Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/04/2017

Khi Donald Trump - Tập Cận Bình tâm đầu ý hợp

Hồng Thủy

"Diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ" nhằm vào Triều Tiên chưa chắc đã đến từ kẻ họ coi là "đế quốc đầu sỏ, sen đầm quốc tế", mà có thể từ chính đồng chí.

South China Morning Post, Hồng Kông ngày 13/4 đưa tin, trả lời phỏng vấn tờ The Wall Street Journal cùng ngày tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết :

Chỉ 10 phút nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Mar-a-Lago đã làm ông thay đổi cách nhìn về Bắc Triều Tiên.

Ông Trump từng nghĩ rằng, Bắc Kinh có đầy đủ sức mạnh để kiềm chế Bắc Triều Tiên, nhưng ông đã thay đổi ý kiến sau cuộc đàm phán vào tuần trước với người đồng cấp Trung Quốc.

Donald Trump - Tập Cận Bình "tâm đầu ý hợp"

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với The Wall Street Journal về quan hệ của ông với Chủ tịch Trung Quốc sau hội đàm tại Mar-a-Lago tuần trước :

"Chúng tôi quý mến nhau. Tôi rất thích ông ấy. Tôi nghĩ vợ ông ấy là một người tuyệt vời / xuất sắc".

trumptap1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh : The Huffington Post.

Trump đã nói với Tập Cận Bình rằng, ông tin Bắc Kinh dễ dàng xử lý mối đe dọa từ Bình Nhưỡng, trong khi ông Tập Cận Bình giải thích lại về lịch sử quan hệ Trung - Triều.

"Sau khi nghe 10 phút, tôi nhận ra đó không phải chuyện dễ dàng như tôi nghĩ. 

Tôi từng nghĩ rằng, họ có sức ảnh hưởng mạnh ghê gớm với Bắc Triều Tiên. Nhưng nó không phải là điều bạn có thể nghĩ tới.

Cuộc thảo luận trong ngày làm việc đầu tiên tại Mar-a-Lago ban đầu được lên kế hoạch tối đa là 15 phút, nhưng rốt cuộc đã kéo dài 3 tiếng đồng hồ.

Và rồi ngày hôm sau, chúng tôi có một cuộc họp dự kiến kéo dài 10 phút, nhưng nó đã kết thúc sau 2 tiếng. Chúng tôi đã có buổi làm việc rất tốt.

Tập Cận Bình rất thông minh, đó là ưu điểm. Tôi thích gọi điều đó là linh hoạt"

Hôm thứ Tư 12/4, Donald Trump và Tập Cận Bình lại nói chuyện qua điện thoại với nhau suốt 1 tiếng đồng hồ về bán đảo Triều Tiên [1].

Trong cuộc điện đàm này, ông Tập Cận Bình cho biết, gần đây Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu than của Triều Tiên, một mặt hàng quan trọng của Bình Nhưỡng.

The Wall Street Journal bản tiếng Trung Quốc ngày 13/4 đưa tin, khi tờ báo này đề nghị so sánh hai mối quan hệ giữa Donald Trump với Putin và Donald Trump với Tập Cận Bình, ông chủ Nhà Trắng trả lời :

Sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ, Vladimir Putin có gọi điện chúc mừng ông. Khi Nga bị khủng bố tấn công, Trump cũng gọi điện chia buồn với Tổng thống Nga và ngỏ ý giúp đỡ. 

Tuy nhiên nhà báo The Wall Street Journal viết thế nào thì viết, chứ ông "chẳng hiểu gì" về Putin.

Trong khi đó những cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ dẫn đến chiến thắng của Donald Trump vẫn đang trong quá trình điều tra, nên việc ông giữ khoảng cách với ông Vladimir Putin cũng là việc cần thiết [2].

Cá nhân người viết cho rằng, đến giờ này có thể khẳng định Donald Trump là một nhà đàm phán lão luyện.

Tất cả các nước cờ ra giá của ông với Trung Nam Hải trước bầu cử Tổng thống Mỹ, đều đã kết thúc mĩ mãn.

