Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/04/2020

Báo cáo Tự do tôn giáo 2020, biểu tượng công lý Việt Nam

Thanh Trúc - RFA tiếng Việt

Không có tự do tín ngưỡng và tự do tôn giáo ở Việt Nam

Thanh Trúc, RFA, 29/04/2020

Bước qua năm 2019, Việt Nam vẫn là một đất nước thiếu tự do tôn giáo, vẫn đứng bậc 1, Tier 1, trong báo cáo của Ủy hội Quốc tế Hoa kỳ về Tự do Tôn giáo Thế Giới, gọi tắt là USCIRF’s.

baocao1

Buổi công bố Phúc trình thường niên của Ủy hội quốc tế Mỹ về tự do tôn giáo thế giới ở Washington DC hôm 29/4/2019 - Photo: RFA

Đó là nội dung báo cáo về Việt Nam trong buổi công bố phúc trình thường niên của Ủy hội quốc tế Mỹ về Tự do Tôn giáo Thế giới tại Washington DC ngày 29 tháng Tư vừa qua.

Theo báo cáo, Việt Nam có dân số hơn 97 triệu, trên một nửa là người theo đạo Phật, kế đến là Thiên Chúa Giáo, tiếp đó là Hòa Hảo, Cao Đài, các hệ phái Tin Lành và sau cùng là Hồi giáo với chỉ một số ít.

Tuy đầy đủ các đạo lớn nhỏ như vậy nhưng thực tế đến lúc này Việt Nam vẫn là một đất nước mà tự do tín ngưỡng và tôn giáo bị xuống cấp nghiêm trọng. Chính vì thế USCIRF’s đề nghị Hoa Kỳ nên đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC các quốc gia cần đặc biệt quan tâm vì thiếu tự do tôn giáo.

Với tiêu đề Phát Hiện Chính Và Khuyến Nghị, phúc trình tự do tôn giáo 2019 của USCIRF’s phần nói về Việt Nam cho thấy năm 2018 là một năm có nhiều diễn biến tiêu cực, bất kể Đạo luật Tín ngưỡng và Tôn giáo được thông qua và có hiệu lực từ tháng Giêng 2018 mà Hà Nội hứa hẹn là mọi tôn giáo đều hợp pháp và bình đẳng, rút ngắn thời gian đối với những đơn từ xin sinh hoạt đạo một cách công khai, tạo điều kiện thuận lợi cho những sinh hoạt tín ngưỡng… Tình hình tự do tôn giáo của Việt Nam, theo báo cáo, ngày càng trở nên tồi tệ và nghèo nàn hơn.

Chưa hết, phúc trình nói tiếp, bất kể lịch sử hình thành và phát triển của các tôn giáo lớn đã có trong thời chiến, nhiều tổ chức tôn giáo không được chính phủ công nhận và không được cấp giấy phép sinh hoạt, điển hình như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và vị lãnh đạo tinh thần là hòa thưỡng Thích Quảng Độ.

Trả lời đài Á Châu Tự Do, bà Kristina Arriaga, phó chủ tịch Ủy hội quốc tế Mỹ về Tự do Tôn giáo Thế giới, nhấn mạnh:

"Thật đáng tiếc là chính phủ Việt Nam tiếp tục đàn áp mọi tôn giáo trong nước họ. Dưới hệ thống kiểm tra canh chừng các đạo giáo chặc chẽ như vậy chúng tôi tin là thật cần thiết và thật quan trọng để khuyến cáo chính phủ cũng như Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC các nước cần đặc biệt quan tâm vì không có tự do tôn giáo".

