Samsung chỉ lo lắng về sự cạnh tranh của các doanh nghiệp Trung Quốc. Ít nhất có thể khẳng định rằng hiện nay một số thương hiệu điện thoại di động của Trung Quốc tiếp cận gần hơn trình độ của Hàn Quốc, nên đã đến khắp nơi trên thế giới mở nhà máy sản xuất, bán điện thoại di động. Tuy nhiên, do chuỗi sản xuất tự chủ các linh kiện không được đầy đủ như Samsung, nên có thể nói trình độ của các công ty thương hiệu điện thoại di động của Trung Quốc thấp hơn Samsung.

Bên cạnh đó, một số công ty Trung Quốc sau khi nhận đơn hàng trong chuỗi sản xuất lắp ráp điện thoại di động, họ đã chủ động đến Việt Nam để cung cấp dịch vụ, hỗ trợ sự đồng bộ cho Samsung. Trình độ của những công ty này trong chuỗi sản xuất không cao song vẫn cao hơn các nhà máy và công nhân do Việt Nam cung cấp.

Dù Việt Nam phát triển chuỗi sản xuất điện thoại di động, thì cũng ít có khả năng tạo thành mối đe dọa với Trung Quốc. Ở những khâu như cung cấp nhà xưởng, công nhân với mức lương thấp, nếu một số địa phương của Trung Quốc muốn dựa vào những biện pháp này để lôi kéo các nhà máy điện thoại di động của Samsung thì chắc chắc sẽ đối diện với sự cạnh tranh của Việt Nam. Ở Trung Quốc, đây là một mô hình kinh tế bị chỉ trích mạnh mẽ, dựa vào sức cạnh tranh với lương công nhân thấp là mô hình phát triển kinh tế có hại.

Ngay cả khi xác định đó là một mối đe dọa lớn, Trung Quốc cũng sẽ không áp dụng biện pháp giảm lương công nhân xuống mức thấp như ở Việt Nam, mà hy vọng Huawei, Xiaomi, OPPO, VIVO soán thị phần toàn cầu của điện thoại di động Samsung. Điều này cũng có nghĩa là ngay cả khi Trung Quốc cho rằng chuỗi sản xuất công nghiệp củaViệt Nam là mối đe dọa, thì cũng không nên cạnh tranh với Việt Nam, mà nên cạnh tranh với các công ty xuyên quốc gia đứng sau chuỗi sản xuất của Việt Nam.

Nếu các công ty của Trung Quốc thua các công ty xuyên quốc gia trong cạnh tranh toàn cầu, điều này sẽ rất tệ, song cần khẳng định rằng không phải do Trung Quốc không thể cạnh tranh với Việt Nam, mà do năng lực không bằng các công ty xuyên quốc gia. Cho dù thế nào thì cũng không nên đặt Trung Quốc và Việt Nam ở thế đối lập.

Nhiều khả năng các công ty Trung Quốc đến các nước đang phát triển như Ấn Độ để xây dựng nhà máy và đánh bại các công ty toàn cầu. Việc các công ty điện thoại di động của Trung Quốc mở nhà máy ở Ấn Độ, gây áp lực với Samsung chính là biện pháp cạnh tranh rất thực tế. Quý III/2019, không những thị phần của Xiaomi vượt mạnh Samsung ở thị trường Ấn Độ, mà sự kết hợp của OPPO và thương hiệu con Realme cũng đã vượt qua Samsung. Dù Chính quyền Modi tăng thuế đối với điện thoại di động, và các thương hiệu điện thoại di động đều đến Ấn Độ mở nhà máy, thì điều này cũng không thể cản trở được các công ty của Trung Quốc.

Samsung sẽ thấy an tâm bởi lý thuyết vĩ mô "sức cạnh tranh thấp giả tạo của chuỗi sản xuất điện thoại di động Việt Nam mạnh hơn Trung Quốc" của các nhà quan sát, hay là lo lắng vì "điện thoại di động của Trung Quốc sẽ soán thị phần của Samsung ở thị trường Trung Quốc, và sẽ tiếp tục tấn công sang Ấn Độ"? Điều này cũng có nghĩa là ngay cả khi các công ty toàn cầu giống như Samsung chuyển toàn bộ dây chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam thì sự cạnh tranh cũng còn lâu mới chấm dứt, nếu các công ty của Trung Quốc đủ mạnh. Hơn nữa, các công ty toàn cầu có năng lực độc lập "chuyển toàn bộ sang Việt Nam" như Samsung không nhiều. Mở nhà máy ở Việt Nam sẽ đối diện với nhiều vấn đề khác nhau, đặc biệt là một loạt phiền phức liên quan đến tổ chức chuỗi sản xuất. Samsung là công ty có nội lực hùng hậu, năng lực tự chủ và năng lực kiểm soát chuỗi sản xuất mạnh, nên mới có thể phát triển vững mạnh ở Việt Nam với quy mô lớn.

