Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/05/2020

Công lý Việt Nam thể hiện qua tượng hình hay luật pháp ?

Nhiều tác giả

Việt Nam : Tòa án ‘nên nỗ lực chống oan sai, thay vì dựng tượng’

BBC, 02/05/2020

Nhân dự án lập tượng Vua Lý ở ngành Tòa án của Việt Nam đang là tâm điểm dư luận mới đây, BBC hỏi bình luận của một số người tại Việt Nam quanh vấn đề dựng tượng đài.

tuong1

Mô hình Tòa án nhân dân tối cao với tượng Lý Thái Tông

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, từ Viện nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nói với BBC News tiếng Việt hôm 01/5/2020 :

"Theo tôi, thực chất của việc dựng tượng đài là một dự án tiêu tiền ngân sách. Vì sao việc dựng tượng đài lại trở nên rầm rộ trong nhiều năm trở lại đây ?

"Là vì dự án tượng đài có lá bùa là liên quan đến lãnh tụ và các vị anh hùng dân tộc hoặc những nhân vật nổi tiếng trong sử sách. Việc dựng tượng đài sẽ đảm bảo về mặt chính trị khiến cho cấp trên nhanh chóng phê duyệt, đồng tình và ít khi bị bác bỏ.

"Từ lá bùa này, việc dự toán và quyết toán thuận lợi, vì sẽ không ai để xảy ra lùm xùm sợ ảnh hưởng đến chính trị. Số tiền làm tượng đài bao giờ cũng khủng và việc đội giá sẽ bị bỏ qua. Đó là lý do mà phong trào làm tượng đài trở nên rầm rộ".

Trước câu hỏi ngành Tòa án và ngành khoa học lịch sử, ngành mỹ thuật, điêu khắc, tạc tượng, đặc biệt là những bên tư vấn, tham mưu chuyên môn cho dự án, có thể có những việc gì đáng làm và ưu tiên hơn, Tiến sĩ Xuân Diện nói :

"Qua vụ việc dựng tượng Vua Lý Thái Tông cho thấy là thứ nhất ngành Tòa án đưa ra tối kiến và khi bị dư luận phản đối thì chống chế yếu ớt.

"Thứ hai, các giáo sư, tiến sĩ tham gia tư vấn thì tệ hơn nữa. Họ không hiểu biết hoặc cố tình đánh lẫn lộn "nhân vật tiêu biểu" với "biểu tượng" và xúi Tòa án tối cao đi vào chỗ bế tắc.

"Thứ ba là nhà điêu khắc thì lười sáng tạo và đi theo lối mòn sáo rỗng dẫn đến ba mẫu thiết kế vừa mâu thuẫn Á - Âu, vừa rập khuôn máy móc và kém sáng tạo, lệ thuộc, sao chép.

"Và cuối cùng thứ tư, về phối cảnh kiến trúc cũng vậy. Đó là một bản vẽ pha trộn Á - Âu, mô phỏng đơn giản, kém sáng tạo.

"Bản vẽ ban đầu phối cảnh Quảng trường Công lý, nơi đặt tượng Vua Lý, rất lạ. Cột vòng cung tại sảnh tòa sẽ khiến người ta nghĩ ngay đến vành móng ngựa. Đặt Vua như vậy, nhìn ngoài vào khác gì Vua đang đứng sau vành móng ngựa. May là dừng".

Tuy nhiên qua sự kiện này, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cũng rút ra thêm một số điểm mà theo ông là đáng tuyên dương :

"Mạng xã hội nhanh chóng lên tiếng, giới luật sư rất có trách nhiệm, báo chí làm đúng chức năng và kịp thời ; và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao biết lắng nghe, biết sợ dư luận".

'Đất nước của tượng đài và lăng mộ ?'

Cũng hôm thứ Sáu, khi được BBC News tiếng Việt liên lạc, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, một nhà quan sát từ Việt Nam, nhắc lại quan điểm mà ông đã viết mới đây trên Facebook :

"Dựng tượng tiêu biểu ngành, tạc tượng lưu danh các chánh án, có phải Tòa án nhân dân tối cao đang muốn tiên phong mở đường cho một xu thế làm suy yếu đất nước ?

"Nếu bộ nào cũng dựng tượng các bộ trưởng, ngành nào cũng dựng tượng đầu ngành, thì đất Hà Nội đâu đủ chỗ cho các tượng đây ?

"Những năm gần đây, hình thành phong trào xây tượng đài. Cả nước xây tượng đài. Tốn kém vô kể về tiền bạc và đất đai.

"Cũng những năm gần đây, hình thành phong trào xây lăng mộ. Các quan càng to lăng mộ càng lớn. Có người lăng mộ còn chiếm nhiều đất hơn cả vua".

Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, người ta không thể "lưu danh cho hậu thế" bởi tượng đài và lăng mộ do mình tự dựng lên. Hậu thế sẽ dỡ bỏ nếu hậu thế không tự nguyện tôn vinh.

Ông Nguyễn Ngọc Chu đề nghị :

"Điều mà Tòa án Nhân dân Tối cao cần làm - là chấm dứt các án oan sai, chấm dứt hối lộ trong xử án, chấm dứt án bỏ túi, chấm dứt chạy án, và loại bỏ các quan tòa dốt nát về trình độ, băng hoại về đạo đức ra khỏi ngành tòa án. Lúc đó nhân dân sẽ tự động tôn vinh ngành tòa án.

"Đừng biến Việt Nam thành đất nước của tượng đài và lăng mộ", Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu viết trên Facebook cá nhân của ông.

********************

Ngành tòa án hết đòi dựng tượng vua đến tượng các cố chánh án !

