Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/05/2020

Mỹ lật mặt Nga và Trung Quốc lợi dụng đại dịch để thao túng các nước

Hải Yến

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper ngày 04/5 cáo buộc Nga và Trung Quốc đang lợi dụng tình trạng khẩn cấp vì đại dịch Covid-19 để thâu tóm lợi ích, tăng cường sức ảnh hưởng ở Châu Âu.

my1

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper phát biểu trong một cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc - Ảnh minh họa

Khi được hỏi liệu Trung Quốc và Nga có đang tìm cách gây ảnh hưởng ở Ý bằng cách gửi viện trợ đến đó hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nói với tờ báo Ý La Stampa rằng : "(Mỹ) biết rằng một số (quốc gia) sẽ tìm cách sử dụng đại dịch như một cơ hội để đầu tư vào ngành công nghiệp và cơ sở hạ tầng trọng yếu, với ảnh hưởng lâu dài về an ninh".

Ông Esper nói thêm : "Các đối thủ tiềm năng gần như chắc chắn sẽ tìm cách trục lợi để thúc đẩy lợi ích của họ và tạo ra sự chia rẽ trong NATO và Châu Âu… Huawei và 5G là một ví dụ quan trọng cho hành động thâm hiểm này của Trung Quốc".

Bình luận của ông Esper được đưa ra trong bối cảnh một số quan chức Mỹ đang cáo buộc Trung Quốc có liên quan tới việc dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 03/5 tuyên bố rằng Washington có "bằng chứng to lớn" rằng virus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc, cáo buộc mà Bắc Kinh bác bỏ.

Ông Esper cho rằng cả Trung Quốc và Nga đang tận dụng sự khẩn cấp của dịch bệnh để gia tăng tầm ảnh hưởng của 2 nước tại Châu Âu.

Và Italia đã trở thành là một mục tiêu chung của cả Nga và Trung Quốc để mỗi nước này theo đuổi những ý đồ riêng của mình. Cả Moscow và Bắc Kinh đều đang hỗ trợ cho Italia bằng cách gửi bác sĩ, thiết bị y tế và khẩu trang tới Italia – quốc gia đầu tiên của Châu Âu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch.

Trung Quốc đã nhanh chóng lợi dụng đại dịch Covid-19 bùng phát ở Châu Âu để mua chuộc Ý và Tây Ban Nha được coi là những mắt xích yếu trong EU và liên minh NATO và cũng là hai nước Châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên gửi nhân viên y tế và thiết bị sang giúp nước Ý, nước G7 đầu tiên hậu thuẫn Dự án ‘Vành đai Con đường’ quy mô lớn của Trung Quốc.

Bắc Kinh đã tuyên truyền rầm rộ về chuyến bay ngày 12/3 mang theo 31 tấn thiết bị y tế, trong đó có 40 máy trợ thở để giúp Ý. Hôm 25/3, Trung Quốc lại gửi thêm 30 máy trợ thở nữa.

Tạp chí Foreign Policy nhận định rằng với hơn 100.000 ca nhiễm, trên 10.000 ca tử vong ở Ý lúc đó thì sự hỗ trợ của Trung Quốc chỉ như hạt muối bỏ biển. So với Albania, một nước nghèo dân số chưa tới 3 triệu, đã gửi 30 bác sĩ và y tá sang giúp Ý. Sự hỗ trợ của Trung Quốc cũng chẳng là bao so với Đức – nước phải đối phó với hơn 60.000 ca nhiễm, và so với các nước láng giềng Châu Âu khác, dù có hơi muộn. Hoa Kỳ cũng gửi một máy bay vận tải chất đầy thiết bị y tế cho Ý như tường thuật của đài NPR.

Báo Foreign Policy nói trong khi Hội Chữ Thập Đỏ của Trung Quốc cung cấp một số thiết bị, Ý phải chi tiền ra để mua các vật dụng y tế khác. Tác giả bài báo nói nếu quả thật Bắc Kinh là người bạn chân thật, thì đã gửi hàng chục ngàn máy trợ thở cho Ý.

