Hai phụ nữ Việt bị bắt vì các bài viết ‘chống nhà nước’ trên Facebook (VOA, 20/04/2020)
Hai phụ nữ ở đồng bằng sông Cửu Long vừa bị bắt giam vì đăng tải, chia sẻ những bài viết được cho là "chống chính quyền" trên mạng xã hội Facebook.
Bà Đinh Thị Thu Thủy (trái) và bà Mã Phùng Ngọc Phú bị bắt vì viết bài "chống nhà nước" trên Facebook. Photo Facebook Dinh Thi Thu Thuy và báo Dân Trí
Hôm 18/04, nhà hoạt động Đinh Thị Thu Thủy, 38 tuổi, bị công an tỉnh Hậu Giang bắt giữ với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước" theo Điều 117 của Bộ luật hình sự, theo kênh truyền hình An ninh TV của Bộ Công an.
Theo quan sát của VOA, bản tin của ANTV của bộ Công an cho thấy chính quyền đã đọc lệnh bắt và lục soát nhà của Thủy, trong đó có tịch thu một số khẩu trang có in hình "No U".
Công an Hậu giang tịch thu khẩu trang và áo thu in hình 'No U' sau khi đọc lệnh bắt và soát nhà của bà Đinh Thị Thu Thủy hôm 18/04/2020. Photo ANTV.
Kênh này cho biết bà Đinh Thị Thu Thủy từ 2018 đến nay đã mở nhiều tài khoản Facebook rồi đăng tải, chia sẻ hàng trăm tài liệu "tuyên truyền, xuyên tạc, vu khống, nói xấu chế độ, hạ uy tín, bôi nhọ danh dự lãnh đạo Đảng, Nhà nước ; kích động tư tưởng chống đối ; tung tin đồn thất thiệt, gây mang hoang trong nhân dân".
Trang Người Bảo vệ Nhân quyền hôm 19/04 viết : "Chị Thủy từng tham gia biểu tình phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng ở Sài Gòn vào ngày 10/6/2018. Khi đó, chị bị bắt, bị đánh đập và tra khảo và cuối cùng bị phạt hành chính. Trong nhiều năm gần đây, chị liên tục bị công an địa phương hạch sách vì những bài viết trên Facebook".
Nhà hoạt động Phạm Minh Vũ nhận định trên trang Boxitvn về các bài viết của nhà hoạt động Đinh Thị Thu Thủy : "Facebook cô đăng tải các bài viết phản biện các chính sách sai lầm của Chính phủ, và góp nhiều ý kiến, đưa ra các giải pháp mong muốn xây dựng xã hội tốt đẹp hơn. Thay vì lắng nghe ý kiến nhân dân, đáp trả những ý kiến hay cũng là nguyện vọng nhân dân ấy, nhà cầm quyền đã hành xử một cách vô nhân đạo là bắt giam cho hết nói".
Trước đó, vào ngày 10/4, công an quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ đã bắt giữ bà Mã Phùng Ngọc Phú, 28 tuổi, với cáo buộc "lợi dụng quyền tự do dân chủ" theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự.
Theo truyền thông trong nước, trong thời gian xảy ra dịch bệnh, bà Phú đã lấy nhiều bài viết không đúng sự thật về tình hình dịch bệnh trong nước mà không qua kiểm chứng rồi đăng tải lên Facebook cá nhân.
Bà bị cho là sử dụng tài khoản Facebook "James Ng" để viết và chia sẻ nhiều bài viết có nội dung chỉ trích chính quyền và lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, theo báo Dân Trí.
Trang thông tin của Viện Kiểm Sát Cần Thơ loan tin rằng bà Phú dùng tài khoản "James Ng" để "tham gia bình luận trong 07 bài viết do các tài khoản Facebook "Hoang Thanh Tam Tran" và ‘Emily Page-Le" đăng tải, nội dung các bình luận bôi nhọ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc".
******************
Facebooker bị bắt với cáo buộc ‘bội nhọ, xuyên tạc lãnh đạo đảng, Nhà nước (RFA, 20/04/2020)
Cơ quan Điều tra An ninh tỉnh Hậu Giang vào ngày 18 tháng 4 cho tiến hành khởi tộ vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam cô Đinh Thị Thu Thủy, cư ngụ tại Khu vực 1, Phường Lái Hiếu, Thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Mục đích việc bắt giữ được nói ‘để điều tra hành vi làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo điều 117 Bộ Luật Hình sự Việt Nam’.
