Tương tự như các căn cứ quân sự ở Đại lục, các tiền đồn của Trung Quốc tại Biển Đông được tích hợp vào một hệ thống các hệ thống lực lượng chung lớn hơn nhằm hỗ trợ các chiến lược đang hình thành của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (People's Liberation Army-PLA).
Hỏa lực của tàu tuần dương Type-055 (lớp Nhận Hải) với 112 ống phóng thẳng đứng (vertical launching system - VLS).
Hãy tưởng tượng bạn bước vào một căn phòng tối. Bạn không thể nhìn hay nghe thấy gì, nhưng đối thủ của bạn có thể nhìn và nghe được mọi thứ. Đối thủ của bạn ở trong phòng và biết rõ mọi ngóc ngách. Bạn chỉ biết một vài lối vào hoặc ra. Bạn có thể tin rằng bạn có lợi thế về công nghệ và huấn luyện cùng với sự hỗ trợ của các đồng minh và đối tác. Tuy nhiên, trong phạm vi căn phòng, bạn không thể xác định nơi đặt vũ khí của mình và không thể liên lạc với bạn bè. Trong bóng tối, kẻ thù theo dõi và chờ đợi, sẵn sàng tấn công từng người một trong nhóm của bạn từ những hướng bất ngờ. Nếu bạn để lộ vị trí của mình, hoặc gọi trợ giúp, những kẻ đứng trong bóng tối sẽ nghe thấy.
Đây là cơn ác mộng mà các nhà tham mưu quân sự Mỹ phải đối mặt ở Biển Đông.
Các tiền đồn của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa tạo cho Bắc Kinh ưu thế thông tin mang tính quyết định trước bất kỳ kẻ thách thức nào ở Biển Đông. Mục đích chính của chúng không phải là triển khai sức mạnh quân sự và phát triển vũ khí, mà là sức mạnh thông tin. Đóng góp chính của các căn cứ này là tạo thuận lợi cho các khả năng chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc, máy tính, tình báo, giám sát và do thám ở Biển Đông. Bất chấp luật pháp quốc tế, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) hành xử như thể các đảo-đá được quân sự hóa là thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Các tiền đồn đã phát triển thành căn cứ quân sự kiên cố, cho phép Trung Quốc kiểm soát trên thực tế đối với khu vực mà Bắc Kinh xem là vùng biển của họ. Tương tự như các căn cứ quân sự ở Đại lục, các tiền đồn ở Biển Đông được tích hợp vào một hệ thống các hệ thống lực lượng chung lớn hơn của Trung Quốc nhằm hỗ trợ các chiến lược đang hình thành của PLA.
Gần đây, Greg Poling đã lập luận trên tờ War on the Rocks rằng: "Sự hiểu biết thông thường về các căn cứ của Trung Quốc trên đảo là sai lầm đầy nguy hiểm". Ông khẳng định các tiền đồn của Trung Quốc sở hữu những khả năng quân sự làm thay đổi cuộc chơi, hỗ trợ sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông .Các khả năng này thường bị các nhà hoạch định chính sách Mỹ bác bỏ vì họ tin rằng chúng sẽ dễ dàng bị vô hiệu hóa trong một cuộc xung đột. Đáp lại, Olli Pekka Suorsa đưa ra phản biện rằng: "Hiểu biết thông thường vẫn đúng", và quả thật quân đội Mỹ có khả năng đẩy lùi các khả năng quân sự của Trung Quốc với tương đối ít nỗ lực. Mặc dù bài viết của Poling nắm bắt chính xác hơn phạm vi của các thách thức liên quan đến việc nhắm mục tiêu vào các tiền đồn của Trung Quốc, nhưng có lẽ cả hai tác giả đều đã đánh giá thấp những trở ngại về mặt tác chiến mà các căn cứ này tạo ra cho bất kỳ nước nào thách thức sự chi phối của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đánh giá của phương Tây về các hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc thường phản ánh cách tiến hành chiến tranh của Mỹ, gần như chỉ tập trung vào năng lực triển khai vũ khí động học của các tiền đồn này, như thể các khả năng tấn công là nền tảng cho các khái niệm tác chiến của Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Thay vào đó, bất kỳ đánh giá thực nào về các khả năng quân sự đều phải được xác định bởi các động lực: chiến lược của PLA, những đối thủ tiềm tàng của Trung Quốc và địa lý Biển Đông ở cấp độ tác chiến. Bất kể các căn cứ trên những đảo-đá này mang đến cho PLA và lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc lợi thế gì về phương diện logistics và sự hiện diện liên tục, thì các hoạt động của Trung Quốc cũng sẽ bị giới hạn bởi phạm vi kiểm soát thông tin của PLA - khả năng nắm bắt không gian chiến đấu và chỉ huy các lực lượng quân sự.
