Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

12/05/2020

Điểm báo Pháp - Thận trọng tái lập sinh hoạt bình thường

RFI tiếng Việt

Pháp thận trọng tái lập sinh hoạt bình thường sau 8 tuần thiếu tự do

Dĩ nhiên là trang nhất các báo Pháp ra ngày hôm nay, 12/05/2020, đều dành cho sự kiện nước Pháp vào hôm qua, 11 tháng Năm, đã bắt đầu ngày đầu tiên của thời kỳ hậu phong tỏa, ngày mà các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt các quyền tự do đi lại và tụ tập áp dụng 8 tuần lễ trước đó để chống dịch Covid-19, bắt đầu được nới lỏng.

déconfinement1

Hành khách rời khỏi tàu tại nhà ga Saint-Lazare (Paris) ngày 11/05/2020. Mọi người đều đeo khẩu trang, đúng theo yêu cầu của chính quyền. Reuters - CHARLES PLATIAU

Các báo nhìn chung đều thở phào nhẹ nhõm trước diễn biến khá suôn sẻ của ngày trở lại sinh hoạt bình thường đầu tiên, thế nhưng tất cả đều kêu gọi mọi người thận trọng để thảm họa vừa trải qua không tái diễn.

Trên trang nhất của mình, nhật báo thiên hữu Le Figaro chạy tựa lớn : "Nước Pháp nhẹ nhàng tái khởi động", bên trên bức ảnh cho thấy một đám đông hành khách đang rời khỏi xe lửa ở nhà ga Saint Lazare Paris vào lúc 8g30 sáng. Hình ảnh này bình thường ra không có gì lạ, nhưng điểm mới ở đây là tất cả các hành khách đều đeo khẩu trang, điều chưa từng thấy từ trước đến nay tại Pháp.

Sinh hoạt bắt đầu bình thường hóa một cách thận trọng

Bên dưới bức ảnh, nhật báo Pháp ghi chú : "Sau 8 tuần phong tỏa, cuộc sống bắt đầu trở lại bình thường một cách thận trọng. Giới kinh doanh, những nhân viên làm công ăn lương hay các giáo viên đều trên đường trở lại nơi làm việc".

Đối với Le Figaro, thành công của kế hoạch nới lỏng phong tỏa là điều cực kỳ quan trọng đối với chính quyền của tổng thống Macron, mà uy tín đang xuống rất thấp trong các cuộc thăm dò dư luận, trong bối cảnh tranh cãi bùng lên trên vấn đề để xẩy ra tình trạng thiếu khẩu trang và phương tiện xét nghiệm tìm virus.

Theo tờ báo, chính quyền đang muốn lấy lại thế chủ động trong giai đoạn hậu phong tỏa, cho rằng đánh giá khe khắt hiện nay của người dân đối với công việc làm của chính phủ có thể sẽ thay đổi nếu tiến trình ra khỏi cuộc khủng hoảng diễn ra tốt đẹp.

Tuy nhiên, đối với Le Figaro, tiến trình đó không phải là không có khó khăn, nhất là khi cần phải áp đặt những quy định y tế chặt chẽ tại những nơi có đông người tụ tập. Ở các thành phố lớn, như ở Paris, các phương tiện giao thông công cộng đã chạy lại một cách suôn sẻ, việc mở lại các cửa hàng và trường học đã mang dưỡng khí trở lại cho đất nước, tuy nhiên tâm lý lo âu và thận trọng vẫn bao trùm.

Cần khởi động cuộc chiến nhằm phục hưng kinh tế

Tờ báo cho rằng có thể là nước Pháp đã thành công trong cuộc chiến ngăn dịch Covid-19, nhưng cần phải thắng tiếp một cuộc chiến khác cũng quan trọng không kém : Khôi phục kinh tế.

Bị phong tỏa trong hai tháng vô tận, nước Pháp bắt đầu hít thở lại, cuộc sống hàng ngày bắt đầu trở lại từng bước : có thể -gần như- đi lại bình thường, cửa hiệu mở lại, công trường, nhà máy hoạt động trở lại.

Lịch sử sẽ đánh giá, nhưng trên măt y tế, việc đình chỉ hoạt động của cả một nước, vì thiếu chuẩn bị, dường như là chọn lựa ít tồi nhất trước nạn dịch. Với hơn 26.000 ca tử vong đến nay, hệ quả rất nặng nhưng cũng đã được kềm hãm.

Có điều cái giá kinh tế thì lại vô cùng lớn. Để giảm cú sốc, chính phủ đã tung ra những phương tiện chưa từng thấy để hỗ trợ các xí nghiệp, và nhân công đột ngột bị mất việc làm. Hàng chục tỷ euro trợ giúp khẩn cấp đã khiến nợ nhà nước bùng nổ…

Có lẽ đó là cái giá phải trả để tránh sự sụp đổ hoàn toàn. Nhưng suy thoái nặng nề đang chờ đợi chúng ta, cũng như hàng loạt những vụ phá sản và nạn thất nghiệp tăng vọt.

