Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/04/2017

Người Việt ở Mỹ không có giấy tờ có thể bị trục xuất

Thanh Trúc

Kể từ lúc tổng thống Donald Trump chính thức bước vào Nhà Trắng với chính sách di dân và di trú nghiêm khắc hơn trước, không chỉ tập thể người Mỹ La Tinh mà cả người Châu Á trong đó có Việt Nam, cũng thấp thỏm lo âu với lệnh trục xuất về nguyên quán.

viet1

Cảnh sát di trú Mỹ bắt cư dân bất hợp pháp tại Los Angeles, California hôm 11/2/2017. AFP photo

Họ là những người về mặt pháp lý không được coi là dân Mỹ gốc Việt, không được phép nhập quốc tịch vì đã phạm pháp và đã ở tù trong thời gian đầu đến Mỹ. Anh Nguyễn Thanh Tùng, cư dân California, là một trong những người như vậy :

Em đã từng qua 18 năm tù rồi được thả ra năm 2011. Khi về lại quận Cam, mục tiêu của em là thành lập APIROC nhằm giúp đỡ cho những người ra tù có được một chương trình giúp đỡ để làm lại cuộc đời.

Được biết trong vài tháng qua, nhiều người đã ra tù và trở lại cuộc sống bình thường như Nguyễn Thanh Tùng bị UCE tức Cơ Quan Di Trú Và Hải Quan Mỹ gọi lên trình diện, một số đã bị giữ lại. Chỉ nội hai tuần đầu tháng Ba vừa qua, gần 100 người Việt bị bắt rồi được chuyển về về trại giam Quận York ở Pensylvania hay trại Krome ở tiểu bang Florida.

Đây là số liệu được anh Nguyễn Thanh Tùng, người sáng lập APIROC Asian Pacific Island Re-Entry Orange County, tổ chức đấu tranh cho sự tái hòa nhập của Người Châu Á Thái Bình Dương từng bị cầm tù ở Quận Cam, đưa lên thông cáo báo chí mà APIROC soạn thảo chung với các tổ chức yểm trợ khác như Vietlead ở Philadelphia, Searac ở Wahington DC :

Thời gian gần đây qua tìm hiểu tụi em biết chính phủ mới của tổng thống Trump có liên lạc với chính phủ bên Việt Nam, yêu cầu Việt Nam nhận người bị trục xuất về. Sau đó xảy ra vấn đề là bên văn phòng Sở Di Trú bắt đầu tìm người Việt Nam nhốt đi để chuẩn bị trục xuất. Khi trục xuất họ phải theo cái gọi là Repatriation Agreement hay MOU Memoramdum of Understanding là chỉ những người đến Mỹ sau 1995 thì Sở Di Trú mới có quyền trục xuất.

Đa số những người mà chính quyền Trump coi như mục tiêu trục xuất la những người có tiền án trước khi trở thành công dân Mỹ. Khi đa số phạm án rồi thì theo luật Mỹ coi như mình mất quyền công dân của mình, mình bị đưa qua một chương trình coi như sẽ bị trục xuất về nước.

Khổ nỗi trong thời gian mà văn phòng Sở Di Trú đi lùng bắt mấy người Việt Nam thì không biết vô tình hay cố ý họ bắt luôn nhiều người đến trước 95. Hoàn cảnh đó rất là không công bằng vì những người đến trước 95 thuộc về chương trình tị nạn, không nằm trong trường hợp của hợp đồng Repatriatuon Agreement hay MOU giữa Việt Nam và nước Mỹ về vấn đề trục xuất.

Ai sẽ trong diện bị trục xuất ?

Thông cáo báo chí của APIROC dẫn lời luật sư Jessica Shullruff Scheneider chuyên về di trú, cũng là giám thị chương trình Detention Watch của American For Immigrant Justice Công Lý Cho Di Dân tại Miami Florida, rằng sau khi tiếp xúc với những người Việt mới được chuyển về nhà giam Krome ở Florida thì bà nhận thấy hầu hết đều lớn lên và ăn học ở Mỹ, từng bị tù vì những lỗi lầm phạm phải trong quá khứ. Khi luật di trú được thi hành một cách khắc nghiệt như vậy, luật sư Schneider nhận định, nhiều phần sẽ dẫn đến những kết cuộc bất công.

