Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/04/2017

Nhà Cách mạng báo chí Nguyễn Ngọc Linh

Phạm Trần

(tưởng niệm ngày tiễn đưa Giáo sư Linh)

Giáo sư, Nhà báo Nguyễn Ngọc Linh đã để lại cho Lịch sử báo chí Việt Nam một gia tài vô giá về tài năng, đức độ và tính trung thực của ngành Truyền thông-Báo chí.

ngoclinh0

Ông đã nhắm mắt lìa đời ở tuổi 87 (1930-2017), nhưng đếm tuổi ta là 88 tại Arlington, Virginia gần Thủ đô Hoa Thịnh Đốn tối 9/04/2017. Ông là Nhà báo chuyên nghiệp lão thành lưu vong thứ hai, sau Nhà bình luận Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh qua đời ở Mỹ.

Cả hai ông đều rất xứng đáng là "những cây đại thụ" của báo chí miền Nam, sau 1954. Và cũng rất tình cờ, ông Khánh, một Ký giả chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam từ thời Pháp lại là Tổng thư ký Tòa soạn Việt Nam Thông tấn xã (Việt Tấn Xã) dưới thời ông Linh làm Tổng Giám đốc.

Tôi biết họ đều kính trọng tài năng của nhau, sau khi vào làm cho Việt Tấn Xã từ 1966 đến 1968. Lý do tôi có mặt ở Việt Tấn Xã là qua trung gian của Nhà báo qúa cố Duy Sinh Nguyễn Đức Phúc Khôi (con Nhà văn tiền chiến Nguyễn Đức Qùynh của nhóm Hàn Thuyên), khi ấy được ông Linh "chiêu dụ" từ báo ngoài vào, cùng với vài người khác như Dzoãn Bình và Mai Anh với mục đích làm cho Việt Tấn Xã khởi sắc hơn lối làm xưa cũ của "những ký giả công chức" của Việt Tấn Xã.

Nhưng cũng nhờ vào làm cho Việt Tấn Xã mà tôi "học lóm" được những kỹ thuật viết mới của một bản tin ngắn, một bài tường thuật dài, cách bố cục và đặt câu hỏi của một bài phỏng vấn hay lối viết của một phóng sự xã hội.

Những lối viết và sắp đặt này khác hẳn với lới viết "kể chuyện" của báo ngoài thời ấy đã làm tôi "hoa mắt", nhưng cũng mở mắt tôi ra với một thể văn của thế giới báo chí mới.

Vì vậy tôi luôn luôn ghi ơn ông đã tạo cho tôi cơ hội được học những bài học quý giá ấy mà không tốn một đồng xu teng nào !

Sau này, khi có dịp làm cho Văn phòng Thông tín viên Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, Voice of America, và được tiếp xúc với nhiều Nhà báo danh tiếng của Mỹ, Pháp, Nhật và Nam Hàn tôi mới biết kỹ thuật viết lách của họ cũng chính là những gì ông Linh đã dạy cho học trò của ông tại Đài Phát thanh Sài Gòn và Việt Tấn Xã.

Vì vậy, cả cuộc đời của ông Linh là "ăn nằm với Báo chí", dù ở trong Quân đội hay Chính quyền thời Việt Nam Cộng Hòa.

Thời kỳ vàng son nhất của ông được ghi ở hai ngành Truyền Thanh (Giám đốc Nha Truyền thanh Quốc gia 1964) và Tổng Giám đốc Việt Nam Thông Tấn Xã từ 1965 đến 1968.

Ở cả hai nơi này, ông đã đào tạo thành danh nhiều Nhà báo trẻ cho làng báo thời Việt Nam Cộng hòa cho đến tháng 4/1975, khi miền Nam rơi vào tay quân Cộng sản miền Bắc.

Ông và hai người em, Giáo sư-Ký giả Nguyễn Ngọc Phách và Giáo sư Văn chương qúa cố Nguyễn Ngọc Bích, cũng đã đóng góp rất nhiều trong nỗ lực đưa môn học Báo chí vào Đại học miền Nam trước 1975.

Cũng từ những tài năng mới xuất thân từ các trường Đại học này mà ông Nguyễn Ngọc Linh đã thổi vào làng báo thời bấy giờ một sinhkhí mới, không những trẻ trung mà, quan trọng hơn cả, là lối viết hấp dẫn, khúc chiết và mạch lạc của những ngòi bút mới.

Thuở ấy, lớp làm báo được mệnh danh là "đ itrước" chúng tôi ở Sài Gòn, tạm gọi là thời "tiền Nguyễn Ngọc Linh", là thời của "những người viết báo kể chuyện" và lạc hậu. Lớp gìa chúng tôi ngày ấy và lớp "đàn anh của chúng tôi" đi trước đã dắt díu nhau vào làng báo qua quen biết hay bạn bè.

Chúng tôi và phần đông những lớp trước, chưa hề bao giờ được huấn luyện làm báo ở nhà trường.

Thời của chúng tôi, nếu biết viết văn trôi chảy và biết cấu kết câu chuyện là có thể thành ký giả lúc nào cũng được. Vì vậy đã có nhiều Phóng viên trở thành Nhà văn và ngược lại, Nhà Thơ cũng có thể làm Phóng viên được !

Đối với ông Nhà báo chuyên nghiệp Nguyễn Ngọc Linh thì khác. Ông là người rất minh bạch. Ký giả không thể lẫn lộn với Tài tử hay nhà Thơ muốn "đi khuya về sớm" lúc nào cũng được. Anh phải được huấn luyện viết lách theo "tiêu chuẩn của báo chí Quốc tế" ; phải biết viết hấp dẫn người đọc ngay từ hàng chữ đầu tiên theo mô hình tam giác ngược, nghĩa là "lớn" trước, "bé sau" chứ không thể đầu đuôi lộn tùng phèo không biết đâu mà mò.

Rất tiếc, khi làng báo miền Nam bắt đầu chuyển hướng từ "nhà quê ra tỉnh" thì quân Cộng sản chiếm miền Nam, bóp chết đi một thế hệ nhà báo mới xuất thân từ "cuộc cách mạng Nguyễn Ngọc Linh".

Dù vậy, nếu ta nhìn vào báo chí của người Cộng sản trong nước bây giờ, dầu được tô vẽ là "báo chí cách mạng", họ cũng vẫn lạc hậu, một chiều và không có tự do như báo chí miền Nam trước đây.

Trong niềm hãnh diện này, tên Nhà báo Nguyễn Ngọc Linh đã chiếm một góc trong lịch sử.

Phạm Trần

(14/04/2017)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Trần
Read 591 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)