Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/04/2020

Dư âm từ các công hàm ngoại giao

Việt Trung

Động thái hiếm hoi : Từ 30/3/2020 đến 10/4/2020, Hà Nội đã gửi 3 công hàm lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc. Các công thư này phản bác mạnh mẽ công hàm của Trung Quốc đệ trình hôm 23/3/2020, đồng thời thông báo cho Malaysia và Philipinnes về lập trường của Việt Nam đối với các công hàm của hai nước này cũng từng được lưu hành tại Liên Hiệp Quốc trước đó.

duam1

Tàu cá ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm gần quần đảo Hoàng Sa hôm 29/5/2014 (Reuters) - Hình minh họa.

Công hàm phản bác Trung Quốc đệ trình ngày 30/3 mang số 24-HC-2020 được nộp vào thời điểm tình hình trong nước và thế giới khá chộn rộn. Trung tuần tháng Tư hiện là thời gian cao trào của mùa dịch "Virus Vũ Hán". Tuy vậy, cùng với 2 công hàm đệ trình hôm 10/4 liên quan đến Malaysia và Philipinnes, cả 3 công thư này không bị chìm xuồng như những sự kiện thoảng qua. Ngược lại, cũng nhờ vào đại dịch Covid-19 – cộng hưởng với tội ác Trung Quốc gây ra hôm 2/4 đối với gần chục ngư dân Quảng Ngãi và với những hành động ngày càng hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông kể từ từ 14/4 – cả 3 công hàm ấy có thêm sức lan tỏa.

Có thể cảm nhận được bầu không khí phấn chấn, từ các chuyên gia quen thuộc trong và ngoài nước, từ giới nghiên cứu chuyên sâu về Biển Đông đến một vài lão thành cách mạng và các nhà báo "ăn theo" lề đảng… Tất cả đều cấp tập bình luận, cấp tập đưa tin và tung ra các nhận xét. Dù chất lượng có khác nhau nhưng những ý kiến phân tích thống nhất với nhau ở một số nội dung và ý nghĩa mới – đó là sự rõ ràng, minh bạch hơn trong lập trường chính trị và quan điểm thống nhất của Hà Nội dựa vào nền tảng của công pháp quốc tế trong các vấn đề tranh chấp trên biển với Trung Quốc.

Những điểm mới nổi bật

Ngay từ cuối năm 2019, ở một Hội thảo quốc tế hàng năm về Biển Đông tại Hà Nội, đích danh Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đã hé lộ khả năng Việt Nam không loại trừ sự lựa chọn các công cụ và thiết chế pháp lý để giải quyết vấn đề tranh chấp biển đảo với Bắc Kinh. Với Công hàm 30/3, cũng như 2 công hàm gửi trong cùng một ngày 10/4, Việt Nam tái khẳng định một cách công khai xu hướng lựa chọn từng hé lộ, tuy với thái độ còn thận trọng nhưng rõ ràng đã nhích gần hơn tới võ đài pháp lý.

duam2

Công hàm Việt Nam gửi Liên Hiệp Quốc về Biển Đông Photo : RFA

Một biểu hiện hưng phấn cao độ khi có ý kiến đánh giá, Công hàm 30/3 dành cho Trung Quốc là công thư ngoại giao chưa từng có từ trước tới nay – một động thái "ra đòn" khá mạnh mẽ và đúng thời điểm… Mạnh mẽ, đúng thời điểm thì chuẩn không cần chỉnh, nhưng chưa từng có tiền lệ thì có lẽ các chuyên gia "chém" hơi quá ! Thực ra cho đến giờ này, Việt Nam không dưới vài ba lần đã cho lưu hành ở Liên Hiệp Quốc các loại công thư phản đối lập trường của Trung Quốc vi phạm các nguyên tắc được ấn định trong UNCLOS-1982 về Biển Đông.

Nhưng cái mới đầu tiên của đợt quốc tế vận lần này, nổi bật với công hàm 24-HC-2020 là, Việt Nam gián tiếp (và cũng chỉ gián tiếp thôi !) công khai ủng hộ phán quyết năm 2016 của CPA, phản bác "đường đứt khúc chín đoạn" (hay còn gọi là đường lưỡi bò). Tuy nhiên, các hội đoàn dân sự trong nước chớ mừng vội ! Mặc áo chữ U bị delete, thậm chí mùa "cúm Vũ Hán" mà đeo khẩu trang có đường lưỡi bò gạch chéo, có thể vẫn bị công an triệu tập về đồn làm việc như thường ! Trong một chính thể toàn trị thì yêu nước cũng là một đặc quyền. Không phải ai, lúc nào cũng được phép phản đối Trung Quốc, dù là dưới hình thức biểu trưng ! ! !

Cái mới thứ hai liên quan đến công hàm 30/3 là, sau khi phản bác đường lưỡi bò, Hà Nội "khoát nước theo mưa", dùng nội dung phán quyết hồi 2016 khi Philippines giành được tại CPA, đồng thời bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, để bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của cả Kuala Lumpur lẫn Bắc Kinh trong các công hàm ngày 12/12/2019 (Malaysia) và 23/3/2020 (Trung Quốc). Hà Nội coi đây là "các vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông". Bước đi này được đánh giá là quan trọng và cần thiết, nếu như Hà Nội không muốn mất đòi hỏi về chủ quyền trước Trung Quốc, nước đang đòi hỏi gần 90% diện tích Biển Đông.

