Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

23/03/2020

Điểm báo Pháp - Một tỷ người bị phong tỏa vì Covid-19

RFI tiếng Việt

Gần một tỷ người trên hành tinh bị phong tỏa vì đại dịch virus corona

Có thể nói hầu hết các báo Pháp ra đầu tuần này đều là những số báo đặc biệt chuyên về đại dịch Covid-19. Điều này có thể hiểu được khi mà virus corona tiếp tục lây lan với tốc độ chóng mặt ở Pháp, cũng như ở các nước Châu Âu khác. Bảng tổng kết số người nhiễm và tử vong vì Covid-19 tăng lên từng ngày theo cấp số nhân, mặc cho các biện pháp chống dịch tiếp tục được tăng cường ở các quốc gia.

italie1

Quảng trường Piazza del Popolo, thủ đô nước Ý, vắng vẻ trong mùa dịch Covid-19. Ảnh chụp ngày 22/02/2020. Reuters - ALBERTO LINGRIA

Sau khi Trung Quốc kiềm chế được dịch virus corona giải tỏa cho hàng trăm triệu người khỏi cuộc sống cách ly, đến lượt phần còn lại thế giới bị rơi vào vòng phong tỏa. Nhật báo kinh tế Les Echos ghi nhận "Gần một tỷ người bị phong tỏa trên thế giới". Một làn sóng phong tỏa đang phủ kín địa cầu khi 40 nước đang lần lượt quyết định phong tỏa dân cư với hy vọng có thể ngăn được đà lây truyền của Covid-19. Theo tờ báo, tính đến ngày Chủ nhật, đã có khoảng 940 triệu dân trên địa cầu nằm trong diện phong tỏa. Tức là chỉ được ra đường khi thật sự cần thiết như mua đồ ăn, đi chữa bệnh hay đi làm khi không thể làm việc tại nhà. 

Trong số đó, có 21 nước áp dụng phong tỏa bắt buộc trên toàn quốc, vi phạm bị phạt tiền nặng. Đó là một loạt nước ở Châu Âu, bắt đầu từ Ý tới Tây Ban Nha, Pháp rồi qua nhiều nước ở khu vực Trung Cận Đông, Châu Á, Trung và  Nam Mỹ, qua đến Châu Phi. Ở 19 nước khác, lệnh phong tỏa mới ở mức độ khuyến cáo, nhưng chắc chắn trong ít ngày nữa phong tỏa sẽ trở nên bắt buộc. Viễn cảnh Châu Âu và Mỹ không còn ai có thể ra đường tự do đang hiện dần. Les Echos dự tính trong những ngày tới số lượng dân số thế giới bị phong tỏa sẽ còn tăng gấp đôi khi mà các nước như Ấn Độ, Sri Lanka hay Algeria, Nigeria đang cân nhắc các phương án phong tỏa diện rộng.

Nếu dịch không bị kiềm chế và tình hình lây lan còn kéo dài, hình thức phong tỏa sẽ còn bị thắt chặt hơn rất nhiều, thậm chí có thể tái hiện khắp nơi tình trạng của thành phố Vũ Hán cách đây một tháng. Ngoài ra những nước không áp dụng phong tỏa dân cư, nhưng cũng bắt đầu có các biện pháp như đóng cửa trường học, quán hàng không thiết yếu hay những tụ điểm giải trí, thể thao…

Trong bối cảnh chung như thế, theo Les Echos, Moskva tỏ ra khá bình thản với Covid-19. Tại Nga, cửa hàng, quán ăn vẫn hoạt động bình thường. Chính quyền Nga không có quyết định phong tỏa dân cư nào, tuy cũng đã cho đóng cửa biên giới. Trong Liên Âu duy nhất chỉ còn Hà Lan là vẫn bám giữ chiến lược "miễn dịch cộng đồng", nhưng nước này cũng đã phải đóng cửa các nơi công cộng tập trung đông người.

Nhìn chung bức tranh toàn cầu về bệnh dịch đang phủ màu xám, chỉ có một chút mảng sáng ở phương đông. Cuộc sống đang dần trở lại bình thường ở một số nơi như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan hay Singapore. Les Echos nhận thấy, đó là "những nơi đã ổn định được tình hình nhờ các biện pháp triệt để : xét nghiệm đại trà, sử dụng khẩu trang, truy tìm dấu vết tiếp xúc của các ca bệnh, nhanh chóng cách ly những người thuộc diện nghi nhiễm". Những biện pháp đó đã khiến các nước này trả giá đắt về kinh tế, cũng như những hệ lụy về tâm lý xã hội, nhưng đổi lại họ đã được giải thoát. 

