Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/04/2020

Pháp đã giúp Trung Quốc tìm hiểu virus corona và bị phản bội

Thụy My - Trần Đức Liệu

‘Con virus đáng sợ’ của Trung Quốc, bài viết cũ làm người Pháp lo ngại

Thụy My, RFI, 17/04/2020

"Một con virus đáng lo sợ được tạo ra tại Trung Quốc", đó là tựa đề một bài báo đăng trên tờ Le Parisien cách đây bảy năm, vào ngày 05/05/2013, được độc giả truy cập rất nhiều từ vài tuần qua và phổ biến cho nhau trên mạng xã hội, kể cả ở Việt Nam, đến nỗi tòa soạn cách đây mấy hôm phải cập nhật thêm phần giới thiệu vào, và viết hẳn một bài mới để nói rõ bối cảnh.

phap1

Một con virus đáng lo sợ được tạo ra tại Trung Quốc", đó là tựa đề một bài báo đăng trên tờ Le Parisien cách đây bảy năm, vào ngày 05/05/2013 - Ảnh minh họa

Nội dung bài viết mang tên tác giả Claudine Proust như sau :

Một con virus đáng sợ được tạo ra tại Trung Quốc

Các nhà khoa học cảnh báo về việc các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã lai tạo ra một con virus loại cúm gà rất nguy hại.

Hữu ích hay nguy hiểm ? Cộng đồng khoa học thế giới rúng động từ khi tạp chí Mỹ Science loan tin các nhà sinh học Trung Quốc lai tạo ra một con virus nguy hại. Trong lúc Trung Quốc phải chiến đấu với dịch cúm gà không biết đến lần thứ bao nhiêu, một nhóm nghiên cứu của trường đại học nông nghiệp Cam Túc lại cho ra đời một con virus mới, trộn lẫn gien H5N1 với H1N1.

Virus H5N1 đã lây nhiễm cho 628 người từ năm 2003 với tỉ lệ tử vong lên đến 60%, có thể lây từ loài chim sang người, nhưng không từ người sang người. Còn virus H1N1, xuất hiện ở Mexico năm 2009, không gây tử vong nhiều hơn cúm thường nhưng lây lan rất mạnh. Con virus này có thể đã khiến 1/5 dân số thế giới bị nhiễm trong đại dịch vào năm đó, giết chết 18.000 người.

Mục tiêu thí nghiệm không rõ ràng

Con virus lai tạo tại Trung Quốc mang tính chất tệ hại nhất của cả hai, với đặc điểm đáng ngại là có thể dễ dàng lây giữa hai con chuột lang với nhau, qua đường hô hấp, chẳng hạn qua một cái hắt hơi. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc kết luận : con virus H5N1 độc hại chỉ cần biến thể một chút là có thể lây lan giữa loài có vú.

"Có nên can thiệp vào thế giới tự nhiên chỉ để chứng minh điều đó hay không ?" - các chuyên gia tức giận. Đây là việc không đáng làm so với những rủi ro phải gánh lấy. Chỉ cần một thao tác sai, một sự rò rỉ, một ý đồ xấu là một con virus biến đổi gien loại này có thể dễ dàng "nhiễm độc cho con người, gây ra từ 100.000 đến 100 triệu cái chết" - theo ước tính của Simon Wain Hobson ở Viện Pasteur.

Tòa soạn Le Parisien ngày 13/04/2020 phải cho đăng một bài mới mang tựa đề "Virus đáng lo sợ tạo ra tại Trung Quốc : Năm câu hỏi về bài báo mà bạn đọc đang hoang mang". Nội dung như sau :

Từ vài ngày qua, một trong số các bài báo của chúng tôi nói về một con virus được tạo ra trong phòng thí nghiệm ở Trung Quốc năm 2013, đã gây chú ý và lo ngại cho nhiều cư dân mạng.

"Đây có đúng là một bài viết của quý báo hay là fake ?", "Bài này có từ năm 2013 ! Họ đã chế thêm những thứ khốn kiếp nào nữa ?", "Có căn cứ để đặt câu hỏi, nếu thêm vào sự kiện các virus này được trữ trong phòng thí nghiệm P4 duy nhất của Trung Quốc ở Vũ Hán"…

Bài báo đã được đọc rất nhiều trong những ngày gần đây và đôi khi được những trang khác đăng lại. Thông tin này dù có thực, cũng cần đặt lại trong bối cảnh cụ thể, để không liên hệ với con virus corona chủng mới xuất hiện tại Trung Quốc cuối năm 2019.