Nếu Việt Nam có thể giống như Trung Quốc, phát triển hệ thống các nhà cung ứng địa phương, thậm chí tạo ra thương hiệu riêng, thì có thể xem là mối đe dọa đối với chuỗi sản xuất của Trung Quốc đang tăng lên. Vấn đề này, có thể khảo sát qua chuỗi sản xuất công nghiệp của ngành chế tạo Thái Lan.

Thái Lan có 69 triệu dân, ít hơn Việt Nam. Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu của Thái Lan tương đương với Việt Nam, đều trên 500 tỷ USD. Kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân đầu người của Thái Lan cao hơn Việt Nam 35%, gấp 2 lần Trung Quốc. Mô hình kinh tế của Việt Nam và Thái Lan có điểm giống nhau, dường như Việt Nam đang phát triển hướng đến mức giới hạn dưới của Thái Lan. Những năm gần đây, tình hình phát triển của Thái Lan tương đối tốt, GDP thu nhập bình quân đầu người năm 2018 lần đầu tiên vượt ngưỡng 7.000 USD, lên 7.270 USD.

Tại sao ít người nói rằng Thái Lan sẽ tạo thành mối đe dọa đối với chuỗi sản xuất công nghiệp của Trung Quốc? Thái Lan cũng đẩy mạnh xuất nhập khẩu, và chỉ có xuất khẩu sản phẩm công nghiệp thì kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân đầu người mới có thể cao như vậy. Điều này là do Trung Quốc và Thái Lan có mối quan hệ đuổi kịp và vượt. Trước đây, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ bằng 1/5 so với Thái Lan, sau đó bắt kịp, trình độ sản xuất cũng cao hơn.  Trong trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Thái Lan, Thái Lan sẽ không phải là mối đe dọa với Trung Quốc. Trong khi đó Việt Nam luôn ở phía sau Trung Quốc, dường như phát triển rất tốt, chuỗi sản xuất công nghiệp của ngành chế tạo tiến bộ nhanh.

Trên thực tế, trực giác này là sai. Trình độ chuỗi sản xuất của Thái Lan cao hơn Việt Nam, GDP bình quân đầu người gấp 2,5 lần Việt Nam. Trình độ phát triển của Thái Lan và Việt Nam khác nhau, điều này không phụ thuộc vào kim ngạch xuất khẩu gạo thơm và Japonica, mà là ở các hàng hóa phức tạp như ô tô.

Năm 2018, sản lượng ô tô của Thái Lan tăng 9% lên 2,17 triệu chiếc, tiêu thụ trong nước tăng 19,2% so với cùng kỳ lên 1,04 triệu chiếc, doanh số xuất khẩu duy trì mức 1,14 triệu chiếc so với năm trước. Lượng tiêu thụ ô tô/10.000 người dân Thái Lan là 150 chiếc, không chênh lệch nhiều so với mức 200 chiếc ở Trung Quốc. Xuất khẩu ô tô của Thái Lan thậm chí còn mạnh hơn Trung Quốc, hơn 1/2 ô tô được xuất khẩu đến khắp thế giới, trong khi tình hình xuất khẩu ô tô của Trung Quốc không được tốt, chủ yếu là tiêu thụ trong nước. Năm 2019, xuất khẩu ô tô của Trung Quốc cũng vượt mức 1 triệu chiếc, tương đương với Thái Lan, song lại không đạt được những tiến triển lớn trong nhiều năm.

Năm 2019, lượng tiêu thụ ô tô của Việt Nam khoảng 380.000 chiếc, số lượng tiêu thụ ô tô/10.000 người là 39 chiếc. Con số này không thể nói là kém. Tuy nhiên, so với Thái Lan và Trung Quốc thì rõ ràng vẫn thuộc giai đoạn khởi đầu. Phương tiện giao thông lưu hành phổ biến của Việt Nam là xe máy. Năm 2019, lượng tiêu thụ ô tô của Ấn Độ khoảng 3 triệu chiếc, giảm 10% so với năm trước, số lượng tiêu thụ ô tô/10.000 người là 22 chiếc, thấp hơn Việt Nam. Từ góc độ lượng tiêu thụ ô tô thì GDP thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam và Ấn Độ dưới 3.000 USD cũng là hợp lý.