Việt Nam thường bắt giữ những người biểu tình ôn hòa để đòi hỏi tự do tín ngưỡng và tự do thờ phượng, trong đó có những nhà hoạt động cho tôn giáo và nhân quyền. Bên cạnh đó, phúc trình của USCIRF’s còn nêu hai bộ luật gây tranh cãi và chống đối năm 2018 là Luật An Ninh Mạng và Luật Đặc Khu. Về điều này bà Kristina Arriaga nói tiếp:

"Việt Nam sử dụng những Luật và Dự Luật này như kỹ thuật hay công cụ để tiếp tục cấm đoán, áp đảo các tôn giáo, nhất là những nhóm tín ngưỡng đơn lẻ không làm gì phạm pháp mà chỉ muốn thể hiện đức tin của mình, của gia đình hay cộng đồng".

Có phải vì không cải thiện và không thay đổi nên phúc trình thường niên bao năm qua của Ủy hội quốc tế Mỹ về Tự do Tôn giáo Thế giới mỗi lần nhắc đến Việt Nam đều kiến nghị Việt Nam vào lại CPC hay không, bà Kristina Arriaga trả lời:

"Đúng vậy, thế nhưng nghe hoặc không nghe theo khuyến cáo của USCIRF’s tùy thuộc phần lớn vào quyết định của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, trong lúc trách nhiệm chính thức của chúng tôi là theo dõi, báo cáo, tường trình hiện trạng tự do tôn giáo ở Việt Nam hầu đệ trình lên chính phủ cũng như Bộ Ngoại giao.

Khuyến cáo quan trọng nhất về Việt Nam đối với Bộ Ngoại giao là đưa Việt Nam trở lãi danh sách CPC như một hình thức xử phạt một đất nước vi phạm tự do tín ngưỡng"

Theo ước tính của USCIRF’s trong phúc trình thường niên về tụ do tôn giao thế giới 2019, tính đến ngày 31/12/2018, Việt Nam đã bắt giữ khoảng 244 tù nhân lương tâm, 22 người bất đồng chính kiến chờ bị xét xử trong đó có một số nhà nhà hoạt động tôn giáo.

Đối với Ủy hội quốc tế Mỹ về Tự do Tôn giáo Thế giới, đây là những người lãnh đạo tinh thần hoặc đơn giản chỉ là người dân lên tiếng đòi được tự do thờ phượng theo đức tin. Bên cạnh đó, nhà cửa và đất đai là tài sản của Giáo hội Công giáo, tu viện chùa chiền của Phật giáo, thanh thất của Cao đài, Hòa hảo cũng không thoát khỏi lệnh trưng thu, dở bỏ hay đập phá của chính quyền địa phương.

Đến tham dự buổi họp báo và theo dõi từ đầu đến cuối phúc trình thường niên 2019 của USCIRF’s, ông Frank Wolf, cưu dân biểu từng có chân rong nhóm Vietnam’s Caucus, tức các đại diện dân cử Hoa Kỳ chuyên quan tâm đến các vấn đề của Việt Nam ở hạ viện, phát biểu:

"Việt Nam không có thiện chí trong việc cải thiện vấn đề thiếu do tôn giá, các giáo hội bị kiểm soát, nhiều nhà nguyện Tin Lành của người miền núi bị bách hại bị dẹp bỏ. Điều mà mọi người cần nói lên và phải được lắng nghe là kinh tế Việt Nam đang phát triển tốt, tuy nhiên tôn giáo và nhân quyền lại bị tuột dốc không phanh.

Sự đối xử của Hà Nội đối với tôn giáo ở Việt Nam xem ra không khác gì mấy với sự đối xử của Trung Quốc đối với Phật giáo Tây Tạng, nghĩa là có hệ thống, có chủ đích nhắm khống chế những gì người dân tôn thờ theo đức tin chứ không tôn thờ Nhà nước, là nhận định của ông Tenzin Dorjee, chủ tịch Ủy hội quốc tế Mỹ về Tự do Tôn giáo Thế giới:

"Việt Nam vẫn là mối quan tâm đặc biệt của USCIRF’s, một trong những quốc gia vi phạm quyền tụ do tín ngưỡng trầm trọng, đi ngược lại những giá trị phổ quát và nhân bản mà một chính phủ phải bảo vệ cho người dân của mình. Chúng tôi muốn nói rằng tự do tôn giáo gần như không có ở Việt Nam và điều này quả là nguy hiểm cho người dân của đất nước đó. Chừng nào Việt Nam không thay đổi cho tốt hơn thì chừng đó USCIRF’s còn phải lên tiếng cho người dân thấp cổ bé miệng ở đó, đồng thời cảnh báo Hoa Kỳ nên chú tâm nghiêm túc hơn trong việc nhắc nhở Việt Nam coi trong tự do tín ngưỡng."