Bài viết nói về điều gì ?

Bài báo đề ngày 05/05/2013 trong Le Parisien, nêu ra cuộc tranh luận trong giới nghiên cứu. Nhiều nhà khoa học chia sẻ lo ngại về việc Trung Quốc tạo ra trong phòng thí nghiệm một con virus bao gồm các đặc tính của virus cúm A H1N1 (xuất xứ một phần từ loài vật, có thể lây từ người sang người) và virus H5N1 (xuất xứ loài vật, lây từ loài chim sang người, nhưng không từ người sang người).

Thông tin này là đúng, như cựu nhà báo Claudine Proust của chúng tôi chuyên viết về y tế đã xác nhận. "Đề tài này có thể từ một bản tin của AFP", có thêm giải thích của nhà vi trùng học Jean-Claude Manuguerra, nay là người chịu trách nhiệm đơn vị can thiệp sinh học khẩn cấp (CIBU) của Viện Pasteur.

Tuy nhiên Le Parisien không phải là tờ báo duy nhất đưa tin này, mà thông tin còn có trên trang web của France Info, Futura Sciences hay Le Quotidien du Médecin.

Việc lai tạo này liệu có liên quan đến virus corona chủng mới ?

Nhà sinh học Mỹ Richard H.Ebright, là người có tham gia trong số các nhà khoa học chỉ trích nghiên cứu trên, trả lời là không. "Không có quan hệ nào giữa con virus lai tạo H5N1-H1N1 và SARS-CoV-2 (tên khoa học của virus corona chủng mới). Hai con virus này thuộc những ngành (phyla) khác nhau. Chúng khác xa như trùng đất với con người" - giám đốc phòng thí nghiệm của Waksman Institute of Microbiology ở tiểu bang New Jersey, Hoa Kỳ bình luận.

Các cư dân mạng khác cho rằng, nếu có khả năng lai tạo ra con virus mới giữa hai chủng virus như thế, thì SARS-CoV-2 cũng có thể là virus do con người tạo ra.

Trên thực tế, tất cả cho thấy virus corona chủng mới có nguồn gốc tự nhiên. Một công trình đăng trên tạp chí Nature ngày 17/3 do các nhà nghiên cứu Mỹ, Anh, Úc tiến hành, kết luận rằng "SARS-CoV-2 không phải là sản phẩm của phòng thí nghiệm hay một con virus được cố ý tạo ra".

Tiến sĩ Etienne Simon-Loriere của Viện Pasteur cho biết một trong những bằng chứng là "không có một dấu vết nào trong bộ gien của SARS-CoV-2 giống với một mã di truyền nhân tạo". Cách thức mà con virus bám vào các thụ thể để xâm nhập vào tế bào, cũng khác hẳn với các virus SARS mà phòng thí nghiệm biết được.

Ông nói : "Nếu nó do con người tạo ra, thì họ đã cóp lại những virus SARS cũ. Người ta không thể sáng chế ra cách thức độc đáo này để bám vào thụ thể tế bào con người. Bộ gien thì tất cả đều có, người ta giải mã tại tất cả các nước, nhưng không có yếu tố nào cho thấy có dấu vết bàn tay con người. Không có dấu hiệu nhân bản vô tính hay tổng hợp".

Cuộc thí nghiệm năm 2013 liên quan đến vấn đề gì ?

Nghiên cứu này trộn lẫn chất liệu di truyền của virus cúm gà H5N1 với virus gây đại dịch H1N1 để sản sinh ra một loại "virus tái tổ hợp". Nó được tiến hành bởi một ê-kíp Trung Quốc thuộc Viện nghiên cứu thú y Cáp Nhĩ Tân (Harbin), trực thuộc Viện hàn lâm nông nghiệp Trung Quốc ở miền đông bắc (cách Vũ Hán hơn 2.200 km).

Nghiên cứu cho thấy con virus lai tạo lây nhiễm "rất dễ dàng giữa hai con chuột lang, thông qua đường hô hấp", "chẳng hạn chỉ cần một cái hắt hơi". Các nhà nghiên cứu kết luận virus H5N1 (lây từ chim, gia cầm sang người) chỉ cần biến thể một chút là có thể lây lan giữa loài có vú với nhau. Điều đáng sợ là virus H5N1 gây chết người dữ dội hơn so với H1N1. Kết quả nghiên cứu này trước hết được tạp chí Nature đăng lên vào tháng 5/2013, vài tuần sau được tạp chí Science đưa lại.

