"Dù thế nào đi nữa, một trật tự thế giới mới sẽ hình thành sau khi trận dịch này qua đi". Tác giả Đoàn Xuân Kiên từ London dự báo như vậy và đưa ra những phân tích của mình về thời cuộc đang thay đổi với những đề xuất thay đổi căn bản cho Việt Nam để không bị lỡ nhịp với chuyến tàu tương lai, bài viết được đăng tải trên BBC News tiếng Việt.
Dù thế nào đi nữa, một trật tự thế giới mới sẽ hình thành sau khi trận dịch này qua đin Việt Nam không bị lỡ nhịp với chuyến tàu tương lai
"Đất nước đã thống nhất 45 năm. Đây là thời gian đủ để Đài Loan vươn lên thành một nước phát triển phồn vinh, phong phú vốn liếng đầu tư sang các quốc gia khác, kể cả Trung Hoa lục địa.
Không đầy 40 năm, kể từ 1964, quốc gia Nam Hàn đã trở thành cường quốc kinh tế vào hàng cường quốc thứ 9.
Việt Nam ta thì sao ? Sau 45 năm thống nhất và rất nhiều công lao xây dựng đất nước, đất nước vẫn chưa thoát ra tình cảnh một xã hội nghèo túng, một nền kinh tế nhiều phần lệ thuộc vào sự cho thuê vốn, xuất khẩu lao động, và thiếu vắng một nền sản xuất công nghiệp cao cấp" - Tác giả Đoàn Xuân Kiên nêu ra vấn đề.
"Nguyên do tình trạng tù đọng chẳng đâu xa : chính lề lối tổ chức xã hội, hệ thống quản lí xã hội phải chịu trách nhiệm cho sự trì trệ bao lâu nay.
Cho đến lúc này, trận dịch Cúm Vũ Hán đã kéo dài hơn 4 tháng, kể từ khi Trung Quốc chính thức công khai vào cuối tháng 12/2019.
Chỉ trong hơn bốn tháng, dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 200 nghìn người trên toàn thế giới.
So với những trận dịch trước của thế kỉ này, như SARS (2003), dịch cúm gia cầm H5N1 (2009), hay dịch Ebola (2014), hệ quả của trận dịch lần này thật là nặng nề trên nhiều mặt sinh hoạt xã hội.
Quốc gia nào giàu hay nghèo cũng sẽ phải đương đầu những khó khăn trong việc khởi động kinh tế sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa xã hội.
Trong suốt thời gian phong tỏa xã hội, nhà nước phải chi những khoản ngân sách vĩ đại chưa từng có tại nhiều nước để ứng phó với việc đình chỉ hoạt động kinh tế xã hội. Mặc dầu vậy, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, nhân viên lâm cảnh thất nghiệp, sản lượng kinh tế sút giảm nghiêm trọng.
Hệ quả về kinh tế là hiển nhiên. Mọi quốc gia đang phải chịu trận với dịch Cúm Vũ Hán sẽ cần một thời gian để phục hưng kinh tế.
Tuy nhiên, qua trận dịch lần này, thế giới đã bàng hoàng nhận ra rằng mặc dầu thế giới đã đi sâu vào toàn cầu hoá từ lâu nhưng đã co cụm vào chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và thiếu sự chung tay giúp sức đáng lẽ cần phải có". Ông Đoàn Xuân Kiên viết.
Trước tiên là sự che giấu có chủ ý của nhà cầm quyền Trung Quốc trong suốt thời gian hai tháng trời từ tháng 9/2019 đến tháng 12/2019, khi mới phát hiện dịch bệnh. Thế giới bên ngoài không được thông tin gì về dịch.
Đến khi chính thức công bố nạn dịch, nhà nước Trung Quốc lại cố ý che giấu những gì thế giới cần nên biết về dịch Cúm Vũ Hán.
Sự che giấu có chủ ý này đã dẫn đến những thắc mắc chính đáng của truyền thông quốc tế và các nhà lãnh đạo quốc gia phương tây khi họ yêu cầu nhà nước Trung Quốc hãy minh bạch trong vấn đề thông tin.
