Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/04/2020

30 tháng 4, 1975 : 45 năm sau vẫn kiên nhẫn nhìn lại…

Nhiều tác giả

Cuộc chiến chấm dứt 45 năm trước qua cái nhìn của du học sinh !

Cao Nguyên, RFA, 27/04/2020

Từ niềm tự hào được "định hướng"

Như hết thảy trẻ em ở Việt Nam, Đình Kim được giáo dục về sự kiện 30/4/1975 là "Đại thắng mùa xuân", ngày "Giải phóng miền Nam, thống nhất hoàn toàn đất nước", với lòng tự hào rằng Việt Nam đã đánh bại cả "Thực dân" Pháp và "Đế Quốc" Mỹ.

300419751

Duyệt binh kỷ niệm 40 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 30/5/2015 - AFP - Ảnh minh họa

Kim nói với RFA rằng anh có thói quen tra cứu mọi thông tin mình muốn tìm hiểu trên mạng Internet. Từ đó, anh phát hiện thêm nhiều sự thật khác về ngày 30/4 mà sách lịch sử giáo khoa đã không đề cập đến :

"Mình có thói quen hay đọc Wikipedia. Mình mới thấy rằng Wikipedia nói về ngày 30/4 mà tại sao lại là ngày "Quốc hận", "tháng Tư đen"… Khi đó mình mới bắt đầu lên Google tìm kiếm những cụm từ này thì mới ra một số trang blog kể về sự đau khổ, mất mát của những đang sống ở một nước nước khác khi người ta nhớ lại biến cố đó, thì mình mới biết rằng có một bộ phận người Việt đang ở bên nước khác là những người đã vượt biên. Sau này, khi ra nước ngoài, được đọc nhiều hơn thì mình mới thực sự thay đổi quan điểm về ngày 30/4 này".

300419752

Lễ kỷ niệm 40 năm kết thúc cuộc chiến ở Sài Gòn hôm 30/4/2015 AFP - Ảnh minh họa

Minh, người chuẩn bị du học thạc sĩ ngành Nhân quyền và Chính sách công tại Thuỵ Điển cũng thay đổi quan điểm nhờ vào việc đọc nhiều hơn các tài liệu bằng tiếng Anh :

"Trước đây, học lịch sử ở trường thì em chỉ biết ngày 30/4 là ngày chính quyền miền Nam Việt Nam đầu hàng, quân đội Bắc Việt chiếm Dinh Độc lập và ngày đấy được coi là ngày thống nhất đất nước.

Sau này, khi đọc nhiều tài liệu bên ngoài hơn thì em mới biết ngày đấy không nên được hiểu là ngày "giải phóng dân tộc" hay "thống nhất đất nước" gì cả vì thực sự đã có rất rất nhiều người phải chết, phải rời bỏ tổ quốc, phải chịu "cải tạo", bị tịch thu tài sản sau biến cố đấy".

Vy Nguyễn, thạc sĩ chuyên ngành Quản trị kinh doanh chia sẻ cô cũng từng tự hào về lịch sử dân tộc hào hùng được giảng dạy ở nhà trường. Tuy nhiên, niềm tự hào đó cũng thay đổi kể từ khi cô đi du học và được tự do tiếp cận thông tin ở một đất nước dân chủ :

"Lúc trước được học ở trong trường ở Việt Nam thì ngày 30/4 là ngày "giải phóng hoàn toàn miền Nam". Nói chung cũng biết bao tự hào về lịch sử dân tộc, về chuyện mình thắng Trung Quốc, chống Mỹ, chống Pháp…

Khi mình sang Đài Loan đi học, mình tiếp nhận thêm những những nguồn thông tin khác ở bên ngoài, tìm hiểu thì mình mới biết được sự thật về ngày 30/4 nó không giống như những cái gì mình được học trước đó. Mình biết được là sự thật lịch sử nó đã không được viết đúng. Người chiến thắng lúc nào cũng là người được viết nên lịch sử hết.

