Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/04/2020

Tập Cận Bình bị lộ tẩy trong chiến dịch ngoại giao khẩu trang

Hoàng Lan, Thụy My

Ngoại giao Trung Quốc thời viêm phổi Vũ Hán : ‘mất bạn thêm thù’

Hoàng Lan, Thoibao.de, 26/04/2020

Không thành công như ‘ngoại giao bóng bàn’ những năm 70, chiến dịch ngoại giao thời Covid-19 của Trung Quốc trong đó có ‘ngoại giao khẩu trang’ của Trung Quốc không những không hoàn thành nhiệm vụ được giao là làm thế giới quên đi trách nhiệm của Bắc Kinh trong việc để bùng phát dịch bệnh ra toàn cầu mà còn làm méo mó thêm hình ảnh Trung Quốc vốn đã không đẹp đẽ trong cộng đồng quốc tế.

vuhan1

Khẩu trang, dụng cụ xét nghiệm kém chất lượng đã không mang lại khúc ca khải hoàn của cho Bắc Kinh. Từ khắp nơi trên thế giới, từ Châu Á đến Châu Âu xuống Châu Phi, cái nhãn Made in China một lần nữa khiến người tiêu dùng ngán ngẩm.

Tại Châu Âu, hàng loạt các nước lên tiếng về chất lượng hàng Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn.

Hàng loạt lô hàng y tế và bộ kit xét nghiệm mà Trung Quốc gửi tới các quốc gia khác bị xác định kém chất lượng.

Chính phủ Hà Lan hồi tháng 3 đã thu hồi 600.000 khẩu trang FFP2, tức phân nửa lô hàng 1,3 triệu chiếc được Trung Quốc giao hôm 21/3/2020 vì không đạt chất lượng.

Thứ Năm 26/3, chính quyền Tây Ban Nha rút lại 58.000 bộ xét nghiệm của công ty Trung Quốc Shenzhen Bioeasy Biotechnology vì độ tin cậy chỉ có 30%.

Thủ tướng Slovakia Igor Matovic phàn nàn 1,2 triệu bộ xét nghiệm kháng thể nước này mua từ Trung Quốc có chất lượng kém.

Chính quyền Cộng hòa Czech cho biết 30% trong số 300.000 bộ xét nghiệm nhanh mua từ Trung Quốc bị hỏng.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng lên tiếng chỉ trích chất lượng của hàng hóa y tế Trung Quốc.

Mới đây, ngày 8/4, các nhà chức trách Phần Lan phát hiện ra rằng lô khẩu trang y tế và mặt nạ phòng độc nhập từ Trung Quốc không đáp ứng được các tiêu chuẩn bảo vệ chống lại virus corona để sử dụng trong môi trường y tế.

"Tất nhiên chuyện này khiến chúng tôi hơi thất vọng", AFP dẫn lời quan chức Bộ Y tế Phần Lan Kirsi Varhila phát biểu trong cuộc họp báo.

Tại sân nhà, Châu Á, tình trạng hàng Trung Quốc kém chất lượng cũng gây thất vọng cho các quốc gia trong châu lục. Đặc biệt, hồi đầu tháng 4, Trung Quốc được cho là đã gửi khẩu trang làm từ vải đồ lót đến Pakistan thay vì khẩu trang N95 như đã hứa để giúp quốc gia Nam Á này đối phó dịch Covid-19.

Trong đoạn video phát trên kênh truyền hình News Break TV có trụ sở tại Lahore - thủ phủ của tỉnh Punjab, người ta nghe được giọng của một phóng viên : "Trung Quốc đã liên lạc với chúng tôi. Họ nói sẽ gửi khẩu trang N95 đến chính quyền tỉnh Sindh nhưng cuối cùng lại gửi khẩu trang làm bằng vải đồ lót. Lãnh đạo tỉnh Sindh chưa kiểm tra đã vội vã gửi khẩu trang đến các bệnh viện. Các bác sĩ và y tá tuyên bố khẩu trang này là một trò đùa".

Cuối tháng trước, Trung Quốc đã đề nghị Pakistan mở cửa biên giới giữa hai nước trong một ngày để cung cấp thiết bị y tế giúp Pakistan chống lại đại dịch Covid-19. Đại sứ quán Trung Quốc trong một lá thư gửi Bộ Ngoại giao Pakistan cho biết chính quyền khu tự trị Tân Cương muốn tặng một lô vật liệu y tế cho vùng Gilgit-Baltistan - lãnh thổ cực Bắc của Pakistan.