Đối với Le Figaro, một cuộc chiến mới bắt đầu : vực dậy kinh tế. Phải tuyên bố ngay tình trạng khẩn cấp kinh tế. Phải đưa ra mọi biện pháp để thúc đẩy trở lại các hoạt động kinh tế.

Một tiến trình khôi phục từng bước

Tương tự như đồng nghiệp Le Figaro, nhật báo công giáo La Croix cũng chạy tựa lớn trang nhất : "Một tiến trình khôi phục từng bước" để nói về bước đầu nới lỏng phong tỏa tại Pháp.

Trong một phóng sự dài hai trang báo, La Croix ghi nhận là, ngày 11 tháng Năm mà mọi người mong đợi, đã đánh dấu sự kết thúc của một giai đoạn phong tỏa nghiêm ngặt, nhưng đó lại là một tiến trình kết thúc rất tuần tự.

Điều quan trọng đối với tờ báo là người Pháp nghĩ gì về tiến trình này, do đó La Croix đã gởi phóng viên đi khắp nơi để tim hiểu về tâm trạng của mọi giới, từ các đại biểu dân cử, giáo viên, cho đến các doanh nhân hay những người làm công ăn lương.

Theo tờ báo Pháp, tâm trạng chung của mọi người là một sự phấn khởi xen lẫn tâm lý lo âu.

Dân Pháp chê cả chính phủ lẫn chính minh !

Trong bài xã luận, La Croix không ngần ngại đả kích một tật xấu của người Pháp là hay kêu ca, chê bai, kể cả đối với chính mình.

Trích dẫn một cuộc thăm dò dư luận mới nhất thực hiện tại 5 quốc gia Châu Âu, nhật báo Pháp cho biết là có đến 66% người Pháp được hỏi đánh giá là chính phủ Pháp đã không xử lý tốt cuộc khủng hoảng dịch Covid-19, trong khi đó thì tại Anh Quốc, thì 63% người được hỏi lại đánh giá rằng chính phủ của họ đã làm tốt. Nghịch lý nằm ở chỗ là mọi người đều có thể nhìn thấy là việc xử lý khủng hoảng ở Anh có nhiều thiếu sót sai lầm hơn là ở Pháp, với số nạn nhân cao hơn.

Câu hỏi mà La Croix đặt ra là nghịch lý nói trên xuất phát từ đâu, vì sao người Pháp có một đánh giá tiêu cực như vậy về chính phủ của mình hơn người Anh hay người Ý, đó là chưa kể đến người Đức ?

Theo tờ báo công giáo, một phần giải thích nằm trong cái nhìn cố hữu của người Pháp về chính quyền. Họ chờ đợi rất nhiều nơi chính phủ, nhưng đồng thời lại không chấp nhận sự can thiệp của chính quyền. Nói cách khác, họ đòi hỏi một chính quyền hoàn hảo, một điều không tưởng. Ngược lại thì người Ý chẳng hạn, có thói quen không mong đợi gì nhiều nơi nhà nước mà luôn tìm cách tự xoay sở.

Cuộc thăm dò kể trên còn cho thấy một giải thích khác qua sự kiện chính người Pháp tự đánh giá là mình đã không hành xử tốt trước tình hình, ngược lại với dân ở các nước Châu Âu khác. Người Pháp như vậy là cũng không có đánh giá về chính mình tốt hơn là về chính phủ.

Theo La Croix, đây là hai mặt của một thói xấu của người Pháp : tính hay tự chê bai, từng dẫn đến nỗi ám ảnh về sự suy tàn của nước Pháp. Đối với La Croix, đã đến lúc người Pháp phải dứt bỏ tâm lý bi quan đó nếu muốn vươn lên.

Một tiến trình sẽ phải kéo dài

Tiến trình nới lỏng phong tỏa ở Pháp cũng là chủ đề được nhật báo Le Monde nêu thành tựa lớn trang nhất : "Một giai đoạn mới của một cuộc khủng hoảng được cho là dai dẳng".

Đối với tờ báo, tiến trình nới lỏng phong tỏa mà các biểu hiện được thấy rõ vào hôm qua, 11/05, trên một số phương tiện chuyên chở công cộng ở thủ đô Paris, là một bài trắc nghiệm quan trọng của công cuộc chống đại dịch tại Pháp.

Theo Le Monde, sự xuất hiện của một số ổ dịch mới tại một số tỉnh miền tây nước Pháp, đến nay chưa bị nhiễm dịch, buộc mọi người phải cảnh giác.

Trong khi chờ đợi luật kéo dài tình trạng khẩn cấp y tế được ban hành, tờ báo Pháp đã công bố một phóng sự điều tra về một vấn đề gây tranh cãi hiện nay ở Pháp là việc lập danh sách theo dõi những bệnh nhân Covid-19 cũng như những trường hợp có "tiếp xúc" với những người này.