Ví dụ như một nước Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam Việt Nam, mà hồi xưa ở trong sách chỉ gọi là Mỹ Ngụy thôi, chứ họ không nói chính xác là một đất nước, nhưng họ có nói đến nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc".

Cho đến thay đổi quan điểm về cuộc chiến

Theo Đình Kim, quan điểm của về cuộc chiến giữa hai miền Nam Bắc và ngày 30/4 có sự thay đổi theo từng giai đoạn. Từ mang trong lòng niềm tự hào, cho đến giờ, thì anh coi biến cố 30/4/1975 như là một tiến trình thay đổi thể chế ở miền Nam Việt Nam :

"Các quan điểm về sự kiện này, "tháng tư đen", "ngày thống nhất đất nước" hay "ngày quốc hận"… nó tùy thuộc và đánh giá chủ quan tư tưởng của người suy nghĩ về nó.

Còn đối với mình thì ngày 30/4 nó cũng không hẳn là một cuộc xâm lược. Thực ra, lực lượng tiến hành ngày 30/4 này không chỉ có Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà còn có cả Mặt trận Giải Phóng ngay bên trong lòng miền Nam…

Cho nên, không hẳn là một cuộc xâm lược mà nó là một tiến trình thay đổi thể chế, thay đổi Chính phủ, tiến trình sụp đổ của một Chính phủ mà không còn được Mỹ bảo trợ. Mình cũng biết là từ năm 1973 thì Mỹ không còn bảo trợ cho miền Nam nữa".

Bạn Minh thì khẳng định luôn quan điểm của mình về cuộc chiến này là "nội chiến" chứ không phải "giải phóng dân tộc", bởi vì rõ ràng là "người Việt đánh người Việt" :

"Biến cố 30/4 là không đơn giản là một sự kiện lịch sử, mà nó là bước ngoặt thay đổi số phận của hàng triệu con người. Sau 45 năm, hệ quả của biến cố đấy vẫn còn gây ảnh hưởng đến nhiều người đang sống ở thời điểm hiện tại. Ví dụ : việc phân biệt đối xử với con cái của những cựu binh Việt Nam Cộng Hòa…

Và cần phải thừa nhận rằng đấy là một cuộc nội chiến chứ không phải là chiến tranh giải phóng dân tộc".

Thế hệ trẻ Việt Nam nên được giáo dục về cuộc chiến như thế nào ?

Cả ba người mà chúng tôi phỏng vấn đều nhìn nhận rằng chương trình lịch sử sách giáo khoa hiện nay mà tất cả học sinh Việt Nam phải học có quá nhiều điều không khách quan, không đúng sự thật và còn nhiều điều bị che dấu về chiến tranh Việt Nam giai đoạn 1954-1975.

Đình Kim nói :

"Rõ ràng, hiện tại, người thắng là người có quyền nói. Cho nên những điều mà họ đưa vào sách vở được dựng lên theo một hướng chủ quan nhất định từ phía miền Bắc. Chính vì vậy mà nó sẽ có sự không khách quan về mặt thông tin, sự kiện lịch sử, nhiều khi có những sự kiện lịch sử đã bị che lấp đi, không đưa vào sách vở.

Nó dẫn đến một sự thật đó là thế hệ trẻ Việt Nam, thậm chí là mình, khi mà được giáo dục ở trong môi trường đó thì mình cũng chỉ hiểu biết giới hạn về sự thật chủ quan một phía mà thôi.

Ví dụ đơn giản là các cách mà sách lịch sử giáo khoa Việt Nam nói về một chủ thể là "Chính quyền Mỹ Ngụy" thôi thì đó cũng đã thể hiện sự chủ quan của miền Bắc Việt Nam rồi".