Theo bức thư, chính quyền Tân Cương tặng 200.000 khẩu trang thông thường, 2.000 khẩu trang N95, 5 máy thở, 2.000 bộ dụng cụ xét nghiệm và 2.000 quần áo bảo hộ y tế cho các bác sĩ và nhân viên y tế.

Tuy nhiên, "hàng viện trợ y tế chất lượng cao" mà Trung Quốc tuyên bố lại là khẩu trang N95 "làm bằng áo ngực phụ nữ", không giúp ích gì cho Pakistan. Một nữ phát thanh viên dẫn chương trình của Kênh Tin tức Pakistan khi đưa tin đã tức giận hét lên "China ne chuna laga diya", nghĩa là "Trung Quốc thực sự đã lừa dối chúng ta"…

Đoạn video về phát biểu của nữ MC truyền hình trên đây được chia sẻ trên Twitter, đã gây nên phản ứng mạnh mẽ. Có người dùng internet để lại lời bình "Chúng tôi cần khẩu trang, không phải áo ngực".

Một quan chức cấp cao Nepal cho biết Chính phủ Nepal gần đây cũng đã hủy bỏ một thỏa thuận ký với một công ty tư nhân Trung Quốc sau khi nhận thấy các thiết bị y tế của họ có chất lượng dưới tiêu chuẩn.

Tại Châu Phi, nơi mà Trung Quốc đã đổ hàng tỉ USD để có thêm bạn bè và tăng tầm ảnh hưởng tại các tổ chức đa phương như Liên Hiệp Quốc hay Tổ chức Y tế Thế giới, cách xử lý trong cuộc chiến chống Covid-19 liên quan đến công dân Châu Phi tại Trung Quốc và vấn đề giảm gánh nặng nợ cho lục địa đen đang khiến vị thế ngoại giao của Bắc Kinh bị lung lay.

Một nhóm các đại sứ Châu Phi ở thủ đô Bắc Kinh mới đây đã viết thư gửi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị để khiếu nại về việc công dân từ Togo, Nigeria và Benin sinh sống ở thành phố Quảng Châu (thủ phủ tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc) bị đuổi ra khỏi nhà và bị buộc xét nghiệm Covid-19. Một số người thậm chí còn bị yêu cầu cách ly một mình trong khách sạn.

Vụ việc đã gây ra sự bất bình trên khắp Châu Phi cũng như trong cộng đồng những người di cư, dẫn đến cuộc "võ mồm" ngoại giao hiếm hoi giữa các quan chức Trung Quốc và Châu Phi, đồng thời phá vỡ truyền thống lâu đời của Châu Phi là không lên tiếng phản ánh những vấn đề gặp phải với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của lục địa đen. Vụ việc căng thẳng đến nỗi Đại sứ Trung Quốc tại Nigeria Zhou Pingjian bị triệu tập để làm rõ thông tin Bắc Kinh ngược đãi công dân đến từ các nước Châu Phi.

Vấn đề càng trở nên trầm trọng thêm khi Trung Quốc miễn cưỡng tán thành quyết định của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) nhằm cho phép các nước Châu Phi hoãn thanh toán nợ cho đến cuối năm nay, bất chấp lời kêu gọi xóa nợ cho các quốc gia trong khu vực của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Trong khi đó, Bắc Kinh đã vượt mặt Ngân hàng Thế giới trở thành "chủ nợ" lớn nhất của Châu Phi. Theo Sáng kiến ​​Nghiên cứu Trung Quốc - Châu Phi thuộc Trường nghiên cứu quốc tế tiên tiến Johns Hopkins (Mỹ), Chính phủ và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã cho Châu Phi vay hơn 150 tỉ USD trong giai đoạn 2000-2018.

