Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh phạm tội hình sự
Nguyễn Ngọc Già, RFA, 01/05/2020
Dù đã 45 năm trôi qua, siêu thảm họa mang tên Ba Mươi Tháng Tư vẫn ám ảnh khôn nguôi lớp người trải qua thời ly loạn.
Dù đã 45 "mùa xuân đại thắng", người cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục hát vang sự lẫy lừng, chấn động địa cầu với khẩu hiệu :
Đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào
Bắc - Nam sum họp xuân nào vui hơn…
Không có cảnh đoàn viên như người cộng sản Việt Nam vẽ ra, tệ hơn vậy, lớp trẻ ngày nay, họ vẫn bị "siêu thảm họa" đó bám theo và đeo đẳng với những oan nghiệt của 45 năm về trước, dù họ không hề tham gia vào "công cuộc nồi da xáo thịt" đó !
Phải định danh lại cuộc chiến
Mới đây, đài RFA cho hay, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - Nguyễn Chí Vịnh đã trả lời VTC xung quanh "Bên Thắng Cuộc" về vấn đề hòa hợp hòa giải. Ông Vịnh nói [1] :
"Bảo là không có kẻ thắng người thua là không đúng. Thắng rồi nhưng tôi không có trả thù. Thắng rồi tôi khoan dung. Thắng rồi tôi tạo điều kiện cho anh quay trở lại cuộc sống bình thường. Đó là tấm lòng nhân ái của đảng và nhà nước mình".
Ba Mươi Tháng Tư, ngày mà người dân Việt Nam trong và ngoài nước, từ lớp già đến lớp sồn sồn rồi cả lớp trẻ ngày càng vỡ lẽ mục đích của người cộng sản Việt Nam, ngày càng không thể chối bỏ hậu quả thê thảm kéo dài tới tận bây giờ, tất cả cũng nhờ thời đại internet, mọi khuất lấp và khuất tất của cuộc chiến, từ chỗ hé lộ đến phơi bày khá trọn vẹn.
Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia, với những biểu hiện căn cứ theo công pháp quốc tế :
- Có lãnh thổ xác định
- Có dân cư xác định
- Có Chính phủ điều hành và kiểm soát toàn cõi
- Có quan hệ ngoại giao và tham gia các điều ước quốc tế (mặc dù lúc bấy giờ cả Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không được Liên Hiệp Quốc công nhận là thành viên, nhưng Việt Nam Cộng Hòa có quan hệ ngoại giao với 77 quốc gia).
- Có đồng tiền riêng
- Có quốc kỳ
và nhiều biểu hiện khác, như : mã vùng điện thoại quốc tế (084) hiện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang sử dụng cũng do tiếp nhận từ Việt Nam Cộng Hòa, chữ viết tắt SGN (dành cho cảng hàng không Tân Sơn Nhứt) cũng là tiếp nhận từ Việt Nam Cộng Hòa, các tòa lãnh sự ở các quốc gia trước 75 của Việt Nam Cộng Hòa đều được Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiếp nhận đầy đủ, các khoản nợ của Việt Nam Cộng Hòa thì Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có trách nhiệm nhận và trả nợ v.v…
Ngoài ra, tại trang 7 của "Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam", có viết :
Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa với sự thỏa thuận của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam,
Chính phủ Hoa Kỳ với sự thỏa thuận của Chính phủ Việt Nam cộng hòa,
Nhằm mục đích chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam trên cơ sở tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam, góp phần củng cố hòa bình ở Châu Á và thế giới.
Đã thỏa thuận, cam kết tôn trọng và thi hành những điều khoản sau đây :
Đoạn trích trên, do Vụ Thông tin báo chí - Bộ Ngoại giao nước Việt Nam dân chủ cộng hòa phát hành đợt đầu tại Nhà máy in Tiến bộ. Gửi lưu chiểu vào tháng 2 năm 1973.
Theo đó, Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia và lúc bấy giờ đang nỗ lực lập lại hòa bình bằng việc thỏa thuận ký kết Hiệp định Paris với 3 bên : Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (do bà Nguyễn Thị Bình là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ký) và Chính phủ Hoa Kỳ.
