Vấn đề hòa giải, hòa hợp 'vẫn còn nhức nhối' sau Cuộc chiến Việt Nam
Tina Hà Giang, BBC, 30/04/2020
Vấn đề hòa giải, hòa hợp vẫn còn nhức nhối giữa những người Việt thuộc hai phe, Giáo sư Carl Thayer nói với BBC News tiếng Việt.
Giáo sư Carl Thayer : Vết thương vẫn chưa lành sau 45 năm Cuộc chiến Việt Nam
Đây là khía cạnh của cuộc chiến mà, theo nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế từ Canberra, Úc, có lẽ dân tộc Việt Nam sẽ cần đến 50 năm nữa mới có thể chữa lành.
Trả lời phỏng vấn của Tina Hà Giang, BBC News Tiếng Việt, ông nói về thái độ đối xử của những người chiến thắng đối với những người bị coi là bại trận sau ngày 30/4/1975.
Carl Thayer : Hiệp định Hòa bình Paris hướng tới việc tổ chức bầu cử tại Việt Nam và thành lập Hội đồng Hòa giải, Hòa hợp Dân tộc.
Trong cuộc xung đột ở Campuchia, ông Bùi Tín là người cùng toán quân đầu tiên của quân đội cộng sản Việt Nam tiến vào Phnom-penh [hồi năm 1979].
Khi viết cuốn Hoa Xuyên Tuyết, ông nói một trong những lý do khiến ông rời bỏ chính thể là bởi ông thấy thay vì hòa giải, họ đã đối xử rất tàn nhẫn với cựu thù.
Từng là người cộng sản, phụ trách tờ báo cộng sản [báo Nhân dân], nhưng ông Bùi Tín đã bỏ đi. Lời kể của ông ấy có sự chân thực.
Tôi từng nói chuyện với những người phải đi trại cải tạo. Họ nghĩ là sẽ đi một thời gian ngắn, nhưng hoá ra là đi rất lâu. Nhiều người không được đối xử tử tế.
'Không chấp nhận' và 'không được tin cậy'
Cho nên dù đã 45 năm trôi qua, vẫn có khía cạnh của Cuộc chiến Việt Nam chưa bao giờ được hòa giải.
Cộng đồng người Việt tị nạn chưa bao giờ chấp nhận chế độ hiện thời ở Việt Nam. Họ tiếp tục gặp nhau, mặc những bộ quân phục của mình, và có lẽ là tự hào - tôi chắc chắn là họ thấy tự hào - nhớ về quá khứ.
Nhưng họ chỉ là thiểu số, giống như bản thân tôi vậy, sẽ dần dần biến mất.
BBC : Đó là ông nói tới cộng đồng người Việt đi tị nạn. Còn những người ở lại sau 1975 thì sao, thưa ông?
Carl Thayer : Tôi tin là trong một tài liệu của Việt Nam có phân chia, phân chia theo nguồn gốc gia đình.
Điều gì đã xảy ra với con trai, con gái họ, với thế hệ thứ ba của những người Việt có liên hệ với bất kỳ ai bị coi là phản động, cho dù đó là nhân viên chính phủ Việt Nam Cộng hoà, thành viên của một trong nhiều đảng phái chính trị khi đó, hay là người trong quân lực Việt Nam Cộng hoà?
Với những người Việt trẻ tuổi không bỏ nước ra đi, họ ở lại đó, và thấy bị chặn mọi ngả.
Đại tá Bùi Tín nói đến kẻ thù, nhưng mà đó là con cái, thế hệ con cái đang phải trả giá. Họ không được tin cậy do lý lịch,vì bị coi là con nhà phản động.
Vấn đề là thế này: quý vị có thể nói là họ đã chiến đấu quyết liệt để bảo vệ Việt Nam Cộng hoà. Nhưng cũng có nhiều người bị mắc kẹt trong cuộc chiến, mà đa số người Việt là thế.