Người Việt dính đến hệ thống xử lý hình sự của Hoa Kỳ tương đối cao so với các cộng đồng thiểu số Đông Nam Á khác. Anh Nguyễn Tùng :

Theo thống kê từ 1998 cho đến 2010, tổng cộng gần 120.000 người Việt Nam nằm trong hoàn cảnh chờ bị trục xuất. Đó là chưa tính từ năm 98 trở về 95 hay là từ năm 98 đi tới 2017 như ngày hôm nay.

Bản thân em lỡ phạm tội từ năm 17 tuổi, năm 1993, việc em làm đã quá xa cả mấy thập niên luôn. Bây giờ ra tù em sống một cuộc sống đàng hoàng, có vợ có con và không làm lỗi nữa. Rồi tự nhiên hôm nay chính quyền lùng bắt em vì những việc em đã làm quá xa. Em là một trong những người có thể bị bắt, em thấy mình cần phải có tiếng nói để mà chia sẻ vận động với cộng đồng.

Rất nhiều người Việt Nam đang sống trên đất Mỹ cứ nghĩ là nếu Việt Nam không nhận thì Mỹ đâu có trả về được đâu. Hồi xưa tới giờ ở Cali mình chỉ thấy người Mễ Tây Cơ bị bắt bị trả về mà mình ít thấy người Á Đông. Hiện tại chính quyền này đang lùng bắt người Việt Nam mà như hồi nãy em chia sẻ đó là họ lùng bắt những người trước 95 luôn.

US-IMMIGRATION-PROTEST-ICE

Dòng chữ "No I.C.E" phản đối cảnh sát Mỹ truy bắt người di trú được dán tại trạm xe bus ở Bell Gardens, California vào ngày 4 tháng 4 năm 2017. AFP photo

Chị Nancy Nguyễn, giám đốc tổ chức phi chính phủ Vietlead ở Pensylvania, Philadelphia, đang góp sức cùng APIROC của Nguyễn Thanh Tùng liên quan đến vấn đề người Việt có tiền án đã hay chưa bị bắt nhưng đều là đối tượng có thể bị trục xuất khỏi nước Mỹ, cho biết vì trước đây chị từng giúp đỡ về vấn đề trục xuất của cộng đồng người Kampuchia nên có đôi chút kinh nghiệm rồi :

Đầu tháng Ba thì có mấy người kêu vô văn phòng của Nancy, nói là ICE Immigration and Customs Enforcement Sở Di Trú yêu cầu mấy người đã ra tù mà mỗi năm phải check in với ICE, tự nhiên năm nay ICE kêu người ta vô sớm hơn 6 tháng. Văn phòng mình ngờ là ICE sẽ bắt mấy người đó.

Và đúng như điều chị Nancy của VietLead đã nghĩ, đó là trường hợp của người tên Lý Vinh, sinh ra trong trại tị nạn năm 1982, đến Mỹ cùng gia đình năm 1989. Năm 2002, Lý Vinh bị bắt vì dính líu đến ma túy, bị thu hồi thẻ xanh và không bao giờ được nhập tịch với hồ sơ tội phạm của mình. Khi được ra tù sau này anh phải đều đặn đi trình diện với Sở Di Trú hàng năm. Sáng thứ Tư ngày 10 tháng Ba khi đến trình diện sớm tại ICE, Lý Vinh bị bắt trở lại.

