Covid-19 làm kinh tế Mỹ điêu đứng (RFI, 24/03/2020)
Ngày 23/03/2020, kế hoạch hỗ trợ kinh tế 2.000 tỷ đô la do chính quyền Donald Trump đề xuất đã không đạt được đồng thuận ở Quốc Hội. Đảng Dân Chủ chỉ trích bản kế hoạch này không dành nhiều ngân sách để hỗ trợ các bệnh viện.
Covid-19 khiến các trục xa lộ vào thành phố Los Angeles- California vắng chưa từng thấy. Thiệt hại kinh tế ước tính lên tới cả ngàn tỷ đô la. Reuters - LUCY NICHOLSON
Kế hoạch cứu trợ kinh tế của chính quyền Trump chỉ đạt được có 49 trong số 60 phiếu cần thiết. Ngoài những chỉ trích thiếu hỗ trợ cho các bệnh viện, các nghị sĩ đảng Dân Chủ còn cho rằng dự thảo kế hoạch thiếu các ràng buộc đối với việc dành quỹ tài trợ cho các doanh nghiệp lớn. Ngay lập tức, đảng Cộng Hòa cáo buộc phe đối lập gây cản trở vào lúc đất nước trong giai đoạn khẩn cấp.
Covid-19 lan rộng bắt đầu gây ra những tác động kinh tế trên khắp nước Mỹ. Khủng hoảng dịch tễ làm cho kinh tế bị dừng lại trong khi từ 10 năm qua Mỹ có mức tăng trưởng đều đặn. Các doanh nghiệp bị tê liệt, GDP sụt giảm mạnh. Theo Wall Street Journal, các ngành sản xuất có thể sẽ bị thiệt hại đến 1.500 tỷ đô la.
Nhiều ngành nghề như dệt may hay thương mại lo sợ không có khả năng vực dậy. Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Thomas Philippon, trường đại học New York, điều đáng lo nhất là tình trạng thất nghiệp. Chính quyền Mỹ đã không có những biện pháp cần thiết đúng lúc như sắp xếp việc thất nghiệp tạm thời chẳng hạn. Hàng triệu lao động tạm bợ có nguy cơ mất việc. Các phân tích của hãng bảo hiểm Allianz cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ sẽ tăng và có thể vượt mức 6%.
Lo ngại trước những tác động kinh tế do dịch virus corona gây ra, tổng thống Mỹ muốn xem xét lại các biện pháp phong tỏa. Chủ nhân Nhà Trắng dường như nhắm đến việc mở lại nhà xưởng từ đây đến cuối tuần tới bất chấp các khuyến cáo của giới chuyên gia theo đó việc cho các doanh nghiệp hoạt động trở lại có nguy cơ dẫn đến bùng nổ các ca nhiễm bệnh trong khi mà đất nước đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Donald Trump : Chloroquine, lộc trời ban ?
Sự nóng lòng này của nguyên thủ Mỹ còn được thấy rõ trong việc thông báo cho thử nghiệm rộng rãi thuốc Chloroquine, một loại thuốc dùng để chữa bệnh sốt rét trong khi giới y khoa Mỹ vẫn còn tỏ ra cẩn trọng về hiệu quả của loại thuốc này.
Từ Washington, thông tín viên đài RFI, Anne Corpet tường thuật :
"Anthony Fauci, lãnh đạo Viện Nhiễm trùng Quốc gia tỏ ra dè dặt về nghiên cứu tại Pháp về thuốc Chloroquine. Nhưng tổng thống Mỹ lại rất hồ hởi. Trên Twitter, ông quảng bá thuốc này và khẳng định rằng Chloroquine rất có thể sẽ được thử nghiệm trên diện rộng đối với những bệnh nhân bị nhiễm virus corona. Thông báo này được ông Donald Trump đưa ra vào thứ Hai, 23/03/2020 mà không có sự hiện diện của ông Anthony Fauci.
Ông nói : ‘Dưới sự điều hành của tôi, chính phủ liên bang làm việc để có được số lượng lớn thuốc Chloroquine. Chúng ta có đến 10 ngàn đơn vị, sẽ được phân phát cho rất nhiều người vào sáng thứ Ba ở New York. Chúng ta chưa biết rõ nhưng đây là một cơ may thật sự và điều này sẽ có một tác động thật sự. Đó rất có thể sẽ món quà trời ban nếu như thuốc có tác dụng. Điều này có cơ may làm thay đổi tình thế.
Hydroxychloroquine, hay plaquenil, một loại thuốc chữa bệnh sốt rét khác cũng sẽ được thử nghiệm ở New York. Các bác sĩ kêu gọi cẩn trọng : Việc dùng quá liều là nguy hiểm và phải tránh mọi giá việc tự mua thuốc uống. Một người Mỹ đã chết vì tự chữa bệnh bằng một loại thuốc cùng loại với chloroquine".