Công an đọc lệnh bắt giam cô Đinh Thị Thu Thủy, tại nhà ở tỉnh Hậu Giang ngày 18/04/2020. Photo ANTV
Truyền thông trong nước dẫn kết quả điều tra của cơ quan chức năng Việt Nam rằng từ năm 2018 đến thời điểm bị bắt, cô Đinh Thị Thu Thủy mở nhiều tài khoản Facebook cá nhân để biên tập, chia sẻ hằng trăm tài liệu bị cho là ‘tuyên truyền, xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo đảng, Nhà nước ; tung tin nhắm chống phá đảng và nhà nước.
Kết luận của cơ quan chức năng Việt Nam còn cho rằng vào tháng 6 năm 2018, cô Đinh Thị Thu Thủy tập trung ca hát tại khu vực Nhà Thờ Đức Bà, Sài Gòn.
Vào giữa tháng 6 năm 2018, tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước diễn ra đợt biểu tình chống hai dự luật đặc khu và an ninh mạng với sự tham gia của nhiều thành phần dân chúng Việt Nam.
Những người không tán thành dự thảo luật đặc khu hành chính Vân Đồng, Bắc Vân Phong, Phú Quốc cho rằng nếu Quốc hội lúc đó thông qua dự luật này sẽ tạo tiền đề cho người Trung Quốc thâu tóm đất đai tại những địa điểm chiến lược đó của Việt Nam.
Còn dự luật an ninh mạng tiếp tục bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận của người dân.
Nhiều người phản đối bị bắt và bị tuyên án tù. Một số người bị hành hung, đánh đập khi tham gia biểu tình phản đối ôn hòa nhằm bày tỏ chính kiến của họ về hai dự thảo luật đó.
*************
Tòa phúc thẩm Nghệ An tuyên y án 11 năm tù đối với giảng viên âm nhạc Nguyễn Năng Tĩnh (RFA, 20/04/2020)
Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An sáng 20/4/2020 đã tiến hành xét xử phúc thẩm giảng viên âm nhạc Nguyễn Năng Tĩnh mặc dù Việt Nam vẫn đang thực hiện các biện pháp cách ly nghiêm ngặt nhằm phòng ngừa đại dịch Covid-19.
Hình minh họa. Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh tại phiên tòa án ở Nghệ An hôm 15/11/2019 - Báo Nghệ An
Sau hơn hai tiếng xét xử, Hội đồng xét xử đã tuyên y án sơ thẩm 11 năm tù giam và 5 năm quản chế đối với ông Nguyễn Năng Tĩnh với cáo buộc tội danh "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An xác định thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh đã chia sẻ các bài viết chỉ trích đảng và chính phủ trên trang Facebook cá nhân từ năm 2011 đến ngày 17/6/2018.
Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong hai luật sư bào chữa cho ông Tĩnh nói với phóng viên sau khi kết thúc phiên tòa như sau :
"Anh không phủ nhận các tài khoản Facebook của anh đâu nhưng mà anh cho rằng cái tài khoản Facebook của anh nó không mang những cái nội dung mà cho rằng chống lại chính quyền Nhà nước.
Tôi cho rằng đây là bản án bất công đối với anh Tĩnh vì đối chiếu với lại Công ước về các quyền Dân sự và Chính trị thì Công ước đó Việt Nam cũng là một thành viên ký kết.
Đồng thời cũng căn cứ theo Hiến pháp của Việt Nam thì những quyền biểu lộ, biểu thị những ý kiến của mình là quyền tự do ngôn luận và đồng thời cũng có quyền góp ý xây dựng về về các chính sách của nhà nước".
Cũng theo luật sư Mạnh, ông Tĩnh cho biết mình đã tuyệt thực trong trại giam từ ngày 13/3 đến ngày 17/4 để đòi quyền thực hành các nghi thức của người Công giáo trong tù như cầu nguyện, đọc sách tôn giáo và được gặp các linh mục trong các lễ trọng nhưng không được đáp ứng.
Cựu giảng viên âm nhạc của trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An chỉ được biết đến phiên tòa phúc thẩm vài ngày trước phiên xử và đã quyết định dừng tuyệt thực để đảm bảo sức khỏe.
Ông cũng tuyên bố sau khi trở lại trại giam sẽ tiếp tục cuộc tuyệt thực nhằm tiếp tục đòi quyền được thực hành tôn giáo.
Theo mạng báo Nghệ An, Hội đồng xét xử ở phiên phúc thẩm nhận định việc tòa án sơ thẩm tuyên phạt ông Nguyễn Năng Tĩnh về tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" là đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.
