Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/04/2020

Nỗ lực ‘hàn gắn’ lại hình ảnh quốc tế của Trung Quốc đang phản tác dụng

Gerry Shih

Khi Trung Quốc vào tháng 3 trở thành quốc gia đầu tiên phục hồi sau sự bùng phát của Covid-19 tại tâm dịch Vũ Hán, các quan chức nước này đã khởi động một chiến dịch khác nhằm xây dựng lại hình ảnh quốc tế cũng như góp phần xóa bỏ định kiến "virus Vũ Hán".

beijing0

Một máy bay của Air China vận chuyển khẩu trang từ Trung Quốc hạ cánh xuống Athens ngày 21/3/2020. (Aris Messinis / AFP / Getty Images)

Với lợi thế là quốc gia đầu tiên kiềm chế thành công Covid-19 trong khi các nước khác đang vật lộn với dịch bệnh, Bắc Kinh đã tranh thủ cơ hội để thúc đẩy ảnh hưởng và hình ảnh của nước này bên ngoài, xóa đi những hình ảnh ban đầu là nơi khởi phát dịch bệnh và làm mầm bệnh lan rộng.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã thực hiện hàng loạt cuộc điện đàm với các lãnh đạo thế giới và đưa ra những lời đề nghị viện trợ "hào phóng". Những tuyên bố về việc Trung Quốc sẵn sàng giúp đỡ cùng với những chuyến hàng và cả các chuyên gia y tế của Trung Quốc được cử đến hỗ trợ các nước trong cuộc chiến chống Covid-19 được đưa rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Hơn 170 chuyên gia y tế Trung Quốc được điều tới Châu Âu, Đông Nam Á và Châu Phi. Truyền thông nhà nước liên tục "quảng bá" những bức ảnh khẩu trang Trung Quốc cập bến hơn 100 quốc gia cùng các bài báo đặt nghi vấn về nguồn gốc Covid-19, vốn được cho là khởi phát từ chợ hải sản ở thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc.

Chiến dịch ngoại giao y tế của Trung Quốc còn vươn tới các nước phát triển lớn, mạnh ở Châu Âu vốn trước đây chỉ quen với việc giúp đỡ các nước nghèo trong dịch bệnh như Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Đức.

Trên các tờ báo quốc tế, các đại sứ Trung Quốc cũng "góp vui" bằng những bài viết "khoe khoang" thành công của Trung Quốc trong việc kiểm soát Covid-19, đồng thời ca ngợi sư "hy sinh cao cả" của Bắc Kinh khi đã "câu giờ" giúp các nước khác có thêm thời gian chuẩn bị đối phó với dịch bệnh, nhưng đương nhiên không thừa nhận đại dịch bùng phát từ đâu. Một tháng sau, chiến dịch này đã mang lại kết quả. Song, trong một số trường hợp, nó lại phản tác dụng hoàn toàn.

Tại Anh, một ủy ban quốc hội về quan hệ đối ngoại đã thúc giục chính quyền của Thủ tướng Boris Johnson ngăn chặn sự gia tăng thông tin thiếu chính xác từ Trung Quốc. Các quan chức ở Đức và ít nhất một bang của Mỹ là Wisconsin đã "vạch trần" về những nỗ lực tiếp cận thầm lặng của giới chức Trung Quốc trong việc thuyết phục họ công khai ca ngợi Bắc Kinh.

Đáng chú ý, các nước Châu Âu khác gồm Phần Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha, Cộng hòa Czech đã phàn nàn về chất lượng các lô hàng vật tư y tế xuất xứ từ Trung Quốc. Thậm chí, chính phủ một số nước còn thu hồi khẩu trang và các bộ xét nghiệm của Trung Quốc sau khi phát hiện chúng bị lỗi. Những hành động này dường như làm hỏng nỗ lực của Bắc Kinh nhằm xây dựng hình ảnh thiện chí.

Còn ở Châu Phi, hiệp hội y tế quốc gia Nigeria đã chỉ trích quyết định của chính phủ vì mời một nhóm bác sĩ Trung Quốc tới nước này, cho rằng họ có thể mang theo mầm bệnh.

Và trên mạng xã hội Twitter, các nhà ngoại giao Trung Quốc không chỉ truyền bá thông điệp "tốt đẹp" về quốc gia của mình mà còn được đặt trong tâm thế sẵn sàng đáp trả những chỉ trích. Họ công khai lên án con trai Tổng thống Brazil, và Bộ trưởng Giáo dục Brazil, những người đã cáo buộc Bắc Kinh muốn "thống trị thế giới" bằng cách kiểm soát các nguồn cung thiết bị bảo hộ y tế.

