Facebook chiều ý nhà cầm quyền Việt Nam
James Pearson, VNTB, 22/04/2020
Facebook đã đồng ý kiểm duyệt thêm các bài đăng chống nhà nước của người dùng theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam.
Facebook đồng ý hạn chế nội dung chống chính phủ tại Việt Nam sau nhiều tháng trì hoãn
Kiểm duyệt thông tin
Nguồn tin từ Facebook cho Reuters biết các máy chủ của Facebook tại Việt Nam đã không hoạt động trong một thời gian hồi đầu năm nay, khiến lưu lượng truy cập cục bộ bị chậm lại.
Người dùng Facebook ở Việt Nam đôi khi không sử dụng được Facebook, ứng dụng nhắn tin Messenger và Instagram trong khoảng 7 tuần lễ khi các công ty viễn thông nhà nước đã hạn chế truy cập bằng cách đánh sập các máy chủ ở Việt Nam.
Nguồn tin từ Facebook tin rằng hành động này là nhằm gây áp lực cho Facebook phải tuân theo yêu cầu pháp lý buộc phải gỡ bỏ các nội dung mà người sử dụng Facebook ở Việt Nam có thể xem được.
Facebook xác nhận qua emal rằng họ phải miễn cưỡng tuân thủ yêu cầu của chính phủ đối với "việc hạn chế quyền truy cập vào nội dung mà họ cho là bất hợp pháp".
Trong khi đó Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng như các công ty viễn thông nhà nước - Viettel và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) - cũng không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Bắt giam các nhà hoạt động
Đầu năm ngoái, Việt Nam đã cáo buộc Facebook vi phạm luật an ninh mạng khi cho phép người dùng đăng bình luận chống chính phủ trên Facebook.
Trong những tháng tiếp theo sau đó, nhóm nhân quyền Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết ít nhất 16 người đã bị bắt, bị giam giữ hoặc bị kết án vì những bài đăng như vậy. Vào tháng 11, truyền thông nhà nước đưa tin rằng có 5 người nữa đã bị bắt giam.
Luật an ninh mạng yêu cầu các công ty nước ngoài như Facebook thiết lập văn phòng và lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam - mặc dù Facebook cho biết họ không lưu trữ dữ liệu người dùng trong nước.
Các nguồn tin của Facebook cho biết công ty thường không tuân thủ yêu cầu chặn bài đăng nhưng áp lực khi các máy chủ cục bộ bị cản trở đã buộc họ phải tuân thủ yêu cầu này.
Nguồn tin cũng cho biết điều đó không có nghĩa là Facebook sẽ tuân thủ mọi yêu cầu của chính phủ nhưng họ đã cam kết hạn chế nhiều nội dung hơn.
Facebook tuyên bố họ tin rằng tự do ngôn luận là quyền cơ bản của con người và cố hết sức để bảo vệ và duy trì quyền tự do dân sự quan trọng này trên toàn thế giới …
Tuy nhiên, Facebook buộc phải kiểm duyệt bài đăng nhằm đảm bảo các dịch vụ của của Facebook vẫn sẵn sàng phục vụ hàng triệu người ở Việt Nam hiện phụ thuộc vào Facebook mỗi ngày.
Thị trường lớn
Kể từ năm 2016, Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường lớn nhất của Facebook tại Châu Á. Cùng với Google (GOOGL.O), hai công ty này có doanh thu gần 400 triệu đô la trong năm 2018.
Hiện Việt Nam có hơn 65 triệu người sử dụng Facebook cho thương mại điện tử và thể hiện sự bất đồng chính kiến.
Việt Nam đã cho tắt máy chủ từ giữa tháng 2 và kéo dài cho đến đầu tháng 4. Người dùng bắt đầu nhận thấy rằng truy cập Facebook cũng như ứng dụng trò chuyện Messenger và Instagram đều bị chậm lại.
Truyền thông nhà nước tại thời điểm đó đổ lỗi cho việc bảo trì cáp quang và các công ty viễn thông nhà nước đã xin lỗi cho việc truy cập vào Facebook không ổn định và hứa hẹn "VNPT và các đối tác đang tích cực kiểm tra và khắc phục sự cố".