Có thể nhắc lại một chút, đó là nước cờ Đài Loan hay nguyên tắc "một Trung Quốc"nước cờ Biển Đông với đe dọa phong tỏa đảo nhân tạo, nước cờ kinh tế với cảnh báo trừng phạt nước thao túng tiền tệ.

Thậm chí ngay cả con bài nhân sự như Cố vấn Steve Bannon hay Peter Navaro cũng được ông dùng để hù dọa Bắc Kinh, nhằm kiếm thế thượng phong trên bàn đàm phán.

Cuối cùng, ông chủ Nhà Trắng đã có được điều mình muốn :

Xử lý thâm hụt thương mại với Trung Quốc và những cam kết hợp tác đầu tư hậu hĩnh từ Bắc Kinh, cô lập Nga trong vấn đề Syria tại Hội đồng Bảo an, và đặc biệt là buộc Trung Quốc phải gây sức ép với Triều Tiên.

Tuy nhiên trong cuộc cờ chiến lược này, theo cá nhân người viết, ông Tập Cận Bình mới là kỳ thủ cao tay ấn !

Không chỉ đàm phán và ngã giá thành công với Donald Trump mà không làm thiệt gì cho Trung Quốc hoặc với mức giá chấp nhận được, ngược lại còn tương kế tựu kế để tối đa hóa lợi ích, tận dụng hết khả năng có thể của các đòn bẩy chiến lược.

Đặc biệt sự điềm tĩnh, thâm trầm và quyết đoán của ông trong quan hệ với Donald Trump cho thấy, ông đã xoay ngược tình thế từ chỗ bị động (thực tế là lặng lẽ quan sát màn trình diễn của đối thủ), sang thế chủ động "thong dong vào hang cọp".

Xin lưu ý, "hang cọp" ở đây không mang hàm nghĩa nguy hiểm, mà là bước đột phá xuyên thủng màn sương mù, biến Donald Trump từ "thù" thành "bạn", hơn nữa lại là bạn thân thiết. 

Nói như ông Trump trong trả lời phỏng vấn The Wall Street Journal hôm qua, Tập Cận Bình có sức hút đến mức hai người lần đầu tiên gặp mặt tại Mar-a-Lago mà đã như quen biết từ lâu [3].

Học giả Trung Quốc nêu phương án "thay máu lãnh đạo" Triều Tiên

Tào Tân, thành viên Hiệp hội Giao lưu phát triển Trung Quốc - Á - Phi có trụ sở tại Bắc Kinh, một nhà bình luận quen thuộc của tờ Financial Times bản tiếng Trung Quốc, ngày 12/4 nhận định trên báo này về thời cơ và lựa chọn sách lược của Bắc Kinh đối với bán đảo Triều Tiên.

Ông Tân tin rằng, chỉ cần Mỹ đảm bảo lợi ích an ninh của Trung Quốc và Nga trên bán đảo Triều Tiên, khả năng Mỹ tấn công quân sự là không thể coi thường.

trumptap2

Giữa lúc Trung - Mỹ gây sức ép, nhà lãnh đạo Triều Tiên vẫn ung dung đi dự cắt băng khánh thành cụm chung cư ở Bình Nhưỡng hôm qua, ảnh : Thời báo Hoàn Cầu / KCNA.

Lợi ích của Bắc Kinh và Moscow trên bán đảo Triều Tiên thể hiện ở 2 điểm :

Đầu tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể bị lật, chính quyền mới sẽ phải bỏ vũ khí hạt nhân, nhưng Triều Tiên với tư cách một quốc gia độc lập thì không được tiêu diệt.

Thứ hai là, Mỹ không được nhân cớ tấn công Triều Tiên để sử dụng vũ lực thống nhất bán đảo, khiến biên giới của Hàn Quốc được dịch chuyển sát với 2 quốc gia này.

Tất nhiên, khi quyết định tấn công quân sự Triều Tiên, Mỹ cũng phải tính đến phản ứng và thái độ của Hàn Quốc, Nhật Bản, 2 quốc gia có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề từ hoạt động phản công của Bình Nhưỡng.