Theo Hội đồng xét xử, ông Tĩnh là người có nhận thức, có hiểu biết, nhưng thể hiện coi thường pháp luật, chống đối Nhà nước, do đó việc áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với ông là rất cần thiết.
Chủ tọa phiên tòa cho biết, bản án là lời cảnh báo với những người mà nhà nước Việt Nam cho là "các phần tử muốn lợi dụng quyền tự do dân chủ để hoạt động chống phá Nhà nước, phủ nhận những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới của Việt Nam".
Việc phiên tòa mở ra giữa đại dịch Covid-19 gây khó khăn cho những người tham dự. Bà Nguyễn Thị Tình, vợ ông Tĩnh và là giảng viên đại học ở Đồng Tháp đã không thể ra Nghệ An tham dự phiên tòa do phương tiện di chuyển khó khăn.
Hai luật sư bào chữa cho bị cáo là Đặng Đình Mạnh và Nguyễn Văn Miếng phải đi xe ô tô riêng từ thành phố Hồ Chí Minh và mất 2 ngày mới đến được địa điểm xét xử.
Ông Nguyễn Năng Tĩnh sinh năm 1976 là giảng viên âm nhạc ở Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Nghệ An.
Ông thường xuyên lên tiếng ủng hộ các tù nhân chính trị và đăng tải lên Facebook cá nhân hình ảnh các cuộc biểu tình phản đối dự thảo luật về đặc khu kinh tế và biểu tình phản đối công ty Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Các đoạn video trên trang YouTube cho thấy hình ảnh ông dạy trẻ em một bài hát về nhân quyền do cựu tù nhân chính trị Võ Minh Trí (bút danh Việt Khang) sáng tác.
Ông hỗ trợ Quỹ Phát triển Con người Vinh, một tổ chức từ thiện Công giáo, và gây quỹ giúp người nghèo.
Ông Nguyễn Năng Tĩnh bị công an Nghệ An bắt giữ cuối tháng 5 năm 2019. Vào ngày 5 tháng 11 năm ngoái, Tòa án tỉnh Nghệ An tiến hành phiên sơ thẩm và tuyên án 11 năm tù và 5 năm quản chế đối với thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh theo các điểm a,b,c Khoản 1, Điều 117, Điều 44, Điều 112 Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Trước phiên sơ thẩm ngày 15-11 năm ngoái, các luật sư của ông Nguyễn Năng Tĩnh không được sao chụp hồ sơ vụ án để làm căn cứ bào chữa, chỉ được đọc hồ sơ và ghi chép lại trong thời gian ngắn.
*******************
Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh bị y án 11 năm tù giam (VOA, 20/04/2020)
Sáng ngày 20/04, một tòa án cấp cao của Việt Nam đã y án 11 năm tù giam và 5 năm quản chế đối với thầy giáo âm nhạc Nguyễn Năng Tĩnh với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước", theo tin từ gia đình.
Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh tại phiên phúc thẩm hôm 20/04/2020. Photo Truyen hinh Nghe An.
Từ Vinh, Nghệ An, ông Nguyễn Ngọc Định, cha của ông Nguyễn Năng Tĩnh, nói với VOA sau khi dự phiên tòa :
"Kết quả phiên tòa sáng nay y án như trước : 11 năm tù giam và 5 năm quản chế".
Trang Công an Nhân dân hôm 20/04 loan tin ông Nguyễn Năng Tĩnh bị y án như phiên sơ thẩm với tội danh "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo điều 117 Bộ luật Hình sự, vì đã thực hiện "đăng tải, chia sẻ một số bài viết, hình ảnh, video có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng".
Ông Định cho biết thêm :
"Bản cáo trạng sơ thẩm, anh Tĩnh phủ nhận hoàn toàn và hôm nay anh ấy cũng phủ nhận hoàn toàn. Hai luật sư Đặng Đình Mạnh và Nguyễn Văn Miếng có đưa ra nhiều lý lẽ thuyết phục, chứng minh một cách cụ thể… nhưng cứ thế mà người ta quy kết thôi".
Hội đồng xét xử tuyên án ông Nguyễn Năng Tĩnh, 20/04/2020. Photo Báo Nghệ An
Ông Định cho VOA biết ông Tĩnh chỉ làm những việc "có lợi cho đất nước, chứ không có ý chống phá" như cáo buộc.
"Tất cả những việc làm của anh Tĩnh mà tôi biết đều là những việc anh ấy nghĩ là có lợi cho đất nước. Anh ấy không có tư tưởng theo đảng phái nào hay chống đối đảng phái nào".
