Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Khả năng xảy ra xung đột trên eo biển Đài Loan

Tình hình trên eo biển Đài Loan đang diễn ra với các viễn cảnh đáng lo ngại. Các tàu chiến Trung Quốc đang bao vây và đe dọa Đài Loan. Máy bay chiến đấu Trung Quốc cũng liên tục xâm phạm không phận Đài Loan. Mặc dù nhiều chuyên gia cho rằng, sẽ là bất lợi cho Trung Quốc nếu tấn công Đài Loan lúc này, bởi vì, nói cho cùng nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, đây sẽ là sự tàn sát giữa những anh em trong một nhà ; đồng thời, cộng đồng quốc tế sẽ phản ứng bằng cách cô lập Trung Quốc, điều này sẽ khiến Trung Quốc gặp bất lợi.

dailoan1

Cờ Trung Quốc và cờ Đài Loan và hình máy bay chiến đấu - Reuters

Tuy nhiên, thái độ thù địch của Bắc Kinh ngày càng dâng cao ở khu vực này. Đặc biệt, Tập Cận Bình đã cảm thấy rất tự tin trong việc đưa Trung Quốc trở thành siêu cường, thỏa mãn "Giấc mộng Trung Hoa". Chính những điều này đã dẫn đến những xung đột tiềm ẩn tại eo biển Đài Loan.

Mỹ đang lo ngại rằng họ có thể không còn đủ khả năng để ngăn cản Trung Quốc chiếm Đài Loan bằng vũ lực. Đô đốc Phil Davidson, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, lo ngại nói với Quốc hội Mỹ hồi tháng 3 rằng, từ nay đến năm 2027, có thể Trung Quốc sẽ tấn công Đài Loan.

Nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, Mỹ sẽ buộc phải tham gia. Mặc dù Mỹ không bị ràng buộc theo hiệp ước phải bảo vệ Đài Loan, nhưng một cuộc tấn công của Trung Quốc sẽ là phép thử đối với sức mạnh quân sự cũng như quyết tâm ngoại giao và chính trị của Mỹ. Nếu Hạm đội 7 không xuất hiện, Trung Quốc sẽ sớm trở thành cường quốc ở Châu Á. Các đồng minh của Mỹ trên khắp thế giới sẽ biết rằng không thể tin tưởng vào Mỹ. Nền hòa bình do Mỹ thống trị (Pax Americana) sẽ sụp đổ.

Tuy nhiên, một số chuyên gia khuyến cáo rằng có thể Trung Quốc sẽ không chọn cách tấn công Đài Loan từ biển vào, mà Trung Quốc có thể sử dụng chiến thuật phong tỏa để dần dần xâm chiếm Đài Loan nhưng lại hạn chế được sự tham gia từ Mỹ và các quốc gia khác. Đó sẽ là một cuộc phong tỏa nhằm tấn công Đài Loan trong vòng vài tháng hoặc vài năm, mở đường cho một chiến dịch không kích cuối cùng để buộc hòn đảo này phải đầu hàng.

dailoan2

Tuần duyên Đài Loan tuần tra gần quần đảo Đông Sa ở Biển Đông do Đài Loan kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng đòi chủ quyền. Hình : Reuters

Kịch bản Trung Quốc phong tỏa Đài Loan

Trong những năm tới, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ lợi dụng thành quả của một cuộc bầu cử ở Đài Loan làm cái cớ để thông báo rằng họ sẽ bắt đầu khai thác và thực thi Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) xung quanh hòn đảo này để chuẩn bị cho một cuộc "thống nhất". Động thái này sẽ nhanh chóng leo thang thành cuộc xâm nhập quy mô lớn và có tổ chức nhắm vào các vùng biển của Đài Loan bằng các tàu không vũ trang hoặc vũ trang hạng nhẹ, tương tự như việc Bắc Kinh chiếm đóng Đá Ba Đầu trong năm nay. Do thiếu lực lượng quân sự truyền thống, nên hải quân Đài Loan sẽ không thể ngăn chặn các cuộc xâm nhập này, vì việc sử dụng lực lượng gây chết người sẽ là bất khả thi về mặt chính trị trong mắt dư luận thế giới.

Trong lúc Đài Loan phải vật lộn với những sự việc gần giống như các cuộc đột kích, hải quân Trung Quốc sẽ bắt đầu ngăn chặn và kiểm tra các tàu trong vùng biển của Đài Loan. Các tàu này sẽ chỉ được trả tự do nếu thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc. Các lực lượng hải quân khác, trong đó có hải quân Mỹ và Nhật Bản, có thể cố gắng đảm bảo cho tàu của họ tiếp cận các cảng của Đài Loan, nhưng việc này đòi hỏi một nỗ lực không thể duy trì lâu dài.

Hơn nữa, Trung Quốc sẽ bắt đầu sử dụng các chiến thuật va chạm và cản trở bằng các tàu chuyên dụng giá rẻ, độ bền cao, trước khi gia tăng sử dụng các loại vũ khí nguy hiểm nhưng không gây sát thương trực tiếp. Chẳng hạn, Bắc Kinh có thể sử dụng thiết bị phát sóng siêu ngắn và các vũ khí sóng âm - loại vũ khí đã được sử dụng để chống lại Ấn Độ. Đây sẽ là những vũ khí vô giá trên biển và có thể khiến các nỗ lực quốc tế dần sụp đổ, qua đó giúp Trung Quốc thắt chặt phong tỏa Đài Loan.

Tại thời điểm này, các đồng minh của Đài Loan sẽ phải đối mặt với hai lựa chọn đầy khó khăn : một là chấp nhận thất bại và rút lui, để Đài Loan tự định đoạt số phận của họ ; hai là bắt đầu đánh chìm tàu Trung Quốc. Lựa chọn đầu tiên, mặc dù đáng lo ngại, nhưng dường như lại dễ xảy ra nhất. Khi các đồng minh của Đài Loan dần dần bỏ mặc họ và dư luận nước ngoài không còn quan tâm, Trung Quốc sẽ hiện thực hóa kế hoạch phong tỏa bằng cách cắt đứt mọi cách tiếp cận với bên ngoài qua đường hàng không và đường biển. Nếu quân đội Đài Loan bắt đầu sử dụng vũ lực để phá vỡ phong tỏa, Trung Quốc sẽ triển khai một chiến dịch không kích nhằm vào Đài Loan bằng lực lượng không quân và dàn tên lửa mặt đất của nước này.

Bởi Đài Loan sẽ không thể bảo vệ các ngành công nghiệp và cơ sở hạ tầng của họ khỏi bị tấn công hoặc tiếp nhận sự trợ giúp từ bên ngoài, nên hòn đảo này sẽ dần kiệt quệ, cuối cùng chấp nhận một giải pháp chính trị - tương tự như sự đầu hàng. Câu hỏi duy nhất là liệu Đài Loan sẽ cầm cự được trong 6 tháng hay 3 năm. Kết quả sẽ không khiến bất kỳ ai phải nghi ngờ.

Vậy còn lựa chọn thứ hai ? Điều gì sẽ xảy ra nếu một liên minh quốc tế bắt đầu đánh chìm các tàu Trung Quốc và cố gắng phá vỡ lớp phong tỏa ? Thứ nhất, về mặt chính trị, đây là phương án khó thực hiện. Các quốc gia phương Tây hoàn toàn có khả năng đánh bom các nước có nền quân sự yếu kém. Tuy nhiên, việc đối đầu với một cường quốc sẽ khó hơn nhiều. Điều này được chứng tỏ một phần qua phản ứng nhẹ nhàng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đối với sự xâm lược của Nga ở Caucasus và Ukraine, trái với hành động quyết liệt của họ nhằm chống lại Serbia trong những năm 1990, hay gần đây hơn là Libya, Iraq và Syria.

Thứ hai, tính ưu việt của các loại vũ khí trên bộ của Trung Quốc, cũng khoảng cách địa lý xa xôi đồng nghĩa rằng hải quân Mỹ sẽ không bao giờ có thể duy trì hạm đội của nước này đủ gần Đài Loan như trước. Đây không phải là cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1996. Khối lượng lớn tên lửa, máy bay không người lái, tàu nhỏ và máy bay truyền thống mà Trung Quốc có thể sử dụng trong khu vực nhiều khả năng sẽ áp đảo các hạm đội và căn cứ trên đảo của Mỹ, tất cả đều dựa vào hệ thống phòng không vốn có rất ít đạn dược sẵn sàng sử dụng ngay lập tức. Thậm chí các tàu khu trục Zumwalt - vũ khí hủy diệt hàng loạt tân tiến nhất - cũng sẽ khó có thể đánh chặn hơn vài chục mục tiêu đang bay tới, ngay cả khi giả sử chúng hoạt động gần như hoàn hảo. Trên thực tế, các loại vũ khí trên bộ của Trung Quốc cũng được bổ sung nhanh hơn các hệ thống trên biển của Mỹ.

Kịch bản phong tỏa sẽ được lặp lại

Nếu Trung Quốc thành công trong chiến thuật phong tỏa để xâm chiếm Đài Loan, kịch bản này sẽ được Trung Quốc tiếp tục áp dụng để có thể giành vị trí thống lĩnh trên biển Đông. Các quốc gia ASEAN đang trực tiếp kiểm soát một số thực thể trên biển Đông sẽ là mục tiêu tiếp theo, trong đó Việt Nam có thể sẽ là mục tiêu đầu tiên mà Trung Quốc muốn nhắm tới.

Tại sao lại là Việt Nam ? Bởi vì các lý do sau đây :

Thứ nhất, Việt Nam hiện nay là quốc gia đang kiểm soát nhiều thực thể nhất tại Trường Sa, gồm 21 thực thể (gồm 9 đảo nổi, 12 đảo chìm) với 33 điểm đóng quân. Vì vậy, nếu Trung Quốc có thể chiếm đoạt các thực thể này của Việt Nam thì Bắc Kinh có thể mở rộng sự hiện diện ở biển Đông một cách dễ dàng.

Thứ hai, Việt Nam được coi là nước "cứng đầu" nhất trong các quốc gia ASEAN có tranh chấp biển Đông với Trung Quốc. Nếu "trị" được Việt Nam, các quốc gia ASEAN khác sẽ dễ dàng "quy thuận" Trung Quốc.

Thứ ba, các nguồn lực của Việt Nam để chống lại cuộc phong tỏa trên biển Đông của Trung Quốc còn nhiều hạn chế. Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Việt Nam cũng không có hiệp ước an ninh nào ràng buộc để các cường quốc khác tham chiến hỗ trợ Việt Nam như trường hợp Nhật Bản hoặc Đài Loan.

dailoan3

Tàu dân quân biển của Trung Quốc tập trung ở đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa. Hình chụp hôm 31/3/2021. AFP

Trung Quốc đã và đang áp dụng chiến thuật phong tỏa này ở các khu vực nhỏ hơn. Sự kiện Đá Vành khăn năm 1995, Scarborough năm 2012 hay sự kiện Đá Ba Đầu mới đây là minh chứng cho các hoạt động đó của Trung Quốc. Trung Quốc cũng đã từng đe dọa tấn công các thực thể Việt Nam đang chiếm giữ tại Trường Sa nếu Việt Nam không rút các dự án thăm dò và khai thác dầu khí tại các Lô 07.3 hồi năm 2018.

Chính vì vậy, Mỹ, Đài Loan, Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á trực tiếp liên quan đến tranh chấp biển Đông cần phải đặt ra các chiến lược đối phó khi bị Trung Quốc phong toả. Trung Quốc sẽ giành chiến thắng nhờ chiến thuật tiêu hao hậu cần - một dạng tấn công âm ỉ mà không phải dồn dập. Đồng thời các quốc gia này cần phải tập trung các nguồn lực cần thiết để sẵn sàng đối phó trong trường hợp này xảy ra.

