30/04/1975 : Những nữ tu âm thầm tìm "mộ tình thương" của tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa
Bùi Thư, BBC, 01/05/2020
Suốt gần 20 năm qua, có những phụ nữ Công giáo đã âm thầm tìm kiếm hài cốt quân nhân Việt Nam Cộng Hòa từ các nghĩa trang hoang phế để đưa về an táng giữa một nơi chốn thanh bình.
Hài cốt lính Việt Nam Cộng Hòa được chuyển về nghĩa trang mới
Cuộc kiếm tìm hài cốt quân nhân Việt Nam Cộng Hòa không chỉ có người thân, cựu đồng đội thực hiện mà còn có những sự tham gia của những con người không phải bà con thân thuộc, ít có liên hệ với cuộc chiến từ gần nửa thế kỷ trước, nhưng đầy lòng vị tha, như các sơ ở mái ấm tình thương này.
Buổi sáng trước ngày 30/4, thị xã nhỏ ở tỉnh Bình Thuận trở lại nhộn nhịp sau khi chỉ thị cách ly xã hội chống dịch Covid-19 được nới lỏng.
Ở cổng chào đi vào thị xã, dòng chữ đỏ "Nhiệt liệt chào mừng ngày giải phóng Miền Nam…" bằng đèn LED đập vào mắt người đi đường. Trên phố, bên cạnh những khẩu hiệu kêu gọi phòng dịch là cờ và băng rôn nhắc nhớ lễ kỷ niệm "Ngày đại thắng".
Một góc lặng lẽ khác, các bà sơ, những người không thân thích đang chăm sóc những ngôi mộ màu xanh giữa nghĩa trang mênh mông. Đó là những mộ phần của lính Việt Nam Cộng Hòa, mộ được xây chỉn chu, có cắm nhiều hoa cúc vàng rực, khói nhang tỏa ra dưới ánh nắng mai thơm ngát.
20 năm đưa người về từ miền hoang phế
"Bạn nghĩ gì trong những ngày này ?", bà sơ là giám đốc một mái ấm tình thương ở thị xã hỏi khi tiếp chuyện phóng viên BBC News tiếng Việt qua điện thoại. Không chờ nghe câu trả lời từ phía này, bà đã nghẹn ngào : "Tôi thấy đau lòng lắm".
Bà kể rằng năm 1975, bà mới là nữ tu 20-21 tuổi, đến giờ vẫn không quên cuộc vật đổi sao dời.
Bà sơ giữa những "mộ tình thương" ở Bình Thuận
"Các ngài chết trong chiến trận, rồi thời cuộc đổi thay, mộ phần trở nên hoang phế. Tôi cùng các sơ ở đây quy tập về, khâm liệm tươm tất, mồ mả đàng hoàng. Các ngài không phải người thân của các sơ nhưng các sơ mong muốn đưa các ngài về để chăm sóc. Nhìn cảnh hoang tàn thấy đau lòng lắm, nên tìm mọi cách để đưa về cho các ngài được ấm cúng", bà chia sẻ về công việc thầm lặng nhưng gian khó hiện tại.
Chuyện bắt đầu từ năm 2000, khi bà cùng các sơ tại mái ấm tình thương quy tập các mộ phần vô danh hoặc những ngôi mộ không có người chăm sóc, trẻ sơ sinh tử vong về chôn cất trong khu nghĩa trang. Đến năm 2003, bà phát hiện các khu nghĩa trang hoang phế của quân đội Việt Nam Cộng Hòa và một hành trình mới bắt đầu.
"Xung quanh đây có những nghĩa trang cũ chôn cất quân nhân Việt Nam Cộng Hòa. Tôi đến đó, thấy mồ mả hoang lạnh. Có những nơi xói lở hoặc bị đào bới khiến xương cốt lộ ra, rất xót xa. Có nơi người ta lập các dự án bất động sản, hạ tầng giao thông trên nền các nghĩa trang đó. Tôi làm đơn xin chính quyền cho phép đưa các ngài về an táng", bà kể.