Năm 2006, Việt Nam được Bộ Ngoại giao Mỹ rút khỏi danh sách CPC các nước cần đặc biệt lưu tâm vì không có tự do tôn giáo. Từ 2006 trở đi, các tổ chức bảo vệ nhân quyền và bảo vệ tự do tín ngưỡng trên thế giới như Human Rights Watch, Amnesty International và USCIRF’s thường lên tiếng cảnh báo về những hành động đàn áp gia tăng của Hà Nội đối với các tổ chức tôn giáo lớn nhỏ trong nước họ.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 29/04/2020

******************

Báo cáo Tự do Tôn giáo 2020 : quyền tự do tôn giáo-tín ngưỡng ở Việt Nam vẫn chưa được thực sự tôn trọng

RFA, 29/04/2020

Vào ngày 28 tháng 4, Ủy hội Hoa Kỳ Tự do Tôn giáo Quốc tế có buổi họp báo trực tuyến công bố Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế Thường niên năm 2020 phản ánh những diễn tiến tôn giáo tín ngưỡng trong năm qua ở các nước trên thế giới. Buổi họp báo được chủ trì bởi ông Tony Perkins, Chủ tịch Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế cùng các chuyên gia và các ủy viên. Ông Perkins cho biết sẽ ban hành báo cáo này vào ngày 1 tháng 5 cùng với các khuyến nghị đến Tổng thống, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Quốc hội Hoa kỳ.

bâocao2

Khu vực chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm bị san bằng năm 2016. quangduc.com

Bản báo cáo đề cập đến những tiến bộ quan trọng mang lại sự thay đổi tích cực ở các quốc gia, đồng thời nhấn mạnh các vấn đề liên quan đến việc một số quốc gia ban hành đạo luật và quy định gây tranh cãi nhắm vào các cộng đồng tôn giáo thiểu số, trong đó có Việt Nam.

Trong bản báo cáo, mặc dù Việt Nam không nằm trong số các nước cần quan tâm đặc biệt (Countries of Particular Concern - CPCs), tiến sĩ Tenzin Dorjee, Ủy viên Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, cho hay tình hình tự do tôn giáo ở Việt nam vẫn chưa thật sư thay đổi, vì vậy Ủy hội sẽ tiếp tục đến nước này để đàm phán và giải quyết các vấn đề liên quan đến việc đàn áp tôn giáo :

"Với Việt Nam, theo như chúng tôi được biết, tình hình vẫn chưa thay đổi. Do đó chúng tôi sẽ đến nước này một lần nữa để giải quyết vấn đề và cách chính quyền bạo hành, bắt giữ những người theo đạo Cao Đài và các nhóm tôn giáo khác. Vì vậy, tình hình ở Việt Nam còn rất thảm khốc. Vì Việt Nam chưa được chỉ định là một quốc gia đặc biệt đáng quan ngại, nhưng chúng tôi sẽ khuyến nghị điều đó để có thể gây sức ảnh hưởng ngoại giao đến chính quyền Việt Nam nhằm tạo ra sự thay đổi tích cực và cung cấp quyền tự do tôn giáo cho người dân của họ".

