Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/05/2020

Những thách thức của quan hệ đối tác Nga-Trung

Elizabeth Wishnick

Quan hệ đối tác Trung-Nga đã được củng cố đáng kể trong hai năm qua. Tuy nhiên, những thay đổi tiềm tàng trong chính sách của Mỹ và đặc biệt là những diễn biến ở Trung Á và Bắc Cực có thể thách thức mối quan hệ này trong tương lai.

ngatrung1

Mối quan hệ cá nhân mạnh mẽ giữa Tập Cận Bình và Vladimir Putin cho phép họ điều khiển quan hệ này, vốn được củng cố hơn nữa bằng cách tiếp cận tương đồng của họ với sự lãnh đạo độc đoán.

Mặc dù điều này diễn ra đồng thời với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và căng thẳng Mỹ-Nga gia tăng, quan hệ đối tác Trung-Nga đã bắt đầu trở nên sâu sắc ngay trước khi Mỹ có những thay đổi trong chính sách đối với mỗi nước, như được chứng thực trong một cuộc thảo luận về hợp tác Trung-Nga trong nông nghiệp, công nghệ, các vấn đề quân sự và Bắc Cực. Tuy nhiên, hợp tác trong tất cả các lĩnh vực này có những giới hạn và các nhà phân tích Trung Quốc hiện đang tranh luận về mức độ mong muốn và tính khả thi của một mối quan hệ đối tác như vậy. Mối quan hệ cá nhân mạnh mẽ giữa Tập Cận Bình và Vladimir Putin cho phép họ điều khiển quan hệ này, vốn được củng cố hơn nữa bằng cách tiếp cận tương đồng của họ với sự lãnh đạo độc đoán. Tuy nhiên, những thay đổi tiềm tàng trong chính sách của Mỹ và đặc biệt là những diễn biến ở Trung Á và Bắc Cực có thể thách thức mối quan hệ đối tác Trung-Nga trong tương lai.

Từ những năm 1970, các nhà phân tích đã sử dụng tam giác chiến lược để minh họa các mô hình trong quan hệ giữa Washington, Moskva và Bắc Kinh. Theo lôgích tam giác, việc củng cố các mối quan hệ Trung-Nga sẽ là một phản ứng tự nhiên trước những căng thẳng hiện tại trong quan hệ Mỹ-Nga và Mỹ-Trung. Quả thật, có rất nhiều dấu hiệu cho thấy sự củng cố quan hệ như vậy. Vào ngày 5/6/2019, Trung Quốc và Nga đã nâng cấp mối quan hệ của họ lên thành Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì một kỷ nguyên mới, có đặc trưng là sự hỗ trợ lẫn nhau lớn hơn. Đường ống khí đốt Sức mạnh Siberia được khánh thành vào tháng 12/2019 và đến năm 2024, nó sẽ bơm 38 tỷ mét khối/năm cho Trung Quốc. Cây cầu đường sắt đầu tiên kéo dài từ Đồng Giang ở tỉnh Hắc Long Giang đến Nizhneleninsk ở Khu tự trị Do Thái của Nga đã khai trương vào tháng 3/2019. Cây cầu cao tốc được chờ đợi từ lâu nối liền Hắc Hà ở phía Đông Bắc Trung Quốc đến Blagovechensk ở Viễn Đông Nga đã được hoàn thiện vào tháng 11/2019 và được đưa vào sử dụng vào cuối mùa Xuân 2020. Thương mại Trung-Nga đạt 100 tỷ USD vào năm 2018, Tập Cận Bình và Vladimir Putin cũng cam kết tăng gấp đôi con số này vào năm 2024.

Hai nhà lãnh đạo đã tạo dựng một mối quan hệ cá nhân mạnh mẽ và quan hệ đối tác của riêng họ là một yếu tố quan trọng thúc đẩy một số dự án, đặc biệt là trong các lĩnh vực năng lượng được kết nối về mặt chính trị ở mỗi nước. Mặc dù doanh số bán vũ khí quân sự không lớn như trong những năm 1990, song hợp tác quân sự giữa Nga và Trung Quốc đã tăng tốc trong những năm gần đây, trong đó có việc thường xuyên tham gia các cuộc tập trận trên bộ và trên biển. Trong năm 2019, chúng ta đã chứng kiến hai trường hợp đáng chú ý là các cuộc tuần tra không quân chung và hợp tác phòng thủ tên lửa. Hai máy bay ném bom tầm xa Tu-95 của Nga đi cùng máy bay ném bom Xian H6-K của Trung Quốc trong một cuộc tuần tra chung trên vùng biển quốc tế nằm giữa Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên, khiến cả hai nước này phải tiến hành hoạt động đánh chặn. Tháng 10/2019, Putin đã tiết lộ rằng Nga đang giúp Trung Quốc phát triển hệ thống phát hiện phóng tên lửa.

Đúng là những căng thẳng nhất định trong các mối quan hệ Trung-Mỹ và Nga-Mỹ đã ảnh hưởng đến quan hệ Trung-Nga kể từ năm 2018. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, việc Mỹ nỗ lực hạn chế sử dụng công nghệ 5G của Hoa Vi, việc Chính quyền Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), các biện pháp trừng phạt của nước này đối với Nga và quan điểm về cuộc cạnh tranh nước lớn ở Bắc Cực đều thúc đẩy quan hệ Trung-Nga gần gũi hơn. Tuy nhiên, như chúng ta sẽ thấy dưới đây, hợp tác Trung-Nga trong nông nghiệp, công nghệ, phòng thủ tên lửa và Bắc Cực đã diễn ra trước khi Chính quyền Trump đưa ra các chính sách về những vấn đề này và phản ánh việc từng bước thiết lập lại quan hệ giữa Nga và Trung Quốc trong thập kỷ qua hơn là việc phản ứng lại những thay đổi gần đây hơn trong quan hệ của Mỹ với Trung Quốc và Nga.