Nhưng theo ông Tân, với Hàn Quốc thì trong vấn đề bán đảo Triều Tiên họ luôn bị Mỹ áp đặt và Seoul buộc phải nghe theo, đó là "bi kịch của nước nhược tiểu".

Còn với Nhật Bản, có thể dân chúng phản đối các hành động quân sự Mỹ do lo ngại nước Nhật phải trả giá đắt vì phản công của Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên đây lại là cơ hội có một không hai cho Thủ tướng Shinzo Abe thay đổi căn bản Hiến pháp hòa bình, nên gần như ông sẽ ủng hộ Mỹ.

Đối với Trung Quốc, trong trường hợp Mỹ tấn công bán đảo Triều Tiên sẽ là một cơ hội để Trung Nam Hải điều chỉnh chính sách với láng giềng mà họ tin là "con ngựa bất kham" này.

Bắc Kinh từ lâu muốn tìm cách thay đổi, điều chỉnh Bình Nhưỡng theo quỹ đạo cải cách mở cửa của mình nhưng không có cơ hội. Mỹ can thiệp là cơ hội tốt nhất.

Do đó theo ông Tân, Bắc Kinh cần chuẩn bị sẵn sàng phương án.

"Phương án" đó được Tào Tân giải thích cụ thể là :

Bắc Kinh cần nhanh chóng lên kịch bản dựng lên một chính thể lãnh đạo mới ở Triều Tiên thân Trung Quốc, từ bỏ vũ khí hạt nhân, thực hiện cải cách mở cửa phát triển kinh tế theo phong cách Bắc Kinh.

Đây là phương án phù hợp nhất với lợi ích của Trung Quốc, và Hoa Kỳ không có lý do gì để phản đối.

Trong trường hợp Mỹ tấn công Triều Tiên, đây sẽ là thời cơ tuyệt vời để Bắc Kinh thực hiện kế hoạch "thay lãnh đạo" ở Bình Nhưỡng.

Lúc này, Bắc Kinh cần làm việc chặt chẽ với Washington để đảm bảo Mỹ tuân thủ Hiệp định đình chiến Bàn Môn Điếm vẫn còn hiệu lực.

Đó là Triều Tiên và Hàn Quốc đều là 2 thành viên Liên Hợp Quốc, có chủ quyền, Mỹ không được lợi dụng việc này để giúp Seoul thống nhất bán đảo Triều Tiên.

Với tư cách một thành viên ký kết Hiệp định đình chiến Bàn Môn Điếm, Trung Quốc cần chuẩn bị sẵn sàng, thời cơ đến tiến quân 2 đường thủy bộ vào Triều Tiên khi Mỹ tấn công, để bảo vệ lợi ích của mình, đặc biệt là dựng lên bộ máy lãnh đạo mới thân Hoa.

Sau cuộc chiến, Trung Quốc sẽ đầu tư mạnh mẽ giúp "chính phủ mới" ở Bình Nhưỡng phát triển kinh tế để tránh xảy ra tình trạng hỗn loạn. 

Trường hợp Hoa Kỳ không tuân thủ Hiệp định đình chiến Bàn Môn Điếm, Bắc Kinh chỉ còn nước xuất binh toàn diện, bảo vệ lợi ích của mình.

Do đó, nếu Mỹ tấn công Triều Tiên, theo ông Tân, đó không phải chuyện gì xấu với Trung Nam Hải [4].

Người viết cho rằng, mặc dù đây chỉ là bình luận của một học giả Trung Quốc, nhưng nó đưa ra trong bối cảnh Trung Nam Hải đã có biểu hiện thỏa hiệp rõ rệt với Hoa Kỳ, nên Triều Tiên không thể không đề phòng.

Hơn nữa bằng nhiều kênh khác nhau, Bắc Kinh cũng đang gây thêm sức ép với Bình Nhưỡng.