Ô tô là sản phẩm công nghiệp rất quan trọng. Mặc dù lượng tiêu thụ ô tô của Ấn Độ không cao, song nó đã chiếm 1/2 sản lượng của ngành chế tạo, là một thành phần kinh tế rất quan trọng. Nếu Việt Nam cũng có thể nâng cao lượng tiêu thụ ô tô như Thái Lan, thì GDP bình quân đầu người sẽ tăng gấp đôi. Thực tế là định hướng phát triển của nền kinh tế Việt Nam không phải là cạnh tranh với chuỗi sản xuất công nghiệp của ngành chế tạo Trung Quốc. Việc mở rộng các thị trường tiêu dùng quan trọng như ô tô là phương hướng phát triển vừa khả thi vừa thiết thực, GDP bình quân đầu người của Việt Nam từng bước tăng lên và cũng sẽ đi đến giai đoạn "tiêu dùng trung lưu".

Về cơ bản, Thái Lan không nghĩ đến việc cạnh tranh với Trung Quốc. Vào đầu những năm 1990, quan điểm phổ biến lúc đó là Thái Lan không thể đọ sức với nguồn nhân lực giá rẻ của Trung Quốc, song có thể phát triển nghiên cứu khoa học và giáo dục, thông qua "nền kinh tế tri thức" để duy trì ưu thế cạnh tranh với Trung Quốc. Có quan sát cho rằng nguyên nhân quan trọng dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính Đông Nam Á năm 1998 chính là do Trung Quốc tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, tác động mạnh đến sức cạnh tranh toàn cầu của các "con hổ Đông Nam Á".

Trên thực tế, các nước Đông Nam Á vẫn có thể cạnh tranh với nguồn nhân lực giá rẻ của Trung Quốc, nỗ lực và quyết tâm để phát triển nền kinh tế tri thức giáo dục nghiên cứu khoa học. Đây là khác biệt lớn nhất giữa các nước đang phát triển và các nước tiên tiến. Biểu hiện về mặt số liệu chính là tỷ lệ kinh phí chi cho hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển)/GDP, hiện Trung Quốc là 2,1% và đã theo kịp một số nước phát triển, trong khi đó ở các nước đang phát triển thường có mức chưa đến 1%.

Nhìn từ góc độ mục tiêu phát triển, Trung Quốc đang thận trọng đi theo bước của các nước tiên tiến. Để phát triển công nghệ trong mấy chục năm qua, Trung Quốc cho rằng trong bối cảnh khủng hoảng "lạc hậu sẽ chịu đòn".

Ngành ô tô của Thái Lan được xem là mô hình thực hiện tốt nhất trong số các quốc gia đang phát triển, ngoại trừ Trung Quốc. Ngành ô tô của Thái Lan mạnh hơn nhiều so với ngành điện thoại di động của Việt Nam, ngay cả linh phụ kiện đều được sản xuất ở Thái Lan, và xuất khẩu số lượng lớn khắp toàn cầu. Tuy nhiên, ngành ô tô của Thái Lan vẫn phụ thuộc vào năng lực của ngành ô tô Nhật Bản.

Những năm 1960, Honda và Mitsubishi đã bắt đầu hoạt động ở Thái Lan. Thái Lan cũng trở thành trung tâm sản xuất ô tô của khu vực. Không giống với hoạt động lắp ráp đơn giản của các nước đang phát triển thông thường, ngành ô tô của Thái Lan từng bước tiến xa hơn đến ngành công nghiệp phụ tùng. Bằng cách áp mức thuế 80% đối với ô tô nhập khẩu và tăng thuế với phụ tùng, Chính phủ Thái Lan đã hỗ trợ mạnh mẽ sự phát triển của ngành sản xuất ô tô. Hiện nay, Thái Lan có 1.500 nhà cung ứng phụ tùng, hầu như không cần nhập khẩu. Năm 2017, tổng giá trị xuất khẩu phụ tùng ô tô của Thái Lan đạt 19,8 tỷ USD, tăng 15,5%.

Toàn bộ hệ thống công nghiệp là cấu trúc rất phức tạp. Để làm được điều này đòi hỏi phải có chiến lược, lộ trình nghiên cứu và phát triển được đầu tư căn bản. Đối với vấn đề này, ngoài Trung Quốc, các nước đang phát triển khác rất khó thực hiện được. Việt Nam cũng có thể học Trung Quốc, song độ khó rất lớn, và khó đánh giá được tỷ lệ thành công.

Lộ trình phát triển của Việt Nam

Việt Nam không cần dập khuôn mô hình của Trung Quốc trong việc nghiên cứu và phát triển, mà nên kiên trì con đường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, phát triển giống như Thái Lan.