RFA, 01/05/2020

Theo thông tin từ Văn phòng Tòa án Nhân dân Tối cao được truyền thông trong nước trích dẫn, ngoài việc dự kiến xây dựng 1 bức tượng vua Lý Thái Tông cao 5,3m, ngành này còn dự tính xây dựng nhiều bức tượng bán thân các cố Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, đặt tại Quảng trường Công lý thuộc trụ sở mới của cơ quan này ở Hà Nội.

baocao0

"Điều mà tòa án thiếu là công lý, chứ không phải là thiếu tượng ông vua, và càng không phải là tượng các ông bà cố chánh án" - Luật sư Đặng Đình Mạnh. RFA Edited

Trả lời RFA hôm 1/5, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nói:

"Khi mà dựng tượng thì người ta phải thẩm định người đó có đáng được tổ chức mức độ đó hay không? Tôi nghĩ những người phụ trách phải có những hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học, nhà kiến trúc, bên cạch đó phải có cơ quan có thẩm quyền. Câu chuyện đó thì rõ ràng Bộ công an Việt Nam họ cũng đã làm như thế, họ dựng tượng các ông Bộ trưởng công an các thời kỳ từ năm 1945 trở lại đây. Có nhiều ý kiến, nhưng tôi nghĩ không phải chỗ nào cũng làm như thế mà phải có lãnh đạo thống nhất, của ban tư tưởng, của giới chuyên môn. Chứ trong tình hình đất nước nghèo đói, mà dựng tượng này tượng kia, thì tạo phản cảm không tốt cho xã hội".

Trước đó, Tòa án Nhân dân Tối cao cho biết, dự kiến tượng vua Lý Thái Tông đúc bằng đồng đỏ nguyên khối, sẽ được đặt tại trụ sở Tòa án Nhân dân tối cao và các Tòa án Nhân dân các cấp... Tuy nhiên, do không dựng được tượng vua Lý tại các tòa án trên cả nước, vì phản ứng của công luận, Tòa án Nhân dân Tối cao quay sang dựng tượng các cố chánh án.

Khi trao đổi với RFA qua tin nhắn hôm 1/5 liên quan vấn đề này, Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận định :

"Có vẻ như tục bái vật tưởng chừng đã bị khai tử cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, thì bây giờ đang tái sinh mạnh mẽ trong tư duy các quan tòa sở hữu nhiều bằng cấp cao vời vợi.

Thực tế, các cố chánh án được nêu tên chưa từng được công chúng ghi nhớ như những người có sự đóng góp sâu sắc cho sự giữ gìn công lý ở chốn pháp đình, đến mức phải dựng tượng để vinh danh. Nếu không muốn nói, sự thiếu vắng công lý trong các bản án tòa tuyên ngày nay, một phần, đều là di sản của các cố chánh án đời trước để lại".

Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, cơ quan quản lý có thể dựng tượng các ông Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long, Huỳnh Văn Nén, Trần Văn Thêm, dân oan Thủ Thiêm, Tiên Lãng, Đồng Tâm, Dương Nội, Vườn Rau Lộc Hưng ... và sắp tới đây là Hồ Duy Hải tại các sảnh chính của tòa án thì sẽ hữu dụng và ý nghĩa hơn. Vì hằng ngày ra vào trụ sở tòa án, nhìn ngắm các bức tượng dân oan bị mất trắng cuộc đời, tài sản... vì sự sai lầm của các thẩm phán tiền nhiệm, sẽ nhắc nhở các thẩm phán đương chức về món nợ công lý mà ngành tòa án chưa trả được cho người dân nuôi cơm áo cho mình.

Nhà báo, Facebooker Bạch Hoàn khi trao đổi với RFA hôm 1/5 qua tin nhắn liên quan vấn đề này, nhận định một cách mỉa mai:

"Tôi đề nghị ngành toà án chi trăm tỉ, ngàn tỉ để đúc đồng dựng tượng luôn cả các chánh án đương nhiệm chứ không chỉ là các cố chánh án.

Hãy đặt các tượng đồng đỏ nguyên khối ấy ở tất cả các toà án trên khắp đất nước. Nhờ có tượng, dân oan khắp nơi biết rõ bộ mặt nào đã gây ra oan khiên cho họ.

Nhờ có tượng, mai này nhân dân không quên những ai đã dẫn dắt nền tư pháp của đất nước này - một nền tư pháp của những cái đầu dù sống giữa thời đại văn minh nhưng vẫn muốn mang vua chúa ra làm biểu tượng công lý".

Không chỉ ngành tư pháp Việt Nam muốn đúc tượng, hầu như địa phương nào của Việt Nam cũng muốn xây tượng đài, quảng trường với chi phí lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng.

luat2

Tượng đài chiến thắng Khâm Đức, ở Huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Courtesy NLD

Mới nhất là trường hợp xảy ra ở Huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, một trong những huyện mà theo báo chí trong nước là nghèo nhất cả nước, nhưng lại đang xây dựng tượng đài với kinh phí khoảng 14 tỉ đồng. Đó là dự án xây dựng Tượng đài chiến thắng Khâm Đức do Ủy ban Nhân dân huyện Phước Sơn thực hiện, trên diện tích đất rộng khoảng 10 hecta.

Giáo sư Ngô Bảo Châu trong một lần bình luận trên trang cá nhân của mình cho rằng : "trẻ em cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, mà bỏ hàng ngàn tỷ dựng tượng đài, thì không khốn nạn, cũng thần kinh".

Từ Nha Trang hôm 1/5, nhà báo Võ Văn Tạo nói với RFA ý kiến của mình :

"Việt Nam có nạn tượng đài lâu nay rồi, cũng như các nước độc tài cộng sản trước đây như Liên Xô cũ, khối Đông Âu... ở đâu cũng có tượng được. Chuyện Tòa án Nhân dân tối cao đề xuất làm tượng Vua Lý, rồi dư luận phản đối lại chuyển sang làm tượng của 4 ông cố chánh án Tòa án Nhân dân tối cao. Tôi biết ông Phạm Văn Bạch khi tôi còn nhỏ, rồi ông Trịnh Hồng Dương là người cuối cùng... Tôi thấy họ chả có gì xuất sắc cả, chẳng qua là họ đứng đầu ngành tòa án thôi".

