Những ngày tháng 4 của 45 năm về trước (1975-2020), chúng tôi đang hành nghề luật sư tại Sài Gòn (nghề tự do, nên không phải đi tù ‘tập trung cải tạo’ sau 30/4-75). Còn hiền thê của tôi thì đang làm tại một cơ quan của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (Việt Nam Cộng Hòa), song ngân sách trực thuộc tòa Đại sứ Hoa Kỳ, nên lương bổng khá cao so với công chức Việt Nam tương đương lúc bấy giờ. Vì thế gia đình các nhân viên cơ quan này, nếu muốn, đều được cho di tản ra đảo Phú Quốc bằng máy bay, trước ngày chế độ Việt Nam Cộng Hòa bị cưỡng tử vào ngày 30/4/1975.
Sau này được biết, tất cả gia đình nhân viên di tản, đã được máy bay Hoa Kỳ đưa tới đảo Guam, nhập cảnh thẳng vào Mỹ.
Nha Trang, 27 tháng Ba, 1975. (AP Photo/Nick Ut)
Thế nhưng gia đình chúng tôi bị kẹt lại vì hai lý do (1) tôi nhận định và đánh giá diễn biến tình hình sai (2) và do tôi chống lại ý muốn di tản của vợ tôi do một định kiến với người Mỹ, đúng ra là với chính quyền Mỹ.
Nhớ lại, vào những ngày đầu tháng 4/1975, tại văn phòng chúng tôi tập sự luật sư ba năm với các luật sư Lý Quốc Sỉnh, Trần Tân Thái và Mai Văn Đại ở số 36 Phạm Hồng Thái, Quận Nhì Sài Gòn. Tại đây đôi khi thày trò đã có những cuộc bàn luận có nên di tản hay không. Thầy trò (trừ luật sư Mai Văn Đại, từng là Thứ trưởng thông tin Nội các Nguyễn Cao Kỳ, di tản sớm, có lẽ biết rõ tình hình, hiện đang sống tại Hoa Kỳ) đều có nhận định chung như nhiều người lúc đó, rằng Mỹ không thể bỏ Việt Nam vì đã đầu tư quá nhiều tài lực, nhân lực cho cuộc chiến ngăn chặn sự bành trướng của cộng sản tại Việt Nam. Maître (thầy) Trần Tân Thái lúc đó cho rằng nếu Mỹ có bỏ thì cũng còn lâu. Vì ở Kamphuchia yếu hơn Việt Nam Cộng Hòa mà còn cầm cự được vài ba năm mới sụp đổ. Nhưng nếu lỡ kẹt lại, sống không nổi dưới chế độ cộng sản, thì tìm đến ‘nơi không còn chiến tranh, không hận thù’ (ý nói tự tử chết là cùng. Thực tế, sau gia đình Luật sư Thái vượt biên qua Mỹ, nay đã mất)…
Thành ra, trong khi nhiều người xôn xao, chạy đôn chạy đáo, tìm đường di tản, chúng tôi ngày ngày vẫn khoác áo ra Tòa, chép hồ sơ, biện hộ cho các thân chủ ; vẫn nhận giấy tờ hộ tịch, bằng cấp của những người chuẩn bị di tản để đưa các thông dịch viên hữu thệ tại Tòa chuyển dịch ra tiếng Mỹ, tiếng Pháp… Còn vợ tôi lúc đó mới sinh con đầu lòng vào ngày 7/4/1975 ở nhà bảo sanh tư Đức Chính trên đường Cao Thắng, quận 3 Sài Gòn. Một vài ngày sau, từ nhà bảo sanh này, chúng tôi nhìn thấy nhiều người đổ xô ra đường nhìn về hướng có tiếng nổ và cột khói bốc cao bàn tán, thắc mắc không biết chuyện gì. Sau này mới biết đó là cuộc ném bom vào dinh độc lập của phi công Nguyễn Thành Trung, Việt cộng nằm vùng trong không quân Việt Nam Cộng Hòa thực hiện.