Viên Chinh Chiến

Nguồn : RFA, 04/052021

Published in Diễn đàn

Pháp thận trọng tái lập sinh hoạt bình thường sau 8 tuần thiếu tự do

Dĩ nhiên là trang nhất các báo Pháp ra ngày hôm nay, 12/05/2020, đều dành cho sự kiện nước Pháp vào hôm qua, 11 tháng Năm, đã bắt đầu ngày đầu tiên của thời kỳ hậu phong tỏa, ngày mà các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt các quyền tự do đi lại và tụ tập áp dụng 8 tuần lễ trước đó để chống dịch Covid-19, bắt đầu được nới lỏng.

déconfinement1

Hành khách rời khỏi tàu tại nhà ga Saint-Lazare (Paris) ngày 11/05/2020. Mọi người đều đeo khẩu trang, đúng theo yêu cầu của chính quyền. Reuters - CHARLES PLATIAU

Các báo nhìn chung đều thở phào nhẹ nhõm trước diễn biến khá suôn sẻ của ngày trở lại sinh hoạt bình thường đầu tiên, thế nhưng tất cả đều kêu gọi mọi người thận trọng để thảm họa vừa trải qua không tái diễn.

Trên trang nhất của mình, nhật báo thiên hữu Le Figaro chạy tựa lớn : "Nước Pháp nhẹ nhàng tái khởi động", bên trên bức ảnh cho thấy một đám đông hành khách đang rời khỏi xe lửa ở nhà ga Saint Lazare Paris vào lúc 8g30 sáng. Hình ảnh này bình thường ra không có gì lạ, nhưng điểm mới ở đây là tất cả các hành khách đều đeo khẩu trang, điều chưa từng thấy từ trước đến nay tại Pháp.

Sinh hoạt bắt đầu bình thường hóa một cách thận trọng

Bên dưới bức ảnh, nhật báo Pháp ghi chú : "Sau 8 tuần phong tỏa, cuộc sống bắt đầu trở lại bình thường một cách thận trọng. Giới kinh doanh, những nhân viên làm công ăn lương hay các giáo viên đều trên đường trở lại nơi làm việc".

Đối với Le Figaro, thành công của kế hoạch nới lỏng phong tỏa là điều cực kỳ quan trọng đối với chính quyền của tổng thống Macron, mà uy tín đang xuống rất thấp trong các cuộc thăm dò dư luận, trong bối cảnh tranh cãi bùng lên trên vấn đề để xẩy ra tình trạng thiếu khẩu trang và phương tiện xét nghiệm tìm virus.

Theo tờ báo, chính quyền đang muốn lấy lại thế chủ động trong giai đoạn hậu phong tỏa, cho rằng đánh giá khe khắt hiện nay của người dân đối với công việc làm của chính phủ có thể sẽ thay đổi nếu tiến trình ra khỏi cuộc khủng hoảng diễn ra tốt đẹp.

Tuy nhiên, đối với Le Figaro, tiến trình đó không phải là không có khó khăn, nhất là khi cần phải áp đặt những quy định y tế chặt chẽ tại những nơi có đông người tụ tập. Ở các thành phố lớn, như ở Paris, các phương tiện giao thông công cộng đã chạy lại một cách suôn sẻ, việc mở lại các cửa hàng và trường học đã mang dưỡng khí trở lại cho đất nước, tuy nhiên tâm lý lo âu và thận trọng vẫn bao trùm.

Cần khởi động cuộc chiến nhằm phục hưng kinh tế

Tờ báo cho rằng có thể là nước Pháp đã thành công trong cuộc chiến ngăn dịch Covid-19, nhưng cần phải thắng tiếp một cuộc chiến khác cũng quan trọng không kém : Khôi phục kinh tế.

Bị phong tỏa trong hai tháng vô tận, nước Pháp bắt đầu hít thở lại, cuộc sống hàng ngày bắt đầu trở lại từng bước : có thể -gần như- đi lại bình thường, cửa hiệu mở lại, công trường, nhà máy hoạt động trở lại.

Lịch sử sẽ đánh giá, nhưng trên măt y tế, việc đình chỉ hoạt động của cả một nước, vì thiếu chuẩn bị, dường như là chọn lựa ít tồi nhất trước nạn dịch. Với hơn 26.000 ca tử vong đến nay, hệ quả rất nặng nhưng cũng đã được kềm hãm.

Có điều cái giá kinh tế thì lại vô cùng lớn. Để giảm cú sốc, chính phủ đã tung ra những phương tiện chưa từng thấy để hỗ trợ các xí nghiệp, và nhân công đột ngột bị mất việc làm. Hàng chục tỷ euro trợ giúp khẩn cấp đã khiến nợ nhà nước bùng nổ…

Có lẽ đó là cái giá phải trả để tránh sự sụp đổ hoàn toàn. Nhưng suy thoái nặng nề đang chờ đợi chúng ta, cũng như hàng loạt những vụ phá sản và nạn thất nghiệp tăng vọt.

Đối với Le Figaro, một cuộc chiến mới bắt đầu : vực dậy kinh tế. Phải tuyên bố ngay tình trạng khẩn cấp kinh tế. Phải đưa ra mọi biện pháp để thúc đẩy trở lại các hoạt động kinh tế.

Một tiến trình khôi phục từng bước

Tương tự như đồng nghiệp Le Figaro, nhật báo công giáo La Croix cũng chạy tựa lớn trang nhất : "Một tiến trình khôi phục từng bước" để nói về bước đầu nới lỏng phong tỏa tại Pháp.

Trong một phóng sự dài hai trang báo, La Croix ghi nhận là, ngày 11 tháng Năm mà mọi người mong đợi, đã đánh dấu sự kết thúc của một giai đoạn phong tỏa nghiêm ngặt, nhưng đó lại là một tiến trình kết thúc rất tuần tự.

Điều quan trọng đối với tờ báo là người Pháp nghĩ gì về tiến trình này, do đó La Croix đã gởi phóng viên đi khắp nơi để tim hiểu về tâm trạng của mọi giới, từ các đại biểu dân cử, giáo viên, cho đến các doanh nhân hay những người làm công ăn lương.

Theo tờ báo Pháp, tâm trạng chung của mọi người là một sự phấn khởi xen lẫn tâm lý lo âu.

Dân Pháp chê cả chính phủ lẫn chính minh !

Trong bài xã luận, La Croix không ngần ngại đả kích một tật xấu của người Pháp là hay kêu ca, chê bai, kể cả đối với chính mình.

Trích dẫn một cuộc thăm dò dư luận mới nhất thực hiện tại 5 quốc gia Châu Âu, nhật báo Pháp cho biết là có đến 66% người Pháp được hỏi đánh giá là chính phủ Pháp đã không xử lý tốt cuộc khủng hoảng dịch Covid-19, trong khi đó thì tại Anh Quốc, thì 63% người được hỏi lại đánh giá rằng chính phủ của họ đã làm tốt. Nghịch lý nằm ở chỗ là mọi người đều có thể nhìn thấy là việc xử lý khủng hoảng ở Anh có nhiều thiếu sót sai lầm hơn là ở Pháp, với số nạn nhân cao hơn.

Câu hỏi mà La Croix đặt ra là nghịch lý nói trên xuất phát từ đâu, vì sao người Pháp có một đánh giá tiêu cực như vậy về chính phủ của mình hơn người Anh hay người Ý, đó là chưa kể đến người Đức ?

Theo tờ báo công giáo, một phần giải thích nằm trong cái nhìn cố hữu của người Pháp về chính quyền. Họ chờ đợi rất nhiều nơi chính phủ, nhưng đồng thời lại không chấp nhận sự can thiệp của chính quyền. Nói cách khác, họ đòi hỏi một chính quyền hoàn hảo, một điều không tưởng. Ngược lại thì người Ý chẳng hạn, có thói quen không mong đợi gì nhiều nơi nhà nước mà luôn tìm cách tự xoay sở.

Cuộc thăm dò kể trên còn cho thấy một giải thích khác qua sự kiện chính người Pháp tự đánh giá là mình đã không hành xử tốt trước tình hình, ngược lại với dân ở các nước Châu Âu khác. Người Pháp như vậy là cũng không có đánh giá về chính mình tốt hơn là về chính phủ.

Theo La Croix, đây là hai mặt của một thói xấu của người Pháp : tính hay tự chê bai, từng dẫn đến nỗi ám ảnh về sự suy tàn của nước Pháp. Đối với La Croix, đã đến lúc người Pháp phải dứt bỏ tâm lý bi quan đó nếu muốn vươn lên.

Một tiến trình sẽ phải kéo dài

Tiến trình nới lỏng phong tỏa ở Pháp cũng là chủ đề được nhật báo Le Monde nêu thành tựa lớn trang nhất : "Một giai đoạn mới của một cuộc khủng hoảng được cho là dai dẳng".

Đối với tờ báo, tiến trình nới lỏng phong tỏa mà các biểu hiện được thấy rõ vào hôm qua, 11/05, trên một số phương tiện chuyên chở công cộng ở thủ đô Paris, là một bài trắc nghiệm quan trọng của công cuộc chống đại dịch tại Pháp.

Theo Le Monde, sự xuất hiện của một số ổ dịch mới tại một số tỉnh miền tây nước Pháp, đến nay chưa bị nhiễm dịch, buộc mọi người phải cảnh giác.

Trong khi chờ đợi luật kéo dài tình trạng khẩn cấp y tế được ban hành, tờ báo Pháp đã công bố một phóng sự điều tra về một vấn đề gây tranh cãi hiện nay ở Pháp là việc lập danh sách theo dõi những bệnh nhân Covid-19 cũng như những trường hợp có "tiếp xúc" với những người này.

Trên bình diện xã hội, tờ báo Pháp có hai bài nêu bật các chuyển biến được cho là quan trọng mà dịch Covid-19 đã thúc đẩy : Việc đeo khẩu trang và thay đổi trong cách tiêu thụ.

Thời kỳ hậu phong tỏa là một thách thức đối với mọi quốc gia

Trong bài xã luận, Le Monde đã mở rộng tầm quan sát ra phạm vi toàn thế giới để cho rằng tiến trình nới lỏng phong tỏa dứt khoát sẽ kéo dài ở khắp nơi, và đó sẽ là "một thách thức trên phạm vi toàn thế giới", đòi hỏi một cách xử lý thận trọng.

Theo Le Monde, vào lúc mà mọi người đều muốn lật sang trang mới, khó khăn vẫn còn rất nhiều, đặc biệt là việc còn rất nhiều điều chưa rõ về con virus SARS-CoV-2 và khả năng ngăn chặn dịch bệnh ngoài biện pháp phong tỏa. Giới nghiên cứu vẫn chưa biết rõ phương thức và mức độ lây nhiễm của con virus, cũng như tầm quan trọng của trẻ em trong việc truyền virus hay vai trò của nhiệt độ đối với hoạt động của virus.

Ngay cả vấn đề "khoảng cách an toàn" cũng không chắc chắn. Trong lúc Ý và Anh yêu cầu phải giữ khoảng cách 2 mét, thì Đức chỉ khuyên duy trì 1,5 mét, và Pháp 1 mét, đúng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO.

Bên cạnh đó, nhiều tín hiệu cảnh cáo đã xuất hiện tại một số nước : Các ổ lây nhiễm mới tại Trung Quốc, như ở Vũ Hán và ở gần biên giới với Nga, các ca nhiễm mới tai quán bar ở Seoul, các trường hợp mới bùng nổ ở Nga, Brazil, quốc gia mà vào tháng Sáu có thể trở nên tâm điểm mới của đại dích, tỷ lệ lây nhiễm tăng ở Đức, báo động mới tại Pháp, ỏ tỉnh Vienne và vùng Dordogne. Ở mọi nơi việc phục hồi sinh hoạt, tái lập quyền tự do đi lại, mở cửa biên giới đều là những thách thức kinh khủng.

Công luận nhiều nước đang lo ngại khả năng những đợt dịch mới, và muốn giới lãnh đạo phải thận trọng. Tại Pháp chẳng hạn, theo một thăm dò của viện Ifop, 76% người dân cho rằng việc tháo gỡ phong tỏa phải được tiến hành từ từ. Còn ở Anh Quốc, việc thủ tướng Anh Boris Johnson thay khẩu hiệu "Hãy ở nhà" bằng "Hãy tiếp tục cảnh giác" đang gây phẫn nộ, trong bối cảnh nước này ghi nhận số tử vong cao nhất Châu Âu.