Các khái niệm tác chiến trong chiến tranh thông tin
Không nên phóng đại sự chú trọng sâu sắc của PLA vào việc giành được ưu thế về thông tin như một yêu cầu về mặt chiến thuật, tác chiến và chiến lược. Nhìn chung, phương Tây đã hiểu sai và đánh giá thấp các khái niệm chiến tranh thông tin và tác chiến tập trung vào thông tin của Trung Quốc. Nói một cách đơn giản, nếu thời đại công nghiệp đánh dấu sự khởi đầu của chiến tranh cơ giới, thì Trung Quốc tin rằng thời đại thông tin đã dẫn đến chiến tranh thông tin. "Sức mạnh thông tin" là cách diễn đạt về mặt tác chiến của chiến tranh thông tin và là cụm từ đầu tiên trong số những điều PLA gọi là "các yếu tố cơ bản của sức mạnh chiến dịch". Theo Trung Quốc, sức mạnh thông tin quan trọng hơn cả những điểm nòng cốt trong các khái niệm tác chiến của quân đội Mỹ - yếu tố hỏa lực và tác chiến trong chiến tranh thời đại công nghiệp. Hỏa lực và tác chiến, đặc biệt là khả năng tấn công chính xác tầm xa, chắc chắn có vai trò quan trọng đối với ý đồ tác chiến của Trung Quốc. Tuy nhiên, PLA tin rằng sức mạnh trong các lĩnh vực này đơn giản không phải là then chốt quyết định thành công trong tác chiến bằng việc đạt được ưu thế về thông tin.
Sức mạnh thông tin - khả năng một quân đội giành được và duy trì ưu thế thông tin trong không gian chiến đấu - là một khái niệm ở cấp độ tác chiến thể hiện qua những thông tin chúng ta nhìn hoặc nghe thấy trong buồng lái, phòng điều khiển tàu hoặc trong một trung tâm chỉ huy. Khả năng này không phải đạt được bằng cách tấn công tin tặc trên phương tiện truyền thông xã hội, gây ảnh hưởng đến người dân, hoặc các hoạt động thông tin cấp cao hơn tập trung vào việc xuyên tạc câu chuyện xung quanh một cuộc xung đột. Khái niệm sức mạnh thông tin là nhận thức về không gian chiến đấu và khả năng duy trì thông tin cho các hệ thống vũ khí của chính mình trong khi đồng thời ngăn chặn kẻ thù tiếp cận thông tin về không gian chiến đấu. Các khái niệm của Trung Quốc tương tự như học thuyết chiến tranh chỉ huy và kiểm soát trước đây của Mỹ hơn là học thuyết ngày nay của Washington về "tác chiến liên hợp trong môi trường thông tin".
Mặc dù thường bị các nhà nghiên cứu về Trung Quốc chỉ trích là sáo rỗng, tuy nhiên, cách ví von rằng Trung Quốc chơi cờ vây trong khi Mỹ chơi cờ vua vẫn là một so sánh thích hợp về cách cả hai bên khái niệm hóa chiến lược quân sự. Mục tiêu của cờ vây là bao vây đối thủ, dẫn đến loại bỏ quân cờ của đối thủ và cuối cùng là giành chiến thắng bằng cách chiếm được nhiều đất hơn trên bàn cờ. Suy rộng ra, điều này phản ánh cách tiếp cận của Trung Quốc ở Biển Đông – kiềm chế các kẻ thù trong không gian, chiếm đóng, và đặt ra các điều kiện để loại bỏ các lực lượng của nước ngoài một cách nhanh chóng và dứt khoát nếu cần thiết.