Điều khá kỳ lạ là cùng lúc chuyến bay đầu tiên đáp xuống đất Ý, báo chí nhà nước Trung Quốc bắt đầu tung tin đồn rằng dịch Covid-19 có thể đã xuất phát từ Ý.

my2

Ảnh : Hội chữ thập Trung Quốc tới viện trợ cho Ý

Trung Quốc cũng gửi đồ tiếp tế cho các nước khác, nhưng theo Foreign Policy, những sự hỗ trợ của Trung Quốc không xứng tầm với một quốc gia có khả năng sản xuất đại trà, lại là nước mà lúc đầu đã thất bại, không xử lý thỏa đáng trong thời điểm dịch bệnh khởi phát để cho virus corona lây lan khắp thế giới.

Tạp chí về chính sách đối ngoại nói không như các nước Châu Âu đã kín đáo gửi hàng tiếp tế cho Bắc Kinh khi dịch bùng phát ở Vũ Hán, Bắc Kinh rầm rộ tuyên truyền khi gửi khẩu trang sang giúp Tây Ban Nha, Pháp, Serbia và các nước EU khác để thể hiện "quyền lực mềm".

Trường hợp Tây Ban nha, nước có 85.000 ca nhiễm và hơn 7.000 ca tử vong tại thời điểm đó, trong khi rõ ràng là gửi vật dụng y tế bằng máy bay tới nhanh hơn, nhưng Bắc Kinh lại chọn gửi bằng xe lửa chạy theo một tuyến đường thuộc Dự án Vành đai Con đường của Trung Quốc trong một cuộc hành trình kéo dài tới 17 ngày.

Đài CGTN của nhà nước Trung Quốc tự hào loan báo giá trị của các vât dụng tiếp tế cho Tây Ban Nha là 49.325 USD, nhưng không đề cập tới việc Tây Ban Nha mua thiết bị y tế của Trung Quốc trị giá 473 triệu USD, chỉ để khám phá ra rằng các bộ xét nghiệm của Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn.

Trung Quốc cũng không nói tới chuyện Hà Lan mua 1,3 triệu khẩu trang của Trung Quốc và phân nửa trong số này không đủ tiêu chuẩn.

Phát triển 5G cũng đã trở thành vấn đề tranh chấp địa chính trị quốc tế, đặc biệt ở Châu Âu.

Theo các tin tức ở Bruxelles, Trung Quốc đã ra điều kiện khi cung cấp trang thiết bị y tế cho bốn nước Châu Âu, là phải thay đổi chủ trương về Huawei.

Trong bối cảnh Mỹ cố thuyết phục Châu Âu không nên tin Huawei, Trung Quốc đã lo sợ Huawei sẽ bị loại khỏi thị trường rộng lớn Châu Âu. Chính quyền Trung Quốc và cả tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei đang ráo riết vận động để không mất chỗ đứng tại Châu Âu. Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp thậm chí còn gia tăng áp lực, đe dọa sẽ trả đũa đối với hai nhà cung cấp dịch vụ 5G khác là Nokia và Ericsson ở Trung Quốc nếu Huawei bị thất thế tại đất nước hình lục lăng. Huawei cũng tặng khẩu trang cho Hà Lan, Tây Ban Nha và Ý để tranh thủ sự ủng hộ của những nước này.

Mỹ từ lâu đã khuyên các nước tẩy chay Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới đến từ Trung Quốc, trong việc thiết lập mạng điện thoại di động 5G mới và cũng khuyên xem xét kỹ lưỡng thiết bị từ một công ty khác của Trung Quốc, có tên ZTE.

Washington nói rằng thiết bị này có thể được Trung Quốc sử dụng để do thám truyền thông. Huawei và ZTE đều phủ nhận thiết bị của họ gây ra mối đe dọa an ninh.

Ông Esper hôm 4/5 một lần nữa đã khẳng định : "Sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc có thể khiến các hệ thống quan trọng dễ bị gián đoạn, thao túng và gián điệp. Điều này sẽ gây nguy hiểm cho khả năng giao tiếp và chia sẻ thông tin tình báo của chúng ta".

Về phía Nga, sự hỗ trợ của nước này cho Italia, bao gồm các nhân viên y tế quân đội, đã thu hút sự chú ý đến việc Ý nhận được sự hỗ trợ hạn chế từ Liên minh Châu Âu, trong khi các nhà ngoại giao và quan chức của EU và NATO xem động thái của Nga mang tính địa chính trị.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi sang Ý 9 phi cơ và hơn 100 chuyên gia cùng với thiết bị y tế sau một cuộc điện đàm với Thủ tướng Ý Giuseppe Conte.

