Trong cuộc chiến 'nồi da xáo thịt' giữa hai miền Nam - Bắc Việt Nam (1954-1975), có 'một lực lượng không nhỏ' binh lính, sĩ quan, nhân sự các lĩnh vực trong hệ thống bộ máy chính thể Việt Nam Cộng Hòa là người thiểu số miền Trung và Tây Nguyên, bao gồm những sắc dân gốc gác Chăm, Ê Đê, Raglay v.v...
Người Chăm trong một ngày lễ hội ở Phan Rang
Sau sự kiện lịch sử 30/04 đầy chết chóc, tang thương và sụp đổ ấy, trong hàng triệu sinh linh người Việt bỏ nước ra đi, kéo theo hệ lụy hàng trăm, hàng ngàn số phận chưa là tử sĩ sắc dân thiểu số cũng nằm chung cảnh huống 'chết bờ chết bụi', bị tù đày cải tạo, truy xét lý lịch hoặc phân biệt đối xử thậm tệ trong cuộc sống thường nhật.
Hậu chính sách cải tạo của 'bên thắng cuộc', một bộ phận rất nhỏ bé thôi trong lực lượng không nhỏ ấy, nhận được những 'cánh tay ơn nghĩa' giang ra giúp đỡ, dù muộn màng từ chính sách H.O của chính phủ Hoa Kỳ.
Song đến thời điểm hiện nay, dù đã 45 năm trôi qua, di sản của nỗi bi kịch khổng lồ ấy dường như vẫn không thể nào phai nhòe, bớt ám ảnh những người một thời 'trong cuộc' khiến dây dưa vắt sang cả những thế hệ tiếp nối.
Lát cắt người thân bất hạnh
Theo lời kể từ những cấp dưới của cha tôi, cách đây hơn hai mươi năm, khi họ tề tựu chung quanh quan tài ngày ông mất, trước 30/4/1975, ông là một sĩ quan người Chăm phụ trách tuyển quân bổ sung vào các vùng chiến sự, trực thuộc Tổng khu hành dinh Phan Thiết.
Sau 'tháng Tư đen tối' đó, ông trở thành tù cải tạo vài năm, ra tù tay trắng cùng đàn con nheo nhóc, vô công rỗi nghề lại bị chính quyền mới đưa vào diện theo dõi quản thúc, phân biệt đối xử, chèn ép thô bạo khiến tinh thần ông tổn thương nặng nề.
Cha mất khi tôi còn rất bé, nhưng những trang nhật ký để lại, được mẹ tôi đem cất giữ kĩ lưỡng, sau này bất ngờ lục lọi trong đống giấy tờ cũ, có dịp đọc đã khiến tôi khóc nhiều và thương cha hơn bao giờ hết.
Tiếc là cách đây bảy, tám năm, trước khi qua đời, mẹ tôi bị lẫn nên trong một lần nhóm bếp nấu cơm đã đem đốt sạch bút tích của cha.
Bác trai tôi, một người lính thủy quân lục chiến của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, đã kinh qua nhiều chiến sự khốc liệt ở Plei Ku, Buôn Mê Thuột, sau khi bị đạn ghim vào đầu, vào chân trở thành thương phế binh lúc tỉnh lúc mơ.
Khi chính quyền mới vào tiếp quản, bác mất hết chế độ khám chữa bệnh, tiền trợ cấp.
Cách đây hai năm, có lần tôi ghé thăm nhà lúc bác tỉnh táo, mới hay bác mình giờ chỉ sống rặt với kí ức năm tháng tuổi trẻ và luôn tự hào kể về những trận đánh của bác và đồng đội, lúc ở đồng bằng khi ở đồi dốc.
Cuộc sống kinh tế hôm nay của người Chăm nói chung, sau 45 năm được 'giải phóng' cũng còn chật vật, đếm đong từng bữa, bệnh tật cũng ít có điều kiện được chăm sóc y tế tốt nhất
Nhiều lần, bác hay than phiền về sự hành hạ của vỏ đạn còn nằm trong đầu mình, nó khiến bác mệt mỏi nhức nhối. Những lúc tột cùng đau đớn, nửa đêm tôi còn nghe tiếng bác hét bi thương vượt qua năm, sáu mái nhà vọng vào cửa sổ mở hé để làn gió lùa vào nơi tôi ngủ.
Ít tháng sau thì bác mất trong hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu, không có đồng đội đến phúng viếng.
