Gần một triệu người trên khắp thế giới đồng ký tên vào thỉnh nguyện thư gửi Liên Hiệp Quốc, yêu cầu Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, phải từ chức. Trong một diễn biến khác, hôm qua, 14/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ngừng tài trợ cho WHO.
Đơn kiến nghị trên được tạo trên trang Change.org và được dịch ra nhiều thứ tiếng như Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Ả Rập và cả tiếng Việt.
Ảnh : Thỉnh nguyện thư trên trang change.org
Nội dung thư được dịch ra bằng tiếng Việt như sau :
"Kêu gọi ông Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreysus từ chức"
Vào ngày 23 tháng 1 năm 2020 ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã từ chối tuyên bố dịch virus của Trung Quốc là một tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu..
Như chúng ta đã biết, virus corona tới nay vẫn chưa chữa trị được. Số người bị nhiễm và thiệt mạng tăng gấp hơn chục lần (từ 800 người nhiễm lên tới gần 10.000 người) chỉ trong 5 ngày. Lỗi một phần do ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đánh giá sai về virus corona.
Chúng tôi cực lực cho rằng Tedros Adhanom Ghebreyesus không phù hợp với vai trò là Tổng giám đốc WHO. Chúng tôi kêu gọi ông Tedros Adhanom Ghebreyesus từ chức ngay lập tức.
Rất nhiều người trong chúng tôi thực sự thất vọng về WHO. Dẫu muốn tin WHO là trung lập về chính trị, nhưng xét thấy tổ chức này không mở bất kỳ cuộc điều tra nào. Tedros Adhanom Ghebreyesus chỉ biết tin vào số lượng người chết và người nhiễm bệnh do chính phủ Trung Quốc cung cấp.
Mặt khác chúng tôi không muốn Đài Loan bị loại khỏi WHO vì bất kỳ lý do chính trị nào. Các công nghệ của họ trong việc đối phó với bệnh dịch tiên tiến hơn nhiều so với một số quốc gia trong danh sách WHO đã chọn.
Xin hãy để thế giới lấy lại lòng tin với Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới.
Tính đến hôm nay 15/4/2020, lá thư đã thu được trên 954.260 chữ ký chỉ trích ông Tedros trong cách xử lý đại dịch viêm phổi Vũ Hán.
Phó Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso cũng nhắc đến sự việc này và nói thêm rằng tờ đơn xuất hiện trong bối cảnh có nhiều lo ngại cho rằng WHO nên đổi tên thành "Tổ chức Y tế Trung Quốc".
Hồi tháng 2, ông Tedros từng khen ngợi Trung Quốc rằng biện pháp phong tỏa của nước này đã giúp "câu giờ" để thế giới chuẩn bị ứng phó đại dịch. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều lo ngại về việc không những không giúp thế giới có thêm thời gian, Trung Quốc còn đẩy nhân loại vào tình thế nguy hiểm khi công bố những dữ liệu về sự lây lan của dịch bệnh một cách không nhất quán, thậm chí là "bị tô vẽ". Trung Quốc cũng bị tố "giấu dịch" khi khiển trách những người đầu tiên cảnh báo về dịch bệnh và phớt lờ những bằng chứng đầu tiên về khả năng lây nhiễm từ người sang người.
Những người ủng hộ tổng giám đốc WHO cho rằng vì từng là cựu bộ trưởng y tế và sau đó là ngoại trưởng Ethiopia nên ông Tedros là người có thiên hướng ngoại giao. Những lời ca ngợi Trung Quốc của ông là nhằm đảm bảo quốc gia này tiếp tục chia sẻ những thông tin quan trọng.
Tuy nhiên, một số người lại cho rằng chính Trung Quốc là nước đã có nhiều tác động để ông Tedros đạt được vị trí tổng giám đốc WHO như hiện nay. Theo đó, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã tích cực vận động cho ông Tedros trong cuộc bầu cử ghế tổng giám đốc WHO năm 2017.