Sau đó, khi Hoa Kỳ rút quân theo đúng cam kết của Hiệp định Paris thì Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam đã thông đồng phá hoại Hiệp định Paris dưới tên gọi chiến dịch [2] : "Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam" với tên gọi tắt : "Chiến dịch mùa Xuân năm 1975" - Tên gọi này là tên gọi chính thức của người cộng sản Việt Nam lúc bấy giờ , tức là không thể chối bỏ sự toa rập để phá hoại Hiệp định Paris mà họ đã đặt bút ký.
Vì vậy, phải xác định ngày Ba Mươi Tháng Tư không phải là ngày miền Nam được "giải phóng" mà đó là ngày Hiệp định Paris bị phá hoại.
Chủ trương "hòa hợp hòa giải dân tộc" bị phá sản cũng do Hiệp định Paris không được tôn trọng và thi hành trên thực tế.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cần phải chịu tội với phát ngôn của mình
Ông Nguyễn Chí Vịnh cố tình bôi xóa lịch sử. Ông Vịnh nên nhớ, lịch sử không phải là cuốn tự truyện của kẻ chiến thắng. Do đó, trong tư cách một nhà quân sự và được biết là Phó Giáo sư - Tiến sĩ chuyên ngành Quan hệ quốc tế cũng như đang đảm nhận chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ông Nguyễn Chí Vịnh không được phép bóp méo lịch sử, vì lịch sử là khoa học.
Hòa giải hòa hợp chỉ có ý nghĩa, khi và chỉ khi nhìn nhận sự thật lịch sử với lòng hướng thiện, phải nói về tình dân tộc - nghĩa đồng bào. Đặc biệt, không được phép đặt vấn đề "thắng - thua", nhất là ông Vịnh đang mang thân phận một người lính - Mục đích của người lính là bảo quốc an dân, không phải chỗ để bày tỏ "hơn thua" mà lại là "ăn thua đủ" với đồng bào của mình - Đây đã đủ kết luận Nguyễn Chí Vịnh phạm vào điểm a, điểm b mục 1 điều 116 thuộc Bộ luật hình sự như dưới đây :
Điều 116. Tội phá hoại chính sách đoàn kết
1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm :
a) Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với các tổ chức chính trị - xã hội ;
b) Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam ;
Kết
Hòa hợp hòa giải dân tộc là khát khao của người Việt Nam từ hàng chục năm qua.
Hình ảnh những vị thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa sống lây lất tại Vườn Rau Lộc Hưng bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh xua đuổi vào năm ngoái, vẫn đầy ám ảnh bởi khúc chân giả bị đánh rơi trong cơn hoảng loạn khi bỏ chạy để toàn mạng, nó vẫn còn nguyên đó…
Hòa hợp hòa giải làm sao đây ! ! !
Nguyễn Ngọc Già
Nguồn : RFA, 01/05/2020 (nguyenngocgia's blog)
[1] https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/is-it-true-that-national-reconci…
[2] https://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_d%E1%BB%8Bch_M%C3%B9a_Xu%C3%...
***************
Có đúng là hòa hợp, hòa giải dân tộc đã thành công như lời ông Nguyễn Chí Vịnh ?
Diễm Thi, RFA, 30/04/2020
Thực tế
Vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc từng được đặt ra ngay sau hiệp định Paris năm 1973 với việc ra đời của Hội đồng Hòa giải Hòa hợp dân tộc gồm ba thành phần để lo tổ chức tổng tuyển cử, tái lập hòa bình.
Bộ đội Bắc Việt vào Dinh Độc Lập, Sài Gòn hôm 30 tháng 4 năm 1975. AFP
45 năm sau sự kiện 30 tháng 4, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh có cuộc trò chuyện với truyền thông trong nước và ông cho rằng tiến trình hòa hợp dân tộc đã hoàn thành. Ông nói :
"Quan điểm của tôi là chúng ta đã thành công. Thành công nhờ chính sách khoan dung của đảng và Nhà nước. Nhưng quan trọng nhất là nhờ sự phát triển của đất nước. Nó chứng minh chiến thắng ấy đem lại cho đất nước ta một sự phát triển mới mà không người dân Việt Nam nào cũng như bạn bè quốc tế không nhận thức được. Tôi cho là như vậy".