Vài số phận may mắn
Cộng đồng người Chăm ở hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận, hầu hết đều biết và có thể kể vanh vách về những giai thoại 'đánh giặc' của Thiếu tá Thêm, Trung tá Sở.
Họ là những quân nhân người Chăm đầu tiên đeo lon cấp tá trong lực lượng Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, cũng là những người nổi tiếng chiến đấu gan dạ mưu lược, dũng cảm bất khuất, kiên cường bất chấp hiểm nguy trước lối đánh du kích ưa chuộng của du kích cộng sản.
Theo nhiều cụ ông Chăm cho biết, Thiếu tá Thổ Thêm, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 320, quận Thiện Giáo (nay là huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) luôn là nỗi khiếp sợ kinh hồn bạt vía của đối phương.
Ở nhiều trận chiến, ông đã thoát chết một cách thần kỳ bởi những bẫy bom mìn được cài dày đặc, những kẻ nằm vùng chỉ điểm, những trận đánh khốc liệt... Người Chăm kháo nhau rằng ông có bùa hộ mệnh của ông bà tổ tiên lận trong người. Thậm chí, nhiều người còn thêu dệt chuyện ông dùng bùa ngải của người Miên, người Lào tặng.
Nhiều nguồn tin kể lại, sau ngày 30/4, ông bị đem đi cải tạo tận ngoài Bắc để cho các lãnh đạo xem mặt 'hung thần' một thời, coi như ra đi bặt tăm tích, không có ngày trở về quê hương, hoặc bi kịch tù đày cải tạo chết mất xác như cách chính quyền cộng sản thủ tiêu Phó Tổng thống Fulro Huỳnh Ngọc Sắn, người làng dệt thổ cẩm truyền thống Chăm Mỹ Nghiệp ngày nay.
Tuy nhiên, có một sự kiện hy hữu tình cờ cứu được ông, trong khi cả làng ông không trông mong hi vọng gì về ngày trở về.
Đó là chuyện người lính 'thiếu niên' Bắc Việt gầy gò, xanh xao năm xưa, trong một trận giao tranh nọ, có lần ông trỗi niềm thương cảm cứu sống, lúc bấy giờ đang làm lớn trong quân đội "bên thắng cuộc".
Một dịp vô tình vào thăm trại tù đã nhận ra vị ân nhân bên kia chiến tuyến năm xưa của mình, nên đã ra tay nghĩa hiệp, bảo lãnh và giúp tiền tàu xe cho ông được về quê nhà sau hơn thập niên cải tạo. Thiếu tá Thêm mất ở quê nhà khi tuổi già sức yếu.
Một buổi chiều cuối tháng Tư rất nóng, tôi ghé về làng Chăm Phong Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, quê hương của Trung tá Dương Tấn Sở để tìm hiểu tiểu sử, giai thoại về ông.
Qua những người thân cận, được biết, ông xuất thân từ trường Võ bị Đà Lạt, là người học cao hiểu rộng, am hiểu sâu sắc văn hóa mẹ đẻ.
Ông được bổ nhiệm làm Quận trưởng Quận An Phước (nay là huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) khi còn rất trẻ. Thuở làm quận trưởng, ông có vài xích mích với các tướng lĩnh Sài Gòn chỉ vì bênh vực người Chăm của mình.
Năm 1965 ông là người đưa ra ý tưởng 'phần hội' chủ yếu tạo cho không khí tưng bừng, sinh động hơn đối với lễ hội Kate. Ngày nay, lễ hội truyền thống này được biết đến rộng rãi, nổi tiếng nhất của cộng đồng Chăm nhờ có được các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao bổ trợ.
Lễ hội Kate của người Chăm ở Bình Thuận
Sau 30/4, ông bị bắt đi tù cải tạo 5 năm, quản thúc tại gia 3 năm, hết thời hạn đó, ông đã cùng gia đình qua Hoa Kỳ định cư theo diện H.O năm 1994.
Khoảng thời gian sau đó, ông bị bệnh nặng tai, di chứng của hàng trăm lần tham gia chiến sự lẫn vai trò lãnh đạo quân sự. Ông mất đột ngột ở tiểu bang California bởi tai nạn giao thông năm 2009, được bạn bè đồng ngũ, đồng niên vinh danh theo nghi thức quân đội Hoa Kỳ.