Theo Nhà báo Võ Văn Tạo, nếu tìm hiểu kỹ lưỡng thì chắc gì những vị cố chánh án đó, là những tài năng về nghiệp vụ, cũng như trong sáng về đạo đức... kể cả có đúng như thế, thì ông Tạo cũng cho là không cần thiết dựng tượng, vì sẽ gây lãng phí vô cùng. Theo ông hãy dùng tiền đó để làm những việc thiết thực hơn. Ông cho biết thêm:

"Ai cũng biết ngành tòa án Việt Nam không độc lập, xét về nhiều mặt, nó không đúng. Chẳng hạn những người đấu tranh cho nhân quyền đúng ra phải được ghi công, thì bị kết án rất nặng nề. Nhưng cũng khó trách họ vì họ cũng chỉ là người của chế độ này thôi. Tòa án Việt Nam thì cứ trên bảo sao thì làm vậy. Rõ ràng là nguyên tắc xét xử ở Việt Nam rất buồn cười, rất yếu kém, mà mấy ông đó cầm đầu ngành tòa án mấy chục năm nay như thế mà lại lập tượng đài thì là chuyện buồn cười và vô lý".

Theo dự án được công bố, 4 cố Chánh án mà Tòa án Nhân dân Tối cao muốn dựng tượng gồm: ông Trần Công Tường (giai đoạn 1958-1959), ông Phạm Văn Bạch (giai đoạn 1959-5/1981), ông Phạm Hưng (giai đoạn 1979-1997) và ông Trịnh Hồng Dương (giai đoạn 1997-2002).

Theo điều tra của Tổ Chức Project 88, chính quyền Việt Nam hiện đang cầm tù 269 nhà hoạt động và 143 người khác có nguy cơ bị bắt. Đây chỉ là những con số thống kê được, trong thực tế, con số những nhà hoạt động bị bắt giữ, bị đe dọa còn cao hơn.

Đặc biệt trong năm 2019, nhà cầm quyền đã ra tay đàn áp một cách thô bạo, với những bản án ‘bỏ túi’ vô cùng khắc nghiệt. Có người bị kết án lên đến 11 năm tù giam với cáo buộc bị cho là ‘tuyên truyền hay xuyên tạc, chống phá nhà nước’...

Tiêu biểu như trường hợp thầy giáo dạy nhạc Nguyễn Năng Tĩnh đã bị Tòa án Nghệ An kết án 11 năm tù giam vì đã dạy cho học sinh tập hát bài "Trả Lại Cho Dân" một sáng tác của Nhạc sĩ Việt Khang. Hay vụ Tòa án An Giang đã xử ông Trần Thanh Giang, một tín đồ Phật giáo Hòa hảo, với bản án 8 năm tù giam.

Và nhiều trường hợp khác như ông Nguyễn Chí Vững, môt Facebooker đã bị Tòa án Bạc Liêu kết án 6 năm tù giam, hay ông Phạm Văn Điệp (Thanh Hóa), ông Đoàn Viết Hoan, Võ Thường Trung, Ngô Xuân Thành, Nguyễn Đình Khuê, Huỳnh Minh Tâm và cô Huỳnh Thị Tố Nga (đều ở Đồng Nai)... Tất cả đều bị kết án tội danh tuyên truyền chống nhà nước, với mức án từ 5 năm tù trở lên.

Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, điều mà tòa án thiếu là công lý, chứ không phải là biểu tượng ông vua, và càng không phải là tượng các ông bà cố chánh án. Làm tròn thiên chức của pháp đình là ban phát công lý, thì mỗi thẩm phán sẽ đều được hãnh diện khắc tượng trong lòng nhân tâm, chứ cần chi đến những bức tượng vô tri vô giác, làm ông phỗng bị chê trách giữa chợ đời muôn trùng oan khuất...

Nguồn : RFA, 01/05/2020

**********************

Đừng để công lý biểu tượng làm chúng ta sao lãng

Nguyễn Trang Nhung, RFA, 30/04/2020

VnExpress, qua một thăm dò ý kiến bạn đọc về việc tòa án nhân dân tối cao dự kiến dựng tượng vua Lý Thái Tông làm biểu tượng xét xử, đã thu về 26% ý kiến đồng ý và 74% ý kiến không đồng ý [1].

luat3

Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường bên cạnh 3 mẫu phát thảo tượng vua Lý Thái Tông. Courtesy : vov.vn

Số lượt bình chọn cho thăm dò này là hơn 10.500, tính đến 6 giờ chiều ngày 30/4 theo giờ Việt Nam.

Các bài báo cùng các ý kiến trên các diễn đàn và mạng xã hội, theo quan sát của tôi, chủ yếu ngả theo chiều phản đối.

Nếu quan sát của tôi là đúng, có thể giải thích cho điều này bằng một vài lý do.

Lý do đầu tiên, dễ nhận thấy, là Việt Nam còn đầy rẫy bất công, và không ít bất công xuất phát từ chính hoạt động xét xử. Trước thực tế này, việc dựng tượng công lý là mang tính hình thức và gần như vô nghĩa. 

Ngọn nguồn của bất công một phần là ở nơi người dân, và một phần khác, là ở nơi chính quyền. Nhưng trong khi người dân chỉ có thể gây bất công cho nhau với hậu quả kiểm soát được, thì chính quyền có thể gây bất công cho người dân với hậu quả từ kiểm soát được đến không thể kiểm soát.