Trên bình diện xã hội, tờ báo Pháp có hai bài nêu bật các chuyển biến được cho là quan trọng mà dịch Covid-19 đã thúc đẩy : Việc đeo khẩu trang và thay đổi trong cách tiêu thụ.

Thời kỳ hậu phong tỏa là một thách thức đối với mọi quốc gia

Trong bài xã luận, Le Monde đã mở rộng tầm quan sát ra phạm vi toàn thế giới để cho rằng tiến trình nới lỏng phong tỏa dứt khoát sẽ kéo dài ở khắp nơi, và đó sẽ là "một thách thức trên phạm vi toàn thế giới", đòi hỏi một cách xử lý thận trọng.

Theo Le Monde, vào lúc mà mọi người đều muốn lật sang trang mới, khó khăn vẫn còn rất nhiều, đặc biệt là việc còn rất nhiều điều chưa rõ về con virus SARS-CoV-2 và khả năng ngăn chặn dịch bệnh ngoài biện pháp phong tỏa. Giới nghiên cứu vẫn chưa biết rõ phương thức và mức độ lây nhiễm của con virus, cũng như tầm quan trọng của trẻ em trong việc truyền virus hay vai trò của nhiệt độ đối với hoạt động của virus.

Ngay cả vấn đề "khoảng cách an toàn" cũng không chắc chắn. Trong lúc Ý và Anh yêu cầu phải giữ khoảng cách 2 mét, thì Đức chỉ khuyên duy trì 1,5 mét, và Pháp 1 mét, đúng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO.

Bên cạnh đó, nhiều tín hiệu cảnh cáo đã xuất hiện tại một số nước : Các ổ lây nhiễm mới tại Trung Quốc, như ở Vũ Hán và ở gần biên giới với Nga, các ca nhiễm mới tai quán bar ở Seoul, các trường hợp mới bùng nổ ở Nga, Brazil, quốc gia mà vào tháng Sáu có thể trở nên tâm điểm mới của đại dích, tỷ lệ lây nhiễm tăng ở Đức, báo động mới tại Pháp, ỏ tỉnh Vienne và vùng Dordogne. Ở mọi nơi việc phục hồi sinh hoạt, tái lập quyền tự do đi lại, mở cửa biên giới đều là những thách thức kinh khủng.

Công luận nhiều nước đang lo ngại khả năng những đợt dịch mới, và muốn giới lãnh đạo phải thận trọng. Tại Pháp chẳng hạn, theo một thăm dò của viện Ifop, 76% người dân cho rằng việc tháo gỡ phong tỏa phải được tiến hành từ từ. Còn ở Anh Quốc, việc thủ tướng Anh Boris Johnson thay khẩu hiệu "Hãy ở nhà" bằng "Hãy tiếp tục cảnh giác" đang gây phẫn nộ, trong bối cảnh nước này ghi nhận số tử vong cao nhất Châu Âu.

Vết rạn nứt xã hội lộ rõ

Cũng khai thác chủ đề giảm nhẹ phong tỏa, trong hàng tựa lớn trang nhất, tờ báo cánh tả độc lập Pháp Libération nhấn mạnh đến "vết rạn nứt xã hội" mà dịch bệnh đã làm lộ rõ.

Theo Libération, vào hôm qua, người ta lại ghi nhận một tình trạng từng được thấy trong suốt hai tháng phong tỏa vừa qua : Đó là tình cảnh nhiều người lao động, ngay từ sáng sớm, đã phải vội vã chen chúc nhau trên các phương tiện chuyên chở công cộng để đến chỗ làm, với nguy cơ bị lây nhiễm rất cao, và bên cạnh đó, có những người được yên ổn ngồi nhà làm việc từ xa.

Đối với tờ báo, tình trạng này một lần nữa, đã đặt ra câu hỏi về sự tương ứng giữa lương bổng với tính chất hữu ích cho xã hội, vì lẽ những người lao động "chân tay" mà ai cũng công nhận là rất cần thiết cho xã hội đó, lại có thu nhập thấp hơn giới "tinh hoa" lo việc tổ chức, quản lý, điều hành…

Thông điệp của giới chủ nhân Đức, Ý và Pháp

Cũng về Covid-19, nhật báo kinh tế Les Echos nêu bật trong hàng tựa lớn trang nhất : "Phục hồi kinh tế : Lời kêu gọi của giới doanh nghiệp Châu Âu".

Theo tờ báo, giới chủ nhân Đức, Ý và Pháp chủ trương một kế hoạch chấn hưng kinh tế Châu Âu mang tính chất liên đới và có quy mô to lớn, tượng trưng cho 5% GDP mỗi năm. Đây sẽ là một tín hiệu mạnh gởi đến các chính phủ.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 503 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)