Những nấm mộ trong nghĩa trang hoang tàn đang được quy hoạch thành dự án bất động sản ở Bình Thuận
Với sự cho phép của chính quyền, bà cùng các sơ và các em bé được nuôi dạy ở trung tâm liền tổ chức đi cải táng. Công việc được thực hiện với sự giám sát của cán bộ địa phương.
"Có nhiều lúc không tìm được hài cốt, phải nhờ nhà ngoại cảm", bà kể. "Mồ mả từ nửa thế kỷ trước, rồi chiến tranh bom đạn, rồi các hoạt động của con người, bây giờ đâu còn giữ nguyên hiện trạng. Không phải tới đó là có thể xác định được ngay".
"Khi đưa về, chúng tôi tổ chức lễ tang, tưởng niệm như đối với người thân của mình. Những người vị quốc vong thân, có người chết từ tận năm 1960, tính ra đã hơn nửa thế kỷ. Đưa các ngài về là điều mà mỗi một người chúng tôi nên làm", bà sơ nói. "Tất nhiên là chỉ có các sơ và đám trẻ ở đây thì không làm được, phải có sự hỗ trợ, giúp sức của nhiều ân nhân. Chẳng hạn để thực hiện việc đào cốt, vận chuyển, rồi xây mộ mới,… rất nhiều chi phí và công sức phải bỏ ra".
"Ở đây luôn có khói nhang, có hoa và người thăm viếng", bà nói khi đứng giữa những ngôi mộ màu xanh được đặt tên là "mộ tình thương". Đa phần "mộ tình thương" là của tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa, có hàng trăm ngôi mộ như vậy được cải táng về đây. Một số khác là mộ những người không bà con thân thích, chết trong thời loạn lạc chiến tranh và cả sau này.
Người dân tưởng niệm tại nghĩa trang bị bỏ hoang trước khi thực hiện cải táng
Phía trước các "mộ tình thương" của quân nhân Việt Nam Cộng Hòa thường có kèm chữ viết tắt biểu thị nghĩa trang mà họ được táng trước khi đưa về đây, như BA là viết tắt của "Bảo An", vốn là nghĩa trang dành cho lính Bảo an.
"Đa phần lính Bảo an dưới đây khi đi đánh trận, chủ quan, cứ mặc nhiên nghĩ đánh xong rồi về nên không mang thẻ bài theo. Sau chết thì không xác định được, trở thành vô danh", bà giải thích, đoạn nói thêm. "Chúng tôi làm bia đề tên phía sau mộ, không làm phía trước để tránh bị chú ý".
Thỉnh thoảng có người thân ghé đến thăm, họ nhang khói, cầu khấn rồi gửi lại tiền nhưng các sơ không nhận. "Khi chúng tôi cải táng một ngôi mộ lính Việt Nam Cộng Hòa, thấy có rễ cây đi xuyên qua đầu", bà kể. "Sau vài ngày thì con trai người đó vào thăm, cậu ta kể đêm nào cũng nằm mơ thấy cha mình bị ai đó đâm xuyên qua đầu, chỉ mới hết cách đây vài hôm. Thế là cậu ta đi kiếm, rốt cuộc đã gặp chúng tôi và tìm được mộ của cha cậu ấy".
"Chúng tôi không lấy tiền của các gia đình nghèo, dù rất cần nguồn tài trợ để tiếp tục công việc", bà chia sẻ. "Có ông ấy từ Canada về tìm được người thân, sau đó tài trợ cho trung tâm để thực hiện tiếp việc cải táng. Chỉ có các bà sơ và trẻ con thì đâu có thể làm được".
Bà cho biết còn rất nhiều việc phải làm, vì trong vùng còn có nhiều nghĩa trang bỏ hoang, chẳng hạn gần thành phố Phan Thiết và trong Long Điền có những nghĩa trang cũ nằm trong các dự án bất động sản, đang được cắm cọc, phân lô.