Tuy nhiên sau khi Facebook cam kết kiểm duyệt nhiều nội dung hơn thì các máy chủ đã được các công ty khai thác viễn thông cho hoạt động trở lại.
James Pearson
Nguyên tác : Exclusive : Facebook agreed to censor posts after Vietnam slowed traffic - sources, Reuters, 21/04/2020
Diễm My dịch
Nguồn : VNTB, 22/04/2020
*********************
Việt Nam tắt máy chủ Facebook 'làm lu mờ hình ảnh đẹp'
Dương Ngọc Thái, BBC, 22/04/2020
James Pearson, trưởng đại diện Reuters ở Việt Nam, dẫn lời hai nguồn tin cho biết máy chủ của Facebook đặt ở Viettel và VNPT đã bị tắt trong vòng 7 tuần, từ giữa tháng 2 đến đầu tháng 4 năm nay. Các máy chủ này chỉ được mở lại sau khi Facebook đồng ý tăng cường kiểm duyệt các nội dung "chống chính phủ".
Facebook là mạng xã hội được nhiều người dùng nhất ở Việt Nam
Theo VietnamNet, khi người dân than phiền vào Facebook chập chờn, VNPT và Viettel đã giải thích như sau :
Trước những phàn nàn của người dùng Internet, mới đây một số nhà mạng lớn trong nước đã lên tiếng để trấn an người dùng.
Chia sẻ trên fanpage của mình, nhà mạng VNPT đưa ra lời giải thích, hiện tượng đường truyền Facebook không ổn định là do vấn đề kết nối tới máy chủ quốc tế. Đây cũng là cách lý giải được đưa ra bởi nhà mạng Viettel.
Cả VNPT và Viettel đều cho biết đang tích cực phối hợp cùng các đơn vị đối tác liên quan để kiểm tra nhằm khắc phục triệt để. Trên fanpage của mình, hai đơn vị này cũng ngỏ lời mong người sử dụng thông cảm.
Tại sao Facebook lại đặt máy chủ ở Việt Nam ? Tôi không rõ thiết kế của Facebook, nhưng để tối ưu tốc độ phục vụ người dùng các công ty sẽ muốn đặt máy chủ càng gần người dùng càng tốt. Cách tốt nhất là thuê chỗ ở trung tâm dữ liệu của các nhà cung cấp dịch vụ Internet.
Các máy chủ này thường sẽ không có chứa dữ liệu riêng tư của người dùng, mà chỉ chứa những nội dung mà ai cũng xem được. Khi các máy chủ này bị tắt đi, Facebook vẫn hoạt động được, nhưng tốc độ sẽ giảm xuống vì lúc này người dùng sẽ phải kết nối thẳng đến trung tâm dữ liệu của Facebook đặt ở Singapore, Đài Loan hay Hong Kong.
CEO Facebook Mark Zuckerger từng nhấn mạnh cam kết bảo vệ tự do ngôn luận của Facebook
Nếu thông tin Reuters đưa là chính xác, việc Facebook đồng ý kiểm duyệt đi ngược lại với cam kết bảo vệ tự do ngôn luận mà Mark Zukerberg đã nhấn mạnh trong một bài phát biểu ở Georgetown University hồi tháng 10/2019. Tôi hi vọng Ủy ban Việt Nam của Quốc hội Mỹ sẽ sớm có phiên điều trần về việc này.
Việc Chính phủ Việt Nam yêu cầu Facebook phải kiểm duyệt nội dung "chống chính phủ" mà không thể tự làm, chứng tỏ Chính phủ Việt Nam vẫn chưa thể tự ý xóa nội dung hay truy cập dữ liệu người dùng Facebook để xác định ai đã gửi bài gì, rồi dùng "các biện pháp nghiệp vụ" để ngăn chặn họ. Đây có thể xem là một tin vui cho những ai vẫn đang còn kỳ vọng về một môi trường Internet tự do cho Việt Nam.