Họ phải làm việc để kiếm sống. Họ là những nông dân được hưởng lợi từ chương trình cải cách ruộng đất kiểu Mỹ, theo đó cho người nông dân quyền kiểm soát đất ruộng.
Họ là những người sống nơi đô thị, những người do cuộc chiến mà buộc phải ly tán. Quý vị có thể nhìn thấy họ lang thang trên đường phố trong thời thập niên 1960.
Đột nhiên hệ thống chính trị thay đổi. Khi người cộng sản vào chiếm quyền, miền Nam trở thành kẻ thù.
Đã 45 năm trôi qua, Việt Nam vẫn cần nửa thế kỷ nữa những vết thương này mới lành được.
Tôi nghĩ tới ý tưởng ban đầu, đó là cần phải có một Hội đồng Hòa hợp, Hòa giải Dân tộc, và hai bên phải bằng cách nào đó thành lập ra một hệ thống chính trị có khả năng đưa mọi người xích lại bên nhau.
'Bắc thắng trận Nam thắng kinh tế'
Carl Thayer : Với chiến thắng bất ngờ, những người Cộng sản giành chiến thắng.
Những người thua cuộc hay những người bị kẹt trong cuộc chiến có xu hướng bị phân biệt đối xử trong những năm đầu.
Tôi có thể nói là điều đó diễn ra cho đến năm 1986 khi bắt đầu quá trình Đổi Mới.
Từ đó thì ta có 'Bắc thắng trận Nam thắng kinh tế'- đó là cách diễn tả mà tôi nghe được. Sức mạnh mới của miền Nam, kinh tế thị trường, đã có hiệu quả.
Và đúng là một khi các hạn chế được dỡ bỏ, Việt Nam trở thành một nhà xuất khẩu gạo đáng gờm, xuất gạo ra thế giới. Nhưng tôi cũng nói rằng còn có cả chuyện xuất khẩu gạo từ miền Nam ra miền Bắc nữa, bởi mô hình hợp tác xã nông nghiệp hoạt động không hiệu quả.
'Việt Nam mới đã biết cảm thông hơn so với thời Việt Nam 1975'
BBC : Nhìn lại 45 năm qua, theo ông thì nay mỗi bên của cuộc chiến có thể làm gì để hòa giải, hòa hợp dân tộc thực sự ?
Carl Thayer : Tôi đã nói về một phía của câu chuyện, và tôi đã nói mạnh mẽ.
Nhưng phải thấy là tuy người Cộng sản nắm quyền năm 1975 và người Cộng sản ngày nay vẫn cùng có hệ thống chính trị độc đảng, vẫn đàn áp, nhất là với những ai muốn cổ suý nhân quyền và tự do tôn giáo, nhưng Việt Nam đã trở nên đa nguyên hơn, nhiều cảm thông hơn.
Rất nhiều ý tưởng đã có thể được bày tỏ.
Tôi nghĩ về sự chia rẽ Bắc - Trung - Nam. Đảng cộng sản cố tình chọn người lãnh đạo, tổng bí thư đảng có lẽ luôn là người miền Bắc, nhưng người miền Nam đã giữ các vị trí chủ tịch nước, thủ tướng..., như ông Nguyễn Tấn Dũng chẳng hạn, hay ông Trương Tấn Sang.
Và bởi vì Việt Nam chuyển mình, cho nên đã có phong trào, tuy không phải luôn thế, lúc ban đầu là người miền Bắc, các viên chức hành chính miền Bắc, chuyển vào Nam, và nay thì cả các công việc khác, giáo dục, kinh tế tư nhân... mọi người dịch chuyển và nhiều hơn nhiều.
Nhưng trong nước Việt Nam mới này, mọi người vẫn muốn có thêm tự do, nhất là muốn nói trên Facebook về các vấn đề gây tranh cãi, về vụ Formosa gây ô nhiễm môi trường...