Sau ba ngày sinh con, tôi đã đưa vợ con mới sinh về sống tại nhà cha mẹ vợ trên đường Tô Hiến Thành, Quận 10, Sài Gòn cho bên ngoại tiện chăm sóc. Khoảng hơn một tuần sau, bất chấp thời kỳ ở cữ, vợ tôi đã phải đến sở làm liên lạc thì được biết nhiều gia đình nhân viên đã được máy bay chở ra Phú Quốc. Vợ tôi về báo và năn nỉ tôi phải di tản, dù con mới sinh chưa đầy tháng. Nhưng lúc đó tôi đã cự tuyệt, do đánh giá sai tình hình cũng có, mà do thâm tâm tôi từ lâu có định kiến ‘chống Mỹ’, không phải để ủng hộ Việt cộng, mà chỉ vì bất bình việc Hoa Kỳ đã ngày càng vi phạm chủ quyền quốc gia Việt Nam Cộng Hòa, làm mất chính nghĩa chống cộng của chính quyền và nhân dân Miền Nam Việt Nam (Sau này khi hoạt động trong Mặt Trận Nhân Quyền Việt Nam bị bắt cầm tù, tôi cũng nói rõ quan điểm này với công an chấp pháp (hỏi cung), rằng đôi lần tham gia biểu tình chống Mỹ, không phải với ý thức ủng hộ ‘cách mạng’). Vì vậy lúc đó tôi đã nói với vợ tôi câu này ‘qua Mỹ ăn bơ thừa sữa cặn của Mỹ à ? Giả như có kẹt lại thì có sao, Việt cộng cũng là người Việt Nam mà ?’. Thực tế đã không phải như vậy. Vì thế sau này, sống dưới chế độ Việt cộng khổ quá, vợ tôi vẫn hay nhắc lại câu nói của tôi như một trách cứ ‘thà ăn bơ thừa, sữa cặn của Mỹ mà được sống tự do, còn hơn là phải ăn độn ngô khoai, sắn, lại mất tự do’.
Chính vì nhận thức sai lầm do định kiến, nên tôi đã không quan tâm đến nỗi khổ và công khó của vợ tôi trong những ngày tháng tư năm xưa. Vợ tôi dù mới sinh, vẫn phải chạy đi chạy lại liên lạc với sở làm cho đến hạn chót, để biết tình hình. Khi thấy không thể thuyết phục được chồng, dù cả bằng nước mắt, nàng đã phải đến Tòa Đại sứ Hoa Kỳ lãnh tiền thâm niên được khoảng $1000. Sau đó vợ tôi đưa cho người dì ruột chuẩn bị cùng gia đình vượt biên rất sớm, trong những ngày đầu sau ‘giải phóng’, để được đưa lại 3 cây vàng ; nhờ đó bán dần vượt khổ, vượt khó trong những tháng năm đầu sống dưới chế độ mới, được dân gian ca dao hóa ‘Lao động là vinh quang, lang tháng thì chết đói, hay nói thì ở tù, lù khù đi kinh tế mới !’.
Sau khi lãnh tiền thâm niên. Nơi làm việc của vợ tôi thì đã đóng cửa sau hạt chót di tản gia đình nhân viên ra Phú Quốc, qua đảo Guam đến Hoa Kỳ (môt số gặp lại đang sống ở Houston, TX, Hoa Kỳ).Vợ tôi lại năn nỉ tôi theo người anh con bác ruột có ghe từ Phan Thiết chạy về Sài Gòn đang chuẩn bị ra khơi vượt biên (hiện đang sống tại New Orleans, Louisiana). Nhưng tôi vẫn không nghe. Sau này vợ tôi kể lại,ông anh này nói cứ đem con đi theo gia đình anh, rồi tôi sẽ tìm đường đi sau. Nhưng vì sợ chia lìa, gia đình phân tán, nên nàng đã không nghe theo.Cảm ơn Thượng Đế, nếu không thì tình cảnh gia đình tôi nay đã khác ; tương tự như nhiều gia đình vợ chồng kẻ ở lại, người di tản…
Trong khi tình hình xã hội, chính trị và quân sự biến chuyển rất nhanh. Thủ đô Sài Gòn tập trung đông đảo những quân dân, cán chính Việt Nam Cộng Hòa từ các tỉnh Miền Trung, cao nguyên Trung phần đổ về sau quyết định của Tổng thống Thiệu ‘di tản chiến thuật’, rút khỏi Quân Đoàn I, rồi Quân Đoàn II ; với tốc độ rút quân nhanh hơn tốc độ tiến quân của Việt cộng, đến độ đối phương không có người và cũng không cần người tiếp quản.Rốt cuộc ‘Di tản chiến thuật’ trên thực tế đã trở thành một cuộc tháo chạy tán loại, góp phần làm chế độ sụp đổ nhanh hơn.