Cùng ngày, Hòa thượng Thích Không Tánh cho RFA biết chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm, một cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đã bị nhà nước Việt Nam cưỡng chế, phá đập và san bằng từ mấy năm nay. Ông cùng các hòa thượng khác có đề nghị được đền bù thỏa đáng, nhưng vẫn chưa được chính quyền đáp ứng và cũng không cấp giấy tờ liên quan :

"Riêng về Phật giáo chúng tôi thì đã có nhiều chùa bị ủi sập, không tôn trọng và bị lấy đất đai, đừng nói chi đến đạo Tin Lành tại gia hoặc có những sinh hoạt ở vùng cao nguyên và vùng xa xôi hẻo lánh. Phải nói rằng là tôi được biết qua nhiều mục sư, thân hữu trong hội đồng Thiên Tôn của tôi, họ khiếu nại nhiều lắm. Nhiều vị mục sư bị bắt bớ, đánh đập, không cho cử hành lễ tôn giáo của mình. Nhiều gia đình đồng bào sắc tộc ở cao nguyên cũng không được tự do tôn giáo tín ngưỡng. Tôi thuộc Phật Giáo, nhưng có một số vị bên Tin Lành họ cho biết rằng nhà nước này rất kỳ thị quý bà con đồng bào Tin Lành ở Tây Nguyên".

Hòa thượng Thích Không Tánh cho rằng những người như ông không được hưởng quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam, vì muốn được hưởng ưu đãi của nhà nước, các tổ chức tôn giáo phải chịu làm theo lệnh của Đảng, nhà nước hoặc có nguy cơ bị đàn áp :

"Họ cho rằng những việc gọi là không theo nhà nước, chẳng hạn như chúng tôi có những kiến nghị, đề nghị về vấn đề tự do tôn giáo thật sự thì họ còn cho là phản động, họ cho rằng phải đi vào khuôn khổ, tôn giáo ở nước nào cũng phải chấp hành theo luật pháp của họ. Họ nói rằng là có tự do tôn giáo, bảo đảm rằng là nhà nước này là có tự do tôn giáo, nói là vậy nhưng sự thật là nếu đã tự do tôn giáo, tín ngưỡng thật sự thì làm gì có chuyện phải đi đăng ký, lên xuống, việc gì cũng phải khai báo ; nếu được nhà nước cho phép thì mới được sinh hoạt, như vậy là tự do tôn giáo kiểu Cộng sản".

Luật sư Anurima Bhargava, Ủy viên USCIRF, khi trả lời phỏng vấn của RFA tại buổi họp báo trực tuyến cho rằng qua những chuyến đi thăm dò ở Việt Nam, cho rằng chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục bắt buộc các tổ chức tôn giáo đăng ký và liên tục thông báo về các hoạt động tôn giáo. Vì lý do đó, Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế đã có đề nghị cho những nhóm, tổ chức tôn giáo tại Việt Nam có quyền tự do thực hành tín ngưỡng của họ :

"Chúng tôi ủng hộ, đề nghị cho những nhóm tôn giáo có thể thực hiện việc thờ phụng một cách tự do mà không phải phụ thuộc vào sự chấp thuận của chính phủ. Điều mà chúng tôi chứng kiến xảy ra khá nhiều ở Việt Nam là có một số tổ chức tôn giáo đã được chấp thuận cho các thành viên của họ được thờ phượng, nhưng cũng có những nhóm tôn giáo khác không thể thực hiện điều đó ; đó là những mối quan tâm của chúng tôi.

Chúng tôi cũng được biết trong tiến trình phát triển kinh tế ở Việt Nam, có nhiều cơ sở tôn giáo có giá trị lịch sử, là trung tâm thờ phượng của các cộng đồng địa phương đã và đang bị đe dọa phá hủy, san bằng. Chắc chắn rằng chúng tôi muốn khuyến nghị và gây áp lực lên chính phủ Việt Nam để đảm bảo rằng những cơ sở, địa điểm thờ phượng đó sẽ không bị phá hủy".

