Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/04/2020

Covid-19 : sư lây truyền và ứng dụng theo dõi người nhiễm

Nguyễn Trang Nhung - Thu Hằng

Nghiên cứu mới cho thấy nCoV có thể lây truyền trong không khí trong 16 giờ

Nguyễn Trang Nhung, RFA, 27/04/2020

Một nghiên cứu được công bố vào ngày 18/4 trên medRxiv.org (nơi lưu trữ trực tuyến các nghiên cứu y khoa), cho thấy nCoV, hay SARS-CoV-2, có thể lây truyền trong không khí trong 16 giờ [1].

cov1

nCoV, hay SARS-CoV-2, có thể lây truyền trong không khí trong 16 giờ - Ảnh minh họa

Nghiên cứu - chưa được bình duyệt - được thực hiện tại 4 phòng thí nghiệm của Mỹ, tại Đại học Tulane, Cơ sở Nghiên cứu Tổng hợp Viện Y tế Quốc gia, Viện Y học Quân đội Hoa Kỳ và Đại học Pittsburgh. 

Theo nghiên cứu, nCoV có khả năng phục hồi đáng kể ở dạng sol khí (các hạt có kích thước dưới 5 μm lơ lửng trong không khí), khi vẫn giữ được hình thù, kích cỡ, và khả năng lây nhiễm trên đĩa thí nghiệm trong thời gian lên đến 16 giờ.

Chad Roy, nhà khoa học về bệnh truyền nhiễm, một trong các tác giả của nghiên cứu, cho biết nhóm của ông tin tưởng vào phát hiện này vì chúng được dẫn đến từ 4 phòng thí nghiệm khác nhau [2].

Roy lưu ý rằng cần có thêm nghiên cứu về nCoV, và nghiên cứu của ông và cộng sự chưa xem xét độ nhạy cảm cá nhân, song trong khoa học thì các phát hiện như vậy là cảnh báo cần được chú ý [3].

nCoV được biết là lây nhiễm qua 2 con đường, bao gồm tiếp xúc với các giọt hô hấp có chứa virus và tiếp xúc với bề mặt có chứa virus, trong đó con đường thứ nhất là con đường chủ yếu.

Nếu nCoV lây truyền qua không khí, điều này có thể giải thích cho sự bùng phát của Covid-19 trên các tàu du lịch bị phong tỏa, hay hiện tượng siêu lây nhiễm của bệnh nhân phát tán virus nhiều hơn bình hường [4].

Roy cho biết các cơ quan y tế cho rằng chỉ có các giọt hô hấp kích cỡ lớn mới có thể mang bất kỳ virus sống nào. Nghiên cứu này đã bổ sung bằng chứng cho thấy điều ngược lại : nCov có thể là mầm bệnh trong không khí [5].

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết chưa có đủ bằng chứng về việc nCoV có thể lây truyền qua không khí ngoài điều kiện phòng thí nghiệm hoặc ngoài bệnh viện, nơi thực hiện các kỹ thuật y khoa như đặt nội khí quản và sol khí hóa [6].

Phát hiện này củng cố các kết luận trong một số nghiên cứu trước đó về sol khí, chẳng hạn, một nghiên cứu vào tháng 3 vừa qua của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Bệnh tật, Đại học UCLA và Đại học Princeton cho thấy nCoV có thể tồn tại trong không khí đến 3 giờ [7].

Không phải nghiên cứu nào về sol khí cũng cho kết quả thuận chiều với nghiên cứu của Roy. Các kết quả nhìn chung là hỗn hợp : có nghiên cứu phát hiện virus tại bệnh viện nơi điều trị cho bệnh nhân, và có nghiên cứu thì không.

Dù vậy thì ngày càng nhiều các nghiên cứu củng cố cho giải thuyết nCoV lây truyền trong không khí là dấu hiệu cho thấy việc phòng chống Covid-19 nên có thêm các biện pháp tăng cường và phòng xa.

