Dân biểu Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam thực hiện cam kết trong quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ
Alan Lowenthal, RFA, 30/04/2020
Nhân dịp 45 năm Chiến tranh Việt Nam kết thúc, Dân biểu Alan Lowenthal cùng một số Dân biểu Hoa Kỳ đệ trình Nghị quyết ghi nhận 45 năm biến cố lịch sử Sài Gòn bị thất thủ (Fall of Saigon), đồng thời gửi thư đến Chính quyền Việt Nam.
Dân biểu Alan Lowenthal dành cho RFA một cuộc phỏng vấn ngắn xoay quanh thông tin vừa nêu.
Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ Alan Lowenthal - RFA
RFA : Thưa Dân biểu Alan Lowenthal, chúng tôi được biết ông cùng với hai vị Dân biểu Lou Correa và Harley Rouda, vào hôm 29/4 đồng ký tên trong một bức thư gửi đến Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông có thể chia sẻ về thông điệp của bức thư này ?
Alan Lowenthal : Chúng tôi muốn gửi thông điệp đến Chính quyền Việt Nam rằng để vượt qua nỗi đau chiến tranh một cách nghiêm túc thì đây là thời điểm Chính quyền Việt Nam nên thực hiện những cam kết của họ trong quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ qua việc cải thiện nhân quyền, trả tự do cho tù nhân lương tâm, trùng tu nghĩa trang Biên Hòa và chấm dứt việc bắt bớ các lãnh đạo tôn giáo, các nhà hoạt động giới blogger cũng như các nhà báo độc lập. Đồng thời, hãy nói cho người dân biết về các việc làm này nhân dịp 45 năm Chiến tranh Việt Nam chấm dứt và đánh dấu 25 năm bình thường hóa quan hện Việt-Mỹ.
Tôi hiểu rằng Việt Nam mong muốn thúc đẩy mối quan hệ cũng như hàn gắn viết thương chiến tranh giữa hai nước. Nhưng các vấn đề được đề cập trong bức thư này là trở ngại nghiêm trọng cho Việt Nam. Và, tôi một lần nữa nhấn mạnh rằng nếu như Việt Nam thực tâm muốn giải quyết các vấn đề đó thì tiến trình sẽ được diễn ra. Tuy nhiên, họ vẫn chưa thể hiện quyết tâm giải quyết xong các yêu cầu cam kết đó.
RFA : Vào hôm 28/4, ông và 12 vị Dân biểu Hoa Kỳ cũng đã đệ trình Nghị quyết Hạ viện ghi nhận biến cố lịch sử 30/4/1975, tưởng niệm 45 năm ngày Sài Gòn bị thất thủ. Nghị quyết này chuyển tại ý nghĩa đặc biệt gì, thưa ông ?
Alan Lowenthal : Đây không phải là lần đầu tiên Nghị quyết được tôi đệ trình. Kể từ khi trở thành Dân biểu Hoa Kỳ hồi tháng 11 năm 2012 và bắt đầu từ năm 2013, hàng năm tôi đều đệ trình Nghị quyết ghi nhận biến cố lịch sử Sài Gòn bị thất thủ, gọi là Nghị quyết Tháng Tư Đen bởi vì rất là quan trọng đối với những người Mỹ gốc Việt mà tôi đại diện cho họ. Đặc biệt trong lúc này thế giới đang đối phó với đại dịch Covid-19, chúng ta càng không thể nào được quên nỗi đau lịch sử về Tháng Tư Đen mà câu chuyện của cả triệu người tị nạn Việt Nam rời bỏ quê hương định cư khắp nơi trên thế giới và để vinh danh sự đóng góp của tại mỗi quốc gia mà họ hiện diện. Nhân dịp tưởng niệm 45 năm biến cố Tháng Tư Đen, chúng ta phải cống hiến những giá trị chúng ta được hưởng gồm tự do, nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam.
Tôi đã làm công việc này hàng năm và tôi sẽ tiếp tục cho đến khi đất nước Việt Nam có được các giá trị này.
Ảnh minh họa. Tri ân Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn từ ngày 28/12/15 đến ngày 6/1/16. Courtesy : Facebook Huỳnh Công Thuận
RFA : Cách đây gần 5 năm trước, vào cuối năm 2015, ông đã soan thảo một bức thư gửi đến Bộ Ngoại giao Mỹ. Bức thư này, được 4 vị Dân biểu Hoa Kỳ đồng ký tên, kêu gọi Ngoại trưởng John Kerry xem xét tái định cư cho các cựu sĩ quan thương phế binh (thương phế binh) Việt Nam Cộng Hòa còn sót lại ở Việt Nam. Bộ Ngoại Mỹ có những phản hồi nào liên quan bức thư này ?
