Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/04/2020

Việt Nam cần phát huy vai trò Chủ tịch ASEAN

Tương Tam Phong

Trung Quốc ngày càng lấn lướt trên Biển Đông

Trong hai tháng đầu năm 2020, dữ liệu từ AMTI cho biết có hơn 100 tàu Trung Quốc đã được phát hiện gần Thị Tứ - Cấu trúc thuộc Trường Sa mà Philippines đang kiểm soát trên Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tuyên bố triển khai hai cơ sở nghiên cứu mới trên Bãi đá Subi và đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa. Tuy Trung Quốc tuyên bố đây là các trạm nghiên cứu, nhưng giới quan sát cho rằng đó chỉ là bình phong, và Trung Quốc đang mưu đồ gì đó ở đây. Song song đó, Trung Quốc cũng tiến hành một cuộc tập trận chống tàu ngầm trên Biển Đông. Ngày 2/4, tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm một tàu đánh cá của Việt Nam tại vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa. Ngày 18/4, Trung Quốc tuyên bố thành lập chính quyền "khu Tây Sa" và "khu Nam Sa" thuộc cái gọi là thành phố Tam Sa, nhằm quản lý 4 nhóm cấu trúc trên Biển Đông và các vùng nước phụ cận.

bd5

Hình minh họa Hình chụp hôm 14/4/2018 - máy bay chiến đấu J15 đậu trên tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc - AFP

Những vụ việc này nhắc nhở người dân Việt Nam về cuộc đối đầu khốc liệt giữa Việt Nam và Trung Quốc vào năm ngoái. Trung Quốc đã liên tục triển khai tàu khảo sát Hải dương 8 để ngăn chặn các hoạt động khoan thăm dò dầu khí của Việt Nam xung quanh Bãi Tư Chính, ngay trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Mặc dù, trong năm nay, Trung Quốc vẫn chưa áp dụng các chiến thuật tương tự để chống lại Việt Nam, nhưng cũng không loại trừ khả năng này khi Bắc Kinh vượt qua tình trạng tồi tệ nhất do Covid-19.

Việt Nam nỗ lực phát triển quan hệ

Sách Trắng Quốc phòng Việt Nam, mới được công bố vào tháng 11/2019, đã nhấn mạnh những lo ngại của Việt Nam về các thách thức đối với an ninh quốc gia xuất phát từ những diễn biến mới trên Biển Đông, trong đó bao gồm "các hành động đơn phương, cưỡng chế dựa trên sức mạnh, vi phạm luật pháp quốc tế, quân sự hóa, thay đổi hiện trạng và xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được quy định bởi luật pháp quốc tế".

Mặc dù tiếp tục duy trì chính sách "Ba không" trước đó, như để yên lòng quốc gia láng giềng to lớn, nhưng Sách Trắng cũng nêu rõ "tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ xem xét phát triển các mối quan hệ quân sự và quốc phòng cần thiết, phù hợp với các quốc gia khác". Tuyên bố này ám chỉ rằng Mỹ và Nhật Bản nằm trong tư duy chiến lược của Hà Nội.

bd6

Hình minh họa. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịnh (phải) ở Hà Nội hôm 20/11/2019 AFP

Việt Nam đã đón một phái đoàn quốc phòng cấp cao Nhật Bản và hai bên đồng ý chuyển giao công nghệ đóng tàu quân sự vào ngày 2/3/2020. Các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cũng đề nghị Nhật Bản hỗ trợ nâng cao năng lực cho các kỹ thuật viên ngành công nghiệp quốc phòng, cũng như các lực lượng gìn giữ hòa bình.

Động thái này bổ sung thêm vào mối quan hệ quốc phòng ngày càng mạnh mẽ giữa hai nước trong vài năm gần đây, bắt đầu từ việc Nhật Bản cung cấp 6 tàu tuần tra cho Lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam, sau đó là các hoạt động tư vấn hàng hải thường niên và hỗ trợ kỹ thuật cho các thiết bị quốc phòng mà Nhật Bản đã cung cấp cho Việt Nam để giám sát hàng hải.

