Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/04/2020

Giá dầu thế giới giảm ảnh hưởng Việt Nam ra sao ?

Diễm Thi

Ảnh hưởng về kinh tế

Giá dầu thô WTI lần đầu rơi xuống mức -37,63 USD/thùng hôm 21/4 là giá thấp kỷ lục trên thế giới. Giá dầu âm như vậy nghĩa là các nhà sản xuất phải trả tiền cho người mua chỉ để lấy thùng dầu ra khỏi kho dự trữ. Việc này nghe có vẻ vô lý nhưng thực tế việc đóng cửa hoặc mở lại một giếng khoan dầu tốn chi phí hơn nhiều lần. Các nhà máy lọc dầu cũng đang mất tiền thuê chỗ chứa cho lượng dầu họ chế biến ra. Nếu các nhà máy lọc dầu ngừng hoạt động , nhiều nhà sản xuất sẽ không thể xuất khẩu dầu thô.

giadau1

Công nhân vận hành một đường ống tại kho xăng dầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh) - AFP

Việc giá dầu thế giới xuống tới mức kỷ lục như vậy ảnh hưởng gì tới Việt Nam khi Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô và nhập khẩu xăng dầu thành phẩm ?

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương nói với RFA :

"Việc giá dầu giảm kỷ lục tới mức giá âm ảnh hưởng khá lớn đến kinh tế Việt Nam vì Việt Nam vẫn khai thác dầu để thu ngoại tệ. Sự phụ thuộc vào dầu của Việt Nam giảm đáng kể. Thời cao nhất dầu khí có thể đóng góp đến 20% nguồn thu ngân sách, bây giờ chỉ còn khoảng 7 hoặc 8% thôi. Giá dầu giảm thì ảnh hưởng nguồn thu ngân sách từ bán dầu. Có thể công ty dầu khí Việt Nam sẽ không chịu được giá này vì càng khai thác sẽ càng lỗ.

Mặt khác, giá dầu giảm thì các nguyên liệu xăng dầu cũng giảm, các sản phẩm làm ra từ dầu như sợi tổng hợp cũng giảm. Điều đó sẽ thuận lợi cho nền kinh tế Việt Nam. Làm giảm chỉ số giá cũng như giảm giá thành các mặt hàng nhập khẩu nguyên vật liệu từ dầu, thí dụ như hạt nhựa, sợi tổng hợp, các mặt hàng khác…"

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng cho rằng, ảnh hưởng rõ nhất là giá điện sẽ giảm. Giá điện và xăng dầu giảm sẽ tác động lớn đến kinh tế Việt Nam. Ông giải thích :

"Việt Nam vừa có xuất lại vừa có nhập. Nếu xuất giá rẻ thì lại bị thiệt. Dầu cho điện trong giai đoạn này chưa cần đến. Những năm trước thì những tháng này trong nước thiếu điện sản xuất từ thủy điện nên phải dùng dầu để bổ sung thì giá điện sẽ tăng lên. Nếu giá dầu rẻ thì có lợi cho ngành sản xuất điện. Còn về kinh tế quốc dân thì nó lại có bài toán khác".

Với cái nhìn của một doanh nghiệp vận tải nhỏ, ông Minh Đức chia sẻ rằng, mùa dịch Covid-19 ảnh hưởng đến thu nhập của doanh nghiệp rất nặng nề, mất gần 80% doanh thu từ Tết đến nay. Giá xăng dầu giảm là một cứu cánh cho ông. Ông chia sẻ :

"Ở Việt Nam có đến khoảng 80% người dân sử dụng xe gắn máy. Giá xăng dầu giảm thì có lợi cho người dân và tui ủng hộ.

Khách quan mà nói, khi kinh doanh vận tải, giá xăng dầu giảm mạnh mà giá dịch vụ giảm không đáng kể thì tụi tui cũng có lợi. Ví dụ hôm qua tôi chạy muốn chuyến xe du lịch, cả đi cả về tốn chưa đến 200 ngàn đồng tiền xăng dầu. Như vậy chi phí xăng dầu chưa đến 20% tiền doanh thu.