Dù có bằng chứng cho thấy hợp tác ở mức độ sâu sắc hơn, nhưng có những giới hạn đối với sự hợp tác trong tất cả các lĩnh vực vấn đề này. Các nhà phân tích Trung Quốc về quan hệ đối tác Trung-Nga hiện đang tranh luận về việc hợp tác với Nga khả thi và được mong muốn đến mức nào. Trong tương lai, mối quan hệ mạnh mẽ giữa Tập Cận Bình và Putin, cả hai đã thực hiện các bước đi để duy trì quyền lực trong tương lai gần, có khả năng duy trì sự ổn định trong mối quan hệ đối tác này. Hơn nữa, hai nước có lợi ích tương đồng trong một số lĩnh vực quản trị độc đoán, bao gồm chủ quyền Internet và không can thiệp vào công việc nội bộ. Tuy nhiên, những thay đổi trong môi trường bên ngoài của họ, bao gồm cả mối quan hệ của họ với Mỹ cũng như những diễn biến ở Trung Á và Bắc Cực, sẽ thử thách việc củng cố quan hệ đối tác Trung-Nga.

Hơn nữa, vào ngày 30/1/2020, dịch Covid-19 làm gián đoạn đột ngột các tương tác xuyên biên giới, vốn luôn là điểm yếu trong mối quan hệ hai nước. Với việc 2 công dân Trung Quốc đã đến miền Đông nước Nga được chẩn đoán mắc Covid-19, biên giới đất liền đã bị đóng cửa, và hầu hết các tuyến đường hàng không và đường sắt đều bị cắt đứt.

Đậu tương và nông nghiệp

Đáp trả việc Mỹ áp thuế 2,4 tỷ USD đối với thép và nhôm của mình, Trung Quốc đã áp thuế lên nông sản và sản phẩm công nghiệp nhập khẩu từ Mỹ với mức tương đương. Trước khi Trung Quốc áp đặt mức thuế trả đũa 25% đối với đậu tương của Mỹ, 1/3 lượng đậu tương của Mỹ là đến Trung Quốc. Nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc, vốn đạt đỉnh điểm 94,2 triệu tấn vào năm 2017-2018, đã giảm hơn 11 triệu tấn trong năm 2018-2019 xuống còn 82 triệu tấn. Trung Quốc, nhập khẩu hơn 75% lượng đậu tương, đã phải lựa chọn phương án khác thay thế Mỹ, vốn là nước cung cấp chính mặt hàng này. Với việc Mỹ không xuất khẩu đậu tương sang Trung Quốc vào tháng 11/2018, đỉnh điểm của mùa trồng trọt, Trung Quốc đã phải chật vật để tìm nhà cung cấp mới cũng như sản xuất thêm ở trong nước.

Tính đến năm 2016, 90% lượng đậu tương nhập khẩu của Trung Quốc chỉ đến từ 3 nước là Mỹ, Brazil và Argentina. Tình trạng này được Bộ Nông nghiệp Trung Quốc coi là rủi ro tập trung. Mặc dù dịch tả lợn Châu Phi đã làm giảm 40% sản lượng lợn của Trung Quốc, nhu cầu về đậu tương làm thức ăn cho lợn cũng giảm, tuy nhiên Chính phủ Trung Quốc vẫn tìm cách đa dạng hóa các nhà cung cấp. Một báo cáo hồi tháng 2/2019 của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã thúc giục các công ty Trung Quốc đi dọc "Vành đai và Con đường" nhằm tận dụng sự kết nối ngày càng tăng và phát triển các nhà cung cấp mới như Nga và Kazakhstan, vốn có thêm lợi thế sản xuất đậu tương không biến đổi gen.

Điều này đã có lợi cho mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như cho mối quan hệ thương mại tổng thể, vốn đã sa sút do thiếu động lực ngoài lĩnh vực năng lượng. Quả thật, tuyên bố chung tháng 6/2019 về phát triển Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện vì một kỷ nguyên mới nêu bật việc lượng xuất khẩu đậu tương của Nga gia tăng. Xuất khẩu đậu tương của Nga sang Trung Quốc đã tăng mạnh trong năm qua - năm 2018, 90% trong tổng sản lượng 800.000 tấn của Nga đã được chuyển đến Trung Quốc. Trong nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu của Nga, tháng 7/2019, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cho phép nhập khẩu đậu tương từ mọi miền nước Nga (trước đây chỉ có 5 vùng ở Viễn Đông Nga được quyền xuất khẩu đậu tương). Mặc dù có sự bàn luận về việc tăng xuất khẩu đậu tương của Nga sang Trung Quốc lên 3,7 triệu tấn vào năm 2024, nhưng việc tăng mạnh nguồn cung từ Nga vẫn sẽ không đủ thay thế cho nguồn đậu tương nhập khẩu từ Mỹ, vì xuất khẩu đậu tương của Nga hiện chỉ chiếm 1% nhu cầu của Trung Quốc.

Một số quan chức Nga nói về việc tăng sản lượng từ 1 triệu tấn lên 10 triệu hoặc thậm chí 20 triệu tấn để đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc và cho các công ty Trung Quốc thuê 1 triệu ha đất ở vùng Viễn Đông Nga để đạt được mục đích này. Tuy nhiên, Ivan Zuenko, nhà phân tích các vấn đề khu vực ở Nga tại Vladivostok, coi đây là một giấc mơ xa vời. Theo Zuenko, đậu tương được trồng trên 70% diện tích đất trồng trọt ở Viễn Đông Nga ; vùng đất khác có thể không phù hợp để trồng đậu tương và việc thuê đất có thể quá tốn kém. Trong bài phát biểu trước Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai vào tháng 10/2019, Putin thừa nhận rằng Nga chưa đầu tư đúng mức vào nông nghiệp và đất trồng trọt để đáp ứng nhu cầu đậu tương của Trung Quốc. Hơn nữa, người Nga phản đối việc sử dụng lao động Trung Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp, cho dù các doanh nghiệp Trung Quốc muốn vậy, và các công ty chế biến đậu tương của Nga đã phàn nàn với Putin rằng việc Trung Quốc thu mua đậu chưa qua chế biến đang làm suy yếu sinh kế của họ.

