Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/04/2017

Nhìn nhận dự thảo về giáo dục phổ thông tổng thể

Lan Hương

Chiều 12/4 tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức họp báo về Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Theo đó, Bộ đã quyết định phân lại hệ thống môn học trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thành các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc.

giaoduc1

Học sinh trung học tham dự hội chợ giáo dục quốc tế tại Hà Nội ngày 26/10/2014. AFP photo

Môn học bắt buộc là môn mọi học sinh phải theo học.

Môn học bắt buộc có phân hóa là môn học mà nội dung được thiết kế thành các chủ đề hoặc học phần, trong đó một số chủ đề hoặc học phần yêu cầu học sinh phải theo học, còn lại những học phần khác trong môn này học sinh được quyền tự chọn theo nguyện vọng của mình.

Môn học tự chọn là môn học sinh được tự nguyện lựa chọn phù hợp với nguyện vọng, sở trường và định hướng nghề nghiệp của mình.

Môn học tự chọn bắt buộc : là môn học mà học sinh bắt buộc phải lựa chọn trong số các môn học định hướng nghề nghiệp ở lớp 11, lớp 12 theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông.

Các chương trình Tiểu học, Trung học và Phổ thông đều có hệ thống riêng các môn cụ thể trong từng lĩnh vực. Ví dụ, ở bậc tiểu học, Các môn học bắt buộc gồm : Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Tìm hiểu công nghệ. Môn học tự chọn : Tiếng dân tộc thiểu số.

Dự thảo khó thành công

Nhận xét về dự thảo mới này, Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, hiện công tác ở Hà Nội cho chúng tôi biết :

Nếu có thực hiện theo dự thảo này thực sự thì tôi chắc chắn sẽ thất bại. 10 năm qua sách giáo khoa đều có môn tự chọn, có ban Khoa học tự nhiên, xã hội nhưng đều thất bại. Và người ta lại chuyển về không phân ban. Nếu vẽ ra tự chọn, bắt buộc, lại còn tự chọn bắt buộc, lại còn bắt buộc phân hóa thì quả là phức tạp. Các trường sau một vài năm thực hiện họ sẽ tìm cách để được quay lại cách học truyền thống.

Thầy Đỗ Việt Khoa đưa ra lời góp ý với Bộ Giáo dục rằng chỉ nên xem lại nội dung sách giáo khoa hiện tại và lược bỏ đi những phần quá nặng nề mà lại không cần thiết cho học sinh và cập nhật thêm những nội dung hay.

Môn tiếng dân tộc thiểu số và Tự học có hướng dẫn

Theo dự thảo này, chương trình môn học tự chọn của cấp Tiểu học hiện là Ngoại ngữ và Tin học sẽ được thay bằng môn tiếng dân tộc thiểu số và môn Tự học có hướng dẫn, tức là học sinh tự nghiên cứu bài vở ngay trên lớp với sự hướng dẫn, giúp đỡ của giáo viên.

Chị Lan, một giáo viên hiện đang dạy tiểu học cho chúng tôi biết suy nghĩ của chị về bộ môn tự chọn mới này :

Nếu dân tộc thiểu số thì chỉ ở vùng trên đó thôi chứ ở dưới này khó lắm. Đã nói là thiểu số là rất ít, ở vùng sâu vùng xa tôi nghĩ đưa vào chương trình học là không hợp lý.

Nhận xét về môn Tự học có hướng dẫn ở cấp Tiểu học, chị Lan bày tỏ :

Tôi thấy không được, khó lắm ! Bởi vì nếu các cháu tiếp thu bài nhanh thì hướng dẫn các đối tượng đó còn được. Nhưng nhiều cháu tiếp thu cực kỳ chậm. Giáo viên giảng đi giảng lại học trò còn mãi chả hiểu được. Bây giờ để các con tự quản lý, tự học thì làm sao các con trung bình hay từ khá trở xuống có thể làm được. Bạn nào học kém thì càng kém đi. Những cháu tiếp thu được thì còn tạm, chứ những cháu kém thì càng thui chột.

