Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/04/2020

Covid-19 : Tại sao thế giới cần tỉnh táo trước sự hào phóng của Trung Quốc ?

Thanh Hà

Lợi dụng Covid-19 Trung Quốc đẩy mạnh lá bài ngoại giao y tế thao túng thiên hạ. Trong bài phân tích ngày 26/03/2020, chuyên gia về Đông Bắc Á Antoine Bondaz thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược của Pháp điểm lại chiến dịch dài hơi của Bắc Kinh để chiếm vị trí trung tâm trên bàn cờ y tế của thế giới. Trung Quốc khai thác virus corona để đẩy mạnh dự án "Con đường Tơ lụa Y tế".

tq1

Trung Quốc viện trợ khẩu trang và thiết bị y tế cho Hy Lạp. Ảnh ngày 21/03/2020. Reuters - ALKIS KONSTANTINIDIS

"Con đường Tơ lụa Y tế" : Trung Quốc tận dụng đại dịch thúc đẩy ngoại giao y tế như thế nào ? Là tựa đề bài viết được đăng trên mạng của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp. Tác giả nhắc lại : từ thập niên 1960, y tế đã trở thành một công cụ của nền ngoại giao Trung Quốc.

Xóa tội, ghi công

Với dịch Covid-19 hiện nay, Bắc Kinh đang làm một công đôi việc khi viện trợ khẩu trang, thiết bị xét nghiệm và đồ bảo hộ y tế cho trên dưới 80 quốc gia. Cử chỉ hào phóng này theo Antoine Bondaz cho phép chính quyền của ông Tập Cận Bình "xóa tội, ghi công" đồng thời "đạt được những mục tiêu chính trị, ngoại giao và kinh tế".

Trên con đường chinh phục thế giới bằng ngoại giao y tế, Châu Phi là phòng thí nghiệm đầu tiên của Bắc Kinh. Năm 1963, y sĩ của Trung Quốc đổ bộ sang Algeri với mục đích mở rộng quan hệ ngoại giao với Châu lục này, thu hẹp ảnh hưởng của Đài Loan trong mắt các đối tác Châu Phi. Trong thời gian từ những năm 1960 đến 2000, đã có hơn 20.000 nhân viên y tế Trung Quốc được điều sang Châu Phi, chăm sóc cho hơn 200 triệu người, theo tác giả bài viết.

Tuy nhiên, nền ngoại giao y tế của Bắc Kinh thực sự cất cánh nhờ dịch Ebola hồi năm 2014-2015. Vào lúc Âu, Mỹ do dự thì Trung Quốc đã phản ứng nhanh lẹ và đã rất hào phóng với các đối tác Châu Phi. Trung Quốc gửi 1.200 nhân viên y tế đến các vùng có dịch tại Tây Phi, cũng phải nói thêm vào thời điểm đó có hơn 20.000 công dân Trung Quốc lao động tại các nước bị Ebola hoành hành, như Guinée, Libéria và Sierra Leone.

Về mặt tài chính, báo cáo của UNDP ngày 30/01/2015 đã ghi nhận khoản đóng góp của Trung Quốc lớn hơn so với của Nhật Bản hay của Pháp.

Dịch Ebola mở đường cho dự án Con Đường Tơ Lụa Y Tế

Cũng từ thời điểm 2015-2017 Trung Quốc không còn che giấu tham vọng xây dựng "Con Đường Tơ Lụa Y Tế" với ba mục tiêu : mở rộng mạng lưới hợp tác y tế, tăng cường ảnh hưởng của Bắc Kinh trong tất cả các định chế y tế của khu vực và quốc tế, đưa đông y cổ truyền Trung Quốc ra thế giới và nhất là hướng tới các thị trường phương Tây.

Các mục tiêu này đã được ghi rõ ở chương 26 kế hoạch mang tên "Healthy China 2030".

Để trở thành "diễn viên chính" trên sân khấu y tế của thế giới, Trung Quốc tập trung vào những mục tiêu như sau : sản xuất dụng cụ để chẩn đoán bệnh, biến Trung Quốc thành một viện bào chế và thuốc made in China ngày càng được phổ biến trên thế giới.

Mua chuộc Tổ chức Y tế Thế giới

Với những mục tiêu rõ ràng như vậy Bắc Kinh bắt đầu thi hành kế hoạch đã đề ra. Antoine Bondaz thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp trong bài viết không vòng vo cho rằng, Donald Trump với chủ trương America First đã tạo thuận lợi cho ông Tập Cận Bình trên con đường chinh phục tế giới qua ngả y tế.

2017, ông Tập thân chính sang tận Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos thuyết phục thế giới tư bản về quyết tâm bảo vệ mô hình kinh tế thế giới tự do và đa phương. Sau Davos, nguyên thủ Trung Quốc đã đến thăm trụ sở của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ký kết với định chế này một văn bản ghi nhớ quan trọng.

Tuy không là văn bản ghi nhớ đầu tiên giữa Bắc Kinh với WHO, nhưng theo tác giả bài viết : "Đây là lần đầu tiên WHO công nhận Trung Quốc có thể đóng một vai trò quan trọng về mặt y tế". Vài tuần lễ sau, Bắc Kinh ủng hộ ứng viên người Ethiopia, Tedros Adhanom Ghebreyesus, ra tranh chức vụ tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới.