Hoa Vi và "chia sẻ mạng"

Giống như trường hợp đậu tương, quan hệ Trung-Nga ngày càng sâu sắc nhằm mục đích ứng phó với chính sách của Mỹ, trong trường hợp này là việc Mỹ cấm sử dụng các công nghệ viễn thông của Tập đoàn Hoa Vi của Trung Quốc, vốn bị Chính quyền Trump cho là có thể gây tổn hại tới an ninh quốc gia của Mỹ. Đối mặt với sức ép từ Mỹ kể từ vụ bắt giữ Giám đốc tài chính Hoa Vi Mạnh Vãn Châu vào tháng 12/2018 với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, Trung Quốc đã chuyển hướng sang tìm kiếm thị trường và đối tác nghiên cứu và phát triển ở Nga. Tuy nhiên, hợp tác giữa Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ thực sự đã tăng tốc từ đầu năm 2015, bao gồm thỏa thuận hợp tác trong nền kinh tế kỹ thuật số (2015), diễn đàn công nghệ cao Trung-Nga hàng năm (2016), thỏa thuận phát triển trung tâm robot y tế tại Trung Quốc (2016), thành lập công viên sáng tạo Trung-Nga ở Tây An (2016), đối thoại sáng tạo Trung-Nga thường niên (2017) và thành lập trung tâm công nghệ cao Skolkovo ở Moskva, cùng với đầu tư chung Nga-Trung (2018).

Hơn nữa, đã có một số sáng kiến quan trọng kể từ năm 2018. Trong chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự Diễn đàn kinh tế St. Petersburg tháng 6/2019, Hoa Vi đã ký một thỏa thuận với MTS của Nga để xây dựng mạng 5G ở Nga, bắt đầu bằng một khu thử nghiệm ở Moskva. Công ty này cũng hợp tác với các công ty khác của Nga, bao gồm Megafon, Beeline và Tele2, một phần của Rostelekom. Hoa Vi đang đầu tư 7,8 tỷ USD để đào tạo 10.000 chuyên gia Nga và đang hợp tác với một số tổ chức học thuật của Nga về nghiên cứu và phát triển.

Với các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Moskva và St. Petersburg, và 3 trung tâm khác ở Kazan, Novosibirsk và Nizhny Novgorod, Nga hiện là nước mà Hoa Vi có các hoạt động R&D lớn thứ ba bên ngoài Châu Âu và Bắc Mỹ. Tại Moskva, hãng Beeline đang hợp tác với Hoa Vi và Viện khoa học và công nghệ Skolkovo để tích hợp 5G trong nhiều ứng dụng công nghệ, trong đó có cả phẫu thuật. Hoa Vi đang tìm cách mua một số công nghệ của Nga, như bằng sáng chế cho hệ thống nhận dạng hình ảnh Vokord. Họ cũng đã đồng ý hợp tác với Sáng kiến công nghệ quốc gia của Nga và làm việc với các trung tâm nghiên cứu hàng đầu của Nga để phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Nga có nhiều dịch vụ mà Hoa Vi cần cho hoạt động kinh doanh của mình và Hoa Vi là một phần trong "vườn ươm" sản xuất các công nghệ 5G của Viện Skolkovo. Hoa Vi được cho là đang thử nghiệm hệ điều hành của Rostelekom có tên Aurora như một lựa chọn thay thế khả thi cho hệ điều hành Android, vốn sẽ khó có thể phục vụ do Mỹ đưa Hoa Vi vào danh sách đen vào tháng 5/2019, cấm giao dịch với các công ty Mỹ. Hệ điều hành Aurora, ban đầu được tạo cho khách hàng doanh nghiệp, có chứa các tính năng bổ sung cho phép giám sát các hoạt động điện thoại từ xa.

Việc Hoa Vi tích hợp Aurora có tiềm năng thể chế hóa thế giới mạng bị chia cắt đang nổi lên giữa công nghệ của Trung Quốc/Nga và các công nghệ của phương Tây đồng thời làm sâu sắc thêm sự phân chia giữa những người đề xuất quyền truy cập nội dung số có thể kiểm soát "chủ quyền" và web mở. Mặc dù các nhà hoạch định Hoa Vi chính sách Nga không có cùng những mối quan ngại an ninh quốc gia với Mỹ về , Bộ Quốc phòng Nga cho biết rất thận trọng khi áp dụng tần số mạng 5G vì lo sợ xung đột với tần số mạng của quân đội, một vấn đề cũng đã được Ủy ban đổi mới quốc phòng Mỹ đưa ra. Hơn nữa, trong khi việc mở rộng của Hoa Vi diễn ra vào thời điểm cơ hội kinh doanh của các công ty Mỹ ở Nga đang suy giảm, quy mô nhu cầu của Hoa Vi về nhân viên lành nghề ở Nga có khả năng sẽ dẫn đến cuộc cạnh tranh nhân sự với các công ty địa phương, và có thể sẽ góp phần vào tình trạng chảy máu chất xám nếu các nhân viên lành nghề lựa chọn tìm kiếm cơ hội ở Trung Quốc.