Tôi vừa nghe VTV nói là với mức độ giảm giá xăng dầu như hiện nay, Bộ Công thương và Chính phủ sẽ cân nhắc xem xét việc giảm giá xăng dầu trong nước từ nay đến cuối tháng 4. Tức là từ nay đến cuối tháng 4 sẽ quyết định có giảm hay không. Theo tôi đó là động thái tốt".

Theo ông Đức, giá xăng trong nước khó giảm theo kỳ vọng của người tiêu dùng, bởi một lít xăng cõng theo nó đủ thứ thuế, phí mà người dân chỉ nghe và phải chấp nhận. Chưa bao giờ Nhà nước công khai minh bạch những khoản thu, chi này.

Hiện cơ cấu giá xăng được cộng thêm nhiều khoản, gồm giá CIF tính thuế ; thuế nhập khẩu (10%) ; thuế giá trị gia tăng (10%) ; thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON95 và 8% với xăng E5) ; thuế bảo vệ môi trường (4.000 đồng) ; chi phí định mức kinh doanh (1.050 đồng/lít với xăng RON95 và 1.250 đồng/lít với xăng E5) ; lợi nhuận định mức (300 đồng) và trích quỹ bình ổn (300 đồng).

Việt Nam có thể làm gì ?

Theo báo cáo quý 1 của Bộ Công thương, lượng dầu thô khai thác trong 3 tháng đầu năm giảm gần 11%. Tuy nhiên, nhập khẩu dầu thô tăng gần 68% và tồn kho sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng hơn 47%.

Có nhiều ý kiến cho rằng, khi giá xăng dầu xuống thấp thì Nhà nước nên mua dự trữ, hoặc người dân bỏ tiền ra mua rồi dự trữ trong kho của chính phủ. Khi giá dầu lên, chính phủ mua lại của dân theo giá thị trường…

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định :

"Có lẽ cách tốt nhất là tạm thời không khai thác và mua dầu về dự trữ hết công suất chứa của Việt Nam. Khi nào giá dầu lên cao thì sử dụng kho dầu dự trữ hoặc bán để lấy lời. Tuy vậy việc này lại sử dụng lượng ngoại tệ khá lớn. Điều này cũng cần phải cân nhắc khả năng chi trả ngoại tệ của Việt Nam có cho phép trữ một lượng dầu lớn hay không".

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm lại nêu một trở ngại khác, đó là kho chứa. Ông giải thích nguyên tắc dự trữ năng lượng ở Việt Nam :

"Theo tôi thì dự trữ quốc gia có quy định 60 ngày, tức là người ta tính trong một ngày sử dụng cho giao thông bao nhiêu, sử dụng cho quốc phòng bao nhiêu. Nếu có sự cố chiến tranh hay thiên tai mà không chở dầu về được thì bồn dầu dự trữ phải đủ sử dụng 60 ngày để bảo đảm an ninh trong nước.

Cái khó là muốn dự trữ thêm xăng dầu thì phải có kho chứa phù hợp. Kho chứa ở Việt Nam chỉ có hạn. Nếu bây giờ muốn chứa thêm thì phải xây thêm mà xây thêm thì liệu có kinh tế không ?"

Vào ngày 10/4 vừa qua, Tập đoàn Dầu Khí Quốc gia Việt Nam (PVN) kiến nghị chính phủ Hà Nội tạm dừng nhập khẩu xăng dầu để ưu tiên sử dụng xăng, dầu đang tồn kho nhiều tại hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất của Việt Nam.

Giá bán lẻ xăng dầu của Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) vào ngày 21/4 chưa có gì thay đổi, vẫn là giá của ngày 13/4. Cụ thể, giá xăng A95 dao động 11.930 - 12.160 đồng/lít, xăng E5 11.340 - 11.560 đồng/lít, dầu diesel 10.820 - 11.030 đồng/lít, dầu hỏa 8.630 - 8.800 đồng/lít.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 21/04/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Diễm Thi
Read 505 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)