Tại Sài Gòn, người ta chạy đôn chạy đáo tìm đường di tản bằng đường biển thì ra bến Bạch Đằng để chen lấn nhau lên các tàu hải quân hay tàu dân sự ; bằng hàng không thì kéo vào sân bay Tân Sơn Nhứt, bất chấp pháo kích của Việt cộng để ngăn cản di tản ; như họ từng dùng mọi cách, dù tàn nhẫn, để ngăn cản người dân Miền Bắc di cư lánh nạn cộng sản vào Miền Nam sau Hiệp định Genève 1954 chia đôi đất nước. Nghe nói, một máy bay chở những đứa trẻ con lai đã bị nổ tung khi vừa cất cánh, không biết do trúng pháo kích hay do đặc công Việt cộng đặt chất nổ ?
Sài gòn những ngày Tháng Tư năm 1975 như cảnh chợ chiều, đầy hỗn loạn, như rắn mất đầu. Người dân hoang mang lo sợ về một tương lai vô định. Các quan chức chính quyền, tướng tá quân đội có điều kiện thì mạnh ai nấy đã tìm đường di tản sớm, muộn bằng mọi cách.
Người lãnh đạo cao nhất chế độ Việt Nam Cộng Hòa là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, dưới áp lực của Mỹ, đã từ chức muộn màng vào ngày 5/4/1975, trao quyền cho Phó Tổng thống Trần Văn Hương với lời hứa trở lại vị trí chiến đấu bên cạnh binh sĩ. Nhưng ngày 21/4/1975, trước khi kịp lưu vong, ông Thiệu đã đọc một bài diễn văn trên truyền thanh truyền hình gay gắt tố cáo muộn màng Hoa Kỳ phản bội đồng minh. Tổng thống Trần Văn Hương cử Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Bá Cẩn thành lập chính phủ tồn tại ít tuần lễ.
Trước áp lực tình thế, ngày 28/4/1975, Tổng thống Trần Văn Hương, được lưỡng viện quốc hội Việt Nam Cộng Hòa cho phép cử Đại tướng Dương Văn Minh làm Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện Luật sư Nguyễn Văn Huyền là Phó Tổng thống, ngoài dự liệu của Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa. Gíáo sư Vũ Văn Mẫu được cử làm Thủ tướng thành lập ‘chính phủ hòa giải dân tộc’.
Như để chứng tỏ chính phủ mới hoàn toàn độc lập với Hoa Kỳ, Thủ tướng Mẫu đã ra lệnh cho tất cả người Mỹ phải rời khỏi Việt Nam trong 48 giờ. Đồng thời ra lệnh thả hết các tù nhân chính trị, hầu hết là Việt Cộng. Thế nhưng, những động tác giả này cũng chỉ giúp chính phủ Vũ Văn Mẫu tồn tại không quá 3 ngày : chiếc xe tăng đầu tiên của cộng sản Bắc Việt đã ủi sập cổng dinh Độc Lập lúc 11g30 ngày 30/4/1975, tiến vào đại sảnh, nơi mà Tổng thống Dương Văn Minh trịnh trọng giới thiệu : "Toàn thể chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đều có mặt đợi các ngài đến để bàn giao chính quyền". Nhưng đã được một cán bộ Việt cộng trả lời : "Các ông còn gì nữa để bàn giao ! Các ông phải đầu hàng vô điều kiện !".
Khi đọc những lời tường thuật trên đây, người bàng quan không khỏi cảm thấy tội nghiệp cho tướng Dương Văn Minh, khi thấy lịch sử dường như đã luôn chọn ông làm công việc "Khai sơn phá thạch", nôm na là làm công việc lót đường để cho kẻ khác gặt hái thành quả. Tướng Minh đảo chánh Tổng thống Diệm, khai tử Đệ nhất Việt Nam Cộng Hòa, để tướng Nguyễn Khánh làm Thủ tướng, rồi Nguyễn Văn Thiệu lên làm Tổng thống. Nay nhận lãnh làm Tổng thống 3 ngày để bàn giao chính quyền Đệ nhị Việt Nam Cộng Hòa cho Cộng sản Bắc Việt… có phải chỉ là kẻ lót đường cho kẻ khác gặt hái thành quả trên lưng mình ?