Cách tiếp cận của quân đội Mỹ giống môn cờ vua hơn, một trò chơi hoạt động và tiêu hao nhằm tìm cách buộc đối phương phải đầu hàng bằng cách vô hiệu hóa một trung tâm chỉ huy quan trọng đằng sau phòng tuyến của địch (quân vua). Ở Biển Đông, Trung Quốc tìm cách nắm thế chủ động tác chiến ngay từ đầu, ngăn chặn Mỹ và các đồng minh của họ tiếp cận thông tin về không gian chiến đấu nhằm ngăn cản các lực lượng của Mỹ hoạt động trên quy mô rộng lớn và triển khai hỏa lực nhằm vào nơi mà PLA xem là trung tâm tác chiến của họ - hệ thống các hệ thống có nhiệm vụ chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc, máy tính, tình báo, giám sát và do thám. Cuối cùng, điều này làm dấy lên những câu hỏi về việc liệu hỏa lực và các chiến lược hoạt động của Mỹ có chiếm ưu thế trước một chiến lược nhằm vô hiệu hóa các hệ thống thông tin chiến trường của Mỹ hay không. Trong khi đó, các khả năng phục hồi và dự phòng hỗ trợ các vũ khí tầm xa của PLA, với dòng chảy tin tức tình báo và thông tin chiến trường dường như không bị gián đoạn.
"Phòng thủ tích cực" không phải là phòng thủ
Ở Biển Đông, Trung Quốc không giữ thế thủ và chờ đợi bị tấn công. PLA thông tin hóa các chiến lược chiến tranh và khái niệm tác chiến phù hợp với khái niệm "phòng thủ tích cực" của Trung Quốc - phòng thủ về mặt chiến lược trong khi tấn công.
Các nhà tham mưu quân sự của Mỹ đã đơn phương gán mác các năng lực quân sự của Trung Quốc là các khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (Anti-Access/Area Denial - A2/AD). Tên gọi này đã tạo ra một câu chuyện thần thoại rằng trên thực tế, PLA có một chiến lược A2/AD phòng thủ hoặc chiến lược chống can thiệp. Chắc chắn, Trung Quốc có kế hoạch triển khai các khả năng quân sự đáng kể để ngăn chặn sự can thiệp của quân đội Mỹ. Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc, giống như quân đội Mỹ, thích nắm thế chủ động tác chiến và thực hiện các chiến dịch tấn công hơn. PLA sẽ luôn tìm cách tránh rơi vào thế phòng thủ. Việc Mỹ tập trung khắc phục các khả năng A2/AD đã chuyển hướng chú ý ra khỏi các chiến lược của Bắc Kinh vốn được thiết kế để nhanh chóng đạt được các mục tiêu tấn công như chiếm giữ lãnh thổ, trừng phạt một kẻ thù trong khu vực hoặc bảo vệ các nguồn lực. Các chiến lược phản công của Mỹ có thể xử lý được các khả năng phòng thủ, nhưng không trực tiếp đánh trả các chiến lược tấn công của Trung Quốc và những lý do giải thích tại sao Mỹ có thể can thiệp ngay từ đầu. Hơn nữa, các chiến lược của Mỹ dường như tìm cách đánh bại các hệ thống vũ khí A2/AD của PLA nhưng không nhất thiết xử lý được điều PLA coi là trung tâm tác chiến của chính họ - sức mạnh thông tin.
Học thuyết chiến tranh thông tin của Trung Quốc được phát triển từ đầu những năm 2000 xác định rõ ràng các hệ thống liên quan đến thông tin của bạn bè và của kẻ thù là các trung tâm tác chiến mang tính then chốt. Chẳng hạn, một bài báo tiếng Trung trên tạp chí PLA Daily gần đây có tiêu đề: "Làm thế nào để phá hủy mạng lưới các điểm trọng yếu trong hệ thống các hệ thống tác chiến". Yêu cầu của PLA về thông tin liên lạc và hoạt động do thám đa dạng và dồi dào nhằm chiếm ưu thế trong một cuộc đối đầu cam go chống lại các hệ thống của kẻ thù được phản ánh rõ ràng nhưng hay bị bỏ sót qua các khả năng sức mạnh thông tin dồi dào và có khả năng khôi phục tại các tiền đồn của PLA ở Biển Đông.
