Một người Pháp đã cắm "cờ giải phóng" của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trước Hạ nghị viện của Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1970 nói với VOA rằng :
Những năm tháng dài sinh sống và đồng hành cùng người dân Việt Nam đã giúp ông nhìn thấy rõ chế độ mà ông từng ủng hộ nay đã trở thành một hệ thống mafia chính trị kết hợp với kinh tế, đầy tham nhũng và chà đạp con người, "không xứng đáng" và không phù hợp với quan niệm sống của ông "về con người và nhân quyền".
Từng được chính quyền Việt Nam tôn vinh như một "anh hùng quốc tế" và được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đặc cách cấp quốc tịch Việt Nam với tên "Hồ Cương Quyết" vào năm 2009, ông André Menras nói với VOA rằng ngày xưa ông ủng hộ chính quyền miền Bắc vì không thể chịu nổi cảnh người dân chết chóc trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam, và vì nghĩ rằng chỉ có cách đó mới giúp chấm dứt "cái ác" do chiến tranh gây ra.
"Bởi vì tôi không đi theo chính quyền nào. Tôi không đi theo một ý thức hệ nào. Tôi đi theo con người, tình trạng của con người tại chỗ. Hồi xưa, tôi là giáo viên. Tôi 20 tuổi, là cao thủ bóng bầu dục ở Pháp, có nghĩa là tôi không quan tâm đến chính trị, không biết Marx-Lenin, không thuộc về công đoàn nào. Khi tôi đi xe gắn máy ở nông thôn [Việt Nam] năm 1968, Tết Mậu thân 1969, thì tôi thấy tình trạng của người nông dân ở đó bị đánh bom, bị giết ở trên đường, bị thương ở bụng… Làm sao [tôi] chịu nổi ? Chiến tranh là ác nhất trong thế giới này. Vậy nên tôi phản ứng như một thanh niên Pháp yêu đời và không chấp nhận tình trạng đó. Tôi đã làm như thực tế tôi thấy, không phải theo ý thức hệ", ông Menras kể lại với VOA.
Tuy nhiên, điều mà chàng thanh niên André Menras lúc đó không ngờ tới là vài chục năm sau đó, chính mình lại là người lên tiếng phản đối chính quyền mà mình đã từng tâm huyết ủng hộ.
"Những giá trị của tôi vẫn còn đây, nhưng tôi thay đổi về vấn đề đi theo ai, không theo ai hay chính quyền nào, bởi vì tôi thấy ở Việt Nam một thực tế rất rõ là người dân bị chính quyền cướp quyền và bị coi thường, bị đàn áp. Có một đảng là Đảng Cộng sản đã không tôn trọng người dân và tham nhũng. Không phải tham nhũng ít mà là tham nhũng khổng lồ, là một hệ thống mafia chính trị cấu kết với kinh doanh, lưu manh, và hơn nữa là tôi thấy họ hèn với Trung Quốc", ông André Menras nói.
Sau bộ phim "Hoàng Sa : Nỗi đau mất mát" nói về cuộc sống của ngư dân miền trung Việt Nam trước hiểm hoạ Trung Quốc, ông André Menras mới đây công bố bộ phim mới có tên "Việt Nam : Tiếng gào thét từ bên trong", trong đó quy tụ nhiều tiếng nói từ những "công thần" của chế độ như Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyên phó Bí thư thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh – cựu tù chính trị Lê Công Giàu, nhà văn Nguyên Ngọc, Nghệ sĩ ưu tú Kim Chi… và nhiều trí thức khác như Giáo sư Tiến sĩ Chu Hảo, nhà giáo Phạm Toàn, Giám mục Nguyễn Thái Hợp, luật sư Đặng Đình Mạnh…
Ông Menras nói bộ phim mà ông đã âm thầm thực hiện một mình suốt 2 tháng là nhằm để ghi lại "những tiếng gào thét" về sự thật bên trong một xã hội "không thực sự hòa bình" như trên bề mặt của nó.
Ông cho biết : "Một số người hồi xưa đã chiến đấu, đã phục vụ chế độ này. Nhưng từ từ họ không chịu được sự bất nhân, cái ác của chế độ toàn trị này và cảm thấy như bị phản bội. Giống như bản thân tôi, những giá trị mà tôi đã chiến đấu vì con người, vì hòa bình, thì tôi thấy chế độ này chà đạp, họ ăn mày dĩ vãng và làm ngược lại, lợi dụng cái đó".
