Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

11/05/2020

Điểm báo Pháp - Covid-19 : Pháp vừa giải tỏa vừa lo

RFI tiếng Việt

Covid-19 : Pháp vừa giải tỏa vừa lo

Sau 8 tuần được đặt trong tình trạng phong tỏa phòng chống dịch Covid-19, hôm nay 11/05 là một ngày đặc biệt, nước Pháp bắt đầu gỡ bỏ một phần các biện pháp hạn chế hoạt động đời sống thường nhật. Một giai đoạn mới mở ra với người dân Pháp trong tâm trạng vừa thở phào nhẹ nhõm nhưng lại không ít lo lắng, thận trọng và hoài nghi.

phap1

Ảnh chụp tại ga Saint-Lazare, Paris, ngày 11/05/2020, ngày đầu tiên Pháp dỡ bỏ phần nào lệnh phong tỏa. Reuters/Charles Platiau

Nhưng đó mới chỉ là giai đoạn 1 kéo dài 3 tuần của cả tiến trình giải tỏa hoàn toàn mà điểm kết thúc phụ thuộc vào diễn tiến tình hình dịch, không ai có thể nói trước điều gì. Có thể thấy không khí ngày dỡ bỏ phong tỏa của nước Pháp ở khắp các trang báo ra hôm nay.

Le Monde chạy tựa "Dỡ phong tỏa : những bất trắc của ngày 11/05". Có thể nói cuộc chiến chống Covid-19 đặt nước Pháp trước thách thức chưa từng có, và giờ đây giai đoạn thoát khỏi vòng phong tỏa do virus corona cũng đang đặt ra rất nhiều thử thách mới cho mọi người dân cũng như chính phủ Pháp. Le Monde nhận định, giai đoạn giải tỏa thực sự sẽ phải là từ ngày 02/06. Đây vẫn chỉ là giai đoạn khởi động, thăm dò. Từ nay đến khi đó, "mọi người vẫn như đi trên trứng với nỗi ám ảnh làm sao không để dịch bùng lên một lần nữa". Các chỉ số về mức độ virus lây lan và mật độ bệnh nhân ở nhiều vùng đông bắc vẫn còn đáng lo ngại.

Với chính phủ, Le Monde ghi nhận "việc dỡ bỏ phong tỏa lần này đang diễn ra dưới sức ép của dư luận". Chính phủ đang cân bằng việc trở lại với tự do, khôi phục hoạt động đời sống xã hội với cuộc chiến chống dịch. Một mục tiêu không dễ thực hiện khi mà ngay từ đầu dịch, các quyết định của chính phủ luôn tỏ ra chậm hơn so với thực tế.

Nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa lớn ngắn gọn nhưng nhiều hàm ý : "Một thời kỳ mới". Tờ báo ghi nhận : "Pháp bước vào việc dỡ phong tỏa rủi ro cao". Trên phương diện y tế, thì đây là bước đi đầy nguy hiểm. Cho đến giờ, dịch bệnh đã làm 26 nghìn người chết và Pháp là nước bị dịch nặng thứ 5 thế giới. Hiện tại, vẫn còn 4 vùng lớn ở khu vực đông bắc đất nước vẫn là những vùng đỏ, tức là những điều kiện y tế, bệnh dịch vẫn còn rất căng thẳng. Mặc dù vậy, trước việc phải khẩn cấp khôi phục hoạt động đời sống kinh tế, chính phủ vẫn phải giải tỏa hoạt động cho đất nước. Trên phương diện chính trị, quyết định này là một trắc nghiệm cho tổng thống Emmanuel Macron, trong lúc mà chính phủ của ông đang bị chỉ trích nhiều trong việc xử lý khủng hoảng dịch.

Giữa rủi ro không tránh được và đòi hỏi cấp bách bảo vệ người dân Pháp, đang lo lắng cả về đời sống kinh tế cũng như y tế, tổng thống Emmanuel Macron phải "đặt cược lớn". Theo Les Echos, đại đa số người dân pháp vẫn rất lo lắng vì dịch bệnh thì vẫn chưa khống chế được, chưa có thuốc chữa hay vắc xin. Họ còn lo lắng về vố số vấn đề đặt ra khi dỡ phong tỏa trong bối cảnh đang rất mất lòng tin với việc xử lý khủng hoảng dịch của chính phủ.