Họ muốn bày tỏ quan điểm về những chuyện đó và việc này không liên quan gì tới giai đoạn 1975 hết. Nó là chuyện của Việt Nam ngày nay.
Tuy vẫn chưa được chính thức nêu ra ở Việt Nam nhưng nhiều khía cạnh đã được thực hiện.
Điểm chung ở đây là quý vị có thể là người từng đi cải tạo, là đảng viên Cộng sản, là người chống Cộng, nhưng quý vị đều có thể trở về kỷ niệm các vị vua, các vị Chúa Nguyễn, những chương trong lịch sử Việt Nam, những phong tục, tập quán, những ca khúc cả hai bên có chung với nhau.
Tôi nghĩ là chế độ hiện nay đang thúc đẩy mặt trận văn hoá để bản sắc văn hoá Việt Nam mà cả hai bên có chung với nhau không bị chìm nghỉm, bị thất lạc tại Mỹ, Pháp hay Đức, khi người Việt hòa nhập vào những môi trường đó.
Tina Hà Giang thực hiện
Nguồn : BBC, 30/04/2020
********************
Việt Nam : Thảo luận về triển vọng đa đảng trong tương lai
Quốc Phương, BBC News Tiếng Việt
Trong phần hai trao đổi với BBC News tiếng Việt về 45 năm ngày 30/4/1975, giới nghiên cứu tiếp tục thảo luận về cuộc chiến tranh tại Việt Nam và hướng tới tương lai của Việt Nam với Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Luật sư Lê Công Định, Giáo sư Vũ Tường, Tiến sĩ Nghiêm Thúy Hằng, Giáo sư Vladimir Kolotov.
Việt Nam hiện nay nói chỉ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng
Nguyễn Mạnh Hùng : Đây là sự đã rồi (fait accompli), đặt ra chỉ tiếp tục gây tranh cãi, không thực tiễn và không có lợi cho dân tộc. Nhưng cũng có nhiều người nghĩ khác và họ có quyền nghĩ như vậy.
Trước đây cũng có người đề nghị triệu tập lại Hội nghị Paris để buộc chính quyền Hà Nội phải thi hành những điều khoản mà họ đã cam kết. Theo hiểu biết giới hạn của tôi, việc áp đặt với bên chiến bại thì có, áp đặt với bên thắng cuộc thì chưa có trong lịch sử.
Lê Công Định : Trong cuộc nội chiến từ 1955 đến 1975, Bắc Việt là kẻ xâm lược và gây nên cuộc chiến nồi da nấu thịt đẫm máu, dưới chiêu bài "chống đế quốc xâm lược, giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước".
Chiêu bài đó có thể lừa được nhiều người tâm trí thấp, nhưng không thể lừa tất cả.
Cuộc xâm lược đó không những vi phạm Hiệp định Paris 1973, mà còn ngược thời gian về trước vi phạm cả Hiệp định Geneva 1954, tức là vi phạm luật pháp quốc tế và cam kết quốc tế.
Điều đó miễn bàn. Mặt khác, qua đó chúng ta có thể thấy rõ rằng người cộng sản chỉ giả vờ hòa giải bằng các thoả thuận và hiệp định, nhưng ngay từ đầu chưa bao giờ họ có ý định đàm phán hòa bình thật sự, mà muốn dùng bản hiệp định để chuẩn bị lực lượng và loại bỏ bớt đối thủ mạnh trên chiến trường, từ đó dùng quân sự để xâm chiếm.
Vũ Tường : Hành động chiến tranh là bất hợp pháp vào lúc đó, đó chính là lý do tại sao miền Bắc phải núp bóng dưới danh nghĩa Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam là một tổ chức mang danh độc lập nhưng do Hà nội kiểm soát.
Do sự sùng bái chủ nghĩa dân tộc trên thế giới vào thời đó, do sự vận dụng tinh thần dân tộc trong một chừng mực nào đó của Đảng Cộng sản, nên việc sử dụng bạo lực bất hợp pháp trên có phần nào tính chính danh đối với nhiều người. Dĩ nhiên câu nói từ xưa "được làm vua, thua làm giặc" cũng áp dụng trong trường hợp này, sau năm 1975.