Nhờ có bàn tay của Trung Quốc mà ông này đã dễ dàng loại hai đối thủ người Anh và Pakistan. Tedros Adhanom Ghebreyesus ở cương vị số 1 của WHO đã tạo thuận lợi để một quan chức Trung Quốc trở thành một trong những phó tổng giám đốc của định chế đa quốc gia này.

Trung Quốc muốn áp đặt luật chơi

Ảnh hưởng của Bắc Kinh không ngừng gia tăng. Antoine Bondaz nhắc lại cũng năm 2017 Trung Quốc đã tổ chức rầm rộ một diễn đàn y tế tại Bắc Kinh bên lề thượng đỉnh các nước tham gia kế hoạch Một vành đai Một con đường. Đây là cơ hội Trung Quốc ký kết 17 thỏa thuận khung song phương và đa phương. Điển hình nhất là thỏa thuận với tổ chức chống HIV của Liên Hiệp Quốc.

Cũng tại hội nghị này tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã hết lời ca ngợi ông Tập Cận Bình là một nhà lãnh đạo có "tầm nhìn xa" và không quên tuyên bố rằng "nếu chúng ta muốn bảo vệ sức khỏe cho hàng tỷ người, Sáng kiến Vành Đai và Con Đường là cơ hội cần phải nắm bắt".

Có điều như ghi nhận của tác giả bài viết : cũng từ thời điểm 2017, "rõ ràng là Trung Quốc không chỉ muốn hợp tác với thế giới về mặt y tế mà nước này muốn mở rộng thị phần của nền công nghiệp dược phẩm Trung Quốc trên trường quốc tế và muốn các nước đang phát triển chấp nhận các chuẩn mực y tế".

Tháng 11/2017, y tế một lần nữa đã trở thành một trong những đề tài chính tại thượng đỉnh 16+1 quy tụ Trung Quốc và các nước Trung và Đông Âu. Các bên đã đưa vế y tế vào bản thông cáo chung kết thúc hội nghị.

Virus corona, công cụ của Bắc Kinh

Trong bối cảnh đó, chuyên gia về Đông Bắc Á của Pháp, ông Antoine Bondaz thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược, cho rằng việc Trung Quốc tận dụng Covid-19 để làm cho chính sách ngoại giao y tế thêm sắc bén là điều hiển nhiên.

Tác giả đã công bằng nhìn nhận rằng Bắc Kinh đang có những lợi thế nhất định để phô trương thanh thế : Bắc Kinh đã khống chế được đà lây lan của virus corona trên lãnh thổ Trung Quốc và qua đó cũng đã có một số kinh nghiệm không thể chối cãi trước một siêu vi chủng mới, mà giới khoa học còn chưa giải mã được tất cả.

Ngoài ra, trong một thời gian rất ngắn công xưởng sản xuất thế giới này đã gia tăng đáng kể khả năng sản xuất trang thiết bị bảo hộ y tế cũng như máy hỗ trợ hô hấp vào lúc mà nhiều quốc gia phát triển hơn Trung Quốc còn đang khốn đốn và đang đứng trước nhu cầu cấp bách.

Ngần ấy thành tích đã giúp Bắc Kinh "đóng vai trò mà cho đến nay vẫn thuộc về các siêu cương của phương Tây".

Tuy nhiên nhà nghiên cứu Pháp đưa ra những đánh giá như sau : một là hảo tâm cả Trung Quốc không thể che khuất những "sai lầm và trách nhiệm của Bắc Kinh khi khủng hoảng mới vừa bùng phát". Trung Quốc đã không phổ biến thông tin một cách "cởi mở, minh bạch và có trách nhiệm" về virus corona như xã luận của tờ Nhân Dân Nhật Báo hôm 24/03/2020 đã quảng bá.

Điểm thứ hai là Bắc Kinh cố gắng thuyết phục các nước đang phát triển và cả những nền kinh tế phát triển rằng, "Trung Quốc là quốc gia duy nhất có thể giúp đỡ mọi người để vượt qua khủng hoảng vô tiền khoáng hậu lần này" đồng thời "mô hình lãnh đạo" của nước này là hiệu quả nhất để đối phó với Covid-19. Bắc Kinh tìm cách "ghi điểm" trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung vẫn còn tính thời sự.

Điểm thứ ba theo Antoine Bondaz là Trung Quốc tận dụng Covid-19 để đẩy mạnh các tập đoàn và sản phẩm của mình ra thế giới bên ngoài, kể cả trong lĩnh vực high tech phục vụ cho y tế. Trong mục tiêu này, Trung Quốc đang tìm cách đẩy mạnh nền đông y cổ truyền, vì đừng quên rằng đông y cổ truyền Trung Quốc đem về đến 30 % thu nhập cho ngành dược phẩm của nước này.

Với ngần ấy tham vọng của Bắc Kinh về mặt y tế, tác giả bài viết cho rằng, hơn bao giờ hết Pháp nói riêng và Châu Âu nói chung cần tỉnh táo trước những cử chỉ hào phóng của Trung Quốc.

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 11/04/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà
Read 508 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)