Nếu được thay đổi cách giảng dạy lịch sử cho thế hệ trẻ Việt Nam về cuộc chiến tranh này, Đình Kim nói cần phải tôn trọng sự thật lịch sử, đúng và đủ, cần xác định rõ ba điều cơ bản sau :

"Thứ nhất, mình xác định rõ đây là cuộc nội chiến giữa hai miền. Nó không phải là cuộc kháng chiến chống Mỹ, hay là chống xâm lược từ Miền Bắc. Đó là cuộc nội chiến giữa hai phe có tư tưởng khác nhau.

Thứ hai, ngày 30/4 là ngày mà Chính phủ phía Nam bị thất bại trước Chính phủ phía Bắc.

Thứ ba, ngày này không phải là "giải phóng". Đây là ngày mà nói rằng "thống nhất đất nước" cũng có thể chấp nhận được, vì đây là ngày hai nước thống nhất trở thành một nước, nhưng nó không phải là ngày "giải phóng". Bởi vì, người miền Nam chưa bao giờ có ý định muốn được giải phóng. Và nếu là ngày "giải phóng" thì tại sao sau ngày này lại có hàng triệu người phải ra đi để thoát khỏi cái đất nước vừa được "giải phóng" đó".

Bạn Minh cho rằng ít nhất, những người biên soạn sách giáo khoa lịch sử Việt Nam cần nhìn nhận khách quan hơn về cả hai bên :

"Họ nên có cái nhìn khách quan và công bằng hơn với cả hai phe, cả Việt Nam Cộng Hoà và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngoài ra nên loại bỏ những từ tiêu cực và mang tính phân biệt khi nói về chính quyền Việt Nam Cộng Hoà như "Ngụy quân", "Ngụy quyền", "Bán nước", "theo đế quốc Mỹ"…"

Theo Vy Nguyễn thì bây giờ có góp ý thay đổi cách giảng dạy bộ môn lịch sử cũng không có tác dụng. Chỉ có một nền dân chủ, tự do thực sự mới giúp người dân tự do tìm hiểu, tự do nhận định đâu là sự thật mà thôi :

"Thực tế lịch sử Việt Nam đã bị thay đổi khá nhiều. Bây giờ muốn thay đổi thì chỉ có một cách duy nhất là phải có sự tự do thật sự, một nền dân chủ thực sự thì mới có sự thay đổi trên tất cả mọi mặt, không chỉ về mặt giáo dục, kinh tế… Chứ còn bây giờ nói để góp ý thay đổi cũng không được. Chỉ có thay đổi được thực sự gốc rễ, khi có được tự do thì họ sẽ được tự do tìm kiếm, sẽ tự soạn thảo ra những chương trình để học thôi".

Trong những ngày cuối tháng Tư này, báo chí Nhà nước rầm rộ đưa tin chào mừng ngày 30/4 với những từ ngữ quen thuộc như "dấu ấn lịch sử hào hùng" hay "đất nước trọn niềm vui".

Vẫn không có thông tin về những gia đình bị chia cắt, những con người bị vùi dập, dòng người trốn chạy khỏi đất nước kể từ sau tháng 4/1975 được đưa lên mặt báo trong nước. Báo chí, sách vở ở Việt Nam vẫn im lặng về những vấn đề đó, cho dù chiến tranh đã qua gần nửa thế kỷ.

Cao Nguyên

Nguồn : RFA, 27/04/2020

**********************

Nhìn lại quá khứ, nhìn tới tương lai

Song Chi, RFA, 25/04/2020

Lịch sử không có chữ "nếu"…

Lại sắp đến ngày 30/4. Biết rằng lịch sử không có chữ "nếu" nhưng 45 năm rồi vẫn đau, nếu không phải miền Bắc mà là miền Nam thắng, thì số phận của đất nước này, dân tộc này chắc chắn sẽ rất khác.