Nếu Việt Nam đạt được mức GDP thu nhập bình quân đầu người khoảng 6.000 USD của Thái Lan vào năm 2015, thì có thể nói rằng "giới hạn dưới" của Việt Nam đã đạt được. Nếu Việt Nam có thể duy trì tốc độ tăng trưởng 7%, dự báo đến năm 2030 có thể thực hiện mức thu nhập bình quân 6.000 USD; tiếp tục lấy đó là khởi điểm, việc đạt mục tiêu "thu nhập cao" 12.000 USD vào năm 2045 là khả thi. Mục tiêu năm 2045 mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra đã dựa trên tham khảo mức phát triển của các nước trong khu vực.

Trên thực tế, những năm gần đây, các nước Đông Nam Á nhìn chung phát triển tốt do có các yếu tố địa chính trị thuận lợi. Các nước Đông Nam Á đã thành lập hiệp hội ASEAN với dân số 600 triệu người, có trình độ phát triển nhất định, là thị trường khu vực tương đối quan trọng. Các nước như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều đang lôi kéo Đông Nam Á, ra sức tranh thủ khai thác thế mạnh của ASEAN.

Kim ngạch thương mại của Trung Quốc đối với ASEAN đã vượt Mỹ. Năm 2018, kim ngạch thương Trung Quốc - ASEAN đạt 587,87 tỷ USD, tăng 14,1% so với năm trước. Ba quý đầu năm 2019, kim ngạch thương mại của Trung Quốc với ASEAN là 3.140 tỷ CNY, tăng 11,5%, đủ để bù đắp mức sụt giảm 10% trong trao đổi thương mại với Mỹ. Sự tăng trưởng nhanh của ASEAN đóng vai trò rất quan trọng đối với ngoại thương của Trung Quốc.

Các quốc gia đang phát triển không cần tham gia vào R&D cũng có thể có sự tăng trưởng kinh tế tương đối mạnh. Chỉ cần chính trị ổn định, người dân mong muốn làm việc, có quy mô dân số nhất định, hợp tác với các quốc gia có công nghệ công nghiệp tiên tiến, thì các nước này có thể có cơ hội phát triển lý tưởng.

Ví dụ, Việt Nam đã nhập khẩu giống lúa lai cao sản từ Trung Quốc từ năm 1992. Trong những năm gần đây, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu từ 12.000-16.000 tấn hạt giống lúa lai từ Trung Quốc, chiếm 3/4 giống lúa nhập khẩu. So với các giống lúa thông thường, sản lượng của lúa lai có thể tăng 40%. Sự hợp tác này có lợi cho Việt Nam, và có thể được xem như là sự xuất khẩu năng lực công nghệ nông nghiệp của Trung Quốc. Hơn nữa Trung Quốc là quốc gia có công nghệ sản xuất tiên tiến, có thể giúp Việt Nam giải quyết vấn đề sản xuất lương thực, điều này cũng có lợi cho sự phát triển hòa bình của thế giới.

Ví dụ khác, Việt Nam là nước lớn sản xuất xi măng, song công nghệ sản xuất xi măng của Việt Nam lạc hậu, 90% thiết bị sản xuất phải nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc, Nhật Bản… Thông qua việc đổi mới công nghệ thiết bị đồng bộ sản xuất, Trung Quốc có thể sản xuất 55% xi măng của thế giới với hiệu quả cao. Việt Nam nhập khẩu thiết bị sản xuất xi măng tiên tiến từ Trung Quốc là một sự hợp tác rất tốt.

Các nước trên thế giới, bao gồm Trung Quốc, không có ý kiến về sự phát triển kinh tế của ASEAN hoặc Việt Nam. Các nước ASEAN phát triển tốt thì các nước xung quanh càng có nhiều cơ hội. Do đó, các nước Đông Á sẵn sàng xuất khẩu năng lực công nghệ sang các nước ASEAN, từ cơ sở hạ tầng cho đến việc dịch chuyển chuỗi sản xuất của ngành chế tạo. Hơn nữa, các nước ASEAN không có năng lực tham gia nghiên cứu và phát triển, không tạo thành mối đe dọa đối với các nước tiên tiến, nên hợp tác là phương án tương đối yên tâm.

Các nước ASEAN trong đó có Việt Nam cơ bản vẫn là đi theo con đường phát triển hòa bình. Mặc dù Mỹ nhiều lần xúi giục các nước như Philippines gây rắc rối Trung Quốc ở Biển Đông, song các nước xung quanh Biển Đông cơ bản vẫn giữ xu thế hợp tác với Trung Quốc. Việc một số nước ASEAN thay đổi đảng cầm quyền dẫn đến hợp đồng kinh tế thương mại và xây dựng cơ sở hạ tầng với Trung Quốc bị ảnh hưởng là điều khó tránh khỏi, tuy nhiên kim ngạch thương mại song phương vẫn đang tăng mạnh.