Alan Lowenthal : Cảm ơn hỏi tôi về điều này. Đây là một vấn đề rất quan trọng. Lá thư tôi gửi hồi cuối năm 2015 và đến tháng Giêng năm 2016, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã hồi đáp lá thư của tôi. Trong thư nói rằng họ đang thảo luận về vấn đề đó. Đồng thời, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng lưu ý rằng họ không nghe thấy có sự bắt bớ nào xảy ra với cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa. Mặc dù vậy, tôi hiểu rằng nhiều người trong số cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa rất khó khăn trong cuộc sống thường nhật. Tiếc thay, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong thư hồi đáp đã không đề cập đến việc họ có bất cứ kế hoạch nào để mở lại chương trình ODP, cụ thể là không thực hiện chương trình định cư nhân đạo HO cho các cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa.
Điều này có nghĩa là Quốc hội sẽ tiếp tục thúc đẩy Bộ Ngoại giao, hoặc có thể xem xét một nghị trình cụ thể để mở lại các chương trình dựa vào những luật hiện hành.
Tuy nhiên như chúng ta biết, hiện tại những quan điểm chính trị khác biệt về vấn đề di trú ở Hoa Kỳ đang bị phản đối rất cao. Bên cạnh đó, do dịch Covid-19 trong lúc này thì cũng rất trở ngại để Quốc hội thảo luận các vấn đề di trú như thế này.
RFA : Vào dịp 45 năm Chiến tranh Việt Nam kết thúc, Đài RFA đã chuyện trò được với một số cựu quân nhân thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa. Họ chia sẻ rằng họ đang phải vật lộn với cuộc sống trong những ngày già yếu tại Việt Nam. Ông cảm nhận ra sao khi nghe tâm tình này và ông có những ý tưởng nào để giúp đỡ hay hỗ trợ cho các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa không may mắn đó ?
Alan Lowenthal : Khi nghe tâm tình như thế thì tôi cảm thấy rất thảm thương cho hoàn cảnh của các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa. Thật là đau buồn cho họ ! Tôi rất sẵn lòng đón nhận tất các ý kiến hay đề nghị của cộng đồng người Mỹ gốc Việt nhằm ghi nhận và vinh danh cũng như làm thế nào để giúp đỡ cho các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa và gia đình của họ.
Và như tôi đã nói dịp tưởng niệm 45 năm biến cố "Tháng Tư Đen" đến trong thời điểm khủng hoảng do dịch Covid-19, cũng nhắc nhở chúng ta một điều rất quan trọng rằng những người Việt Nam chấp nhận buộc phải rời quê hương với sự đánh đổi sinh mạng của mình để tìm giá trị của tự do.
RFA : Cảm ơn Dân biểu Alan Lowenthal dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này với Đài RFA.
Nguồn : RFA, 30/04/2020
******************
Yêu cầu ra nước ngoài lao động không làm chuyện phương hại sĩ diện quốc gia !
Thanh Trúc, RFA, 30/04/2020
Bắt đầu từ tháng 5 một số chính sách liên quan vấn đề người Việt ra nước ngoài lao động khởi sự có hiệu lực, trong đó một số những ngành nghề mà nhiều phụ nữ Việt Nam thường làm ở nước ngoài bị cấm vì lo ngại ảnh hưởng đến sĩ diện quốc gia, bên cạnh những công việc được cho là nguy hiểm.
Nhân viên một tiệm massa mặt ở Thành phố Hồ Chí Minh đang chăm sóc khách hàng hôm 20/12/2006 - AFP
Theo Nghị Định Chính Phủ số 38, qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có 7 loại công việc mà người lao động là công dân Việt Nam không được làm ở nước ngoài như massage, làm việc tại nhà hàng, khách sạn, trung tâm giải trí.
Tiếp đó, những công việc có tiếp xúc với chất nổ, hóa chất độc hại, nguồn phóng xạ, các loại thuốc diệt cỏ, trừ sâu, sát trùng, việc săn bắt thú dữ, công việc trong môi trường thiếu không khí, việc khâm liệm, mai táng, thiêu xác, bốc mộ cũng nằm trong danh mục cấm công dân Việt Nam không được làm ở nước ngoài.
Theo email mà một Facebooker không muốn nêu tên, gởi cho RFA, trong 7 công việc bị cấm làm ở nước ngoài như vừa nêu, có 6 loại được coi là hợp lý, tựu chung để bảo vệ người lao động theo qui định pháp luật, hơn nữa đó là những nghề mà ngay cả người bản xứ cũng không ai muốn làm.
Riêng về qui định cấm ra nước ngoài hành nghề massage thì cần phải xem xét lại. Ở nước ngoài, Facebooker này chia sẻ tiếp, nghề massage, mà Việt Nam gọi là đấm bóp hay tẩm quất, được pháp luật công nhận là một ngành nghề trong xã hội, nhưng ở Việt Nam hay Campuchia thì không được coi trọng do ảnh hưởng từ những dịch vụ mãi dâm trá hình massage. Điều này khiến nhiều người có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với những người hành nghề massage trong các khách sạn hay trung tâm nghỉ dưỡng.