Pháp : Bệnh viện có nguy cơ thất thủ

Đi đầu trên trận tuyến chống dịch là các bệnh viện, các y bác sĩ, thế nhưng trận tuyến này của Pháp, cũng như ở Ý hay Tây Ban Nha, đang có nguy cơ thất thủ, bởi bị quá tải trước số lượng ồ ạt bệnh nhân. Nhiều nhân viên y tế bất lực và suy sụp vì thiếu thốn phương tiện. 

Nhiều tờ báo lớn như Le Monde, Le Figaro hay Les Echos đều phản ánh tình hình khủng hoảng ở các bệnh viện Pháp bằng những hàng tựa lớn trang nhất. Le Monde chạy tựa : "Các bệnh viện đối mặt với các ca bệnh nặng ào ạt đổ đến". Tờ báo ghi nhận tất cả hệ thống bệnh viện của nước Pháp từ vài ngày nay đang phải đối phó với "làn sóng" bệnh nhân. Đặc biệt tại các vùng nóng của dịch như Grand Est, Paris và vùng phụ cận (Île de France) hay Haut-Rhin, tất cả các bệnh viện đã trong tình trạng bảo hòa, không còn khả năng tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu hồi sức tích cực. Các bệnh viện đã được giảm tải rất nhiều khi mà đại đa số các ca nhiễm chưa đến mức độ kịch phát đều tự cách ly tại nhà, được các bác sĩ tại địa phương theo dõi chăm sóc. 

Với hàng tựa : "Île de France :  các bệnh viên đang đối mặt với làn sóng cuộn", Le Figaro cho biết, Paris và vùng phụ cận đã có 665 bệnh nhân Covid-19 đang phải hồi sức tích cực. Trong những ngày tới các bệnh viện vùng thủ đô sẽ bị nhanh chóng quá tải với các ca bệnh nặng. Tờ báo ghi nhận cả vùng Paris hiện chỉ còn vài giường bệnh hồi sức tích cực và chắc chắn sẽ bị chiếm hết trong một hai ngày nữa.  "Các bệnh viện đang phải tổ chức lại từng ngày : Các phòng chăm sóc thường xuyên chuyển thành phòng hồi sức cho bệnh nhân nặng. Các phòng hậu phẫu giờ cũng được chuyển thành  phòng sẵn sàng đón tiếp các bệnh nhân cần hồi sức. Các nhân viên y tế được đào tạo gấp tại chỗ về hồi sức…".

Theo Le Figaro, vùng Paris  (Île de France) có tất cả 408 cơ sở y tế  công và tư, có khả năng đáp ứng tối đa 1.200 giường bệnh hồi sức tích cực và 3.000 giường chăm sóc thường xuyên. Nhưng với tốc độ lây lan của dịch như hiện nay, tăng hơn 10% ca nhiễm mỗi ngày, thì các cơ sở bệnh viện trên không những không đủ đáp ứng về giường bệnh mà cả nhân viên y tế cũng bị khủng hoảng trầm trọng.

Chính vì thế hiệp hội các bệnh viện Paris đã kêu gọi các bác sĩ tình nguyện để tăng cường cho các nhóm chăm sóc của 39 bệnh viện trong vùng để chuẩn bị đón làn sóng mới các bệnh nhân nặng trong những ngày tới. 

Tờ báo ghi nhận, không chỉ thiếu giường cấp cứu cho các ca bệnh nặng mà đội ngũ các thầy thuốc ở khắp các bệnh viện cũng đang kiệt sức với nhịp độ công việc kinh hoàng và nỗi lo sợ bị lây nhiễm virus từ chính những người được họ chăm sóc. Đã có những nhân viên cấp cứu nhiễm virus và một bác sĩ bị chết vì Covid-19. 

Bài học nhãn tiền trong khủng hoảng virus corona ở Pháp

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh viện quá tải trước một bệnh dịch chưa từng có cả trăm năm nay là các bệnh viện thiếu thốn trang thiết bị, nhân sự do cắt giảm đầu tư cho y tế từ 10 năm nay. Vấn đề này đã được La Croix nêu ra trong bài xã luận mang tiêu đề "Bài học từ những sai lầm của chúng ta". 