Mặc dù hình thức trong chừng mực nào đó có thể thúc đẩy nội dung, cũng như chiếc áo lịch thiệp có thể làm cho người mặc cư xử phù hợp hơn với nó, song nếu bản chất của người mặc là thô kệch, thì chiếc áo không làm cho người mặc lịch thiệp hơn.

Lý do thứ hai, liên quan mật thiết với lý do thứ nhất, là cả ba nhánh quyền lực – lập pháp, tư pháp và hành pháp – với những điểm đặc thù trong cơ chế đặc thù, khó có thể thúc đẩy công lý đi lên. 

Cơ quan lập pháp thiếu tính đại diện và năng lực làm luật. Cơ quan tư pháp thiếu tính độc lập và chí công vô tư. Cơ quan hành pháp thiếu tôn trọng pháp luật và thừa tính tùy tiện, bừa bãi.

Những con người trong các cơ quan này không phải không có khả năng nhận thức về công lý, mà vì cơ chế bất cập khiến họ dễ tha hóa và không có nhiều động lực để bảo vệ hay thực thi công lý như lẽ ra họ phải làm.

Lý do thứ ba, như nhiều người đã nêu, Lý Thái Tông không phải là một biểu tượng phù hợp cho công lý, khi các giá trị liên quan đến ông cũng như hệ thống pháp luật thời đó không hẳn phù hợp với công lý mà chúng ta nhận thức và cảm nhận ngày nay.

Lý Thái Tông có thể là một biểu tượng cho sự anh minh và nhân từ trong việc trị quốc, nhưng công lý là một hệ thống các nguyên tắc thuận với lẽ tự nhiên và có tính phổ quát, bao trùm, vì vậy, vượt lên trên phẩm hạnh của người phẩm hạnh nhất thế gian.

Nếu vẫn muốn chọn một biểu tượng công lý, hãy gác lại việc đó cho mai sau. Ngay cả khi ấy, thay vì chọn một nhân vật lịch sử, chúng ta nên chọn một biểu tượng mang tính toàn cầu – mà nói theo cách của nhà sử học Nguyễn Thị Hậu – sẽ giúp chúng ta hòa nhập tốt hơn với thế giới [2]. 

Với ba lý do trên, chưa kể các lý do khác nữa, việc dựng tượng nói chung là không phù hợp vào lúc này, và việc dựng tượng Lý Thái Tông nói riêng lại càng không phù hợp, dù vào lúc này hay lúc khác.

Công lý là thứ mà nhân loại, từ khi bắt đầu nhận thức về nó, đã, đang và sẽ luôn mưu cầu, và sự mưu cầu này cốt ở việc nhận thức đúng đắn về nó, bảo vệ nó cùng các giá trị liên quan. Khi chúng ta tâm niệm điều đó, chúng ta sẽ tập trung vào công lý thực sự, mà không, hay hạn chế chú ý vào công lý biểu tượng.

Dù hình thức có lúc cần thiết, song phải tương xứng với nội dung. Khi nội dung còn nhiều bất ổn, điều chúng ta cần làm là chăm lo cho nội dung và đừng để hình thức làm chúng ta sao lãng.

Nguyễn Trang Nhung

Nguồn : RFA, 30/04/2020 (NguyenTrangNhung's blog)

Chú thích :

[1] Tranh luận dựng tượng vua Lý Thái Tông làm biểu tượng xét xử

[2] 'Nên đặt trước công đường cái trống hơn là tượng vua Lý'

******************

Biểu tượng công lý - Luật thất tung : vua bất hiếu, háo danh, thiếu học, lạm quyền…

Gió Bấc, RFA, 29/04/2020

Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam vừa ra văn bản thống nhất tôn vinh Hoàng đế Lý Thái Tông là nhân vật biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử do là người đầu tiên soạn Hình thư và xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật…Tuy nhiên, theo chính sử thì Hình thư đã bị mất tích gần 1000 năm và không được đánh giá cao. Lý Thái Tông là vị vua bất hiếu, lạm quyền phong chức tước cho thân thích, háo danh đặt nhiều niên hiệu, nhưng thiếu học nên niên hiệu thành thô bỉ, bức tử phụ nữ góa chồng… Có lẽ thành tích tốt nhất của vua này là xin được đem quân đánh giặc giúp cho nhà Tống của Tàu,

luat4

Biểu tượng công lý - Luật thất tung : vua bất hiếu, háo danh, thiếu học, lạm quyền…

Thông tin trên báo chí cho thấy việc lựa chọn này rất Quý mộ hoành tráng. Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Viện Sử học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Khoa Lịch sử thuộc Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Viện Trần Nhân Tông Đại học Quốc gia Hà Nội…

Tòa án nhân dân tối cao đã xin ý kiến các cơ quan như Văn phòng Chính phủ, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Tư pháp,… và đều nhận được ý kiến đồng thuận cao.

Tòa án nhân dân tối cao nêu 5 lý do chọn vua Lý Thái Tông làm biểu tượng này là :

Thứ nhất, vua Lý Thái Tông đã ban hành luật Hình thư - bộ luật chính thức thành văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, khai mở "nền pháp luật thân dân Việt Nam".

Thứ hai, xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, thiết lập và thi hành chế độ xét xử theo pháp luật, đưa hoạt động xét xử trong cả nước vào khuôn phép, sòng phẳng, rõ ràng góp phần đưa xã hội phát triển ổn định, công bằng và văn minh.

Thứ ba, trực tiếp xét xử nhiều vụ án nổi tiếng với tấm lòng bao dung, nhân từ của vị hoàng đế rất mực yêu thương dân.

Thứ tư, đúc chuông lớn đặt ngay trước cửa chính điện Thiên An để người dân trong nước nếu có oan ức thì đến đánh chuông, bày tỏ để được thấu xét.