Tin Việt Nam tắt máy chủ của Facebook để tăng cường kiểm duyệt sẽ làm lu mờ hình ảnh một Việt Nam đang rất đẹp giữa đại dịch Covid-19. Quyết định này cho thấy rõ bản chất của Luật An ninh mạng. Luật này yêu cầu các công ty Internet quốc tế phải đặt máy chủ và dữ liệu người dùng ở Việt Nam và bây giờ thì chúng ta đã hiểu tại sao những người tạo ra luật này muốn như vậy.
Kể từ đây về sau, có công ty Internet quốc tế nào còn muốn đầu tư lâu dài hay mở văn phòng ở Việt Nam ? Máy tính tắt thì thôi, chứ có công ty nào muốn nhân viên của mình trở thành con tin. Tôi đã từng hỏi chính sách của Việt Nam như thế nào để rồi chỉ yêu cầu mở văn phòng thôi, chứ chưa nói đầu tư hay chuyển giao công nghệ gì, mà Facebook vẫn không muốn vào Việt Nam ? Hôm nay chúng ta đã có câu trả lời.
Khi các máy chủ này bị tắt đi, Facebook vẫn hoạt động được vì lúc này người dùng sẽ phải kết nối thẳng đến trung tâm dữ liệu của Facebook đặt ở Singapore, Đài Loan hay Hong Kong - Ảnh minh họa
Nếu các công ty Internet quốc tế không mở văn phòng, không đầu tư, xây dựng hạ tầng ở Việt Nam để phục vụ người Việt Nam tốt hơn, ai sẽ chịu trách nhiệm về thiệt hại này của người dân ? Bao nhiêu người đang kiếm sống nhờ vào Facebook. Việc tắt máy chủ Facebook cũng đặt dấu chấm hết cho hi vọng thuyết phục các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây như Amazon đem công nghệ vào Việt Nam. Không ai ngu đến nỗi đầu tư vài trăm triệu USD để rồi người khác muốn tắt là tắt. Thiếu một hạ tầng điện toán đám mây hiện đại sẽ khiến những nghị quyết 4.0 mãi vẫn còn nguyên giá trị.
Vai trò của Facebook ở Việt Nam không chỉ là nơi người ta gặp gỡ, trao đổi, kinh doanh, mua bán mà còn là nơi người dân tìm kiếm tự do và bình đẳng.
Người Mỹ có thành ngữ "san phẳng sân chơi" (level the playing field), ý nói muốn tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả mọi người. Bình đẳng ở đây không có nghĩa là bình đẳng đầu ra, tức là làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu theo chủ nghĩa cộng sản duy lý nhã kỳ, mà cũng không có nghĩa là bình đẳng đầu vào, vì không có cách nào khiến người sinh ra ở Chắc Cà Đao cũng có nhiều cơ hội như người sinh ra ở Sài Gòn. Bình đẳng ở đây là bình đẳng về luật chơi.
Luật chơi ở Việt Nam có thể tóm gọn trong bốn câu vè mà ai cũng đã từng nghe :
Thứ nhất hậu duệ
Thứ nhì quan hệ
Thứ ba tiền tệ
Đứng chót trí tuệ
Bao nhiêu bất công, oan trái, trì trệ của xã hội có thể truy ra nguồn gốc từ luật chơi oái ăm này. Đây không phải vấn đề của riêng Việt Nam.
Ở đâu và thời nào thì người có tiền, có quyền và có quan hệ cũng muốn thay đổi luật chơi theo hướng có lợi cho họ, nhưng một xã hội thông minh sẽ thiết lập các thể chế để ngăn chặn, phát hiện và xử lý bọn chơi ăn gian. Họ sẽ có tam quyền phân lập.
Họ sẽ đặt chính phủ dưới sự kiểm soát của các đảng phái chính trị đối lập. Họ sẽ có những tờ báo độc lập, những tổ chức xã hội dân sự để kiểm soát chính quyền và tất cả những ai muốn chơi xấu. Việt Nam thiếu tất cả những thể chế như vậy, thành ra người Việt chưa bao giờ có một sân chơi bình đẳng.