Một đánh giá về nguyên liệu từ nguồn mở và hình ảnh vệ tinh thương mại cho thấy các khả năng thông tin liên lạc đáng kể trên các đảo-đá nhân tạo của Trung Quốc, bao gồm cáp quang dưới biển, thông tin vệ tinh đa băng tần, dải băng thông rộng tần số cao, thông tin liên lạc bằng phân tán tầng đối lưu... Các khả năng tình báo, giám sát và do thám (Intelligence, surveillance, and reconnaissance - ISR) cũng dồi dào và đa dạng, và bao gồm các hệ thống radar đa tần, hệ thống thông tin tình báo điện tử, và 6 radar vượt đường chân trời bằng sóng cực ngắn (tương tự như Monolit-B của Nga) mà có thể phát hiện các mục tiêu trên mặt đất cách hàng trăm dặm vượt đường chân trời. Đó là chưa đề cập đến tiềm năng của các hệ thống có thể di dời, như hệ thống tác chiến điện tử, máy bay ISR, máy bay tác chiến điện tử hoặc các hệ thống không người lái mà cuối cùng có thể hoạt động từ các đảo-đá. Tất cả các khả năng sức mạnh thông tin tại các tiền đồn của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ phối hợp với nhau trước và trong suốt các chiến dịch quân sự để ngăn chặn đối thủ tiếp cận thông tin trong khi bảo vệ quyền truy cập thông tin của chính PLA.
Các khả năng thông tin liên lạc được kết nối thành mạng lưới có ở các tiền đồn của Trung Quốc làm gia tăng quyền kiểm soát thông tin của các lực lượng phi quân sự hoặc không chính quy ở Biển Đông. Các tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc không được trang bị hệ thống thông tin liên lạc và kết nối dữ liệu quân sự tinh vi có thể được kết nối vào mạng lưới giám sát trên diện rộng bằng cách sử dụng sóng tầm nhìn thẳng. Lực lượng dân quân trên biển của PLA là các ngư dân Trung Quốc được tuyển chọn để bảo vệ an ninh khu vực phía sau, đóng vai trò canh gác các lực lượng quân sự nước ngoài, hoặc có khả năng đáng tin cậy trong việc ngăn chặn ngư dân của nước đối thủ. Giờ đây, các đảo-đá này có thể chỉ huy và kiểm soát lực lượng dân quân trên biển thông qua việc sử dụng hệ thống thông tin liên lạc bằng giọng nói thô sơ hoặc thậm chí là dịch vụ điện thoại di động 4G (và chẳng bao lâu sẽ là 5G) từ mỗi tháp viễn thông cao khoảng 48 m đặt trên các đảo này.
Về mặt quân sự, các khả năng của sức mạnh thông tin thể hiện rõ trên các tiền đồn của Trung Quốc ở Biển Đông là bộ phận đặt trên mặt đất của một hệ thống các hệ thống lực lượng chung tích hợp khả năng do thám và thông tin liên lạc trong không gian, trên không, trên biển và trên bộ. Nếu không thể ngăn chặn đối thủ bằng sự vượt trội về thông tin, thì khả năng sức mạnh thông tin có thể được tích hợp thêm các khả năng tấn công tầm xa quan trọng xuất phát từ chính các tiền đồn, Trung Quốc đại lục, tàu nổi, tàu ngầm hoặc tàu sân bay tác chiến của Trung Quốc. Chỉ riêng mối đe dọa từ việc nhắm mục tiêu và tấn công có thể khiến máy bay và tàu của kẻ thù phải bật hệ thống kiểm soát khí xả - tắt radar và các phương tiện thông tin liên lạc để tránh bị thiết bị điện tử phát hiện - tiếp tục ngăn không cho các đối thủ của PLA tiếp cận thông tin về chiến trường.