Bởi vậy mới thấy rõ, khả năng "diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ" nhằm vào Triều Tiên chưa chắc đã đến từ kẻ họ coi là "đế quốc đầu sỏ, sen đầm quốc tế", mà có thể từ chính đồng chí - anh em - láng giềng đã một thời "kháng Mỹ viện Triều".

Lập luận của ông Tân không phải không có lý, vì nó đảm bảo Triều Tiên vẫn tồn tại, nhưng tồn tại theo định hướng và nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Trung Quốc, đồng thời không còn là mối đe dọa với Hoa Kỳ.

trumptap3

Dân tộc Triều Tiên trên 2 miền bán đảo đã và đang là nạn nhân của các siêu cường, ảnh minh họa : National Archives.

Washington cũng dễ chấp nhận một phương án như vậy, hơn là những hành động phiêu lưu quân sự.

Mỹ - Trung - Nga phối hợp gây sức ép, cục diện bán đảo Triều Tiên phụ thuộc quyết sách của ông Kim Jong-un

Cá nhân người viết cho rằng, phân tích của Tào Tân không phải chuyện viễn tưởng, ngược lại đây là một kịch bản mà các nhà lãnh đạo Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên cần tính đến.

Tuy nhiên, mục tiêu của Hoa Kỳ đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ và trợ giúp từ Trung Quốc có lẽ không phải là lật đổ thể chế hiện nay ở Triều Tiên, mà là Bình Nhưỡng phải từ bỏ vũ khí hạt nhân vô điều kiện.

Toan tính lật đổ có thể đến từ bên thứ 3 mà chưa chắc đã phải là Mỹ.

Do đó, về mặt chính trị và kinh tế thương mại, ít nhất về mặt công khai, Trung Quốc đã bắt đầu hành động gây sức ép lên Bình Nhưỡng với việc cấm nhập khẩu than, và tới đây có thể xem xét ngừng cung cấp dầu mỏ, khóa các kênh trung chuyển ngoại tệ cho Bình Nhưỡng.

Rõ ràng động thái này là gọng kìm thứ 2 kết hợp với gọng kìm số 1 - hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson Hoa Kỳ đang tiến gần bán đảo Triều Tiên để ép Bình Nhưỡng phải thay đổi, nếu không Mỹ - Trung sẽ hành động.

Còn với Nga, chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đến Moscow vừa qua, theo cá nhân người viết, chủ yếu là nhằm mục đích thỏa thuận với Nga về sức ép lên Triều Tiên. 

Những phát biểu trên truyền thông về khủng hoảng Syria và quan hệ Nga - Mỹ có lẽ chỉ mang tính ngụy trang kiêm nhiệm các mục đích khác về đối nội.

Nhận định như vậy bởi chính thủ đoạn "dương Đông kích Tây", nghi binh, vu hồi đã được chính quyền Mỹ thời Donald Trump sử dụng quá nhiều kể từ khi làm chủ Nhà Trắng.

trumptap4

Cuộc gặp giữa ông Tillerson và Tổng thống Nga Putin tuần qua có lẽ cũng ẩn chứa nhiều điều. Ảnh minh họa : Politico.com

Hơn nữa, cục diện Trung Đông và thái độ kiềm chế chiến lược của Putin và cái thế của Tổng thống Nga trong đối nội, đối ngoại hiện nay khó có thể dẫn đến những quyết định phiêu lưu về quân sự với Hoa Kỳ, nhất là khi Donald Trump và Tập Cận Bình đã bắt tay với nhau.

Đấy là chưa nói đến việc Trump quay ngoắt 180 độ để hòa với NATO nhằm yên một bề ở Trung Đông, để rảnh tay xử lý vấn đề Triều Tiên.

Tất nhiên là cái "quay ngoắt 180 độ" với NATO ấy cũng chỉ là một thủ đoạn ngã giá của một lái buôn đẳng cấp quốc tế, chứ chưa bao giờ nước Mỹ xem nhẹ vai trò NATO.

Thậm chí không loại trừ khả năng Mỹ thông báo trước cho Nga kế hoạch gây sức ép lên Bình Nhưỡng, cam kết đảm bảo lợi ích của Nga ở bán đảo Triều Tiên như phân tích của Tào Tân, đổi lại chỉ cần Nga án binh bất động.

