Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/04/2020

Đại hội 13 : Công tác cán bộ nhằm duy trì chế độ là chính ?

Phạm Quý Thọ

Ngày 26/4/2020 trên các phương tiện truyền thông nhà nước đều đăng tải toàn văn bài viết "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội 13 của Đảng"của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đồng thời là Trưởng tiểu ban Nhân sự, gây sự chú ý trong dư luận trong và ngoài đảng.

daihoi1

Công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội 13 của Đảng : khó có đồng thuận trong việc đề cử người vào Trung ương - Ảnh minh họa

Một trong những điểm cốt yếu, xuyên suốt trong bài viết trên được nhấn mạnh rằng công tác cán bộ của đảng gắn liền với chế độ. Đối với Đại hội 13 được xác định 'là nhiệm vụ "then chốt" của "then chốt", có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ, sự phát triển, vững mạnh của đất nước'.

'Trăn trở' nhiều thế hệ

Các nhà lãnh đạo cộng sản nhiều thế hệ luôn trăn trở điều này, nhất là từ trước Đại hội 12 đến nay. Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từng 'trải lòng' trong bài viết gần đây : 'Công tác cán bộ làm không tốt thì tự ta lật đổ ta'.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mà ông là người đứng đầu kinh tế vĩ mô đã vượt qua 'thời kỳ bất ổn' và tăng trưởng cao trong bốn năm của nhiệm kỳ, các chỉ tiêu về phát triển xã hội cũng chuyển biến tích cực. Đồng thời, cải cách thể chế theo hướng củng cố tổ chức đảng, tập trung quyền lực và chống tham nhũng được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, trong công tác nhân sự của đảng 'sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức và lối sống của một bộ phận cán bộ lãnh đạo đảng viên' vẫn là nguy cơ hiện hữu.

Trong bài viết chỉ ra : 'Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khóa 12 đến nay, Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã phải thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý ; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự'.

Một chế độ kiểm soát quyền lực theo pháp luật cần được thiết lập bền vững thay cho các cơ quan quyền lực đảng, một hình thức tương tự kiểu 'Quân cơ' hay 'Đô ngự sử' thời chế độ phong kiến tập quyền.

Một trong những nhiệm vụ của công tác nhân sự kỳ này là 'không để lọt vào Ban chấp hành trung ương khóa 13' những kẻ vi phạm 'giấu mình' chưa bị kỷ luật, những kẻ 'cơ hội chính trị' dưới nhiều hình thức biểu hiện, là rất 'nặng nề'.

Bởi vì mới đây, ngày 20/3/2020 Bộ Chính trị đã 'cách chức nguyên bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với Lê Thanh Hải nhiệm kỳ 2010-2015'. Thế mà ông này ngày 29/6/2019, khi tham luận tại hội thảo khoa học về 50 năm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, còn rao giảng về đạo đức cách mạng !

Liệu có cơ sở lý luận và thực tế để tin rằng việc 'loại bỏ' những 'nguyên đồng chí', lựa chọn, bố trí cán bộ bằng cách tập trung cao quyền lực, có thể tạo ra một thể chế bền vững ?

Nó có phù hợp với thực tế đang chuyển đổi nhanh trên thế giới và trong nước, khi một trong những nguyên nhân 'sự suy thoái' của cán bộ lãnh đạo xuất phát từ bản chất chế độ ?

Rút kinh nghiệm từ 'bất ổn'

Để làm tốt công tác nhân sự cho Đại hội 13, bài viết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh cần rút kinh nghiệm từ 'sự bất ổn' thể chế trước và trong Đại hội 12.

Hơn thế, ông còn nêu những bài học từ những năm đầu Cách mạng Tháng 10 Nga và sự sụp đổ của Liên Xô cũ và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, và cho rằng một trong nhiều nguyên nhân 'là lựa chọn, bố trí sai một số cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược, nhất là cấp cao nhất'.

Đây là vấn đề tranh luận tuỳ theo góc nhìn, bối cảnh và giai đoạn lịch sử. Căn cứ thực tế của nhận định trên là do chính sách 'Cải cách và Mở cửa' ở Trung Quốc từ cuối những năm 1970 và tương tự là 'đường lối 'Đổi mới' ở Việt Nam từ năm 1986. Đảng cộng sản đã 'tự điều chỉnh' để lợi dụng được 'lòng tham', vốn là bản chất, của tư bản, nghĩa là từ các nguồn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ các nước tư bản và mới nổi ở Đông Á như Nhật Bản và Hàn Quốc để tăng trưởng kinh tế. Chế độ toàn trị bởi đảng cộng sản bị cáo buộc bởi tình hình 'nhân quyền' và 'dân chủ' tồi tệ.