Hài cốt của các cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa được chuyển lên xe để về nghĩa trang mới
Những con người đã ra đi trong "cuộc chiến 10.000 ngày", họ chết trong bom đạn, trong khói súng. Sau khi được các sơ và người thân tìm kiếm hài cốt, họ mới thực sự được an nghỉ. Họ nằm bên nhau, bốn bề cây cối, núi đồi chở che. Những ân oán của cõi dương gian không còn quấy rầy họ.
"Tôi mong một ngày mồ mả của các ngài hết cảnh hoang phế, điêu tàn và được phép mang các ngài về đây trước khi người ta san ủi. Nhìn mồ mả hoang tàn, không ai thắp cho một nén nhang, rất đau lòng", bà nói.
"Vì đâu hận thù vẫn còn ở lại ?"
Chiến tranh Việt Nam, một trong những cuộc chiến tranh thảm khốc nhất thế kỷ XX, để lại mất mát cho tất cả các bên. Quân nhân tử trận, dù là của Việt Nam cộng sản, Việt Nam Cộng Hòa hay Mỹ thì đều còn rất nhiều người mất tích, nằm lại nơi rừng sâu, hoặc dưới những ngôi mộ vô danh.
Tuy nhiên, trong khi hai nhóm kia được các nhà nước tổ chức kiếm tìm với nguồn tài lực, vật lực, công nghệ đồ sộ thì những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa tử trận, ở về phía bên thua cuộc và chính thể mà họ phụng sự không còn nữa, bị đẩy ra bên lề của các mối quan tâm dòng chính.
Các cuộc tìm kiếm hài cốt lính Việt Nam Cộng Hòa hoặc quy tập, sửa sang mộ phần ở các nghĩa trang bị bỏ hoang thường được tiến hành trong thầm lặng, lễ tưởng niệm được tổ chức kín đáo, tránh sự để ý của chính quyền.
Hài cốt của lính Việt Nam Cộng Hòa được đưa về để chuẩn bị an táng tại nghĩa trang mới
Cho đến hôm nay, 45 năm đã trôi qua kể từ khi chiến tranh kết thúc, những nỗi lo sợ vẫn còn ám ảnh nhiều quân nhân, người thân trong hành trình tìm kiếm hài cốt. Rất nhiều nỗ lực tiếp cận của BBC News tiếng Việt đã bất thành do nhân vật lo ngại gặp phiền phức.
Có rất nhiều những uẩn ức, những nỗi niềm trong các cuộc kiếm tìm. Bà sơ ở Bình Thuận đã khóc khi nói về thân phận những người lính trong các mộ phần ở nghĩa trang bị bỏ hoang. "Các ngài có người chết từ năm 1960, có người chết sau đó. Hơn nửa thế kỷ rồi, phải có ai chăm sóc chứ", bà chia sẻ.
Năm 2007, nhà thơ Linh Phương, người từng được biết đến với bài thơ "Để trả lời một câu hỏi" được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành bài hát "Kỷ vật cho em" rất nổi tiếng, đã viết những dòng đầy day dứt :
Những người lính Bắc Việt chết - đều được trở về nhà
Những người lính Mỹ chết - đều được trở về Tổ quốc
Những người lính Việt Nam Cộng Hòa chết - vẫn còn nằm nơi rừng thiêng- nước độc
Trong cuộc trò chuyện với BBC News tiếng Việt hôm 28/4, nhà thơ Linh Phương, cũng là một cựu thủy quân lục chiến, chia sẻ : "Cho đến bây giờ, tôi vẫn rất đau xót khi nghĩ về chuyện đó, nghĩ về những đồng đội chưa trở về dù chỉ là nắm xương khô. Đau xót, buồn tủi lắm".
Sau 45 năm, nước mắt của ông vẫn đầy qua điện thoại khi nói về thân phận của các cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa : "Sau chiến tranh, tôi phải đi cải tạo, rồi đi lang bạt khắp các tỉnh thành để kiếm sống, không có điều kiện gặp lại đồng đội còn sống, cũng không thể cùng anh em đi tìm kiếm những người đã tử trận. Tôi làm bài thơ này là trong niềm tâm sự đó, chứ không phải về một trường hợp cụ thể nào", ông ngậm ngùi kể về chặng đời buồn tủi của chính ông cũng như thân phận của các đồng đội.