Để có thể tái lập công lý, cần có một chính quyền khác không hẳn là chống cộng sản.
Chính quyền mới có thể sửa chữa những bất công trong quá khứ bằng cách bãi bỏ hoàn toàn những chính sách phân biệt đối xử cũng như đền bồi danh dự (và có thể một phần vật chất) không chỉ cho những nạn nhân của chính sách trả thù sau năm 1975 đối với miền Nam mà còn cho hàng triệu nạn nhân của một thời "chuyên chính vô sản" và "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội".
Công lý không đồng nghĩa với trả thù những người cộng sản hôm nay vì chính sách sai lầm của những người cộng sản đi trước, và chính quyền cộng sản hiện nay cũng có thể tái lập công lý mặc dù việc này khó xảy ra vì giới lãnh đạo đặt quyền lợi phe đảng của họ trên quyền lợi của dân tộc.
Nghiêm Thúy Hằng : Ai đọc lịch sử văn minh Phương Đông thì sẽ hiểu toàn vẹn lãnh thổ là giá trị cốt lõi, căn bản và thiêng liêng của tất cả các dân tộc.
Đằng sau giá trị này là loại hình văn hóa cộng đồng bản vị. Xâm phạm đến toàn vẹn lãnh thổ cũng giống như xâm phạm đến thần linh, đến quê cha đất tổ, mồ mả tổ tiên và chia cắt các gia đình, những điều cấm kỵ trong văn hóa bản địa.
Ai đọc lịch sử Việt Nam cũng đều thấm thía độc lập, tự chủ, ổn định và hòa hiếu là những giá trị cốt lõi xuyên suốt trong toàn bộ lịch sử dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm của Việt Nam.
Đã gọi là giá trị cốt lõi thì nó có thể còn cao hơn cả mạng sống. người ta có xu thế cố sống cố chết hy sinh để giữ cho bằng được. Hành động chiến tranh là xấu xa, chiến tranh ủy nhiệm trong con mắt của những thế hệ hậu chiến như chúng tôi còn xấu xa, đáng lên án và phỉ nhổ hơn nữa. Tuy nhiên, khi cân nhắc đến những giá trị cốt lõi như đã nói ở trên thì chúng tôi hoàn toàn có thể lý giải, thông cảm và hiểu được.
Tôi không quan trọng ai là "bên thắng cuộc", một khi đã xảy ra nội chiến, xảy ra " chiến tranh ủy nhiệm", huynh đệ tương tàn, gà cùng một mẹ đá nhau, thậm chí giết nhau thì cả dân tộc cùng thua, cùng đau thương mất mát như nhau, không có bên nào thắng cả.
Thực tế lịch sử đã chỉ ra Miền Nam có Mặt trận dân tộc giải phóng,
Miền Bắc tuy có giúp đỡ chi viện nhưng về cơ bản những phong trào đấu tranh vẫn do người miền Nam làm chủ chốt, không ai thay thế được.
Những dáng đứng Bến Tre, những chị Út Tịch, Nguyễn Văn Trỗi, Võ Thị Thắng, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Bình vẫn là những minh chứng cho một bộ phận khát vọng thống nhất của chính người dân Miền Nam.
Điều làm nên thắng lợi chung cuộc của cả dân tộc là sự bền bỉ trong ý chí và quyết tâm, là tính chính nghĩa trong sự lựa chọn và bảo vệ giá trị toàn vẹn lãnh thổ cốt lõi của cả dân tộc, là thắng lợi trên mặt trận đấu tranh ngoại giao khiến Mỹ cuối cùng phải buông tay, không can thiệp, cắt viện trợ, đưa hệ thống chính quyền do Mỹ hỗ trợ vào nguy cơ sụp đổ.