"Việc tắt máy chủ Facebook cũng đặt dấu chấm hết cho hi vọng thuyết phục các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây như Amazon đem công nghệ vào Việt Nam"
Mọi chuyện chỉ thay đổi cho đến khi Internet và Facebook (và YouTube) du nhập vào Việt Nam. Lần đầu tiên trong vài chục năm qua, người Việt Nam có một sân chơi mà trí tuệ là tiêu chí hàng đầu. Ai có tài năng hay ý kiến mới, người đó có sân khấu và vài chục triệu khán giả. Nói không ngoa, đây là thay đổi tích cực nhất về tự do dân chủ, công bằng xã hội ở Việt Nam kể từ ngày đổi mới. Tắt máy chủ Facebook là cách nhanh nhất triệt tiêu những thay đổi tích cực này.
Rõ ràng một quyết định gây nhiều thiệt hại như vầy phải được Chính phủ Việt Nam cân nhắc kỹ lưỡng. Tôi hi vọng Chính phủ sẽ công bố lợi ích vĩ đại của việc tắt máy chủ Facebook ngoại trừ tiết kiệm điện và giải thích tại sao người dân Việt Nam phải chấp nhận hi sinh lợi ích kinh tế và tự do cá nhân để Chính phủ kiểm duyệt các nội dung "chống chính phủ" trên Facebook.
Người dân hết sức quan tâm đến sức khỏe tâm thần của lãnh đạo, nếu biết lãnh đạo không thích "ăn" chửi, tôi tin họ sẽ không chửi thẳng nữa đâu, mà sẽ chuyển qua chửi đổng. Lợi cả đôi đường, dân vẫn được chửi để giải tỏa, lãnh đạo vẫn được quyền nghĩ "chắc nó chừa mình ra". Ít nhất là cho đến hết Đại hội Đảng.
Khi Luật An ninh mạng còn là bản thảo, tôi đã dự đoán Facebook sẽ không bị chặn hẳn nhưng sẽ bị làm chậm, nhưng thú thật từ lúc nghe tin này đến giờ tôi vẫn còn choáng váng, vì không ngờ cá mập ở Biển Đông lại làm việc cho Chính phủ Việt Nam. Trump có Space Force thì Việt Nam cũng ngạo nghễ có kém gì với Shark Force.
Sau khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kiểm duyệt Facebook, hi vọng Chính phủ sẽ điều động đội quân cá mập này ra cắn bớt tàu chiến và dàn khoan của nước lạ đang ra vô Biển Đông như cái chợ.
Kỹ sư Dương Ngọc Thái là một chuyên gia về bảo mật thông tin đang làm việc tại Silicon Valley, California, Mỹ.
Bài đã đăng trên trang blog cá nhân của ông hôm 21/4.
*******************
Việt Nam : Facebook kiểm duyệt bài sau khi bị chính quyền ghìm tốc độ truy cập
Trọng Nghĩa, RFI, 22/04/2020
Hãng tin Anh Reuters ngày 21/04/2020 tiết lộ : Mạng Facebook đã phải đồng ý kiểm duyệt nhiều bài đăng bị chính quyền Việt Nam cho là có nội dung "chống phá Nhà Nước", sau khi việc truy cập vào mạng này tại Việt Nam đã bị chậm lại đáng kể hồi đầu năm nay.
Một cư dân mạng xem cổng thông tin của chính phủ qua Facebook, Hà Nội, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 30/12/2015. Reuters - Nguyen Huy Kham
Theo hai nguồn tin từ tập đoàn Facebook, các công ty viễn thông nhà nước của Việt Nam đã để các máy chủ hoạt động ở dạng "ngưng kết nối - offline" trong khoảng 7 tuần, khiến việc truy cập Facebook bị gián đoạn.
Reuters dẫn một nguồn tin xin giấu tên xác định "Chúng tôi tin là động thái đó nhằm gây sức ép mạnh đối với chúng tôi (tức là Facebook) để đáp ứng những yêu cầu gỡ bỏ khỏi mạng các nội dung, mà người sử dụng Facebook ở Việt Nam có thể xem được".
Bản thân Facebook cũng đã chính thức công nhận trong một e-mail rằng họ đã miễn cưỡng đáp ứng yêu cầu của chính phủ Việt Nam đòi "giới hạn việc tiếp cận các nội dung bị coi là vi phạm pháp luật ở Việt Nam".