Nhân dịp kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã ghé thăm cảng Đà Nẵng vào hồi đầu tháng 3/2020. Những cuộc ghé thăm khác từ các tàu quân sự Nhật Bản và Mỹ cũng có khả năng được thực hiện trong tương lai, với phần lớn được nhìn nhận như một cách để Việt Nam tạo lập cơ sở chống lại dã tâm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Việt Nam cần nhận thức rõ tác động tiêu cực của sự cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, có nguy cơ biến Biển Đông thành "điểm nóng" hoặc không gian xung đột. Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều là đối tác kinh tế và chiến lược hàng đầu của Việt Nam, vì vậy, Việt Nam cần xử lý một cách thận trọng để cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc và Nhật Bản.

Hà Nội đã kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào tháng 1/2020. Mặc dù Sách Trắng thừa nhận hai quốc gia có sự khác biệt trong vấn đề chủ quyền ở Biển Đông, nhưng nó cũng cho thấy cách tiếp cận của Việt Nam trong vấn đề này. Theo đó, vấn đề này cần được giải quyết theo tính chất phòng ngừa, tránh các tác động tiêu cực đối với hòa bình chung, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai quốc gia.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Trung Quốc đã triển khai các dự án cơ sở hạ tầng kết nối khu vực biên giới của hai quốc gia trong khuôn khổ sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI), nhưng cho tới nay, Việt Nam vẫn đang thận trọng với các dự án BRI, cũng như công nghệ 5G do Tập đoàn Viễn thông Huawei của Trung Quốc. Việc thận trọng này cũng xuất phát từ lo ngại của Việt Nam trước các viễn cảnh xấu của các quốc gia tham gia BRI, cùng các cảnh báo về BRI từ truyền thông phương Tây. Thêm nữa, tình cảm và thái độ của dân chúng Việt Nam đối với Trung Quốc cũng là vấn đề mà Hà Nội cần phải tính tới khi bắt buộc phải "dấn thân" tham gia BRI.

Trong khi đó, Nhật Bản là nhà tài trợ phát triển chính thức lớn nhất, nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hàng đầu và là thị trường du lịch lớn thứ ba, đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng tuyên bố rằng, là một quốc gia đang phát triển ổn định và có tiềm năng kinh tế, Việt Nam mong muốn tăng cường kết nối giữa hai nền kinh tế thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)

Việt Nam cũng là điều phối viên trong quan hệ ASEAN - Nhật Bản giai đoạn 2018 – 2021, do đó, sự hợp tác sâu rộng hơn nữa giữa Hà Nội và Tokyo trong năm nay khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, bao gồm các cuộc thảo luận về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), có thể diễn ra.

Những thách thức trước mắt

Việt Nam đã có nhiều tham vọng trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm nay, tuy nhiên tình hình dịch bệnh đã khiến Việt Nam giảm cơ hội thể hiện vai trò của mình. Mặc dù vậy, Hà Nội vẫn đang cố gắng thể hiện và tận dụng vai trò của mình. Chúng ta còn nhớ thời gian Việt Nam lần đầu tiên làm chủ tịch ASEAN năm 2010, Hà Nội đã đề xuất cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng, với sự tham gia của các cường quốc bên ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.

Đến nay, Việt Nam đang có cơ hội định hình chính trị khu vực với vai trò là Chủ tịch ASEAN, đặc biệt là việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Đông Á năm 2020 với sự có mặt của các nhà lãnh đạo trong và ngoài ASEAN.

Dư luận trong nước cũng như các quốc gia ASEAN bị Trung Quốc đe dọa trên Biển Đông đang kêu gọi và trông chờ Việt Nam phát huy bản lĩnh trong vai trò Chủ tịch ASEAN, có thể đưa ra những sáng kiến, kêu gọi và thúc đẩy ASEAN lên tiếng về vấn đề Biển Đông, đặc biệt khi toàn thế giới đang chống dịch COVID 19, và Trung Quốc thì đang lợi dụng tình hình đó để lấn lướt trên Biển Đông.

Ngoài ra, tiến trình đối thoại cho việc tìm kiếm Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc cũng đang chờ đợi vai trò thúc đẩy từ Việt Nam, Chủ tịch ASEAN lần này.

Tương Tam Phong

Nguồn : RFA, 20/04/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tương Tam Phong
Read 415 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)