Trung Quốc được cho là đã sử dụng những cam kết về tài chính làm đòn bẩy để lôi kéo các quốc gia đang phát triển bầu cho Tedros, từ đó giúp ông vượt qua ứng cử viên David Nabarro của Anh để trở thành người đứng đầu WHO.
Về phía Mỹ, sau hàng loạt các chỉ trích về phía WHO, Tổng thống Donald Trump đi đến một hành động cụ thể đã được dự báo cách đây ít lâu là tuyên bố ngừng tài trợ cho WHO vì "WHO đã thất bại trong nhiệm vụ cơ bản của mình và phải chịu trách nhiệm".
AFP cho biết trong buổi họp báo tại Nhà Trắng ngày 14/4, Tổng thống Trump nói ông chỉ đạo chính phủ tạm ngừng tài trợ để "bắt đầu tiến trình đánh giá vai trò của WHO trong việc quản lý không đúng và che đậy mức độ nghiêm trọng của Covid-19 tại Trung Quốc". Tiến trình đánh giá sẽ kéo dài 60-90 ngày.
Theo ông Trump, WHO đã ngăn chặn sự minh bạch thông tin về đại dịch. Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất cho cơ quan chuyên môn về y tế của Liên Hiệp Quốc với số tiền lên đến 400 triệu USD vào năm ngoái.
Ông Trump lưu ý : "Giờ đây chúng tôi phải thảo luận về những gì chúng tôi sẽ làm với số tiền dành cho WHO. Giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành khắp nơi, chúng tôi lo ngại sâu sắc về việc sự hào phóng của nước Mỹ có được sử dụng tốt nhất có thể hay không".
Ông nhấn mạnh : "Việc WHO ban đầu khuyến cáo không cần hạn chế đi lại quá mức là xem chính trị quan trọng hơn các biện pháp kiểm dịch để cứu sống nhiều mạng người. Nếu WHO làm đúng nhiệm vụ của mình, sớm đưa các chuyên gia y tế đến Trung Quốc để đánh giá khách quan tình hình và phản đối sự thiếu minh bạch của Bắc Kinh, thì dịch bệnh có thể sớm được ngăn chặn tại nơi bùng phát và rất ít người chết, tránh gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu… Thay vào đó, WHO luôn sẵn sàng bảo vệ hành động của chính phủ Trung Quốc".
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã tuyên bố Mỹ đang tìm cách "thay đổi căn bản" Tổ chức Y tế Thế giới.
Trong một phát biểu, Ngoại trưởng Pompeo cho biết : "Trong lịch sử, WHO đã thực hiện tốt một số công việc. Thật không may trong trường hợp này, tổ chức này đã không thể hiện tốt vai trò của mình".
Ông Pompeo cũng đồng thời khẳng định Mỹ cần đảm bảo thúc đẩy những nỗ lực để thay đổi căn bản điều đó hoặc đưa ra một quyết định khác cho thấy Mỹ đang làm phần việc của mình để đảm bảo những nghĩa vụ y tế thế giới quan trọng này – những điều cũng giúp giữ vững sự an toàn cho người dân Mỹ – thực sự hoạt động.
Trong khi đó, các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa yêu cầu WHO phải cung cấp những văn bản về thông tin liên lạc giữa tổ chức này với chính quyền Trung Quốc trong giai đoạn từ ngày 01/10/2019 đến ngày 12/3/2020.
Thượng nghị sĩ Rick Scott đã được chỉ định đứng đầu một ủy ban của Thượng viện Mỹ để điều tra WHO với cáo buộc tổ chức này bao che cho Trung Quốc lúc dịch mới bùng phát.
Trả lời phỏng vấn trang Politico, ông Scott nói : "Chúng tôi không tin tưởng Trung Quốc. Giờ đây chúng tôi rút ra bài học là không thể tin tưởng WHO vì họ nói dối".
Phát biểu ngừng tài trợ cho WHO của tổng thống Trump diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ ghi nhận thêm kỷ lục buồn mới về dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán.