Phần chúng tôi, dù bị kẹt lại sau ngày 30/4/1975, nay cuộc chiến Quốc-Cộng kết thúc 45 năm rồi, nhưng không cảm thấy ân hận vì bị kẹt lại, dù có cơ hội di tản rất sớm và an toàn. Vì trong cái rủi cũng có cái may, với cá nhân tôi và gia đình cũng như nhiều gia đình, người Việt Nam khác.
Với cá nhân, là nhờ kẹt lại hơn 17 năm (1975-1992) tôi mới có cơ hội trải nghiệm để biết rõ chế độ độc tài toàn trị cộng sản từ lý luận đến thực tiễn. Để hiểu rõ vì sao người ta coi cộng sản là một hiểm họa và vì sao người ta sợ hãi và tìm mọi cách, bằng mọi giá, kể cả mạng sống, để trốn chạy chế độ cộng sản ; không chỉ ở Việt Nam mà ở bất cứ nước nào không may có chế độ cộng sản.
Đồng thời cũng từ đó và nhờ đó tôi được nếm đủ mùi đời, có thêm nhiều chất liệu sống trong và ngoài nhà tù của chế độ mệnh danh ‘Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’ để viết bao lâu nay ; như kinh nghiệm sống, hữu ích cho những ai còn mơ hồ hay muốn biết thực chất cũng như thực tế chế độ xã hội chủ nghĩa, giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản mà đỉnh cao là ‘Thiên đường cộng sản’ là gì ?
Mặt khác, với cá nhân tôi, đến Hoa Kỳ năm 1992 theo diện đoàn tụ gia đình, sau 27 năm được sống trên đất nước này, tôi đã thấy nhận thức sai lầm trước đây về nước Mỹ do định kiến với chính quyền Mỹ thời chiến tranh Quốc-Cộng tại Việt Nam (1954/1975). Thực tế gia đình chúng tôi cũng như tất cả những người Việt Nam di tản, vượt biên hay đến Mỹ bất cứ cách nào, đã được định cư trên đất nước này, không hề phải ‘ăn bơ thừa sữa cặn của Mỹ" như tôi lầm tưởng trước đây. Tất cả được ăn, được hưởng tất cả những gì mà người bản xứ được ăn, được hưởng một cách tự do, bình đẳng trên mọi lãnh vực đời sống, sinh hoạt xã hội về pháp lý cũng như thực tế.
Sau cùng, trong cái rủi, có cái may lớn nhất cho đại thể là nhờ ‘Việt cộng giải phóng Miền Nam’ mà đã có thực tế kiểm nghiệm nhận định của tướng độc nhãn Moise Dayan, Bộ trưởng Quốc phòng Do Thái, phát biểu sau một chuyến thăm chiến trường Miền Nam ; cũng như Sir Thompson, cố vấn về du kích chiến cho quân đội Hoa Kỳ đang chiến đấu tại Việt Nam, đại ý rằng ‘muốn chiến thắng Việt cộng, chỉ còn cách cộng sản hóa Việt Nam’. Thực tế, sau khi chế độ cộng sản Bắc Việt cộng sản hóa cả nước, quả thật nhiều người Việt Nam mới tỉnh ngộ và các thế hệ con cháu chúng ta mới được đổi đời.
Sự đổi đời xuất phát từ thay đổi môi trường sống. Từ phải sống trong một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, với chế độ độc tài toàn trị cộng sản, ở tầng đáy của nền văn minh nhân loại ; con cháu nhiều thế của chúng ta nay đã và đang dược sống trên một đất nước giàu mạnh, với chế độ dân chủ pháp trị bậc nhất, ở thóp đỉnh của nên văn minh nhân loại.
Đồng thời, ngoài con cháu giai cấp cán bộ đảng viên cộng sản cầm quyền, ngày nay nhiều con cháu dân thường trong nước, đã có cơ hội du học tại Hoa Kỳ và các nước dân chủ văn minh khác trên thế giới, đã và đang góp phần làm tiêu vong từng bước chế độ độc tài toàn trị ‘Đỏ vỏ, Xanh lòng’ để mau kết thúc tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Vì đó là chiếu hướng phát triển tất yếu của thực tiễn và lịch sử Việt Nam, không thể đảo ngược.Việt Nam sớm muộn nhất định phải có tự do, dân chủ theo đúng ý nguyện của quốc dân Việt Nam.
Tháng 4 năm 2020
Thiện Ý
Nguồn : VOA, 22/04/2020