Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/04/2020

Tung virus, đuổi tàu Mỹ – Trung Quốc xâm nhập biển Việt Nam

Thu Thủy

Hãng tin Reuters dẫn các số liệu của Marine Traffic, một trang mạng chuyên theo dõi các hoạt động hàng hải, cho biết hôm qua, 14/4, tàu Hải Dương Địa Chất 8, được ít nhất một tàu hải cảnh hộ tống, đã xuất hiện ở cách bờ biển Việt Nam 98 hải lý (158 km).

tau1

Một số nguồn tin trong và ngoài nước hôm 14/4 đã khẳng định sự xuất hiện trở lại của tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc trên vùng biển của Việt Nam.

Như vậy con tàu này đã ở trong Vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Vẫn theo thông tin của trang Marine Traffic, đã có ba chiếc tàu của Việt Nam di chuyển về hướng tàu Trung Quốc.

Tối ngày 13/4 vào lúc 20g37', trang facebook của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đã đăng tải thông tin : tàu Hải Dương Địa Chất 8 tiến về phía nam với vận tốc 11-12 knots. Tàu kiểm ngư Việt Nam cũng đang hiện diện gần đó, có lẽ đang theo dõi chuyển động của HD-8 cùng với ít nhất 2 tàu hải cảnh, 1 tàu cá và 1 tàu dân sự khác mang cờ Trung Quốc.

Ngay sau đó, đến 23g13', Dự án Đại Sự Ký Biển Đông cập nhật diễn biến tàu kiểm ngư Việt Nam đã tăng tốc gần với tốc độ 12 knots của tàu Hải Dương Địa Chất 8 và dường như đang bám sát tàu trong vòng khoảng 2 hải lý.

Đến sáng sớm 14/4, vào lúc 06g57', Dự án Đại Sự Ký Biển Đông cho biết tàu Hải Dương Địa Chất 8 đã tới khu vực cách bờ biển Bình Định ở khu vực Phú Thứ, Phú Hoà khoảng 87,5 hải lý. Tàu vẫn đang di chuyển với tốc độ 12 knots. Đã có thêm hai tàu Việt Nam tham gia bám sát tàu Hải Dương Địa Chất 8.

Hải Dương Địa Chất 8 là tàu thăm dò địa chất biển của Trung Quốc, năm 2019, cùng với các tàu hải cảnh đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và thềm lục địa Việt Nam trong suốt thời gian kéo dài hơn một trăm ngày từ tháng 7 đến tháng 10/2019.

Sự trở lại của của tàu Hải Dương Địa Chất 8 trên vùng biển Việt Nam diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang phải lo chống dịch viêm phổi Vũ Hán và ngay sau những động thái phản đối mạnh mẽ của Hoa Kỳ và Philippines trước sự việc một tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Việt Nam ở gần đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa hôm 2/4.

Sự hiện diện của tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 diễn ra một ngày trước khi Việt Nam kết thúc thời gian "cách ly xã hội" (từ 0 giờ ngày 1/4 đến dự kiến ngày 15/4) do dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán theo chỉ thị 16. Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc đứng trước quyết định khó khăn kéo dài hay ngừng lệnh cách ly xã hội.
Trước đó, ngày 2/4, tàu Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá Việt Nam đang đánh bắt cá tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Việt Nam đã trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Quảng Ngãi nêu trên.

Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Mỹ và năm Thượng Nghị sỹ Mỹ đã đồng loạt lên tiếng chỉ trích việc tàu Trung Quốc làm chìm tàu cá Việt Nam nêu trên.

Philippines cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc và ủng hộ Việt Nam trong vụ tàu cá bị đánh chìm. Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh điều quan trọng là phải tránh những sự cố tương tự, đồng thời giải quyết sự khác biệt bằng cách tăng cường đối thoại và tin tưởng lẫn nhau. Cơ quan này còn bày tỏ tình đoàn kết với Việt Nam, đề cập tới vụ tàu cá F/B Gem-Ver của Philippines bị lực lượng Trung Quốc đâm chìm hồi năm ngoái, sau đó thủy thủ đoàn được tàu Việt Nam giải cứu.

Kể từ khi dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát và lan rộng trên toàn cầu, Trung Quốc liên tục có những hành vi ngang ngược trên Biển Đông, nói cách khác là nước này đã lợi dụng đại dịch để thúc đẩy các yêu sách lợi ích trên Biển Đông mà mới đây nhất là đưa nhóm tàu sân bay Liêu Ninh tập trận trên Biển Đông từ ngày 10/4.