Rất may là nhờ sự can thiệp kịp thời và mau mắn của luật sư cũng như các tổ chức trong mạng lưới hỗ trợ những cựu tù có nguy cơ bị trục xuất theo lệnh của hành pháp Trump, anh Lý Vinh được trả tự do ngay khi được chuyển đến nhà giam Quận York ở Philadelphia, nơi nhốt những người nằm trong diện bị trục xuất. Chị Nancy :

Bây giờ ICE làm rất lẹ, bắt vô trung tâm giam giữ này hai ba ngày là người ta chuyển qua trung tâm giam giữ khác ở tiểu bang khác. Thực sự trường hợp của anh này là tới trước năm 1995 nên không theo cái MOU, vì vậy văn phòng của VietLead với mấy tổ chức trong Philadelphia bắt đầu vận động cho anh đó. Rồi thì trong 2 ngày, tại mình vận động mạnh quá thì anh ta được ICE cho ra, nói đó là sự nhầm lẫn.

Chính vì thế thông cáo báo chí, đang được trình bày ở đây, chị Nancy Nguyễn lý giải, là điều vô cùng cần thiết để các gia đình có người thân bị trục xuất biết cách làm việc với Sở Di Trú cũng như tìm nơi giúp đỡ hữu hiệu :

Thực sự ở Philadelphia có rất nhiều tổ chức đang chuẩn bị vận động nhưng vì cộng đồng người Việt tại nhiều tiểu bang khác, nhiều thành phố khác chưa biết nhiều về vấn đề này. Đó là tại sao lần này VietLead với APIROC đưa ra thông tin cho cộng đồng biết là chuyện này đang xảy ra và người ta cần được bảo vệ như thế nào.

Đừng im lặng

Thông cáo báo chí vừa công bố , anh Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh, cho thấy một mạng lưới hỗ trợ toàn quốc là cần thiết nhằm khuyến khích những người bị ảnh hưởng tìm kiếm sự giúp đỡ thay vì giữ im lặng, cho người Việt đối diện nguy cơ bị bắt và bị trục xuất, bao gồm những tổ chức có khả năng hành động, có kiến thức pháp lý đề vận động bảo vệ người đúng luật pháp.

Được hỏi về việc làm của APIROC hay VietLead, bà Katrina Dizon Mariategue, người chuyên trách chính sách di dân trong SEARAC Trung Tâm Hành Động Nguồn Lực Đông Nam Á, tổ chức hướng tới giúp đỡ những cộng đòng Đông Nam Á như Lào, Cambodia và Việt Nam, trả lời một cách trực tiếp vì sao SEARAC tham gia mạng lưới hỗ trợ mà VietLead và APIROC đang vận động :

Vietlead là tổ chức có qui cũ mà chúng tôi đang cộng tác, Tùng Nguyễn của APIROC cũng là người từng tham dự một khóa huấn luyện của SEARAC hồi năm ngoái. Chúng tôi làm việc rất thân cận với nhau.

Qua VietLead và APIROC mà chúng tôi biết rõ về những cá nhân người Việt gần đây phải đối diện với nguy cơ bị truc xuất về Việt Nam trong lúc bên Việt Nam chừng như không muốn nhận họ. Những gì mà Trung Tâm Hành Động Vì Nguồn Lực Đông Nam Á Searac có thể làm được cùng APIROC cũng như VietLead là trợ giúp về mặt chuyên môn, liên lạc cũng như góp ý kiến với luật sư biện hộ cho người có vấn đề di trú, đồng thời quảng bá mọi nguồn thông tin cần thiết cho truyền thông giòng chính cũng như lôi kéo sự chú ý của chính giời Mỹ về vần đề này.

Đối với cô Quyên Đinh, giám đốc điều hành SEARAC, điều cô muốn bày tỏ chỉ đơn giản là nhắc lại lời cô đã nói và được ghi trong thông cáo báo chí, rằng :

Những gia đình Việt Nam ở trong những trường hợp khó khăn như vậy phải biết mình sẽ được giúp đỡ bởi SEARAC, bởi APIROC, bởi VietLead và nhiều những cơ quan khắp nước Mỹ. Hãy biết là mình sẽ không bị cô đơn và không im lặng.

Thanh Trúc, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 13/04/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Trúc
Read 780 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)