VIETNAM-US-EDUCATION

Học sinh một trường trung học ở Hà Nội đứng cạnh một tấm áp phích quảng cáo du học Mỹ - Canada ngày 4 tháng 10 năm 2016. AFP photo

Cách đây 2 năm, một chương trình khá tương tự với môn Tự học có hướng dẫn mang tên VNEN được đưa vào thử nghiệm trong hệ thống đào tạo Trung học phổ thông. Lúc bấy giờ, thứ trưởng giáo dục Nguyễn Vinh Hiển đã đánh giá rằng "VNEN là mô hình trường học mới có nhiều ưu việt". Tuy nhiên trong quá trình thử nghiệm, mô hình này đã bộc lộ nhiều yếu điểm và số đông giáo viên đã lên tiếng phản đối mô hình "hành cả thầy lẫn trò này". Thời điểm đó báo Dân Việt đã đăng tải bức tâm thư kiến nghị bỏ mô hình "vẹo cổ, lác mắt" này của một giáo viên gửi lên Bộ trưởng và được nhiều diễn đàn giáo viên chia sẻ, bày tỏ sự đồng tình.

Phát biểu trong buổi họp báo chiều 12/4, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên chương trình GDPT tổng thể mới cho biết việc đào tạo giáo viên để phục vụ cho chương trình mới này sẽ chú trọng đến việc tập huấn giáo viên dạy các môn tích hợp, tức là dạy các bộ môn tích hợp liên môn như Xã hội thì có Lịch sử, Địa lý hay Khoa học Tự nhiên thì có Toán, Lý, Hóa.

Chúng tôi có cuộc trao đổi ngắn với Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam kiêm nhiệm Tổng biên tập Tạp chí Xã hội học, về vấn đề này :

Nếu như vậy thì lại đại nguy chứ không tốt được đâu. Không chuyên mà lại đi dạy thì chỉ có thành món tạp lụp. Tôi là người đi dạy từ phổ thông đến đại học, muốn dạy về cái gì thành thạo thì bản thân người giáo viên phải rất chuyên về môn đó thì mới được. Một giáo viên đang dạy môn này thì làm sao lại nhảy sang dạy môn khác được. Giáo viên mà không đào tạo chuyên thì không dạy gì được cả.

Sẽ xét tốt nghiệp Trung học phổ thông

Tại buổi họp, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cũng cho biết thêm hiện nay Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo đã giao các cơ quan xây dựng lộ trình xét tốt nghiệp Trung học phổ thông khi chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được áp dụng. Học sinh hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông. Ông nhấn mạnh từ giờ đến năm 2020 vẫn áp dụng thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa nhận xét về dự định bỏ thi tốt nghiệp chuyển sang xét tốt nghiệp này :

Nếu bỏ thi tốt nghiệp hiện nay mà chỉ xét tốt nghiệp thì kết quả không đáng tin, y như khối trung học cơ sở hiện nay. Trung học cơ sở bỏ thi được gần chục năm nay rồi, bây giờ chẳng còn ai tin tưởng và cũng không ai có thể đánh giá được năng lực của con em bằng thước đo nào cả. Người ta có thể chỉ đạo chung một trường tăng điểm lên. Người ta có thể xin để tăng điểm cho một số học sinh để lấy thành tích. Rồi thì con em cháu chắt xin xỏ đủ kiểu dẫn đến kết quả không đáng tin cậy.

Tuy nhiên bên cạnh những mặt hạn chế trong quy trình xét tốt nghiệp, thầy Đỗ Việt Khoa cũng nêu ra một số điểm mạnh trong đó bỏ một kỳ thi quốc gia như tốt nghiệp Trung học phổ thông sẽ giúp tiết kiệm một nguồn kinh phí rất lớn cho Nhà nước.

Lan Hương, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 13/04/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lan Hương
Read 619 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)