Ngày 16/3, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ý gây bức xúc trong dư luận khi lợi dụng cơ hội ủng hộ Ý chống dịch để đăng tải bức tranh vẽ "đường lưỡi bò" ở Biển Đông, bất kể tuyên bố "đường lưỡi bò" này đã bị Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ năm 2016.
Ngày 23/3, Tân Hoa xã đã công bố việc Trung Quốc xây dựng "hai trạm nghiên cứu" tại khu vực đá Subi và đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ngày 13/4, Hải quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã chính thức lên tiếng tuyên bố nhóm tàu chiến gồm tàu sân bay Liêu Ninh và 5 tàu hộ tống gồm 4 tàu chiến và 1 tàu hậu cần đã tiến vào Biển Đông tập trận sau khi hành tung của nhóm tàu bị phát giác bởi Nhật và Đài Loan.
Cũng giống như các lần trước đây, phía Trung Quốc giữ kín như bưng về khu vực tập trận. Người phát ngôn của hải quân Trung Quốc, Gao Xiucheng nhấn mạnh đây là một hoạt động "thường lệ", đã dự kiến từ trước và "phù hợp với luật quốc tế".

Các quốc gia có vùng biển tranh chấp với Trung Quốc đều bị Trung Quốc lợi dụng thời điểm dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán hoành hành ác liệt để thị uy.

Indonesia và Philippines, hai quốc gia có vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế do Trung Quốc tự vẽ ra, cũng trở thành đối tượng bị Trung Quốc nhắm tới.

Trong lúc các quan chức quốc phòng hàng đầu Philippines như Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana bị cách ly vì tiếp xúc với người nhiễm viêm phổi Vũ Hán, Bắc Kinh đã tăng cường hiện diện xung quanh bãi cạn Scarborough và đá Vành Khăn.

Theo chuyên gia Richard Javad Heydarian, điều này đã làm dấy lên lo ngại ở Manila rằng Trung Quốc sẽ lợi dụng tình hình này để quân sự hóa bất hợp pháp như đã làm với các thực thể khác ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Nhà phân tích Kelsey Broderick cũng nhận định với CNBC như sau : "Dịch bệnh không làm Trung Quốc quên các vấn đề đối ngoại mà họ theo đuổi. Ngoài Biển Đông, Trung Quốc đã liên tục đưa các máy bay quân sự áp sát Đài Loan trong một tháng qua. Bắc Kinh rõ ràng đang muốn gởi một thông điệp tới các quốc gia liên quan ở Biển Đông rằng Trung Quốc sẽ không lùi bước trong bất kỳ trường hợp nào, song song với việc củng cố hình ảnh lãnh đạo mạnh mẽ của Đảng cộng sản Trung Quốc đối với nhân dân trong nước".

Đặc biệt, trước diễn biến nhóm tàu sân bay Trung Quốc theo suy đoán sẽ tiến ra tây Thái Bình Dương tập trận để thị uy sức mạnh thì lại bẻ ngoặt về phía nam khiến Đài Loan lập tức thể hiện sự thận trọng và cảnh giác. Truyền thông của vùng lãnh thổ này cũng chuyển sự chú ý sang theo dõi động tĩnh của nhóm tàu chiến Trung Quốc và lo ngại sự vắng mặt của các tàu sân bay Mỹ có thể khiến Trung Quốc "thừa nước đục thả câu".

Giới quan sát nhận định Trung Quốc đang cố tình tạo ra sự đối lập với Mỹ và chứng tỏ sự ưu việt vượt trội trong bối cảnh quân đội Mỹ, cường quốc hải quân của thế giới đang bị dịch viêm phổi Vũ Hán gây ảnh hưởng.

Washington hiện không có tàu sân bay nào đang triển khai trên biển ở khu vực Thái Bình Dương trong khi số tàu sân bay có người nhiễm viêm phổi Vũ Hán đã lên tới con số 4.
Không chỉ trên biển, các hoạt động quân sự khác của Mỹ trên đất liền cũng bị tạm hoãn, bao gồm cuộc tập trận lớn nhất trong vòng 25 năm qua với các nước Châu Âu hay việc rút quân khỏi Afghanistan.