Giữ khoảng cách thường xuyên với người khác, và nếu có thể thì xa hơn so với khoảng cách được khuyến nghị phổ biến (1,5 - 2m), và đeo khẩu trang tại nơi công cộng, nhất là khi khó giữ khoảng cách với người khác, là ví dụ về các biện pháp như vậy.

Nguyễn Trang Nhung

Nguồn : RFA, 27/04/2020

Chú thích :

[1] Comparative dynamic aerosol efficiencies of three emergent coronaviruses and the unusual persistence of SARS-CoV-2 in aerosol suspensions

[2]…[5] Coronavirus is not behaving in the air the way scientists expect

[6] Modes of transmission of virus causing Covid-19 : implications for IPC precaution recommendations

[7] Coronavirus lives for hours in air particles and days on surfaces, new US study shows

*********************

Việt Nam triển khai ứng dụng theo dõi người nhiễm Covid-19

Thu Hằng, RFI, 26/04/2020

Bluezone, "khẩu trang điện tử", là ứng dụng do công ty Bkav chủ trì phát triển, dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và truyền thông Việt Nam, đã được ra mắt ngày 18/04/2020. Trang báo Nhân Dân điện tử ngày 25/04, kêu gọi người dân cài đặt ứng dụng này để có thể bảo vệ bản thân và cộng đồng trước dịch Covid-19.

cov2

Khẩu hiệu phòng chống dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, ngày 25/04/2020. Reuters - YEN DUONG

Về nguyên tắc, ứng dụng Bluezone sử dụng công nghệ Bluetooth năng lượng thấp. Các điện thoại thông minh smartphone được cài Bluezone có thể giao tiếp với nhau trong khoảng cách 2 mét, ghi nhận tiếp xúc gần, vào lúc nào và trong bao nhiêu lâu. Chính phủ Việt Nam hy vọng mạng lưới người dùng Bluezone càng lớn, thì chỉ sau nửa tháng, tất cả người dùng smartpone ở Việt Nam sẽ được bảo vệ.

Ứng dụng theo dõi người nhiễm Covid-19 được một số nước Châu Á, trong đó có Hàn Quốc, áp dụng rộng rãi. Một số nước phương Tây do dự vì sợ vi phạm đến quyền tự do cá nhân. Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam khẳng định ứng dụng Bluezone bảo mật về dữ liệu, ẩn danh, không thu thập dữ liệu về vị trí của người dùng và đảm bảo minh bạch. Hiện Việt Nam có 270 ca nhiễm virus corona và nhiều tỉnh thành đã dần dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa.

Bắc Kinh nghiêm trị các hành vi "thiếu văn minh"

Trong khi đó, ngày 24/04, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, đã bổ sung thêm một loạt lệnh cấm mới, có hiệu lực từ ngày 01/06, nhằm cải thiện vệ sinh nơi công cộng để phòng chống dịch Covid-19 : hắt hơi hoặc ho mà không che mũi hoặc miệng, không đeo khẩu trang khi bị bệnh tại nơi công cộng, phải "ăn mặc sạch sẽ", cấm cởi trần hoặc phạch bụng (chủ yếu là nam giới) ở ngoài đường. Người vi phạm sẽ bị mất "điểm tín dụng xã hội".

Trước đó, Bắc Kinh đã áp dụng việc đánh dấu giữ khoảng cách trong khuôn khổ giãn cách xã hội tại các điểm công cộng. Khạc nhổ, vất rác bữa bãi, hút thuốc, dắt chó ở nơi công cộng… cũng bị cấm, người vi phạm bị phạt nhưng nhiều người vẫn chưa thay đổi thói quen.

Thu Hằng

*********************

Ô nhiễm không khí liên quan đến tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều ở những người nhiễm Covid-19

Nguyễn Trang Nhung, RFA, 25/04/2020

Những người nhiễm Covid-19 ở các vùng có không khí ô nhiễm có khả năng tử vong cao hơn nhiều so với những người nhiễm Covid-19 ở các vùng có không khí trong lành.

cov3

Sương mù tại Los Angeles, California, Hoa Kỳ, ngày 14/8/2019 (Nguồn : EPA, Shutterstock)

Đó là phát hiện từ nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học tại Trường Y tế Công cộng TH Chan, Đại học Harvard được công bố vào đầu/4 và được cập nhật vào ngày 24/4 vừa qua [1].