Sự kiềm chế chiến lược của Tổng thống Putin trong vụ Mỹ bắn 59 quả Tomahawk vào Syria khi đã báo trước cho Moscow cho thấy khả năng này. 

Hơn nữa, sau hội đàm với ông Tillerson, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói với báo giới, dù Nga - Mỹ còn khác biệt trong nhận thức về Triều Tiên, hai bên nhất trí "giải pháp chính trị là cách duy nhất khả thi" [5].

Xã luận Thời báo Hoàn Cầu ngày 14/4 cũng động viên Kremlin rằng, Mỹ - Trung - Nga đã hình thành thế chân vạc vững chắc, Tập Cận Bình bắt tay với Donald Trump không mảy may ảnh hưởng đến quan hệ Trung - Nga.

Tờ báo này còn cho hay, 3 vấn đề nhức nhối nhất trong quan hệ Trung - Mỹ là Đài Loan, Biển Đông và thương mại, cuối cùng đã được kiểm soát, trong khi hợp tác Trung - Mỹ về bán đảo Triều Tiên đang phát triển rất mạnh mẽ.

Bắc Kinh không thể để thành tựu này biến thành bong bóng [6].

Tính toán của Mỹ về khả năng Nga không can thiệp nếu Mỹ đe dọa dùng vũ lực hay dùng vũ lực có kiểm soát với Triều Tiên trong trường hợp Bình Nhưỡng tiếp tục thử hạt nhân, không phải không có cơ sở.

Năm ngoái khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần thứ 5, Nga đã cảnh báo chống lại bất kỳ đe dọa nào của Bình Nhưỡng về việc "trả đũa / báo thù bằng vũ khí hạt nhân". Điện Kremlin cho biết :

"Bình Nhưỡng cần phải nhận thức được thực tế là, nếu hành động như vậy sẽ chỉ làm Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên rơi vào thế đối đầu với cộng đồng quốc tế.

Nó tạo cơ sở pháp lý quốc tế cho việc dùng vũ lực chống lại Triều Tiên, vì đó là quyền tự vệ của một quốc gia (bị Bình Nhưỡng tấn công) được quy định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc" [7].

Do đó, cá nhân người viết cho rằng, cục diện bán đảo Triều Tiên hiện nay phụ thuộc rất lớn vào tính toán và lựa chọn của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, vốn rất khó đoán với phần còn lại của thế giới.

Nếu ông tiếp thục thúc đẩy các vụ thử tên lửa tầm xa hay hạt nhân mà Mỹ tin là đe dọa an ninh của họ, thì có 2 kịch bản có thể xảy ra :

Một là hành động quân sự có kiểm soát của Hoa Kỳ trước sự chứng kiến, làm thinh của Trung Quốc và Nga, hai là lật đổ từ bên trong theo kịch bản của ông Tào Tân đề cập. 

Phương án 2 thì Trung Quốc sẽ giữ vai trò chủ đạo và lần này đến lượt Mỹ, Nga làm thinh.

Trong trường hợp Triều Tiên không tiếp tục thử hạt nhân, tên lửa trong thời gian này, thì tình hình bán đảo Triều Tiên sẽ hạ nhiệt, và có thể cục diện giằng co giữa các bên sẽ vẫn tiếp tục kéo dài.

Không ai biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hiện đang nghĩ gì, tính toán gì. Và cũng không ai dám chắc, Trung Nam Hải có còn kênh liên lạc bí mật nào khác với Bình Nhưỡng hay không.

Nhưng theo cá nhân người viết, tìm cách đối thoại, đổi mới và canh tân đất nước một cách chủ động dù sao vẫn là lựa chọn tốt nhất, hơn là rơi vào cuộc chiến một mất một còn, hoặc để ngoại bang "thay máu" như cảnh báo của học giả Trung Quốc.