Dù không ai hy vọng Trung Quốc sẽ đánh mất vị trí là đối tác cho vay và thương mại song phương lớn nhất của Châu Phi, nhưng giới phân tích và giới ngoại giao Châu Phi nói rằng khả năng quan hệ Trung - Phi bị ảnh hưởng là khó tránh khỏi. "Rất nhiều căng thẳng hiện hữu trong quan hệ Trung - Phi. Tôi nghĩ đây chỉ là 2 trong số rất nhiều vấn đề tồn đọng trong quan hệ giữa đôi bên" - Cobus van Staden, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện các vấn đề quốc tế Nam Phi, cho biết.

Không những thế việc giới chức ngoại giao Trung Quốc ráo riết tung những tin đồn thất thiệt tại Châu Âu khiến cho hình ảnh nước này thêm phản cảm.

vuhan2

Bác sĩ nổi tiếng Ý Giuseppe Remuzzi đã phải lên tiếng sửa chữa thông tin mà Bắc Kinh bịa đặt về nguồn gốc virus từ Italie

Không chỉ Mỹ là nạn nhân của Trung Quốc khi nước này tung ra thuyết âm mưu rằng nCoV đã được các binh sĩ quân đội Mỹ đưa tới Trung Quốc, nước này còn đẩy nguồn gốc của đại dịch sang Châu Âu.

Sau khi truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rộng rãi rằng một nhà nghiên cứu nổi tiếng Italy đã nói nCoV có thể bắt nguồn từ nước này, không phải Vũ Hán, bác sĩ thận Giuseppe Remuzzi đã phải lên nhật báo Il Foglio để sửa chữa thông tin, khẳng định bình luận của ông bị bóp méo vì mục đích tuyên truyền.

Trong một loạt bài tiểu luận, nhà kinh tế học hàng đầu Hua Sheng đã cảnh báo Trung Quốc về việc lan truyền các thuyết âm mưu liên quan đến nguồn gốc virus. Ông kêu gọi Bắc Kinh dám đứng lên nhận trách nhiệm vì những gì đã xảy ra ở Vũ Hán. Ông phát biểu : "Vài người nói rằng nếu chúng ta tiến hành điều tra bên trong đất nước mình, chúng ta sẽ cung cấp cho người ngoài bằng chứng cũng như một công cụ giúp họ làm tổn hại đến lợi ích quốc gia. Nhưng tôi phải khẳng định mọi chuyện sẽ đi theo hướng hoàn toàn ngược lại".

Nhiều chuyên gia Trung Quốc cũng tỏ ra lo lắng về nguy cơ suy yếu hình ảnh với chiến lược ngoại giao hiện nay mà Bắc Kinh theo đuổi.

Tuy nhiên, Lucrezia Poggetti, học giả tại tại Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator ở Berlin, Đức, nhận định để giữ thể diện cho bộ máy lãnh đạo, rất ít khả năng Bắc Kinh sẽ thừa nhận sai lầm hoặc thể hiện một bộ mặt yếu kém trên trường quốc tế.

Nhưng nếu ngay cả khi các nhà ngoại giao Trung Quốc xử lý thành công cuộc khủng hoảng công chúng trong ngắn hạn, họ vẫn có thể gặp khó khăn trong việc chống lại những xu hướng dài hạn được hình thành trong đại dịch. Ví dụ các nước Châu Âu, bao gồm cả Pháp, Anh, Đức cùng Mỹ và Nhật Bản đang đánh giá lại mức độ phụ thuộc của họ vào Trung Quốc đối với những nguồn cung thiết yếu liên quan đến y tế và an ninh quốc gia.

Bên cạnh đó, cuộc vận động nơi hậu trường chính trường phương Tây của các quan chức Trung Quốc nhằm cố gắng thuyết phục họ công khai ca ngợi Bắc Kinh lại càng để lại ấn tượng xấu cho giới phương Tây.

vuhan3

Ảnh chụp màn hình email của Lãnh sự quán Trung Quốc tại Chicago gửi Chủ tịch Thượng viện Hoa Kỳ Roger Roth ngày 22/02/2020

Trung Quốc đang cố gắng mua chuộc sự ủng hộ của một thượng nghị sĩ từ tiểu bang Wisconsin. Nhưng trớ trêu thay, kết quả họ thu được lại là : các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã đưa ra một nghị quyết chỉ trích Bắc Kinh vì đã che giấu thông tin về sự bùng phát của dịch bệnh.