Ngoài ra, bà Anurima Bhargava cho biết Ủy hội cũng sẽ khuyến nghị việc trả tự do đối với các tù nhân lương tâm bị bắt bớ do đức tin của họ. Ủy hội cũng nhận thấy những hành động chính quyền đã làm nhằm gây áp lực, quấy rối với các cá nhân lên tiếng ủng hộ quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam. Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế sẽ tiếp tục yêu cầu chính phủ Việt Nam thực hiện các nỗ lực khác để đảm bảo người dân trong nước có thể tự do tín ngưỡng, thờ phượng theo tôn giáo của họ.

baocao3

Buổi họp báo trực tuyến cùng USCIRF hôm 28 tháng 4. USCIRF

Về việc luật pháp Việt Nam cho phép chính phủ có thể vô hiệu hóa quyền tự do tôn giáo với lý do liên quan đến an ninh quốc gia, ông Johnnie Moore, một Ủy viên khác có mặt tại buổi họp báo trực tuyến cho biết đây hiện vẫn là một vấn đề có tính chất phức tạp :

"Vấn đề giữa an ninh quốc gia và tự do tôn giáo cần sự hợp tác rất lớn từ các cộng đồng quan tâm đến quyền tự do tôn giáo. Tôi luôn tận dụng các cơ hội để nhấn mạnh rằng đây không phải là một việc có thể dễ dàng thực hiện khi làm việc với các chuyên gia nghiên cứu, luật sư nhân quyền và các học giả trên kháp thế giới và các cộng đồng tôn giáo. Các chính phủ cần bảo vệ an ninh quốc gia của họ nhưng vẫn phải đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng".

Theo báo cáo của Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ vào năm 2019, Hiến pháp Việt Nam cho phép công dân có quyền tín ngưỡng theo bất kỳ tôn giáo nào và tất cả các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên, điều 14 trong Hiến pháp ủy quyền cho chính phủ với lý do vì an ninh quốc gia và trật tự an ninh xã hội có thể đàn áp nhân quyền, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng.

Cũng vấn đề liên quan, vào đầu tháng 4, Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Việt Nam đã soạn thảo bức thư chung để gửi đến Thủ tướng Việt Nam với đề nghị phục hồi quyền công dân của hàng chục nghìn người Hmong và người sắc tộc Tây Nguyên bị tước hộ khẩu và chứng minh nhân dân sau khi họ từ chối làm theo lệnh bỏ đạo Tin Lành. Đồng thời, bức thư cũng đề nghị chính phủ Việt Nam trả tự do cho các tù nhân lương tâm. Một trong những người tham gia ký tên có bà Tiến sĩ Katrina Lantos Swett, cựu Chủ tịch Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế và đương kim Chủ tịch Sáng hội Nhân quyền Tom Lantos.

Nguồn : RFA, 28/04/2020

********************

Lập luận bác bỏ việc đặt tượng vua Lý Thái Tông tại Tòa án nhân dân Tối cao như biểu tượng công lý

RFA, 28/04/2020

Lấy ý kiến mẫu phác thảo vua Lý Thái Tông

Truyền thông quốc nội, trong những ngày hạ tuần tháng 4/2020 đăng tải thông tin Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, ông Lê Hồng Quang vừa ký văn bản về việc lấy ý kiến của cán bộ ngành tư pháp đối với lựa chọn 3 mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông.

baocao4

Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường bên cạnh 3 mẫu phát thảo tượng vua Lý Thái Tông. Courtesy : vov.vn

Trong văn bản được phổ biến, Tòa án nhân dân Tối cao nêu rõ việc lựa chọn tượng Lý Thái Tông (1028-1054) là biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử trong lịch sử Việt Nam được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao quyết định hồi ngày 5/2. Việc lấy ý kiến mẫu tượng vua Lý Thái Tông được tiến hành từ ngày 23 đến ngày 28/4. Tòa án nhân dân Tối cao cho biết dự kiến chất liệu tượng và khối phụ trợ được đúc bằng đồng đỏ nguyên khối. Và, tượng vua Lý Thái Tông sẽ được đặt tại trụ sở Tòa án nhân dân Tối cao và các Tòa án nhân dân, Tòa án Quân sự các cấp.