Các nghĩa trang cũ của Việt Nam Cộng Hòa vốn là đề tài "nhạy cảm" tại Việt Nam sau năm 1975. Tại Đồng Nai, Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa trước đây đã được chính quyền mới đổi tên thành Nghĩa trang nhân dân Bình An. Như một cử chỉ biểu thị thiện chí hòa giải, từng có quan chức Việt Nam tới viếng nghĩa trang này.
Nhưng những ngôi mộ bị bỏ hoang nằm phơi dưới nắng, những người cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa là hiện thân bi kịch của một cuộc chiến tưởng chừng như đã trôi vào quá khứ xa lắc. Nhưng thực ra, vết thương của nó vẫn hiện diện trong mọi ngõ ngách, trên từng phận người và trên bình diện quốc gia.
Mộ tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa được cải táng ở Bình Thuận
Một vết chém xẻ ngang mình đất nước, cắt chia những con người Việt Nam, đẩy họ đứng về những chiến tuyến khác nhau. Để rồi, suốt 45 năm sau khi tiếng súng ngưng bặt, người ta vẫn còn ngại nhau, e dè nhau, nghi kị nhau.
Bài thơ "Tôi xin được hỏi đồng bào của tôi" của nhà thơ Linh Phương kết thúc bằng câu hỏi tu từ :
"Ba mươi hai năm cuộc chiến trôi qua
Vì đâu hận thù vẫn còn ở lại ?"
Câu hỏi của ông từ 13 năm trước, đến bây giờ vẫn chưa có câu trả lời, cũng như số phận các đồng đội ông vẫn còn nơi rừng thiêng nước độc, 45 năm sau khi cuộc chiến trôi qua.
***********************
Thương binh Việt Nam Cộng Hòa : ‘chạnh lòng’ ngày 30/4, ‘khốn đốn’ vì Covid-19
VOA, 01/05/2020
Các thương phế binh của Việt Nam Cộng Hòa nằm trong nhóm người dễ bị tổn thương nhất vì dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam trong khi họ gần như đã bị gạt ra bên lề sự phát triển của đất nước tròn 45 năm sau ngày hai miền được thống nhất, theo tìm hiểu của VOA.
Nghĩa trang của các binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa ở tỉnh Bình Dương
Việt Nam vừa ra khỏi ba tuần cách ly xã hội kể từ ngày 1/4 để chống dịch Covid-19 và kỷ niệm ngày ‘Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước’ theo cách gọi của chính quyền trong nước vào ngày 30/4.
Trong khi đó, các thương phế binh của miền Nam trước đây, vốn bị tật nguyền, mất sức lao động và phải làm các công việc như bán vé số, đi bán dạo hay lượm ve chai, đang phải vật lộn vì mất kế sinh nhai trong mùa dịch.
‘Tủi thân’
Ông Trần Văn Tỷ, 69 tuổi, hiện đang thuê trọ ở đường Tôn Thất Thuyết, Quận 4, thành phố Hồ Chí Minh, là một trong số đó. Hiện ông đang đẩy xe bán bánh tiêu dạo để kiếm tiền sống qua ngày. Trước năm 1975, ông Tỷ thuộc Sư đoàn 18 Bộ binh, Trung đoàn 48, Tiểu đoàn 1 của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Đôi chân ông trúng đạn bị thương hồi năm 1973 trong một trận đánh ở Cẩm Mỹ, Long Khánh, ông nói với VOA.
"Ngày 30/4 đối với tôi là một ngày buồn – ngày buồn của các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa", ông nói. "Thậm chí tôi không đi bán, tôi ở nhà buồn nguyên ngày".
"45 năm qua nhiều khi tôi cảm thấy uất ức trong lòng : Tại sao mình đổ máu, hy sinh một phần thân thể mà bây giờ thành ra như vầy", ông than thở.