Nghiên cứu phân tích ô nhiễm không khí và các ca tử vong do Covid-19 tính đến ngày 4/4 ở 3080 hạt (county) của Hoa Kỳ, chiếm 98% dân số.

Nghiên cứu cho thấy ngay cả sự gia tăng 1 đơn vị của mức ô nhiễm không khí nhiều năm trước khi đại dịch xảy ra có liên quan đến sự gia tăng 15% của tỷ lệ tử vong.

"Chúng tôi thấy rằng sự gia tăng chỉ 1 μg/m3 [mật độ] PM2.5 có liên quan đến sự gia tăng 15% tỷ lệ tử vong do Covid-19", nghiên cứu viết.

Các nhà khoa học cho biết không khí bẩn làm tăng nguy cơ mắc hội chứng suy hô hấp cấp tính, vốn là nguyên nhân gây tử vong liên quan đến Covid-19 cũng như các vấn đề khác về hô hấp và tim [2].

Một sự gia tăng nhỏ trong phơi nhiễm ô nhiễm không khí trong 15-20 năm đã được biết là làm tăng nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, song nghiên cứu này cho thấy mức tăng này cao gấp 20 lần đối với tử vong do Covid-19 [3].

Nghiên cứu đã tính đến một loạt các yếu tố, bao gồm mức nghèo đói, hút thuốc, béo phì, số lượng xét nghiệm Covid-19 và giường bệnh có sẵn.

Rachel Nethery, một trong các tác giả của nghiên cứu, nói rằng các nghiên cứu trước đây cho thấy phơi nhiễm ô nhiễm không khí làm tăng đột ngột nguy cơ tử vong do SARS trong suốt đợt bùng phát vào năm 2003, và nhóm nghĩ rằng kết quả của nghiên cứu này này phù hợp với các phát hiện đó [4].

Kết quả của nghiên cứu này cũng phù hợp với phát hiện của một báo cáo từ các nhà khoa học ở Ý rằng tỷ lệ tử vong cao được nhận thấy ở phía bắc của đất nước tương quan với mức ô nhiễm không khí cao nhất.[5] Báo cáo lưu ý rằng miền bắc của Ý là một trong những khu vực ô nhiễm nhất Châu Âu và tỷ lệ tử vong được báo cáo đến ngày 21/3 ở khu vực phía bắc vùng Lombardy và Emilia-Romagna là khoảng 12%, so với 4,5% ở phần còn lại của Ý.

Giáo sư Jonathan Grigg, từ Đại học Queen Mary London, cho biết nghiên cứu này có phương pháp và hợp lý, nhưng có một số hạn chế, ví dụ, các yếu tố quan trọng như hút thuốc không được đo ở cấp độ cá nhân [6].

Phát hiện từ nghiên cứu, theo các tác giả, gợi ý rằng các vùng có mức ô nhiễm không khí cao cần có thêm các biện pháp phòng ngừa và nguồn lực bổ sung để làm chậm sự lây lan của virus và đối phó với dịch bệnh.

Các tác giả cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục thực thi các quy định ô nhiễm không khí hiện có để bảo vệ sức khỏe con người cả trong và sau khủng hoảng Covid-19.

Nguyễn Trang Nhung

Nguồn : RFA, 25/04/2020

Chú thích :

[1] A national study on long-term exposure to air pollution and Covid-19 mortality in the United States

[2][3][4] Air pollution linked to far higher Covid-19 death rates, study finds

[5] Can atmospheric pollution be considered a co-factor in extremely high level of SARS-CoV-2 lethality in Northern Italy ?

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Trang Nhung, Thu Hằng
Read 619 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)