Hãng tin Anh cho biết thêm là bộ Ngoại Giao Việt Nam không thấy trả lời yêu cầu xác minh của Reuters, trong lúc các tập đoàn viễn thông lớn của Việt Nam như Viettel, VNPT cũng chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào.
Tuy nhiên, tổ chức nhân quyền Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International), có trụ sở tại Anh Quốc, đã lên tiếng kêu gọi Facebook đình chỉ ngay lập tức hành động kiểm duyệt.
Trong một thông cáo công bố hôm nay, 22/04/2020, Ân Xá Quốc Tế cho rằng "việc Facebook tuân thủ các yêu cầu nói trên của Việt Nam đặt ra một tiền lệ nguy hiểm. Các chính phủ trên khắp thế giới sẽ xem đấy là một lời mời để ngỏ, nhằm lôi kéo Facebook vào việc phục vụ các chiến dịch kiểm duyệt của chính quyền các nước".
Trong thời gian qua, Facebook đã phải đối mặt với áp lực đòi gỡ bỏ các nội dung chống chính phủ ở nhiều quốc gia.
Việt Nam bị nhiều chỉ trích về việc hạn chế thông tin, đàn áp các nhà báo và blogger. Theo báo cáo mới của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới được công bố hôm qua 21/04/2020, Việt Nam xếp thứ 175 trên 180 quốc gia về chỉ số tự do báo chí 2020. Trong xếp hạng của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới hồi năm ngoái, Việt Nam xếp hạng thứ 176.
Trọng Nghĩa
Nguồn : RFI, 22/04/2020
********************
Facebook tăng kiểm duyệt tin ‘chống phá nhà nước’ sau khi bị Việt Nam ‘ép’
VOA, 22/04/2020
Các máy chủ của Facebook ở Việt Nam bị cắt mạng, bóp băng thông hồi đầu năm nay cho tới khi công ty mạng xã hội lớn nhất của Mỹ đồng ý tăng cường kiểm duyệt các thông tin "chống phá" nhà nước ở Việt Nam, theo tiết lộ từ hai nguồn tin độc quyền của Reuters.
Ân Xá Quốc Tế kêu gọi Facebook ngưng đồng lõa với biện pháp kiểm duyệt của chính phủ Việt Nam
Các công ty viễn thông của Việt Nam đã thực hiện sự giới hạn này, theo hai nguồn tin mà Reuters trích dẫn, làm cho các máy chủ của Facebook mất mạng trong 7 tuần, và điều đó có nghĩa là trang mạng xã hội được khoảng 65 triệu người dùng ở Việt Nam đã có lúc bị tê liệt trong khoảng thời gian đó.
"Chúng tôi tin rằng hành động này được tiến hành để gây sức ép lớn lên chúng tôi để buộc phải tuân thủ thêm nữa những yêu cầu về gỡ bỏ các nội dung hiển thị đối với người dùng ở Việt Nam," một trong hai nguồn tin từ Facebook nói với Reuters.
Facebook xác nhận trong một thông cáo gửi tới Reuters qua email rằng họ đã phải miễn cưỡng làm theo yêu cầu của Việt Nam khi buộc phải "hạn chế sự tiếp cận tới các nội dung mà bị cho là bất hợp pháp".
Chính phủ Việt Nam chưa có bình luận gì về các thông tin mà hai nguồn từ Facebook của Reuters đưa ra.
Nhận định về khả năng này, một chuyên gia phần mềm và cũng là một nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam, Lã Việt Dũng, nói với VOA rằng anh thấy việc Facebook chủ động xoá nội dung là có cơ sở và đưa ra một ví dụ về việc vừa xảy ra với đăng tải của anh trên mạng xã hội này.
"Cách đây khoảng hai hôm tôi đăng hình ảnh về việc người nhà cụ Kình ở làng Đồng Tâm nhận xác cụ từ tay công an Cộng sản Việt Nam," anh Dũng nói. "Tôi có viết một số comments (bình luận) trên clip đó và clip đó được nhiều người chia sẻ. Nhưng đến hôm nay (22/4) tôi nhận được phản hồi rằng clip đó đã biến mất khỏi Facebook".