Ông Tỷ nói ông thường lên mạng để tìm lại những ký ức ngày xưa của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, trong đó có cuộc diễn binh có sự tham gia của cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
"Tôi coi trên mạng thấy diễn hành ngày trước có tất cả các binh chủng, từ thủy quân lục chiến cho đến bộ binh. Tôi coi mà nước mắt tôi chảy. Tại sao những anh em mình ngày xưa oai phong lẫm liệt mà giờ này tan rã hết trơn. Tôi đau không có cái gì mô tả được", ông bày tỏ với VOA.
"Tại sao đạn không bắn trúng đầu cho tôi chết luôn đi mà trúng ngay giò", ông nói thêm và khẳng định rằng ‘lễ 30/4 (của chính quyền) không liên can gì đến tôi’.
Theo lời ông thì do lệnh cách ly xã hội mấy tuần nay ông ở nhà nên ‘không biết năm nay họ có làm lễ ăn mừng không’.
"Mấy ngày nay tôi cũng hơi ngạc nhiên. Thường mấy năm trước còn chừng nửa tháng đến 30/4 bật vô tuyến lên thấy chiếu phim tài liệu của mấy ổng không hà. Từ ngày có dịch Covid-19 đến nay không thấy chiếu gì hết mà cũng ít có ai nhắc nhở về 30/4", ông cho biết.
‘Cố gắng gồng gánh’
Về cuộc sống của vợ chồng ông trong mùa dịch bệnh, ông cho biết là ‘khó khăn lắm’. Ông nói mặc dù có lệnh cách ly xã hội, nhưng vẫn phải cố đẩy xe đi bán bánh vì ‘không đi bán thì không có tiền trả tiền nhà’.
Ông cho biết thêm là ông đang nợ 2 tháng tiền nhà, mỗi tháng trên 1 triệu, trong khi mấy tuần rồi đi bán rất ế ẩm vì ‘ai cũng ở trong nhà’.
"Hồi sớm mơi vợ chồng tôi ăn mì gói trừ cơm. Thỉnh thoảng cũng phải ăn bánh tiêu ế", ông nói. "Cũng thèm ăn món này món kia nhưng không dám mua vì sợ thâm vào tiền trả tiền nhà".
Theo lời ông Tỷ thì trước kia ông đi bán vé số nhưng nghề này đòi hỏi phải đi rất nhiều nên đôi chân ông ‘chịu không nổi’. Sau đó ông chuyển qua đẩy xe bánh tiêu đi bán – mặc dù có thu nhập ít hơn nhưng chân ông đỡ đau hơn.
"Tôi đi bán từ 6g sáng, đi đến chừng 12g trưa là về. Khi đó đuối sức rồi nên không đi bán nổi nữa", ông nói thêm và cho biết vợ ông làm công nhân bên Quận 7 mỗi tháng được 4-5 triệu nhưng do ốm đau nên phải nghỉ thường xuyên.
Ông nói đi bán mùa dịch ông cũng sợ dính bệnh ‘nhưng vì miếng cơm manh áo nên mình phải liều gan’ và cho biết ông luôn luôn phải đeo khẩu trang khi đi bán.
Những khi xảy ra chuyện đột xuất như ốm đau thì ông Tỷ nói ‘ông vay mượn đầu này đắp đầu kia rồi mai mốt đi bán lấy tiền trả lại’ và rằng ông ‘còn mảnh đạn ở dưới chân nhưng phải chịu vì không có tiền mổ’.
Về sự giúp đỡ của những người xung quanh, ông nói ‘hai vợ chồng ông rất cô độc ở thành phố không có bà con, anh em, bạn bè gì hết nên phải tự thân mà sống’.
"Tôi và vợ tôi có đi nhà thờ Tin Lành. Bên đó họ có cho 10 kg gạo, 1kg đường, chai dầu ăn", ông nói về sự giúp đỡ ông nhận được trong mùa dịch.