Đại đa số dân Pháp mất niềm tin vào chính quyền

Về lòng tin của dân vào chính phủ trong xử lý dịch, Le Figaro so sánh Pháp với các nước Châu Âu qua những con số thăm dò dư luận. Tờ báo cho biết : "Về dịch virus corona : Người Pháp vô địch Châu Âu về ngờ vực chính quyền". Theo một nghiên cứu của Viện thăm dò dư luận Odoxa thực hiện cho Le Figaro, "trong lúc mà đa số người dân Châu Âu đánh giá chính phủ của họ đã hành động đúng tầm với tình hình trong cuộc khủng hoảng virus corona thì 66% người Pháp lại nghĩ ngược lại. Chỉ có 34% dân Pháp tỏ ra ủng hộ hành động của chính phủ". Đi vào chi tiết, Le Figaro cho biết thêm : "Xung quanh vụ khủng hoảng y tế này, 75% dân Pháp cho rằng chính phủ đã không nói ra sự thật. 74% cho rằng chính phủ đã không đưa ra những quyết định tốt vào đúng thời điểm. 3/4 dân chúng còn thấy chính quyền đã không làm những việc cần thiết để hỗ trợ các bệnh viện và nhân viên y tế".

Vẫn theo thăm dò dư luận trên, dù việc phong tỏa đã được đại đa số người dân Châu Âu cũng như Pháp thực hiện tốt, nhưng cũng không ít người lo lắng về việc ra khỏi phong tỏa cùng các hệ quả của nó. Có 35% dân Pháp cho biết không muốn dỡ bỏ phong tỏa từ ngày 11/05, chủ yếu là vì lý do y tế. Trong khi đó, 28% lo sợ bị mất việc làm trong tháng tới. Tại Pháp, tỉ lệ thất nghiệp tăng cao đi kèm với sự mất lòng tin báo hiệu một cuộc khủng hoảng xã hội mới. Tổng thống Pháp đang đứng trước một thách thức khác là "hậu khủng hoảng". Thực thi giải tỏa mới bắt đầu nhưng đã có dấu hiệu nguy hiểm cho chính phủ, Le Figaro kết luận.  

Rủi ro chính trị không thể tránh

Cùng chung nhận định với Le Figaro, nhật báo Libération cũng nhìn thấy những rủi ro về chính trị cho chính phủ. Tờ báo nhận xét : "Từ gần 2 tháng qua, mọi điều tra dư luận đều khẳng định đa số dân Pháp chỉ trích nghiêm khắc hành động của chính phủ, đánh giá chính quyền không đủ khả năng xử lý hiệu quả việc ra khỏi phong tỏa. Không có chính phủ nào ở Châu Âu phải đối mặt với thái độ như vậy của người dân". Đối với hơn 2/3 dân chúng, chính phủ đã không giữ lời hứa, sẽ vẫn còn thiếu khẩu trang, các cơ quan y tế sẽ không đủ phương tiện để thực hiện hàng trăm nghìn xét nghiệm như đã thông báo ? Những ngày tới sẽ cho thấy người dân đúng hay sai ? Đó chính là thách thức chính trị của quá trình dỡ phong tỏa này.

Libération ghi nhận, ra khỏi phong tỏa, nước Pháp "trở lại với trạng thái không bình thường". Tờ báo thiên tảví giai đoạn giải tỏa này chỉ là hưu chiến cho những người bị phong tỏa. Người dân ra khỏi các biện pháp phong tỏa với vô số sự đề phòng, mọi hoạt động trở lại nhưng vẫn trong những điều kiện thận trọng nhất. Tờ báo ghi nhận "dẫu sao thì tất cả mọi người đều cảm nhận như được giải phóng", dù mới chỉ có được một nửa tự do.

Không bàn về chính trị mà tập trung vào góc độ xã hội, La Croix dành gần hết các trang báo để thu thập cảm nhận của 100 người về trải nghiệm họ đã sống trong vòng phong tỏa. Hầu hết mọi người đều lưu lại những kỷ niệm đẹp, những giá trị về tình đoàn kết, quý trọng hơn giá trị của cuộc sống trong những ngày tháng sống trong vòng vây hãm của bệnh dịch. Bên cạnh đó tờ báo cũng đăng 10 lời khuyên thiết thực nhất cho mọi người để phòng chống Covid -19 và trở lại với cuộc sống bình thường được an toàn nhất.