Vết rạn nứt xã hội lộ rõ

Cũng khai thác chủ đề giảm nhẹ phong tỏa, trong hàng tựa lớn trang nhất, tờ báo cánh tả độc lập Pháp Libération nhấn mạnh đến "vết rạn nứt xã hội" mà dịch bệnh đã làm lộ rõ.

Theo Libération, vào hôm qua, người ta lại ghi nhận một tình trạng từng được thấy trong suốt hai tháng phong tỏa vừa qua : Đó là tình cảnh nhiều người lao động, ngay từ sáng sớm, đã phải vội vã chen chúc nhau trên các phương tiện chuyên chở công cộng để đến chỗ làm, với nguy cơ bị lây nhiễm rất cao, và bên cạnh đó, có những người được yên ổn ngồi nhà làm việc từ xa.

Đối với tờ báo, tình trạng này một lần nữa, đã đặt ra câu hỏi về sự tương ứng giữa lương bổng với tính chất hữu ích cho xã hội, vì lẽ những người lao động "chân tay" mà ai cũng công nhận là rất cần thiết cho xã hội đó, lại có thu nhập thấp hơn giới "tinh hoa" lo việc tổ chức, quản lý, điều hành…

Thông điệp của giới chủ nhân Đức, Ý và Pháp

Cũng về Covid-19, nhật báo kinh tế Les Echos nêu bật trong hàng tựa lớn trang nhất : "Phục hồi kinh tế : Lời kêu gọi của giới doanh nghiệp Châu Âu".

Theo tờ báo, giới chủ nhân Đức, Ý và Pháp chủ trương một kế hoạch chấn hưng kinh tế Châu Âu mang tính chất liên đới và có quy mô to lớn, tượng trưng cho 5% GDP mỗi năm. Đây sẽ là một tín hiệu mạnh gởi đến các chính phủ.

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế

Covid-19 : Pháp vừa giải tỏa vừa lo

Sau 8 tuần được đặt trong tình trạng phong tỏa phòng chống dịch Covid-19, hôm nay 11/05 là một ngày đặc biệt, nước Pháp bắt đầu gỡ bỏ một phần các biện pháp hạn chế hoạt động đời sống thường nhật. Một giai đoạn mới mở ra với người dân Pháp trong tâm trạng vừa thở phào nhẹ nhõm nhưng lại không ít lo lắng, thận trọng và hoài nghi.

phap1

Ảnh chụp tại ga Saint-Lazare, Paris, ngày 11/05/2020, ngày đầu tiên Pháp dỡ bỏ phần nào lệnh phong tỏa. Reuters/Charles Platiau

Nhưng đó mới chỉ là giai đoạn 1 kéo dài 3 tuần của cả tiến trình giải tỏa hoàn toàn mà điểm kết thúc phụ thuộc vào diễn tiến tình hình dịch, không ai có thể nói trước điều gì. Có thể thấy không khí ngày dỡ bỏ phong tỏa của nước Pháp ở khắp các trang báo ra hôm nay.

Le Monde chạy tựa "Dỡ phong tỏa : những bất trắc của ngày 11/05". Có thể nói cuộc chiến chống Covid-19 đặt nước Pháp trước thách thức chưa từng có, và giờ đây giai đoạn thoát khỏi vòng phong tỏa do virus corona cũng đang đặt ra rất nhiều thử thách mới cho mọi người dân cũng như chính phủ Pháp. Le Monde nhận định, giai đoạn giải tỏa thực sự sẽ phải là từ ngày 02/06. Đây vẫn chỉ là giai đoạn khởi động, thăm dò. Từ nay đến khi đó, "mọi người vẫn như đi trên trứng với nỗi ám ảnh làm sao không để dịch bùng lên một lần nữa". Các chỉ số về mức độ virus lây lan và mật độ bệnh nhân ở nhiều vùng đông bắc vẫn còn đáng lo ngại.

Với chính phủ, Le Monde ghi nhận "việc dỡ bỏ phong tỏa lần này đang diễn ra dưới sức ép của dư luận". Chính phủ đang cân bằng việc trở lại với tự do, khôi phục hoạt động đời sống xã hội với cuộc chiến chống dịch. Một mục tiêu không dễ thực hiện khi mà ngay từ đầu dịch, các quyết định của chính phủ luôn tỏ ra chậm hơn so với thực tế.

Nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa lớn ngắn gọn nhưng nhiều hàm ý : "Một thời kỳ mới". Tờ báo ghi nhận : "Pháp bước vào việc dỡ phong tỏa rủi ro cao". Trên phương diện y tế, thì đây là bước đi đầy nguy hiểm. Cho đến giờ, dịch bệnh đã làm 26 nghìn người chết và Pháp là nước bị dịch nặng thứ 5 thế giới. Hiện tại, vẫn còn 4 vùng lớn ở khu vực đông bắc đất nước vẫn là những vùng đỏ, tức là những điều kiện y tế, bệnh dịch vẫn còn rất căng thẳng. Mặc dù vậy, trước việc phải khẩn cấp khôi phục hoạt động đời sống kinh tế, chính phủ vẫn phải giải tỏa hoạt động cho đất nước. Trên phương diện chính trị, quyết định này là một trắc nghiệm cho tổng thống Emmanuel Macron, trong lúc mà chính phủ của ông đang bị chỉ trích nhiều trong việc xử lý khủng hoảng dịch.

Giữa rủi ro không tránh được và đòi hỏi cấp bách bảo vệ người dân Pháp, đang lo lắng cả về đời sống kinh tế cũng như y tế, tổng thống Emmanuel Macron phải "đặt cược lớn". Theo Les Echos, đại đa số người dân pháp vẫn rất lo lắng vì dịch bệnh thì vẫn chưa khống chế được, chưa có thuốc chữa hay vắc xin. Họ còn lo lắng về vố số vấn đề đặt ra khi dỡ phong tỏa trong bối cảnh đang rất mất lòng tin với việc xử lý khủng hoảng dịch của chính phủ.

Đại đa số dân Pháp mất niềm tin vào chính quyền

Về lòng tin của dân vào chính phủ trong xử lý dịch, Le Figaro so sánh Pháp với các nước Châu Âu qua những con số thăm dò dư luận. Tờ báo cho biết : "Về dịch virus corona : Người Pháp vô địch Châu Âu về ngờ vực chính quyền". Theo một nghiên cứu của Viện thăm dò dư luận Odoxa thực hiện cho Le Figaro, "trong lúc mà đa số người dân Châu Âu đánh giá chính phủ của họ đã hành động đúng tầm với tình hình trong cuộc khủng hoảng virus corona thì 66% người Pháp lại nghĩ ngược lại. Chỉ có 34% dân Pháp tỏ ra ủng hộ hành động của chính phủ". Đi vào chi tiết, Le Figaro cho biết thêm : "Xung quanh vụ khủng hoảng y tế này, 75% dân Pháp cho rằng chính phủ đã không nói ra sự thật. 74% cho rằng chính phủ đã không đưa ra những quyết định tốt vào đúng thời điểm. 3/4 dân chúng còn thấy chính quyền đã không làm những việc cần thiết để hỗ trợ các bệnh viện và nhân viên y tế".

Vẫn theo thăm dò dư luận trên, dù việc phong tỏa đã được đại đa số người dân Châu Âu cũng như Pháp thực hiện tốt, nhưng cũng không ít người lo lắng về việc ra khỏi phong tỏa cùng các hệ quả của nó. Có 35% dân Pháp cho biết không muốn dỡ bỏ phong tỏa từ ngày 11/05, chủ yếu là vì lý do y tế. Trong khi đó, 28% lo sợ bị mất việc làm trong tháng tới. Tại Pháp, tỉ lệ thất nghiệp tăng cao đi kèm với sự mất lòng tin báo hiệu một cuộc khủng hoảng xã hội mới. Tổng thống Pháp đang đứng trước một thách thức khác là "hậu khủng hoảng". Thực thi giải tỏa mới bắt đầu nhưng đã có dấu hiệu nguy hiểm cho chính phủ, Le Figaro kết luận.  

Rủi ro chính trị không thể tránh

Cùng chung nhận định với Le Figaro, nhật báo Libération cũng nhìn thấy những rủi ro về chính trị cho chính phủ. Tờ báo nhận xét : "Từ gần 2 tháng qua, mọi điều tra dư luận đều khẳng định đa số dân Pháp chỉ trích nghiêm khắc hành động của chính phủ, đánh giá chính quyền không đủ khả năng xử lý hiệu quả việc ra khỏi phong tỏa. Không có chính phủ nào ở Châu Âu phải đối mặt với thái độ như vậy của người dân". Đối với hơn 2/3 dân chúng, chính phủ đã không giữ lời hứa, sẽ vẫn còn thiếu khẩu trang, các cơ quan y tế sẽ không đủ phương tiện để thực hiện hàng trăm nghìn xét nghiệm như đã thông báo ? Những ngày tới sẽ cho thấy người dân đúng hay sai ? Đó chính là thách thức chính trị của quá trình dỡ phong tỏa này.

Libération ghi nhận, ra khỏi phong tỏa, nước Pháp "trở lại với trạng thái không bình thường". Tờ báo thiên tảví giai đoạn giải tỏa này chỉ là hưu chiến cho những người bị phong tỏa. Người dân ra khỏi các biện pháp phong tỏa với vô số sự đề phòng, mọi hoạt động trở lại nhưng vẫn trong những điều kiện thận trọng nhất. Tờ báo ghi nhận "dẫu sao thì tất cả mọi người đều cảm nhận như được giải phóng", dù mới chỉ có được một nửa tự do.

Không bàn về chính trị mà tập trung vào góc độ xã hội, La Croix dành gần hết các trang báo để thu thập cảm nhận của 100 người về trải nghiệm họ đã sống trong vòng phong tỏa. Hầu hết mọi người đều lưu lại những kỷ niệm đẹp, những giá trị về tình đoàn kết, quý trọng hơn giá trị của cuộc sống trong những ngày tháng sống trong vòng vây hãm của bệnh dịch. Bên cạnh đó tờ báo cũng đăng 10 lời khuyên thiết thực nhất cho mọi người để phòng chống Covid -19 và trở lại với cuộc sống bình thường được an toàn nhất.

Covid-19 : Môi trường cho lang băm hành nghề ?

Cũng liên quan đến những lời khuyên bảo phòng dịch virus corona, Le Figaro giới thiệu bài viết với tựa đề : "Covid-19, cánh cửa vào cho đủ mọi niềm tin sai lầm về sức khỏe". Bài báo nhắc lại : "Tổng thống Mỹ Donald Trump thì gợi ý tiêm javel, một bác sĩ Pháp thì kê đơn thứ đồ uống có ga Schweppes, tổng thống Madagascar thì quảng bá liều thuốc phòng virus corona chế từ cây ngải… Đại dịch Covid-19 như là cơ hội nảy ra vô số những cách điều trị điên khùng nhất". Điều nguy hại là một số bài thuốc còn gây nguy hiểm chết người. Như tại Iran, từ tháng 2 đến tháng 4, theo AP, đã có 700 người chết vì uống cồn phòng Covid-19. Tại Ấn Độ, một dược sĩ làm việc trong một công ty chuyên về liệu pháp thực vật đã tử vong và ông chủ thì nhập viện vì đã uống thử thuốc trị bệnh Covid-19 do họ tự chế.

