Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/04/2020

Gỡ phong tỏa, đối mặt nhiều bất thường

Nguyễn Hà Hùng

Trước ngày Hà Nội gỡ bỏ "cách ly xã hội" cả tuần, hàng xóm rổn rảng, tay bắt, mặt mừng. Dịch chưa hết, nguy cơ virus biến thể, khắp nơi đã hô vang chiến thắng. Còn rất nhiều vấn đề lớn, đỉnh dịch có thể còn ở phía trước. Phải mất nhiều tháng, nếu quản lý tốt, mới quay về trạng thái bình thường. Mở cửa trở lại sẽ đối mặt nhiều bất thường, dấn thân, chấp nhận rủi ro và ưu tiên khắc nghiệt hơn.

phongtoa1

Áp phích nhắc nhở người dân phòng bệnh Covid-19 ở một khách sạn tại Hà Nội hôm 20/4/2020 - Ảnh minh họa - Reuters

Dấn thân nhiều hơn

Làm việc, học tập, sinh hoạt trong dịch bệnh là chẳng tiếc thân, ném mình vào rủi ro. Con người đối mặt nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn. Họ phải tiếp xúc gần, tiếp xúc nhiều lần, thời gian dài với nhiều người, nhưng không biết cần tránh những ai. Nhận dạng được người có khả năng lây nhiễm không dễ dàng. Bệnh chưa có thuốc chữa, bệnh viện không đủ máy thở, phải xét nghiệm nhiều lần.

Để không bị mất việc, người làm nhiều khi phải chấp nhận những điều khoản ngặt nghèo mà trước đây họ không đồng ý. Để "theo kịp chương trình", học trò và phụ huynh có thể phải chấp nhận thêm thiệt thòi mà trước đây họ không bằng lòng. Nguy cơ ốm bệnh và lây sang gia đình, cộng đồng gia tăng. Với mức sống của đa số người Việt Nam, tránh lây nhiễm cho người nhà vô cùng khó khăn.

Chấp nhận rủi ro cao hơn

Không được lựa chọn không gian, không được rút ngắn thời gian, không phải khó khăn lớn nhất. Vấn đề trước tiên là người làm, học sinh, người dân có bao nhiêu khẩu trang. Họ cần được thay đổi thường xuyên và tối đa bốn tiếng một lần. Chưa thấy kế hoạch khẩu trang của chính phủ. Ai đảm bảo họ vẫn được hưởng lương và không phải làm việc trong điều kiện mất vệ sinh ? Thiếu nhiều thông tin căn bản.

Chưa có tiêu chuẩn trường học an toàn chống dịch nào được trưng cầu ý kiến phụ huynh và học sinh. Chưa rõ ai, mức độ chịu trách nhiệm, nếu không đáp ứng các tiêu chuẩn đó. Bảo hiểm sức khỏe có thể chỉ là kỷ niệm của người quá cố. Rốt cuộc, người yếu thế hầu hết phải chấp nhận. Sao vội mừng đến thế ? Có lẽ, sinh tồn trong nghèo đói và toàn trị khuyến khích lối sống "giản dị", không cần biết và không quan tâm mình có những quyền gì.

Ưu tiên khắc nghiệt hơn

Trong phạm vi gia đình, khó nhất là quyết định cho trẻ em đến trường. Phụ huynh phải lựa chọn cho con "theo kịp chương trình" hoặc ở nhà. Những người không "theo chủ trương chung", nếu là thiểu số, gần như chắc chắn không tránh được sự công kích, thậm chí lăng nhục. Ở Việt Nam, dư luận là bầy đàn có xuất xứ, sẵn sàng xé xác. Ở trong nhà mình hóa ra cũng không dễ.

Đối với xã hội, người nghèo sẽ khó khăn hơn. Vì sẽ có nhiều người nghèo hơn. Nguồn lực của xã hội chia sẻ cho người nghèo (nếu có) vốn đã ít, lại càng teo tóp. Người nghèo và những người "cận nghèo" có xu hướng mạo hiểm hơn và trở nên liều lĩnh hơn. Một tất yếu của khủng hoảng, mật đã ít nay lại ít hơn, ruồi vốn đông nay còn đông gấp bội. Đừng nghĩ khó khăn không ảnh hưởng đến mình.

Bất luận sang – hèn, con người ra quyết định dựa vào các giá trị họ coi là quan trọng, niềm tin họ tôn thờ. Bố mẹ coi hạnh phúc của con quan trọng hơn của mình, liệu có sẵn sàng đương đầu với chỉ trích của đám đông ? Người nghèo có cơ hội lên tiếng ? Sẽ có những đánh đổi, hạ thấp mục tiêu, giành giật khốc liệt và bấp bênh hơn trước. "Chắc chắn" là một giá trị hiếm hoi không có gì chắn chắn và mong manh hơn bất cứ lúc nào.

Chẳng có ai muốn bệnh tật, thiếu đói và diễn biến bất thường. Nỗ lực vượt qua khủng hoảng cũng cần thái độ tích cực, tinh thần lạc quan. Nhưng trước hết, phải thu thập đủ thông tin, căn cứ vững chắc, các kết luận chuyên môn và trải nghiệm thực tiễn. Diễn biến bất thường, hoàn cảnh khó khăn, mâu thuẫn lợi ích, quan điểm sống… đòi hỏi những đôi mắt mở to hơn.

Khó khăn dồn con người vào tình thế bắt buộc phải dấn thân, chấp nhận rủi ro, các ưu tiên khắc nghiệt. Thoát khỏi tình trạng phong tỏa tuy là một tín hiệu tích cực, nhưng chưa thể coi đó là chiến thắng Covid-19. Không thể sinh hoạt như ngày thường. Đã bất chấp khoảng cách giao tiếp an toàn, tiếp xúc bừa bãi, lại còn hô khẩu hiệu là mơ ngủ đấy.

Đừng nghe "Ru mãi ngàn năm". Dở lắm !

Nguyễn Hà Hùng

Nguồn : RFA, 24/04/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Hà Hùng
Read 539 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)