Đài RFA ghi nhận sau khi thông tin được loan đi, dư luận trong nước đặc biệt quan tâm với thắc mắc vì sao vua Lý Thái Tông được ngành tư pháp Việt Nam chọn lựa như là biểu tượng công lý của Việt Nam.

Người phát ngôn của Tòa án nhân dân Tối cao, ông Nguyễn Tiến Hùng, vào ngày 27/4, được báo giới dẫn lời cho biết việc lựa chọn nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam đã được thực hiện từ 2 năm trước. Tòa án nhân dân Tối cao đã phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức một Hội thảo khoa học với sự tham gia của các chuyên gia, nhà sử học, nhà khoa học và 75% đại biểu tham dự chọn vua Lý Thái Tông trong số 15 nhân vật lịch sử tiêu biểu là biểu tượng công lý. Bên cạnh đó, cán bộ viên chức trong hệ thống tòa án được nói là có đến 82% đồng ý lựa chọn vua Lý Thái Tông là nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam. Đồng thời, một số cơ quan ban ngành cho ý kiến đồng thuận cao như Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch…

Một dự án thầm lặng ?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, vào ngày 28/4 lên tiếng với RFA rằng trước đây ông từng được nghe về Hội thảo khoa học mà ông Nguyễn Tiến Hùng đề cập đến. Tuy nhiên, những thông tin liên quan hội thảo này đã không được truyền thông phổ biến rộng rãi đến công chúng. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện nhấn mạnh :

"Thế thì việc này không ai biết hết. Hội thảo cũng chìm vào quên lãng. Thế nhưng, mọi người lại vỡ lẽ ra vào chiều ngày 24/4 vừa rồi qua Báo Sài Gòn Giải Phóng đăng tin dựng tượng vua Lý Thái Tông tại trụ sở các tòa án. Khi này thì mọi người mới biết Tòa án nhân dân Tối cao đã triển khai một dự án và làm mẫu phát thảo tượng Lý Thái Tông, nhân vật được chọn làm biểu tượng công lý và hoạt động xét xử trong lịch sử Việt Nam".

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện lý giải một trong những nguyên nhân mà dư luận đặc biệt chú ý đến "dự án" dựng tượng vua Lý Thái Tông của Tòa án nhân dân Tối cao, là vì :

"Việc dựng này không phải tại một trụ sở tòa án mà tất cả các trụ sở tòa án trên cả nước. Như vậy có khoảng 800 trụ sở như thế, cộng với tất cả trụ sở tòa án quân sự (tức là tòa án binh) thì khỏang độ 100-200 trụ sở nữa. Như vậy số tượng dựng có thể lên đến cả nghìn pho tượng. Và theo như thông báo trên trang mạng Cổng Thông tin của Tòa án nhân dân Tối cao thì việc dựng này xin ý kiến dựng tượng có chiều cao 5,4 mét kể cả bệ tại các trụ sở lớn, trụ sở nhỏ thì dựng tượng có chiều cao 3,4 mét kể cả bệ. Như vậy, số lượng dựng và pho tượng dựng rất là lớn".

baocao5

Quang cảnh cuộc họp Hội đồng nghệ thuật xây dựng tượng vua Lý Thái Tông, diễn ra chiều ngày 28/04/2020, tại Hà Nội. Courtesy : vov.vn

Luật sư Đặng Đình Mạnh, vào tối ngày 28/4 cũng cho RFA biết thông tin về việc dựng tượng vua Lý Thái Tông tại trụ sở tòa án ở Việt Nam là hoàn toàn bất ngờ đối với giới luật sư :