Anh Dũng, người từng viết thư gửi tổng giáp đốc Facebook Mark Zuckerberg về tình trạng nội dung thông tin bị tháo gỡ và tài khoản bị khoá tại Việt Nam, nói không hề nhận được bất cứ thông báo nào từ Facebook về việc tại sao video clip đó "lại biến mất".
Bình luận về ghi nhận của Reuters, tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế kêu gọi Facebook ngay lập tức đảo ngược quyết định của mình.
"Việc Facebook tuân thủ những yêu cầu (của Việt Nam) đặt ra một tiền lệ nguy hiểm. Các chính phủ trên toàn thế giới sẽ xem đây là một lời mời để ngỏ để đưa Facebook vào danh sách dịch vụ kiểm duyệt nhà nước," thông cáo của tổ chức này viết hôm 22/4.
Áp lực
Facebook phải đối mặt với áp lực buộc họ phải gỡ bỏ những nội dung chống phá chính phủ ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, trong nhiều năm qua.
Facebook và chính phủ Việt Nam hồi năm 2017 đã đồng ý hợp tác trong việc theo dõi và tháo gỡ thông tin "xấu" và "độc hại" trên mạng xã hội đang có trên 67% người dân Việt Nam sử dụng.
"Nếu Facebook, vì chuyện chính quyền Việt Nam ép băng thông mà buộc phải gỡ bài một cách tuỳ tiện, thì tôi nghĩ rằng họ không nên làm như thế và không cần thiết vì họ hoàn toàn có thể phản đối việc đó một cách bình thường như họ đã từng nhiều lần làm trước đây rằng họ không cung cấp thông tin người dùng cho chính quyền Việt Nam thì chính quyền Việt Nam cũng không có cách nào cả và người dùng Việt Nam vẫn lên Facebook rất là nhiều," anh Dũng nói.
Năm 2018, các nhà hoạt động và các tổ chức dân sự Việt Nam đã viết một bức thư ngỏ kêu gọi Facebook không thoả hiệp với chính quyền Hà Nội trong việc ngăn chặn thông tin nhằm dập tắt những tiếng nói bất đồng với chính phủ trên mạng xã hội. Sau đó, quản lý Chính sách công khu vực Châu Á của Facebook, Helena Lersch, nói rằng mạng xã hội này sẽ cam kết bảo vệ quyền lợi của người dùng Facebook tại Việt Nam.
Đầu năm ngoái, Việt Nam cáo buộc Facebook vi phạm Luật An ninh mạng mới được áp dụng khi cho phép người dùng đăng tải các bình luận chống phá chính phủ lên trang mạng xã hội này. Sau đó tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết đã có ít nhất 16 người bị bắt, giam giữ hoặc kết án vì đăng tải những bình luận như vậy. Tháng 11 năm ngoái, truyền thông trong nước ghi nhận việc kết án tù 5 người vì hành động tương tự.
Luật An ninh mạng yêu cầu các công ty nước ngoài như Facebook phải thiết lập các văn phòng ở Việt Nam và lưu dữ liệu người dùng ở đây - mặc dù Facebook nói họ không làm như vậy.
Các nguồn tin từ Facebook nói với Reuters rằng công ty này thường kháng cự lại những yêu cầu chặn sự tiếp cận tới các đăng tải của người dùng ở một nước nào đó, nhưng áp lực về việc các máy chủ bị làm chậm tốc độ buộc họ phải tuân thủ.
"Rõ ràng mà nói, điều đó không có nghĩa là chúng tôi sẽ tuân thủ mọi yêu cầu của chính phủ gửi đến chúng tôi," một trong hai nguồn tin nói với Reuters. "Nhưng chúng tôi đã cam kết tăng cường hạn chế nhiều hơn các nội dung".
Việt Nam, dù đã có những cải cách lớn về kinh tế và xã hội, vẫn vận hành dưới sự cầm quyền của Đảng Cộng sản - chính đảng duy nhất hiện đang kiểm soát chặt chẽ truyền thông trong nước và không nhân nhượng đối với những người chống đối. Tổ chức Phóng viên Không Biên giới vừa xếp Việt Nam thứ 175 trên 180 trong danh sách Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới.