Thứ năm, chăm lo rèn dạy, tin giao toàn bộ việc xử kiện và đào tạo Khai Hoàng Vương (Thái tử Lý Nhật Tôn ) trở thành vị quan xử án mẫu mực và lừng danh trước khi lên ngôi Hoàng đế anh minh Lý Thánh Tông ; để lại bài học thành công trong đào tạo người thi hành pháp luật, bảo vệ công lý cho thời đại (1).

Chưa bàn đến nội dung của 5 lý do ấy đã đạt chuẩn mực cho ý nghĩa biểu tượng công lý và chuẩn mực xét xử hay chưa, ngay việc gán ghép cho Lý Thánh Tông 5 đức tính ấy có nhiều điểm đáng ngờ.

Không rỏ từng ấy cơ quan pháp luật, học thuật và các giáo sư tiến sĩ quan chức đã lấy đâu ra dữ liệu để tưởng tượng ra 5 lý do trên vì căn cứ vào các tài liệu lịch sử hiên có, Đại Việt sử ký (Toàn thư)- bộ chính sử thời Trần Lê -Lý Thái Tông có nhiều võ công chinh phạt và dẹp loạn nhưng phẩm chất và trị nước có nhiều khiếm khuyết,

Hình thư, mất tích làm sao biết nền pháp luật thân dân ?

chỉ ghi nhận về bộ Hình thư đơn giản là "Trước kia, việc kiện tụng trong nước phiền nhiễu, quan lại giữ luật pháp câu nệ luật văn, cốt làm cho khắc nghiệt, thậm chí có người bị oan uổng quá đáng. Vua lấy làm thương xót, sai trung thư san định luật lệnh, châm chước cho thích dụng với thời thế, chia ra môn loại, biên thành điều khoản, làm thành sách Hình thư của một triều đại, để cho người xem dễ hiểu. Sách làm xong, xuống chiếu ban hành, dân lấy làm tiện. Đến đây phép xử án được bằng thẳng rõ ràng, cho nên mới đổi niên hiệu là Minh Đạo và đúc tiền Minh Đạo".

Nhà bác học Lê Quý Đôn, cũng chì ghi nhận vỏn vẹn "bộ Hình thư này gồm 3 quyển nay không còn". Sử gia Phan Huy Chú tác giả Lịch triều Hiến chương loại chí - Bộ Bách Khoa thư về Việt Nam thời phong kiến - khi khen ngợi Bộ Luật Hồng Đức thời Lê đã đưa ra một nhận xét không hay về Hình thư : "Nhưng hình của nhà Lý thì lỗi ở khoan rộng ; hình của nhà Trần thì lỗi ở nghiêm khắc, nhẹ nặng không đúng mức đều chưa gọi là phép nước được".

Đó là những dữ liệu ít ỏi của chính sử về Hình thư. Tóm lại ngoài cái tên, không ai biết gì về nội dung bộ luật ấy thì làm sao xác định đó là nền "pháp luật thân dân" như Tòa án nhân dân tối caođã hư cấu.

Có Hình thư vẫn xử theo chiếu chỉ

Điều chắc chắn là, Hình thư là bộ luật chưa hoàn chỉnh, chưa khái quát hết các hành vi cần điều chỉnh và không thể có việc "xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, thiết lập và thi hành chế độ xét xử theo pháp luật" như nguyên nhân thứ 2 mà Tóa án tối cao đã đưa ra. Những khái niệm này chỉ có trong thời hiên đại ờ phương tây, sau khi thể chế tam quyền phân lập hình thành.

Triều Lý là xã hội phong kiến tập quyền. Vua nắm trọn quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp điều hành đất nước và xử phạt qua mệnh lệnh của vua dưới hình thức chiếu chỉ. Trong xã hội đó vua là thiên tử, ý vua là ý trời, ý vua là pháp luật.

Đại Việt sử ký (sau đây xin gọi tắt là ) đã ghi nhận sau khi ban hành Hình thư, đổi niên hiệu là Minh Đạo, Lý Thánh Tông đã nhiều lần ban chiếu chỉ Quý định những tội mới và hình phạt mới. Điều này cho thấy Hình thư chưa hoàn chỉnh và không phải là căn cứ duy nhất để xét xử.

"Mùa thu, tháng 8, xuống chiếu rằng kẻ nào đem bán hoàng nam (người con trai 18 tuổi) trong dân gian làm gia nô cho người ta, đã bán rồi thì đánh 100 trượng, thích vào mặt 20 chữ, chưa bán mà đã làm việc cho người thì cũng đáng trượng như thế, thích vào mặt 10 chữ ; người nào biết chuyện mà cũng mua thì xử giảm một bậc".

"Quân sĩ bỏ trốn quá 1 năm xử 100 trượng, thích vào mặt 50 chữ, chưa đến 1 năm thì xử theo mức tội nhẹ, kẻ nào quay lại thì cho về chỗ cũ. Quân sĩ không theo xa giá cũng xử trượng như thế và thích vào mặt 10 chữ".

"Quyến khố ty (Ty quản lý tơ lụa), ai nhận riêng một thước lụa của người thì xử 100 trượng, từ 1 tấm đến 10 tấm trở lên thì [phạt trượng] theo số tấm, gia thêm khổ sai 10 năm".

"các quân bỏ trốn xử tội theo ba bậc lưu. Cấm quan coi ngục không được sai tù làm việc riêng, ai phạm thì xử 80 trượng, thích chữ vào mặt và giam vào lao".

Với những Quý định này, cho thấy hình phạt của Lý Thái Tông không nhẹ nhàng chút nào. Lòng nhân ái của ông chỉ thể hiện trong việc dẹp loạn tam vương tha mạng cho hai người em ruột của mình mà thôi.