"Thật ra, giới luật sư không hề biết đâu. Đến khi báo Sài Gòn Giải Phóng đăng tin thì mọi người mới biết đến chuyện này. Thứ hai là trong các nhóm nhỏ luật sư trao đổi với nhau, khi đề cập đến vấn đề này thì ai cũng đều cười cợt vì không ai nghĩ chuyện này nên làm cả. Nôm na là không ai ủng hộ chuyện này. Từ trước tới giờ nhân vật vua Lý Thanh Tông không mang biểu tượng gì liên quan vấn đề pháp lý, công lý cả. Cho nên lấy biểu tượng ông vua trong trường hợp này là không thuyết phục. Và trong 3 tượng mẫu có 1 mẫu tượng ông vua mặc đồ phẩm phục theo kiểu Á Đông, nhưng lại cầm cái cân cự ly theo kiểu của công lý Tây phương thì nhìn vừa khôi hài và vừa kệch cỡm. Cho nên thật ra hầu như không ai trong giới luật sư ủng hộ vấn đề này đâu".

Vì sao phản đối ?

Báo giới trong nước mấy ngày qua cũng trích dẫn ý kiến của các luật sư liên quan có thật sự cần thiết dựng tượng vua làm biểu tượng công lý hay không.

Báo Dân Việt Online, vào ngày 26/4 dẫn lời của luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng ý định dựng tượng vua Lý Thái Tông tại các trụ sở tòa án các cấp là không cần thiết, chẳng có ý nghĩa và còn lãng phí.

Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Văn Quynh, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, nói với Báo Tuổi Trẻ Online rằng Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không có thẩm quyền để lựa chọn biểu tượng công lý. Luật sư Nguyễn Văn Quynh còn khẳng định "Ngành tòa án xét xử phải dựa trên chứng cứ khoa học và nhân danh pháp luật. Việc đặt tượng trên toàn hệ thống tòa án khiến người ta liên tưởng đến thần quyền và yếu tố tâm linh, đây là điều tuyệt đối không nên có trong hệ thống tư pháp".

Trao đổi với RFA vào tối ngày 28/4, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho biết ngay sau khi Báo Sài Gòn Giải Phóng loan tin vào ngày 24/4, bản thân ông đã đưa ra 6 lý do không thể dựng tượng vua Lý Thái Tông cũng như không triển khai đại trà. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện trình bày lập luận của ông :

"Thứ nhất gọi là biểu tượng công lý thì không thể lấy một người cụ thể ra đại diện được. Ví dụ như tượng Nữ thần Công lý là một vị nữ thần trong thần thoại Hy Lạp và biểu tượng đó được cả thế giới chấp nhận và làm theo. Lấy biểu tượng về công lý thì phải có tính hàm xúc và có tính biểu trưng của nó cũng như vượt thời gian, vượt các triều đại và các thể chế chính trị. Bởi vì công lý thì muôn đời vẫn là giá trị mà mọi người cần phải theo đuổi và tôn thờ.

Thứ hai chọn biểu tượng công lý mà chọn một ông vua Lý Thái Tông thì hoàn toàn là một sai lầm. Bởi vì một con người cụ thể như thế thì không thể nào là biểu tượng chung cho công lý được, huống chi Lý Thái Tông là nột ông vua, mà ông vua là biểu trưng của nhà nước và ông vua có thể vượt qua mọi thứ pháp luật và ông là điển hình của việc trị nước bằng các đường lối chính trị do ông đưa ra, cũng như tổ chức, bộ máy và hệ thống pháp luật do ông quản lý, chứ nhà vua không phải là người đứng ra xử án. Cho nên, việc lấy một người làm biểu tượng công lý là không chấp nhận được và vì vậy việc dựng tượng ngài ở khắp nơi thì làm cho hình ảnh của nhà vua bị tầm thường vì là một vị hoàng đế lại bị chuyển xuống làm ‘cán bộ tòa án’. Như thế thì hình ảnh của nhà vua bị hạ thấp và mất thiêng".