Đây không chỉ là thách thức sống còn của thể chế tại Bình Nhưỡng, mà là bi kịch của dân tộc Triều Tiên trên cả hai miền bán đảo, vừa do nguyên nhân lịch sử, vừa do nhận thức khác biệt về chính trị, làm mồi cho các siêu cường.

Giải trừ vũ khí hủy diệt hàng loạt là hy vọng, ước mong của nhân loại yêu chuộng hòa bình và công lý.

Nhân loại yêu hòa bình không chỉ mong Triều Tiên bỏ vũ khí hạt nhân, mà tất cả các nước đang sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt đều nên bỏ.

Trong bối cảnh hiện tại, khi cả 3 cường quốc hạt nhân cùng ép Triều Tiên từ bỏ kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân trong khi bản thân 3 nước kia lại tăng cường, củng cố răn đe hạt nhân chiến lược, lựa chọn cho Bình Nhưỡng quả thực chẳng dễ dàng gì.

Nó cũng cho thấy luật pháp quốc tế vẫn đang bị các siêu cường chi phối và đổi chác, nên việc giải thích luật pháp quốc tế cũng thay đổi theo sự lên xuống của các siêu cường.

Có lẽ đã đến lúc cần cải tổ hoạt động của Liên Hợp Quốc theo hướng dân chủ, công bằng và thượng tôn pháp luật, thay vì là nơi tranh quyền đoạt lợi của "tam cường ngũ bá".

Tinh thần nhất quán của Liên Hợp Quốc trong vấn đề Syria theo mong muốn của ông Tập Cận Bình trong bản tin Tân Hoa Xã nói về cuộc điện đàm với ông Donald Trump, chỉ có thể thành hiện thực nếu Liên Hợp Quốc cải tổ.

Hoạt động của Liên Hợp Quốc cần phải theo hướng công bằng, dân chủ, thượng tôn pháp luật và có quyền lực thực sự trong các sự vụ toàn cầu hay khu vực. 

Nhưng ai sẽ đứng ra làm việc này ? Hiện người viết không tìm thấy câu trả lời.

Quay trở lại bán đảo Triều Tiên, người viết cho rằng hòa bình, hòa giải, hòa hợp và đoàn kết dân tộc thiết nghĩ là lựa chọn không dễ dàng.

Nhưng nếu hai miền có thể vượt qua mặc cảm và khác biệt chính trị để thay đổi nhận thức, giải quyết vấn đề thông qua đối thoại một cách thiện chí, khách quan, cầu thị, lắng nghe nhau, biết đâu lại là cơ hội và lối thoát cho cả một dân tộc ?

Hãy nhìn vào người Đức, vào dân tộc Đức và cách họ vượt qua sự khác biệt.

Tuy rằng thế giới cũng không nên đánh giá thấp sức mạnh tinh thần của người dân, đất nước Triều Tiên, nhưng để cả kẻ thù lẫn đồng chí bắt tay nhau ép mình vào chân tường, Bình Nhưỡng sẽ chẳng có lựa chọn nào sáng sủa. 

Còn người dân Hàn Quốc, những người đã có bát ăn bát để trong một nền kinh tế được mệnh danh là con rồng châu Á, họ có nhiều thứ để mất, để lo sợ, cả trước mắt lẫn lâu dài.

Dựa vào ngoại bang không bao giờ là lựa chọn tin cậy, an toàn và bền vững.

Hồng Thủy

Nguồn : GDVN, 15/04/2017

Tài liệu tham khảo :

[1] http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2087518/10-minutes-xi-jinping-changed-donald-trumps-mind-north

[2] http://cn.wsj.com/gb/20170413/bgh090150.asp

[3] http://cn.wsj.com/gb/20170413/bgh075059.asp

[4] http://www.ftchinese.com/story/001072164 ?full=y

[5] http://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/xwfw_665399/s2510_665401/t1453551.shtml

[5] http://opinion.huanqiu.com/editorial/2017-04/10471832.html

[6] http://www.express.co.uk/news/world/790523/north-korea-allies-china-russia-kim-jong-un

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hồng Thủy
Read 1693 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)