Còn về sự giúp đỡ của chính quyền, ông Tỷ nói ông ‘không nhận được một hạt gạo hay một đồng bạc nào. Những người có hoàn cảnh cơ nhỡ trong xóm ông ‘đều được tổ trưởng đến đưa giấy biểu ra phường nhận hỗ trợ’ nhưng người tổ trưởng đó ‘không kêu ông’.
"Cây ATM gạo tôi có nghe nói mà không biết chỗ nào. Tôi có nghe khách mua bánh nói là phải xếp hàng dài. Trong khi đó tôi bán bánh tiêu hổng lẽ tôi đẩy xe lại đó xếp hàng rồi xe bánh tiêu tôi để đâu ? Nếu tôi chờ thì chờ biết chừng nào trong lúc mình bán buôn như vậy", ông bày tỏ.
Tương tự, những hàng quán phát cơm từ thiện ông nói ông cũng không đến được vì không thể đứng xếp hàng với xe bánh tiêu.
"Ngay bữa bắt đầu cách ly có bà bán cà phê thấy tôi tội nghiệp sao hổng biết bả cho tôi được 10 gói mì. Tôi nhận được tôi mừng lắm", ông kể.
Ông nói hy vọng lớn nhất giờ đây là chương trình trợ giúp của nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế mà ông đã từng được tham dự một lần chương trình ‘Tri ân thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa’. Tuy nhiên, ông nói ông bị ‘thiệt thòi’ vì biết được chương trình trợ giúp của nhà thờ này ‘quá muộn’ nhờ vào một người đi đường nói cho ông biết. Do đó, ông chỉ ‘hưởng được sự tri ân một lần duy nhất từ hồi 1975 đến giờ’.
"Tới giờ tôi biết nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, chỗ phòng Công lý-Hòa bình (cũ) đã bị dời đi hết", ông than thở.
‘Bị nhòm ngó’
Ông Tỷ nói mặc dù ông không bị chính quyền địa phương làm khó dễ gì trong cuộc sống nhưng ‘hàng xóm thì hay để ý’ vì biết ông là người của chế độ cũ.
"Hôm trước vui miệng tôi khoe mình được hưởng chương trình tri ân của nhà thờ, có người nói ‘ông coi chừng có ngày công an làm việc với ông này kia’", ông kể và cho biết ông đi đâu ‘cũng bị để ý.’
"Họ ám chỉ tôi là thương phế binh chỉ chờ cơ hội biểu tình để quấy rối trật tự", ông nói thêm.
Hoài niệm về thời kỳ của Việt Nam Cộng Hòa, ông Tỷ kể ngày xưa ông vốn là ‘Việt kiều ở Campuchia được chính quyền miền Nam cho tàu qua rước về vào năm 1970 sau khi chính quyền Lon Nol đàn áp và giết hại người Việt’. Khi đó, cả gia đình ông được chính quyền cấp nhà, nuôi ăn, cung cấp thuốc men trong 18 tháng. Vì lẽ đó mà cả nhà ông đều tham gia quân lực Việt Nam Cộng Hòa, ông cho biết.
"Tôi không bao giờ quên được thời kỳ đó. Đến ngày tôi đi lính cũng vậy. Tôi ăn cơm của nhà binh, sống nhờ lương của quân lực Việt Nam Cộng Hòa", ông nói thêm.
"Những năm qua tôi bật điện thoại lên thăm chừng hoài để coi ở hải ngoại mình có giữ được quân lực Việt Nam Cộng Hòa đến đâu để mình thấy mình mừng", ông chia sẻ.
Khi được hỏi so sánh cuộc sống bây giờ với trước kia, ông Tỷ nói : "Hồi đó có chiến tranh, nhà nước (Việt Nam Cộng Hòa) không mấy lo cho dân đầy đủ. Bây giờ không có chiến tranh, nhà nước cũng có điều kiện lo cho người nghèo, người tàn tật. Nhưng không phải ai cũng được".