Số ca tử vong của Mỹ đã tăng lên ít nhất là 2.228 ca trong ngày 14/4, nâng tổng số ca lên 28.300. Đây là số ca tử vong kỷ lục được ghi nhận trong một ngày ở Mỹ trong bối cảnh các quan chức chính phủ đang tranh cãi về việc làm thế nào để mở cửa lại nền kinh tế mà vẫn ngăn dịch lây lan.
Kỷ lục về số ca tử vong trong ngày từng được ghi nhận trước đó của nước này là 2.069 ca vào hôm 10/4.
Ngoài ra, hãng tin Reuters cho biết cột mốc thứ hai đáng ghi nhận tại Mỹ ngày 14/4 là hiện nước này đã có hơn 600.000 ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán.
Sở Y tế New York cho biết số ca tử vong của thành phố đã vượt mốc 10.000 người, bao gồm 3.700 ca mới của ngày 14/4.
Về phía Liên Hiệp Quốc, tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới cho rằng cuộc chiến chống đại dịch viêm phổi Vũ Hán hiện nay không phải lúc để cắt giảm các nguồn tài trợ cho WHO hoặc bất cứ tổ chức nhân đạo nào khác.
Phản ứng về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ngừng cấp kinh phí cho WHO liên quan đến cách ứng phó với đại dịch viêm phổi Vũ Hán, cùng ngày 14/4, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh : "Lúc này không phải là thời điểm cắt giảm các nguồn tài trợ cho WHO".
Ông nói : "Giờ không phải là thời điểm cắt giảm các nguồn tài trợ cho các hoạt động của WHO hoặc bất cứ tổ chức nhân đạo nào trong cuộc chiến chống Covid-19. Hơn lúc nào hết, đây là khoảng thời gian cộng đồng quốc tế phải nỗ lực đoàn kết để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan gây hậu quả nghiêm trọng".
Trước đó, giữa tháng 3, WHO, Quỹ Liên Hiệp Quốc và các đối tác ra mắt Quỹ Đoàn kết Đối phó Dịch Covid-19 đầu tiên
Quỹ Đoàn kết Đối phó Dịch Covid-19 sẽ quyên góp tiền từ một loạt các nhà tài trợ để hỗ trợ công việc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác nhằm giúp các quốc gia đối phó với đại dịch viêm phổi Vũ Hán.
Quỹ đầu tiên này cho phép các cá nhân, tập đoàn và tổ chức tư nhân ở bất cứ nơi nào trên thế giới phối hợp trực tiếp với nhau để đóng góp cho các nỗ lực ứng phó toàn cầu. Quỹ này được thành lập với sự tham gia của Quỹ Liên Hiệp Quốc và Quỹ từ thiện Thụy Sĩ.
Dù có dùng tiền bạc hay quyền lực để gây ảnh hưởng lên các tổ chức quốc tế mà WHO hay rộng hơn là Liên Hiệp Quốc nhất là trong giai đoạn thế giới oằn mình đối phó với dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán vừa qua, nhưngTrung Quốc không thể mãi giấu diếm thông tin về dịch bệnh cùng kiểu hành xử ‘độc tài’ đối với chính người dân nước họ và các nước trên thế giới, vì điều đó cuối cùng đã dẫn đến hậu quả tai hại, đưa đến cái chết cho hơn 130.000 người, trên 2 triệu người nhiễm bệnh và con số này còn tiếp tục tăng lên trong những ngày tới, trong đó có cả Việt Nam.
Cộng đồng quốc tế đã lên tiếng và có những hành động cụ thể ngăn chặn những sai lầm tiếp diễn của nước này.
Sự đoàn kết quốc tế và sức mạnh của lẽ phải chắc chắn sẽ đánh bại những âm mưu đen tối mà giới lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc đang reo rắc trên thế giới.
Hải Yến (Hà Nội)
Nguồn : Thoibao.de, 16/04/2020