Kiểm soát vũ khí

Đáp trả các hành động của Mỹ như rút khỏi Hiệp ước INF 1987 và cam kết không chắc chắn của Mỹ về việc gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) mới, Nga và Trung Quốc tự coi mình là nước ủng hộ chế độ kiểm soát vũ khí toàn cầu và phản đối những nỗ lực của Chính quyền Trump nhằm phá vỡ sự ổn định toàn cầu. Mặc dù Chính quyền Trump giải thích quyết định rút Mỹ khỏi Thỏa thuận INF 1987 vào tháng 8/2018 là nhằm phản ứng lại các hành vi vi phạm hiệp ước của Nga, nhưng hành động của Mỹ sẽ có những hậu quả an ninh quan trọng đối với Trung Quốc và có khả năng tác động đến cả mối quan hệ Trung-Nga. Kiểm soát vũ khí không phải là vấn đề nổi bật trong quan hệ Trung-Nga vì những khác biệt lớn về năng lực của họ. Trung Quốc cũng từ chối lời kêu gọi của Chính quyền Trump về việc tham gia các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí ba bên với Nga. Không giống như Nga, Trung Quốc chưa bao giờ tìm kiếm sự ngang hàng với Mỹ vì năng lực của Trung Quốc kém hơn đáng kể.

Tuy nhiên, trong ba thập kỷ qua, các thỏa thuận Trung-Nga bao gồm một số điều khoản kiểm soát vũ khí. Năm 1994, hai nước đã nhất trí không sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên chống lại nhau. Điều 2 của Hiệp ước láng giềng hữu hảo, hợp tác và hữu nghị 2001 giữa Trung Quốc và Nga tái khẳng định rằng hai nước "sẽ không phải là nước đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại nhau và cũng không sử dụng tên lửa hạt nhân chiến lược nhắm mục tiêu vào nhau". Hai nước đã tuyên bố cam kết duy trì sự ổn định chiến lược khi họ tái khẳng định trong một tuyên bố vào tháng 5/2019, chỉ trích gay gắt rằng Mỹ đã phá hoại quyền kiểm soát vũ khí. Ngoài ra, cũng trong tháng đó, Tập Cận Bình và Putin đã cùng nhau thúc giục tất cả các nước thu hồi vũ khí hạt nhân trở lại lãnh thổ của họ. Sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF vào tháng 8/2019, Nga khi đó đã đề xuất một lệnh ngừng triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung, tạo cơ hội để lôi kéo Trung Quốc vào chủ đề này. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã hội đàm với những người đồng cấp Trung Quốc ở Bắc Kinh về kiểm soát vũ khí vào ngày 27/11/2019.

Việc triển khai tên lửa trên chiến trường từ lâu đã là một vấn đề trong quan hệ giữa Moskva và Bắc Kinh. Trong thời kỳ căng thẳng Trung-Xô vào những năm 1980, Trung Quốc kêu gọi Mỹ và Liên Xô ký một hiệp ước đề cập đến các hoạt động triển khai tên lửa ở Châu Á như một cách để hạn chế các tên lửa SS-20 của Liên Xô khi đó đang nhắm vào Trung Quốc. Trung Quốc cũng tìm cách loại trừ tên lửa của Pháp và Anh khỏi thỏa thuận để tránh tạo tiền lệ mà có thể làm tăng sức ép đưa các vũ khí của Trung Quốc vào danh sách. Cả hai mục tiêu đều đã đạt được thông qua thể thức "global zero" (loại bỏ vũ khí hạt nhân toàn cầu) mà Gorbachev và Reagan đã tán thành vào năm 1987. Trong những năm sau đó, Bắc Kinh đã triển khai khoảng 1.000 tên lửa tầm trung.

Hiện tại, Trung Quốc và Nga phản đối việc triển khai các hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản vốn đang nhắm vào Triều Tiên. Đối với Trung Quốc, điều này đặc biệt cấp bách bởi vì nếu được sắp xếp theo cách đặc biệt, THAAD có thể vô hiệu hóa lực lượng tên lửa của chính Trung Quốc. Do các tên lửa của Nga được triển khai xa hơn ở phía Tây, nên vấn đề chống phòng thủ tên lửa là vấn đề nguyên tắc. Trong năm 2016 và 2017, Trung Quốc và Nga đã tham gia hai cuộc tập trận phòng thủ tên lửa chung mô phỏng, một ở Trung Quốc và một ở Nga. Việc phát triển song song các năng lực siêu âm ở cả Nga và Trung Quốc cũng có thể là một phản ứng đối với việc Mỹ và các đồng minh triển khai phòng thủ tên lửa khu vực.

Như đã lưu ý trước đó, tháng 10/2019, Putin đã công bố Nga có kế hoạch giúp Trung Quốc phát hiện hiện tượng phóng tên lửa. Theo Tong Zhao, chuyên gia an ninh hạt nhân thuộc Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua, với việc START dự kiến sẽ hết hiệu lực vào tháng 2/2021, một khả năng như vậy sẽ rất quan trọng nếu cơ chế kiểm soát vũ khí chiến lược của Mỹ-Nga sụp đổ. Điều này có thể thúc đẩy Trung Quốc đáp trả lực lượng hạt nhân lớn hơn của Mỹ, như Đánh giá tư thế hạt nhân năm 2018 của Mỹ nêu bật bằng việc tăng mức độ cảnh báo về các vũ khí hạt nhân Trung Quốc hoặc thậm chí chuyển sang chính sách sử dụng vũ khí hạt nhân nếu nhận thấy nguy cơ đối phương tấn công.