Các tiền đồn ở Biển Đông đáp ứng tất cả các yêu cầu của PLA về "chiến dịch tấn công nhằm vào các đảo-đá san hô", và nhiều khả năng chúng được xây dựng chỉ để phục vụ mục đích này. Chiến dịch này đã được phác thảo trong tài liệu Khoa học chiến dịch của Viện Hàn lâm Khoa học quân sự Trung Quốc năm 2006, khoảng 7 năm trước khi nước này bắt đầu xây dựng các đảo nhân tạo. Các mục tiêu của chiến dịch này bao gồm chiếm lại đảo-đá bị kẻ thù chiếm đóng, tăng cường chủ quyền lãnh thổ quốc gia và bảo vệ các quyền và lợi ích biển. Văn bản quan trọng này của Viện Hàn lâm Khoa học quân sự miêu tả chiến dịch đảo-đá diễn ra trong một không gian chiến đấu phức tạp cách xa Trung Quốc đại lục, làm tăng thêm thách thức cho lực lượng không quân yểm hộ, thông tin liên lạc, tình báo và logistics. Bản phác thảo chiến dịch tấn công trên đảo-đá này đề nghị PLA thiết lập một hệ thống các hệ thống tình báo và do thám toàn diện; thiết lập một mạng lưới thông tin liên lạc tích hợp duy nhất giữa các tàu, máy bay, đảo-đá và Đại lục; và đưa ra dự báo chính xác về tình hình khí tượng thủy văn. Trong khi có thể tiến hành tấn công trực tiếp vào bất kỳ hòn đảo nào do nước ngoài chiếm đóng trên quần đảo Trường Sa từ tàu đổ bộ của Hải quân PLA, thì các đảo-đá của Trung Quốc cung cấp mọi khả năng sức mạnh thông tin và logistics cơ bản được phác thảo trong học thuyết chiến dịch này.
Ngoài tiềm năng của các máy bay chiến đấu hoặc máy bay trực thăng tấn công hoạt động từ các sân bay ở tiền đồn, đáng lưu ý rằng hỏa lực của tất cả đảo-đá lớn kết hợp lại – đá Chữ Thập, đá Subi và đá Vành Khăn – dường như không bằng tiềm năng hỏa lực của một chiếc tàu tuần dương Type-055 (lớp Nhận Hải), với 112 ống phóng thẳng đứng (vertical launching system - VLS). Người ta có thể kết luận rằng các tên lửa đất đối không và chống hạm đặt trên tiền đồn chỉ đơn giản là để phòng thủ cho khu vực quần đảo Trường Sa, xét rằng có thể triển khai bất kỳ số lượng tàu tuần dương Type-055, tàu khu trục Type-052D hoặc các phương tiện chiến đấu trên khắp Biển Đông để tiến hành các cuộc tấn công. Về phần mình, đội tàu đặc nhiệm nổi trên mặt nước của Hải quân PLA có khả năng tuần tra tương đối kín đáo, khiến đối thủ khó có thể nhắm mục tiêu vì họ có thể nhận được thông tin về không gian chiến đấu do các thiết bị lắp đặt trên các đảo-đá của Trung Quốc cung cấp.
Các tiền đồn ở Biển Đông không nhất thiết nằm ở tuyến đầu trong hệ thống phòng thủ nhiều lớp của Trung Quốc khi xem xét chiến dịch "phòng thủ tích cực" của PLA, và một chiến dịch tấn công nhằm vào các đối thủ đang tiến công như Hải quân hoặc Không quân Mỹ. Một số người suy đoán rằng những đường băng dài trên các tiền đồn ở Biển Đông có thể được sử dụng để mở rộng phạm vi hoạt động của máy bay ném bom của Trung Quốc. Nhiều khả năng hơn là khu vực đỗ máy bay hạn chế trên các đảo-đá sẽ dành cho máy bay ISR và các phương tiện bay không người lái. Máy bay cảnh báo sớm trên không KJ-500, máy bay tình báo điện tử Y-9JB hoặc máy bay tuần tra tác chiến/trên biển chống ngầm Y-9Q có thể phóng từ các đảo-đá và ngay lập tức nằm trong khu vực phòng không do các máy bay chiến đấu phòng thủ và tên lửa đất đối không của các tiền đồn này tạo ra. Máy bay tại tiền đồn ở Biển Đông có thời gian chờ chuẩn bị cất cánh lâu hơn vài giờ so với máy bay ở Đại lục. Những máy bay này sẽ tạo ra vùng phủ sóng radar và một lớp thông tin liên lạc trên không sử dụng các kết nối dữ liệu, sóng tầm nhìn thẳng, cung cấp tin tức tình báo trong thời gian thực cách hàng trăm dặm vượt đường chân trời trên mặt nước cho các phương tiện chiến đấu được triển khai ở vị trí tiền tuyến của Hải quân PLA.