Ngày 26/3/2020, Chủ tịch Thượng viện Hoa Kỳ Roger Roth từ tiểu bang Wisconsin đã đưa ra một nghị quyết lên án Đảng cộng sản Trung Quốc vì đã cố tình dối lừa thế giới về sự bùng phát dịch bệnh ở Vũ Hán, khiến "dịch bệnh lây lan toàn cầu tạo thành đại dịch, một điều đã từ bao đời nay chưa xảy ra", nghị quyết viết.

Ông Roth nói rằng nghị quyết này là để đáp trả hành động của Lãnh sự quán Trung Quốc ở Chicago khi đã đề nghị ông thông qua một nghị quyết do Lãnh sự quán Trung Quốc soạn thảo - bao gồm các thông tin tuyên truyền và sai sự thật như : "Trung Quốc đã minh bạch và hành động nhanh chóng trong việc chia sẻ thông tin quan trọng về virus với WHO và cộng đồng quốc tế, do đó tạo ra một cửa sổ cơ hội để các quốc gia khác kịp thời ứng phó".

Tờ Die Welt của Đức ngày 12/4 trích dẫn một tài liệu mật của Bộ ngoại giao nước này cho biết, Trung Quốc đã vận động nhiều quan chức và nhân viên cấp cao trong chính phủ Đức để "ca ngợi cách thức ứng phó dịch bệnh của Bắc Kinh".

Bộ Ngoại giao Đức đã ra ra thông cáo yêu cầu tất cả các bộ ngành từ chối nỗ lực tiếp cận này. Tờ báo cũng dẫn một nguồn tin tình báo Đức cho biết : "Giới chức Trung Quốc đang theo đuổi chính sách tăng cường tuyên truyền thông tin liên quan đến cuộc chiến chống Covid-19 của nước này".

Giới chức ngoại giao Trung Quốc ở nước ngoài, những người được coi là đại diện cho quốc gia ở nước sở tại đã góp phần xây dựng hình ảnh một Trung Quốc ngày càng hung hăng, ngạo mạn.

Trong một bài bình luận đăng tải hôm 24/4, hãng tin AP cho biết bất cứ khi nào Trung Quốc bị cáo buộc không nhanh chóng ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan, các nhà ngoại giao của họ từ Châu Á đến Châu Phi, London đến Berlin, đều ngay lập tức phản ứng một cách kịch liệt.

Theo AP, họ thuộc thế hệ các nhà ngoại giao mới được mô tả là "Chiến binh Sói" - đặt theo tên bộ phim bom tấn theo chủ đề yêu nước.

Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, cách tiếp cận của các đặc phái viên Trung Quốc ở nước ngoài trở nên cứng rắn hơn. Bắc Kinh lúc này thúc giục các nhà ngoại giao của mình theo đuổi chính sách "ngoại giao nước lớn" nhằm tái khẳng định vị thế của một cường quốc toàn cầu.

Gần đây, Đại sứ Trung Quốc tại Thụy Điển Quế Tùng Hữu so sánh các nhà báo ở Thụy Điển giống "võ sĩ hạng nhẹ đòi đấu với võ sĩ hạng nặng Trung Quốc". Một phóng viên Thụy Điển trước đó viết bài về tác động của hệ thống chính trị lên phản ứng với dịch Covid-19 của chính quyền Bắc Kinh.

Một chuyên gia đến từ Trường Đại học Renmin (Trung Quốc), cảnh báo nước ông sẽ kiên quyết chống trả nếu bất cứ ai chĩa mũi dùi vào Trung Quốc về vấn đề này. Ông nói : "Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể nghĩ rằng nếu Trung Quốc không đáp trả, họ sẽ làm tổn thương Trung Quốc nhiều hơn nữa".

Vào tháng thứ tư của đại dịch, hình ảnh của Trung Quốc trên báo chí nước ngoài không mấy đẹp đẽ. Những từ ngữ thường thấy trong các bài viết về Trung Quốc luôn là "không tin tưởng", "nghi ngờ", "khả nghi"…

Chiến dịch ngoại giao của Trung Quốc trong đại dịch Covid-19 đã phản tác dụng. Bắc Kinh đã, đang và sẽ còn phải đối phó lâu dài với những hậu quả của chiến dịch đối ngoại đen tối này.