Hiện tượng này đã lan rộng khiến Tổ chức Y tế Thế giới đã phải lên danh mục các bài thuốc bậy bạ chống Covid-19 để cảnh báo công chúng. Gần đây, trên các mạng xã hội, Facebook, Youtube hay những diễn đàn lại xuất hiện nhiều lời khuyên không hề có cơ sở như : cho thêm ớt vào canh, xịt nước javel lên người, uống rượu, tắm nóng, ăn tỏi hay nhịn ăn để phòng chống virus corona… Có những lời khuyên vô hại nhưng điều nguy hiểm là những lời kêu gọi đó lôi kéo mọi người bỏ rơi những khuyến cáo y tế phòng dịch hữu hiệu khác như rửa tay, giữ khoảng cách…

Theo các chuyên gia, vì có rất nhiều điều còn mù mờ cũng như tâm lý hoang mang về virus corona nên cũng dễ hiểu là mọi người dễ tin vào những điều gọi là "giải pháp đơn giản", trong khi Y học chưa tìm ra cách trị bệnh. Người dân sẽ không tin vào những điều nhảm nhí đó khi đã nắm được cơ sở khoa học để hiểu quá trình truyền nhiễm.

Tia cực tím sát trùng nhanh, hiệu quả với virus corona

Phần cuối mục điểm báo xin dành cho thông tin về phát hiện khá hữu ích cho phòng chống virus corona, đặc biệt trong khi thực hiện dỡ phong tỏa. Các tia cực tím có thể dùng để tẩy trùng, khử virus nhanh. Thông tin được đăng trên Les Echos. Cùng với dỡ bỏ phong tỏa là cuộc chạy đua tìm giải pháp tối ưu để tẩy trùng bề mặt đồ vật, từ bàn ghế, vật dụng nội thất cho đến bên trong các phương tiện công cộng.

Theo tờ báo, một cuộc cách mạng trong lĩnh vực này đang hình thành nhờ tia cực tím C (UV-C). Loại tia cực tím này có thể diệt các mầm vi khuẩn và virus hiệu quả tới 99,99%, kể cả virus corona chỉ trong vòng từ 5 đến 7 phút. Chính quyền Trung Quốc đã thử dùng phương pháp tẩy trùng này ở Thượng Hải và thấy hiệu quả. Là nơi sinh ra công nghệ UV-C, Châu Âu từ ba chục năm nay vẫn dùng tia cực tím C để tẩy trùng nguồn nước, đặc biệt trong các bể bơi để tránh dùng Chlore.

Nhưng ở Châu Âu, UV-C chưa bao giờ dùng để tẩy trùng bề mặt đồ vật. Giờ đây, Châu Âu bắt đầu cho triển khai công nghệ với thiết bị quét Bio-UV do Pháp chế tạo. Các nhà khoa học Pháp tiếp tục cải tiến công nghệ UV-C để phạm vi sử dụng được mở rộng hơn nữa, không chỉ trong trận dịch này.

Anh Vũ

Published in Quốc tế

Công chúng Hoa Kỳ mới là người thật sự giữ chìa khóa mở cửa kinh tế

Tóm tắt 

my1

Cuộc thăm dò dư luận của Navigator Research thực hiện vào tháng 4 vừa qua cho thấy 86% công chúng Hoa Kỳ ủng hộ việc duy trì hay nới rộng những biện pháp cách ly xã hội để ngăn chặn sư lan truyền của Covid-19. Cuộc thăm dò dư luận của Pew Research Center cũng vào tháng 4 cho thấy 66% công chúng Hoa Kỳ lo ngại rằng những biện pháp hạn chế bị hủy bỏ quá sớm. 

Khi các cuộc biểu tình chống những biện pháp cách ly nổ ra ở một số tiểu bang, những chuyên viên y tế đã lên tiếng cảnh báo rằng những cuộc biểu tình này có thể làm cho đại dịch Covid-19 gia tăng thêm. 

Tính đến ngày 30/4/2020, Hoa Kỳ có 51.983 người chết vì Covid-19 tại 38 tiểu bang và District of Columbia theo thống kê thâu thập được. Trong số này 47,6% là người da trắng, 26,6% là da đen, 16,2% Latino, 4,8% Á châu, 4,5% các sắc dân khác và 0,3% dân bản địa. Nếu tính riêng từng sắc dân, tỉ lệ tử vong của dân da đen là 34,7 trên 100.000 người. Tỉ lệ của Latino và Á châu là 14,9 và 14,6. Tỉ lệ của da trắng 13,1, Như vậy da đen là sắc dân dễ bị nhiễm coronavirus và chết nhất và tiếp theo là Latino. 

Theo một cuộc nghiên cứu y khoa mới đây phổ biến trên tạp chí Lancet, tỉ lệ tử vong của những người mắc bệnh Covid-19 ở tuổi 20 là 0,06% so với 8,6% đối với những người ở tuổi 70. Đối với những người từ 80 trở lên những tỉ lệ này là 13,4%. 

Kế hoạch mở cửa của Nhà Trắng gồm ba giai đoạn, nới lỏng dần dần các biện pháp cách ly tùy từng vùng. Những người dễ bị nhiễm bệnh sẽ phải tuân theo những biện pháp cách ly cho tới giai đoạn cuối. Theo Kaiser Family Foundation, Hoa Kỳ có khoảng 92 triệu người dễ bị nhiễm Covid-19 vì nhiều tuổi và tình trạng sức khỏe. 

Theo cuộc nghiên cứu của cơ quan truyền thông Bloomberg News mới phổ biến vào ngày 6/5/2020, phần lớn các tiểu bang chưa sẵn sàng mở cửa. Chỉ có 12 tiểu bang hội đủ tiêu chuẩn để bắt đầu giai đoạn I. 

Tính cho đến chiều ngày 7/5, Hoa Kỳ đã có ít nhất 1,250.000 người nhiễm bệnh Covid-19 và 75.243 người chết trên toàn quốc. Khoảng hai tuần nữa số người chết sẽ lên tới 100.000 người. 

Tình trạng thiết bị y tế bao gồm máy thử nghiệm nhiễm coronavirus, máy thở và khẩu trang đã được cải thiện những vẫn còn thiếu thốn nhiều là một trở ngai lớn cho việc chữa trị bệnh nhân. Hiện nay Hoa Kỳ chưa có đủ khả năng thử nghiệm coronavirus số đông, chỉ thực hiện được 110.000 thử nghiệm mỗi ngày thay vì 30 triệu là con số cần thiết. Quan trọng hơn cả là vài chục công ty dược phẩm và phòng thí nghiệm trên toàn thế giới đang tìm cách chế tạo thuốc chủng, nhưng chưa đạt được kết quả nào cụ thể. 

Kinh tế Hoa Kỳ đang suy sụp đáng kể vì Covid-19. Hơn 30 triệu người mất việc làm kể từ giữa tháng 3 đến nay. Mất kiên nhẫn trước tình trạng kinh tế bi đát, Tổng thống Trump bằng mọi giá thúc dục các tiểu bang mở cửa sớm để cứu vãn kinh tế, cứu vãn cơ may được đắc cử tổng thống nhiệm kỳ II, bất chấp rủi ro cho những người dễ dàng bị lây coronavirus. Sự thật phũ phàng là khi mở cửa kinh tế tỉ lệ thất nghiệp sẽ bớt đi và thị trường chứng khoán sẽ đi lên, nhưng sẽ có thêm người chết mà đa số là những người kém may mắn trong xã hội.

Mạng sống rất quý không thể thay thế. Trong khi kinh tế quốc gia luôn luôn có thể vực dậy được. Bằng cớ rằng Nước Mỹ đã hùng mạnh trở lại sau cuộc đại khủng hoảng kinh tế 1930. Và từ đó đến nay Hoa Kỳ đã trải qua nhiêu cuộc khủng hoảng khác về kinh tế, chính trị lẫn quân sự, nhưng sau cùng đã phục hồi nhanh chóng.

Thống đốc Andrew Cuomo của New York rất hợp lý khi ông nói rằng nếu có hai ưu tiên đối nghịch nhau, y tế công cộng cần phải đưa lên hàng đầu. Quan điểm này phù hợp với tinh thần đạo đức nhân bản. 

Tại sao lại biểu tình chống cách ly ?

my2

Trong vài tuần qua, một số biểu tình chống cách ly đã mọc lên ở 18 tiểu bang cả Cộng hòa lẫn Dân chủ. Số người tham dự từ vài chục người ở Virginia, Maryland và Oregon, đến vài trăm người như ở Arizona, Idaho, Idiana và Texas tới vài ngàn người như ở California, Michigan và Washington.

Qua những hình ảnh trên TV và Internet, người ta thấy rất ít người da đen và da mầu tham dự, kể cả dân da vàng gốc Việt thường ồn ào ủng hộ Tổng thống Trump. Một số người mang theo cả súng, cờ Nazi, cờ Liên Minh Miền Nam và những bích chương ủng hộ Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử vào cuối năm nay. Những sự kiện trên đây làm cho những cuộc biểu tình mang tính chất chính trị và kỳ thị chủng tộc. 

Những người xuống đường phản đối những biện pháp đóng cửa những cơ sở kinh doanh, cách ly, giới hạn di chuyển, cấm tụ tập đông người, gây thiệt hại về kinh tế và vi phạm quyền công dân. Họ mang theo những bích chương : "Tự do cần thiết", "Tất cả các việc làm đều cân thiết", Mở cửa nhà thờ", "Đi làm trở lại", "Mở cửa California", "Tôi ghét khẩu trang", "Mở cửa kinh tế", "Thêm 4 năm cho Trump & Pence", "Tự do chết".

Một số người lập luận rằng chính quyền chỉ nên cách ly những người đau yếu mà thôi, thay vì những người khỏe mạnh. Vấn đề căn bản là Hoa Kỳ hiện nay không đủ phương tiện để thử nghiệm tất cả mọi người để biết ai nhiễm coronavirus. Một số bích chương đòi cách chức Bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc National Institute of Allergy and infectious diseases, người cổ võ những biện pháp cách ly để chống lại sự lan truyền của Covid-19. 

Cuộc thăm dò dư luận của Navigator Research thực hiện từ 14/4-17/4 cho thấy 86% công chúng Hoa Kỳ ủng hộ việc duy trì hay nới rộng những biện pháp cách ly xã hội để ngăn chặn sư lan truyền của Covid-19. Trong khi đó chỉ có 10% muốn chấm dứt những biện pháp này. Cuộc thăm dò dư luận cũng khám phá ra rằng đa số những người ủng hộ Tổng thống Trump cũng không đồng ý việc chống luật cách ly. Khoảng 79% số người bỏ phiếu cho ông Trump vào 2016 nói rằng những biện pháp cách ly đầy đủ hoặc cần tăng cường thêm. Do đó, hành động của Tổng thống Trump không phù hợp với nguyện vọng của đa số công chúng Hoa Kỳ. Về tổng thể, 69% công chúng Hoa Kỳ tin tưởng vào chính quyền tiểu bang và địa phương để làm những quyết định mở cửa kinh tế. Chỉ có 22% về phe Tổng thống. 

Ai đứng sau lưng những cuộc biểu tình này ?

my3

Tổng thống Trump là người ra mặt khích động công chúng biểu tình chống lại những biện pháp cách ly của các tiểu bang. Khi làm điều này ông đã không tôn trọng kế hoạch mở cửa của chính Nhà Trắng mà chúng ta sẽ bàn tới ở phần dưới đây. Thống đốc Jay Inslee (Dân chủ, Washington State) kết tội Tổng thống Trump "xúi giục nội loạn". Thống đốc Larry Hogan (Cộng hòa, Maryland) nói những lời tuyên bố của Trump không có ích lợi.

Tổng thống Trump trực tiếp khích động công chúng biểu tình qua những câu tweet đến các tiểu bang Dân chủ như "Liberate Virginia" hay "Liberate Michigan". Một mặt ông Trump phân công với các thống đốc về việc mở cửa kinh tế tùy theo từng vùng, công nhận quyền mở cửa là của các tiểu bang. Một mặt ông lại xúi dục công chúng gây khó khăn cho các thống đốc. Ông từng khuyên bà Gretchen Whitmer, Thống đốc Michigan, nên điều đình với những người biểu tình. 