Nhà quan sát thời cuộc Quang Hữu Minh từ Sài Gòn nhận định :
"Sự kiện 30 tháng 4 chỉ thống nhất được lãnh thổ chứ không thống nhất được lòng người. Đến bây giờ nó vẫn là như thế.
Theo tôi thấy, chính sách thời hậu chiến của Đảng cộng sản Việt Nam về hòa hợp hòa giải dân tộc đến nay vẫn chưa thành công. Chính sách phải cụ thể từ tư duy đến hiện kim và hiện vật. Cuộc chiến này nếu bỏ từ "giải phóng" thì nó là nội chiến. Phía nào chiến thắng thì nên có trách nhiệm và sự nhân văn đối với phía bên kia".
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già bày tỏ sự thất vọng khi nghe cuộc phỏng vấn của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh với VTVnews hôm 30 tháng 4 năm 2020. Theo ông, cách trả lời của ông Vịnh bộc lộ ra những điểm mà gọi ông là ‘ngụy biện, phản khoa học, chính trị hóa lịch sử’.
Nhà báo này cho rằng việc hòa hợp hòa giải dân tộc không thể thực hiện khi hội chứng để lại sau chiến tranh quá năng nề với những thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa. Số này phải sống lây lất ngay tại Việt Nam cho tới ngày hôm nay. Ông phân tích thêm :
"Cái gọi là chủ trương hòa giải hòa hợp dân tộc của người cộng sản chỉ là một chiêu bài mị dân. Tôi cho rằng đến nay họ thất bại hoàn toàn. Mục tiêu của chiêu bài hòa giải hòa hợp dân tộc là để đưa ra một chiêu bài nữa, đó là đoàn kết.
Cái chủ trương hòa hợp hòa giải dân tộc đã có từ rất lâu. Bàn về vấn đề này là một câu chuyện dài, nhưng trong cuộc phỏng vấn của ông Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, thì tôi thấy có một điều mà ông ta không thể thực hiện hòa hợp hòa giải dân tộc được, điều rất quan trọng, đó là ông ta nhấn mạnh nhiều lần về chuyện thắng - thua".
Theo ông Vịnh, chiến tranh phải có người thắng, kẻ thua. Ông khẳng định quân đội của cách mạng thắng. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thắng. Thắng kẻ xâm lược là Mỹ và tay sai. Ông Vịnh nói thêm :
"Bảo là không có kẻ thắng người thua là không đúng. Thắng rồi nhưng tôi không có trả thù. Thắng rồi tôi khoan dung. Thắng rồi tôi tạo điều kiện cho anh quay trở lại cuộc sống bình thường. Đó là tấm lòng nhân ái của đảng và nhà nước mình".
Việt Nam kỷ niệm ngày 30 tháng 4. AFP
Ông Quang Hữu Minh nhận định về chữ "trả thù" ở đây :
"Nếu nói theo ngôn ngữ của Đảng cộng sản Việt Nam thì đó gọi là ‘ổn định chính trị’, còn nói theo ngôn ngữ của người thua cuộc thì đó là ‘trả thù’. Tôi không thiên về từ ngữ mà tôi thiên về thực chất, thì trong những đợt học tập cải tại có những người chết, có những người bị chỉnh huấn, có trừng phạt khốc liệt. Đó là thực tế những gì đã diễn ra. Thành ra dùng chữ nào là do ở phía bên nào mà thôi chứ thực tế thì không ai có thể phủ nhận".
Vì sao chưa thể hòa hợp hòa giải ?
Theo ghi nhận của RFA, đa số người dân cả trong và ngoài nước đều cho rằng không thể có hòa hợp hòa giải với chính sách hiện nay của chính phủ dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản khi vẫn tiếp tục bỏ tù những nhà bất đồng chính kiến ; vẫn không có tự do ngôn luận ; không có tự do báo chí ; không có tự do tôn giáo và vẫn ăn mừng chiến thắng 30 tháng 4 hàng năm.
Theo họ, muốn hòa hợp hòa giải thành công thì cần rất nhiều yếu tố.