Minh Anh
******************
Covid-19 : Mỹ chuẩn bị 4.000 tỷ đô la hỗ trợ kinh tế (RFI, 23/03/2020)
Phát biểu trên đài truyền hình Fox News ngày 22/03/2020, bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin thông báo chuẩn bị một kế hoạch kích cầu trị giá 4.000 tỷ đô la, tương đương với 20 % GDP của Mỹ để cứu nguy kinh tế, khắc phục hậu quả Covid-19 gây nên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin trả lời họp báo tại Nhà Trắng, Washington, 17/03/2020. Reuters- Jonathan Ernst
Theo giải thích của bộ trưởng Mnuchin, chính phủ Mỹ "phối hợp với Ngân hàng Dự trữ Liên bang để có thể huy động được đến 4.000 tỷ đô la nhằm hỗ trợ kinh tế (…). Trong tình huống khẩn cấp hiện tại, Federal Reserve có thể cấp tín dụng kể cả cho các doanh nghiệp tư nhân".
4.000 tỷ đô la tương đương với 1/5 GDP của cả nước Mỹ. Covid-19 đe dọa nhiều doanh nghiệp Mỹ, đứng đầu là ngành hàng không dân dụng, khách sạn, và kể cả lĩnh vực giải trí.
Washington lo ngại virus corona cướp đi việc làm của hàng chục triệu người lao động Mỹ nhất là khi tiêu thụ bị chựng lại, vì đã có gần 100 triệu dân Hoa Kỳ bị kêu gọi ở trong nhà, giới hạn các sinh hoạt hàng ngày. Cũng trong cuộc nói chuyện trên Fox News, ông Steven Mnuchin thông báo chính quyền Trump sẽ cấp cho mỗi người dân Mỹ 1000 đô la để khuyến khích tiêu thụ, trẻ em được 500 đô.
Thanh Hà
***************
Virus corona : Boeing cầu cứu chính phủ Mỹ (RFI, 22/03/2020)
Vận xui chưa buông tha với Boeing. Vào lúc dịch virus corona đang tiếp tục lây lan tại Mỹ, làm hơn 340 người chết, và gần 26.750 người bị nhiễm, chính quyền nhiều bang ra lệnh phong tỏa, hãng máy bay hàng đầu của Mỹ - Boeing, ngày thứ Sáu 20/03/2020, cầu cứu chính phủ, đồng thời thông báo ngưng chia cổ tức và ngừng mọi chương trình mua lại cổ phiếu cho đến khi có lệnh mới.
Ảnh minh họa : máy bay Boeing 737 Max Hoa Kỳ GETTY IMAGES NORTH AMERICA/AFP/File
Theo AFP, ông David Calhoun – tổng giám đốc và ông Larry Kellner – chủ tịch hội đồng quản trị còn tạm ngưng tiền thưởng của mình cho đến cuối năm. Ông Calhoun, 62 tuổi, trở thành lãnh đạo hãng Boeing từ ngày 13/01/2020, thay ông Dennis Muilenburg, bị sa thải hồi tháng 12/2019, lẽ ra sẽ được trả mức lương cơ bản 1,4 triệu đô la.
Trên nguyên tắc, ông sẽ được trả thêm 7 triệu đô la nếu như ông thuyết phục được Cơ quan quản lý hàng không dân dụng dỡ bỏ lệnh cấm các chuyến bay, ban hành ngày 13/03/2019 đối với loại Boeing 737 MAX sau hai vụ tai nạn hàng không làm 346 người thiệt mạng.
Uy tín đã bị tổn hại vì vụ tai tiếng 737 MAX, giờ đây lại cộng thêm dịch bệnh Covid-19 hoành hành, làm nhiều hãng hàng không phải tạm ngưng việc nhận hàng hay hoãn các đơn đặt hàng mới, và làm hãng Boeing thêm khó vực dậy. Boeing đề nghị chính quyền liên bang hỗ trợ 60 tỷ đô la và chuỗi cung ứng nhằm tránh bị phá sản dây chuyền và sa thải ồ ạt.
Lời cầu cứu này đang gây chia rẽ chính quyền Washington. Nhiều cầu hỏi đang đặt ra : Có nên cứu trợ hãng này bằng tiền đóng thuế của dân hay không ? Nếu có, dưới những hình thức nào ?
Các hãng chế tạo máy bay khác của Mỹ như Lockheed Martin hay Northrop Grumman có thể đang thu hút sự chú ý và đang làm dấy lên nhiều lời đồn thổi trên thị trường.
Covid-19 làm đảo lộn các chiến dịch quân sự Mỹ
Vẫn theo AFP, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Mark Esper trả lời kênh truyền hình Mỹ hôm thứ Sáu 20/03/2020 cho biết các chiến dịch quân sự của Mỹ trên thế giới trong thời gian sắp tới có thể sẽ có những thay đổi.
Theo đó, Hoa Kỳ sẽ tạm ngưng rút 5.000 binh sĩ về nước theo như các thỏa thuận ban đầu với phe Taliban. Tại Iraq và Syria, các chương trình huấn luyện binh sĩ cũng sẽ bị ngưng và cho hồi hương một số chuyên gia đào tạo. Các chương trình tập trận chung như với Hàn Quốc, tại Châu Phi hay cuộc tập trận lớn Defender-20 với Châu Âu hoặc bị hủy, hoặc bị giảm quy mô.
Binh sĩ Mỹ được lệnh ở trong trại, và bị cấm mọi di chuyển quốc tế, từ việc đi du lịch ở nước ngoài hay về nước thăm gia đình. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định : "Nhiệm vụ số một đối với quân đội Mỹ vẫn là bảo đảm việc bảo vệ người dân Mỹ, bảo vệ đất nước và các lợi ích của Mỹ ở nước ngoài".
Minh Anh