Ngoài những số phận đó, người Chăm chỉ có thêm ít ỏi những quân nhân lẫn những người phục vụ bên lãnh vực dân sự khác đã được diện H.O cứu xét định cư, lưu vong bên các xứ sở văn minh.
Hiện nay, dù tuổi cao sức yếu họ vẫn còn sống như là những chứng nhân một thời oanh liệt như các ông Lưu Quang Sang, cựu dân biểu nghị viện Sài Gòn, ông Đặng Chánh Anh, Quận trưởng Phan Lý Chàm... góp vào bức tranh đa sắc tộc Hoa Kỳ thêm một tộc người thiểu số mới mẻ : người Chăm xứ Cờ Hoa.
45 năm sau giải phóng…
Nhà thơ cộng sản Nguyễn Duy có hai câu thơ khái quát về sự đương nhiên thất bại của người dân, mặc dù chính thể nào đó có giành lấy được chiến thắng : "Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh. Phe nào thắng thì nhân dân đều bại". Tôi xin phép trích dẫn hai câu thơ này để phác họa số phận của những người Chăm trong cuộc chiến, bất kể cuộc chiến nào trong lịch sử gần hoặc xa, họ đều trở nên bất hạnh, làm vật tế thần và thất bại thảm thương.
Từ cuộc chiến giữa Tây Sơn với nhà Nguyễn, giữa nhà Nguyễn với Lê Văn Khôi, chiến trận nào cũng có người Chăm, người thiểu số khác tham gia, nhưng những kẻ lên ngôi chiến thắng luôn nhanh chóng lãng quên quyền lợi dân tộc thiểu số, hoặc giả nhớ mà ban phát quyền lợi rất ư kẻ cả.
Đến cuộc chiến ý thức hệ (1954-1975), phần lớn người Chăm 'ở lại', đi theo chính thể Việt Nam Cộng Hòa. Ít ỏi đếm trên đầu ngón tay thì bị dụ dỗ, thoát ly lên rừng theo Việt cộng và bất ngờ giành chiến thắng lịch sử. Nhưng rốt cuộc đến nay, số phận của những người theo hoặc không theo bên này bên kia, xét cho công bằng cũng không sáng sủa là mấy.
Cuộc sống kinh tế hôm nay của người Chăm nói chung, sau 45 năm được 'giải phóng' cũng còn chật vật, đếm đong từng bữa, bệnh tật cũng ít có điều kiện được chăm sóc y tế tốt nhất. Đối với những gia đình 'ngụy quân ngụy quyền' còn kẹt lại, các thế hệ con cháu có nguyện vọng làm việc trong chế độ mới thì việc bị thẩm tra lý lịch ba đời vô cùng gắt gao, khốc liệt.
Với những nhà hoạt động, tranh đấu cho tự do dân chủ người Chăm thì bị tù tội, triệt đường kinh tế, theo dõi, nghe lén điện thoại, khủng bố đủ kiểu.
Chính sách cộng cư, xen cư, chia nhỏ không gian thôn xóm làng mạc ngày nay cũng phần nào phá vỡ cấu trúc xã hội mẫu hệ Chăm.
Ngôn ngữ Chăm ngày càng rơi rụng, nhiều nhà khoa học, trí thức Chăm uy tín cũng đã gióng hồi chuông cảnh báo nguy cơ trở thành tử ngữ cao. Đền tháp Chăm thì bị tịch thu, quản lý yếu kém. Tín ngưỡng tôn giáo bị siết chặt, lũng đoạn, sắp xếp người thân chính quyền và can thiệp thô bạo.
Bản sắc văn hóa Chăm rõ ràng ngày càng phai nhạt, lai căng và mất mát từng ngày từng giờ không gì cứu vãn nổi.
Đó là tổng thể thảm trạng văn hóa - xã hội, đời sống - kinh tế của người Chăm nói riêng, dân tộc Việt nói chung sau 45 năm dưới sự lãnh đạo đất nước của Đảng cộng sản Việt Nam.
Một thảm trạng đầy chấp vá, hoàng kim của nỗi buồn, lạc lõng đến quái dị và xám xịt đến u mê, trái ngược vời vợi đối với xu thế chung của xã hội văn minh, tiến bộ.
Đồng Chuông Tử
Nguồn : BBC, 27/04/2020
Tác giả Đồng Chuông Tử, một nhà thơ, nhà báo tự do, nghiên cứu văn hóa Chăm, hiện đang sống và làm việc tại Ninh Thuận - Bình Thuận, Việt Nam.