Tổng số ca nhiễm trong quân đội Mỹ hiện đã lên tới hơn 3.000 người với ít nhất 2 ca tử vong, trong đó ổ dịch lớn nhất là tàu sân bay USS Theodore Roosevelt – con tàu vừa hoàn thành đợt huấn luyện và tuần tra bảo đảm tự do hàng hải trên Biển Đông.

Dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán tuy không làm mất đi sức mạnh của quân đội Mỹ, nhưng gây cản trở hoạt động của Mỹ rất nhiều và siêu cường quốc tế cũng đã tuyên bố là giảm bớt hoạt động từ bên ngoài.

Một bản tin trên Thời Báo Hoàn Cầu ngày 13/4 đã dẫn lời "một chuyên gia quân sự giấu tên" ca ngợi việc hải quân Trung Quốc công khai thông báo sẽ tiến hành tập trận trên Biển Đông đã cho thấy Bắc Kinh không hề lợi dụng viêm phổi Vũ Hán để làm bậy như cáo buộc của Mỹ.

Thời Báo Hoàn Cầu sau đó lập luận rằng việc nhóm tàu sân bay Trung Quốc vẫn tập trận "như kế hoạch đã vạch ra từ trước" đã chứng minh quân đội Trung Quốc không hề bị ảnh hưởng bởi viêm phổi Vũ Hán, một động thái để so sánh với tình hình hiện tại của quân đội Mỹ.

Mục đích của tàu Hải Dương Địa Chất 8 khi trở lại Biển Đông cũng những động cơ thực sự của Trung Quốc vẫn là một câu hỏi lớn với giới nghiên cứu.

Tiến sỹ Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson) cho rằng về mặt kỹ thuật, tàu Hải Dương Địa Chất 8 có thể đơn thuần phục vụ mưu đồ độc chiếm Biển Đông thông qua các đợt khảo sát. Trung Quốc sẽ tiến hành khảo sát vì đây là một khâu rất quan trọng để triển khai binh lính.
Ông nói : "Trung Quốc hiện thiết lập các cơ sở nghiên cứu trên đảo nhân tạo của họ, và họ biết rõ việc khảo sát này quan trọng như thế nào".

Về mặt chiến lược, khá nhiều ý kiến hiện nay đi theo hướng Trung Quốc đang lợi dụng việc các nước tập trung đối phó với đại dịch để giành thế áp đảo trong các câu chuyện tranh chấp.

Luật gia Hoàng Việt từ Đại học Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng dự đoán : "Chưa rõ động thái sắp tới của Trung Quốc sẽ làm gì, nhưng rất có khả năng là Trung Quốc sẽ lập lại tình trạng của năm 2019 tại khu vực biển của Việt Nam…".

Trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố "kêu gọi Trung Quốc tập trung vào việc hỗ trợ các nỗ lực quốc tế để chống lại đại dịch toàn cầu và ngừng lợi dụng thời điểm các quốc gia khác gặp khó khăn để mở rộng các yêu sách bất hợp pháp của mình ở Biển Đông" thì Trung Quốc bất chấp lời kêu gọi, tiếp tục tăng cường các hoạt động nhằm xâm chiếm lãnh thổ và khẳng định các yêu sách biển, đảo trái phép.

Việc triển khai tàu khảo sát là một hành động của Trung Quốc để một lần nữa khẳng định chủ quyền vô căn cứ của mình trên Biển Đông.

Trung Quốc liên tục tận dụng việc đại dịch viêm phổi Vũ Hán làm phân tán sự chú ý của quốc tế để tăng sự hiện diện ở Biển Đông, trong khi Mỹ và các nước khác đang gặp khó khăn trong đối phó với đại dịch.
Việt Nam từ hàng nghìn năm lịch sử đã quá hiểu rõ tham vọng bành trướng bá quyền của Trung Quốc, và giờ đây cần phải liên kết mạnh mẽ hơn nữa với Mỹ và các nước Dân chủ , Tự do trên thế giới để ngăn chặn kịp thời mọi âm mưu và thủ đoạn đen tối mà Bắc Kinh gây ra cho đất nước và cho dân tộc.

Thu Thủy

(tổng hợp từ Thành phố Hồ Chí Minh)

Nguồn : thoibao.de, 16/04/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Thủy
Read 526 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)