Trong phim, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, người đã 104 tuổi và có thể thấy thính lực đã không còn tốt, thừa nhận rằng Việt Nam cần phải thay đổi, mà trước tiên là phải có dân chủ. "Không có dân chủ, chả được cái gì", vị tướng cộng sản nói thêm.
Theo đạo diễn, nhà làm phim tự do người Pháp, bộ phim có tính "lột trần sự thật" này không hề nằm trong ý định ban đầu của ông.
Năm ngoái, ông Menras trở về Việt Nam với dự tính thực hiện bộ phim tài liệu mới về Trường Sa, nhưng sự kiện một người bạn bị bắt sau khi dự buổi họp mặt với các trí thức khác đã khiến ông hoàn toàn thay đổi ý định và quyết tâm thực hiện một bộ phim về nhân quyền.
"Một số người đã xin tôi quay, ghi lại lời nói của họ. Tôi không xin. Họ xin. Họ vui vì có một cách để có thể nói mà người ở bên ngoài và trong nước có thể nghe được. Tôi rất ấn tượng về thái độ của họ. Họ làm không phải vì họ, vì cuộc đời họ đã ở sau lưng rồi, mà vì thế hệ mới, vì tương lai của đất nước. Những người đó là những người rất yêu nước", ông Menras cho biết thêm.
Công dân Việt Nam gốc Pháp này nói rằng với hơn nửa thế kỷ sống với người Việt, từ lâu, ông Menras đã xem Việt Nam là đất nước của mình, và ông "có quyền và có trách nhiệm" nói lên những điều tốt cho đất nước.
Nhà làm phim người Pháp hiện đang nỗ lực phổ biến bộ phim ra quốc tế, với mong muốn tiếng nói của các trí thức trong phim sẽ được lắng nghe, và để bên ngoài biết tình trạng thực sự của con người trong xã hội "hòa bình" tại Việt Nam.
"Họ phải biết chế độ này đã tuyên chiến với dân, và tiêu biểu là vụ Đồng Tâm, khi hàng ngàn cảnh sát cơ động đã tấn công một làng nhỏ nông dân, những người bình thường đã phục vụ chế độ từ mấy chục năm, và hành quyết một ông già đã bị tàn phế ngay trên giường một cách man rợ như vậy thì chế độ này là của ai ?", ông Menras nói với VOA.
Mượn câu nói "Quan nhất thời, dân vạn đại" của người Việt, ông André Menras nói ông tin chắc Việt Nam sẽ phải thay đổi, dù ông không muốn và không dám đưa ra bất cứ một dự đoán nào về tương lai của quê hương thứ hai này.
"Tôi đã học một điều là phải rất khiêm tốn khi nói về lịch sử. Khi tôi đến Việt Nam, tôi không bao giờ nghĩ tôi sẽ treo cờ giải phóng. Khi tôi đã treo cờ giải phóng thì không nghĩ [mình] còn sống, [mà] sẽ bị bắn chết. Sau đó, không nghĩ mình sẽ bị tù. Không nghĩ sau đó 5 năm thì hết bom đạn, khói lửa ở Việt Nam. Nhưng như ông Võ Văn Kiệt đã nói, không nghĩ rằng ‘triệu người sẽ buồn’".
"Như một cách nói ở Việt Nam hay nói là ‘Quan nhất thời, dân vạn đại’, nghĩa là tình trạng ở Việt Nam bắt buộc sẽ phải thay đổi. Có thể tôi không được thấy ngày đó, nhưng chắc chắn tôi biết là ‘dân vạn đại’, nghĩa là dân chủ sẽ thắng. Việt Nam sẽ có một chế độ, một xã hội dân sự và lành mạnh. Đó là một điều chắc chắn", ông Menras khẳng định.
Cũng nhân ngày "giải phóng, thống nhất đất nước" theo cách gọi của "Bên thắng cuộc", nữ nhà báo Bạch Hoàn viết trên facebook của mình rằng "Ai người thắng, ai kẻ bại, nhân dân đều thiệt".