Việc sử dụng các đảo-đá làm sân bay, nơi máy bay cất cánh từ tàu sân bay có thể chuyển hướng trong trường hợp khẩn cấp cũng có thể quan trọng trong những năm tới. Ngay cả trong thời gian chuẩn bị trước khi tham chiến, thì việc máy bay cất cánh từ tàu đã là một nỗ lực đầy thách thức. Có nhiều lý do dẫn đến việc máy bay không thể quay trở lại tàu sân bay, từ thời tiết xấu, những hỏng hóc về mặt cơ học, cho đến tổn thất trong chiến đấu. Ngay cả các cánh không quân tinh nhuệ của Hải quân Mỹ cũng hiểu rằng việc vận hành ngoài phạm vi một sân bay thuận tiện trên mặt đất là một nhiệm vụ rất rủi ro. Giả sử khoảng cách từ một tàu sân bay đến sân bay chuyển hướng là 400 hải lý, các tiền đồn của Trung Quốc có thể cho phép tàu sân bay của Hải quân PLA hoạt động trên khắp phần lớn Biển Đông trong tương lai gần. Đường băng mới do Trung Quốc xây dựng tại Dara Sakor, Campuchia có khả năng chứng tỏ rằng máy bay chiến đấu ở nước ngoài của PLA là không cần thiết nếu một tàu sân bay có thể tạo ra vùng phủ máy bay chiến đấu tấn công dưới sự bảo vệ của một quốc gia bè bạn cùng một sân bay chuyển hướng phù hợp. Ngoài ra, cho đến khi các tàu sân bay của Trung Quốc được trang bị máy phóng để hỗ trợ các máy bay điều khiển trên không phóng từ tàu sân bay và máy bay do thám lớn như KJ-600, thì hoạt động của các tàu sân bay Trung Quốc nhất định sẽ phải dựa vào máy bay trên đất liền. Ngoài việc hiện nay các căn cứ của PLA đang ảnh hưởng như thế nào đến các nước láng giềng của Trung Quốc ở Biển Đông, thì các nhà hoạch định chính sách nên xem xét những tác động địa chính trị khi một tàu sân bay Trung Quốc tiến hành tuần tra ở phía cực Nam của "đường 9 đoạn" hay trong Vịnh Thái Lan.
Khả năng phòng thủ của PLA ở Biển Đông
Một lực lượng tấn công tinh nhuệ như quân đội Mỹ có quan điểm rằng mục đích của hành động phòng thủ về cơ bản là tạo ra các điều kiện thuận lợi hơn cho hành động tấn công, và điều này cũng là châm ngôn mà PLA nhất trí. Các vũ khí và khả năng A2/AD của Trung Quốc là có thật, nhưng một lần nữa, PLA không có chiến lược phòng thủ cũng như các khả năng phòng thủ mà cuối cùng sẽ tạo điều kiện cho hành động tấn công. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn có một số khả năng phòng thủ đáng được đề cập khi chúng có liên quan đến sức mạnh thông tin và các hoạt động tấn công của PLA ở Biển Đông.
Các khả năng tàng hình của Mỹ có thể không tạo được lớp bảo vệ trước các biện pháp phòng thủ của Trung Quốc ở Biển Đông như một số người nhận định. Sau vụ tấn công B-2 sai lầm nhằm vào đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade, Nam Tư vào năm 1999, Trung Quốc đã dành 20 năm tiếp theo để tập trung vào việc đánh bại công nghệ tàng hình của Mỹ. Chống tàng hình là một trong những khả năng cần thiết trong khái niệm "ba tấn công, ba phòng thủ" của PLA xuất hiện vào đầu những năm 2000. Trung Quốc đã phát triển một số radar chống tàng hình sử dụng tần số thấp hơn khiến công nghệ tàng hình thông thường mất hiệu quả. Liệu các radar như vậy có thể tạo ra phương án tấn công máy bay tàng hình hay không vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ, nhưng đáng chú ý là Trung Quốc tuyên bố rằng công nghệ radar chống máy bay tàng hình của họ hoạt động hiệu quả và có thể thách thức điều được cho là lợi thế công nghệ đáng kể của Mỹ .