Ở Washington, có một số suy đoán rằng việc Mỹ triển khai tên lửa mặt đất ở Châu Á để chống lại các năng lực của Trung Quốc cũng như các năng lực của Triều Tiên sẽ khiến Trung Quốc và Nga thực hiện các biện pháp đối phó, có khả năng khơi dậy sự ngờ vực trước đây giữa hai nước. Mặc dù đây có thể là mong muốn ảo tưởng của Chính quyền Trump, song các nhà bình luận Nga lưu ý rằng Trung Quốc và Nga không phải lúc nào cũng có cùng quan điểm về kiểm soát vũ khí. Putin trước đây nói rằng tuy Nga ủng hộ hiệp ước INF, nhưng hiệp ước này không bao hàm năng lực tên lửa của các nước láng giềng, một vấn đề mà Mỹ không gặp phải. Vào tháng 11/2019, Ngoại trưởng Lavrov nói rằng Nga chấp nhận ý tưởng về cách tiếp cận đa phương đối với INF, nhưng ông chỉ ra rằng Trung Quốc chưa sẵn sàng thực hiện một bước đi như vậy

Bắc Cực

Trong một vài năm, các công ty Trung Quốc đã chật vật đầu tư vào các dự án năng lượng thượng nguồn lớn ở Nga, nhưng đến năm 2013, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã mua thành công 20% cổ phần trong dự án khí hóa lỏng Yamal đầu tiên. Quỹ Con đường tơ lụa tiếp bước vào năm 2016, mua 9,9% cổ phần và cung cấp một khoản vay 813 triệu USD. Ngân hàng Exim và Ngân hàng phát triển của Trung Quốc cung cấp một khoản vay khác trị giá 11 tỷ USD. Trung Quốc đã ký hợp đồng nhận mỗi năm 3 triệu tấn khí tự nhiên hóa lỏng trong vòng 20 năm từ dự án này. Tập đoàn Poly của Trung Quốc cũng đề xuất đầu tư 5,5 tỷ USD để phát triển cảng Archangelsk và kết nối Đường sắt Bắc Nam Belkomur, vốn có thể cung cấp thêm một hành lang giao thông cho hàng hóa Trung Quốc chuyển đến thị trường Châu Âu. Dù cho dự án này, với tổng trị giá 20,8 tỷ USD, được đưa vào danh sách các dự án được Chính phủ Nga phê duyệt để phát triển miền Bắc nước Nga, dự kiến khai trương vào năm 2022, nhưng các quan chức Nga không nhất trí về lợi ích nó mang lại và việc xây dựng vẫn chưa bắt đầu.

CNPC và Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã mua 10% cổ phần trong dự án khí tự nhiên hóa lỏng Yamal 2 vào tháng 4/2019. Các chuyên gia nghiên cứu Bắc Cực của Trung Quốc đặc biệt tự hào rằng đất nước của họ sẽ cung cấp cả công nghệ, chứ không chỉ vốn, để phát triển Bắc Cực. Chẳng hạn, Công ty TNHH Kỹ thuật Dầu khí ngoài khơi Trung Quốc (COOEC) sẽ sản xuất các mô-đun để hóa lỏng khí với chi phí 1,6 tỷ USD. Tháng 6/2019, Cơ quan Hóa học quốc gia Trung Quốc đã đồng ý đóng góp thiết bị chế biến dầu thô, một bến tàu, đường ống và bể chứa cho dự án phát triển giếng dầu Payakh trị giá 5 tỷ USD, mà có thể trở thành một trong những dự án phát triển dồi dào nhất của Nga, với 1,2 tỷ tấn dầu.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga vì nước này sáp nhập Crưm và can thiệp vào Ukraine đã khiến Nga mất đi vốn đầu tư và thiếu nhà cung cấp công nghệ cho các dự án năng lượng ở Bắc Cực, khiến sự can dự của Trung Quốc vào các dự án của Nga ở Bắc Cực càng được hoan nghênh. Đối với Trung Quốc, điều này thật bất ngờ vì nó giúp vượt qua được sự cảnh giác ban đầu của Nga về những lợi ích của Trung Quốc ở Bắc Cực - Nga, giống Canada, ban đầu phản đối địa vị quan sát viên của Trung Quốc trong Hội đồng Bắc Cực cho đến khi Trung Quốc đồng ý công nhận chủ quyền của các quốc gia Bắc Cực. Đối với Trung Quốc, hợp tác với Nga đáp ứng nhiều mục tiêu quan trọng. Nó giúp chứng minh vị thế mà Trung Quốc tự tuyên bố là "gần Bắc Cực". Bằng việc kết nối Con đường tơ lụa địa cực với Con đường tơ lụa trên biển vào tháng 7/2017, Trung Quốc đã tìm thấy cơ hội để thúc đẩy dự án "Vành đai và Con đường" ở Nga (khi nhiều dự án khác bị đình trệ, chẳng hạn như tuyến đường sắt cao tốc Kazan). Hơn nữa, tại thời điểm căng thẳng với Mỹ gia tăng, hợp tác năng lượng Trung-Nga ở Bắc Cực cung cấp một nguồn khí tự nhiên hóa lỏng mới mà không phải đối mặt với những mối nguy hiểm trong việc cung cấp bằng đường biển như các loại năng lượng nhập khẩu khác. Việc tham gia các dự án năng lượng và giao thông ở Bắc Cực cũng mang đến cho Trung Quốc một cơ hội thể hiện khả năng khoan khí đốt và có được kinh nghiệm mới trong việc đi đến và vận chuyển ở Bắc Cực.