Có Hữu Ty lại giao Thái tử quyền xét xử

Nguyên nhân thứ 3 Tòa án nhân dân tố cao chọn Lý Thánh Tông làm biểu tượng công lý là "trực tiếp xét xử nhiều vụ án nổi tiếng với tấm lòng bao dung, nhân từ của vị hoàng đế rất mực yêu thương dân" thì lại mâu thuẫn với nguyên nhân thứ hai và không có dẩn chứng thực tế.

Về lý luận, khi nhà vua vừa lập pháp bằng chiếu chỉ, vừa trực tiếp xét xử thì xã hội chỉ có thượng tôn quân quyền chứ làm sao có thượng tôn pháp luật.

Việc Tóa án tối cao chế tác rằng Lý Thái Tông trực tiếp xét xử "nhiều vụ án nổi tiếng với tấm lòng bao dung, nhân từ của vị hoàng đế rất mực yêu thương dân" thì không thấy ghi trong chính sử. Ngược lại có ghi việc khi đi dẹp giặc ở Châu Ái, chỉ vì vua nghi ngờ qua vẻ mặt của đại tướng Nguyễn Khánh và nghe theo báo cáo "âm mưu phản nghịch" đã xử giết xẻ thịt, băm xương đại tướng Nguyễn Khánh, Sư Hổ và xử phạt nhiều người khác. Liệu có phải là công minh và nhân từ ?

Về nguyên nhân cuối cùng, Lý Thái Tông giao cho con nắm quyền xét xử liệu và dạy con qua thực tế xét xử, có phải là đức tính tốt, biểu trưng cho công lý như Tòa án nhân dân tối cao bình chọn ? "Con vua thì được làm vua, con sải ở chùa phải quét lá đa" là câu ca dao từ bao đời nay ta thán sự bất công, tập ấm của thời phong kiến.

Trong hệ thống chính trị cộng sản Việt Nam, bao gồm cả các cơ quan tố tụng, việc "đồng chí này là con đồng chí nào ?", con cái quan chức ưu tiên nối nghiệp cha đang rất phổ biến theo các chiêu thức cơ cấu, luân chuyển cán bộ, thì việc Lý Thái Tông cho con quyền ngồi xét xử dân rất đáng đươc lấy làm gương.

Với xã hội tiến bộ, thương tôn pháp luật Quý trình đào tạo, bổ nhiệm thẩm phán phải cực kỳ khắt khe theo phẩm chất năng lực chứ đâu thể : giao việc xử án và đào tạo cho thái tử". Thời ấy, triều đình đã có cơ quan xét xử là Hữu Ty. Lý Thái Tông bổ nhiệm con chưa có chuyên môn, lấy nghề dạy thợ đứng ra xét xử là lạm quyền và phi pháp chứ đâu phải là thượng tôn pháp luật.

Ngay các sử quan phong kiến đã phê phán hành vi này. Sứ thần Ngô Sĩ Liên nói : Chức việc của thái tử, ngoài việc thăm hỏi hầu cơm vua ra, khi ở lại giữ nước thì gọi là Giám quốc, khi đem quân đi thì gọi là Phủ quân, có thế mà thôi, chưa nghe thấy sai xử kiện bao giờ. Phàm xử kiện là việc của Hữu ty. Thái Tông sai Khai Hoàng Vương làm việc đó không phải là chức phận của thái tử, lại lấy điện Quảng Vũ làm nơi Vương xử kiện là không đúng chỗ.

Như vậy, trong 5 lý do Tòa án nhân dân tối cao chọn Lý Thái Tông là biểu tượng cho công lý có đến 4 lý do bất ổn. Đã vậy, về mặt cai trị Lý Thái Tông cũng có nhiều ứng xử bất ổn về phẩm chất, năng lực bi các sử gia phê phán

Đang mang tang, vẫn vui chơi lễ tiệc

Với con người dù đông, tây, kim cổ, chữ hiếu với cha mẹ là quan trọng. Trong xã hội phong kiến nho giáo phương Đông, chữ hiếu càng quan trọng, nghi lễ cư tang đươc nâng lên thành hình luật, nghiêm cấm bất cứ việc vui chơi hội hè ngay cả cưới hỏi trong thời gian cư tang, người vi phạm phải bị phạt rất nặng. Thế nhưng, Lê Thái Tông đã vi phạm nghiêm trọng Quý ước này.

Lên ngôi sau khi Lý Thái Tồ mất, ngay trong năm đầu tiên Lý Thái Tông đã làm lễ sinh nhật thật rình rang. viết "Tháng 6, lấy ngày sinh của vua làm tiết Thiên Thánh. Lấy tre làm núi Vạn Tuế Nam Sơn ở Long trì : kiểu núi làm thành năm ngọn, trên đỉnh ngọn ở giữa dựng núi Trường Thọ, bên đỉnh bốn ngọn xung quanh đều đặt núi Bạch Hạc, trên núi làm hình dạng các giống chim bay thú chạy, lưng chừng núi có rồng thần cuốn quanh, cắm xen các thứ cờ, treo lẫn vàng ngọc, sai con hát thổi sáo thổi kèn trong hang núi, đàn ca tấu múa làm vui, cho các quan ăn yến. Quý chế núi năm ngọn bắt đầu từ đấy".

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói : "…Song vua đương để tang mà vui chơi hết mức, không nghĩ đến việc tiên đế chưa chôn sao ? Cái lòng đau đớn thương xót, có lẽ không còn gì".

Thiếu lễ, thiếu đạo, vua Thái Tông còn bị xem là thiếu học, không rõ có vì do lỗi của "thằng đánh máy" hay không nhưng vua đã ra chiếu chỉ Quý đinh cách xưng hô trớt quớt. viết "Mùa hạ, tháng 4, xuống chiếu cho các quan tâu việc ở trước mặt vua thì gọi vua là "triều đình".