300419753

Bên thắng cuộc sau năm 1975, đã phá hoại các thành tích kinh tế lẫn mọi mặt của miền Nam, đẩy cả nước đến bờ vực chết đói đến mức phải buộc lòng mở cửa… Ảnh Chợ Bến Thành trước 1975

Sẽ không có những chính sách duy ý chí sai lầm của "phe thắng cuộc" sau năm 1975, đã phá hoại các thành tích kinh tế lẫn mọi mặt của miền Nam, đẩy cả nước đến bờ vực chết đói đến mức phải buộc lòng "mở cửa", "đổi mới" năm 1986, thực chất là "đổi cũ" vì quay trở lại học theo cách làm ăn kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa.

Sẽ không có hàng triệu người phải bỏ nước ra đi, một nửa vĩnh viễn nằm lại dưới biển khơi, chỉ một nửa đến được bến bờ tự do, ghi thêm hai chữ "thuyền nhân" vào từ điển thế giới ; và không chỉ có thế suốt 45 năm qua người Việt vẫn tiếp tục bỏ nước ra đi, bằng đủ mọi cách, đi làm thuê làm gái làm dâu xứ người… Sẽ không có hàng triệu dân oan bị mất nhà mất đất, hàng ngàn người phải vào tù hay phải lưu vong chỉ vì muốn thực hiện quyền tự do ngôn luận hay muốn bày tỏ lòng yêu nước chống Trung Quốc hung hăng trên Biển Đông.

Sẽ không có cuộc chiến 10 năm ở biên giới phía Tây với Khơ Me Đỏ khiến Việt Nam sau đó bị Mỹ và phương Tây cấm vận, đã khó khăn càng khó khăn thêm ; không có cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc với Trung Quốc làm mất đi một phần lãnh thổ dọc biên giới, chưa kể máu xương người Việt tiếp tục đổ xuống cho 2 cuộc chiến tranh này. Việt Nam sẽ không bị tụt hậu hàng chục hàng trăm năm so với các nước láng giềng chứ chưa nói đến thế giới. Đất nước dưới sự lãnh đạo bất tài và nạn tham nhũng kinh hoàng của đảng cộng sản đang còn lại gì ? Tài nguyên cạn kiệt, môi trường bị tàn phá, giáo dục tụt hậu, văn hóa nghệ thuật không cất cánh nổi vì thiếu tự do, đạo đức xã hội xuống cấp, tính thiện và sự tốt đẹp trong con người ngày càng bị hủy hoại nhường chỗ cho cái ác, cái xấu…

Không chỉ có vậy, nếu Việt Nam là một quốc gia tự do dân chủ, đồng minh của Hoa Kỳ bao lâu nay và Hoa Kỳ vẫn tiếp tục đóng quân ở Việt Nam như đã từng đóng quân ở miền Nam, thì chúng ta đã không mất Hoàng Sa-Trường Sa, không mất một phần lãnh thổ lãnh hải, và Trung Quốc vẫn không có một mảnh đất cắm dùi trên Biển Đông như trước kia, chứ đừng nói đến chuyện xây căn cứ quân sự, hải quân, xây thêm đảo nhân tạo, từng bước biến Biển Đông thành "ao nhà" như hiện nay…

Những ngày này, lợi dụng thế giới đang lao đao chống đại dịch Covid-19, Trung Quốc tiếp tục leo thang trên Biển Đông và khi Việt Nam phản đối thì Bắc Kinh chìa cái "công hàm 1958" của Phạm Văn Đồng, cố Thủ tướng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, càng nhắc nhớ cho người Việt về sự ngu muội của những người lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam và quyết tâm muốn độc chiếm Biển Đông không bao giờ từ bỏ của Bắc Kinh.

Cuối cùng ai thắng ai thua ?

Người Mỹ thua, phải rút khỏi miền Nam, Việt Nam Cộng Hòa thua bị bức tử vĩnh viễn, điều đó đã rõ. Nhưng Đảng cộng sản Việt Nam có thật đã chiến thắng ? Nếu nhìn chiến thắng là giành được độc quyền lãnh đạo cả nước Việt Nam, để bây giờ họ muốn sở hữu, cho thuê, cầm cố, đem bán… từ lãnh thổ lãnh hải, tài nguyên đất nước cho đến mồ hôi sức lao động của nhân dân như thế nào là tùy ý, thì họ đã thắng. Một cuộc chiến dài 20 năm với hàng triệu người chết chỉ đem lại quyền lợi cho riêng đảng cộng sản.