Ông Ngô Trường An, một người dân Sài Gòn nêu ý kiến của mình rằng, ông không nhận thấy một thiện chí nào tỏ ra hòa hợp hòa giải từ nhà cầm quyền hiện nay khi 30 tháng 4 hằng năm, tuyên giáo vẫn cho phát sóng dày đặc các chương trình giải phóng miền nam. Phóng viên phỏng vấn anh hùng này, mẹ liệt sĩ kia để tự hào ; những bài hát cách mạng vẫn được phát ra rả cả tuần trước đó. Nhà nước vẫn cho cán bộ công nhân viên nghỉ lễ, ăn mừng. Nhiều cơ quan còn có quà mừng, siêu thị giảm giá để nhân dân mua sắm ăn mừng… Đặc biệt, thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa vẫn bị giám sát, ngăn chặn khi họ tập trung nhận quà từ thiện từ các tổ chức tôn giáo.
Ông Quang Hữu Minh nêu những việc cần làm theo thiển ý của ông :
"Bây giờ việc cần làm đầu tiên là phải bỏ khái niệm "giải phóng" trong lịch sử đối với ngày 30 tháng 4 đi. Chuyện quá khứ mình không nói nhưng bây giờ nếu dùng từ "giải phóng" có nghĩa mặc nhiên Đảng cộng sản Việt Nam thừa nhận miền Nam Việt Nam thuộc về miền Bắc lúc đó thì mới có vấn đề giải phóng.
Cái thứ hai là nhà nước sau phải nhận trách nhiệm của nhà nước trước. Nếu bỏ khái niệm "giải phóng" thì đây chỉ là cuộc nội chiến và nhà nước sau phải có trách nhiệm với những thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa.
Nếu làm được hai điều đó thì nó sẽ tác động căn cớ đến hòa hợp và hòa giải dân tộc. Và cần phải có chính sách, tư duy then chốt chứ không thể chỉ hòa giải trên báo, hòa hợp trên miệng được".
Ông Nguyễn Chí Vịnh cho rằng : Trong những năm đầu hận thù rất lớn, nhất là những người từng làm việc ở chế độ cũ. Cái tâm tư về sự thua cuộc của họ cũng rất nặng nề. Chúng ta đã trải qua những giai đoạn rất là khó khăn trong việc hòa giải dân tộc. Làm sao để người dân nhận thức vấn đề một cách đúng đắn. Đúng đắn nhưng phải có kẻ thắng người thua chứ không hòa cả làng được. Đến bây giờ, với chính sách của đảng và nhà nước họ cảm thấy không bị kỳ thị. Miễn là họ yêu nước. Mình không quay lại bới móc những chuyện họ làm cho kẻ xâm lược. Chúng ta không làm chuyện ấy.
Ông Nguyễn Ngọc Già phân tích thêm lý do cho đến nay vẫn chưa thể hòa hợp hòa giải :
"Khi còn tư tưởng kiên định của người cộng sản Việt Nam là thắng – thua thì không nên nói về hòa hợp hòa giải. Bởi khi nói tới hòa hợp hòa giải là nói tới tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Đó là lý do thứ nhất tôi cho rằng tới ngày hôm nay, chủ trương hòa hợp hòa giải người Việt Nam hoàn toàn phá sản.
Thứ hai, không thể gọi ngày 30 tháng 4 năm 1975 là ngày chiến thắng theo cách của người cộng sản. Chiến thắng ở đây theo ý kiến cá nhân của tôi, đó là chiến thắng phi nghĩa, bất chính danh và vô nhân đạo".
Nhiều người cho rằng miền Bắc Việt Nam vi phạm Hiệp định Hòa bình Paris được ký năm 1973 nên họ không cho đây là một chiến thắng của chính nghĩa.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 30/04/2020
***********************
Những người ‘chưa từng về lại Việt Nam từ sau năm 1975’
VOA, 30/04/2020
Một số người Việt rời Việt Nam đi tị nạn kể từ sau năm 1975 nói với VOA rằng họ chưa về lại lần nào, ‘vẫn sẽ không về nếu Đảng cộng sản vẫn còn cầm quyền ở Việt Nam’ và mô tả điều mà họ cho là ‘tình hình tối tăm’ ở trong nước hiện nay.