Ngoài ra, hỗ trợ đàng sau những cuộc biểu tình là một số tổ chức thuộc các nhóm bảo thủ, thân Trump và Cộng hòa, cực hữu da trắng và ủng hộ quyền có súng. Một trong những nhóm này là FreedomWorks, đặt văn phòng tại Washington DC, liên minh với Tea Party. Đảng này đã giúp Trump vào Nhà Trắng bốn năm về trước. 

Michigan Freedom Fund, một tổ chức bảo thủ khác, đã giúp cuộc biểu tình ở Michigan. Bà Betsy Devos, Bộ trưởng Giáo dục, một nhà tỷ phú, thường xuyên đóng góp cho quỹ này. Ngoài ra cơ quan truyền thông Fox News đã cổ võ mạnh mẽ cho những cuộc biểu tình như là một cuộc cách mạng nhỏ tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên không phải ai tham dự biểu tình cũng là thành viên của những tổ chức trên đây. 

Cuộc thăm dò dư luận của Pew Research Center vào giữa tháng 4 vừa qua cho thấy 66% công chúng Hoa Kỳ lo ngại rằng những biện pháp hạn chế bị hủy bỏ quá sớm so với 32% nghĩ ngược lại. Tuy nhiên hầu hết mọi người tin rằng đại dịch có thể trở nên tồi tệ hơn nữa. 

Khi các cuộc biểu tình chống những biện pháp cách ly nổ ra ở một số tiểu bang, những chuyên viên ý tế đã lên tiếng cảnh báo rằng những cuộc biểu tình này có thể làm cho đại dịch Covid-19 gia tăng thêm. Thời kỳ ủ bệnh là khoảng một tuần. Như vậy khoảng 2-4 tuần lễ sau những cuộc biểu tình, nghĩa là vào khoảng đầu tháng 5, đại dịch sẽ tăng. Bác sĩ Deborah Birx trong lực lượng đặc nhiệm coronavirus của Nhà Trắng khuyến cáo rằng "Chúng tôi đã yêu cầu mọi thống đốc, chúng tôi đã yêu cầu mọi công dân Hoa Kỳ tuân theo những chỉ dẫn của chính phủ liên bang". 

Audrey S. Whitlock, một trong những người tổ chức biểu tình ở North Carolina, đã bị nhiễm coronavirus, nhưng may mắn thoát hiểm sau thời gian cách ly. Mục sư Gerald O. Glenn ở Virginia, không theo lệnh y tế công cộng của tiểu bang, cử hành lễ tại nhà thờ, đã chết vì Covid-19 vào tháng 4. Nay cả gia đình gồm bà vợ góa, hai đứa con gái và một con rể đều nhiễm coronavirus. Ông John W. McDaniel ở Ohio cho rằng đại dịch coronavirus là một thủ đoạn chính trị. Ông từng tức giận viết trên Facebook rằng lệnh bắt ở nhà của Thống đốc Mike DeWine là "cứt bò". Vào ngày 15/4 ông đã chết vì Covid-19, hưởng thọ 60 tuổi. 

South Dakota là tiểu bang duy nhất ở Hoa Kỳ không ban hành luật cách ly vì đất rộng và ít dân. Tuy nhiên vào giữa tháng vừa qua, số người nhiễm coronavirus tiểu bang này bắt đầu bắt đầu tăng mạnh, từ 129 người vào 1/4 lên đến 988. Khoảng 300 công nhân làm việc tại công ty Smithfield Foods bị nhiễm virus khiến công ty phải đóng cửa. Tình trạng này đã xẩy ra ở một số cơ sở chế biến thịt khác trong nước, khiến vấn đề cung cấp thịt cho người tiêu thụ đang gặp khó khăn. South Dakota và bốn tiểu bang nông thôn khác là Arkansas, Iowa, Nebraska và North Dakota, lãnh đạo bởi thống đốc Cộng hòa, đều cưỡng lại các biện pháp cách ly.

Những ai dễ nhiễm Covid-19 ?

my4

Tính đến ngày 30/4/2020, Hoa Kỳ có 51.983 người chết vì Covid-19 tại 38 tiểu bang và District of Columbia theo thống kê thâu thập được. Trong số này 47,6% là người da trắng, 26,6% là da đen, 16,2% Latino, 4,8% Á châu, 4,5% các sắc dân khác và 0,3% dân bản địa. Sắc dân da trắng chết nhiều vì dân số da trắng chiếm 72,4% dân số Hoa Kỳ, so với sắc dân da đen 12,6% và Á châu 4,6%. 

Tuy nhiên nếu tính riêng từng sắc dân, tỉ lệ tử vong của dân da đen là 34,7 trên 100.000 người. Tỉ lệ của Latino và Á châu là 14,9 và 14,6. Tỉ lệ của da trắng 13,1. Tỉ lệ chung của mọi sắc dân là 19,6 trên 100.000 người. Như vậy da đen là sắc dân dễ bị nhiễm coronavirus và chết nhất và tiếp theo là Latino. 

Một cuộc nghiên cứu của Kaiser Health News phổ biến vào 25/04/2020 cho thấy môi trường xã hội và kinh tế ảnh hưởng nặng nề trên sức khỏe của tất cả mọi người. Sắc dân da đen thường không được sống trong những điều kiện tương đối đầy đủ. Họ thường không có cả bảo hiểm sức khỏe và phương tiện di chuyển. Dân số da đen chiếm 38% tổng số dân của Mississippi, một tiểu bang nghèo nhất nước Mỹ. Một sắc dân khác cũng dễ bị nhiễm Covid-19 là dân da đỏ sống trong những vùng đất dành riêng cho người bản xứ ở New Mexico, một tiểu bang nghèo thứ nhì sau Mississippi. Ở đây hàng ngàn gia đình không có nước máy. 

Nhiều chuyên viên y tế nhận định rằng bệnh Covid-19 đang lập lại thảm cảnh truyền bệnh HIV và AIDS trước đây ở Hoa Kỳ. Bệnh bắt đầu lan từ những thành phố lớn ở duyên hải như New York, Los Angeles và San Francisco rồi tràn về miền Nam và vùng thôn quê, xâm nhập vào những cộng đồng da đen. 

Những người có lợi tức thấp thường phải sống chen chúc trong các chung cư, làm những việc dễ lây virus, tiếp súc hàng ngày với hàng trăm người tại các cửa hàng bán thực phẩm, tiêm ăn, quán café, chuyên chở công cộng, hớt tóc, làm móng tay, giao hàng… Đối với những người này cách ly xã hội là một sa sỉ phẩm. 

Theo một cuộc nghiên cứu của trên 30 chuyên viên y khoa mới đây phổ biến trên tạp chí y hoc Lancet với tựa đề "Estimates Of The Severity Of Coronavirus Disease 2019 : A Model-Based Analysis", tỉ lệ tử vong của những người nhiễm coronavirus dưới 1%. Trong số những người bị nhiễm virus và mắc bệnh Covid-19, tỉ lệ tử vong là 1,38% Cả hai tỉ này thay đổi đáng kể theo tuổi. Thí dụ tỉ lệ tử vong đối với những người nhiễm coronavirus ở tuổi 20 là 0,03% so với người ở tuổi 70 là 4,3%. Tương tự như vậy, tỉ lệ tử vong của những người mắc bệnh Covid-19 ở tuổi 20 là 0,06% so với 8,6% đối với những người ở tuổi 70. Đối với những người từ 80 trở lên những tỉ lệ này là 7,8% và 13,4%. 

Kế hoạch mở cửa của Nhà Trắng

Kế hoạch mở cửa của Nhà Trắng là những điều hướng dẫn không bắt buộc để mở cửa kinh tế dành cho các tiểu bang thực hiện. Kế hoạch này dựa trên một số giả định rằng Hoa Kỳ có đủ khả năng để thử nghiệm những người bị nhiễm coronavirus có hay không có triệu chứng và khả năng truy tìm dấu vết truyền bệnh từ người này qua người khác. Kế hoạch của Nhà Trắng gồm ba giai đoạn, nới lỏng dần dần các biện pháp cách ly tùy từng vùng. Những người dễ bị nhiễm bệnh (lớn tuổi, đau yếu) sẽ phải tuân theo những biện pháp cách ly cho tới giai đoạn cuối, tức là sẽ phải đóng đô tại nhà trong nhiều tháng tới. 

Giai đoạn I, không được tụ tập quá 10 người, giảm tối đa di chuyển, khuyến khích làm việc tại nhà, tiệm ăn được mở cửa hạn chế với điều kiện giữ khoảng cách.

Giai đoạn II : Không được tụ tập quá 50 người, di chuyển kinh doanh thông thường được thực hiện, quán rượu, trung tâm thể dục, trường học, trại hè và trung tâm trông nom trẻ em trong ngày được mở lại với điều kiện giữ khoảng cách.

Giai đoạn III : những người dễ nhiễm bệnh có thể sinh hoạt bình thường, mọi người có thể tới sở làm, có thể thăm viếng thân nhân tại những trung tâm của người lớn tuổi và bệnh viện. Nhà thờ, chùa, rạp hát được mở cửa lại 

Theo Kaiser Family Foundation, Hoa Kỳ có khoảng 92 triệu người dễ bị nhiễm Covid-19 vì nhiều tuổi và tình trạng sức khỏe. Hiện nay Hoa Kỳ chưa có đủ khả năng thử nghiệm coronavirus số đông, chỉ thực hiện được 110.000 thử nghiệm mỗi ngày thay vì 30 triệu là con số cần thiết theo cơ quan truyền thông VOX Media. Tổng thống Trump nhiều lần tuyên bố Hoa Kỳ có đủ thử nghiệm, nhưng điều này sai sự thật. 

Bác sĩ Anthony Fauci nói ngay cả sau khi đã đi qua hết ba giai đoạn, đại dịch cũng chưa hết. Virus có thể trở lại vào mùa thu. Trước khi bắt đầu mỗi giai đoạn, phải hội đủ ba tiêu chuẩn sau đây :

1) Triệu chứng Covid-19 cũng như triệu chứng của những bệnh cúm khác phải giảm trong 14 ngày ;

2) Số trường hợp nhiễm bệnh theo biểu đồ phải giảm trong 14 ngày hoặc tỉ lệ số người thử nghiệm dương tính phải giảm trong thời gian này ;

3) Những bệnh viện phải đủ khả năng để chữa trị tất cả những bệnh nhân một cách bình thường và có đủ khả năng thử nghiệm cho những nhân viên dễ bị nhiễm bệnh. 

Vào khoảng giữa tháng 4, Tổng thống Trump nói rằng 29 tiểu bang sẽ sẵn sàng mở cửa tương đối không lâu. Tuy nhiên theo cuộc nghiên cứu của cơ quan truyền thông Bloomberg News mới phổ biến vào ngày 6/5/2020, phần lớn các tiểu bang chưa sẵn sàng mở cửa. It nhất 38 tiểu bang và District of Columbia chưa hội đủ tiêu chuẫn của chính phủ liên bang. Trong số đó khoảng 22 tiểu bang có số người nhiễm bệnh đang tăng lên. Chỉ có 12 tiểu bang hội đủ tiêu chuẩn để bắt đầu giai đoạn I bao gồm Arkansas, Delaware, Florida, Louisiana, Massachusetts, Michigan, Montana, Nevada, New Jersey, New York, Pennsylvania và Rhode Island. 

Ba tiểu bang thuộc thành trì của Đảng Cộng hòa là Texas, Alabama, và Geogia dù không hội đủ tiêu chuẩn đã bắt đầu mở cửa. Texas mở cửa giai đoạn I vào ngày 1/5 và dự định bắt đầu giai đoại II vào ngày 8/5 hoặc 18/5. Alabama cho phép các cửa hàng bán lẻ được mở cửa hoạt động với 50% khả năng bắt đầu từ 1/5. Bãi biển được mở lại, nhưng các tiệm hớt tóc vẫn bị đóng cửa và tụ tập giải trí tứ 10 người trở lên vẫn bị cấm. 