Quan chức Trung Quốc còn không hài lòng với phát ngôn viên Bộ Y tế Iran, người đặt câu hỏi về độ chính xác trong dữ liệu liên quan đến Covid-19 mà chính phủ Trung Quốc công bố, và đả kích một doanh nhân Sri Lanka, người cũng đã chỉ trích Bắc Kinh về cách phản ứng với đại dịch.

Làn sóng hoài nghi, ngay cả ở những nước được cho là "thân thiện" với Trung Quốc, đã nhấn mạnh thêm thách thức mà các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh phải đương đầu khi tìm cách xây dựng lại hình ảnh toàn cầu sau đại dịch. Trong khi các chính quyền từ Mỹ đến Bỉ đang bị chỉ trích vì cách xử lý Covid-19 trong nước, Trung Quốc lại đang đứng trước một đòn giáng mạnh vào thời điểm quốc gia Đông Á đang cố gắng khẳng định vị thế của một nhà lãnh đạo tương lai trong các vấn đề thế giới.

"Họ biết rõ khi nào tình hình lắng xuống và khi nào ánh mắt của mọi người đổ dồn về phía Bắc Kinh để xem có chịu trách nhiệm hay không. Đó sẽ là tình huống vô cùng khó khăn", Nadège Rolland, chuyên gia cấp cao thuộc Viện nghiên cứu quốc gia về Châu Á của Mỹ, nhận định, và cho biết "Trung Quốc đang cố gắng loại bỏ những lời cáo buộc. Sự tự tin song hành với nỗi sợ của họ".

Các quan chức Trung Quốc đã tỏ ra thất vọng vì phản ứng dữ dội đang bùng lên trước những gì họ mô tả đơn giản là "lòng vị tha". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định Bắc Kinh không dùng ngoại giao để đánh bóng hình ảnh hoặc mở rộng ảnh hưởng của mình đối với các nước khác. Các quan chức Trung Quốc cũng cam kết sẽ lập lức xử lý triệt để những dụng cụ y tế kém chất lượng.

"Chúng tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm và những phương pháp hữu hiệu của Trung Quốc với các quốc gia khác, nhưng chúng tôi sẽ không biến nó thành bất kỳ loại vũ khí hay công cụ địa chính trị nào", bà Hoa cho hay.

Chắc chắn, nhiều quốc gia có quan hệ đầu tư ngày càng tăng đối với Trung Quốc, đặc biệt đã phản ứng tích cực. Tại Serbia, một tấm biển quảng cáo khổng lồ được dựng lên trên một con phố ở thủ đô Belgrade kèm theo hình ảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập đang mỉm cười với dòng chữ "Cảm ơn người anh cả". Trong khi ở Ý, Bộ trưởng Ngoại giao Luigi Di Maio, đã đăng tải một đoạn video lên mạng xã hội Facebook bày tỏ biết ơn khi nhận được các lô hàng thiết bị y tế từ Trung Quốc.

"Việc gia nhập Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường cùng Trung Quốc đã cứu mạng người dân Ý", ông Di Maio đề cập đến chiến lược của ông Tập Cận Bình nhằm mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh thông qua các chương trình cơ sở hạ tầng và cho vay.

Tại một số nước Châu Phi, tiếng tăm của Trung Quốc đã được củng cố bởi sự quyên góp nhanh chóng từ tỷ phú Jack Ma, người sáng lập và chủ tịch điều hành của Tập đoàn Alibaba, một tập đoàn công nghệ đa quốc gia có trụ sở tại Trung Quốc.

"Trung Quốc đang dẫn đầu một xu hướng ngoại giao mới đi kèm với việc viện trợ y tế hào phóng, cũng như tận dụng một mạng lưới tuyên truyền rộng lớn mà đã được xây dựng ở Châu Phi trong vòng 10 đến 15 năm qua để củng cố hình ảnh. Trong những tuần đầu tiên, viện trợ của Trung Quốc đã được đón nhận nồng nhiệt bởi giới cầm quyền và dân chúng tại Châu Phi", Eric Olander người đồng sáng lập Dự án Trung Quốc – Châu Phi nói.

Tuy nhiên, theo ông Olander, Trung Quốc hiện đã bắt đầu mất đà trong chính sách ngoại giao y tế của mình sau khi các báo cáo về chất lượng không được đảm bảo xuất hiện ngày càng nhiều.

Chiến thuật mới

Ngoài chiến lược ngoại giao y tế, Trung Quốc đang làm phương Tây bất ngờ bằng cách lan truyền những thuyết âm mưu, điều hiếm thấy trước khi Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán hồi cuối năm ngoái.