Những động thái vụng về của nhà nước Trung Quốc khi trục xuất những kí giả Hoa Kì, tung hỏa mù là đoàn đại biểu quân đội Hoa Kì đã đem Cúm Vũ Hán vào Vũ Hán, đòi hỏi không gọi tên dịch là dịch Vũ Hán, chọc giân báo chí Đức… tất cả những động thái ấy chỉ gây thêm hoài nghi trong chính giới ở nhiều quốc gia.
Tổng thống Pháp, ngoại trưởng Anh, và nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã phát biểu lịch sự nhưng đủ cương quyết về những dấu hỏi cần có sự trả lời thỏa đáng của nhà nước Trung Quốc.
Sự nghi ngờ của các nước dân chủ về thiện chí của Trung Quốc trong việc hợp tác quốc tế trong trận đại dịch lần này còn tăng thêm nữa khi họ nghĩ đến mưu đồ mờ ám của Trung Quốc. Càng ngày cáng có nhiều người tin rằng đây không phải là sự cố do thiên tai mà là một tai nạn do sự bất cẩn của những người làm việc tại một Trung tâm nghiên cứu vũ khí sinh học Vũ Hán.
Trận dịch Cúm Vũ Hán lần này cũng bộc lộ cho cả thế giới thấy rõ tham vọng bá quyền của Trung Quốc.
Thế giới đã có thể nhận ra những toan tính, những nước cờ chuẩn bị cho cuộc lấn sân của Trung Quốc qua những động thái đầy tính bạo động trên Biển Đông.
Hiện nay, lợi dụng tình trạng lúng túng của Hoa Kỳ và Châu Âu phải đối phó với trận dịch, Trung Quốc đã nhanh chóng xua lực lượng hải quân ra thao túng Biển Đông, uy hiếp các nước trong vùng.
Báo chí và các chính khách cũng nhanh chóng lật tẩy Trung Quốc về những hành vi gọi là nghĩa cử với những gói viện trợ nhân đạo gửi tặng Ý, Hoa Kì trong mùa dịch.
Và thế giới đang dần tỉnh ngộ về một đối tác nham hiểm trong quan hệ với Trung Quốc.
Điều gì sẽ đến sau trận dịch này ?
Hiện nay chưa thấy dấu hiệu của một mặt trận quốc tế để khống chế tham vọng bá chủ của Trung Quốc. Liên minh Châu Âu đương còn bận đối phó với dịch. Hoa Kì cũng đang sa lầy trong cơn dịch vì những đối sách bất nhất và thất thường của giới lãnh đạo.
Tuy vậy, khi các cường quốc kinh tế phương Tây nhận ra chân tướng của Trung Quốc trong quan hệ kinh tế và thương mại thì cũng là lúc họ nhận thức được cái bẫy nguy hại của thị trường 1.4 tỉ người kia.
Hàng hoá rẻ tiền của Trung Quốc ồ ạt vào thị trường phương Tây đã làm các doanh nghiệp bản xứ khó khăn không ít trong việc duy trì sản xuất và tạo công ăn việc làm cho người dân sở tại. Nhưng mối hại lớn lao hơn nữa là hàng hoá phương Tây đã bị lấy cắp sở hữu trí tuệ các sản phẩm công nghiệp cao cấp, bị hàng giả hàng nhái lũng đoạn.
Sau ba bốn thập niên giao thương với Trung Quốc, phương Tây chỉ thấy họ bị người đối tác lừa đảo. Sự lừa dối mới nhất, sâu độc nhất là qua ứng xử của nhà cầm quyền Trung Quốc trong trận dịch hiện nay.
Lớp người lãnh đạo dân tuý rồi sẽ qua đi, để bài toán Trung Quốc sẽ được giải một cách xứng tầm với những mưu toan nham hiểm của Đảng cộng sản Trung Quốc đối với thế giới.
Dù thế nào đi nữa, một trật tự thế giới mới sẽ hình thành sau khi trận dịch này qua đi.
Trận dịch này cũng không cho Trung Quốc nhiều cơ may, khi mà nguy cơ tái phát dịch còn tiềm phục tại chính Trung Quốc.
Bộ máy kinh tế là xương sống cho tham vọng cường quốc bá chủ của Trung Quốc thì cũng đang có những khó khăn do hậu quả của dịch. Ẩn dưới bộ mặt hào nhoáng của một cường quốc là một Trung Quốc có khá nhiều mầm loạn.