Georgia có lẽ là một trong tiểu bang bắt đầu cho mở cửa sớm nhất. Ngay từ 24/4 các trung tâm thể dục, hớt tóc đã được mở cửa với vài giới hạn. Bệnh viện được thực hiện một số ca mổ. Vài ngày sau đó, các rạp hát và tiệm ăn được phép hoạt động trở lại. 

Nói tóm lại, mỗi tiểu bang có một lịch trình và hành động riêng. Vi lý do này, chính phủ liên bang đã hủy bỏ những chỉ dẫn mở cửa của Nhà Trắng và xem ra đẩy hết trách nhiệm qua các thống đốc. Hiện nay chưa thể biết rõ ảnh hưởng của việc bắt đầu mở cửa như thế nào. Cần phải đợi 2-4 tuần mới rõ kết quả. 

Mở cửa gặp những trở ngại nào ?

my5

Những hành động bất tuân lời chỉ dẫn của những chuyên y khoa để phòng ngăn chặn sư lan truyền của coronavirus do sự ích kỳ, thiển cận và hoạt đầu chính trị có thể làm cho việc mở cửa kinh tế khó khăn thêm như Bác sĩ Anthony Fauci từng cảnh báo. Ông nói nguyên văn như sau "Những cuộc biểu tình và chống đối có thể dẫn đến nhiều trường hợp nhiễm coronavirus nhiều hơn, làm cho việc mở cửa lại kinh tế khó khăn hơn. Ngoại trừ chúng ta có thể kiềm chế được virus, việc phục hồi thực sự về phương diện kinh tế sẽ không xẩy ra". 

Nhiều thống đốc tiểu bang đã lên tiếng kêu gọi mọi người nghe những chỉ dẫn chuyên môn của các bác sĩ và các khoa học gia. Trong câu chuyện về lịch trình bóng đá năm nay của National Football League, Thống đốc Andrew Cuomo của New York nghi ngờ rằng chương trình có thể giữ như mọi năm vì Covid-19. Ông nói rằng hãy dựa vào thống kê, theo khoa học, hãy để cách chuyên gia bảo chúng ta khi nào an toàn để mở cửa. Ông có ý muốn nói đừng nghe theo lời của Tổng thống Trump. 

Tính cho đến chiều ngày 7/5, Hoa Kỳ đả có ít nhất 1.250.000 người nhiễm bệnh Covid-19 và 75.243 người chết trên toàn quốc. Khoảng hai tuần nữa số người chết sẽ lên tới 100.000 người. Theo một bản thảo của một phúc trình của chính phủ liên bang mang dấu hiệu của CDC, mà báo Washington Post thâu thập được, số người nhiễm bệnh có thể lên đến 200.000 mỗi ngày và số người chết là 3.000 người mỗi ngày kể từ 1/6. Kết quả này dựa trên mô hình của Giáo sư Justin Lessler tại Johns Hopkins Bloomberg School of Public Health. Một số mô hình khác cho những con số thấp hơn, nhưng tất cả đều tiên đoán rằng số người nhiễm bệnh và chết sẽ tăng lên vì mở cửa. Có những kịch bản đưa tới tình trạng vỡ bờ không có thể kiềm chế được tùy theo những quyết định chính trị làm ngày hôm nay. Tổng thống Trump mới đây tuyên bố rằng số người chết có thể lên đến 100.000 người, Nhưng với con số tử vong 3.000 người chết mỗi ngày, chỉ cần 10 ngày nữa tổng số người chết sẽ lên quá 100.000. Còn với số tử vong trung bình 2.000 người trong ba tuần qua, cũng chỉ cần hai tuần lễ là vượt quá con số của Tổng thống Trump. 

Số người chết mỗi ngày trên toàn quốc Hoa Kỳ giảm từ 1.723 vào ngày 1/5 xuống còn 950 vào 4/5 nhưng lại nhẩy vọt lên 2.416 và 2.655 vào 5/5 và 6/5. Như vậy, tình trạng của Covid-19 chưa thuyên giảm. Việc mở cửa trên toàn quốc là không thể thực hiện được trong lúc này, mà chỉ có thể thực hiện theo từng địa phương. 

Trở ngại chính vẫn là sự thiếu thốn những thiết bị y tế bao gồm máy thử nghiệm nhiễm coronavirus, máy thở và ngay cả khẩu trang đã được cải thiện những vẫn còn là một trở ngai cho việc chữa trị bệnh nhân. Quan trọng hơn cả là vài chục công ty dược phẩm và phòng thí nghiệm trên toàn thế giới đang tìm cách chế tạo thuốc chủng, nhưng chưa đạt được kết quả. Bác sĩ Anthony Fauci tiên đoán cần 12 – 18 tháng mới có thể có thuốc chủng sẵn sàng áp dụng cho người. Từ nay đến ngày đó, còn nhiều rủi ro nhiễm coronavirus. Chừng nào chưa có thuốc chủng, cuộc sống sẽ không thể trở lại bình thường. 

Tổng thống Trump lúc đầu dự tính cho mở cửa lại vào ngày Phục Sinh 12/4. Sau đó, ông đổi qua ngày 1/5 và xem ra ông đã nhất định ở thời hạn này. Trong khi đó hầu hết những chuyên viên y tế nói rằng cần nhiều tuần nữa, nếu không muốn nói là vài tháng, mới có thể chấm dứt những biện pháp cách ly. Bác sĩ Deborah Birx nhiều lần nhắc nhở rằng những biện pháp cách ly cần được duy trì ít nhất qua khỏi mùa hè này. 

Tại sao lại vội vã mở cửa ?

my6

Tình kinh tế Hoa Kỳ đang suy giảm đáng kể vì Covid-19. Hơn 30 triệu người mất việc làm kể từ giữa tháng 3 đến nay. Tì lệ thất nghiệp của nước Mỹ có thể lên đến 15% so với tỉ lệ thất nghiệp cao nhất trong thời khủng hoảng kinh tế 1930 là 25%. Sau hơn 10 năm phát triển liên tục từ thời Tổng thống Obama, Kinh tế Hoa Kỳ co cụm -4,8% trong quý I của 2020. Dự đoán cho ba quỹ II-IV của năm 2020 sẽ là -17%, -3,6% và -3%. 

Mất kiên nhẫn trước tình trạng kinh tế suy sụp chỉ trong vài tuần lể trên đây, Tổng thống Trump bằng mọi giá thúc dục các tiểu bang mở cửa sớm để cứu vãn kinh tế, cứu vãn cơ may được đắc cử tổng thống nhiệm kỳ II, bất chấp rủi ro cho những người dễ dàng bị lây coronavirus như những người trên 60 tuổi, những người đau yếu, những người nghèo, những người phải tiếp cận hàng ngày với nhiều người. 

Sự thật phũ phàng là mở cửa kinh tế sẽ có thêm người chết mà đa số là những người kém may mắn trong xã hội, nhưng tỉ lệ thất nghiệp sẽ bớt đi và thị trường chứng khoán sẽ đi lên. Tuy nhiên nếu chính quyền mở cửa vội vã, công chúng vẫn sợ chết, chưa dám đi ăn ngoài, chưa dám du lịch, không những sẽ kéo dài đại dịch mà còn làm cho kinh tế tiếp tục èo uột. Cuối cùng, công chúng mới là người thật sự giữ chìa khóa mở cửa kinh tế. 

Tổng thống Trump công nhận rằng mở cửa kinh tế bây giờ sẽ gây thêm đau khổ. Ông nói "Sẽ có một số người bị ảnh hưởng ? Đúng vậy. Sẽ có một số người bị ảnh hưởng một cách tệ hại ? Đúng vậy. Nhưng chúng ta phải mở cửa đất nước và chúng ta phải mở cửa sớm… Sẽ có thêm người chết. Virus sẽ biến đi, với thuốc chủng hoặc không". 

Ông Bill O’Reilly, cựu hướng dẫn viên của chương trình Fox News, từng nói một cách mỉa mai rằng những người chết vì coronavirus cũng ở trong giai đoạn cuối của cuộc đời rồi. Một vài viên chức Cộng hòa trước đây đã từng lên tiếng cổ võ việc mở cửa sớm. Phó Thống đốc Dan Patrick (Cộng hòa,Texas) từng nói rằng những người lớn tuổi có thể sẵn sàng hi sinh tính mạng để làm điếu tốt cho đất nước. Dân Biểu Trey Hollingsworth (Cộng hòa, Indiana) tuyên bố mở cửa là "một điều hại ít trong hai điều hại". Ông Hollingdworth là một người chống phá thai mạnh mẽ. Ông từng nói một đứa trẻ chưa sinh là một tặng phẩm của Thượng Đế. Như vậy tại sao ông lại sẵn sàng hi sinh những người già yếu để bảo vệ kinh tế.

Mạng sống rất quý không thể thay thế. Trong khi kinh tế quốc gia luôn luôn có thể vực dậy được. Bằng cớ rằng Nước Mỹ đã hùng mạnh trở lại sau cuộc đại khủng hoảng kinh tế 1930. Và từ đó đến nay Hoa Kỳ đã trải qua nhiêu cuộc khủng hoảng khác về kinh tế, chính trị lẫn quân sự. Hoa Kỳ đã thảm bại trong chiến tranh Việt Nam. Chưa bao giờ đất nước bị chia rẽ, lòng người bị phân tán vì cuộc chiến tranh này, nhưng Hoa Kỳ đã vực dậy được và trở thành cường quốc duy nhất thế giới trong một thời gian dài sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt. 

Nhà báo Howard Kurtz của Fox News cho rằng vấn đề là phải cân bằng giữa hai cuộc khủng hoảng về y tế và kinh tế để cuộc khủng hoảng này ít gây thiệt hại cho cuộc khủng hoảng kia. Thống đốc Andrew Cuomo của New York rất hợp lý khi ông nói rằng nếu có hai ưu tiên đối nghịch nhau, y tế công cộng cần phải đưa lên hàng đầu. Quan điểm này phù hợp với tinh thần đạo đức nhân bản. 

Nguyễn Quốc Khải

(09/05/2020)

Published in Diễn đàn

Trước ngày Hà Nội gỡ bỏ "cách ly xã hội" cả tuần, hàng xóm rổn rảng, tay bắt, mặt mừng. Dịch chưa hết, nguy cơ virus biến thể, khắp nơi đã hô vang chiến thắng. Còn rất nhiều vấn đề lớn, đỉnh dịch có thể còn ở phía trước. Phải mất nhiều tháng, nếu quản lý tốt, mới quay về trạng thái bình thường. Mở cửa trở lại sẽ đối mặt nhiều bất thường, dấn thân, chấp nhận rủi ro và ưu tiên khắc nghiệt hơn.

phongtoa1

Áp phích nhắc nhở người dân phòng bệnh Covid-19 ở một khách sạn tại Hà Nội hôm 20/4/2020 - Ảnh minh họa - Reuters

Dấn thân nhiều hơn

Làm việc, học tập, sinh hoạt trong dịch bệnh là chẳng tiếc thân, ném mình vào rủi ro. Con người đối mặt nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn. Họ phải tiếp xúc gần, tiếp xúc nhiều lần, thời gian dài với nhiều người, nhưng không biết cần tránh những ai. Nhận dạng được người có khả năng lây nhiễm không dễ dàng. Bệnh chưa có thuốc chữa, bệnh viện không đủ máy thở, phải xét nghiệm nhiều lần.

Để không bị mất việc, người làm nhiều khi phải chấp nhận những điều khoản ngặt nghèo mà trước đây họ không đồng ý. Để "theo kịp chương trình", học trò và phụ huynh có thể phải chấp nhận thêm thiệt thòi mà trước đây họ không bằng lòng. Nguy cơ ốm bệnh và lây sang gia đình, cộng đồng gia tăng. Với mức sống của đa số người Việt Nam, tránh lây nhiễm cho người nhà vô cùng khó khăn.