Hoàng Lan (Hà Nội)

Nguồn : Thoibao.de, 26/04/2020

********************

Ngoại giao khẩu trang của Trung Quốc đại bại

Thụy My, RFI, 24/04/2020

Theo nhà bình luận Alain Frachon của Le Monde, sau nhiều tuần lễ lũng đoạn và dối trá, Trung Quốc muốn trưng ra bộ mặt một siêu cường nhân từ. Tuy nhiên do Bắc Kinh lạm dụng thế mạnh của mình, nên gậy ông đã đập lưng ông.

khautrang1

Bốc dỡ hàng từ chiếc máy bay vận tải chở 7 triệu khẩu trang và nhiều trang bị bảo hộ từ Trung Quốc đến Warsawa, Ba Lan ngày 14/04/2020. © Maciek Jazwiecki/Agencja Gazeta via Reuters

"Ngoại giao khẩu trang" không làm thay đổi hình ảnh của Trung Quốc, chiến dịch này đã thất bại trong việc làm thế giới quên đi trách nhiệm của Bắc Kinh làm đại dịch lan tràn.

Sau nhiều tuần lễ vừa chối bỏ sự kiện, vừa nhào nặn thông tin, Trung Quốc đến cuối tháng Hai đã chuyển sang thế tiến côn, với tham vọng trưng ra bộ mặt nhân từ của một siêu cường. Bắc Kinh đã ngăn chận được con virus ở trong nước và nay ra tay cứu độ toàn thế giới. Bắc Kinh tự khen mình và, cùng với các container khẩu trang, còn xuất khẩu (lậu) tính "ưu việt" của hệ thống cai trị Trung Quốc.

Lẽ ra chiến dịch này phải thành công - cũng giống như với văn hóa Mỹ : trang phục jean, nhạc rock and roll, phim ảnh Hollywood và phim truyền hình nhiều tập mang hơi hướng dân chủ và quyền lực Hoa Kỳ. Còn đây là khẩu trang, dụng cụ xét nghiệm, máy trợ thở đi cùng với khúc khải hoàn ca của chế độ Bắc Kinh.

Tuy nhiên Trung Quốc đã thất bại, ít ra là với thế giới phương Tây. Vì sao ? Câu trả lời không có gì đáng ngạc nhiên với Tập Cận Bình, đó là tầm nhìn của chủ tịch Trung Quốc và cách thức mà ông ta cai trị.

Trung Quốc ỷ mình là nước duy nhất có khả năng cung cấp một số phương tiện thiết yếu chống lại virus corona, để tự tạo ra hình ảnh một người khổng lồ tử tế. Trước mặt Bắc Kinh là cả một đại lộ mà Donald Trump đã mở ra. Bất lực trước đại dịch, tổng thống Mỹ hoàn toàn muốn rút lui khỏi nhiệm vụ lãnh đạo thế giới. Nhưng Đảng cộng sản Trung Quốc đã quá lạm dụng ưu thế của mình. Dù là bậc thầy trong việc lợi dụng bất kỳ hành động nào để tuyên truyền, Bắc Kinh đã đi quá trớn.

Tuyên truyền một cách ngạo mạn

Hậu quả là vào tháng thứ tư của đại dịch, hình ảnh của Trung Quốc trên báo chí không mấy đẹp đẽ. Những từ ngữ thường thấy trong các bài viết về Trung Quốc luôn là "không tin tưởng", "nghi ngờ", "khả nghi"…

"Ngoại giao khẩu trang" đã gặp phải một số trục trặc. Nhưng bên cạnh một số chuyến hàng bị phát hiện là dỏm, còn kèm theo cung cách ngạo mạn dạy đời, chê bai các nền dân chủ phương Tây. Tóm lại, cùng với những chiếc khẩu trang được chờ đón, trong bao bì còn có các truyền đơn, và được dàn cảnh quá lố.

Bí mật dai dẳng về nguyên nhân thảm kịch Vũ Hán, một nửa sự thật, những con số thay đổi và khó tin – còn phải tính đến tất cả những điều này. Đồng thời chế độ Bắc Kinh còn trục xuất một số nhà báo Mỹ, tống giam những người dân Trung Quốc chỉ trích chính sách của Đảng cộng sản Trung Quốc trong hồ sơ này. Toàn bộ diễn ra trên cái nền dân tộc chủ nghĩa được thổi bùng lên.