Tác động của nghiên cứu này như thế nào ?

Tranh cãi đã nổ ra với các nhà khoa học khác, nhất là tại Viện Pasteur Pháp và trường đại học Queen Mary ở Luân Đôn, với nhận định một nghiên cứu như vậy chẳng giúp học hỏi được gì mới nhưng lại gây rủi ro rất lớn, và như vậy là vô dụng. Theo nhà nghiên cứu Simon Wain Hobson, Viện Pasteur thì chỉ cần một thao tác sai, một sự rò rỉ hay ý đồ xấu là con virus loại này có thể dễ dàng lây nhiễm cho con người, khiến 100.000 đến 100 triệu người tử vong.

Nhưng theo ông Etienne Simon-Loriere, rủi ro rất thấp do "được tiến hành trong một phòng thí nghiệm với các điều kiện khắt khe để tránh tối đa nguy cơ virus thoát ra bên ngoài". Và từ đó đến nay, đã có những quy định mới tại một số phòng thí nghiệm, buộc phải được các hội đồng khoa học và chuyên gia bên ngoài chấp thuận trước khi tiến hành các thí nghiệm loại này.

Sau các tranh cãi, đa số chuyên gia Trung Quốc tiếp tục nghiên cứu các loại virus khác và các loài vật khác, chứ không nhất thiết với các "virus tái tổ hợp". Một số nghiên cứu việc lây lan virus H7N9 thông qua giọt bắn giữa loài chồn, và lợi ích của vaccine chống H7N9 trên loài hữu nhũ.

Tạo ra virus là chuyện thường tình ?

Vâng, nhưng việc này luôn có rất nhiều quy định để bảo đảm an toàn. Việc xem xét virus, thay đổi thành phần… nằm trong phạm vi công việc của các nhà nghiên cứu. Ngược lại, ít có chuyện đi quá xa như thế, tạo ra những con virus nguy hiểm chết người. Ông Etienne Simon-Loriere nói rõ : "Tại Viện Pasteur, chúng tôi chưa bao giờ tiến hành những việc tương tự".

Cần ghi nhận rằng việc lai tạo ra con virus H1N1-H5N1 nằm trong bối cảnh việc tạo ra trong phòng thí nghiệm một con virus giết người và có độ lây nhiễm rất cao, được mệnh danh là "Frankenvirus" (virus Frankenstein), gây tranh cãi dữ dội.

Thụy My

Nguồn : RFI, 18/04/2020

Ghi chú của RFI Tiếng Việt : Bài viết trên đây của Le Parisien được đăng trước khi có thông tin của Fox News ngày 15/04/2020 về virus corona chủng mới lọt ra từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán do sơ xuất. Ngay sau đó tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đang điều tra về nghi vấn này.

********************

Covid-19 tàn phá phương Tây là mối quan hệ nhân quả ?

Trần Đức Liệu, VNTB, 18/04/2020

Covid-19 đang tàn phá xã hội và nền kinh tế phương Tây. Lẽ dĩ nhiên có nhiều nguyên nhân hội tụ để tạo nên sự kiện này, thế nhưng cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng và lần bịt miệng từ đội ngũ công an đối với ông là nguyên nhân trọng yếu.

phap2

Bác sĩ quá cố Lý Văn Lượng (Ảnh : SCMP)

Bác sĩ Lý Văn Lượng là anh hùng, nhưng xa hơn ông là biểu tượng sống động tố cáo chế độ vô nhân đạo, ưa thích kiểm duyệt của Bắc Kinh.

Nếu bác sĩ Lý Văn Lượng sống trong một đất nước có nhân quyền, thì cảnh báo của ông có thể đã ngăn đại dịch ngừng lây lan ra khỏi biên giới Trung Quốc.

Trung Quốc từ khi đổi mới đến nay (chấp nhận các thành tố của chủ nghĩa tư bản về kinh tế để đổi lấy giữ gìn ổn định chính trị) đạt được nhiều thành tựu to lớn. Một công xưởng thế giới, một cường quốc mới nổi và tham vọng trở thành quốc gia dẫn dắt toàn cầu. Dù vậy, nhân quyền vẫn duy trì ở cấp độ thấp, thậm chí thời kỳ ông Tập Cận Bình, mức độ đàn áp nhân quyền tăng lên chóng mặt. Sở dĩ có điều này vì phương Tây và nước Mỹ đã thực hiện chính sách hợp tác thay đối đầu và kỳ vọng Trung Quốc phát triển kinh tế sẽ tự do – dân chủ hơn.