Quan trọng hơn nữa, trong con mắt của thế hệ sau như chúng tôi, thắng lợi đó là nhờ sự thức tỉnh lương tâm lương tri của các lãnh đạo người Việt, đặc biệt là các ông Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Hương, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu… đã biết đặt toàn vẹn lãnh thổ, mạng sống của đồng loại, quyền lợi của dân tộc lên trên danh dự cá nhân, danh dự quân nhân, chuyển giao chính quyền một cách hòa bình cho Mặt trận lâm thời giải phòng Miền Nam Việt Nam, sau đó là cho chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau một cuộc hiệp thương chính trị.
Tôi cho rằng đây là một cuộc chuyển giao hòa bình và hoàn toàn hợp pháp, là hồng phúc lớn của dân tộc Việt Nam. Những đứa con của cùng một mẹ Việt Nam cuối cùng cũng đã bỏ súng xuống, giảng hòa với nhau, đây là một kết cục tốt đẹp và hoàn toàn phù hợp với công pháp quốc tế.
Công lý, công bằng ?
BBC : Có những vấn đề gì về công lý, công bằng lịch sử có thể cần đặt ra ?
Lê Công Định : Công lý có một quy luật bất biến là bản thân nó phải được thực thi. "Justice soit faite !"
Không ai gây tội ác mà không bị trả giá, trừ phi kẻ thủ ác thực sự hồi tâm và hoàn lương.
Nguyễn Mạnh Hùng : Có nhiều vấn đề cần phải xét, và cũng có nhiều phương thức, nhưng phải xét với tinh thần bao dung và tôn trọng sự thật. Ủy ban Tìm kiếm Sự thật và Hòa giải Dân tộc (Truth and Reconciliation Commission) ở Nam Phi là một thí dụ. Ủy Ban này chủ yếu do bên thắng cuộc thiết lập.
Vladimir Kolotov : Về việc thực hiện chính sách hòa giải thì tôi nhớ câu chuyện của một cựu chiến binh Việt Nam kể.
Ngay sau khi giải phóng Sài Gòn, ông gặp một sỹ quan chế độ cũ và hỏi họ : Giả sử nếu các anh chiến thắng, thì tôi có được cư xử như thế này hay không ? Họ trả lời là chắc chắn bộ đội miền Bắc Việt Nam sẽ không được đối xử tử tế như thế.
Vũ Tường : Để có thể tái lập công lý, cần có một chính quyền khác không hẳn là chống cộng sản.
Chính quyền mới có thể sửa chữa những bất công trong quá khứ bằng cách bãi bỏ hoàn toàn những chính sách phân biệt đối xử cũng như đền bồi danh dự (và có thể một phần vật chất) không chỉ cho những nạn nhân của chính sách trả thù sau năm 1975 đối với miền Nam mà còn cho hàng triệu nạn nhân của một thời "chuyên chính vô sản" và "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ nghĩa Xã hội".
Công lý không đồng nghĩa với trả thù những người cộng sản hôm nay vì chính sách sai lầm của những người cộng sản đi trước, và chính quyền cộng sản hiện nay cũng có thể tái lập công lý mặc dù việc này khó xảy ra vì giới lãnh đạo đặt quyền lợi phe đảng của họ trên quyền lợi của dân tộc.
Nghiêm Thúy Hằng : Là thế hệ hậu chiến, tôi phản đối và bất bình với cách thức bên thắng cuộc đã hành xử với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và với người dân. Giá như hai bên thương yêu, bao dung và tôn trọng nhau trên tinh thần thượng võ và nhân bản như những gì các lãnh đạo nước Mỹ đã làm được sau nội chiến (1861-1865) thì đã không có những vết thương chiến tranh hằn sâu đến như vậy trong lòng cả dân tộc.
Tuy nhiên nước Mỹ không phải trải qua chiến tranh ý thức hệ và chiến tranh ủy nhiệm tàn khốc như Việt Nam, việc hòa giải cũng dễ dàng tự nhiên hơn.
