Nạn nhân của virus corona ở Ý, họ là ai ? (VOA, 21/03/2020)
Số tử vong vì virus corona tại Ý tăng vọt thêm 627 người nữa, lên thành 4.032 ca tổng cộng, giới chức loan báo ngày 20/3. Đây là số tăng cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Ý cách nay một tháng.
Một khu chăm sóc đặc biệt của một bệnh viện ở Ý.
Từ 19/3, Ý đã qua mặt Trung Quốc trở thành nước có nhiều người chết nhất vì virus corona.
Số người nhiễm virus tại Ý hiện là 47.021 người.
Trong phân tích đầy đủ nhất được công bố từ khi dịch bùng phát tới nay, Viện Y tế Quốc gia Ý cho biết độ tuổi trung bình của các nạn nhân tử vong vì Covid-19 là trên dưới 78, nạn nhân nhỏ tuổi nhất là 31 và nạn nhân cao tuổi nhất là 103.
41% các nạn nhân tử vong là từ 80-89 tuổi. Nhóm từ 70-79 tuổi thiệt mạng vì virus corona chiếm 35%.
Ý có dân số già nhất thế giới sau Nhật, 23% dân số trên 65 tuổi. Điều này, theo giới chuyên gia y tế, giải thích vì sao tử vong vì virus corona ở Ý cao hơn nhiều so với các nơi khác trên thế giới.
Phúc trình của Viện Y tế Quốc gia, dựa trên khảo sát 3.200 ca tử vong, cho thấy nam giới chiếm trên 70% và phụ nữ chiếm gần 30% ca tử vong.
Phân tích sâu hơn 481 trường hợp trong số các ca tử vong cho thấy gần 99% là những người có vấn đề về sức khỏe trước khi bị nhiễm virus corona như cao huyết áp, tiểu đường hay bệnh tim mạch.
Lúc nhập viện, 76% bị sốt, 73% khó thở, 40% bị ho, và 8% bị tiêu chảy.
Thời gian trung bình từ khi khởi phát triệu chứng đầu tiên cho tới ngày qua đời là 8 ngày, với trung bình khoảng 4 ngày nằm viện.
Trong 3.200 ca tử vong được khảo sát, chỉ có 9 người dưới 40 tuổi, đa số là đàn ông.
Theo Reuters
**********************
Dịch corona : Trung Quốc tiếp cứu EU, cãi cọ với Mỹ (VOA, 20/03/2020)
Khi Châu Âu trở thành tâm điểm của dịch bệnh do virus xuất phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) gây ra, Bắc Kinh tăng cường hỗ trợ hoặc cam kết giúp đỡ từng chính phủ trong khối EU trong lúc khẩu chiến với Mỹ.
Kết quả là một cuộc chiến lý trí mà Trung Quốc xem ra đang thắng lợi, ít nhất là cho tới thời điểm này, theo nhận định trên tờ Straits Times.
Đối với Bắc Kinh, vươn tới EU là một phần trong nỗ lực trèo trở lại vào vai trò lãnh đạo quốc tế sau khi đã thoạt đầu che đậy bệnh dịch khiến virus lan tràn ra khỏi biên giới.
Chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình đã tìm cách bóp nghẹt những chỉ trích và phát tán thuyết âm mưu về nguồn gốc virus.
Về mặt địa chính trị, động thái của Bắc Kinh tự dán nhãn cho mình như cứu tinh của Châu Âu nhằm cải thiện vị thế trên sân khấu quốc tế khi cả đôi bên đang có xích mích với chính quyền Mỹ do Tổng thống Donald Trump lãnh đạo, theo Straits Times.
Mỹ-Trung vẫn tiếp tục cuộc chiến giành ảnh hưởng toàn cầu, Bắc Kinh tuần này vừa trục xuất hơn chục ký giả Mỹ trong khi cũng tìm cách đánh lạc hưởng những chỉ trích về cách xử lý bệnh dịch của họ.
Tổng thống Trump nhiều lần gọi Covid-19 là ‘virus Trung Quốc’ khiến Bắc Kinh phẫn nộ. Ông cũng cấm cửa những ai tới từ Châu Âu để ngăn ngừa dịch bệnh, khiến EU bức xúc.
Tuần này, Chủ tịch Trung Quốc mô tả việc Bắc Kinh triển khai hàng loạt viện trợ y tế sang Châu Âu là nỗ lực ‘Con đường Tơ lụa Y tế’, nối dài sáng kiến Vành đai Con đường về cơ sở hạ tầng và thương mại.
Cùng với các hỗ trợ được quảng bá rầm rộ của nhà nước Trung Quốc dành cho Ý, các công ty tư nhân cũng rải viện trợ khắp Châu Âu nhân danh Bắc Kinh hầu đánh bóng hình ảnh của Trung Quốc từ Pháp tới Ukraine.
Hôm 18/3, đại sứ Trung Quốc tại Athens giao hơn 50 ngàn khẩu trang cho Bộ Y tế Hy Lạp.
Sứ quán Trung Quốc loan báo viện trợ đang được đưa tới Pháp, Bulgaria và Slovakia cũng nhận được viện trợ, trong khi Chủ tịch Trung Quốc cũng đã hứa với Thủ tướng Tây Ban Nha rằng Bắc Kinh hỗ trợ nước này chống dịch bệnh.
Tập đoàn Alibaba và Quỹ Jack Ma cũng tham gia không vận hàng tiếp tế tới Bỉ và Ukraine.
Các nước khác trong lúc này cũng quay sang Trung Quốc. Cyprus, Luxembourg và ngay cả Na-uy cũng kêu gọi Bắc Kinh ủng hộ hoặc đang cân nhắc tới việc này.