Nhưng như rất nhiều người đã phân tích, "thắng trong chiến tranh mà thua trong hòa bình".

Chiến thắng nhưng có thu phục được nhân tâm ? Suốt 45 năm qua, họ vẫn không thu phục được nhân tâm người miền Nam, và ngày càng không thuyết phục được phần lớn người dân Việt Nam tin vào mô hình thể chế, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của họ.

Chiến thắng nhưng phải bội lại tất cả mọi thứ ? Đã từ lâu, những người cộng sản đã phản bội lại lý tưởng xây dựng một nước xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, công bằng, tốt đẹp gấp trăm lần các nước tư bản phương Tây, phản bội lại toàn bộ học thuyết, lý luận chủ nghĩa Mác Lenin, học theo mô hình làm ăn kinh tế thị trường. Xã hội Việt Nam bây giờ hoàn toàn không phải là một xã hội xã hội chủ nghĩa, mà là một xã hội tư bản thời kỳ hoang dã kết hợp với mô hình thể chế độc tài toàn trị, thế thôi. Những người cộng sản bây giờ xài đồ Mỹ, có bệnh thì chạy sang Hoa Kỳ và các nước phương Tây để chữa trị, con cái thì gửi sang Mỹ sang Tây học, khi về già cũng lại chạy sang các nước "tư bản giãy chết" để hưởng thụ tuổi già. Đó không phải là một sự phản bội trắng trợn lại lý tưởng, mục tiêu chiến đấu ngày xưa là gì ?

Không những đã phản bội lại máu xương của hàng triệu thanh niên miền Bắc đi theo đảng vì tin vào con đường "chống Mỹ cứu nước xây dựng chủ nghĩa xã hội tươi đẹp", họ cũng phản bội xương máu của những người lính đã ngã xuống ở Trường Sa, trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc khi quay lại bắt tay với Trung Quốc, gọi kẻ thù là đồng chí, anh em và nhiều năm sau vẫn không dám nhắc đến cuộc chiến này.

Trả một cái giá quá đắt cho 3 cuộc chiến tranh liên tiếp để bây giờ chủ quyền và độc lập của đất nước vẫn bị đe dọa, người dân chưa bao giờ được hưởng tự do dân chủ, hạnh phúc ấm no, thì cái giá ấy có quá đắt ?

Chiến thắng của những người cộng sản vào tháng Tư năm 1975 là một cú chơi khăm của lịch sử, là một sự sai lầm khủng khiếp đối với dân tộc Việt như đã và đang được chứng minh trong suốt 45 năm qua. Nó cũng đã xoay chuyển bàn cờ địa chính trị ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương theo hướng hoàn toàn có lợi cho Trung Quốc, hay như nhiều người từng nói : Chiến thắng lớn nhất trong cuộc chiến Việt Nam thuộc về Trung Quốc.

Thắng như vậy có gọi là chiến thắng ?

Ngược lại, Việt Nam Cộng Hòa thua nhưng sau 45 năm, những tác phẩm văn học nghệ thuật của miền Nam từ âm nhạc, văn học, thi ca, kiến trúc… vẫn được đông đảo người Việt thuộc các thế hệ trong và sau chiến tranh của cả hai miền Nam Bắc tìm đọc/nghe/xem, những thành tựu của Việt Nam Cộng Hòa về giáo dục, kinh tế, điều hành xã hội vẫn hơn hẳn nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, con người của miền Nam vẫn không mất đi những giá trị tốt đẹp căn bản như lòng tốt, sự hào phóng, sự tử tế, lương thiện, lá cờ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa vẫn được hàng triệu người Việt lưu vong mang theo trong mình khi đến sống ở bất cứ quốc gia nào và lá cờ ấy tiếp tục tung bay tại nhiều thành phố khác nhau từ Mỹ sang Âu, Úc, Canada… Như thế là thua mà thắng, chết mà không chết vậy.