Máu không thể rửa bằng máu, hận thù không thể xóa tan thù hận, chỉ có những dòng nước nhân bản trong trẻo ngọt lành theo thời gian mới có thể hóa giải được hận thù.
Nuôi hận thù chẳng khác gì nuôi rắn độc trong tim và trong óc, tôi hy vọng thế hệ chúng tôi và thế hệ sau này sẽ tỉnh táo, có sự lựa chọn phù hợp để có cuộc sống hạnh phúc.
Công lý, công bằng của người Việt được thực thi theo đúng luật nhân quả, nó vẫn đang diễn ra theo đúng dòng chảy tự nhiên và sẽ làm tốt vai trò của nó.
Triển vọng, tương lai ?
BBC : Các ông nghĩ thế nào về xu thế đòi hỏi có đa đảng ở Việt Nam. Trong những năm tới, liệu đòi hỏi này có mạnh mẽ hơn ?
Lê Công Định : Sự thay đổi đó là nhu cầu từ rất lâu rồi, không chờ đến lúc này.
Thể chế độc tài toàn trị chưa bao giờ giúp một quốc gia phát triển.
Muốn dân tộc Việt Nam phục hưng và có tương lai tươi sáng dứt khoát phải từ bỏ chủ nghĩa cộng sản và thể chế nhà nước/pháp luật cộng sản.
Xây dựng một chế độ dân chủ hậu thuẫn bởi nền tảng đa đảng chính trị đối lập và đa nguyên tư tưởng là điều kiện cần để Việt Nam văn minh và cường thịnh. Điều đó cũng miễn bàn.
Vladimir Kolotov : Đây là câu hỏi có tính ý thức hệ.
Nếu nhìn vào tham số kinh tế, thì phải công nhận là từ đầu thập niên 90 đến nay, mức tăng trưởng GDP ở Việt Nam bình quân là 7% một năm.
Điều đó chứng minh là chính phủ Việt Nam có tính hiệu quả quản lý cao.
Một bằng chứng hiển nhiên nữa là hiện nay Việt Nam đang chiến thắng đại dịch Covid-19 nhờ có chính sách đúng đắn của Đảng và chính phủ, cùng tinh thần đoàn kết, ủng hộ của người dân.
Vị thế của Việt Nam đang có uy tín cao trên chính trường thế giới : Việt Nam là Chủ tịch Asean, đồng thời là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc với số phiếu tán thành kỷ lục.
Nguyễn Mạnh Hùng : Tư do, dân chủ là những giá trị phổ quát mà người dân bất cứ ở đâu cũng muốn có.
Phương châm của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trước đây và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Viêt Nam ngày nay vẫn là "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc." Người dân Việt Nam muốn có tự do. Những người bất đồng chính kiến đòi dân chủ.
Nhà cầm quyền Việt Nam cũng nói dân chủ là hướng phải đi tới.
Chừng nào mà mục tiêu chung này chưa được thực hiện thì sức ép vẫn còn cho đến khi nó được thực hiện.
Vũ Tường : Như tôi đã nói ở trên, thể chế đa nguyên đa đảng là cần thiết và tất yếu nếu Việt nam còn tiếp tục phát triển.
Nghiêm Thúy Hằng : Đây là một câu hỏi rất nhạy cảm trong bối cảnh chính trị xã hội hiện thời của Việt Nam, tuy nhiên tôi vẫn sẽ trả lời một cách thẳng thắn.
Đa nguyên tư tưởng là một thực tế khách quan của con người, không một thế lực nào, không một thể chế nào cấm đoán nổi dòng chảy tự nhiên của đa nguyên tư tưởng và sự khác biệt vốn có của các cá nhân con người và các cộng đồng dân tộc.