"Sài Gòn bây giờ phồn hoa hơn ngày xưa nhưng cũng có nhiều giai cấp lắm", ông cho biết. "Có người có vốn, có khả năng, có thân thích người ta làm giàu. Nhưng cũng có nhiều người tha phương cầu thực làm đủ thứ việc như phụ hồ, bán vé số, chạy xe ôm".
‘Ngày đau buồn’
Từ Giáo xứ Thống Nhất thuộc xã Phú Cường, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Ngọc Tốt, 68 tuổi, nguyên là lính thủy quân lục chiến, nói với VOA rằng ngày 30/4 ‘gợi cho ông nhiều đau buồn’.
"Đã 45 năm rồi, ngày này đối với tôi vẫn là ngày mình bị mất nước – ngày đau buồn", ông thổ lộ. "Còn người dân đâu có biết gì, họ vẫn vui vẻ ăn nhậu với nhau vào ngày này".
Cũng giống như ông Tỷ, ông Tốt nói ông buồn vì ‘ngày xưa một thời oanh oanh liệt liệt mà bây giờ phải lâm cảnh ngộ như vầy’.
Tuy nhiên, ông Tốt, người từng tham gia các chiến trường miền Tây, Hạ Lào rồi Khe Sanh ở Quảng Trị vào năm 1972 và có mảnh pháo trong đầu, nói do năm nay trong nước không tổ chức rình rang ăn mừng ngày 30/4 nên ông cũng cảm thấy ‘bớt chạnh lòng’.
Ông cho biết ông ‘có cảm giác mặc cảm’ khi có người vẫn gọi ông là ‘ngụy quân, ngụy quyền’. "Nhưng tôi nói đất nước đã thống nhất rồi thì không có ngụy quân, ngụy quyền gì hết vì tất cả đã là anh em một nhà", ông nói.
Hiện tại ông Tốt đi bán vé số kiếm sống. Tuy nhiên, do những ngày cách ly xã hội, vé số bị ngưng bán, ông phải ở nhà ‘sống cầm hơi’.
"Tôi không đi bán được, ở nhà có gạo với nước tương nấu ăn", ông nói và cho biết cả vợ và người con trai của ông đều bệnh tật.
Ông cho biết khi chính quyền có chính sách hỗ trợ những hộ khó khăn vì dịch bệnh, trưởng ấp nơi ông ở có ‘đến nhà cho phiếu biểu ra xã lãnh đồ’. Khi đó, ông được cho ‘thùng mì gói, chục ký gạo, nước tương, bột ngọt, đường, dầu ăn’.
Ngoài ra, những người dân xung quanh ‘cũng cho gạo, cho đồ ăn, lâu lâu có người cho 100, 200 ngàn đồng’.
"Coi như gạo trong gia đình ăn có bao nhiêu đâu. Cô bác người ta cho đồ ăn, ngoài chợ người ta kêu cho cá, mắm các thứ", ông nói.
Những lúc đi khám bệnh không có tiền ông nói ‘có khi phải mượn lối xóm nhưng có khi người ta không cho mượn mà cho luôn’.
Cũng giống như ông Tỷ, ông Tốt cũng có xuống nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế để nhận quà Tết và ‘khám bệnh từ thiện’.
Hiện ông Tốt đang ở nhà tình thương do Ủy ban xã cấp cho những hộ nghèo. Ông kể rằng chính quyền xuống thấy nhà ông nghèo, muốn sập nên mới đưa ông vô danh sách được cấp nhà tình thương.
Theo lời ông thì mặc dù vé số đã được phép bán lại từ ngày 29/4, nhưng ông đợi đến sau lễ mới đi bán lại vì ‘mấy ngày lễ không có khách nhiều’.
Ông cho biết đi bán vé số trong mùa dịch ông cũng ‘rất lo’ vì ‘lỡ mà dính bệnh một cái là thua luôn’.
Trong lúc chính quyền Việt Nam dồn sức chống dịch để làm nên ‘Chiến thắng mùa Xuân mới’, ông Tốt nói rằng ông sẽ ‘mừng’ nếu Việt Nam đẩy lui được dịch bệnh.