Nhưng phương Tây và Hoa Kỳ đã sai lầm trầm trọng.

Năm 1997, Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (nay đã đổi tên và nâng cấp thành Hội đồng Nhân quyền) thường xuyên chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc liên quan quyền tự do cá nhân, và cũng đề cập đến tình hình ở Tây Tạng.

Trung Quốc đứng trước áp lực lớn cho đến khi cánh cửa thương mại được mở ra.

Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc tăng lên, tình trạng này đã bắt đầu thay đổi. Các chính phủ phương Tây ngày càng muốn giao dịch với Trung Quốc và rất sẵn lòng giảm vấn đề nhân quyền để đạt được mục tiêu này.

Năm 1996, Úc tuyên bố sẽ không còn đề xuất nghị quyết chỉ trích Trung Quốc. Trái lại, nó dự định tiến hành một "cuộc đối thoại song phương" về các vấn đề nhân quyền. Úc cho rằng tránh đối đầu, chú trọng đối thoại hợp tác là cách hiệu quả nhất để giải quyết tình trạng nhân quyền.

1998, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Tây Ban Nha cũng tiếp cận đường lối này. Mỗi chính phủ coi việc chuyển đổi sang đối thoại song phương về quyền con người là một bước tích cực từ "đối đầu" sang "hợp tác".

Thế nhưng Trung Quốc lợi dụng hợp tác với phương Tây, lơ là nhân quyền của nhóm nước tự do để phát triển kinh tế. Và khi kinh tế đạt những thành tựu to lớn, Trung Quốc đã trở thành một đứa bé hư, không còn nghe lời.

Trung Quốc thành lập trại giáo huấn để cải đạo những người Hồi giáo tại Tân Cương. Tiến hành Hán hóa vùng Tây Tạng và thực hiện bóp ngẹt nhân quyền trong nước.

Không tự do ngôn luận, không quyền lập hội, không tự do biểu đạt và học thuật.

Để dễ dàng làm chủ mô hình nhân quyền của mình, Bắc Kinh lobby các vị trí lãnh đạo trong các tổ chức lớn, kể cả tổ chức nhân quyền trong Liên Hiệp Quốc mới đây.

Trung Quốc vận dụng tối ưu "luật của Lipset" (lý thuyết cho rằng sự giàu có hơn dẫn đến tự do chính trị nhiều hơn) và phương Tây sớm nhận quả đắng vào niềm tin chuyển đổi này.

Trung Quốc giàu lên, không còn bị ám ảnh bởi chế tài nhân quyền, các cuộc đối thoại nhân quyền trờ thành một cuộc họp kín và không có tác động nào đáng kể. Trong các cuộc họp đó, hiển nhiên Trung Quốc tận dụng trở thành một buổi tuyên truyền đầy sáo mòn về mô hình nhân quyền Bắc Kinh, hứa hẹn cải thiện một số quyền con người không ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị, xã hội mà nhà nước Trung Quốc đặt ra.

Trung Quốc đã cố gắng thay đổi các quy tắc nhân quyền quốc tế, chứ không phải theo các quy tắc nhân quyền quốc tế. Làm suy yếu tất cả các khía cạnh của hệ thống nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Và chính phủ Bắc Kinh không còn áp lực trách nhiệm về việc lạm quyền trong nước.

Ý, Tây Ban Nha, Đức... các quốc gia chuộng thương mại với Trung Quốc đang phải trả giá.

Hoa Kỳ, quốc gia dẫn dắt Trung Quốc vào các tổ chức thương mại quốc tế càng trả giá đắt hơn.

Khi bác sĩ Lý Văn Lượng chết vì nhân quyền bị bóp nghẹt, thì cái chết của ông đã khiến virus lây lan nhanh hơn, mạnh hơn tấn công vào những nước phương Tây ưu tiên thương mại, hạ thấp nhân quyền. Đây có phải là hệ nhân quả mà Covid-19 mang lại ?

Trần Đức Liệu

Nguồn : VNTB, 18/04/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My, Trần Đức Liệu
Read 516 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)