Người Việt hải ngoại vẫn tưởng nhớ ngày 30/4 hàng năm
Tháng Tư này đánh dấu tròn 45 năm ngày Sài Gòn sụp đổ mà chính quyền Hà Nội gọi là "ngày thống nhất đất nước", nhưng hàng triệu người Việt phải bỏ nước ra đi lánh nạn chế độ cộng sản xem là ngày "ngày quốc hận", với làn sóng di tản ồ ạt của nhiều người Việt, mà phần đông là đến Hoa Kỳ.
VOA đã liên lạc với hai người trong số đó là ông Đinh Hùng Cường, hiện sống ở tiểu bang Virginia, và ông Võ Thành Nhân, hiện sống ở bang Maryland, để tìm hiểu lý do vì sao hai ông quyết định không về Việt Nam.
‘Vẫn là người Việt’
Ông Đinh Hùng Cường, trước năm 1975 nguyên là Quận trưởng Quận Thủ Thừa và có tham gia một trong những trận chiến cuối cùng với quân Bắc Việt vào những ngày cuối tháng Tư năm 1975, cho biết cả gia đình ông ‘đều chống Cộng’.
Ông nói trong 45 năm qua, những người thân của ông còn lại ở Việt Nam như cha mẹ, anh em hay thân hữu ‘đa số đều đã chết hết rồi’ và mỗi lần có người thân qua đời ở Việt Nam, ông đều không về dự tang.
"Tôi không về khi người thân qua đời bởi vì tôi không bao giờ tin tưởng cộng sản", ông nói. "Mặt khác, tôi là người chống Cộng ở hải ngoại nên nếu tôi về sẽ bị họ làm khó dễ nên tôi quyết định không về".
Ông Cường, từng là chủ tịch cộng đồng người Việt Quốc gia tại vùng Washington D.C., Maryland và Virginia, nói việc ông không về nước cũng là ‘một cách đối kháng với chính quyền cộng sản’.
Khi được hỏi có đau lòng không khi không về gặp người thân lúc sinh ly tử biệt, ông trả lời : "Đau lòng của tôi là đất nước mình đã rơi vào tay Đảng cộng sản làm cho cả dân tộc đau khổ còn người thân của tôi tới tuổi già thì phải chết thôi".
"Bao nhiêu người Việt Nam ở đây (tức ở Mỹ) chỉ vì họ thương gia đình, thương dòng họ, họ gửi về biết bao nhiêu tiền nuôi chế độ đó (tức chế độ cộng sản)", ông bức xúc nói.
Theo lời ông thì vợ ông còn chống Cộng hơn cả ông và các con trai, con gái của ông, mặc dù rời Việt Nam khi còn rất nhỏ, ‘lớn lên đều đi biểu tình chống cộng sản’ và các con ông ‘đều không có ý định trở về để làm việc ở Việt Nam’ vì họ ‘học theo hệ thống Mỹ nên hiểu tự do, dân chủ’.
Trả lời câu hỏi có bao giờ có ý nguyện về lại quê hương không, ông Cường nói : "Có chứ ! Tôi rất mong muốn trở về sinh sống với đồng bào, dân tộc tôi khi người cộng sản không còn là cộng sản. Họ phải có tình người, phải có nhân đạo. Còn nếu họ sống chỉ biết lợi lộc cho Đảng của họ thì trở về tôi cũng không thể sống như vậy được".
Dù xa quê hương đã nhiều năm, ông Cường, vốn sinh ra ở Hà Nội và di cư vào Nam vào năm 1954, nói trong ký ức của ông, ông vẫn nhớ miền Nam ‘hiền hòa, lương thiện, có tình người và đối xử với nhau rất tử tế’.
Ông cho biết ông ‘vẫn coi Việt Nam là quê hương’ dù sống ở Mỹ đã lâu. "Mình có sống ở Mỹ đến 100 năm cũng không thể đổi thành da trắng được và cũng không thể nói tiếng Mỹ như người Mỹ được", ông giải thích.