Sử thần Lê Văn Hưu bình luận : Thiên tử tự xưng là "trẫm", là "dư nhất nhân". Bề tôi xung vua là "bệ hạ", chỉ chỗ thiên tử ở là triều đình, chỉ chỗ chính lệnh ban ra là "triều sảnh", từ xưa không thay đổi xưng hô. Nay Lý Thái Tông bảo các quan gọi mình là "triều đình", sau Lý Thánh Tông tự xưng là "Vạn thặng", Cao Tông bảo người gọi mình là "Phật" đều không theo phép ở đâu, mà là thích khoe khoang. Khổng Tử nói : "Danh không chính thì nói không thuận" là thế".

Háo danh, phiền nhiễu lê dân

Một nhược điềm khác của Thái Tông là háo danh. Một ông vua thường có nhiều cái tên : đế hiệu, miếu hiệu… trong đó niên hiệu là tên để người dân, quan chức, triều đình xác lập cột mốc thời gian. Tên của năm, tháng được gọi theo tên niên hiệu và thời gian của niên hiệu ấy. Vì vây, mỗi lần vua thay đổi niên hiệu ít nhiều sẽ gây ảnh hưởng phiền toái cho nền hành chính.

Trị vì 27 năm, Lý Thái Tông 6 lần đặt niên hiệu cho mình. Theo phép tắc, vua cha chết, vua mới phải để nguyên niên hiệu của cha, năm sau mới đươc thay đổi. Nhưng khi lên ngôi Thái Tông đã bỏ niên hiệu của cha, đặt niên hiệu mới là Thông Thụy. Sử thần Ngô Sĩ Liên đã phê phán : "Theo phép kinh Xuân thu thì khi vua cũ mất, vua nối lên ngôi ngay khi bắt đầu phát tang, qua năm ấy rồi mới đổi niên hiệu. Chép việc lên ngôi, theo nghĩa trước sau thì một năm không thể có hai vua được, theo lòng thần dân thì không thể bỏ trống một năm không có vua. Đó là lễ vậy. Thái Tông lại mạo nhận năm [ở ngôi] của tiên đế mà đặt niên hiệu là thế nào ?".

Chỉ đươc vài năm, Thái Tông đổi niên hiệu Thiên Thành. Sau khi dẹp loạn Nùng Tồn Phúc, quần thần xin đổi niên hiệu là Càn Phù Hữu Đạo và xin tăng tôn hiệu thêm 8 chữ xưng tụng tài năng, công lao của vua dẹp giặc Nùng là : "Kim Dũng Ngân Sinh, Nùng Bình Phiên Phục". Lúc đầu Thái Tông bác bỏ nhưng sau đó cũng nghe theo.

Lê Văn Hưu nói : "Đế Nghiêu, Đế Thuấn, Văn Vương, Vũ Vương đều lấy một chữ làm hiệu, chưa từng thấy có tăng thêm tôn hiệu bao giờ. Đế vương thời sau thích khoe khoang mới có tôn hiệu đến vài chục chữ. Nhưng chỉ lấy công đức mà xưng tụng, chưa bao giờ lấy đồ vật và tên man di xen chắp vào. Thái Tông chịu nhận cho bầy tôi dâng tám chữ "Kim Dũng Ngân Sinh, Nùng Bình Phiên Phục" làm hiệu thì việc khoe khoang lại thô bỉ nữa. Thái Tông không có học nên không biết, nhưng bọn Nho thần dâng lên những chữ ấy để nịnh hót vua thì không thể bảo là không có tội"

Chỉ đươc 4 năm, khi ban hành Hình thư, Thái Tông lại đổi niên hiệu là Minh Đạo. Sau khi đánh thắng Chiêm Thành, vua lại nghe theo sàm tấu đổi niên hiệu là Thiên Cảm Thánh Vũ, tăng tôn hiệu thêm tám chữ là Thánh Đức Thiên Cảm Tuyên Uy Thánh Vũ. Sáu năm sau lại đổi niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo

Lạm ban ân sủng, bức tử góa phụ

Đương nhiên vua chúa ngày xưa có cả tam cung (3 bà hoàng hậu chánh cung, đông cung, tây cung), lục viện là bình thường nhưng Thái Tông có đến 7 bà hoàng hậu và đều ban chức cao quyền trọng cho các ông cha vợ. Sử thần Ngô Sĩ Liên đã phê phán gay gắt việc lạm quyền ban phát ân sủng cho thân thích này. "Thân thích của hoàng hậu được Quý hiển, đời trước cũng đã có. Tuy vậy, lấy thích thuộc cũng phải lấy người có tài. Bọn Hựu quả là có tài chăng ? Thì không cứ là cha của hoàng hậu là phải, trao tước phong là không phải. Hoặc có người nói : Đây là ân sủng đặc biệt chỉ cho tước, chứ không cho quyền. Trả lời rằng : Tước cũng đã cao rồi, sao lại có danh hiệu an quốc, phụ quốc, khuông quốc thượng tướng quân mà lạm cho kẻ không có công lao"

Nhưng vẫn chưa hết, trong lần đánh Chiêm Thành, giết chết vua Chiêm là Sạ Đầu, Thái Tông cũng bắt các bà vợ vua Chiêm về nước. Khi đến hành điện Ly Nhân, sai nội nhân thị nữ gọi Mỵ Ê là phi của Sạ Đẩu sang hầu thuyền vua. Mỵ Ê phẫn uất khôn xiết, ngầm lấy chăn quấn vào mình nhảy xuống sông chết. Vua khen là trinh tiết, phong là Hiệp Chính Hựu Thiện phu nhân.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói : "Phu nhân giữ nghĩa không chịu nhục, chỉ theo một chồng cho đến chết, để toàn vẹn trinh tiết của người đàn bà. Người làm tôi mà thờ hai vua tức là tội nhân đối với phu nhân. Vua khen là trinh tiết, phong làm phu nhân để khuyến khích người đời sau là đáng lắm".