Cô viết : "Dẫu những năm tháng đất nước rơi vào cảnh nồi da xáo thịt đã là quá khứ, dẫu mọi thứ bây giờ đã thuộc về lịch sử, nhưng có lẽ vẫn còn quá nhiều thứ cần nhìn lại để những nỗi đau thôi rỉ máu và vết thương của dân tộc được chữa lành.
Tôi thực sự muốn ngày này, 30/4, có thể trôi qua trong lặng lẽ. Nhưng, chiều nay, ở siêu thị, người ta phát loa ra rả hân hoan chào đón ngày lễ lớn và tưng bừng khuyến mãi để khách hàng được nhận niềm vui trọn vẹn. Và rồi, về nhà, lên facebook, đập vào mắt là status của một cậu ca sĩ đang được nhiều người mến mộ nói về ngày 30/4. Trong status ấy, cậu ca sĩ biệt danh Đen Vâu vẫn giữ đúng tinh thần "giải phóng miền Nam".
Tôi không biết phải chào mừng điều gì hay hân hoan làm sao khi chính cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đã nói rằng, đây là ngày mà đất nước có triệu người vui nhưng cũng có triệu người buồn.
Đến bao giờ họ thôi xát muối vào nỗi đau của những người thua cuộc ? Mà ai đã thua ? Ai mất mát ? Xin được trả lời rằng, đó chỉ có thể là nhân dân. Ai người thắng, ai kẻ bại, nhân dân đều thiệt.
Tôi không trách ca sĩ Đen Vâu. Suy cho cùng, cậu ấy là sản phẩm của nền giáo dục này. Tuy nhiên, tôi thấy tiếc vì cậu ấy đã không tự tìm tòi, không tự mở mang đầu óc và mở rộng tầm nhìn để tri thức được bồi đắp mà thành người làm văn hoá thay vì hành nghề giải trí. Và quan trọng là, để cậu ấy không tiếp tục truyền bá tư duy "ngày giải phóng" vào những cái đầu của người hâm mộ cậu ấy.
Tôi thấy tiếc nhưng không có nghĩa là tôi quy trách nhiệm cho cá nhân nào. Đây là vấn đề phải giải quyết ở thượng tầng. Giáo dục phải thay đổi, đặc biệt là lịch sử với những cuộc chiến mà ở đó người Việt bị chia tách làm hai phía, máu người Việt này đổ xuống bởi bàn tay người Việt khác. Cái gì thuộc về quá khứ hãy trả lại cho quá khứ một cách trọn vẹn.
Thể chế nào, chính quyền nào rồi cũng phải sòng phẳng với nhân dân và đối diện với lịch sử. Lịch sử ấy phải là lịch sử đúng như những gì đã diễn ra, dù thịnh hay suy, dù hùng tráng hay bi ai, thịnh vượng hay suy tàn. Lịch sử không thể là những dòng mô tả ý chí của bất cứ bên nào, dẫu là kẻ thắng hay người thua.
Người thắng cuộc phải biết khiêm nhường để người thua cuộc có thể đứng lên". Nhà báo Bạch Hoàn kết luận.
Ông Ngô Trường An cũng đưa ra cảm nghĩ của mình trên Facebook cá nhân về "ngày giải phóng" với tựa đề hãy nhận định cho rõ.
"Mấy ngày nay trên mạng xuất hiện nhiều dòng trạng thái, bình luận chỉ trích miền Bắc đem quân vào tấn công chiếm miền Nam. Có người còn lớn tiếng, dân miền Bắc đói khổ nên tìm đường vào Nam ăn cướp, chớ giải phóng gì !". Ông Ngô Trường An nêu lên vấn đề.
"Tôi chẳng hiểu những người này trong giai đoạn đó, sinh sống ở miền Bắc có dám chống lại chính quyền Cộng sản Việt Nam để từ chối nhập ngủ không nhỉ ? Với chính sách hà khắc, quản lý con người bằng hộ khẩu và tem phiếu thì bạn chạy đi đường nào mà không tòng quân lên đường vô nam ? Chẳng ai muốn xông vào lửa đạn 9 phần chết, 1 phần sống để ăn cướp đâu. Các vị ơi !