Bốn lý do còn lại, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đề cập đến 3 mẫu tượng do nhà Điêu khắc Nguyễn Phú Cường trưng ra có tượng một bên tay cầm quyển sổ (tức là hình thư) và một bên tay cầm cái cân là hình ảnh rất nhạo báng. Thêm vào đó, vua khi thiết triều thì ngồi chứ không đứng và vua đội mũ Bình thiên rất giống với tượng Lý Công Uẩn ở bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là kiểu mũ của Trung Quốc đã bị dư lận xã hội từng phản ánh gay gắt trước đây. Đồng thời, việc dựng tượng có thể sẽ phá vỡ không gian và làm xáo trộn cảnh quan các trụ sở tòa án, nhất là tòa án địa phương có phạm vi nhỏ hẹp, thậm chí sử dụng thêm đất bên ngoài tòa án. Đáng lưu tâm nhất là tượng đài ở Việt Nam kiểu gì cũng có bát hương và sẽ phát sinh nghi lễ, đặt hoa, thắp hương, khấn vái…vô hình trung làm cho cảnh quan ở tòa án không còn là nơi tôn nghiêm nữa.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, trong một cuộc phỏng vấn với Báo Dân Việt vào hôm 27/4 cho rằng việc Tòa án nhân dân Tối cao chọn tượng vua Lý Thái Tông là biểu tượng công lý là một sự chắp vá và khiêng cưỡng. Vị Đại biể u Quốc hội này đưa ra nhiều lý lẽ phân tích cho nhận định của mình. Trong đó, ông nhìn nhận "hầu hết dư luận xã hội đều không tán thành" và còn nhấn mạnh việc xây dựng tượng đài tại khắp các trụ sở tòa án cần phải tính đến bài toán đầu tư công.

Tòa án nhân dân Tối cao, vào chiều ngày 28/4, tổ chức cuộc họp Hội đồng nghệ thuật xây dựng tượng vua Lý Thái Tông. Trong vai trò chủ trì cuộc họp, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình tuyên bố sẽ chỉ dựng tượng vua Lý Thái Tông tại trụ sở Tòa án nhân dân Tối cao và cán bộ ngành tòa án sẽ góp tiền để dựng tượng.

Trước thông tin mới nhất này, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện vẫn khẳng định :

"Ông Nguyễn Hòa Bình nói làm sao phải thuyết phục được người dân. Thế thì, tôi trả lời luôn với ông rằng việc dựng pho tượng này và dù chỉ là dựng ở một nơi thì cũng không thuyết phục được ai hết. Vì vậy, việc dựng tượng hoàng đế Lý Thái Tông ở trụ sở Tòa án nhân dân Tối cao là vừa sai, vừa hạ cấp nhà vua, đồng thời cũng chả khác gì là nhạo báng đối với một vị vua anh minh".

Còn luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết ông cùng nhiều đồng sự trong giới luật sư mong muốn ngành tư pháp nên cần thiết chú trọng vào thực tiễn công lý trong các phiên tòa ở Việt Nam hiện nay hơn là quyết tâm dựng tượng công lý : "Cần tòa án ban phát công lý, chứ người dân không cần tòa án dựng lên một bức tượng công lý. Tại vì dựng bức tượng công lý thì công lý chưa hẳn là có. Như vậy, cứ ban phát công lý cho họ trước đi, rồi sau đó muốn dựng tượng thì chắc mọi người cũng ủng hộ thôi".

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu có bài viết, được mạng báo Tiếng Dân đăng tải, bác bỏ quan điểm của Tòa án Nhân Dân Tối cao Việt Nam. Tác giả này đặt câu hỏi cho tựa bài viết "Dựng tượng Lý Thái Thông làm biểu tượng công lý trong xét xử, có làm giảm án oan sai ?"

Nguồn : RFA, 28/04/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Trúc, RFA tiếng Việt
Read 639 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)