Hình minh hoạ. Một người massage dạo trên đường phố Hà Nội AFP
Cần biết đa phần người khiếm thị ở Việt Nam theo học làm massage như một nghề nuôi thân, trong lúc tại Thái Lan đó là một nghề phổ thông như bao nghề khác. Cô Grace Bùi, người Mỹ gốc Việt, sang Thái Lan làm việc gần 10 năm nay, chuyên giúp đỡ người Việt ở Thái Lan, cho biết :
"Phải định nghĩa massage là cái gì ? Dĩ nhiên có một số chỗ họ làm không đúng theo cái nghĩa massage mà họ làm mãi dâm, nhưng ở Thái Lan nghề massage rất thịnh hành. Người Việt Nam của mình qua bên này học làm massage và họ làm cũng khá tiền, bởi vậy không thể nào kết luận nghề massage là nghề xấu. Grace cũng có gặp người Việt Nam làm trong những tiệm massage, họ cũng chia sẻ công việc họ làm ở đây rất tốt, lương khá cộng thêm tiền tip mà khách cho họ"
"Nghề massage ở bên Thái nếu làm đúng theo nghĩa massage thì nó cũng giúp trị nhiều bệnh như hen suyển hoặc những bệnh khác"
Anh Đoàn Huy Chương, một người tỵ nạn Việt tại Thái Lan, cho rằng cấm người Việt ra nước ngoài hành nghề massage là một điều sai lầm :
"Bởi vì ở Thái Lan massage là một nghề truyền thống, còn theo cách nghĩ của ông Phùng Quốc Hiển thì ông thấy ở Việt Nam nó giống như một tệ nạn, một tụ điểm mại dâm trá hình, nên ông qui chụp massage là xấu. Tôi đã gặp rất nhiều người Việt Nam làm nghề massage trên đất Thái này. Không phải ai làm massage đều làm nghề mại dâm. Massage ở đây là đấm bóp tay chân, xoa dầu, thư giản gân cốt sau một ngày làm việc mệt mỏi. Điều đó là tốt chứ sao phải cấm"
"Theo tôi nghĩ nếu kiểm soát được ngành massage, đừng để thế giới nhìn như là mại dâm trá hình thì không mắc mớ gì phải cấm".
Hình minh hoạ. Khách du lịch Trung Quốc tại một tiệm massage ở Bangkok, Thái Lan hôm 25/9/2015 Reuters
Một đề nghị khác của Phó chủ tịch quốc hội Phùng Quốc Hiển là phải xử lý nghiêm những lao động ra nước ngoài làm việc rồi trốn ở lại, có nghĩa là vi phạm pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài. Ông còn nhắc nhở là không để người lao động ra nước ngoài làm tổn hại sĩ diện quốc gia.
Tình trạng chạy hộ khẩu, thế chấp sổ đỏ, để đi xuất khẩu lao động rồi trốn ở lại, hoặc phạt cả trăm triệu đối với lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc… là những tin tức mà báo chí trong nước thường đăng tải.
Dưới mắt Facebooker không nêu danh tánh, đầu tiên phải xem lại cách giáo dục, đào tạo người lao động trước khi đưa họ ra nước ngoài làm việc.
Thứ hai, tìm hiểu vì sao lao động hết kỳ hạn phải về nước mà lại không chịu về, có phải họ chưa trả hết số nợ vay trước khi đi để trả cho môi giới, nên phải ở lại để kiếm thêm tiền.
Thứ ba, Facebooker này phân tích tiếp, khi trở về nước họ có kiếm được công ăn việc làm không, Nhà Nước có bố trí công việc cho họ không.
Là người thường lên tiếng bảo vệ quyền lợi giới công nhân lao động ở Việt Nam trước đây, anh Đoàn Huy Chương cũng đặt câu hỏi :
"Người Việt ở trong nước muốn đi lao động không phải chuyện đơn giản. Họ phải cầm cố tài sản, nhà cửa, có người phải đi vay đi mượn với tiền lời cắt cổ. Trong thời gian 3 năm làm việc như vậy họ không đủ tiền trả nợ và tiền lời cứ tăng lên, thì bắt buộc họ phải trốn lại thôi"
"Cũng cần đặt dấu hỏi tại sao một đất nước nông nghiệp và công nghiệp mà hàng năm phải xuất khẩu đến hàng trăm ngàn lao động như vậy để người ta phải trốn lại ? Quốc hội và chính phủ đã tạo điều kiện cho người trong nước làm việc hay chưa ? Chuyện hầu như lập đi lập lại là cứ đưa đi, tới hồi về thì sẽ trốn ở lại, không cho đi thì tôi tìm cách khác tôi đi"
Thực tế cho thấy nguyên nhân chính khiến đa số người Việt Nam quyết định ở lại chứ không trở về sau khi đã kết thúc hợp đồng làm việc tại đất nước mà họ đến theo diện xuất khẩu lao động như Đài Loan, Hàn Quốc hay Nhật Bản chẳng hạn.
