Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/04/2020

Lãnh đạo thời Cô Vi

Zaheena Rasheed

Đại dịch Covid-19 đang thử nghiệm các nhà lãnh đạo thế giới. Ai là người thử trước ?

Việc hàng triệu người sống hay chết tùy thuộc vào các quyết định mà các nhà lãnh đạo thế giới đưa ra trong những ngày và tuần tới.

pandemic1

Đại dịch Covid-19 đang đe dọa mạng sống và cuộc sống của con người trên khắp thế giới.

Chỉ trong 3 tháng, hơn một triệu người trong 180 quốc gia trên thế giới bị nhiễm bệnh và đã có ít nhất 50.000 người thiệt mạng bởi cơn dịch bệnh mà Liên Hiệp Quốc gọi là "cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất" đối với thế giới kể từ sau Đệ nhị Thế chiến.

Tại nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn trên trái đất, việc "đóng cửa" nhằm chặn đứng sự lây lan của siêu vi đã khiến cho cuộc sống và hoạt động kinh tế dậm chân tại chỗ. Ở những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, các bệnh viện đã quá tải vì số bệnh nhân và người chết, trong khi đó khắp nơi người nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất phải đương đầu với tình trạng thiếu thốn lương thực và chết đói.

Hôm thứ Ba (07/04/2020) vừa qua, khi nhấn mạnh đến nguy cơ mà cuộc khủng hoảng đang đặt ra cho hòa bình và sự ổn định trên thế giới, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Antonio Guterres đã gởi đến các chính trị gia lời kêu gọi khẩn thiết hãy "bỏ qua một bên những trò chơi chính trị" và ngồi lại với nhau để "đối phó một cách mạnh mẽ và hữu hiệu" (với cuộc khủng hoảng).

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nói : "Thế giới đang đối đầu với một thử thách chưa từng có. Và đây là lúc phải hành động".

Thật ra, những hệ lụy của cuộc khủng hoảng lẽ ra không nên cao hơn.

Cuộc sống hay cái chết của hàng triệu người tùy thuộc vào những quyết định mà các nhà lãnh đạo thế giới sẽ làm trong những ngày và những tuần lễ sắp tới. Nhưng các nhà phân tích lại nói rằng những dấu hiệu mới nhất rất đáng lo ngại.

Tại một số quốc gia, vì lợi ích riêng tư, vì không tin tưởng vào khoa học hay vì sợ kinh tế sụp đổ, các nhà lãnh đạo đã đối phó bằng sự do dự và phủ nhận.

John M Barry, một sử gia đã từng nghiên cứu về cơn đại dịch cúm Tây Ban Nha, trong đó đã có trên 100 triệu người bị thiệt mạng hồi năm 1918, nói : "Tại nhiều nước, thật đáng buồn. Tại một số nước, thật đáng lên án vì hành động của một số nhà lãnh đạo đã khiến cho nhiều công dân phải chết một cách không cần thiết".

Tại Trung Quốc của Tập Cận Bình, nơi dịch bệnh đã được phát hiện trước tiên hồi cuối tháng 12/2019 vừa qua, chính quyền đã bị tố giác bưng bít và trừng phạt những bác sĩ nào đã lên tiếng báo động khi cơn dịch vừa mới bùng phát. Đây là những hành động mà những người chỉ trích nói rằng đã cho phép siêu vi phát tán từ trung tâm thành phố Vũ Hán ra mọi hang cùng ngỏ hẻm trên thế giới.

Tại Hoa Kỳ, thoạt tiên Tổng thống Donald Trump đã xem thường tính nghiêm trọng của mối đe dọa khi ông tiên đoán rằng siêu vi sẽ "biến mất" như "một phép lạ" và hạ giảm các mối lo ngại ngày càng gia tăng khi nói rằng dịch bệnh chỉ là một "cú lừa" của các đối thủ chính trị của ông. Ông chỉ thay đổi giọng điệu đó hồi tuần trước sau khi các cuộc thăm dò cho thấy dân chúng ngày càng lo âu và các chuyên gia tiên đoán rằng sẽ có 200.000 người chết tại Hoa Kỳ nếu không có những biện pháp ngăn chặn sự lây lan.

Tại Ba Tây, Tổng thống Jair Bolsanaro cứ tiếp tục phủ nhận dịch bệnh mà ông gọi là chuyện "tưởng tượng", hoặc chỉ như "một thứ cúm nhẹ". Chỉ mới tuần vừa qua, ông còn thách thức lời khuyên của các viên chức y tế của ông về việc phải tránh tiếp xúc khi đi thăm các khu phố ở Thủ đô Brasilia để kêu gọi dân chúng trở lại làm việc.

Trong khi đó tại Mễ Tây Cơ, hồi cuối tháng Ba vừa qua, Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador đã tổ chức các cuộc biểu tình, ôm hôn những người ủng hộ ông và thúc đẩy người dân Mễ hãy "sống bình thường". Tổng thống Mễ đã hành động như thế mặc dù chính Bộ trưởng Y tế của nước này đã kêu gọi dân chúng nên ở nhà để tránh dịch bệnh lây lan.