Lầu Năm Góc cũng không nên xem sự chi phối về các khả năng ngầm dưới biển là điều hiển nhiên, đặc biệt là ở Biển Đông. Hiện nay, ngay cả Trung Quốc cũng nhất trí rằng Hải quân Mỹ có lợi thế đáng kể trong công nghệ tàu ngầm. Tuy nhiên, trong môi trường hoạt động bị hạn chế ở Biển Đông và các vùng biển xung quanh, PLA có khả năng bù đắp cho những thiếu sót của họ bằng việc có nhiều thời gian và không gian tiến hành các hoạt động tác chiến chống ngầm hơn. Các tiền đồn của Trung Quốc, ngoài các tàu và máy bay đã được triển khai của PLA, về cơ bản mang đến cho Trung Quốc ưu thế trên không và trên mặt nước trên thực tế, ít nhất là trong giai đoạn đầu của bất kỳ cuộc xung đột nào ở Biển Đông. Những ưu thế đó sẽ giúp hoạt động của tàu trên mặt nước và các chuyến bay của máy bay chiến đấu chống ngầm cánh cố định của Hải quân PLA như Y-9Q không bị cản trở. Khi phải đối mặt với hệ thống dò tìm tàu trên mặt nước, hệ thống dò tìm dưới nước thả từ máy bay trực thăng và các cuộc dò tìm trên khu vực rộng lớn của các thợ săn ngầm Y-9Q của Hải quân PLA, thì tàu ngầm của Mỹ có thể tránh bị phát hiện mà vẫn tạo ra hiệu ứng động học trong phạm vi Biển Đông trong thời gian bao lâu ?
Không nên đánh giá 7 đảo-đá do Trung Quốc chiếm đóng là các căn cứ riêng lẻ, độc lập, mà chúng là một hệ thống các hệ thống tích hợp ở Biển Đông. Do đó, ý kiến cho rằng các tiền đồn trên đảo-đá của Trung Quốc dễ bị tổn thương vì thiếu hệ thống có khả năng tồn tại và dự phòng là sai lầm. Như Poling đã nêu một cách rất chính xác trong bài viết của ông, các căn cứ của Trung Quốc cùng nhau tạo thành một mục tiêu "khó nhằn".
Hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông dường như phản ánh câu châm ngôn rằng số lượng chắc chắn quyết định chất lượng. Theo hình ảnh vệ tinh thương mại, trên 7 đảo-đá của Trung Quốc, có 33 đĩa vệ tinh lớn, hàng chục đĩa có khẩu độ nhỏ hơn, hơn 50 ăng-ten tần số cao và hơn 30 radar phục vụ tìm kiếm trên không và trên mặt nước. Đây là còn chưa đề cập đến ISR di động hoặc có khả năng di dời, các hệ thống thông tin liên lạc hoặc vũ khí có thể được triển khai gần như bất kỳ nơi nào trên khắp tổng cộng 13 km2 diện tích của các hòn đảo nhân tạo. Kho dự trữ dưới lòng đất có diện tích khoảng 23.225 m2 trên mỗi tiền đồn lớn có mục đích bảo vệ các hệ thống vũ khí và đạn dược. Những phép đo qua loa cho thấy mỗi đảo-đá lớn có thể dự trữ hơn 65 triệu gallon nhiên liệu trong các bể chứa dưới lòng đất để hỗ trợ các chiến dịch không được tiếp nhiên liệu trong thời gian kéo dài hàng tuần. Đối với tất cả những cuộc thảo luận về việc xây dựng đường băng trên các tiền đồn ở Biển Đông, dường như không ai xét đến những yêu cầu tác chiến ở mức độ tương đối nhỏ. Tức là, nếu PLA yêu cầu phải có một đường băng dài 1.500 m sẵn sàng chiến đấu ở Biển Đông, thì họ đã xây dựng 3 đường băng dài 3.000 m có khả năng phục hồi tác chiến cần thiết khi phải đối mặt với các cuộc tấn công.