Việc Trung Quốc ngày càng quan tâm đến Bắc Cực không phải không được Mỹ chú ý. Trong một bài phát biểu vào tháng 5/2019, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo nói về việc các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc mở đường cho sự hiện diện an ninh của nước này ở Bắc Cực. Cho rằng hành vi của Nga ở Bắc Cực và những hành động của Trung Quốc bên ngoài khu vực này là hung hăng, Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh phải cảnh giác trước hoạt động của cả hai nước này ở Bắc Cực. Trong khi lưu ý rằng Nga và Trung Quốc gây ra những thách thức khác nhau đối với lợi ích của Mỹ ở Bắc Cực, báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ về Bắc Cực tháng 6/2019 nói về khu vực này như "một hành lang cạnh tranh chiến lược tiềm năng" xuất phát từ Nga và Trung Quốc. Lần đầu tiên, báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ về quân đội Trung Quốc đề cập đến vai trò của Trung Quốc ở Bắc Cực và đưa ra khả năng Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự tại đây. Mặc dù báo cáo này coi Bắc Cực là một đấu trường đầy hứa hẹn mang lại các cơ hội thương mại, song Bộ Quốc phòng Mỹ lưu ý rằng việc Nga phản đối hoạt động của các tàu nước ngoài trên Tuyến đường Biển Bắc, nơi Nga quản lý như một tuyến đường thủy phủ băng theo UNCLOS 234, có thể dẫn đến những xích mích tiềm tàng với các lợi ích của Trung Quốc vì mục đích thương mại.

Bất chấp việc có cùng quan điểm về áp lực của Mỹ ở Bắc Cực, Nga và Trung Quốc vẫn tiếp tục có phần hoài nghi về các ý định của nhau. Các chuyên gia Trung Quốc nổi giận trước các quy định mà Nga áp đặt ở Tuyến đường Biển Bắc, tuyến đường thủy phía trên đường bờ biển Bắc Cực của họ, yêu cầu các nhà xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng sử dụng các tàu treo cờ Nga và các quy định khác liên quan đến các khoản phí làm tăng chi phí vận chuyển ở Bắc Cực và khiến nó kém hấp dẫn đối với các công ty vận tải biển. Hơn nữa, mặc dù các nhà phân tích Trung Quốc hiểu rằng nhu cầu tài chính đã đưa Trung Quốc và Nga đến với nhau ở Bắc Cực, nhưng họ thừa nhận rằng môi trường an ninh ở khu vực này rất phức tạp và không phải hoàn toàn có lợi cho vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc. Nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu về vùng cực của Trung Quốc Deng Beixi lưu ý những lợi thế về địa lý mà Nga và Mỹ có được trong việc ngăn chặn Trung Quốc cũng như trong việc gây ra những thách thức đối với Trung Quốc về việc sử dụng Bắc Cực vì mục đích thương mại. Đại úy Hải quân Quân giải phóng nhân dân (PLA) Zuo Pengfei đã chỉ ra rằng một khi các lực lượng Trung Quốc biến sự hiện diện của họ trong khu vực trở thành điều bình thường, thì sức ép mà các đối thủ chiến lược gây ra đối với Trung Quốc sẽ giảm bớt.

Những đánh giá của Trung Quốc

Trong bối cảnh trong quan hệ Trung-Mỹ và Mỹ-Nga vẫn tiếp tục căng thẳng, các chuyên gia Trung Quốc đang tìm cách xác định biến số trong mối quan hệ Trung-Nga. Một vấn đề là quan hệ này có thể tiến xa đến đâu. Thỏa thuận ngày 5/6/2019 đã nâng mối quan hệ lên cấp cao nhất, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Cùng ngày, Thời báo Hoàn Cầu đã đăng một bài xã luận bác bỏ quan điểm cho rằng căng thẳng trong quan hệ Trung-Mỹ và Mỹ-Nga là động lực thúc đẩy quan hệ đối tác Trung-Nga. Bài xã luận nêu bật rằng các động lực nội tại mạnh mẽ hơn những thay đổi trong tam giác chiến lược trong việc định hình mối quan hệ Trung-Nga và dự báo rằng mối quan hệ đối tác sẽ được tăng cường dù cho chính sách của Mỹ có thế nào đi nữa.

Tương tự, theo cựu tùy viên quốc phòng Trung Quốc tại Nga, Thiếu tướng Vương Hải Vận, các mối đe dọa chung từ Mỹ không phải là yếu tố duy nhất khiến hợp tác an ninh Trung-Nga trở nên sâu sắc hơn. Ông cho rằng hợp tác quân sự giữa hai nước có vai trò then chốt. Là các nước lục địa với quan điểm phòng thủ, Vương Hải Vận tin rằng hai nước có chung nhận thức về môi trường chiến lược của họ. Ông cũng lưu ý rằng công nghệ quân sự và tư duy chiến lược của Trung Quốc đã phát triển thành sự hợp tác với Nga, do đó thiết lập nền tảng cho quan hệ đối tác giữa hai nước trong lĩnh vực quân sự.

Tuy nhiên, các chuyên gia Trung Quốc, vốn tập trung vào những khía cạnh mang tính khu vực của quan hệ đối tác Trung-Nga, thận trọng hơn khi đưa ra các đánh giá về tương lai của nó. Một phần, điều này xuất phát từ việc chính phủ Trung Quốc và Nga thiếu hỗ trợ về mặt kinh tế cho các khu vực biên giới của họ. Dương Thành, một học giả thuộc Đại học ngoại ngữ Thượng Hải, người đã giúp đàm phán chương trình hợp tác 10 năm đầu cho vùng Đông Bắc Trung Quốc và Viễn Đông Nga, lưu ý rằng một số quan chức từ khu vực Đông Bắc của Trung Quốc rất muốn thể hiện các kết quả sẽ đạt được trong ngắn hạn vì lý do chính trị trong nước - để được đề bạt và thăng tiến trong sự nghiệp của họ. Sự nhiệt tình của họ đã làm gia tăng sự hoài nghi ở Nga rằng Trung Quốc đang theo đuổi một chiến lược do chính phủ lãnh đạo nhằm chiếm lấy tài nguyên của Nga. Theo lời Dương Thành giải thích, "những phương pháp được một số chính quyền địa phương sử dụng thường dẫn đến tình trạng Trung Quốc càng tích cực thì Nga càng có suy nghĩ tiêu cực". Cho dù mối quan hệ đối tác Trung-Nga ngày càng sâu sắc, các tỉnh ven biển ở Đông Bắc Trung Quốc (Cát Lâm và Liêu Ninh), vốn có nhiều lựa chọn thay thế hơn Nội Mông và Hắc Long Giang nằm trong nội địa, có mối quan hệ gần gũi hơn với Hàn Quốc và Nhật Bản so với Nga.