Vẫn biết việc vua chúa chiến thắng lân bang phải giết đươc vua đối phương, chiếm kinh thành, bắt cung phi mới là chiến thắng trọn vẹn, đó là quan niệm phổ biến của thời phong kiến. Nhưng việc cưởng ép người vợ góa đến chết rồi lại phong chức tước vinh danh sao thấy mà bất nhẫn. Liệu với nhân cách con người như vậy liệu có đáng để tôn vinh là biểu tượng cho công lý Việt Nam.

Nghi án đánh thuê cho vua Tống ?

Cũng ghi nhận Thái Tông là vị vua duy nhất Việt Nam đã xin đem binh giúp Tàu dẹp loạn. Nguyên Nùng Tồn Phúc là thủ lĩnh người Nùng ở biên giới phía bắc dầy loạn. Vua Lý đánh dẹp giết chết nhưng tha tội và phong chức tước cho con là Nùng Trí Cao tiếp tục cai trị vùng đất ấy. Ít lâu sau Nùng Trí Cao làm phản, tiếm xưng là Nhân Huệ Hoàng Đế, đặt quốc hiệu là Đại Nam, sang cướp đất nhà Tống, phá trại Hoàng Sơn, vây hãm các Châu Ung, Hoành, Quý, Đằng, Ngô, Khang, Đoan, Củng, Tầm rồi kéo đến vây thành Quảng Châu đến 5 tuần không lấy được, bèn về. Lại vào Ung Châu, giết tướng tá của nhà Tống hơn 3 nghìn người, bắt sống dân chúng hàng vạn. Đi đến đâu đốt trụi đến đấy. Vua tôi nhà Tống lấy làm lo. Khu mật sứ Địch Thanh dân biểu xin đi đánh. Vua Tống sai Thanh làm Tuyên huy sứ đô đại đề cử, tổng quyền tiết việt đi đánh…

Vua xin đem quân đánh giúp, vua Tống cho được tiện nghi. Đến khi Địch Thanh làm Đại tướng bèn tâu rằng : "Mượn binh ngoài để trừ giặc trong không lợi cho ta. Có một Trí Cao mà sức hai tỉnh Quảng không thể chống nổi, lại phải nhờ đến quân cõi ngoài, nếu họ nhân đó mà dấy loạn, thì lấy gì chống lại ?". Năm ấy, nhà Tống có chiếu dừng việc viện binh của ta. Đến khi Trí Cao xin quân, vua lại nghe theo lời xin.

Lê Văn Hưu nói : "Năm trước, Nùng Tồn Phúc phản nghịch, tiếm hiệu, lập nước, đặt quan thuộc, Thái Tông đã trị tội Tồn Phúc mà tha cho con là Trí Cao. Nay Trí Cao lại noi theo việc trái phép của cha thì tội lớn lắm, giết đi là phải, nếu lấy lại tước và áp phong, giáng là thứ dân, thì cũng phải. Thái Tông đã tha tội, lại cho thêm mấy Châu quận nữa, ban cho ấn tín, phong làm Thái bảo, như thế là thưởng phạt không có phép tắc gì. Đến khi Trí Cao gây tai họa ở Quảng Nguyên, lại đem quân đi đánh, mượn cớ là viện trợ láng giềng, có khác gì thả cọp beo cho cắn người, rồi từ từ đến cứu không ? Đó là vì Thái Tông say đắm cái lòng nhân nhỏ của nhà Phật mà quên đi mất cái nghĩa lớn của người làm vua".

Với những phẩm chất đã nêu, Lý Thái Tông kém xa Lê Thánh Tông vị vua văn võ toàn tài, với bộ Luật Hồng Đức rất độc đáo, khoa học và có giá trị áp dụng hàng trăm năm sau đến ngay cả thời Pháp thuôc.Bản thân vua Lê đã giải oan cho vụ án Lệ Chi Viên nổi tiếng trong lịch sử ngày nay vẫn còn là đề tài cho nhiều tác phẩm văn học, sân khấu, điện ảnh.

Điều đáng nói là không chỉ Tòa án nhân dân tối cao mà từng ấy cơ quan học thuật sao lại kỳ công chọn lựa ông vua khiếm khuyết như vậy để làm biểu tượng.

Có lẽ, những phẩm chất bổ nhiệm chức vụ cho con, ra luật nhưng vẫn xử bằng chiếu chỉ, xét xử người chỉ qua vẻ mặt và lời tố cáo… Lý Thái Tông quả thật đáng tiêu biểu cho pháp đình của nhà nước cộng sản Việt Nam với những phiên tòa bịt miệng linh mục Nguyễn Hữu Lý, khóa tay luật sư, những tử tù oan khốc như Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long, Huỳnh Văn Nén,… Cung cách nghi ngờ nét mặt và nghe lời tâu cáo đả xẻ thịt băm xương đại tướng cũng rất tiêu biểu cho hàng ngàn bản án bỏ túi xử tù những người bất đồng chính kiến, phản biện xã hội của tòa nhà sản.

Ngay trước mắt Tòa án nhân dân tối cao phải tự xử mình trước kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về vụ án Hồ Duy Hải mà Tòa đã nhiều lần bác đơn kêu oan giám đốc thẩm.

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 29/04/2020 (Gió Bấc's blog)

1. https://dantri.com.vn/xa-hoi/tand-toi-cao-noi-ve-viec-dung-tuong-vua-ly-...

http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/dvsktt/dvsktt07.html

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt, Nguyễn Trang Nhung, Gió Bấc
Read 500 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)