Việt Nam cũng sẽ đối diện với vấn đề "bẫy thu nhập trung bình". Các nước như Nga, Brazil, Mexico, Thỗ Nhĩ Kỳ, Malaysia… đã dừng lại ở mức GDP thu nhập bình quân đầu người 10.000 USD trong khoảng 10 năm. Trên thực tế, mức GDP thu nhập bình quân đầu người 10.000 USD là không thấp, trước đó nó được xem là mức của các nước phát triển. Điều này là do lạm phát của đồng USD, quan trọng hơn là "sự lan tỏa các thành quả khoa học kỹ thuật của xã hội loài người" có thể giúp các nước trên thế giới nâng cao trình độ phát triển.

Cho dù các thành quả khoa học kỹ thuật của xã hội loài người chủ yếu xuất phát từ sự nghiên cứu và phát triển ở Đông Á, Châu Âu, Bắc Mỹ, thì chúng cũng sẽ được phổ biến đến các nước đang phát triển thông qua các hoạt động kinh tế.

Dưới sự thúc đẩy của lợi ích kinh tế, các công ty toàn cầu sẽ lan tỏa một số lượng lớn các thành quả khoa học kỹ thuật và sản phẩm công nghiệp, các nước trên thế giới đều có thể có được những thành quả trên mà không gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn như các sản phẩm và dịch vụ y tế cơ bản đã nâng cao tuổi thọ bình quân trên toàn cầu; các nước đang phát triển cũng có thể sử dụng một cách bình thường sản phẩm điện tử như ti vi, điện thoại di động… Mọi quốc gia đều sẽ phát triển, khởi điểm thấp vẫn có thể tăng trưởng tốc độ cao, toàn cầu hóa đã góp phần đẩy nhanh tiến trình này.

Chừng nào Việt Nam vẫn ổn định chờ đợi "các thành quả khoa học kỹ thuật lan tỏa tự nhiên" đến nước mình thì sẽ có cơ hội phát triển tương đối tốt.

Tình hình chính trị Việt Nam tương đối ổn định, vấn đề dân tộc và tôn giáo không phức tạp, mong muốn phát triển hòa bình. Người Việt Nam mong muốn làm việc, phấn đấu để có cuộc sống hạnh phúc. Từ góc độ toàn cầu, với tiềm lực của mình, Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu nói trên. Mặc dù không triển khai được những nghiên cứu và phát triển phức tạp, song đỉnh phát triển của "bẫy thu nhập trung bình" phải ở mức GDP bình quân đầu người 10.000 USD, phù hợp với mục tiêu "thu nhập cao" mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xác định.

Do Việt Nam bị tổn thương bởi chiến tranh, từ Chiến tranh thế giới thứ hai đến Chiến tranh Việt Nam, nên có trình độ phát triển tương đối thấp trong một giai đoạn. Việt Nam đang có cơ hội phát triển hòa bình. Sau 30 năm tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao, Việt Nam đã bước vào thời kỳ phát triển tốt nhất lịch sử, triển vọng tương lai tươi sáng, đồng thời cũng có lộ trình phát triển rõ ràng. Tuy nhiên, không nên cho rằng Việt Nam có thể thách thức chuỗi sản xuất của ngành chế tạo Trung Quốc cũng như không nên đặt hai nước ở thế đối lập nhau.

Việc Trung Quốc xuất khẩu công nghệ công nghiệp và thành quả khoa học kỹ thuật giúp Việt Nam và ASEAN phát triển đã được chứng thực trong quá khứ và sẽ tiếp tục tạo ra thành quả tích cực trong tương lai. Quan hệ hợp tác thân thiện giữa Trung Quốc và ASEAN chắc chắn sẽ trở thành mô hình kiểu mẫu về kiềm chế tranh chấp, phát triển hòa bình và cùng tiến bộ của xã hội loài người.

Trần Kinh (Chen Jing)

Nguyên tác : Under the epidemic situation, can Vietnam undertake part of China's industrial chain ? Think too much (陈经:疫情之下,越南能承接中国部分产业链?想多), Nhà Quan Sát (guancha), 14/03/2020

Minh Anh giới thiệu

Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông 02/04/2020

Trần Kinh là thành viên của Hiệp hội Phong Vân (Fengyun). Bài viết được đăng trên trang Nhà quan sát

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Kinh (Chen Jing)
Read 600 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)