Lập khung phân tích tương lai
Trong bất kỳ cuộc xung đột cấp độ tác chiến nào, PLA đều có ý định lôi kéo các đối thủ của mình vào một cuộc chiến khó khăn để giành được ưu thế về thông tin chiến trường. Trong khi khả năng tấn công là không thể thiếu đối với chiến tranh thông tin của PLA, thì các tiền đồn ở Biển Đông chứng tỏ sự chú trọng vào vấn đề kiểm soát thông tin của chiến lược này. Các đảo-đá chủ yếu hoạt động như "các điểm cứng thông tin", che giấu và tạo thuận lợi cho các khả năng thông tin liên lạc và do thám quan trọng cũng như ngăn chặn kẻ địch kiểm soát thông tin. Phân tích về Biển Đông trong tương lai cần xem xét nhiều điều hơn là chỉ khả năng tồn tại của các cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào hệ thống phòng thủ tĩnh của Trung Quốc. Việc đếm số lượng vũ khí và mục tiêu là một cách làm tắt thuận tiện để đánh giá sức mạnh về vật chất, nhưng cách tiếp cận như vậy không đánh giá được điểm mạnh của chiến lược tập trung vào thông tin của Trung Quốc.
Phân tích trong bài viết này không đưa ra đánh giá thực toàn diện về các khả năng tấn công và phòng thủ của Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông. Không nên bỏ qua bất kỳ lời khẳng định nào cho rằng các khả năng của PLA ở Biển Đông là không thể vượt qua, hoặc mối đe dọa của Trung Quốc là đáng gờm. Cả quân đội Trung Quốc lẫn Mỹ đều có những thế mạnh nổi bật cũng như những lỗ hổng nghiêm trọng. Liệu các khái niệm tác chiến tập trung vào thông tin của PLA có thể vượt trội hơn các khái niệm tập trung vào hỏa lực và tác chiến của Mỹ hay không là điều đáng tranh luận.
Các khả năng mà PLA đang phát triển ở Biển Đông cho thấy chiến lược thông tin và các khái niệm tác chiến tấn công của Trung Quốc. Chiến lược quốc phòng năm 2018 yêu cầu quân đội Mỹ phải hiểu và chống lại các khái niệm này bằng cách phát triển các khái niệm tác chiến của riêng mình. Chiến lược phòng thủ "Chiến tranh nhân dân" của Mao Trạch Đông là một dấu tích trong quá khứ. Nên xem xét cẩn thận những nguyên lý căn bản của chiến tranh thông tin, các khái niệm tác chiến tấn công của quân đội Trung Quốc, và cách thức áp dụng các khả năng ngày càng phát triển của PLA vào bối cảnh khi Trung Quốc bắt đầu mở rộng tầm với quân sự của họ ra ngoài khu vực Biển Đông.
J. Michael Dahm
Nguyên tác : Beyond "Conventional Wisdom" : Evaluating the PLA'S South China Sea Bases in Operational Context, War on the Rocks, 17/03/2020
Minh Anh giới thiệu
Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 03/04/2020
J. Michael Dahm là nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng (APL) thuộc Đại học Johns Hopkins và là sĩ quan tình báo đã nghỉ hưu của Hải quân Hoa Kỳ. Bài viết được đăng trên War on the Rocks
(vertical launching system - VLS). Người ta có thể kết luận rằng các tên lửa đất đối không và chống hạm đặt trên tiền đồn chỉ đơn giản là để phòng thủ cho khu vực quần đảo Trường Sa, xét rằng có thể triển khai bất kỳ số lượng tàu tuần dương Type-055, tàu khu trục Type-052D hoặc các phương tiện chiến đấu trên khắp Biển Đông để tiến hành các cuộc tấn công. Về phần mình, đội tàu đặc nhiệm nổi trên mặt nước của Hải quân PLA có khả năng tuần tra tương đối kín đáo, khiến đối thủ khó có thể nhắm mục tiêu vì họ có thể nhận được thông tin về không gian chiến đấu do các thiết bị lắp đặt trên các đảo-đá của Trung Quốc cung cấp.