Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/04/2017

Khó nghĩ chiếc loa phường

Sơn Tùng

Mất hơn một tháng để tổ chức thăm dò, lấy ý kiến người dân trên mạng và kết quả là gần 90% số người tham gia đã chọn "không duy trì" (xóa bỏ) hoạt động của "hệ thống loa truyền thanh cấp phường, xã" (loa phường) tại Hà Nội. Cũng mất khoảng ngần ấy thời gian để các cơ quan chức năng đánh giá, cân nhắc các ý kiến này. Kết luận cuối cùng đưa ra tuần trước là hệ thống loa phường sẽ... tiếp tục được duy trì dù mức độ có khác nhau ở các khu vực khác nhau.

loa0

Loa phường được treo khắp nơi trên các cột điện thành phố - Ảnh minh họa

Cùng với kết luận này là đề án sắp xếp lại và nâng cao chất lượng việc sử dụng loa phường. Báo chí đưa tin đề án nêu ra kế hoạch của thành phố Hà Nội "phối hợp với với tập đoàn Viễn thông Quân đội hoàn thiện thiết bị đầu cuối, kết nối 4G thực hiện nội dung tuyên truyền phục vụ phát triển kinh tế xã hội theo hình thức xã hội hóa, báo cáo UBND thành phố".

Báo Thanh niên dẫn lời người đứng đầu chính quyền Hà Nội cho biết mỗi năm ngân sách tốn hàng trăm triệu đồng để duy trì hệ thống loa tại mỗi phường ; và vì Hà Nội có 600 xã phường, nên ngân sách lên đến hàng chục tỉ đồng hàng năm dành cho những chiếc loa này. Theo đề án nói trên, hiện đại hóa hệ thống loa phường - kết nối 4G chẳng hạn - có nghĩa là phải tốn thêm tiền. Để nhẹ bớt gánh nặng ngân sách, phải kêu gọi "xã hội hóa". Chưa rõ kế hoạch này sẽ được thực hiện chi tiết như thế nào, tuy nhiên, cũng có thể hình dung theo những gì đã diễn ra lâu nay rằng khi có "xã hội hóa" là sẽ có sự tham gia của doanh nghiệp. Nói cách khác, để có thêm kinh phí duy trì, loa phường sẽ có chức năng quảng cáo cho doanh nghiệp.

Hy vọng rằng đây chỉ là một suy diễn... sai vì nếu suy diễn này đúng thì người dân sẽ bị bắt nghe quảng cáo mà không thể có lựa chọn nào khác. Đành rằng hiện nay quảng cáo trên các chương trình phát thanh, truyền hình ; người xem, người nghe không muốn vẫn cứ phải xem, phải nghe. Tuy nhiên, chí ít, người dân vẫn còn một lựa chọn cuối cùng theo ý họ là... tắt truyền hình hoặc máy phát thanh. Nhưng nếu loa phường phát quảng cáo, người dân không thể tùy nghi tắt loa được. Và nếu điều này diễn ra, thì thật là mâu thuẫn vì chúng ta vẫn thường lên án các siêu thị, cửa hàng lớn... phát quảng cáo, phát nhạc gây ảnh hưởng đến người dân chung quanh. Như vậy, cơ sở nào để chúng ta cho phép loa phường làm điều này ?

Báo chí cũng cho biết ý kiến của các cơ quan chức năng về việc duy trì hay xóa bỏ hệ thống loa phường rất khác biệt. Một trong những ý kiến nhằm giữ lại loa phường cho rằng đây là phương tiện hữu hiệu để thông báo cho người dân khi có thiên tai, địch họa vì không phải người Việt nào cũng biết sử dụng Internet. Thiết nghĩ, lập luận này có phần mâu thuẫn với thực tế đang diễn ra. Ví dụ, theo một báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông đến cuối năm 2015, tỷ lệ phủ sóng truyền hình và phủ sóng phát thanh ở Việt Nam đều trên 98% diện tích cả nước. Nghĩa là gần như tất cả các gia đình Việt Nam đều có một hay nhiều chiếc "loa phường" riêng (máy truyền hình, máy phát thanh) ngay trong tận phòng ngủ của mình. Với thực tế rằng, từng tỉnh, thành trên khắp đất nước đều có đài phát thanh, đài truyền hình riêng, thì lập luận nêu trên về sự cần thiết của loa phường có thực sự thuyết phục hay không ?

Chắc cần nói thêm rằng cuộc thăm dò ý kiến người dân về chuyện giữ hay bỏ loa phường theo một nghĩa nào đó cũng là một "cuộc trưng cầu ý dân bỏ túi". Nếu xét về kết quả gần 90% người tham gia chọn xóa loa phường, nhưng quyết định cuối cùng vẫn giữ lại loa phường không khỏi làm nhiều người hụt hẫng. Cần cân nhắc kỹ trước khi thăm dò ý dân. Còn một khi đã hỏi người dân, cần tôn trọng ý kiến của họ, nhất là khi ý kiến về một vấn đề nào đó trở thành đại đa số. Riêng đối với chiếc loa phường, nhiều địa phương khác đã có câu trả lời. TPHCM chẳng hạn, từ đã lâu không còn nghe tiếng loa phường ở các quận nội thành mà chẳng cần người dân phải lên tiếng. 

Sơn Tùng

Nguồn : TBKTSG, 15/04/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Sơn Tùng
Read 1205 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)