Bà Nguyễn Thị Tình, vợ của nhà hoạt động Nguyễn Năng Tĩnh, viết trên Facebook hôm 20/04 : "Tôi cực lực lên án tòa án cấp cao Hà nội, tòa án Nghệ An, trại tạm giam đã đối xử bất công và kết án oan sai cho chồng tôi".
Các nhà hoạt động cho tự do dân chủ kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông Tĩnh ngay lập tức.
Nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung ở thành phố Hồ Chí Minh viết trên Facebook : "Phiên tòa bất công đang diễn ra ở Nghệ An cần thả thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh ngay lập tức và vô điều kiện".
Cũng từ Thành phố Hồ Chí Minh, nhạc sĩ bất đồng chính kiến Trần Vũ Anh Bình phát biểu trên YouTube : "Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh, một người vì yêu nước và vì vận mệnh dân tộc, đã chịu một bản án bất công".
Ông Raymond Addington ở thành phố Stanton, California, Hoa Kỳ, nhận định về phiên xử phúc thẩm của ông Tĩnh : "Đây là một bản án hoàn toàn bất công của chế độ độc đảng và độc tôn của nhà nước Cộng Sản đối với những người yêu nước đang tranh đấu cho những quyền lợi của ngườì công dân một cách chính đáng".
Ông Nguyễn Năng Tĩnh là giảng viên âm nhạc trường Cao Đẳng Văn Hóa và Nghệ Thuật bị bắt vào ngày 29/05/2019. Sau hơn 5 tháng bị giam giữ tại nhà tù Nghi Kim, thành phố Vinh, ông đã bị xử sơ thẩm vào ngày 15/11/2019 với bản án 11 năm tù và 5 năm quản chế.
Trang Công an Nghệ An viết : "Bị can Nguyễn Năng Tĩnh có tư tưởng chống đối sâu sắc, có động cơ và quyết tâm hành động chống Đảng, Nhà nước đến cùng".
********************
Thêm 1 người dân Đồng Tâm bị bắt (RFA, 20/04/2020)
Thêm 1 người dân xã Đồng Tâm bị lực lượng chức năng bắt giữ theo như thông tin của người dân cùng địa phương cho biết vào ngày 19 tháng 4. Đây là nơi từng xảy ra vụ hằng ngàn cảnh sát cơ động và lực lượng chức năng tấn công vào tối ngày 9 tháng 1 vừa qua, giết chết Cụ Lê Đình Kình và bắt đi hơn 20 người dân.
Dân Đồng Tâm đổ đất chắn đường để cản chính quyền giải tỏa, cưỡng chế đất đai. AFP - Ảnh minh họa
Theo tin từ người dân địa phương thì người bị bắt mới nhất là người con trai của bà Bùi Thị Đục. Bà này cũng đã bị bắt giữ trong số 28 người mà cơ quan chức năng bắt giữ qua vụ Đồng Tâm vào ngày 9 tháng 1 như vừa nêu.
Một nhà hoạt động theo dõi sát diễn tiến vụ việc Đồng Tâm, ông Trịnh Bá Phương, vào chiều tối ngày 20 tháng tư cho biết như sau :
"Vào tối ngày 19 tháng 4, anh Nguyễn Văn Chung đã bị bắt. Lúc đó anh ấy đang phụ xe trong Sài Gòn và đã bị bắt trong Sài Gòn, chứ không phải là bắt tại nhà. Anh Nguyễn Văn Chung sau khi rời khỏi địa phương vào trong đó đi làm thuê, nghề phụ xe để làm thêm kiếm sống. Tối hôm qua khi mà anh ấy vẫn đang làm trong khu vực Sài Gòn, anh ấy đã bị công an đến bắt bở và đánh đập rất tàn bạo. Người dân xung quanh họ cũng chứng kiến, họ chất vất phía bên công an, thì bên công an họ giải thích rằng ‘đây là đối tượng nguy hiểm, phải bắt’".
Tính đến nay, số người bị bắt tại Đồng Tâm với qui kết có liên quan đến việc chống lại lực lượng chức năng để giữ đất lên đến 29 người.
Cũng vào ngày 20 tháng 4, ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng Chính phủ Việt Nam có cuộc làm việc với thủ đô Hà Nội. Một trong những yêu cầu được ông Phúc đưa ra khi kết luận cuộc làm việc với lãnh đạo Đảng và chính quyền thủ đô là ở xã Đồng Tâm cần củng cố hệ thống chính trị tốt hơn nữa ; củng cố lòng dân, phát triển và xây dựng nông thôn mới.