Ở lại là chấp nhận trở thành lao động chui, lao động bất hợp pháp, như trường hợp một công nhân không muốn nêu tên ở thành phố Busan, Hàn Quốc :
"Làm việc sau gần 5 năm ở đây thì người ta còn muốn ở lại thêm để kiếm tiền. Hơn nữa có rất nhiều người về phải chờ mất 3 năm mới sang lại được. Có những người may mắn và nhanh nhất thì cũng mất 7 tháng mới được sang lại, còn không đến những mấy năm. Tôi có một người bạn chuẩn bị sang nhưng phải đợi vừa tròn 3 năm đó. Người ta sẵn sàng ra ngoài làm việc 3 năm, sau 3 năm này thì người ta về Việt Nam lập nghiệp luôn. Còn bây giờ chờ cả 3 năm như vậy, suốt ngày không biết làm gì do cứ phải chờ vì không biết khi nào được đi lại lần nữa".
Người thanh niên đi xuất khẩu lao động ẩn danh này cho biết thêm là người Việt đến Hàn Quốc lao động trong thời gian gần đây thậm chí còn phải trả chi phí dịch vụ môi giới rất cao, nhất là sau khi Hàn Quốc ban hành thông báo ngừng tiếp nhận lao động Việt.
Người Việt trong nước không kiếm được việc làm, mà nếu có việc thì họ không sống nỗi với đồng lương được trả, ngoại trừ nếu làm cho những công ty nước ngoài, là lời cô Grace Bùi :
"Cái thứ nhì, ra nước ngoài mà muốn trốn ở lại là vì đời sống ở Thái Lan, Đài Loan hoặc Malaysia tốt hơn Việt Nam rất nhiều. Do đó người ta trốn ở lại thì không có gì lạ. Nếu đi như vậy mà có đời sống tốt hơn, có thể làm việc được và gởi tiền về cho gia đình thì tại sao không làm. Tại vì cái đất nước làm cho người ta như vậy chứ không phải con người muốn đi ra ngoài làm việc và trốn ở lại".
Về yêu cầu không để người lao động ra nước ngoài làm tổn hại sĩ diện quốc gia như lời phó chủ tịch quốc hội Phùng Quốc Hiển, cô Grace Bùi cho rằng đa số lao động Việt ra nước ngoài làm việc cật lực chứ giờ đâu ra để mà làm tổn hại sĩ diện quốc gia. Tuy vậy có những thành phần làm tổn hại sĩ diện quốc gia ; đó chính là những kẻ chuyên ăn cắp, móc túi ở Thái Lan hay Nhật Bản :
"Grace cũng đã có kinh nghiệm cả 2 lần như vậy. Lúc gia đình qua bên này, lúc đi trên MRT ( tàu điện treo) thì có một vài người Việt Nam rất trẻ cũng đi chung. Mình đi tới nơi nào thì họ đi theo tới đó, khi đi ra cũng thấy những người Việt Nam đó đứng ở bên ngoài, bước xuống là mất cái ví".
"Ở bên Thái Lan này, hay bên Nhật cũng vậy, đi mua đồ những chỗ đông mình thấy họ để những tấm bảng bằng tiếng Việt là ăn cắp sẽ bị xử tội theo luật của nước họ".
"Người Việt Nam của mình cũng làm nhiều điều sai nữa. Ở bên này họ hay bán nước cam trong bình và họ bán ngoài đường. Có một nhóm người Việt Nam làm nước cam giả để bán do đó đã bị bắt. Đó là những thành phần ăn cắp ăn trộm làm cho xấu làm cho mất mặt nước Việt Nam mà ông ta không nói tới".
Nhà hoạt động Đoàn Huy Chương thì khẳng định một cách đơn giản rằng :
"Nói đến sĩ diện quốc gia thì nên tạo công ăn việc làm tốt cho người dân Việt Nam, có hệ thống an sinh xã hội tốt cho người dân Việt Nam, đó mới là sĩ diện quốc gia".
Vấn đề đưa lao động ra làm việc ở nước ngoài không chỉ một mình Việt Nam có. Các nước khác cũng đưa nhiều công nhân ra nước ngoài làm việc và hằng năm gửi về cho đất nước nguồn ngoại tệ lớn.
Cách thức giáo dục, đào tạo và phương thức quản lý trong vấn đề này đối với Việt Nam vẫn còn nhiều khiếm khuyết.
Thanh Trúc
Nguồn : RFA, 30/04/2020