Moscow đã tuyên truyền rầm rộ về hành động hào phóng của mình, nhưng đến nơi người Ý mới phát hiện ra rằng đại đa số các vật dụng và thiết bị y tế của Nga hoàn toàn ‘vô dụng’ trong công tác chữa trị nạn nhân Covid-19.

Báo La Stampa dẫn lời một quan chức chính phủ Ý nói : "80% các vật dụng y tế do Nga tiếp tế hoàn toàn vô dụng, hoặc không mấy có ích đối với Ý, nói cách khác, vụ chuyển giao hàng tiếp tế chỉ là một cái cớ".

Vẫn theo quan chức này, các vật dụng do Nga cung cấp gồm các đơn vị khử trùng và phòng thí nghiệm, chứ không phải là những thứ mà Ý đang cấp thiết cần tới như máy trợ thở và các thiết bị bảo hộ cá nhân.

Tờ báo của Ý còn cho biết là điều khá lạ lùng là các chuyên gia Nga là do Bộ Quốc phòng, chứ không phải Bộ Y Tế Nga gửi sang giúp nước Ý.

Trong nhóm có nhiều chuyên gia của quân đội về sinh học, hóa học và hạt nhân cao cấp, chứ không phải các nhân viên y tế bình thường mà Ý trông đợi có thể ra tuyến đầu và góp sức với các nhân viên y tế Ý đối phó với khủng hoảng.

Các sĩ quan quân y này đóng tại khu vực Bergamo, nơi Covid-19 hoành hành dữ dội, và cách Vicenza – địa điểm của một căn cứ quân sự lớn của Hoa Kỳ, chưa đầy 2 tiếng đồng hồ.

Sự hiện diện của các chuyên gia quân y Nga tại một nước NATO, nhất là gần một căn cứ không quân Mỹ, gây lo sợ rằng người Nga có thể tận dụng thời gian ở đó để thu thập tin tình báo. Có một số dấu hiệu khả nghi như vào thời gian đội quân y tới Ý, NATO đã phải điều nhiều chiến đấu cơ lên chặn một máy bay quân sự Nga đang lảng vảng gần không phận NATO.

Theo tạp chí Forbes, Moscow đã khai thác những bất cập trong cách đáp ứng của EU trước dịch Covid-19 lúc ban đầu để gây chia rẽ trong liên minh NATO bằng cách phát động một chiến dịch ngoại giao để lấy lòng Ý giữa lúc nước này đang cảm thấy bị EU bỏ mặc để tự xoay sở trước cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất sau Thế chiến thứ hai.

Báo New York Times nói thật trớ trêu là Ý, một trong những nước thành lập NATO và đóng góp nhiều binh sĩ cho các sứ mạng ngoài NATO nhằm răn đe Nga, bây giờ lại chiến đấu chống Covid-19 với sự giúp đỡ của Nga, đối thủ chính của NATO.

Trong lịch sử, các nước Tây phương đã từng dẹp bỏ mâu thuẫn để giúp đỡ đối thủ của mình trước các thảm họa nhân đạo, như gỡ cấm vận để các công ty Mỹ có thể giúp Iran trong trận động đất 2012, Hải quân Hoàng gia Anh giúp tìm tàu ngầm Kursk của Nga bị mất tích cách đây 20 năm, và gần đây nhất, EU và chính phủ Mỹ lập tức gửi hàng tấn thiết bị y tế cho Trung Quốc khi dịch corona bùng phát ở Vũ Hán.

Nhưng cách tiếp cận thiện chí này có lẽ chưa bao giờ có chỗ đứng trong việc hoạch định chính sách của Trung Quốc và Nga. Những phi vụ đội lốt ‘nhân đạo’ của hai nước này luôn phục vụ cho một hay nhiều mục đích mà phía sau là các âm mưu của những thế lực độc tài, đang cố đánh bóng cho bọ mặt tàn ác của nó.

Hải Yến

Nguồn : Thoibao.de, 06/05/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hải Yến
Read 544 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)