Phải nói rõ ràng thế này, tấn công cưỡng chiếm miền Nam là tập đoàn Cộng sản Việt Nam. Tập đoàn này bao gồm cả người nam và người bắc. Quý vị chỉ trút căm thù lên đồng bào miền Bắc là vô tình tha thứ cho cái đám người miền Nam : Nguyễn Thị Bình, Huỳnh Tấn Phát, Lê Đức Anh…là thủ lĩnh của "mặt trận giải phóng miền Nam" đấy ạ !
Ai ném bom vào nhà hàng Mỹ Cảnh giết chết hơn 50 thường dân. Người nam hay bắc ? Ai đặt mìn giật sập khách sạn Caravelle, người nam hay bắc ? Ai lái máy bay ném bom xuống dinh Độc Lập năm 1974 ? Ai đặt mìn phá cầu, xả súng vô xe khách, ném bom vô chợ ? Người nam hay người bắc ?
Nếu không có người miền Nam theo cộng sản thì bộ đội Bắc Việt có giỏi đằng trời cũng không làm gì được miền nNam đâu ạ. Đánh ở đâu, mục tiêu nào, đường đi nước bước ra sao đều do Cộng sản miền Nam dẫn đường, chỉ lối. Chính bọn họ gây ra cảnh máu đổ, đầu rơi cho bà con ruột rà của mình chớ không ai khác !
Năm 1967 quyền lực cao nhất đã thuộc về tay Lê Duẩn (ông là người Nam chứ không phải người Bắc). Chính ông cùng Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) Võ Chí Công (Quảng Nam) phát động chiến dịch Mậu thân kinh hoàng, gây ra cảnh tang thương cho đồng bào miền Nam từ Bến Hải vô đến Sài Gòn.
Và chính ông Duẩn là người đẩy bộ đội miền Bắc lao vào các cuộc chiến đẫm máu, ác liệt như : mùa hè đỏ lửa Quảng Trị, Khe Sanh, Đồng Xoài, Ba Tơ….và cuối cùng là chiến dịch mang tên "Hồ Chí Minh".
Là người dân, dù là miền nào cũng chẳng ai muốn lao vào chém giết lẫn nhau đâu quý vị ơi ! Đành rằng, cái nôi cộng sản ngự trị ở miền Bắc, nhưng không có nghĩa, toàn dân miền Bắc đều ủng hộ Cộng sản. Chính họ bị nhà cầm quyền bịt mắt, che tai đẩy vào Nam theo tuyên truyền người nam quá khổ, ngày đêm đang rên xiết dưới gót giày Mỹ Ngụy để khơi lòng hận thù của họ. Nếu trong gia đình nào có người không chịu đi, thì cả nhà đó bị cắt lương thực, nhu yếu phẩm. Trong một cơ chế bao cấp từ cây kim sợi chỉ đến quả trứng… Vậy còn đường nào để cả nhà sống mà không phải tòng quân ?
Nếu có trách thì trách bọn ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản kìa. Cái bọn mà cha mẹ nó ốm đau được chính phủ chữa trị không tốn xu nào, con cái nó học hành từ nhỏ đến lớn chính phủ cũng chẳng lấy đồng nào, nhà không có ruộng đất chính phủ cấp ruộng đất cho cày cấy làm ăn. Vậy mà vẫn bỏ nhà cửa, vợ con lên rừng theo cộng sản, để rồi đêm đêm mò vào làng xóm, thành phố đốt nhà, giật cầu, khủng bố dân lành. Chính cha tôi là nạn nhân của bọn này, chúng nó bắt cha tôi dẫn đi thủ tiêu, khi ấy tôi vừa tròn 6 tuổi (1964).
Tóm lại, nếu không có Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, thì Cộng sản Bắc Việt không thể cưỡng chiếm miền Nam dễ dàng như thế.
Điều này phải nhận định cho rõ, chứ các vị cứ trút hết hận thù lên đầu đồng bào miền Bắc mà không đoái hoài gì đến bọn Nam cộng, là không đúng đâu !" Facebooker Ngô Trường An đưa ra kết luận.
Thu Thủy (Thành phố Hồ Chí Minh)
Nguồn : Thoibao.de, 03/05/2020