Thông cáo của Facebook gửi cho Reuters nói rằng họ "tin là tự do biểu đạt là một quyền cơ bản" và họ "làm nhiều việc để bảo vệ sự tự do dân sự quan trọng này trên toàn thế giới".
"Tuy nhiên, chúng tôi phải thực hiện hành động này để đảm bảo các dịch vụ của chúng tôi được tiếp tục và phục vụ tới hàng triệu người Việt Nam hiện đang dựa vào chúng tôi hàng ngày".
*********************
Ân Xá Quốc Tế kêu gọi Facebook ngưng đồng lõa với biện pháp kiểm duyệt của chính phủ Việt Nam
RFA, 22/04/2020
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế lên tiếng kêu gọi Facebook ngưng đồng lõa với biện pháp kiểm duyệt của chính phủ Việt Nam.
Người dùng vào một trang Facebook của chính phủ - Reuters - Ảnh minh họa
Thông cáo báo chí phát đi ngày 22 tháng 4 của Ân Xá Quốc tế yêu cầu Facebook phải ngay lập tức thay đổi quyết định kiểm duyệt những nội dung đăng tải bị cho là chỉ trích chính phủ Việt Nam.
Ân Xá Quốc Tế dẫn lại tin của Reuters loan đi ngày 21 tháng 4 cho biết Facebook đã bắt đầu tăng cường đáng kể việc kiểm duyệt những nội dung ‘chống chính quyền’ tại Việt Nam. Biện pháp này được tiến hành sau khi có áp lực từ cơ quan chức năng, trong đó có việc mà tập đoàn này nghi những công ty viễn thông của Nhà nước hạn chế truy cập đối với máy chủ địa phương của tập đoàn khiến Facebook không thể sử dụng trong nhiều khoảng thời gian.
Theo chuyên gia William Nee, cố vấn về nhân quyền của Amnesty International, thì tin tiết lộ về việc Facebook khuất phục yêu cầu kiểm duyệt khó đạt được là một bước ngoặt tồi tệ cho quyền tự do biểu đạt tại Việt Nam và xa hơn nữa.
Chuyên gia William Nee nói việc cơ quan chức năng Việt Nam đàn áp thô bạo quyền tự do biểu đạt không có gì mới, tuy nhiên chính sách của Facebook thay đổi như thế cho thấy tập đoàn này đồng lõa với phía Việt Nam.
Vào ngày 21 tháng Tư, hãng tin Reuters dẫn hai nguồn ẩn danh thuộc Facebook cho biết tập đoàn này đã phải nhượng bộ chính quyền Việt Nam trong việc kiểm duyệt các thông tin bị cho là có tính tiêu cực đối với Việt Nam. Sự nhượng bộ này diễn ra sau khi các nhà mạng thuộc nhà nước làm chậm việc truy cập vào mạng Facebook một cách đáng kể vào hồi đầu năm nay.
Các nguồn tin này cho biết các công ty viễn thông trong nước đã để các máy chủ hoạt động ở dạng offline trong khoảng 7 tuần khiến việc truy cập Facebook bị gián đoạn.
Thông tin này cũng trùng hợp với những phàn nàn của người dùng Facebook trong nước hồi đầu năm nay.
Facebook cũng đã chính thức xác định với Reuters rằng hãng này đã phải miễn cưỡng đáp ứng yêu cầu của chính phủ trong việc giới hạn việc tiếp cận những nội dung bị coi là vi phạm pháp luật ở Việt Nam.
Hiện Bộ Thông tin và truyền thông Việt Nam và các nhà mạng lớn như Viettel, VNPT chưa đưa ra bất cứ lời bình luận nào về thông tin mà hãng Reuters loan.
*****************
Việt Nam gây sức ép bắt Facebook kiểm duyệt bài viết chỉ trích chính quyền
RFA, 21/04/2020
Facebook đã phải nhượng bộ chính quyền Việt Nam trong việc kiểm duyệt các thông tin bị cho là có tính tiêu cực đối với Việt Nam sau khi các nhà mạng thuộc nhà nước làm chậm việc truy cập vào mạng Facebook một cách đáng kể vào hồi đầu năm nay. Hãng tin Reuters trích hai nguồn tin giấu tên thuộc Facebook cho biết như vậy hôm 21/4.