Covid-19 : Môi trường cho lang băm hành nghề ?

Cũng liên quan đến những lời khuyên bảo phòng dịch virus corona, Le Figaro giới thiệu bài viết với tựa đề : "Covid-19, cánh cửa vào cho đủ mọi niềm tin sai lầm về sức khỏe". Bài báo nhắc lại : "Tổng thống Mỹ Donald Trump thì gợi ý tiêm javel, một bác sĩ Pháp thì kê đơn thứ đồ uống có ga Schweppes, tổng thống Madagascar thì quảng bá liều thuốc phòng virus corona chế từ cây ngải… Đại dịch Covid-19 như là cơ hội nảy ra vô số những cách điều trị điên khùng nhất". Điều nguy hại là một số bài thuốc còn gây nguy hiểm chết người. Như tại Iran, từ tháng 2 đến tháng 4, theo AP, đã có 700 người chết vì uống cồn phòng Covid-19. Tại Ấn Độ, một dược sĩ làm việc trong một công ty chuyên về liệu pháp thực vật đã tử vong và ông chủ thì nhập viện vì đã uống thử thuốc trị bệnh Covid-19 do họ tự chế.

Hiện tượng này đã lan rộng khiến Tổ chức Y tế Thế giới đã phải lên danh mục các bài thuốc bậy bạ chống Covid-19 để cảnh báo công chúng. Gần đây, trên các mạng xã hội, Facebook, Youtube hay những diễn đàn lại xuất hiện nhiều lời khuyên không hề có cơ sở như : cho thêm ớt vào canh, xịt nước javel lên người, uống rượu, tắm nóng, ăn tỏi hay nhịn ăn để phòng chống virus corona… Có những lời khuyên vô hại nhưng điều nguy hiểm là những lời kêu gọi đó lôi kéo mọi người bỏ rơi những khuyến cáo y tế phòng dịch hữu hiệu khác như rửa tay, giữ khoảng cách…

Theo các chuyên gia, vì có rất nhiều điều còn mù mờ cũng như tâm lý hoang mang về virus corona nên cũng dễ hiểu là mọi người dễ tin vào những điều gọi là "giải pháp đơn giản", trong khi Y học chưa tìm ra cách trị bệnh. Người dân sẽ không tin vào những điều nhảm nhí đó khi đã nắm được cơ sở khoa học để hiểu quá trình truyền nhiễm.

Tia cực tím sát trùng nhanh, hiệu quả với virus corona

Phần cuối mục điểm báo xin dành cho thông tin về phát hiện khá hữu ích cho phòng chống virus corona, đặc biệt trong khi thực hiện dỡ phong tỏa. Các tia cực tím có thể dùng để tẩy trùng, khử virus nhanh. Thông tin được đăng trên Les Echos. Cùng với dỡ bỏ phong tỏa là cuộc chạy đua tìm giải pháp tối ưu để tẩy trùng bề mặt đồ vật, từ bàn ghế, vật dụng nội thất cho đến bên trong các phương tiện công cộng.

Theo tờ báo, một cuộc cách mạng trong lĩnh vực này đang hình thành nhờ tia cực tím C (UV-C). Loại tia cực tím này có thể diệt các mầm vi khuẩn và virus hiệu quả tới 99,99%, kể cả virus corona chỉ trong vòng từ 5 đến 7 phút. Chính quyền Trung Quốc đã thử dùng phương pháp tẩy trùng này ở Thượng Hải và thấy hiệu quả. Là nơi sinh ra công nghệ UV-C, Châu Âu từ ba chục năm nay vẫn dùng tia cực tím C để tẩy trùng nguồn nước, đặc biệt trong các bể bơi để tránh dùng Chlore.

Nhưng ở Châu Âu, UV-C chưa bao giờ dùng để tẩy trùng bề mặt đồ vật. Giờ đây, Châu Âu bắt đầu cho triển khai công nghệ với thiết bị quét Bio-UV do Pháp chế tạo. Các nhà khoa học Pháp tiếp tục cải tiến công nghệ UV-C để phạm vi sử dụng được mở rộng hơn nữa, không chỉ trong trận dịch này.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 504 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)