Trong khi nhiều nước tư bản phát triển cho rằng tăng trưởng kinh tế sẽ tạo ra cải thiện về dân chủ, nhân quyền.

Đã hơn 30 năm kể từ đó, các nhà nghiên cứu chính sách và chính khách vẫn gọi đó quá trình 'chuyển đổi' sang thị trường, và nay đặt câu hỏi rằng liệu có điều gì đó thay đổi về bản chất chế độ toàn trị.

Quan niệm rằng cùng chung ý thức hệ cộng sản thúc đẩy Việt Nam và Trung Quốc gắn kết hơn tình hữu nghị 'bốn tốt' 'mười sáu chữ vàng' cùng xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa đã và đang không còn phù hợp với thực tế và thời đại.

Trung Quốc sau một phần ba thế kỷ tăng trưởng nhanh đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Dựa trên chủ nghĩa chủ quyền quốc gia 'giấc mộng Trung Hoa' đang được tăng tốc bằng các chiến lược rõ ràng, trong đó sự bành trướng, xâm phạm chủ quyền ở Biển Đông, đe dọa các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Việt Nam đã từng cho được hưởng lợi từ 'kinh nghiệm tăng trưởng kinh tế' nhờ tương đồng chế độ chính trị, và có lẽ nhận ra không phải như vậy, cho đến khi phải trả giá đắt từ nhiều dự án lạc hậu về công nghệ, kém hiệu quả về kinh tế và sự phụ thuộc sâu về nguồn cung và thị trường Trung Quốc.

Hơn thế, Việt Nam đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi chính sách bành trướng của Trung Quốc. Làn sóng thoát Trung, vốn mang yếu tố lịch sử, tâm lý dân tộc của người Việt, đang lớn dần bởi việc 'quân sự hóa' và 'hành chính hóa' của chính quyền Trung Quốc các đảo chìm ở biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Tất cả có thể thúc đẩy vấn đề cải cách thể chế kinh tế, chính trị sâu rộng hơn.

Trật tự thế giới và định hướng tương lai

Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 là sự kiện lớn của thế kỷ 20, kéo theo sự sụp đổ của toàn hệ thống xã hội chủ nghĩa.

Có nhiều cách nhìn nhận, đánh giá về biến cố này.

Thời kỳ 'toàn cầu hóa' được coi là khởi đầu từ đó.

Giáo sư Francis Fukuyama từng tuyên bố 'Sự cáo chung của lịch sử', cho rằng, theo cách tư duy của Hegel, chế độ dân chủ sẽ là 'cuối cùng' của lịch sử tiến hóa văn minh nhân loại. Trong những công trình gần đây, ông đang giải thích cho nhận định của mình bằng hiện tượng 'tính chính danh' của các quốc gia và các chế độ trong một thế giới đầy biến động phức tạp.

Chính sách 'làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại' của Tổng thổng đời thứ 45 nước Mỹ Donald Trump báo hiệu 'trật tự thế giới' bắt đầu thay đổi mạnh.

Quan hệ quốc tế đa phương hóa đang được xem xét lại và thay thế bởi chính sách song phương.

Đại dịch Covid-19, bắt đầu từ Vũ Hán, Trung Quốc cuối năm 2019, đang hoành hành khiến cho thế giới đang hứng chịu cuộc khủng khoảng kép y tế và kinh tế tồi tệ nhất từ hàng thế kỷ nay.

Nhiều nhà phân tích chính trị, kinh tế trên thế giới có nhận định 'bi quan' rằng sau đại dịch này thế giới sẽ không thể quay về với 'trật tự cũ'. Một tương lai bất định đang ở phía trước.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh : "Đại hội 13 của Đảng là một sự kiện chính trị rất quan trọng… sẽ là một dấu mốc rất quan trọng, có ý nghĩa định hướng tương lai" bởi vì nó liên quan tới Cương lĩnh xây dựng đất nước, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội và dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc…

Một cuộc cải cách thể chế chính trị có lẽ nên được đặt ra, trong đó việc thay đổi chiến lược phát triển đẩt nước, dân tộc trong bối cảnh như phân tích ở trên sẽ là nền tảng bền vững cho chế độ.

Chỉ khi đó việc nhân sự cho cả hệ thống chính trị sẽ mang ý nghĩa tương xứng với việc coi Đại hội 13 là 'dấu mốc lịch sử' định hướng tương lai.

Phạm Quý Thọ

Nguồn : BBC, 30/04/2020

Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ là nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Việt Nam.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Quý Thọ
Read 564 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)