‘Không thực lòng hòa giải’
Về sự trở về của một số nhân vật nổi bật như cố Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ, cố nhạc sĩ Phạm Duy, ông Cường nói ‘đó là quyền của họ’ mà ông không phê phán.
Tuy nhiên, ông bày tỏ nghi ngờ về ‘thành ý hòa giải’ của Đảng cộng sản và cho biết đó là một trong những lý do ông không có lòng tin để trở về.
Ông chỉ ra chuyện dễ nhất để hòa giải là ‘trùng tu nghĩa trang quân đội Biên Hòa’ mà ‘chính quyền trong nước không làm’. "Những người đó đã chết rồi. Nếu giữ gìn thì đó là cử chỉ hòa hợp hòa giải với những người của Việt Nam Cộng Hòa. Tại sao họ lại chà đạp nghĩa địa của những người đã chết như vậy", ông nói.
Ông cho rằng Đảng cộng sản hòa giải ‘theo kiểu của người chiến thắng muốn làm gì thì làm cần biết đến người chiến bại’ và nếu muốn hòa giải thật sự ‘cần phải bỏ sự kiêu căng đó đi’.
Cho dù chính quyền trong nước không còn gọi ngày 30/4 là ‘Ngày Giải phóng’ đi nữa mà chỉ gọi là ‘Ngày Thống nhất’ thôi thì vẫn chỉ là ‘bình mới rượu cũ’, ông nói.
"Vấn đề là sự thành thật, sự thật tâm. Nếu cộng sản có thực tâm thì đồng bào dân chúng ngoại quốc người ta nhìn thấy ngay", ông nói.
Mặc dù chưa về lại Việt Nam lần nào nhưng ông Cường cho biết ông ‘vẫn nắm tình hình tronrg nước’ qua ‘những người đấu tranh cho dân chủ tự do thông báo tin tức ra bên ngoài’ và thông tin mở rộng hơn xưa.
"Những chuyện như cướp nhà, cướp đất, giết người họ đều đưa lên mạng và chúng tôi nhìn thấy rõ ràng", ông nói.
Ngoài ra, ông cho biết ông cũng được nghe những bạn bè ông kể lại những điều họ mắt thấy tai nghe khi về nước mà ông cho là ‘phồn vinh giả tạo’ vì hố sâu cách biệt rất lớn giữa người giàu và người nghèo, giữa thành thị với nông thôn.
Ông thừa nhận rằng sau gần nửa thế kỷ thanh bình thì ‘dĩ nhiên Việt Nam phải có thay đổi’ nhưng ‘thay đổi đó không theo kịp đà phát triển của thế giới’ và ‘chỉ làm lợi cho những người trong Đảng chứ không phải người dân’.
Mặc dù mong chế độ cộng sản trong nước ‘thay đổi’ để ông có thể về Việt Nam nhưng ông Cường cũng nhìn nhận rằng ‘những người như ông không còn làm gì được để thay đổi tình hình trong nước’.
"Chúng tôi đã tị nạn 45 năm nay rồi thì lấy sức lực gì để đòi cộng sản thay đổi ?" ông nói. "Điều thực tế là những người cộng sản phải mở cái tâm họ ra và nhìn thấy thế giới hôm nay đã thay đổi".
Ông cho rằng ‘chế độ cộng sản khó có thể sụp đổ’ nhưng ‘không thể nào độc quyền cai trị mãi được’ và ‘sẽ có lúc thực hiện đa đảng để cho người dân dân chủ, tự do’.
‘Sợ lá cờ Việt Cộng’
Còn ông Võ Thành Nhân, đại diện của Đài truyền hình SBTN tại vùng thủ đô Washington D.C., nói một trong những nguyên nhân chính khiến ông không về nước trong 40 năm qua là vì ông ‘sợ lá cờ Việt Cộng’.
"Về nước sẽ nhìn thấy nhiều cờ Việt Cộng, những bích chương, biểu ngữ họ tuyên truyền nên tôi không thích", ông Nhân, người vượt biên sang Mỹ vào năm 1980 khi ông mới 23 tuổi, nói với VOA.