Việc Trung Quốc đề nghị đóng góp cho EU nói chung và cho từng nước thành viên trong khối ‘hết sức được cảm kích’, một phát ngôn nhân EU được Straits Times dẫn lời.
Tuy nhiên, EU xem sự hỗ trợ này mang tính cách đối ứng vì khi Trung Quốc cần giúp EU đã nỗ lực hết lòng hỗ trợ.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Ursula von der Leyen, lưu ý rằng EU đã quyên tặng 50 tấn thiết bị cho Trung Quốc hồi tháng Giêng khi bà lên Twitter đăng tin Trung Quốc loan báo sẽ cấp 2 triệu khẩu trang phẫu thuật, 200 ngàn khẩu trang N95 và 50 ngàn bộ xét nghiệm sang Châu Âu.
Bà Lucrezia Poggetti, nhà phân tích tại Viện Mercator ở Đức chuyên nghiên cứu về Trung Quốc, cho rằng lúc này hãy còn quá sớm để biết rằng việc Trung Quốc vươn tới Châu Âu có mang lại tác động lâu dài hay không.
Nhà nước độc đảng Trung Quốc và hồ sơ nhân quyền của Bắc Kinh thường bị đánh giá tiêu cực tại Châu Âu, nhưng hành động của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng hiện nay có thể giúp Bắc Kinh chinh phục được một chút.
*********************
Covid-19 : Chuyên gia khuyến cáo Trung Quốc chớ nên tự mãn (VOA, 20/03/2020)
Trong cuộc đấu tranh chống lại đại dịch Covid-19, Trung Quốc đã rẽ sang một khúc quanh mới khi lần đầu tiên từ khi dịch bùng phát, không có ca lây nhiễm nào bên trong Trung Quốc được báo cáo, AFP và SCMP đưa tin.
Các nhân viên y tế đến từ những tỉnh khác chụp ảnh lưu niệm trước lá cờ Đảng cộng sản Trung Quốc tại ga xe lửa trước khi rời Vũ Hán, tâm dịch Covid-19, ngày 17/3/2020. Reuters/Stringer
Các chuyên gia y tế công cộng cảnh báo Trung Quốc chớ nên vội vã ăn mừng bởi vì nguy cơ một đợt bột phát thứ nhì có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc hôm 18/3 cho biết tất cả 34 ca lây nhiễm mới được báo cáo ngày hôm trước đều là những ca lây nhiễm từ bên ngoài.
Đây cũng là lần đầu tiên tỉnh Hồ Bắc - nơi xuất hiện ca nhiễm virus corona đầu tiên - không ghi nhận ca lây nhiễm mới nào dù là từ trong nước hay từ nước ngoài.
Các số liệu đó tương phản hoàn toàn với những gì đang diễn ra tại các nơi khác, đặc biệt tại Hoa Kỳ và Châu Âu, nơi các ca nhiễm Covid-19 mới tiếp tục gia tăng. Tuy vậy, các nhà dịch tễ học nói không có lý do gì để Trung Quốc tuyên bố chiến thắng tại thời điểm này.
"Tôi nghĩ hãy còn quá sớm để ăn mừng, có khả năng đợt bột phát thứ hai đã bắt đầu ở Trung Quốc", Giáo sư dịch tễ học Ben Cowling thuộc Đại học Y tế Công/ Đại học Hồng Kông cảnh báo.
Bà Raina Maclntyre, người đứng đầu chương trình nghiên cứu an toàn sinh học tại Viện nghiên cứu Kirby của Đại học New South Wales, Úc Châu, nói con số các trường hợp lây nhiễm tiếp tục gia tăng ở ngoài Trung Quốc có nghĩa là Trung Quốc cần phải kiểm soát mức rủi ro do các ca lây nhiễm từ bên ngoài mang lại.
Bà MacIntyre nói : "Dù cho bạn có tin rằng các ca nhiễm ở Trung Quốc cao hơn gấp 100 lần so với những gì được phát hiện, thì số ca lây nhiễm vẫn thấp hơn 1% dân số - cho nên đại đa số mọi người vẫn có thể nhiễm virus, và do đó có nguy cơ xảy ra những vụ bột phát mới. Nhưng nếu tăng cường các biện pháp giám sát và xác định được sớm các ca nhiễm mới, thì có thể kiểm hãm các vụ bột phát".
Chuyên gia này nói cho đến khi có vắc-xin, tất cả các nước phải dồn mọi nỗ lực để kiềm hãm các vụ lây nhiễm, không để tăng quá cao, thì mới có thể duy trì được các hệ thống y tế trong tình trạng khả dĩ kiểm soát được. Bà MacIntyre đoán có lẽ phải mất từ 12 đến 18 tháng mới làm được như vậy, và vì vậy "thời gian sắp tới sẽ rất khó khăn cho tất cả mọi người".
Số các ca tử vong mới ở Hoa lục đã giảm xuống dưới mức một con số, chỉ có 8 ca được báo cáo, nâng tổng số người chết tạị Trung Quốc lên tới 3.245 người.
Ủy ban Y tế Quốc gia cho biết 23 trường hợp nghi nhiễm mới đã được báo cáo, với tổng số các ca nhiễm hiện nay là 80.928 ca. Tổng cộng có 70.420 bệnh nhân đã hồi phục.
Tại những nơi khác, các ca nhiễm virus trong đại dịch toàn cầu tiếp tục tăng. Tây Ban Nha báo cáo 3.237 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm lên 17.147, số tử vong là 767.
Ý báo cáo 3.526 trường hợp lây nhiễm mới qua đêm, Đức 4.070 ca và Tây Ban Nha, 4.719 ca. Hoa Kỳ báo cáo 1.875 ca nhiễm mới.
Ước lượng số tử vong trên toàn cầu vì dịch Covid-19 là 9.000 ca, cao nhất là ở Trung Quốc.