Giáo sư Charles Call, thuộc Viện Brookings có trụ sở tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, nói rằng hành động của các nhà lãnh đạo trên đây làm nổi bật "thái độ thù nghịch đối với khoa học và các cơ chế nhà nước". Viết trên Blog của ông, giáo sư Call nói rằng thái độ ngạo mạn của các nhà lãnh đạo này đang bị nhiều người chỉ trích. Ông tiên đoán rằng cuộc khủng hoảng sẽ là một "cuộc trắc nghiệm về chủ nghĩa dân túy" tại các nước này.

Tại Nam Dương, hồi tuần trước, Tổng thống Joko Widodo nhìn nhận rằng ông đã cố tình bưng bít thông tin về sự bùng phát của đại dịch. Ông nói rằng đây chỉ là một chiến thuật nhằm ngăn ngừa sự sợ hãi của dân chúng. Trong những ngày đầu khi dịch bệnh bùng phát, một số bộ trưởng của ông đã nói rằng cầu nguyện có thể ngăn ngừa được dịch bệnh, trong khi đó những người khác lại cho rằng thời tiết ấm áp của Nam Dương có thể làm cho việc lây lan bị chậm lại.

Viết trên báo The Diplomat, ông Asmiati Malik, giáo sư phụ khảo tại Đại học Universitas Bakrie của Nam Dương, cho rằng thái độ "phi khoa học" của chính phủ bắt nguồn từ những quan ngại về tình trạng kinh tế của quốc gia có dân số đông đứng hàng thứ tư trên thế giới. Tuy nhiên theo giáo sư Malik, phủ nhận và giới hạn sự truy cập thông tin của dân chúng về sự lây lan của dịch bệnh là một chính sách có thể gây tử vong cho hàng ngàn người.

Theo sử gia Barry, sự phủ nhận và chậm trễ (trong việc đối phó với dịch bệnh) sẽ gây thiệt hại cho những nước này khi đến một lúc phải đưa ra những giới hạn cứng rắn hơn để chặn đứng dịch bệnh. Ông nói "nếu chờ đợi dân chúng tuân thủ lời kêu gọi giữ khoảng cách xã hội (social distancing), thì phải làm sao để họ tin vào lời kêu gọi đó. Nếu dân chúng không tin tưởng vào lời kêu gọi do những người đó đưa ra thì họ sẽ không tuân thủ và một khi dân chúng không tuân thủ thì lời kêu gọi đó kể như vô hiệu".

Đây là lý do tại sao bài học duy nhất và quan trọng nhất được rút ra từ đại dịch năm 1918 là : "Hãy nói sự thật !".

Có một số nhà lãnh đạo đã làm điều đó.

Ngày 11 tháng Ba, khi sự lây nhiễm bắt đầu gia tăng mạnh tại Ý, Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel đã nói rằng sẽ có đến 70 phần trăm dân chúng Đức bị lây nhiễm. Lời cảnh cáo này hoàn toàn đi ngược lại với những lời tuyên bố của các chính trị gia khác vào thời điểm đó. Một tuần lễ sau, trong một bài diễn văn đươc truyền hình, bà thủ tướng đã kêu gọi dân Đức hãy tôn trọng những giới hạn nghiêm nhặt về việc đi lại và giao tiếp xã hội. Bà nói : "Tình trạng thật nghiêm trọng. Hãy ứng phó một cách nghiêm chỉnh. Trong một thể chế dân chủ, không nên xem thường những giới hạn như thế, cho dù chỉ là tạm thời. Nhưng hiện nay, đây là những giới hạn cần thiết để cứu mạng người".

Kể từ đó, tại Châu Âu, Đức đã dẫn đầu trong việc xét nghiệm rộng rãi về Covid-19 : kể từ lúc xảy ra cuộc khủng hoảng, đã có gần một triệu người được xét nghiệm. Và mặc dù đang đứng hàng thứ năm trên thế giới về con số người bị nhiễm bệnh, với trên 80.000 người, Đức có số tử vong thấp nhất trong nhóm này.

Ca ngợi Thủ tướng Merkel, bà Judy Dempsey, thuộc viện Carnegie Europe, nói rằng hành động của thủ tướng "vạch ra con đường phía trước để có một sự đáp ứng thống nhất và cương quyết. Đây là một đáp ứng cần thiết và cho thấy các nền dân chủ có thể thực hiện cách tốt nhất".