Trung quốc là một nhà nước tập quyền toàn trị, sẵn sàng dùng bạo lực để duy trì quyền lực. Trong quá trình cai trị 70 năm của Đảng cộng sản Trung Quốc, họ thường xuyên dùng bạo lực để giữ vững địa vị cai trị, từ cuộc đại nhảy vọt bi thảm những năm 1950 đến "cách mạng văn hoá" (1968), Thiên An Môn (1989), những trại cải tạo đang giam cầm hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ hiện nay… Những tác động bạo lực bao giờ cũng chứa đựng mầm hậu họa phản ứng đối kháng lại không sớm thì muộn dù còn ẩn dấu.
Khi vẫn phải đối phó với dịch hiện nay, bộ máy kinh tế Trung Quốc khó có thể khởi động như trước đây : thị trường rộng lớn của hàng hoá Trung Quốc là Mỹ và phương Tây, nay bị đình trệ, gây gián đoạn gãy khúc chuỗi sản xuất. Kinh tế suy thoái sẽ kéo theo nạn thất nghiệp, nợ công sẽ càng tăng cao…
Đây là một quả bom hẹn giờ khác trong lòng xã hội Trung Quốc. Đảng cộng sản Trung Quốc Trung Quốc sẽ không thể khoanh tay chờ mầm loạn này nổ ra, vì nó sẽ kéo theo những đổ nát khôn lường của Trung Quốc, mà hệ quả lớn nhất sẽ là một nước Trung Quốc vỡ ra nhiều mảnh, như tình trạng Nam Tư sau Tito cuối thế kỉ trước.
Trận dịch sẽ tự làm bó tay Trung Quốc khiến tham vọng bá quyền không dễ gì thực hiện được. Sau trận dịch này, thế giới sẽ không thể vì tham lợi trước mắt mà quên mối nguy hại lâu dài từ Trung Quốc.
Trong bối cảnh chung của thế giới nói chung và trong khu vực địa chính trị Đông Nam Á, Việt Nam sẽ hành xử như thế nào để khỏi trễ chuyến tàu về tương lai ?
Từ tháng 1/2020 đến nay, nhà nước Việt Nam đã nhanh chóng đề ra chủ trương "chống dịch như chống giặc". Biện pháp cách ly triệt để những cá nhân có thể là nguồn lây nhiễm, và sau đó là biện pháp giãn cách xã hội trong mấy tuần lễ đều là những biện pháp kiên quyết và đúng". Tác giả Đoàn Xuân Kiên nhận định.
Tuy vậy, suốt thời gian giãn cách, lực lượng lao động tự do là thành phần khốn khổ nhất. Chẳng qua là vì sợ dịch, sợ nhà nước trấn áp mà nhân dân đã chịu ép mình chịu cảnh đói khổ trong suốt mấy tuần giãn cách xã hội.
Nay mới nghe phong thanh là sẽ nới lỏng giãn cách, người dân lao động đã túa ra đường đi kiếm sống, vì đó là đời sống của họ, với nhận thức rõ ràng là nhà nước không có đủ tiềm lực để lo cho họ.
Thực tế là nguy cơ tái phát dịch Cúm Vũ Hán vẫn còn treo lơ lửng trên đầu người dân, và không thể tiếp tục sử dụng biện pháp săn lùng cách li bằng khối nhân sự cồng kềnh lãng phí nặng tính chất áp chế, truy bức hơn là vì tôn trọng quyền căn bản của con người.
Trước mắt đã thế, nhìn về tương lai sau dịch, có thể thấy đất nước chúng ta đang trải qua một thời cơ rất tốt cho một cuộc thay đổi có tính quyết định cho tương lai : dứt khoát giã từ con đường lệ thuộc vào đế quốc Trung Hoa như suốt thời gian từ 1949 đến nay.
Trong bao nhiêu năm nay, nhà nước Việt Nam chỉ tiếp tục chọn lựa con đường dễ dãi là trượt theo lối mòn của địa chính trị thời chiến tranh lạnh.
Trung Quốc đã trao súng đạn vào tay con em Việt Nam tại miền Bắc để thay họ bắn giết anh em mình ở miền Nam, và Đảng cộng sản Việt Nam đã gọi đó là chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Mỉa mai thay, khi dứt chiến tranh, Đảng cộng sản Trung Quốc lại đòi lại chi phí chiến tranh mà họ cho miền Bắc "vay" trong chiến tranh.