Phùng Thiệu Lôi, một chuyên gia nghiên cứu về Nga nổi tiếng thuộc trường Đại học Sư phạm Hoa Đông và Thôi Hằng lưu ý rằng cho dù các quan chức Nga ngày càng dễ chấp nhận tham gia các khuôn khổ do Trung Quốc lãnh đạo như sáng kiến "Vành đai và Con đường", nhưng các cộng đồng doanh nghiệp ở cả hai nước đều thể hiện thiếu sự hiểu biết lẫn nhau. Khi mối quan hệ đối tác chiến lược Trung-Nga ngày càng sâu sắc, số lượng các công ty Trung Quốc đăng ký hoạt động ở vùng Viễn Đông Nga thực sự đã giảm xuống từ 162 công ty vào năm 2015 xuống còn 125 công ty vào năm 2017. Chương trình hợp tác giữa Đông Bắc Trung Quốc và Viễn Đông Nga trong giai đoạn 2008-2018 chỉ hoàn thành 28% dự án và sau đó bị từ bỏ để ủng hộ cho một chương trình nghị sự ít tham vọng hơn trong thập kỷ kế tiếp. Phùng Thiệu Lôi và Thôi Hằng chỉ ra rằng đến nay, nhiều dự án đã hoàn thành là nhờ đầu tư trong nước của mỗi nước ở khu vực biên giới hơn là nhờ hợp tác song phương.

Một khoản đầu tư rất được mong đợi của Trung Quốc là khoản đầu tư của công ty AquaSib ở khu vực Irkutsk vào việc xây dựng một nhà máy sản xuất nước đóng chai nằm bên hồ Baikal, một di sản thế giới, để xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước khác đã gây ra một cơn bão phản đối, trong đó có cả đơn thỉnh cầu lên Putin cũng như vụ kiện về tác động của dự án này đối với môi trường. Cuối cùng, Chính quyền Irkutsk tuyên bố rằng khoản đầu tư kéo dài 6 năm của công ty Trung Quốc là không hợp lệ. Theo Lý Vĩnh Huy, trước đây là một nhà ngoại giao và cũng là chuyên gia nghiên cứu về Nga tại Học viện khoa học xã hội Trung Quốc, sự thất bại của AquaSib cho thấy bất chấp quan hệ đối tác sâu sắc hơn, Trung Quốc vẫn cần hiểu rõ hơn về tâm lý quốc gia của Nga, đặc biệt là việc Nga thể hiện sự không hài lòng về khoảng cách kinh tế ngày càng tăng giữa hai nước và việc Nga có xu hướng ưu tiên lợi ích an ninh và môi trường hơn là các vấn đề kinh tế, ngay cả trong một dự án dường như đối với phía Trung Quốc thì cả hai bên đều có lợi. Dương Thành chỉ ra rằng cả Nga lẫn Trung Quốc đều thiếu hiểu biết lẫn nhau ; chẳng hạn, ở Trung Quốc, kiến thức về tiếng Nga và lĩnh vực nghiên cứu về nước Nga đã giảm kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Tương tự, ở Nga cũng xảy ra tình trạng thiếu kiến thức về Trung Quốc.

Một vấn đề then chốt khác là mong muốn một mối quan hệ đối tác Trung-Nga chặt chẽ đối với các lợi ích khác với Trung Quốc. Vương Hải Vân coi Mỹ là trở ngại chính cho sự trỗi dậy của Trung Quốc và tin rằng việc gần như trở thành đồng minh với Nga mang lại khoảng thời gian trì hoãn quan trọng. Một điểm khác biệt mà Vương Hải Vân đưa ra là mối quan hệ liên minh với Nga không nên bao gồm các nghĩa vụ theo hiệp ước và nên mang tính không chính thức hơn. Cho dù thừa nhận Trung Quốc ưu tiên mối quan hệ với Mỹ, nhưng ông cho rằng mối quan hệ với một đối tác chiến lược như Nga cũng như với các nước Châu Âu đang có mâu thuẫn với Chính quyền Trump là đặc biệt quan trọng, nhất là vào thời điểm có những căng thẳng lớn với Washington. Tuy nhiên, Vương Hải Vân thừa nhận rằng mặc dù Trung Quốc và Nga đang ngày càng chia sẻ lợi ích chiến lược, nhưng ở cả hai nước vẫn có những kẻ gièm pha nói về "mối đe dọa Trung Quốc", hay "sự không đáng tin cậy của Nga", và ông hối thúc hai bên cần nỗ lực loại bỏ những lời nói tiêu cực như vậy.

Các nhà phân tích Trung Quốc khác thì tỏ ra hoài nghi hơn. Một mối quan hệ liên minh với Nga thực sự có thể tạo ra những căng thẳng mới về việc nước nào đóng vai trò lãnh đạo. Hơn nữa, Trung Quốc có thể có nghĩa vụ đưa ra quan điểm vốn không nằm trong lợi ích của riêng họ. Điều này xuất phát một phần từ các bản sắc khác nhau khiến Nga và Trung Quốc đưa ra những quan điểm khác nhau trong việc giải quyết xung đột với các nước khác. Phó Oánh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trung Quốc, cũng chỉ ra những sự khác biệt về trọng tâm và phong cách chính sách đối ngoại cũng như sự ngờ vực của Nga về các ý định của Trung Quốc ở Trung Á. Bà lưu ý rằng về mặt lịch sử, quan hệ liên minh giữa Trung Quốc, Đế quốc Nga và Liên Xô đã không kết thúc tốt đẹp. Theo quan điểm của bà, chính trị ba bên là một dấu tích của quá khứ và mối quan hệ liên minh với Nga hầu như sẽ không có ích trong việc giải quyết các vấn đề Trung-Mỹ, mà họ chỉ có thể tự giải quyết.