Chiến dịch "ngoại giao khẩu trang" rầm rộ đã thu lượm được không bao nhiêu kết quả, thậm chí còn phản tác dụng. Liên Hiệp Châu Âu sẽ kiểm soát chặt chẽ đầu tư của Trung Quốc vào châu lục. Ngành kỹ nghệ dược phẩm sẽ dịch chuyển nhiều nhà máy từ Trung Quốc trở về Châu Âu. Nhật Bản trợ giúp các công ty của mình chuyển sản xuất từ Hoa lục về Nhật hoặc các nước kế cận. Tại Washington, những người chủ trương tách rời kinh tế Mỹ với Trung Quốc đang thắng thế. Châu Phi chờ đợi xem Bắc Kinh có xóa nợ hay không. Và trầm trọng hơn, chừng như các tuyên bố chính thức của Bắc Kinh đã đặc biệt mất đi tính khả tín.

Tại sao lại thất bại như thế ? Trung Quốc có những nhà ngoại giao có năng lực. Ngành công nghiệp nước này đã nhanh nhạy cố gắng sản xuất khẩu trang, dụng cụ xét nghiệm và máy trợ thở. Bắc Kinh tỏ ra hào hiệp trong việc hỗ trợ New York và một số nước Châu Phi. Trung Quốc can đảm chống lại con virus ở Hoa lục. Chuyện gì đã xảy ra ?

Dấu ấn Tập Cận Bình

Tác giả Alain Frachon lý giải : từ đầu đến cuối, việc xử lý khủng hoảng Covid-19 mang nặng dấu ấn một Trung Quốc của Tập Cận Bình. Ông chủ tịch đã đặt trở lại Đảng cộng sản Trung Quốc làm trung tâm của xã hội, sự hiện diện của đảng được tăng cường khắp nơi : trong các trường trung tiểu học, đại học, cơ quan chính quyền và nền kinh tế (nơi mà lãnh vực quốc doanh được ưu tiên)… Khác với những người tiền nhiệm, ý tưởng về một cơ cấu chính quyền, một cơ quan chuyên môn hoạt động tương đối độc lập với Đảng cộng sản Trung Quốc là đi ngược lại với "tư tưởng Tập Cận Bình".

Theo ông Richard McGregor, một trong những chuyên gia giỏi nhất về Đảng cộng sản Trung Quốc trong cuốn sách gần đây nhất "Xi Jinping : The Backlash" thì đối với Tập Cận Bình, chính trị được đặt trên chuyên môn (kể cả về y tế, như đã diễn ra ở Vũ Hán) và thực tế.

"Tư tưởng Tập Cận Bình" được dấy động với các chiến dịch chấn chỉnh ý thức hệ, khoe khoang những ưu điểm của hệ thống cai trị Trung Quốc đồng thời ám chỉ rằng các chế độ tự do dân chủ đang suy tàn. Ở trong nước, cần đấu tranh chống "các ý tưởng thù địch phương Tây", còn với bên ngoài, phải ca ngợi ưu thế của "kinh nghiệm Trung Quốc".

Ngành ngoại giao không thoát khỏi chủ trương này. Trên các diễn đàn quốc tế, cung cách cai trị độc đoán cần phải có cùng tính chính đáng, nếu không là cao hơn so với dân chủ tự do ; đối kháng với phương Tây luôn nằm trong chương trình của Trung Quốc.

Tập Cận Bình tái áp đặt ý thức hệ lên Trung Quốc – theo nhà nghiên cứu Alice Ekman trong cuốn sách "Rouge vif. L’idéal communiste chinois" (tạm dịch "Đỏ sẫm, lý tưởng cộng sản Trung Quốc"). Theo Ekman, giai đoạn cực đoan về ý tưởng này đối với Tập Cận Bình không chỉ là phương tiện để tái khẳng định quyền lực của mình trong thời buổi kinh tế khó khăn, mà ông ta còn tin vào chủ thuyết mác-xít. Nếu việc xử lý khủng hoảng Covid-19 của Trung Quốc là thiếu thực tế và đôi khi phản tác dụng, đó cũng là do ông Tập thiên về lý tưởng.

Thụy My

Nguồn : RFI, 24/04/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Lan, Thụy My
Read 572 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)