Đã 45 năm độc lập thống nhất, bỏ ra lượng vốn liếng cao hơn nhiều so với Nam Hàn và Đài Loan trong 30 năm đầu tư phát triển của họ. Kết quả thế nào thì thực tế cho ta câu trả lời hiển nhiên. Không thể trách ai, chỉ có thể trách là đảng cầm quyền đã không chọn lựa con đường độc lập dân tộc và phát triển.
Kể từ khi đất nước vào cuộc đổi mới, Đảng cộng sản Việt Nam đã chọn con đường đi theo chủ nghĩa tư bản thân hữu, trong đó liên minh giữa kẻ có quyền và bọn thương nhân có tiền, dẫn đến tệ nạn tham nhũng chưa từng thấy trong lịch sử Việt Nam thời hiện đại.
Kết quả phải đến của mô hình gọi là phát triển này là : sau 45 năm thống nhất, đất nước ta vẫn rơi xuống thứ hạng của một quốc gia nghèo nàn lạc hậu. Bộ mặt phồn hoa xa xỉ của các thành phố từ Bắc vào Nam chỉ là bộ mặt giả tạo của một đất nước đã lỡ những chuyến tàu đi về dân chủ và phồn vinh.
Liệu sẽ lại trễ chuyến tàu lịch sử về tương lai ?
Việt Nam chúng ta đang phải đối mặt trước ngã ba đường : hoặc tiếp tục chọn con đường của Đảng cộng sản Việt Nam đi suốt 45 năm nay, chỉ dẫn đến nghèo đói lạc hậu của thân phận làm thuê ngay trên quê hương mình, hay là con đường độc lập dân tộc, dân chủ và phồn vinh.
Thắng lợi của cuộc nội chiến tương tàn được Đảng cộng sản Việt Nam khoác lên những hào quang như là điều thần kỳ chỉ để lòa mị nhân dân nhưng nay họ đã hầu như tỉnh ngộ về những dối lừa thô thiển ấy.
Nhân dân đã nhận thức rõ là trong 45 năm qua, sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đối với việc xây dựng đất nước trong hòa bình đã là một thất bại khó chối cãi.
Bao nhiêu công của, bao nhiêu sức dân, bao nhiêu đầu tư vào xây dựng và phát triển đất nước đã không đưa đến những kết quả mong muốn. Nguyên nhân đầu tiên và cuối cùng vẫn là sự thao túng độc quyền của Đảng cộng sản Việt Nam đã triệt tiêu sức bật của đại khối dân tộc, lãng phí bao nhiêu trí tuệ sáng tạo của các tầng lớp xã hội khác nhau trong cộng đồng dân tộc.
Hiện nay, cuộc cờ thế giới đang ngả theo hướng tranh giành ảnh hưởng của ba cường quốc có thế lực hiện nay : Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc. Cả ba quốc gia này đang trải qua những biến động khó lường trong thời đại dịch hiện nay và đang đi những bước khác nhau, cùng tranh giành thế mạnh cho cuộc phân chia trật tự thế giới mới.
Việt Nam cần chuẩn bị cho một chọn lựa tốt nhất cho hành trình về tương lai dân chủ và phồn vinh. Giữ vững nền độc lập với một chính sách ngoại giao khôn khéo tận dụng thế lực của các cường quốc ấy làm đối trọng lẫn nhau.
Giải pháp tối ưu cho đất nước là phải dứt khoát loại bỏ óc độc đoán chuyên quyền trong việc lãnh đạo và quản lý đất nước. Mạnh dạn áp dụng những tinh hoa văn minh nhân loại để xây dựng nền dân chủ theo những chuẩn mực đã và đang được các nước dân chủ tiến bộ thực hiện. Mục đích cuối cùng là trả lại quyền hành về cho nhân dân, đảm bảo cho nhân dân có những nhân quyền căn bản như những nền dân chủ khác.
Chỉ có thế, đất nước chúng ta mới khỏi trễ thêm lần nữa chuyến tàu lịch sử tiến về tương lai độc lập dân tộc và phồn vinh". Tác giả Đoàn Xuân Kiên kết luận.
Hoàng Trung (Hà Nội)
Nguồn : Thoibao.de, 03/05/2020