Tại Tân Gia Ba, Thủ tướng Lý Hiển Long cũng được ca ngợi vì đề ra một chiến dịch truy tìm và xét nghiệm gắt gao những người bị nhiễm bệnh và nhờ đó, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, chỉ có khoảng 1.000 người bị lây nhiễm. Trong một cuộc phỏng vấn trên đài CNN hôm chủ nhật (05/04/2020), Thủ tướng Tân Gia Ba nói rằng, sự trong suốt và tin tưởng là những yếu tố nền tảng trong cuộc chiến của Tân Gia Ba chống lại siêu vi. Ông nói : "Chúng tôi hành động một cách trong suốt. Nếu có tin xấu, chúng tôi sẽ cho quí vị biết. Nếu có những điều cần phải làm, chúng tôi cũng sẽ nói cho quí vị biết. Nếu dân chúng không tin tưởng quí vị thì ngay cả khi quí vị có đề ra những biện pháp đúng đắn, cũng sẽ khó được tuân thủ".

Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in, nữ Thủ tướng Tân Tây Lan Jacinda Ardern và Tổng thống El Salvador Nayib Bukele cũng đều được ca ngợi vì đã hành động một cách trong suốt và cương quyết.

Tuy nhiên không thiếu những nhà lãnh đạo bị tố cáo đang lợi dụng cuộc khủng hoảng để thu tóm quyền lực.

Hôm thứ Hai (06/04/2020), thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orban đã được trao quyền không giới hạn để cai trị bằng sắc lệnh : theo một luật mới, người dân nào phát tán "thông tin giả" sẽ bị phạt tù năm năm. Các nhà phê bình cho rằng luật này có thể được dùng để khóa miệng các ký giả. Những quan ngại tương tự cũng được nêu lên tại Phi Luật Tân là nơi tổng thống Rodrigo Duterte tự trao cho mình những quyền hạn trong tình trạng khẩn trương cho phép ông viện dẫn những tin giả về Covid-19 để đàn áp.

Tại Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu sử dụng tình trạng khẩn trương về đại dịch để cho phép các cơ quan tình báo theo dõi công chúng và đóng cửa các tòa án trước khi các cáo buộc về hành động tham nhũng của ông được mang ra xét xử.

Meenakshi Ganguly, giám đốc chi bộ Nam Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) nói : "Chúng tôi nhìn nhận rằng, cơn đại dịch này đang đặt ra một trắc nghiệm chưa từng có đối với các nhà lãnh đạo thế giới. Vấn đề của chúng ta là một số nhà lãnh đạo đã có những toan tính độc tài. Đây không phải là thời gian để làm chính trị... Bất cứ một quyền hành nào trong tình trạng khẩn trương cũng cần phải tương xứng và các chính phủ phải luôn luôn bảo vệ quyền lợi của người dân".

Ngoài việc thu tóm quyền lực, các nhà quan sát còn lo ngại về cuộc đấu đá giữa các cường quốc, nhất là giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tức giận trước việc Hoa Thịnh Đốn cứ liên tục gán cho Covid-19 cái nhãn hiệu "Siêu vi Tàu", các viên chức tại Bắc Kinh hiện đang phản công bằng cách tuyên truyền mà không đưa ra bất cứ bằng chứng nào rằng chính quân đội Mỹ đã mang siêu vi này vào Vũ Hán.

Mối quan hệ ngày càng tồi tệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cũng như việc Hoa Kỳ dựa vào chính sách "Hoa Kỳ trước hết" của ông Trump để rút lui khỏi chính trường thế giới, đang cản trở một hành động phối hợp chung trước cơn đại dịch.

Charles Kupchan, thuộc Hội đồng Quan hệ Ngoại giao có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho rằng hiện "không có bất cứ một giải pháp toàn cầu nào. Và đây là một vấn đề lớn bởi vì cuộc khủng hoảng sẽ được giải quyết một cách tốt đẹp hơn nếu những nước lớn ngồi lại với nhau. Khi xảy ra dịch Ebola hồi năm 2014 hay trong cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008, Hoa Kỳ là nước đã đứng ra và lên tiếng : "Chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết vấn đề như thế nào ?", nhưng những ngày như thế đã không còn nữa. Chính phủ Trump đã tỏ ra cực kỳ chậm chạp trong việc đối phó với cuộc khủng hoàng trong nước và việc lãnh đạo của ông ở nước ngoài đã giới hạn tối đa".

Kupchan nói : "Đây có thể là một tai họa cho những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới". Theo ông "Những vấn đề cốt lõi cần phải được giải quyết là cung cấp và phân phối các thiết bị y tế, chia sẻ những cách thức về xét nghiệm và cô lập cũng như đối phó tốt nhất với những cộng đồng có thu nhập thấp. Điều tồi tệ nhất mà tôi lo sợ là khi Covid-19 tấn công vào các trại tỵ nạn và những nước có hệ thống y tế kém phát triển. Đây có thể sẽ là một cuộc tàn phá rộng lớn".

Zaheena Rasheed

Nguyên tác : Covid-19 pandemic is testing world leaders. Who’s stepping up ?, Aljazeera, 03/04/2020
https://www.aljazeera.com/news/2020/04/covid-19-pandemic-testing-world-leaders-stepping-200402201221844.html

Chu Văn chuyển ngữ

07/04/2020)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Zaheena Rasheed, Chu Văn
Read 744 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)