Tuy nhiên, thể chế và chế độ chính trị cũng chỉ là một phần trong kết cấu văn hóa của mỗi dân tộc, ngang bằng với các nhân tố hình thái ý thức tinh thần, hình thái vật chất, với văn hóa hành vi của một dân tộc.
Đã gọi là văn hóa thì sẽ không có đúng/sai, cao/thấp, tốt/xấu, đơn giản chỉ là sự sàng lọc, gạn đục khơi trong và sự lựa chọn tự nhiên của số đông, của những thế lực tiên phong dẫn dắt các tiến bộ xã hội trong những điều kiện lịch sử xã hội nhất định. Đã gọi là văn hóa và lựa chọn thể chế thì cũng sẽ luôn có mặt mạnh mặt yếu như hai mặt của một tờ giấy hay nhiều mặt của một khối đa diện, đòi hỏi cả dân tộc phải sáng suốt.
Thực tế phân hóa tư tưởng, phân hóa xã hội trong lòng các thể chế đa nguyên đa đảng như Mỹ hay Châu Âu khiến tôi có những băn khoăn nhất định.
Ngoài ưu thế rõ ràng về sự thay đổi và sáng tạo, tạo ra nhiều của cải vật chất, mô hình các đảng đối lập cạnh tranh để thực hiện mong muốn nguyện vọng của số đông người dân như vậy đã thực sự là mô hình lý tưởng nhất hay chưa, hay sẽ tạo nên nguy cơ của xu thế "mị dân", "nhân văn giả tạo", làm suy yếu khả năng bảo vệ sức khỏe tính mạng người dân, không tốt cho sự ổn định phát triển của xã hội như thực tế đang bộc lộ và diễn ra gần đây ?
Tôi xin nhắc lại, độc lập tự chủ, hòa hiếu và ổn định vẫn luôn là các giá trị cốt lõi của Việt Nam, hy sinh giá trị ổn định để xây dựng mô hình đa nguyên đa đảng như phương Tây có phù hợp không, có đáng không, có hiện thực không, có được cả dân tộc cùng lựa chọn hay không là một câu hỏi hoàn toàn không dễ để trả lời.
Tôi tin không nhiều người Việt muốn hy sinh sự ổn định, muốn có chiến tranh và chịu chấp nhận cái giá phải trả cho chiến tranh. Không có ổn định, hòa bình cũng không thể phát triển được, đấu đá nhau thì nước mất, nước mất thì nhà tan.
Theo tôi những thay đổi về thể chế tại Việt Nam không đứng đơn độc và phần nào phụ thuộc vào mô hình thể chế của cả hệ thống lớn, khi Liên Xô tan rã thì mô hình thể chế của Việt Nam cũng có nhiều thay đổi về căn bản.
Mô hình thể chế của Việt Nam hiện tại chỉ có khả năng thay đổi lớn khi mô hình thể chế quản lý xã hội của Trung Quốc có những thay đổi cơ bản.
Trước mắt, khi những thay đổi long trời lở đất như vậy tạm thời chưa xảy ra thì Việt Nam nên lành mạnh bộ máy, nhất là thận trọng trong lựa chọn thế hệ lãnh đạo mới, tìm những con người thực sự mang trong mình tinh hoa của dân tộc, trung thành với các giá trị cốt lõi, thực sự tử tế và nhất là phải "của dân, do dân, vì dân".
Có những cá nhân tài giỏi, tử tế sẽ có một chính quyền tài giỏi, tử tế. Có chính quyền thực sự tử tế "của dân, do dân, vì dân" sẽ có tất cả, thực tế diễn ra tại nước Mỹ mấy trăm năm qua đã chứng tỏ điều này, họ chính là một chế độ chính trị như vậy, chỉ khác là họ chọn giá trị "tự do" còn người Việt Nam chúng ta thường chọn giá trị "hòa hiếu", hòa cả làng làm giá trị cốt lõi nhất , đã là giá trị cốt lõi thì không dễ gì thay đổi.
Quốc Phương
Nguồn : BBC, 02/05/2020