Theo Triệu Hoa Sinh, giáo sư tại Viện nghiên cứu vấn đề quốc tế thuộc Đại học Phúc Đán, khái niệm Quan hệ đối tác Á-Âu lớn hơn của Nga mang đến một cơ hội để tránh cạnh tranh và thúc đẩy hợp tác trong một khu vực có ý nghĩa chiến lược đối với cả hai nước. Bị đóng băng hầu hết các dự án hợp tác với Châu Âu, Putin đã đưa ra khái niệm này tại Diễn đàn kinh tế St.Petersburg vào tháng 6/2016 như một cách để mở rộng dự án hội nhập kinh tế Á-Âu của ông và mở rộng ảnh hưởng địa chính trị của Nga đối với một vùng Châu Á rộng lớn, bao gồm cả Nam Á, Trung Á và Đông Nam Á. Triệu Hoa Sinh lưu ý rằng cho dù việc Nga đối trọng với vai trò ngày càng tăng ở Á-Âu của Trung Quốc có thể là một phần trong khái niệm của họ đối với khu vực, mong muốn hợp tác với Trung Quốc và sự ổn định ở Á-Âu có vai trò chi phối. Theo ông, sự can dự của Trung Quốc vào Quan hệ đối tác Á-Âu lớn hơn của Nga cũng có thể tạo ra một khuôn khổ hợp tác không chỉ với Nga mà còn với cả Châu Âu trong sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc.

Theo Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu vấn đề quốc tế thuộc Đại học Phúc Đán, Phùng Ngọc Quân, lập luận rằng mối quan hệ đối tác với Nga cho đến nay đã chứng tỏ không có khả năng giảm sức ép của Mỹ đối với một trong hai nước và rằng những thách thức sắp tới, như các vấn đề an ninh phi truyền thống, sẽ nằm ngoài phạm vi lôgích cân bằng tam giác sức mạnh. Thay vào đó, Phùng Ngọc Quân ủng hộ một cuộc đối thoại ba bên, ở cả cấp liên nhà nước và lộ trình 2, về một số vấn đề gây tranh cãi, bao gồm phòng thủ tên lửa ở Châu Á, chống khủng bố và kiểm soát vũ khí trong các lĩnh vực hạt nhân, vũ trụ và không gian mạng.

Sự tiếp nối và thay đổi

Ngay cả khi các chuyên gia Trung Quốc tranh luận về mong muốn và tính khả thi của mối quan hệ đối tác Trung-Nga gần gũi hơn, các lực lượng trong và ngoài Trung Quốc vẫn tiếp tục định hình những diễn biến của quan hệ đối tác này. Cho dù những đòi hỏi trong nước thúc đẩy củng cố mối quan hệ hai nước, nhưng những thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với một hoặc cả hai nước như xóa bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga hoặc mối quan hệ kinh tế được cải thiện với Trung Quốc, sẽ có tác động, như lập luận theo lôgích tam giác. Tuy nhiên, những thách thức lớn nhất sẽ đến từ các vùng ngoại vi của họ, đặc biệt là Trung Á và Bắc Cực. Biến đổi khí hậu ở Bắc Cực sẽ mở ra những khu vực vận chuyển và đánh bắt cá mới, vốn có thể khiến Trung Quốc có khả năng hành động độc lập hơn với Nga, đặc biệt khi vùng thượng lưu Bắc Cực tan băng để có thể đi lại và Trung Quốc không còn bị giới hạn ở tuyến đường Biển Bắc do Nga quản lý. Vẫn còn phải xem xem Nga muốn hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc ở Bắc Cực đến mức nào, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh và liệu điều này có tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc có vai trò lớn hơn trong các vấn đề Bắc Cực hay không.

Ở Trung Á, Trung Quốc đã mở rộng danh mục an ninh của mình bằng cách thiết lập các đồn an ninh biên giới ở Tajikistan và cung cấp nhân sự cho họ. Điều này làm thay đổi sự phân công lao động không chính thức giữa hai nước - Nga mang lại an ninh và Trung Quốc thúc đẩy hợp tác kinh tế. Hiện vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng sự hiện diện an ninh ở Trung Á hay không, và nếu vậy thì Nga sẽ phản ứng như thế nào.

Tuy nhiên, với việc Tập Cận Bình không phải đối mặt với giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước và việc nước Nga tiến hành sửa đổi Hiến pháp để Putin không bị giới hạn nhiệm kỳ tổng thống, mối quan hệ cá nhân mạnh mẽ giữa hai nhà lãnh đạo sẽ cho phép họ tiếp tục từ trên điều khiển mối quan hệ này. Mặc dù những nỗ lực của họ trái ngược với sự phối hợp yếu kém trong hợp tác xuyên biên giới, nhưng sự tương đồng về các cách tiếp cận và cách thức quản trị giúp củng cố mối quan hệ đối tác và có thể giúp bảo vệ nó khỏi những thách thức bên ngoài.

Elizabeth Wishnick 

Nguyên tác : Sino-Russian Consolidation at a Time of Geopolitical Rivalry, China Leader Monitor, 01/03/2020

Minh Anh giới thiệu

Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 05/05/2020

Elizabeth Wishnick là Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học bang Montclair, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Weatherhead East Asian, Đại học Columbia. Bài viết được đăng trên China Leadership Monitor

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Elizabeth Wishnick
Read 709 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)