Theo lời ông giải thích thì lá cờ đỏ sao vàng gợi cho ông ‘cảm giác về một đoàn quân ác lắm trong chiến tranh’.
"Nhất là ngày 30/4 nhìn thấy cờ đỏ tràn ngập thành phố của mình (Sài Gòn), mình thấy khốc liệt quá, hãi hùng quá", ông nói thêm.
"Lúc còn nhỏ tôi thấy những người xung quanh đi ‘cải tạo’ không thấy ngày về cũng sợ lắm. Lúc đó ai dám nói lên tiếng nói chống đối sẽ bị bắn bỏ", ông giải thích thêm về ấn tượng của ông đối với màu cờ đỏ.
Ông cho biết lúc đi vượt biên thì ông đang học năm 4 Đại học Y khoa. Mặc dù sau khi tốt nghiệp ông có thể có tương lai vững vàng ở Việt Nam nhưng vì ‘không chấp nhận lý thuyết cộng sản’ nên ông quyết định ra đi. "Nếu ở lại thì tôi cũng phải gia nhập Đoàn, Đảng nếu muốn tồn tại, nhưng tôi không chấp nhận điều đó", ông nói.
Ông cho biết vào thời điểm đó ông phải ‘che giấu lý lịch’ khi đi học đại học và rằng ông sợ rằng sau này nếu bị phát hiện thì ông sẽ bị trù dập hoặc ‘sẽ không được ưu đãi’.
Ông là người duy nhất trong gia đình khi đó đi vượt biên, ông nói, và kể từ đó ông chỉ duy trì liên lạc với người thân bằng cách ‘gặp gỡ ở một nơi nào đó không nhất thiết ở Việt Nam’.
"Mình chấp nhận mình nhớ quê hương, chấp nhận bị cách ly đất nước nhưng mình chỉ về khi nào không còn cộng sản", ông Nhân nói.
‘Không còn cộng sản’ là điều mà ông Nhân cho rằng ‘có thể đến rất là bất ngờ, chẳng hạn như mâu thuẫn nội bộ khiến họ sụp đổ’.
Về vấn đề vì sao không thích chính quyền của Đảng cộng sản lại dẫn đến việc quay lưng lại với quê hương, ông Nhân nói ông ‘không đánh đồng Đảng với đất nước, người dân’ nhưng vẫn quyết định không về.
"Tôi vẫn gặp phần nào những người dân Việt Nam, những người không chấp nhận cộng sản sống xung quanh tôi ở đây", ông lý giải.
‘Sức chịu đựng cao’
Ông nói ông ‘khác với những người khác vốn đã từng về Việt Nam vì ‘thăm gia đình, thăm quê hương hay cha mẹ đau yếu’. "Sức chịu đựng của con người về sự nhớ thương quê hương, đất nước khác nhau. Tôi có thể chịu đựng được cả chiều dài đến khi nào cộng sản sụp đổ thì mới về", ông Nhân nói thêm.
Ông giải thích rằng cách nhìn nhận của ông về Việt Nam là ‘không chấp nhận cộng sản’. "Một khi đã cảm thấy là kẻ ác rồi thì suy nghĩ không thay đổi", ông nói.
Tuy nhiên, ông không cho rằng đó là định kiến mà là ‘cách nhìn nhận chung của nhiều người đang sống ở hải ngoại’
Khi được hỏi tại sao trong bức tranh đầy u tối mà ông nhìn nhận về Việt Nam mà trên 90 triệu người dân trong nước vẫn sống bình thường, ông Nhân nói : "Có thể người dân trong nước chấp nhận hoàn cảnh được sống là vui rồi. Trong khi đó hoàn cảnh của mình ở đây khác. Sự hiểu biết cho phép mình suy nghĩ khác. Sự khác nhau đó cho thấy rằng có thể người dân tiếp tục bị cộng sản áp đặt chế độ độc tài cai trị", ông Nhân nói. (46 :00)
Ông cũng chỉ ra rằng ‘có nhiều người không chấp nhận chế độ nên bỏ nước ra đi’ và rằng ‘nhiều người yên lặng chưa chắc là họ chấp nhận chế độ cộng sản’.
Nguồn : VOA, 30/04/2020