Tháng trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên và một số nhà ngoại giao khác đã đặt câu hỏi liệu có phải coronavirus đã được các binh sĩ quân đội Mỹ đưa tới Trung Quốc. Hành động này đã làm thổi bùng những màn khẩu chiến "ăn miếng trả miếng" giữa hai nước sau đó.

"Một dịch bệnh có thể bắt nguồn từ bất kỳ thành phố, quốc gia hoặc khu vực nào trên thế giới. Nguồn gốc coronavirus là một vấn đề khoa học cần được chứng minh và giải thích bởi các nhà khoa học và chuyên gia y tế. Có một sự công nhận ngày càng tăng rằng cách tiếp cận của Trung Quốc đã có hiệu quả và kinh nghiệm của Trung Quốc đáng để học hỏi", ông Triệu khẳng định trong một cuộc họp báo.

Thậm chí, truyền thông nhà nước Trung Quốc còn đưa tin rộng rãi rằng một nhà nghiên cứu nổi tiếng ở Ý đã nói coronavirus có thể bắt nguồn từ nước này, chứ không phải Vũ Hán. Bác sĩ thận Giuseppe Remuzzi đã phải lên nhật báo Il Foglio để sửa chữa thông tin, khẳng định bình luận của ông bị "bóp méo vì mục đích tuyên truyền".

Zhiqun Zhu, trưởng khoa quan hệ quốc tế tại Đại học Bucknell (Mỹ) và là tác giả của cuốn sách Chính sách ngoại giao mới của Trung Quốc, nhận định rằng đại dịch Covid-19 đã làm dấy lên các cuộc tranh luận trong giới ngoại giao Trung Quốc.

"Trung Quốc liệu có nên phản bác một cách toàn diện những cáo buộc chỉ trích nhắm vào minh, khẳng định như một cường quốc thế giới ? Hay nên thể hiện một bộ mặt khiêm tốn hơn, ít đối đầu hơn ? Chắc chắn một số nhà ngoại giao biết rằng, ngoài kia thế giới đang đổ lỗi cho Trung Quốc, và rằng việc tuyên truyền Trung Quốc là vị cứu tinh đang phản tác dụng. Nhưng ngay bây giờ, có thể hiểu đơn giản là giới lãnh đạo Trung Quốc đang muốn thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc ở đất nước họ", ông Zhu cho hay.

Không có chỗ cho sự "khoe khoang"

Trong bài xã luận đăng trên Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng này, một quan chức cấp cao trong chính quyền Bắc Kinh khuyên các nhà ngoại giao Trung Quốc nên đề cao tinh thần khiêm tốn và khoan dung, và tuân thủ giao tiếp, học hỏi và cởi mở.

Bên cạnh đó, giới học giả cũng như nhiều chuyên gia Trung Quốc bay tỏ ra lo lắng về nguy cơ suy yếu hình ảnh với chiến lược ngoại giao hiện nay mà Bắc Kinh đang theo đuổi, giữa lúc nhiều chính trị gia ở Anh và Mỹ đã công khai yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại về kinh tế do Covid-19 gây ra, dù chưa rõ liệu nỗ lực này có thành công ở tòa án quốc tế hay không.

Trong một loạt bài tiểu luận, nhà kinh tế học hàng đầu Hua Sheng đã cảnh báo Trung Quốc về việc truyền bá các thuyết âm mưu liên quan đến nguồn gốc coronavirus hay có những bài báo "khoe khoang" trong khi các nước khác vẫn đang gồng mình đối phó đại dịch, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh dám đứng lên nhận trách nhiệm vì những gì đã xảy ra ở Vũ Hán.

Tuy nhiên, bà Lucrezia Poggetti, nhà nghiên cứu tại tại Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator ở Berlin (Đức) nhận định rằng, bộ máy lãnh đạo Trung Quốc đang nỗ lực muốn giữ thể diện, do đó rất khó có khả năng Bắc Kinh sẽ thừa nhận lỗi lầm hoặc thể hiện bộ mặt yếu kém trên trường quốc tế.

Theo bà Poggetti, các nước phương Tây bao gồm Pháp, Anh, Đức cùng Mỹ và Nhật Bản đang tiến hành xem xét mức độ phụ thuộc của họ vào Trung Quốc đối với những nguồn cung thiết yếu liên quan đến y tế và an ninh quốc gia. "Sẽ có một sự đánh giá lại sau khi dịch bệnh kết thúc", bà Poggetti nhấn mạnh.

Gerry Shih

Nguyên tác : China’s bid to repair its coronavirus-hit image is backfiring in the West, The Washiungton Post, 15/04/2020

Hoàng Vũ dịch

Nguồn : Một Thế Giới, 19/04/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Gerry Shih
Read 479 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)