Cái mới thứ ba, cùng với động thái ngoại vận thông qua công hàm nói trên, chỉ mấy ngày sau, Việt Nam đã mạnh mẽ phản ứng quyết liệt trước các hành động hiếp đáp của Trung Quốc đối với công dân của mình tại các ngư trường truyền thống bao đời nay. Nếu như năm ngoái, khi Trung Quốc quậy phá khu vực Bãi Tư Chính thì phải chờ hàng tuần lễ, sau khi tàu Trung Quốc tiến sâu vào CS và EEZ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao mới "thỏ thẻ" lên tiếng phản đối. Lần này, bà Lê Thị Thu Hằng phản ứng tắc lự, lại còn bắt phía Trung Quốc phải điều tra những kẻ thủ ác, thậm chí còn đòi bồi thường thiệt hại. Bí quá, bà Hoa Xuân Oánh đành tuyên bố liều là do tàu gỗ của Việt Nam đâm vào tàu sắt của Trung Quốc nên bị chìm.

Việt Nam sẽ không cô độc

Sau nửa tháng trời, cuộc chiến giữa các công hàm dường như vẫn chưa hết nóng. Cho dù không khí phấn chấn ở giai đoạn đầu có xu hướng giảm dần, nhưng dư âm của động thái ngoại vận ấy vẫn còn lan tỏa. Hy vọng, với thời gian nó sẽ không bị độ nóng của của các sự kiện thời sự mới hơn lấn át, ví như cuộc Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 hay cao trào thế giới sẽ kiện Trung Quốc (Mỹ, Anh và Pháp đã ra tuyên bố), vì để con "Virus Vũ Hán" lây lan thành đại dịch thế kỷ. Nhìn toàn cảnh, Việt Nam cần vượt qua được vận xui : Cùng lúc ngồi vào hai chiếc ghế ở Liên Hiệp Quốc thì lại gặp đại dịch toàn cầu, khiến cho không gian vận động ngoại giao của Hà Nội đối với ASEAN cũng như đối với thế giới có phần bị thu hẹp đáng kể.

Hội nghị ASEAN+3 hôm 14/4, vì thế đã không đưa được bất cứ nội dung phê phán nào, dù là ám chỉ, liên quan đến những hoạt động hung hăng bất thường của Trung Quốc trên Biển Đông trong giai đoạn đại dịch, vào Tuyên bố chung. Thay vào đó, Việt Nam và các thành viên ASEAN đang có tranh chấp với Trung Quốc phải lo đối phó với kịch bản xấu nhất là, tất cả những hành động "múa gậy vườn hoang" của Bắc Kinh sẽ thúc đẩy những hành động quyết đoán hơn hòng trám lỗ trống quyền lực, thực hiện tham vọng làm bá chủ ở Biển Đông.

Các đối phó hiện nay cần tập trung theo hai hướng. Thứ nhất, các căn cứ của Trung Quốc giờ đây có thể cho phép triển khai các tàu hải quân, hải cảnh và dân quân biển với số lượng nhiều hơn hẳn mọi bên tranh chấp khác cộng lại. Trung Quốc còn có thể triển khai hàng tuần hoặc hàng tháng ở những nơi xa nhất trong "đường đứt khúc chín đoạn". Vì vậy, việc triển khai tàu Hải Dương địa chất 8 suốt nhiều tháng liền lúc này là khả thi, không như những năm trước. Thứ hai, hàng chục tàu chấp pháp Trung Quốc và hàng trăm tàu dân quân biển hoạt động mỗi ngày, sẽ nhận lệnh phải hành xử hung hăng để khẳng định quyền lợi của Trung Quốc và quậy phá những nước láng giềng.

Theo tin tức từ Reuters và Marine Traffic, cho đến hết ngày 16/4/2020 nhóm tàu HD8 của Trung Quốc dường như đang thực hiện khảo sát ở vùng nước cách bờ biển của Malaysia và Brunei khoảng 218 hải lý. Vùng biển này ở phía bắc vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia và gần khu vực biển mà năm 2009, Việt Nam và Malaysia đã cùng đệ trình hồ sơ đề nghị Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa vượt quá 200 hải lý, nhưng ngay lúc bấy giờ đã bị Trung Quốc phản đối. Khi khởi sự "cuộc chiến công hàm" ngày 30/3, dư luận ở Việt Nam kỳ vọng, công hàm 24-HC-2020 sẽ là một bước đệm để chính phủ Việt Nam kiện Trung Quốc ra các toà quốc tế.

Muốn thế, Việt Nam phải tăng cường nội lực để thực sự độc lập, tự cường. Phải có chiến lược tổng thể, sớm đổi mới thể chế, đẩy mạnh dân chủ hoá, tôn trọng xã hội dân sự, tôn trong các ý kiến phản biện, xây dựng kinh tế biển hợp lý. Hoàn thiện hệ thống đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với "Bộ tứ", với các thành viên ASEAN cùng quyền lợi, tận dụng không gian Indo-Pacific tự do và rộng mở. Ngoài ra, cần đột phá tư duy, khai phóng tư tưởng, vượt thoát các khẩu hiệu "viễn vông" xưa nay. Nếu làm được những điều này, Việt Nam sẽ không cô độc ! Trước đây, các nước đã kinh hoàng về vấn nạn "chết dưới bàn tay Trung Quốc". Sau đại dịch, các nước quay lưng lại với Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ là nỗi ám ảnh lâu dài đối với phần còn lại của thế giới.

Nguyễn Trung

Nguồn : RFA, 17/04/2020

Tham khảo thêm các bài viết cùng chủ đề :

Một hành động pháp lý mạnh mẽ và nhất quán

Biển Đông : Chiến lược của Việt Nam khi gửi Công hàm lên Liên Hiệp Quốc ?

Việt Nam gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc : Mạnh mẽ, đúng thời điểm ?

Việt Nam gửi công hàm phản đối Trung Quốc - Những tín hiệu lạc quan ?

Cảnh giác trước âm mưu và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Trung
Read 532 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)