Chấp nhận rủi ro cao hơn

Không được lựa chọn không gian, không được rút ngắn thời gian, không phải khó khăn lớn nhất. Vấn đề trước tiên là người làm, học sinh, người dân có bao nhiêu khẩu trang. Họ cần được thay đổi thường xuyên và tối đa bốn tiếng một lần. Chưa thấy kế hoạch khẩu trang của chính phủ. Ai đảm bảo họ vẫn được hưởng lương và không phải làm việc trong điều kiện mất vệ sinh ? Thiếu nhiều thông tin căn bản.

Chưa có tiêu chuẩn trường học an toàn chống dịch nào được trưng cầu ý kiến phụ huynh và học sinh. Chưa rõ ai, mức độ chịu trách nhiệm, nếu không đáp ứng các tiêu chuẩn đó. Bảo hiểm sức khỏe có thể chỉ là kỷ niệm của người quá cố. Rốt cuộc, người yếu thế hầu hết phải chấp nhận. Sao vội mừng đến thế ? Có lẽ, sinh tồn trong nghèo đói và toàn trị khuyến khích lối sống "giản dị", không cần biết và không quan tâm mình có những quyền gì.

Ưu tiên khắc nghiệt hơn

Trong phạm vi gia đình, khó nhất là quyết định cho trẻ em đến trường. Phụ huynh phải lựa chọn cho con "theo kịp chương trình" hoặc ở nhà. Những người không "theo chủ trương chung", nếu là thiểu số, gần như chắc chắn không tránh được sự công kích, thậm chí lăng nhục. Ở Việt Nam, dư luận là bầy đàn có xuất xứ, sẵn sàng xé xác. Ở trong nhà mình hóa ra cũng không dễ.

Đối với xã hội, người nghèo sẽ khó khăn hơn. Vì sẽ có nhiều người nghèo hơn. Nguồn lực của xã hội chia sẻ cho người nghèo (nếu có) vốn đã ít, lại càng teo tóp. Người nghèo và những người "cận nghèo" có xu hướng mạo hiểm hơn và trở nên liều lĩnh hơn. Một tất yếu của khủng hoảng, mật đã ít nay lại ít hơn, ruồi vốn đông nay còn đông gấp bội. Đừng nghĩ khó khăn không ảnh hưởng đến mình.

Bất luận sang – hèn, con người ra quyết định dựa vào các giá trị họ coi là quan trọng, niềm tin họ tôn thờ. Bố mẹ coi hạnh phúc của con quan trọng hơn của mình, liệu có sẵn sàng đương đầu với chỉ trích của đám đông ? Người nghèo có cơ hội lên tiếng ? Sẽ có những đánh đổi, hạ thấp mục tiêu, giành giật khốc liệt và bấp bênh hơn trước. "Chắc chắn" là một giá trị hiếm hoi không có gì chắn chắn và mong manh hơn bất cứ lúc nào.

Chẳng có ai muốn bệnh tật, thiếu đói và diễn biến bất thường. Nỗ lực vượt qua khủng hoảng cũng cần thái độ tích cực, tinh thần lạc quan. Nhưng trước hết, phải thu thập đủ thông tin, căn cứ vững chắc, các kết luận chuyên môn và trải nghiệm thực tiễn. Diễn biến bất thường, hoàn cảnh khó khăn, mâu thuẫn lợi ích, quan điểm sống… đòi hỏi những đôi mắt mở to hơn.

Khó khăn dồn con người vào tình thế bắt buộc phải dấn thân, chấp nhận rủi ro, các ưu tiên khắc nghiệt. Thoát khỏi tình trạng phong tỏa tuy là một tín hiệu tích cực, nhưng chưa thể coi đó là chiến thắng Covid-19. Không thể sinh hoạt như ngày thường. Đã bất chấp khoảng cách giao tiếp an toàn, tiếp xúc bừa bãi, lại còn hô khẩu hiệu là mơ ngủ đấy.

Đừng nghe "Ru mãi ngàn năm". Dở lắm !

Nguyễn Hà Hùng

Nguồn : RFA, 24/04/2020

Published in Diễn đàn

Gần một tỷ người trên hành tinh bị phong tỏa vì đại dịch virus corona

Có thể nói hầu hết các báo Pháp ra đầu tuần này đều là những số báo đặc biệt chuyên về đại dịch Covid-19. Điều này có thể hiểu được khi mà virus corona tiếp tục lây lan với tốc độ chóng mặt ở Pháp, cũng như ở các nước Châu Âu khác. Bảng tổng kết số người nhiễm và tử vong vì Covid-19 tăng lên từng ngày theo cấp số nhân, mặc cho các biện pháp chống dịch tiếp tục được tăng cường ở các quốc gia.

italie1

Quảng trường Piazza del Popolo, thủ đô nước Ý, vắng vẻ trong mùa dịch Covid-19. Ảnh chụp ngày 22/02/2020. Reuters - ALBERTO LINGRIA

Sau khi Trung Quốc kiềm chế được dịch virus corona giải tỏa cho hàng trăm triệu người khỏi cuộc sống cách ly, đến lượt phần còn lại thế giới bị rơi vào vòng phong tỏa. Nhật báo kinh tế Les Echos ghi nhận "Gần một tỷ người bị phong tỏa trên thế giới". Một làn sóng phong tỏa đang phủ kín địa cầu khi 40 nước đang lần lượt quyết định phong tỏa dân cư với hy vọng có thể ngăn được đà lây truyền của Covid-19. Theo tờ báo, tính đến ngày Chủ nhật, đã có khoảng 940 triệu dân trên địa cầu nằm trong diện phong tỏa. Tức là chỉ được ra đường khi thật sự cần thiết như mua đồ ăn, đi chữa bệnh hay đi làm khi không thể làm việc tại nhà. 

Trong số đó, có 21 nước áp dụng phong tỏa bắt buộc trên toàn quốc, vi phạm bị phạt tiền nặng. Đó là một loạt nước ở Châu Âu, bắt đầu từ Ý tới Tây Ban Nha, Pháp rồi qua nhiều nước ở khu vực Trung Cận Đông, Châu Á, Trung và  Nam Mỹ, qua đến Châu Phi. Ở 19 nước khác, lệnh phong tỏa mới ở mức độ khuyến cáo, nhưng chắc chắn trong ít ngày nữa phong tỏa sẽ trở nên bắt buộc. Viễn cảnh Châu Âu và Mỹ không còn ai có thể ra đường tự do đang hiện dần. Les Echos dự tính trong những ngày tới số lượng dân số thế giới bị phong tỏa sẽ còn tăng gấp đôi khi mà các nước như Ấn Độ, Sri Lanka hay Algeria, Nigeria đang cân nhắc các phương án phong tỏa diện rộng.

Nếu dịch không bị kiềm chế và tình hình lây lan còn kéo dài, hình thức phong tỏa sẽ còn bị thắt chặt hơn rất nhiều, thậm chí có thể tái hiện khắp nơi tình trạng của thành phố Vũ Hán cách đây một tháng. Ngoài ra những nước không áp dụng phong tỏa dân cư, nhưng cũng bắt đầu có các biện pháp như đóng cửa trường học, quán hàng không thiết yếu hay những tụ điểm giải trí, thể thao…

Trong bối cảnh chung như thế, theo Les Echos, Moskva tỏ ra khá bình thản với Covid-19. Tại Nga, cửa hàng, quán ăn vẫn hoạt động bình thường. Chính quyền Nga không có quyết định phong tỏa dân cư nào, tuy cũng đã cho đóng cửa biên giới. Trong Liên Âu duy nhất chỉ còn Hà Lan là vẫn bám giữ chiến lược "miễn dịch cộng đồng", nhưng nước này cũng đã phải đóng cửa các nơi công cộng tập trung đông người.

Nhìn chung bức tranh toàn cầu về bệnh dịch đang phủ màu xám, chỉ có một chút mảng sáng ở phương đông. Cuộc sống đang dần trở lại bình thường ở một số nơi như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan hay Singapore. Les Echos nhận thấy, đó là "những nơi đã ổn định được tình hình nhờ các biện pháp triệt để : xét nghiệm đại trà, sử dụng khẩu trang, truy tìm dấu vết tiếp xúc của các ca bệnh, nhanh chóng cách ly những người thuộc diện nghi nhiễm". Những biện pháp đó đã khiến các nước này trả giá đắt về kinh tế, cũng như những hệ lụy về tâm lý xã hội, nhưng đổi lại họ đã được giải thoát. 

Pháp : Bệnh viện có nguy cơ thất thủ

Đi đầu trên trận tuyến chống dịch là các bệnh viện, các y bác sĩ, thế nhưng trận tuyến này của Pháp, cũng như ở Ý hay Tây Ban Nha, đang có nguy cơ thất thủ, bởi bị quá tải trước số lượng ồ ạt bệnh nhân. Nhiều nhân viên y tế bất lực và suy sụp vì thiếu thốn phương tiện. 

Nhiều tờ báo lớn như Le Monde, Le Figaro hay Les Echos đều phản ánh tình hình khủng hoảng ở các bệnh viện Pháp bằng những hàng tựa lớn trang nhất. Le Monde chạy tựa : "Các bệnh viện đối mặt với các ca bệnh nặng ào ạt đổ đến". Tờ báo ghi nhận tất cả hệ thống bệnh viện của nước Pháp từ vài ngày nay đang phải đối phó với "làn sóng" bệnh nhân. Đặc biệt tại các vùng nóng của dịch như Grand Est, Paris và vùng phụ cận (Île de France) hay Haut-Rhin, tất cả các bệnh viện đã trong tình trạng bảo hòa, không còn khả năng tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu hồi sức tích cực. Các bệnh viện đã được giảm tải rất nhiều khi mà đại đa số các ca nhiễm chưa đến mức độ kịch phát đều tự cách ly tại nhà, được các bác sĩ tại địa phương theo dõi chăm sóc. 

Với hàng tựa : "Île de France :  các bệnh viên đang đối mặt với làn sóng cuộn", Le Figaro cho biết, Paris và vùng phụ cận đã có 665 bệnh nhân Covid-19 đang phải hồi sức tích cực. Trong những ngày tới các bệnh viện vùng thủ đô sẽ bị nhanh chóng quá tải với các ca bệnh nặng. Tờ báo ghi nhận cả vùng Paris hiện chỉ còn vài giường bệnh hồi sức tích cực và chắc chắn sẽ bị chiếm hết trong một hai ngày nữa.  "Các bệnh viện đang phải tổ chức lại từng ngày : Các phòng chăm sóc thường xuyên chuyển thành phòng hồi sức cho bệnh nhân nặng. Các phòng hậu phẫu giờ cũng được chuyển thành  phòng sẵn sàng đón tiếp các bệnh nhân cần hồi sức. Các nhân viên y tế được đào tạo gấp tại chỗ về hồi sức…".

Theo Le Figaro, vùng Paris  (Île de France) có tất cả 408 cơ sở y tế  công và tư, có khả năng đáp ứng tối đa 1.200 giường bệnh hồi sức tích cực và 3.000 giường chăm sóc thường xuyên. Nhưng với tốc độ lây lan của dịch như hiện nay, tăng hơn 10% ca nhiễm mỗi ngày, thì các cơ sở bệnh viện trên không những không đủ đáp ứng về giường bệnh mà cả nhân viên y tế cũng bị khủng hoảng trầm trọng.

Chính vì thế hiệp hội các bệnh viện Paris đã kêu gọi các bác sĩ tình nguyện để tăng cường cho các nhóm chăm sóc của 39 bệnh viện trong vùng để chuẩn bị đón làn sóng mới các bệnh nhân nặng trong những ngày tới. 

Tờ báo ghi nhận, không chỉ thiếu giường cấp cứu cho các ca bệnh nặng mà đội ngũ các thầy thuốc ở khắp các bệnh viện cũng đang kiệt sức với nhịp độ công việc kinh hoàng và nỗi lo sợ bị lây nhiễm virus từ chính những người được họ chăm sóc. Đã có những nhân viên cấp cứu nhiễm virus và một bác sĩ bị chết vì Covid-19. 