Facebook đã phải nhượng bộ chính quyền Việt Nam trong việc kiểm duyệt các thông tin - Hình minh họa. Reuters
Các nguồn tin này cho biết các công ty viễn thông trong nước đã để các máy chủ hoạt động ở dạng offline trong khoảng 7 tuần khiến việc truy cập Facebook bị gián đoạn.
Thông tin này cũng trùng hợp với những phàn nàn của người dùng Facebook trong nước hồi đầu năm nay.
"Chúng tôi tin là hành động này đã gây sức ép lớn lên chúng tôi (Facebook) để đáp ứng những yêu cầu gỡ bỏ các nội dung mà người dùng Facebook ở Việt Nam có thể xem", nguồn tin giấu tên của Facebook nói với hãng tin Reuters.
Facebook cũng đã chính thức xác định với Reuters rằng hãng này đã phải miễn cưỡng đáp ứng yêu cầu của chính phủ trong việc giới hạn việc tiếp cận những nội dung bị coi là vi phạm pháp luật ở Việt Nam.
Hiện Bộ Thông tin và truyền thông Việt Nam và các nhà mạng lớn như Viettel, VNPT chưa đưa ra bất cứ lời bình luận nào về thông tin mà hãng Reuters loan.
Việt Nam là quốc gia bị nhiều chỉ trích về việc hạn chế thông tin, đàn áp các nhà báo và blogger. Theo báo cáo mới được công bố hôm 21/4 của tổ chức Phóng viên không biên giới, Việt Nam xếp thứ 175 trên 180 quốc gia về chỉ số tự do báo chí 2020.
Hồi đầu năm nay, Bộ Thông tin và truyền thông đã lên tiếng chỉ trích Facebook vì không chịu gỡ bỏ những thông tin liên quan đến vụ xung đột dẫn đến đổ máu giữa công an và người dân xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội. Đại diện bộ này được báo chí trong nước trích lời cho biết : "Không thể kiên nhẫn nếu Facebook không tuân thủ pháp luật Việt Nam".
Hồi đầu năm ngoái, luật An ninh mạng của Việt Nam đi vào hiệu lực. Đây là bộ luật gặp phải nhiều chỉ trích của quốc tế vì những ràng buộc và hạn chế tự do thông tin trên mạng internet. Luật cũng yêu cầu các công ty nước ngoài như Facebook, Google phải thiết lập trung tâm dữ liệu tại Việt Nam và lưu trữ các thông tin người dùng trong nước ngay tại Việt Nam. Tuy nhiên, Facebook cho biết hãng này không lưu trữ dữ liệu người dùng tại Việt Nam.
Nguồn tin từ Facebook cho Reuters biết Facebook thường từ chối yêu cầu đòi chặn việc tiếp cận nội dung đối với người dùng từ một nước cụ thể, tuy nhiên áp lực đòi phải có máy chủ ở nội địa đã khiến hãng này phải tuân thủ.
"Nói cho rõ, điều đó không có nghĩa là chúng tôi sẽ tuân thủ mọi yêu cầu mà chính phủ gửi cho chúng tôi. Nhưng chúng tôi đã tuân theo việc giới hạn nhiều hơn các nội dung", nguồn tin nói với Reuters.
Đài Á Châu Tự Do mới đây cũng nhận được thông báo từ Facebook, cho biết một nội dung là bài viết về việc chính phủ Việt Nam kêu gọi người Việt ở nước ngoài giúp sức chống dịch Covid-19 đã bị chặn truy cập tại Việt Nam.
Tuyên bố mới đây của Facebook khẳng định hãng này tin vào tự do bày tỏ ý kiến là một quyền căn bản của con người và sẵn sàng bảo vệ quyền này trên toàn thế giới. Tuy nhiên hãng cho biết đã "có những hành động để đảm bảo các dịch vụ vẫn được duy trì đối với hàng triệu người dùng tại Việt Nam".
Hiện Facebook có khoảng 65 triệu người dùng tại Việt Nam, theo thống kê của chính phủ.