Con đường nào cho Việt Nam ?

Ngay từ khi mới thành lập, Đảng cộng sản Việt Nam đã dựa dẫm vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của các đảng cộng sản khác. Người sáng lập và là lãnh tụ của Đảng cộng sản Việt Nam, biểu tượng của "cuộc cách mạng Việt Nam", Hồ Chí Minh, như nhiều tài liệu về sau đã chứng minh, đã có nhiều năm hoạt động cho cộng sản Nga, cộng sản Tàu, nhận chỉ thị của Nga, Tàu trong mọi việc. Trong cuộc chiến Việt Nam, đảng cộng sản cũng nhận viện trợ từ vũ khí, tài lực nhân lực của các nước xã hội chủ nghĩa mà chủ yếu là từ Liên Xô, Trung Quốc. Một đảng không có xương sống, không tự đứng một mình được.

Khi xây dựng đất nước cũng vậy, đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam chỉ biết học và copy theo những gì mà các đảng và nhà nước cộng sản đàn anh Liên Xô, Trung Quốc đã làm, từ lý thuyết lý luận, mô hình thể chế cho tới từng chính sách cụ thể. Khi Liên Xô còn thì họ đu dây giữa hai đàn anh nhưng đi theo mô hình của Liên Xô, khi Liên Xô sụp đổ thì họ hoảng loạn, quay sang cầu cứu Trung Quốc, nhận Bắc Kinh làm thầy và bắt đầu sao chép mô hình của Trung Quốc. (Chỉ có điều là mọi việc họ làm chậm hơn chừng 10 năm và là một phiên bản tồi hơn).

Trong khi đó, các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc từ Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình… cho tới Tập Cận Bình, mặc dù là những kẻ phạm tội ác đối với nhân dân Trung Hoa và đối với nhân loại nhưng mặt khác, đều là những kẻ nhìn xa, tham vọng lớn và có những chiến lược, kế hoạch dài hàng mấy chục năm, trăm năm cho đất nước họ. So với họ, các thế hệ lãnh đạo cộng sản Việt Nam từ Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng… cho tới Nguyễn Phú Trọng, chỉ là những kẻ ngu muội và có tầm nhìn ngắn hơn nhiều ; nên dân tộc này đã phải trải qua một cuộc chiến huynh đệ tương tàn và cho tới bây giờ Việt Nam vẫn là một nước nghèo, tụt hậu lại bị nằm trong cái vòng kềm tỏa của Trung Quốc.

Thời gian đã chứng minh cho họ chọn đi theo Liên Xô là sai, và cũng đang chứng minh đi theo Trung Quốc là chỉ từ thiệt thòi đến mất nước. Mất nước thì liệu có còn giữ được chế độ ?

45 năm đã qua rồi. Liệu đến bao giờ thì những người lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam hiểu ra rằng đã đến lúc thức tỉnh, tự suy nghĩ bằng cái đẩu độc lập của mình, lựa chọn con đường đúng mà đi, chọn bạn tốt mà chơi trước khi quá muộn ? Với thói quen dựa dẫm, đặt quyền lợi của đảng lên trên quyền lợi của đất nước, dân tộc, lại sợ hãi mọi sự thay đổi, có thể thấy rằng câu trả lời là không, họ chỉ cố sống cố chết bám chặt quyền lực mà thôi.

Viết lại lịch sử, do đó, là trách nhiệm của người dân, và chỉ của người dân, không trông chờ vào bất cứ sự giúp đỡ từ bên ngoài hay sự thay đổi nào từ bên trên cả.

Song Chi

Nguồn : RFA, 25/04/2020 (songchi's blog)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Cao Nguyên, Song Chi
Read 745 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)