Bài học nhãn tiền trong khủng hoảng virus corona ở Pháp

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh viện quá tải trước một bệnh dịch chưa từng có cả trăm năm nay là các bệnh viện thiếu thốn trang thiết bị, nhân sự do cắt giảm đầu tư cho y tế từ 10 năm nay. Vấn đề này đã được La Croix nêu ra trong bài xã luận mang tiêu đề "Bài học từ những sai lầm của chúng ta". 

Xã luận của La Croix viết : "Một thực tế là nước Pháp đã không đủ chuẩn bị với trận dịch này. Tình trạng khan hiếm khẩu trang, nước sát trùng và xét nghiệm từ nhiều ngày nay đang khiến các nhân viên y tế phẫn nộ. Sự phẫn nộ đó là chính đáng. Cách đây 9 năm, đất nước chúng ta có 800 triệu khẩu trang cho phẫu thuật. Tháng trước, chúng ta chỉ còn có 117 triệu chiếc, trong khi mà nhu cầu tối thiểu hiện nay ước tính khoảng 24 triệu cái mỗi tuần. Đến mùa xuân năm 2020 này, nước Pháp mới lộ ra cho thấy mình cũng phải nhờ cậy vào cứu trợ khẩn cấp của Trung Quốc".

Tờ báo nhấn mạnh "tình trạng này không phải là kết quả ngẫu nhiên mà là hệ quả của các quyết sách chính trị" mang nặng tính kinh tế. Tuy nhiên La Croix cho rằng bây giờ chưa phải là lúc để suy xét hay chỉ trích các quyết định chính trị. Việc khẩn cấp lúc này là tập hợp sức mạnh cùng chiến đấu chống virus corona. Quyết định của chính phủ trưng dụng cơ sở vật chất y tế để chống dịch là hướng đi đúng, cũng như trong tuần nhiều công ty lớn nhỏ và chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều sáng kiến để sản xuất hoặc làm tăng viện cho kho vật tư mà các nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh đang rất cần. Xã luận tờ báo cũng ghi nhận việc hai viện Quốc hội đã nhanh chóng nhất trí thông qua luật "Tình trạng Y tế khẩn cấp". Tờ báo hy vọng tinh thần đoàn kết trách nhiệm này trong tương lai sẽ lặp lại "để làm sáng tỏ những thiếu sót trong việc tiên liệu khủng hoảng lần này. Đây là công việc cần thiết, không phải để tìm thủ phạm mà để rút ra bài học từ những sai lầm của chúng ta".

Chống dịch Covid-19 : Bài học từ Châu Á ? 

Trong loạt bài về đại dịch virus corona, nhật báo Les Echos có bài viết đáng chú ý của tác giả Dominique Moisi, cố vấn đặc biệt của Viện Montaigne - Pháp, với tựa đề : Cuộc chiến chống dịch : "Bài học về ý thức công dân của Châu Á" 

Theo tác giả bài báo, các chế độ Trung Quốc cũng như Hàn Quốc hay Đài Loan đã đẩy lùi thành công dịch virus corona bởi vì văn hóa Châu Á đặt lợi ích cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân. Một ý thức tập thể mà phương Tây đã đánh mất và cần khẩn cấp tái lập.

Tác giả Moisi nhận thấy, giờ đây khi đã kiểm soát được dịch bệnh trên lãnh thổ của mình, chính quyền Bắc Kinh đang nắm lại cơ hội để "quảng bá quyền lực mềm Trung Quốc. Sự lúng túng của Châu Âu và Mỹ trong xử lý khủng hoảng dịch càng làm cho họ có điều kiện làm việc đó". Tuy nhiên, ông nhấn mạnh : "cuộc khủng hoảng virus corona không chứng minh được sự vượt trội của mô hình toàn trị Trung Quốc mà nó chỉ chứng tỏ những hạn chế của chủ nghĩa cá nhân và tính ích kỷ ở phương Tây. Châu Âu và Mỹ, trên khía cạnh chống dịch virus corona, cần phải học Châu Á, từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan hay Trung Quốc". Vấn đề không phải là thể chế chính trị mà là ý thức công dân.

Theo tác giả, nếu như nước Ý rơi vào tình trạng bi đát như hiện nay là do nhiều nguyên nhân : thiếu thốn vật tư thiết bị y tế, độ tuổi dân số cao, mật độ dân cư khu vực miền đông bắc… nhưng một trong những lý do ban đầu là ý thức công dân, thiếu tôn trọng các quy định an toàn sơ đẳng. Về vấn đề này Pháp cũng không hơn gì Ý.

Những hình ảnh đoàn người dân đô thị lớn vội vã ra ga tháo chạy khỏi thành phố tránh bị phong tỏa hay hàng dài người đổ xô đến các siêu thị vơ vét tích trữ hàng, rồi nhiều người thản nhiên đi dạo như không có chuyện gì trong khi bị phong tỏa là những bằng chứng đáng báo động về ý thức công dân.

Anh Vũ

Published in Quốc tế
vendredi, 07 février 2020 21:00

Trung Quốc đang bị phong tỏa

Kiểm dịch hàng loạt ở tỉnh Hồ Bắc dường như không ngăn được sự lây lan của vi-rút corona. Biện pháp ngăn chặn vi-rút của Trung Quốc có hiệu quả không ?

1198660830

Tử vong do vi-rút corona có nguồn gốc từ Vũ Hán đã gia tăng và tính đến thứ Tư, các quan chức Trung Quốc đã báo cáo gần 500 trường hợp tử vong và 24.447 trường hợp lây nhiễm được xác nhận. 

Cho đến nay, việc kiểm dịch quy mô lớn ở tỉnh Hồ Bắc dường như không ngăn được vi-rút lây lan và hàng trăm thành phố khác của Trung Quốc đã xác nhận hàng trăm trường hợp, có thể gia tăng trong hai tuần tới.

Các thành phố đang bị phong tỏa, ngay cả ở các trung tâm đô thị, chẳng hạn như Bắc Kinh, vốn đang trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thế nhưng đường phố và các trung tâm đều vắng bóng người. Ở một số thành phố, như trung tâm thương mại của Ôn Châu, các doanh nghiệp và trường học phải đóng cửa, chính quyền chỉ thị người dân ở yên trong phòng.

Tập Cận Bình xuất hiện trở lại

Tập Cận Bình đang "đích thân lãnh đạo và chỉ đạo" chính thức về cuộc chiến chống lại vi-rút này nhằm tái khẳng định quyền lực của nhà lãnh đạo. 

Trang nhất của Nhật báo Nhân dân nhắc nhở người dân rằng họ phải "lấy ông Tập Cận Bình làm nòng cốt để tham gia trận chiến này". Việc tuyên truyền này không gây ngạc nhiên, nhưng điều kỳ lạ là Tập Cận Bình đã không xuất hiện công khai cho đến một tuần trước.

Giống như sự mất tích bí ẩn của Tập Cận Bình vào năm 2012 trước khi ông nhậm chức, những tin đồn vẫn tiếp tục lan rộng, và nhiều đồn đoán cho thấy, Tập Cận Bình, 66 tuổi đang rất căng thẳng. Có sự sợ hãi trong đảng, rằng Tập sẽ bị nhiễm vi-rút : điều này sẽ phơi bày sự thiếu người kế nhiệm Tập Cận Bình.

Cách ly

Chính sách mới của chính phủ Trung Quốc dường như đưa những người nhiễm vi-rút vào khu vực cách ly thay vì điều trị tại nhà. Cuối cùng, Vũ Hán đã chiếm giữ một số tòa nhà, bao gồm cả khách sạn. Trên khắp Trung Quốc, những người gần đây đã đến tỉnh Vũ Hán hoặc Hồ Bắc đang bị theo dõi và cô lập. Con số tử vong đang được đề cập với con số thấp hơn. Trang tin Caijing đã phỏng vấn một bác sĩ Vũ Hán, người đã xác nhận các báo cáo về lây nhiễm cho biết, cơ sở y tế yêu cầu bệnh nhân trả tiền trước và báo cáo ít trường hợp tử vong hơn.

Tự do truyền thông kết thúc

Như dự đoán, thời gian ngắn của tự do truyền thông tương đối dường như đã kết thúc. Các nhà lãnh đạo truyền thông Trung Quốc tuyên bố : "Nguồn tin tức (báo chí) phải được kiểm soát chặt chẽ, báo cáo độc lập phải bị nghiêm cấm, bao gồm cả việc sử dụng các nguồn tin không được kiểm soát, đặc biệt là tự truyền thông (nội dung do nhà báo công dân sản xuất) bị nghiêm cấm.

Tín hiệu

Cuối tuần trước, đã có một sự thay đổi kỳ lạ trong tuyên truyền từ các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc khi các báo cáo cáo buộc Hoa Kỳ gây hoang mang về corona, bao gồm tuyên bố rằng Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên hạn chế du khách từ Trung Quốc (các quốc gia khác, bao gồm cả đồng minh Nga của Trung Quốc, đã tuyên bố trước đó.)

Đảng cộng sản Trung Quốc cảm thấy rằng họ thực sự bị đe dọa, họ có thể tiếp tục với các tuyên bố chống Washington – có lẽ lặp lại âm mưu của Nga, nói rằng vi-rút là vũ khí sinh học của Hoa Kỳ.

Đồng thời, Bắc Kinh đang cố gắng củng cố lòng trung thành bằng cách không di tản công dân hoặc hủy các chuyến bay đến và đi khỏi Trung Quốc. 

Quyết định kỳ lạ của Pakistan tiếp tục chuyến bay sau khi bị đình chỉ đã bị nghi ngờ. Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã sử dụng cuộc khủng hoảng để thể hiện lòng trung thành của mình với Bắc Kinh, bao gồm cả tuyên bố rằng ông sẽ tới thăm Vũ Hán.

Chuyện gì đã xảy ra ở Tân Cương ?

Vi-rút corona bùng phát trong một nhà tù Tân Cương, nơi có đến 1,5 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ sẽ là một cơn ác mộng. Nhiều người trong số những người bị giam giữ là người già, và hầu hết tất cả đều phải chịu đựng về tổn thất thể xác. 

Một quan chức Tân Cương gần đây đã tuyên bố rằng sự lây lan của vi-rút là một bí mật, điều này không giúp trấn an người Duy Ngô Nhĩ.

Các quan chức địa phương sẽ bị trừng phạt

Đảng cộng sản Trung Quốc đã bắt đầu trừng phạt các quan chức địa phương ở tỉnh Hồ Bắc, những người đã bị buộc thôi chức vì xử lý một đợt bùng phát vi-rút. 

Sau khi khủng hoảng được ngăn chặn, các hình phạt nghiêm khắc hơn có thể được áp dụng, chẳng hạn như cho ra khỏi đảng hoặc cáo buộc hình sự.

Cathay Pacific, hãng hàng không hàng đầu của Hồng Kông, đã yêu cầu ba tuần nghỉ không lương cho nhân viên của mình vào thứ Tư vì triển vọng kinh doanh của công ty rất ảm đạm do sự bùng phát vi-rút corona. Hãng hàng không này là nạn nhân chính của việc hủy bỏ và đình chỉ các chuyến bay đến Trung Quốc và các hạn chế du lịch khác kể từ tháng trước. (Cathay Pacific và các hãng hàng không Hồng Kông khác đã giảm sức tải cho các chuyến bay đến Trung Quốc đại lục.)

Cổ phiếu đi xuống

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, chứng khoán Trung Quốc đã lao dốc sau khi mở cửa trở lại vào thứ Hai. Được thúc đẩy bởi các cam kết của chính phủ, nền kinh tế phục hồi nhẹ.

Tại Trung Quốc, thương mại – tài chính được kiểm soát chặt chẽ. Đối với các ngành thương mại trên khắp châu Á, nguy cơ nhiễm corona vẫn nghiêm trọng, đặc biệt là nếu các đơn vận chuyển bị phá do sự bùng phát dịch.

James Palmer

Nguyên tác : China Is Under Lockdown, Foreign Policy, 05/02/2020

Diễm My dịch

Nguồn : VNTB, 07/02/2020

Published in Diễn đàn