Xã luận của La Croix viết : "Một thực tế là nước Pháp đã không đủ chuẩn bị với trận dịch này. Tình trạng khan hiếm khẩu trang, nước sát trùng và xét nghiệm từ nhiều ngày nay đang khiến các nhân viên y tế phẫn nộ. Sự phẫn nộ đó là chính đáng. Cách đây 9 năm, đất nước chúng ta có 800 triệu khẩu trang cho phẫu thuật. Tháng trước, chúng ta chỉ còn có 117 triệu chiếc, trong khi mà nhu cầu tối thiểu hiện nay ước tính khoảng 24 triệu cái mỗi tuần. Đến mùa xuân năm 2020 này, nước Pháp mới lộ ra cho thấy mình cũng phải nhờ cậy vào cứu trợ khẩn cấp của Trung Quốc".

Tờ báo nhấn mạnh "tình trạng này không phải là kết quả ngẫu nhiên mà là hệ quả của các quyết sách chính trị" mang nặng tính kinh tế. Tuy nhiên La Croix cho rằng bây giờ chưa phải là lúc để suy xét hay chỉ trích các quyết định chính trị. Việc khẩn cấp lúc này là tập hợp sức mạnh cùng chiến đấu chống virus corona. Quyết định của chính phủ trưng dụng cơ sở vật chất y tế để chống dịch là hướng đi đúng, cũng như trong tuần nhiều công ty lớn nhỏ và chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều sáng kiến để sản xuất hoặc làm tăng viện cho kho vật tư mà các nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh đang rất cần. Xã luận tờ báo cũng ghi nhận việc hai viện Quốc hội đã nhanh chóng nhất trí thông qua luật "Tình trạng Y tế khẩn cấp". Tờ báo hy vọng tinh thần đoàn kết trách nhiệm này trong tương lai sẽ lặp lại "để làm sáng tỏ những thiếu sót trong việc tiên liệu khủng hoảng lần này. Đây là công việc cần thiết, không phải để tìm thủ phạm mà để rút ra bài học từ những sai lầm của chúng ta".

Chống dịch Covid-19 : Bài học từ Châu Á ? 

Trong loạt bài về đại dịch virus corona, nhật báo Les Echos có bài viết đáng chú ý của tác giả Dominique Moisi, cố vấn đặc biệt của Viện Montaigne - Pháp, với tựa đề : Cuộc chiến chống dịch : "Bài học về ý thức công dân của Châu Á" 

Theo tác giả bài báo, các chế độ Trung Quốc cũng như Hàn Quốc hay Đài Loan đã đẩy lùi thành công dịch virus corona bởi vì văn hóa Châu Á đặt lợi ích cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân. Một ý thức tập thể mà phương Tây đã đánh mất và cần khẩn cấp tái lập.

Tác giả Moisi nhận thấy, giờ đây khi đã kiểm soát được dịch bệnh trên lãnh thổ của mình, chính quyền Bắc Kinh đang nắm lại cơ hội để "quảng bá quyền lực mềm Trung Quốc. Sự lúng túng của Châu Âu và Mỹ trong xử lý khủng hoảng dịch càng làm cho họ có điều kiện làm việc đó". Tuy nhiên, ông nhấn mạnh : "cuộc khủng hoảng virus corona không chứng minh được sự vượt trội của mô hình toàn trị Trung Quốc mà nó chỉ chứng tỏ những hạn chế của chủ nghĩa cá nhân và tính ích kỷ ở phương Tây. Châu Âu và Mỹ, trên khía cạnh chống dịch virus corona, cần phải học Châu Á, từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan hay Trung Quốc". Vấn đề không phải là thể chế chính trị mà là ý thức công dân.

Theo tác giả, nếu như nước Ý rơi vào tình trạng bi đát như hiện nay là do nhiều nguyên nhân : thiếu thốn vật tư thiết bị y tế, độ tuổi dân số cao, mật độ dân cư khu vực miền đông bắc… nhưng một trong những lý do ban đầu là ý thức công dân, thiếu tôn trọng các quy định an toàn sơ đẳng. Về vấn đề này Pháp cũng không hơn gì Ý.

Những hình ảnh đoàn người dân đô thị lớn vội vã ra ga tháo chạy khỏi thành phố tránh bị phong tỏa hay hàng dài người đổ xô đến các siêu thị vơ vét tích trữ hàng, rồi nhiều người thản nhiên đi dạo như không có chuyện gì trong khi bị phong tỏa là những bằng chứng đáng báo động về ý thức công dân.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 579 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)